Kinh Niệm Phật Ba La Mật – Cẩm Nang Tịnh Độ
Đức Thế Tôn giới thiệu pháp môn Niệm Phật
“Đây thật là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất, mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sanh. Đây thật là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết-bàn tại thế, thành Phật trong một đời.”
Cương lĩnh hành trì pháp môn Niệm Phật
“Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào, đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được Y báo, và Chánh báo của Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh-độ Tây-phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử. Đó gọi là quả vị Bất-thối-chuyển”.
Pháp môn Niệm Phật được Đức Thế Tôn tuyên giảng trong đoạn kinh văn trên đã đúc kết cô đọng phương pháp hành trì của hành giả từ khi phát nguyện đến thâm nhập cảnh giới Niệm Phật Tam muội, tiến trình tu tập hành trì của hành giả theo trình tự:
Phát khởi Tín tâm – Phát nguyện niệm Phật vãng sinh Cực Lạc – Trở thành thiện nhân – Chuyên nhất xưng niệm – Hành trì liên tục không gián đoạn – Chứng Niệm Phật Tam muội – Mười niệm quyết định lúc lâm chung – Vãng sinh Cực Lạc (Đức Phật tiếp dẫn về Tịnh độ Tây phương).
Trong đoạn Kinh văn trên chúng ta không thấy Đức Thế Tôn nói đến hai món tư lương quan trọng của hành giả Tịnh Độ, đó là Tín – Nguyện mà chỉ nhắc đến yếu tố Hạnh và đối tượng niệm Phật là “thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Chúng ta được biết pháp môn Niệm Phật được Đức Phật tuyên giảng với mục đich cứu vớt tất cả các chúng sinh tội khổ, xấu ác thời mạt pháp, vậy chúng ta – những chúng sinh phàm phu thời mạt pháp có đủ tiêu chuẩn là những thiện nam tử, thiện nữ nhân không? Câu trả lời được ngầm chứa trong mối quan hệ nhân-quả giữa chúng sinh phàm phu – thiện nhân. Chúng sinh phàm phu phát khởi Tín tâm và Phát nguyện niệm Phật cầu vãng sinh là nhân và trở thành “thiện nam tử, thiện nữ nhân” là quả. Trong cụm từ “thiện nam tử, thiện nữ nhân” đã hàm chứa cả Tín tâm và Phát nguyện.
1/ Phát khởi Tín tâm-Phát nguyện niệm Phật vãng sinh Cực-Lạc
để trở thành “Thiện nam tử, thiện nữ nhân.”
Hành giả khi phát nguyện niệm Phật vãng sinh Cực Lạc đương nhiên đã có lòng tin vào bản nguyện đại từ, đại bi của Đức Phật A Di Đà, lòng tin vào cõi Cực Lạc Tây Phương, tin vào pháp môn Niệm Phật.
“Tin rằng bản nguyện của Phật A-Di-Đà là chân thật, rốt ráo, là tối thắng. Và Ngài không hề bỏ sót một chúng sanh nào cả, dù kẻ ấy phạm vào ngũ nghịch, thập ác v.v…”
Trong bộ Kinh, Đức Thế Tôn đã xác quyết về Tín tâm như sau:
“Tín Tâm nghĩa là lòng tin chân thật, tha thiết, bền vững. Là nhân tố quyết định thành Phật, là nhân tố quyết định thâm nhập cảnh giới Đại-thừa.”
Như vậy lòng tin (Tín tâm) luôn là yếu tố quyết định tiên quyết trong pháp trì danh niệm Phật,trong việc thâm nhập kho tàng Kinh điển Phật pháp.
“Lòng tin là mẹ đẻ của tất cả công đức vô lậu, lòng tin là cửa ngõ nhiệm mầu đưa chúng sanh về nơi kho báu Phật Pháp.”
Thế nào là thiện nhân? Theo Kinh văn có thể hiểu đó là những người phát khởi Tín tâm, phát nguyện niệm Phật vãng sinh Cực Lạc. Tuy là chúng sinh tội khổ, mê đắm, xấu ácthời mạt pháp nhưng đã quay đầu hồi hướng, khởi lòng tin vào Phật pháp, vào Bản nguyện của Đức A Di Đà, và phát nguyện niệm Phật cầu vãng sinh Cực Lạc, đi khắp ba cõi sáu đường, mười phương pháp giới cứu độ hết thảy chúng sinh.
“Phải nguyện vì hết thảy chúng sanh khắp ba cõi sáu đường mà cầu vãng sanh Cực-Lạc, chóng thành tựu Phật đạo để tế độ quần mê. Tại sao vậy ? Vì muốn có cái quả đức siêu việt tối thượng thì phải phát khởi cái tâm chí quảng đại, dũng mãnh. Người Niệm Phật nếu đem cái tâm thái hời hợt, hẹp hòi, yếu hèn, chỉ riêng vì giải thoát bản thân, thì chẳng bao lâu sẽ chiêu cảm cái quả báo nhỏ bé, nông cạn, tầm thường, không xứng hợp với Bản-hoài chư Phật, chẳng tương ứng cùng Bản-nguyện vĩ đại Bi Trí Viên Mãn của Phật A-Di-Đà. Cho nên khó được tiếp dẫn về nơi cõi nước Tây-phương.”
Khi phát nguyện niệm Phật vãng sinh Cực Lạc, xưng niệm danh hiệu Phật chính là phát Bồ-đề tâm, phát Bồ-đề nguyện. Từ địa vị phàm phu đưa mình thành địa vị thiện nhân, một Bồ-Tát sơ phát tâm, dùng danh hiệu Phật để thâm nhập Như-Lai Tạng-tâm.
“Danh hiệu Phật chính là Bồ-đề-tâm, vì là chủ tể các thiện pháp, và luôn luôn sanh ra tất cả Phật Pháp. Danh hiệu Phật chính là Bồ-đề-nguyện, vì là cửa ngõ xu hướng Vô-thượng-giác, và luôn luôn dẫn dắt chúng sanh tới Nhứt-thiết Chủng-trí.”
2/ Đặt trọn vẹn Tín tâm vào Bản nguyện của Đức Phật A Di Đà
“Có đủ lòng tin”
– Ý nghĩa của “Tín tâm”: lòng tin chân thật, tha thiết, bền vững.
– Ý nghĩa của cụm từ “Có đủ lòng tin”: Có đầy đủ, trọn vẹn tín tâm.
Có lòng tin chưa đủ, trong pháp môn niệm Phật cần phải có “đủ lòng tin” để có thể tin rằng bản nguyện của Đức A Di Đà là chân thật, rốt ráo, tin rằng chỉ cần chuyên nhất trì niệm Danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật có thể thâm nhập Niệm Phật Tam Muội, hiện tiền thấy cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh của cõi Cực Lạc, thấy Đức A Di Đà.
Pháp môn niệm phật là pháp “khó tin, khó hiểu bậc nhất” do đó hành giả cần phải “có đủ lòng tin” để chỉ tu một môn tu duy nhất mà thâm nhập cảnh giới Niệm Phật Tam Muội, chắc chắn được Đức A Di Đà tiếp dẫn vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.
“Đây là pháp khó tin, khó hiểu bậc nhất mà Như-Lai chưa từng nói. Đây là pháp tối thượng Nhứt thừa, chứa đựng vô lượng vô biên ý nghĩa vi diệu mà Như-Lai đợi đến đúng lúc, đúng thời mới ban cho.”
* Ý nghĩa của đoạn Kinh văn “Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào, đủ lòng tin”: đặt trọn vẹn Tín tâm vào Bản nguyện vĩ đại của Đức Phật A Di Đà.
3/ Chuyên nhất xưng niệm
“Chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT”
– Ý nghĩa của cụm từ “Chỉ cần chuyên nhất”: Chỉ cần chuyên tu một pháp môn duy nhất, ở đây là pháp môn niệm danh hiệu Phật, mà không cần tu tập một pháp môn nào khác.
Không phải ai cũng có thể tin được điều khó tin này, chính vì vậy Đức Thế Tôn đã phải nhấn mạnh là cần phải “có đủ lòng tin”.
– Ý nghĩa của “xưng niệm”: Tâm luôn nhớ (niệm) đến Danh hiệu Phật, miệng tụng (xưng) Danh hiệu Phật, tai nghe chăm chú từng câu phát ra từ miệng, từng niệm phát ra từ tâm.
“Người niệm Phật chỉ buộc tâm và ý vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh.”
Trong Kinh từ “xưng niệm” được chính Đức Phật và hai vị Đại Bồ-Tát nhắc lại 27 lần cho thấy đây chính là yếu quyết của pháp môn niệm Phật. Khi Xưng niệm cố gắng nhiếp tâm vào danh hiệu Phật, xoay cái nghe trở vào bên trong, nghe tiếng niệm của tự tánh.
“Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả không để tâm dong ruổi theo thanh trần, mà xoay cái nghe trở vào Chơn-tánh.”
Khi xưng niệm phải phát khởi cái Tâm thái lìa bỏ tất cả.
“Quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết Ta đang niệm Phật.”
“Lìa bỏ luôn cả ý tưởng cầu mong vãng sanh, chí nguyện độ sanh, ý hướng thành Phật mà niệm Phật. Niệm Phật với tâm Xả Ly như thế, mới được gọi là chân chánh niệm Phật.”
– Danh hiệu Phật theo kinh văn là: “danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật”
Trong Bộ Kinh, Đức Thế Tôn đã nhắc đến phương pháp hành trì Pháp môn Niệm Phật, tuy nhiên ở trong hai đoạn kinh văn khác nhau xuất hiện hai cụm từ “chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ” và “chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi”.
“Muốn vãng sanh Cực-Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa.”
– Ý nghĩa cụm từ “Nếu muốn vãng sinh Cực Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ”: Chỉ cần chuyên tu pháp môn niệm Phật là đủ điều kiện vãng sinh. Nếu đã có lòng tin, đã phát nguyện, chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Phật là đủ điều kiện vãng sinh. Đây chính là điều kiện để vãng sinh Cực Lạc
– Ý nghĩa cụm từ “Chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi”: Chỉ cần chuyên tu duy nhất một pháp môn niệm Phật, không gián đoạn và liên tục để đạt Niệm Phật Tam muội, vãng sinh với phẩm vị cao. Đây chính là điều kiện để vãng sinh Cực Lạc với phẩm vị cao.
Cụm từ “chuyên nhất xưng niệm” do chính Đức Thích Ca Mâu Ni lần đầu nói trong Kinh văn khẳng định phương pháp hành trì: chỉ cần chuyên tu một pháp môn duy nhất. Sau đó cụm từ này được Bồ-Tát Phổ Hiền và Bồ-Tát Quán Thế Âm nhiều lần nhắc lại với các cách nói khác như “nhất tâm xưng niệm”, “chuyên tâm xưng niệm” nhưng cùng mộtý nghĩa với cụm từ “chuyên nhất xưng niệm”. Theo kinh văn, “nhất tâm xưng niệm”, “chuyên tâm xưng niệm” cũng có nghĩa như “chuyên nhất xưng niệm”.
+ Nhất tâm xưng niệm (một lòng xưng niệm) cũng có thể hiểu là “Chuyên nhất xưng niệm”.
Cụm từ “nhất tâm xưng niệm” ở đây không cùng ý nghĩa với cụm từ “nhất tâm bất loạn”, chỉ
cảnh giới của hành giả đã đạt Niệm Phật Tam muội. Trong phẩm thứ tư, Bồ-Tát Phổ Hiển dạy rằng: “chúng sanh nào nhất tâm xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật”, Trong phẩm thứ sáu, Bồ-Tát Quán Thế Âm dạy rằng: “…bất cứ chúng sanh nào, hễ nhất tâm xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, dù chỉ một câu duy nhất, thì sẽ xuất sanh những món năng lực bất tư nghị”.
+ Chuyên tâm xưng niệm cũng có ý nghĩa như “Chuyên nhất xưng niệm”. Trong phẩm thứ năm, Bồ-Tát Quán Thế Âm dạy rằng: “Thật vậy, nhờ chuyên tâm xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật mà hành giả tuần tự chuyển Thức thành Trí.”
* Ý nghĩa của đoạn Kinh văn “chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật”: Tâm chỉ (một lòng) nhớ (niệm) đến danh hiệu Phật, miệng chỉ tụng (xưng) danh hiệu Phật, tai nghe chăm chú từng câu phát ra từ miệng, từng niệm phát ra từ tâm.
4/ Hành trì liên tục, không gián đoạn
“Suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi”
– Ý nghĩa cụm từ “Suốt cả sáu thời trong ngày”: Liên tục, không gián đoạn trong thời gian một ngày
– Ý nghĩa cụm từ “Suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi”: Liên tục, không gián đoạn trong thời gian một ngày và cho đến lúc lâm chung.
Đây chính là “chấp trì danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, trọn đời nhất tâm xưng niệm” mà Đức Quán Thế Âm Bồ-Tát đã dạy trong kinh bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng chung một ý nghĩa:
“trọn đời nhất tâm xưng niệm không chán mỏi;
siêng năng xưng niệm chẳng lười mỏi, chẳng lui sụt;
thường xuyên xưng niệm thiết tha, hân ngưỡng;
kiên trì, dũng mãnh, xưng niệm như mũi tên bắn thẳng tới đích nhắm
khẩn thiết, chí thành xưng niệm Nam-mô A-D-Đà Phật, không xao lãng;
chuyên tâm trì niệm dẫu chỉ một ngày cho tới bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày;
hoan hỷ xưng tán hoặc cung kính chấp trì;
tùy thuận khế kinh mà xưng niệm;
thậm thâm tin hiểu, hoan hỷ thọ trì danh hiệu;
nhất tâm xưng niệm;
tín thọ chấp trì, niệm niệm nối nhau không gián đoạn;
luôn tinh tấn xưng niệm;
một ngày, hoặc bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày. Liên tục như vậy, trọn đời không mỏi nhọc”
5/ Niệm Phật Tam muội
“Hiện tiền chiêu cảm được y báo chánh báo”
Khi hành giả thâm nhập cảnh giới Niệm phật Tam muội sẽ chiêu cảm được y báo, chánh báo của Đức A Di Đà, thấy cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm, thanh tịnh.
Hai phương pháp đạt niệm Phật tam muội: Đề khởi mười tâm thù thắng niệm Phật hoặc đặt trọn tín tâm vào Bản nguyện của Đức A Di Đà và cả đời chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Phật.
“Người tu môn niệm Phật thì phải đề khởi mười thứ tâm thù thắng, mới nhanh chóng thâm nhập Niệm Phật Tam-muội, hiện bày cảnh giới Cực-Lạc. Hoặc ngược lại, người đặt trọn tín tâm nơi Bản-nguyện và cả đời chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Phật, thì dần dần đi vào Niệm Phật Tam-muội, tự nhiên thành tựu mười thứ tâm thù thắng nói trên.”
Do công đức xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả thâm nhập Niệm Phật Tam-muội, chiêu cảm được y báo, chánh báo của Đức A Di Đà, hiện bày cảnh giới Cực-Lạc.
6/ Mười niệm quyết định vãng sinh
“Lúc lâm chung cố giữ mười niệm tiếp nối liền nhau”
Hành giả từ khi phát tâm cho đến lúc lâm chung xưng niệm Danh hiệu A Di Đà Phật liên tục không gián đoạn, hiện tiền chiêu cảm được Y báo, chánh báo của Đức A Di Đà, lúc lâm chung giữ được mười niệm tiếp nối liền nhau sẽ nhập Phổ đẳng Tam muội (Niệm Phật Tam muội) được Phật tiếp dẫn vãng sinh Cực Lạc.
“Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của Đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh-độ Tây-phương.”
– Ý nghĩa của “Mười niệm”: Mười niệm xuất phát từ Tâm, dùng tâm niệm mười lần danh hiệu Phật.
– Ý nghĩa cụm từ “tiếp nối liền nhau”: Liên tục, không xen tạp, không gián đoạn.
* Ý nghĩa của đoạn Kinh văn “Cố giữ mười niệm tiếp nối liền nhau”: Giữ cho Tâmniệm mười lần danh hiệu Phật liên tục, không xen tạp, không gián đoạn.
7/ Vãng sinh Cực-lạc
“Được Phật tiếp dẫn về Tịnh-độ Tây-phương”
*Phương pháp hành trì pháp môn Niệm Phật Tam muội: Đặt trọn vẹn lòng tin vào bản nguyện của Đức A Di Đà, phát nguyện vãng sinh Cực Lạc, tâm chỉ (một lòng) nhớ (niệm) đến danh hiệu Phật, miệng chỉ tụng (xưng) danh hiệu Phật liên tục không gián đoạn (đến trọn đời), tai nghe chăm chú từng câu phát ra từ miệng, từng niệm phát ra từ tâm.
Lúc lâm chung giữ cho Tâm niệm mười lần danh hiệu Phật liên tục, không xen tạp, không gián đoạn.
8/ Mười tâm thù thắng
Muốn niệm Phật đúng pháp và tự biết mình chắc chắn vãng sanh, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây:
Tín Tâm: “Tín Tâm nghĩa là lòng tin chân thật, tha thiết, bền vững. Là nhân tố quyết định thành Phật, là nhân tố quyết định thâm nhập cảnh giới Đại-thừa.”
Thâm Trọng Tâm: “Đem tấm lòng sâu xa và cẩn trọng mà cảm mộ ân đức của Tam-Bảo, tưởng nhớ công lao của cha mẹ, thiện-tri-thức và của hết thảy chúng sanh.”
Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm: “Nguyện vì hết thảy chúng sanh khắp ba cõi sáu đường mà cầu vãng sanh Cực-Lạc, chóng thành tựu Phật đạo để tế độ quần mê.”
“Người Niệm Phật còn phải đem tất cả công đức thực hành Sáu Ba-la-mật, Bốn Nhiếp-pháp, Bốn Vô-lượng-tâm hoặc Ba mươi bảy Phẩm-trợ-đạo … mà hồi hướng khắp anh em, cha mẹ, bằng hữu, chư thiên, chư tiên, bốn loại chúng sanh kẻ oán người thân đều được an trụ trong hồng danh Nam-mô A-Di-Đà Phật.”
Xả Ly Tâm: “Người niệm Phật chỉ buộc tâm và ý vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh. Quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết Ta đang niệm Phật.”
An Ồn Tâm: “Người Niệm Phật trong khi xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật phải phát khởi tâm chí bất động, kiên cố, không thoát chuyển.”
Đà Ra Ni Tâm: “Người Niệm Phật phải phát khởi tâm chí nắm giữ tất cả các thiện pháp, đồng thời che lấp tất cả các ác pháp.”
Hộ Giới Tâm: “Người Niệm Phật phải luôn luôn an trụ nơi giới luật, và hằng phát tâm hộ trì giới luật.”
Ba La Mật Tâm: “Người niệm Phật phải phát động tâm chí tu trì những thứ Ba-la-mật sau đây: Thí Ba-la-mật; Giới Ba-la-mật; Nhẫn Ba-la-mật; Tinh-tấn Ba-la-mật; Thiền-định Ba-la-mật; Bát-nhã Ba-la-mật; Tín Ba-la-mật; Nguyện Ba-la-mật; Lực Ba-la-mật; Pháp Ba-la-mật.”
Bình Đẳng Tâm: “Người niệm Phật phải luôn luôn thực hiện tâm thái bình đẳng, không phân biệt, không ngăn ngại.”
Phổ Hiền Tâm: “Phổ Hiền Tâm là tâm rộng lớn như hư không, luôn mong cầu độ thoát hết thảy chúng sanh.”
9/ Tâm phiền não vọng tưởng – tâm thanh tịnh khi xưng niệm
Chúng sinh phàm phu thời mạt pháp với ngã chấp sâu dày, tà kiến tàn lan, nhờ chí thành xưng niệm danh hiệu Phật, uy lực bất khả tư nghị của Danh hiệu khiến cho Tâm-thể thanh tịnh. Chẳng phải đợi đến lúc tâm thanh tịnh mới niệm Phật, đây là một điều cốt yếu đánh tan mọi băn khoăn đắn đo của những người sơ cơ trong bước đầu tu tập.
“Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm-thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ-phần Pháp-thân, âm thầm ứng hợp với BI TRÍ TRANG NGHIÊM của Phật.”
Đức Thế Tôn tuyên giảng Pháp môn niệm Phật để cứu độ hết thẩy chúng sinh thời mạt pháp, tâm si mê điên đảo, phiền não, vọng tưởng. Đây chính là pháp môn dành cho những người như chúng ta, tuy dùng tâm phiền não, vọng tưởng, ngã chấp, ngã kiến niệm Phật nhưng nếu chuyên tâm, cần mẫn xưng niệm Danh hiệu, nhờ năng lực vô biên, trí giả siêu việt của danh hiệu Phật mà phiền não trở thành bồ đề, ngã chấp ngã kiến rơi rụng.
“Nếu muốn gạn lọc ngã kiến, ngã chấp, thì không chi hơn là phát huy năng lực vô biên của danh hiệu Phật. Thật vậy, nhờ chuyên tâm xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật mà hành giả tuần tự chuyển Thức thành Trí. Ngã chấp tự nhiên rơi rụng, ngã kiến tự nhiên tan mất như bong bóng nước dưới ánh mặt trời.”
“Muốn tận trừ phiền não, thì không chi hơn là phát huy năng lực Trí giả siêu việt của danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Thật vậy nhờ cần mẫn xưng niệm Phật hiệu mà hành giả hiện bày Tự Tâm Quang Minh Hiện Lương, chuyển phiền não dữ dội ấy trở thành Bồ-đề thật tướng, đưa hành giả thẳng vào cảnh giới Thánh Tri Tự Chứng.”
10/ Xưng tán Danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật
“Pháp Niệm Phật Tam-muội lại là pháp thành Phật, là pháp chứng Vô-thượng-giác, là pháp thâm nhập cảnh giới bất tư nghị của chư Phật, là pháp mở bày tỏ ngộ Tri Kiến Như-Lai, là pháp cứu độ tất cả mọi chúng sanh.”
“Lại nữa trong quá khứ vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nhẫn lại đến nay, chư Phật cũng chỉ dùng một pháp Niệm Phật nầy để độ khắp chúng sanh. Trong hiện tại cũng có vô lượng vô biên hằng hà sa chư Phật ở mười phương cũng đang thuyết giảng giáo nghĩa Niệm Phật nầy để rộng cứu vớt chúng sanh. Trong đời vị lai, tất cả chư Phật nếu muốn cứu vớt hết mọi chúng sanh, thì cũng phải do nơi pháp Niệm Phật này. Do đó mà Như-Lai bảo rằng Niệm Phật là vua của tất cả các Pháp.”
“Danh hiệu Phật chứa đựng vô lượng vô biên công đức của hết thảy Phật pháp, khai vô lượng vô biên diệu dụng, hiển thị vô lượng vô biên uy lực, giải ngộ vô lượng tri kiến giải thoát, siêu việt mọi tư duy, ngôn từ.”
11/ VÃNG SINH – THÀNH PHẬT
“Bởi vậy mà Ta, Thích-Ca Mâu-Ni Thế-Tôn hôm nay trân trọng xác quyết rằng : VÃNG SANH ĐỔNG Ý NGHĨA VỚI THÀNH PHẬT, VÌ VÃNG SANH TỨC LÀ THÀNH PHẬT.
Muốn vãng sanh Cực-Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên diệu dụng, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực … không thể nghĩ bàn”.
12/ ĐỨC THẾ TÔN PHÓ CHÚC
“Trong thời Mạt-pháp, các kinh điển Đại-thừa đều diệt tận. Nơi cõi Nam Diêm-phù-đề nầy chỉ có kinh này tồn tại. Đức Phật A-Di-Đà cùng Ta, đều rộng lòng từ bi mà lưu trụ kinh này thêm mười năm nữa. Hai vị Đại Bồ-Tát Quán-Thế-Âm và Phổ-Hiền đồng phát nguyện thủ hộ kinh nầy, và che chở những người niệm Phật, khiến những kẻ chống trái và các ác ma không thể làm nhiễu loạn bức hại được.”
“Nầy đại chúng ! Nơi thời kỳ Chánh pháp cuối cùng, hoặc về sau nữa, nếu có người nào tin nhận, ghi nhớ rõ ràng nghĩa thú của Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nầy, rồi nương theo đó xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Dẫu một niệm, hai niệm, cho tới mười niệm hoặc nhiều lần của mười niệm thì các ngươi phải biết người ấy chắc chắn được Phật thọ ký, hiển phát năng lực của tánh không, tỏ ngộ tri kiến Như-Lai, và bước thẳng vào cảnh giới Thánh Trí tự chứng.”
“Nầy đại chúng, nên biết rằng, vô lượng vô biên muôn ức na do tha vi trần số Hóa thân và Ta khắp tất cả quốc độ trong mười phương, cũng đều giảng nói KINH NIỆM PHẬT BA-LA-MẬT, cũng đều khuyến phát chúng sanh siêng năng niệm Phật. Tất cả chư Phật phân thân của Ta luôn luôn phóng đại quang minh nhiếp thọ và thủ hộ những chúng sanh niệm Phật, không bỏ rời.”