Bây Giờ Mới Viết
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thuở Viên Chiếu chị em còn đoanh vây chưa ai đi trụ trì tứ tán, trong lúc lao tác bất giác nghe ai đó hỏi: – “Hỏng biết Viên Chiếu mình ai sẽ là Tổ đầu tiên hén”? Dùng từ “Tổ” cho oai, chứ nói đúng nghĩa thì ai: “Ai sẽ chết trước nhất đây?” nào ai đoán được điều gì sẽ xảy ra. Câu hỏi kia vẫn thuộc diện xa vời. Rừng mới khai hoang, bận rộn tất bật. Cái gì cũng “mới” nên từ “chết” có vẻ cũ kỹ quá. Nó sẽ đến – nhưng dường như chưa phải bây giờ – chúng tôi có sốt bịnh li bì vì chướng khí của rừng, mặc câu: “Mạng người chỉ trong hơi thở…”, lỗ mũi chúng tôi cứ hít thở đều đặn, dễ dàng; dù lân cận quanh đây các thanh niên bị sốt rét cấp tính là lăn ra chết nhấp nháy.
Thêm nữa, vùng đất sau cuộc chiến (dù mới hòa bình) vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có hôm tôi đang bang đất ngoài rẫy đậu (Viên Chiếu 2) thì bỗng nghe tiếng nổ vang, nhìn qua dãy đất bên kia thấy cô gái và con bò máu me dính đầy, nghe nói cô cuốc đất trúng phải đạn. Chúng tôi cuốc đất cũng gặp đạn và lựu đạn hoài, mỗi lần cuốc trúng đạn, tôi luôn thấy chóng mặt. Chị Minh Ánh thì dạn dĩ hơn, cuốc phải quả lựu đạn chưa nổ thì chị bình tĩnh lượm nó để trên gò mối. Hình như lúc tỉa đậu chúng tôi đã chạm trán có đến hai quả lựu đạn như thế này, còn đạn lẻ tẻ thì lác đác, nghĩa là phải luôn đối mặt với nạn tai bất ngờ trong lòng đất. Do việc lao tác không thể ngưng nên chuyện rủi ro may đành phó thác cho số phận. (Dù vậy, chưa ai thương tích nặng hay tính mệnh bị đe dọa trầm trọng gì…)
Vài năm sau, dân số Viên Chiếu tăng đông. Có lẽ chị đến nhập chúng vào thời điểm này. Chùa có nhiều Phước, chị là Huệ Phước. Song hầu như cả chúng đều gọi chị là “Bà Phước”, tiếng gọi thân mật. mộc mạc, xuề xòa. Và khi nào muốn nhằn chị thì cứ nhấn âm tiếng “Bà” cho nặng là đủ. Ở Viên Chiếu chẳng ai kêu nhau bằng bà, ngay cả tôi vốn dị ứng với từ “Bà” vậy mà đôi lần cũng phải gọi chị là “Bà Phước”, chị đón nhận biệt danh chúng cho nghiễm nhiên như đó là tên mình.
Lúc chị mới vào, chị Thủy rỉ tai tôi:
– Con nhỏ đó gan cùng mình. Có lần nó giận ai hay phật ý gì đó, nó dám vô rừng trèo lên cây ngủ ngay cháng ba suốt đêm!
Tôi lén nhìn chị và bật cười. Cảm thấy chị gan thật. Tôi chưa bao giờ phỏng vấn chị về điều này, dù thỉnh thoảng cũng hay châm chọc chị:
– Nè, dòm cái mỏ nhọn hay chu của chị là biết ngay Quảng “Nôm” hay cãi, Quảng Ngãi hay la… Chèn ơi! Sao mà câu ví von đó trúng chóc hả?
Những lúc ấy mắt chị xoe tròn trừng tôi rồi chị phì cười. Dường như trong chúng ít dùng sự dịu dàng cư xử với chị, chị cũng ứng đối tương tự, chủ khách đều bộc bạch thoải mái, không chìu đãi lấy lòng lấy lệ. Có lần tôi nghe cô Tri sự la chị:
– Bà Phước! Làm cho cố! Không biết lượng sức gì hết! Cái lưng bà có đau không hả?
– Đau!
– Ừa! Đang đau mà bưng vác nặng như vậy đó! Tham làm! Ham hố! Cụp cái lưng, gẫy cái lưng luôn thì làm sao?
Chị không trả lời, mắt long lanh dân dấn nước. Cô Tri sự quay đi hậm hực nhưng trong mắt cô đầy vẻ xót xa.
Khi chị làm Tri khố, món sở trường của chị là bánh ú, thịt quay chay. Chị làm bếp rất nhanh, gọn lẹ và ngon lắm. Dạo ấy chùa còn túng thiếu nhiều người chị khéo xoay xở để chúng có được thức ăn ngon. chị đãi thịt quay chay thường xuyên. Cô Trụ trì vốn ăn nói dịu dàng tế nhị mà vẫn “chưởng” chị:
– Bà Phước! Bà mà cho ăn thịt quay riết là tôi.. đập bà đó!
Chị cúi mặt tủm tỉm cười:
Chị làm việc xốc vác siêng năng. Tới giờ tôi vẫn hình dung được dáng chị vác rựa chặt cây ngọt như chặt chuối. Hình như với chị không việc gì là khó cả. Trong mắt tôi chị là anh hùng lao động thầm lặng vì chị làm việc có ý thức trách nhiệm cao, các công tác chị lãnh thường vất vả nặng nhọc đã vậy thường luôn sẵn sàng chan trải đỡ đần cho người.
Hồn thơ trong chị lai láng, chị làm thơ tràng giang và khoái ngâm thơ lắm, đến đỗi chúng phải tặng cho chị biệt danh là “Hoàng Thi Thơ”. Những đêm trăng sáng, xả thiền xong là chị ngồi trên hành lang trước hiên chùa cao hứng ngâm thơ. Chị Hạnh Phước bật cười nói:
– “Bả” ngâm thơ dở khẹt vậy mà cứ ngâm hoài hà!
Bất kể thính giả có hưởng ứng hay không, chị cứ ngâm say sưa chẳng lý gì tới lời chê. Thình lình quay sang thấy tôi đang mỉm cười, cho là đã tìm được “tri âm”, chị liền trút hết cho tôi nghe. Tôi đành ngồi “chịu trận”. Thôi thà để lỗ tai mình bị “tra tấn”, còn hơn là dập tắt cơn hứng chí của chị. Vì vậy mà tôi được chị ngâm thơ cho nghe hoài hoài!
Có lần tôi thấy chị ngồi lộn lại mấy bao thơ cũ, tôi thắc mắc hỏi thì chị đáp:
– Lộn lại vẫn viết gửi đi được, vất bỏ chi cho uổng phí?
Tiết kiệm là đức tính tốt, nhưng liệu.. chị có vì thế mà thành hà khắc khó khăn với người?
Khi chị làm Tri khố, nhìn chị sắp đặt, lo bữa ăn cho chúng, tôi mới hiểu, té ra chị tiết kiểm tuyệt đối cho bản thân nhưng đối với người rất rộng tay hào phóng. Đó là tính chất “khắc kỷ lợi tha” đáng trân trọng. Tôi cũng chưa bao giờ ngỏ lời khen thẳng với chị về những điều mình ngầm ngưỡng mộ, mà có lẽ chị cũng không nhận ra ưu điểm nơi mình (ngoại trừ tài ngâm thơ?).
Khi tôi sửa soạn lên Tùng Lâm nhập thất dưỡng bệnh, chị có nói với tôi:
– Tự dưng em muốn xin chúng nhập thất tu rục quá!
Ai từng tu mà không ước mơ làm chủ được sinh tử? Tôi cảm thông chị và bỗng thấy bùi ngùi. Tôi không ngờ khi tôi đi rồi, chị đi tắm biển và bị chết đuối. Mãi mấy năm sau ra thất tôi mới biết tin. Viên Chiếu đã an táng chị chu đáo, nồng ấm nghĩa tình chị em. Bỗng dưng khi không mà chị thành “Tổ” đầu tiên của Viên Chiếu.
Thường nhật chị sống tốt, còn ôm nỗi khát khao giải quyết sinh tử, mỗi người sinh ra có một kiểu người chết có hàng trăm kiểu khác nhau là lẽ thường, tôi tin chị sẽ có dịp thực hiện tiếp hoài bão của mình.
Mãi tới giờ tôi mới viết những dòng này cho chị thì chị mất đã gần hai mươi năm! Nhưng tôi chẳng ngại vì muộn màng. Dù tôi im lặng hay viết ra thì công hạnh chị lúc nào cũng ngời sáng. Mỗi người là một bản kinh kỳ diệu và tôi xin gởi nét kỳ diệu ấy cho người đọc, để chúng ta cùng tưởng niệm đến chị, một pháp lữ đã từng góp mặt trong thơi gian ngắn ngủi ở cõi phù du này.
(Tặng chị Huệ Phước)
Nếu tôi biết lần gặp nhau hôm ấy
Là chia tay vĩnh viễn, thì này…
Tôi sẽ nện chị đau điếng vào vai
Thay lời tiễn mình… âm dương đôi ngã!
Phật đã bảo xác thân mình là giả
Có mang vào rồi cũng phải cởi ra
Lúc mang thân mình khóa oa oa
Khi cởi trả, có hồn nhiên thư thả…?
Đời không phải trăm năm, hay mấy khắc…
Là giàu sang hay vinh nhục, bần hèn
Sóng cuộn trào trong lòng biển uyên nguyên
Ta gặp mãi, mà luôn quên khuấy mất
Khổ là lúc tâm điên, đấu vật…
Tham sân si bùng nổ chẳng thể dừng
Vui là khi tâm lặng, tĩnh an..
Thắng kịp lúc niệm nổi lên dối gạt
Lối đi về của xác thân dễ thấy
Lối tâm tư đi đứng khó nhìn
Quan trọng gì đâu thân xác hợp tan?
Nếu tâm thức mình luôn tỉnh sáng
Tôi tặng chị mấy giòng thơ lai láng
Ơi hỡi! “Bà Phước” – “Hoàng Thi Thơ”!
Nẻo đi về xin sáng mãi chớ mờ
Dù sống, chết.. xưa nay vẫn vậy!
1983
Vô Thường
Ta cúi lặng tiễn người về đáy mộ
Chợt ngỡ ngàng trong khúc vô thường ca
Dẫu đã biết cung vòng từ thiên cổ
Bước sau cùng… cho kẻ trót sinh ra
Đêm thao thức buồn dâng như sóng vỗ
Thấy chập chùng viễn ảnh còn mờ xa
Hành trang trắng lên đường từ mấy độ
Đời lang thang vẫn cùng tử không nhà
Thôi nhé, người đi… ta tống tiễn
Đốt hương trầm rồi nhìn khói nhẹ lan
Ta ở lại giữa dòng đời hư huyễn
Đốt hương trầm rồi nhìn khói nhẹ lan
Ta ở lại giữa dòng đời hư huyễn
Có vui buồn.. cũng là thoáng mây tan.