NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ X
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời cư sĩ X…
Dịch vốn do thánh nhân xem xét hình tượng rồi lập pháp nhằm dạy cho con người cái đạo làm sáng tỏ minh đức, tân dân[1], chứ chẳng phải chỉ nhằm để bói tốt xấu mà thôi! Người đời sau học đến, bỏ gốc theo ngọn, Dịch trở thành một nghề khéo, đáng buồn làm sao! Thử xem phần Đại Tượng của mỗi Quái (quẻ), lời lẽ thiết thực, tường tận, rõ ràng. Như quẻ Càn thì nói: “Thiên Hành Kiện, quân tử gắng sức không ngơi”. Quẻ Khôn thì là: “Địa Thế Khôn, quân tử dùng đức dầy để chở vật”. Từ những Đại Tượng của sáu mươi bốn quẻ[2], chép thành một bức, có thể dùng làm tiêu chuẩn để lập thân hành đạo. Do những điều ấy có thể kế tục quá khứ, mở mang tương lai, há phải đâu cứ khăng khăng biến Dịch thành một nghệ thuật đoán số mạng hòng cầu cơm áo mà thôi? Nếu thấy lời tôi chẳng đủ để thuyết phục, xin hãy thử đọc kỹ phần Đại Tượng của mỗi quẻ, ắt sẽ tự biết, huống hồ toàn văn của mỗi quẻ và toàn văn của cả bộ Dịch vậy! Dịch chính là cội nguồn của thánh đạo, vì thế Khổng Tử đọc kinh Dịch đến nỗi ba lần đứt lề sách, đến tuổi bảy mươi còn mong trời cho sống thêm vài năm để học Dịch hòng tránh được lỗi lớn. Tự gắng sức không ngơi, dùng đức dầy chở vật là như thế nào vậy? Xin hãy suy nghĩ cặn kẽ, sâu xa thì may mắn lắm thay!
***
[1] Tân dân: Tuy mặt chữ viết là thân dân (親民) nhưng phải đọc là “tân dân”, vì thời cổ Tân 新 và Thân 親dùng lẫn nhau. Thông thường, “tân dân” được hiểu là làm cho dân bỏ cũ đổi mới, tức là bỏ điều ác hướng đến cái thiện.
[2] Quẻ (Quái): Kinh Dịch dùng một vạch liền tượng trưng cho Dương, một vạch đứt tượng trưng cho Âm (Âm và Dương gọi là Lưỡng Nghi). Chồng hai vạch lên nhau, ta có được bốn tượng (hai vạch liền, đứt trên liền dưới, hai vạch đứt, liền trên đứt dưới) đặt tên là Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm (gọi chung là Tứ Tượng). Chồng mỗi vạch Âm hay Dương lên bốn quẻ này ta có được tám quẻ (gọi là Bát Quái). Lần lượt chồng tám quẻ ấy lên nhau, ta có được sáu mươi bốn quẻ kép. Chẳng hạn như quẻ Càn trên, quẻ Khôn dưới thì gọi là Thiên Địa Bỉ. Đối với mỗi quẻ, lại có lời giải thích ý nghĩa của từng quẻ, thường gọi chung là các “đại tượng”.