NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Đinh Phước Bảo Luận Về Chuyện Tý Hương
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo luận về chuyện tý hương

Tý hương là đốt hương trên cánh tay. Linh Phong lão nhân (tổ Ngẫu Ích) mỗi ngày trì hai kinh Lăng Nghiêm và Phạm Võng, vì thế từng đốt hương nhiều lần. Ấy là vì hết thảy chúng sanh không ai chẳng yêu tiếc thân mình, quý báu gìn giữ thân mình, lại giết thân kẻ khác, ăn thịt, tâm càng vui sướng. Đối với chính mình, muỗi đốt, gai đâm liền cảm thấy khó thể chịu đựng được. Trong các kinh Đại Thừa như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Phạm Võng… đức Như Lai xưng tán khổ hạnh, dạy đốt thân, đốt cánh tay hay ngón tay cúng dường chư Phật nhằm đối trị tâm tham và tâm yêu tiếc bảo trọng tự thân. Trong sáu Ba La Mật, cách này thuộc về Bố Thí Độ vì bố thí có nội -ngoại bất đồng. Ngoại là quốc thành, vợ con; nội là đầu, mắt, tủy, não.

Thắp hương đốt thân đều gọi là Xả, cần phải chí thành, khẩn thiết, ngưỡng mong Tam Bảo gia bị, chỉ mong mình lẫn người nghiệp tiêu huệ rạng, tội diệt phước tăng (Nói “mình lẫn người” nghĩa là dù thật sự vì mình, nhưng lại nên đem công đức này hồi hướng pháp giới chúng sanh, nên nói là “mình lẫn người”). Tâm trọn chẳng mảy may vì cầu tiếng tăm và cầu phước lạc nhân thiên thế gian, chỉ vì thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh mà hành thì công đức vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn. Ấy gọi là “tam luân thể không, tứ hoằng phổ nhiếp”[1]. Công đức do tâm nguyện nên rộng lớn, quả báo do tâm nguyện nên nhanh chóng đạt được. Nếu vì tâm chuộng hư danh, hoặc mong cầu chấp trước rồi bắt chước [thực hiện] cái hạnh trừ chấp trước thì đừng nói là đốt tý hương, dẫu có đốt sạch toàn thân cũng chỉ là khổ hạnh vô ích!

Do tâm chấp trước, ý niệm cầu danh dự nên đã không hiểu nổi ý chỉ tam luân thể không, mà cũng chẳng có cái tâm tứ hoằng phổ nhiếp. Biến pháp phá trừ Thân Kiến của Như Lai thành tăng Thân Kiến[2] thêm kiên cố. Tội phước do tâm phân định. Quả báo do tâm mà khác! Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Ngưu ẩm thủy thành nhũ, xà ẩm thủy thành độc. Trí học chứng Niết Bàn, ngu học tăng sanh tử” (Bò uống nước thành sữa, rắn uống nước thành nọc. Trí học chứng Niết Bàn, ngu học thêm sanh tử).

***

[1] Tam luân thể không, tứ hoằng phổ nhiếp: Tam luân thể không là người thí, người nhận, vật được thí thể đều không; tứ hoằng phổ nhiếp là bao gồm trọn vẹn bốn Hoằng Thệ Nguyện.

[2] Thân kiến: chấp thân này thật có.