Thệ Nguyện Chứng Nghiệm Giáo Pháp
Hỏi: Đã niệm Phật A Di Đà chắc sanh Tịnh độ, chắc được vô lượng công đức, không biết có gì chứng nghiệm, làm tăng trưởng lòng tin chăng?
Đáp: Có đại chứng nghiệm. Kinh A Di Đà nói: “Chư Phật trong 6 phương hằng hà sa số hiện tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới mà nói lời thành thật, không dối chúng sanh, khuyên phải tin Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã nói, niệm Phật được vô lượng công đức, một ngày đến 7 ngày xưng danh hiệu Phật A Di Đà, chắc được vãng sanh Tịnh độ. Bất cứ người nào nói lời dạy này mà không được vãng sanh Tịnh độ, là lời nói dối, lưỡi họ sẽ bị hư hoại, không thể vào miệng. Đây là sáu phương Chư Phật lấy bản nguyện làm bằng chứng.
Kinh Đại Bảo Tích nói: Khi Phật A Di Đà lúc còn là Tỳ Kheo Pháp Tạng đã phát 48 nguyện lớn. Trong ấy nói: “Khi tôi thành Phật nhơn thiên trong 10 phương nghe danh tự tôi mà không được quả vị Bồ Tát vô sanh Pháp nhẫn, các pháp Tổng trì thì tôi không ở ngôi chánh giác.” Sanh về quốc độ tôi không được 32 tướng tốt thì tôi không ở ngôi chánh giác. Người niệm mười niệm thành tựu không được sanh về nước tôi thì tôi không ở ngôi Chánh Giác. Người sanh về nước tôi nếu còn bị đọa vào địa ngục và 3 đường dữ thì tôi không ở ngôi chánh giác. Người nào sanh về nước tôi mà hình mạo không đồng nhất, có tốt xấu, thì tôi không ở ngôi chánh giác. Người sanh về nước tôi, nếu không được thiên nhãn, thiên nhĩ, lục thông tự tại, thời tôi không ở ngôi chánh giác. Chúng sanh mười phương xưng niệm danh tự tôi, không được Chư Phật trong 10 phương khen ngợi tên tôi, thời tôi không ở ngôi chánh giác. Nếu người nữ chán nhàm nữ thân, nguyện sanh về nước tôi, khi lâm chung không chuyển nữ thân thành nam tử, lại thọ nữ thân, thời tôi không ở ngôi chánh giác. Nói chánh giác chính là chỉ quả vô thượng Bồ Đề. Nếu tất cả chúng sanh nương theo nguyện lực của tôi không được những quả báo như đã kể trên, thời tôi không chứng vô thượng Bồ Đề, nếu có lời gì dối trá chúng sanh, tôi thề sẽ ở trong ác đạo, không được vô thượng Bồ Đề. Đây là chỗ lập nguyện của Phật A Di Đà. Kinh A Di Đà nói: “Đức Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã hơn mười kiếp.” Phật A Di Đà đã thành Phật lời nguyện đã tròn, người niệm Phật chắc được vãng sanh.
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trong Kinh A Di Đà nói người chuyên niệm Danh hiệu cũng là một việc khó, ta thực hành pháp niệm Phật này được vô thượng Bồ Đề. Kinh Pháp Hoa Đức Phật nói: “Ta vốn lập thệ nguyện muốn tất cả chúng sanh giống như ta không khác, như trước kia ta đã nguyện, nay đã đầy đủ hạnh nguyện độ tất cả chúng sanh, đều làm cho vào cõi Phật. Đó là điều lập nguyện của Phật Thích Ca.”
Kinh Quan Âm nói: “Thệ lớn sâu như bể, nhiều kiếp không nghĩ bàn, hầu nhiều ngàn ức Phật, phát nguyện thanh tịnh lớn.” Đây là chỗ phát nguyện của Đức Quan Thế Âm. Ngày xưa A Xà Lê Thiện Đạo ở trong chùa Tây Kinh cùng Pháp sư Kim Cang so sánh pháp môn Niệm Phật hơn kém. Ngài lên trên tòa cao liền phát nguyện: “Căn cứ vào các Kinh Thế Tôn đã nói về pháp môn Niệm Phật được sanh về Tịnh độ. Niệm một ngày cho đến 7 ngày, một niệm cho đến 10 niệm được sanh về Tịnh độ. Đây là lời chơn thật không dối gạt chúng sanh thì xin hai tượng trong Phật đường này đều phóng hào quang. Nếu pháp Niệm Phật này người niệm không được vãng sanh Tịnh độ, dối gạt chúng sanh, thì khiến Thiện Đạo này ở trên tòa cao rớt xuống, bị đọa vào Đại Địa ngục, chịu khổ thời gian dài vĩnh viễn không bao giờ ra khỏi. Nguyện xong ngài cầm cây gậy Như ý chỉ vào trong Phật đường, hai tượng liền phóng hào quang. Đây là lập nguyện của Xà Lê Thiện Đạo.
Đại Hạnh Hòa Thượng nói: “Nếu có người y theo Kinh A Di Đà, niệm Phật không giữ tướng ngạo, lòng chỉ tin Phật, miệng chỉ xưng danh hiệu Phật, thân chỉ kỉnh lễ Phật, có việc không vừa lòng liền nhẫn nhục, mặc áo thô rách, ăn cơm thô sơ, hiếu nghĩa và nhơn từ, chuyên tâm niệm Phật, gặp duyên chẳng lui sụt, đến chết niệm Phật không thay đổi, những tạp thiện và tội ác đều không làm, chuyên tâm niệm Phật, người được như vậy, nếu y kinh niệm Phật, không sanh tịnh độ, niệm một câu Phật không diệt tội 80 ức kiếp sanh tử, không được 80 ức kiếp vi diệu công đức; mê hoặc chúng sanh, Đại Hạnh nguyện sẽ bị quả báo, sáu căn tan biến, toàn thân ghẻ lở ai cũng đều thấy, khổ đau không kể xiết, tương lai vào thẳng Địa ngục, không có ngày ra. Đây là thệ nguyện của Hòa Thượng Đại Hạnh.
Thệ nguyện như những xe báu để chở những vật quí giá để dâng tặng quốc vương. Xe chở vật báu cần phải có đủ tư dây kiên cố mới có thể đến kinh đô khỏi mất vật quí giá và khỏi bị ngã nghiêng làm hư hại, khi đến nhà vua an toàn sẽ được phong quan chức. Niệm Phật cũng thế, cần phải có thệ nguyện trước tiên mới thành tựu được công đức niệm Phật, thẳng đến tịnh độ, mau chứng Bồ Đề. Nếu người không nguyện mà tu hành, thì không thể được thành tựu. Nên Kinh A Di Đà nói: “Nếu người có lòng tin, cần phải phát nguyện, nguyện sanh về nước kia.”
Trích Niệm Phật Kính
Tuyển tập: Đại Sư Đạo Cảnh và Đại Sư Thiện Đạo