TRÁI TIM RỘNG MỞ
THỰC TẬP BI MẪN TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Nguyên bản: An Open Heart: Practicing Compassion in Everyday Life
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Thông dịch: Thupten Jinpa
Biên tập và nhuận sắc: Nicolas Vreeland
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
LỜI BẠT
Của Khyongla Rato và Richard Gere
Vào tháng Tám năm 1991 Trung Tâm Tây Tạng và Tổ Chức Gere vô cùng danh dự đứng ra tổ chức hai tuần giảng dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở New York City. Những buổi giảng dạy đã diễn ra tại Madison Square Garden và dẫn đến lễ quán đảnh Kalachakra – Mật Pháp Thời Luân, một trong những nghi lễ quan trọng nhất của Phật Giáo Tây Tạng.
Kalachakra có nghĩa là “bánh xe thời gian” (Thời Luân). Bánh xe thời gian đã luôn chuyển vận, và trong khi ở Ấn Độ vào mùa xuân 1997, chúng tôi đã cung thỉnh Đức Thánh Thiện trở lại New York nhằm để kỷ niệm lễ quán đảnh năm 1991. Đức Thánh Thiện đã nhận lời ngay lập tức, và một thời gian được quyết định cho sự viếng thăm của ngài, mặc dù không có chủ đề đặc biệt được chọn lựa cho sự giảng dạy của ngài.
Sau này chúng tôi đã gặp Đức Thánh Thiện một lần nữa một năm sau đó. Vào lúc này, có một thảo luận quan trọng về chủ đề ngài sẽ phát biểu. Khởi đầu chúng tôi đã cung thỉnh ngài dạy về tánh không, chủ đề thậm thâm nhất và thách thức nhất trong triết lý Phật Giáo. Tuy nhiên, sau khi quán sát sâu hơn, chúng tôi cảm thấy rằng sẽ lợi ích hơn trong việc chọn lựa một giáo huấn phổ thông hơn, một giáo huấn cung ứng một cái nhìn tổng thể về con đường Đạo Phật nhưng cũng chứng tỏ dễ hiểu cho những thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Cảm nhận rằng người nghe sẽ lợi ích từ giáo huấn lối sống của Bồ tát, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chọn lựa phối hợp Những Giai Tầng Thiền Quán của Liên Hoa Giới và Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo của Togmay Sangpo.
Ba ngày giảng dạy đã được diễn ra ở Hí Viện Beacon ở Upper West Side của Mahattan, trước ba nghìn người. Từ lòng tôn kính giáo lý mà ngài truyền đạt, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thuyết giảng giáo huấn từ một bảo tòa. Nhiều người nghe đã đảnh lễ theo truyền thống và cúng dường tượng trưng như một phần của nghi thức khuyến thỉnh cho sự giảng dạy. Theo sau ba ngày giảng ở Hí Viện Beacon, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban bố những buổi giảng công cộng ít nghi thức hơn ở Central Park. Việc tổ chức sự kiện này chúng tỏ một việc làm táo bạo liên hệ sự hợp tác của vô số nhân viên và cơ quan của các thành phố, tiểu bang, và liên bang. Hàng trăm tình nguyện viên đã làm việc quên mình.
Cuối cùng, buổi sáng Chúa Nhật buổi thuyết giảng đã đến. Chúng tôi nói đúng hơn là lái xe một cách băn khoăn đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma từ khách sạn của ngài đến East Meadow, gần bên đường Số 5 và đường 98, nơi ngài sẽ đi vào Central Park. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi số người nghe được tiên liệu là bao nhiêu. Chúng tôi nói với ngài rằng chúng tôi sẽ vui mừng với khoảng mười lăm đến hai mươi nghìn người, nhưng thật sự chúng tôi không biết. Khi chúng tôi lên đến đường Madison, chúng tôi cố gắng nhìn bên đường để thấy có dấu hiệu gì của người đi giảng không. Khi chúng tôi đến đường 86, chúng tôi bắt đầu thấy người ta đông đầy trên lề đường, và mọi người đang đi đến Central Park.
Chúng tôi đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma đến chiếc lều phía sau khán đài và đi đến nhìn lén qua tấm màn. Chúng tôi đã choáng ngợp khi thấy toàn bộ East Meadow đã tràn ngập quá sức chứa. Thật là một khung cảnh tuyệt đẹp và cảm động. Sau này chúng tôi được biết là hơn hai trăm nghìn người đã tập họp một cách hòa bình ở đấy. Cả khu vực tràn đầy sự gia hộ. Cơn mưa rơi lúc sớm đã chấm dứt. Với một hệ thống âm thanh đồ sộ và hiệu thính viên video đã sẳn sàng phóng chiếu những lời giảng dạy của ngài đến đám đông vĩ đại. Đức Thánh Thiện đã bước ra khán đài được trang trí với những bông hoa và một chiếc gỗ được đặt ở chính giữa.
Đức Thánh Thiện đã chọn nói Anh văn. Qua phong cách giản dị ngài đã truyền cảm hứng đến tất cả mọi người hiện diện dấn thân trong những cung cách đức hạnh. Chắc chắn, nhiều người hiện diện đã phát tâm bồ đề, ngưỡng mộ đạt đến giác ngộ hoàn toàn nhằm để hổ trợ người khác. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng khi trở lại nhà, tất những người tham dự chia sẻ kinh nghiệm với gia đình và thân hữu, nhờ thế truyền cảm hứng thậm chí nhiều tư tưởng và hành vi đức hạnh hơn. Những người khác đọc biết về sự kiện này hay xem trên truyền hình. Kết quả hàng triệu người phát sinh những tư tưởng tốt lành như một kết quả của buổi sáng hôm ấy ở Central Park.
Theo niềm tin Phật Giáo, vô số Đức Phật và Bồ tát chứng minh những tư tưởng đức hạnh được phát sinh bởi những người tụ tập tại Central Park. Chúng tôi tin rằng chư Phật và Bồ tát trong mười phương sau đó sẽ chúc nguyện rằng những tư tưởng thánh thiện này không bị tan biến và tất cả những người này sẽ tiến bộ trên con đường tâm linh của họ.
Khi Đức Thánh Thiện hoàn tất giảng dạy, chúng tôi cầu nguyện rằng, như một kết quả tích tập đạo đức qua sự kiện này, Ngài Di Lặc, Đức Phật tương lai, sẽ hạ sanh và biểu hiện việc đạt đến giác ngộ của Ngài, rằng tri thức của mọi người hiện diện sẽ rộ nở trong tuệ trí và rằng tất cả những nhu cầu của họ sẽ được toại nguyện. Chúng tôi nguyện cầu rằng Đức Di Lặc sẽ vô cùng vui lòng, ngài sẽ đặt bàn tay phải trên đầu[1] của mỗi người và thọ ký cho việc đạt đến giác ngộ vô thượng của người ấy.
Khi chúng tôi lái xe khỏi Central Park, Đức Thánh Thiện cảm ơn chúng tôi cho việc tổ chức nên sự kiện này, và đáp lại chúng tôi cũng bày tỏ sự biết ơn của chúng tôi đối với ngài. Ngài đã một lần chia sẻ với chúng tôi vấn đề ngài đã cảm thấy cô đơn như thế nào khi lần đầu tiên đào thoát lưu vong sang Ấn Độ năm 1959 – một người tị nạn, gần như không có bạn hữu, quê hương thì bị quân Trung Cộng chiếm đóng và đồng bào ngài bị đối xử một cách tàn nhẫn bởi một toan tính diệt chủng có hệ thống. Bây giờ, sau hơn bốn mươi năm sau, qua không gì hơn những lời chân thật giản dị của ngài và chí nguyện hoàn toàn từ trái tim thánh thiện của ngài, ngài đã có những người bạn chân thành ở khắp nơi.
Chủ đề nói chuyện của ngài, Tám Đề Mục Chuyển Hóa Tâm, là một thực hành Đạo Phật rất cao thượng. Theo truyền thống, một giáo huấn loại này sẽ không được ban bố một cách công cộng, và chắc chắn không có một thính chúng đông đảo như vậy. Chúng tôi thật vui mừng khôn xiết vì có quá nhiều người đã đến nghe pháp, mặc dù chúng tôi cũng nhận ra rằng đề tài quá sâu xa và thật thử thách. Có bao nhiêu người trong chúng ta có thể áp dụng những lời thông tuệ của ngài?
Một chú ý đặc biệt phải được thực hiện bởi sự nhuận sắc của Rato Geshe Nicolas Vreeland với những lời giảng dạy của Đức Thánh Thiện trong ba ngày tại Hí Viện Beacon và bài thuyết pháp tại Central Park. Hầu hết những tri thức quá cấp tiến, một số vượt ngoài tầm hiểu biết của một thính chúng phổ thông. Khi thảo luận về những khó khăn cố hữu, Đức Thánh Thiện đã nói với Nicolas là hãy “hãy quyết định theo suy nghĩ của ông[2]” trong khi chánh niệm để không đánh mất sự thâm thúy và thuần khiết của giáo huấn, Nicolas đã thành công một cách năng động. Công đức của quyển sách này là của ông.
Nhưng trên tất cả, chúng tôi mong ước cảm ơn Đức Thánh Thiện Đạt Lai Lạt Ma cho việc tiếp tục ban bố những giáo huấn quý báu này. Nguyện cho quyển sách này giúp thuần hóa tâm thức và khơi mở trái tim của tất cả chúng sanh.
Thursday, November 01, 2012 / 19:55:25
TÁC GIẢ, DỊCH GIẢ, VÀ NGƯỜI HIỆU CHỈNH
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn, Tenzin Gyatso, là lĩnh tụ tâm linh và thế quyền Tây Tạng. Năm 1989, ngài đoạt giải Nobel Hòa Bình vì sự đấu tranh bất bạo động cho sự giải phóng Tây Tạng. Từ năm 1959, ngài đã sống lưu vong tại Ấn Độ. Tây Tạng tiếp tục bị Trung Cộng chiếm đóng.
THUPTEN JINPA
Geshe Thupten Jinpa là người thông dịch chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ năm 1985. Ông đã phiên dịch và nhuận sắc hơn mười quyển sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể cả quyển Thế Giới Phật Giáo Tây Tạng[3], Một Trái Tim Thánh Thiện[4]: Nhận Thức của Người Phật tử về Giáo Huấn của Chúa Giê-su, và quyển sách bán chạy nhất của New York Times Đạo Đức Cho Thiên Niên Kỷ Mới[5].
Geshe Thupten Jinpa sinh năm 1958 ở Tây Tạng. Ông tiếp nhận sự học vấn và rèn luyện như một tu sĩ tại Tu Viện Zongkar Chöde ở Nam Ấn và sau này tham gia the Shartse College của Ganden monastic university, nơi ông nhận bằng Geshe Lharam. Ông đã dạy nhận thức luận, siêu hình học, triết lý Trung Quán và Tâm Lý Học Phật Giáo tại Ganden trong năm năm. Jinpa cũng được bằng cử nhân danh dự trong triết lý phương Tây và bằng tiến sĩ trong Nghiên Cứu Tôn Giáo, cả hai từ Đại Học Cambridge của Anh Quốc.
Từ 1996 đến 1999, ông đã là Thành Viên Nghiên Cứu của Margaret Smith về Tôn Giáo Phương Đông tại Girton College, Cambridge và bây giờ ông đã thành lập Học Viện Cổ Truyền Tây Tạng nơi ông là chủ tịch lẫn chủ bút của Viện Phiên Dịch những văn bản Cổ Truyền của Tây Tạng. Ông cũng là thành viên hội đồng cố vấn của Viện Tâm Thức và Đời Sống, cống hiến để nuôi dưỡng sự đối thoại sáng tạo giữa truyền thống Phật Giáo và khoa học Phương Tây.
Ông là một Học Giả Tham Quan Nghiên Cứu tại Học Viện Stanford vì sự Đổi Mới Thần Kinh và Thần Kinh Học Tịnh Tiến tại Đại Học Stanford .
Geshe Thupten Jinpa đã viết nhiều quyển sách và đề tài. Những tác phẩm mới đây nhất của ông là Những Bài Hát Kinh Nghiệm Tâm Linh Tây Tạng (đồng hiệu đính với Jas Elsner), và Tự Ngã, Thực Tại, và Lý Trí trong Tư Tưởng Tây Tạng: Nhu Cầu của Tông Khách Ba cho một Quan Điểm Trung Đạo.
NICHOLAS VREELAND
Sinh ở Geneva, Thụy Sĩ, một người bảo trợ của Henri Cartier – Bresson, con trai của Đại Sứ Hoa Kỳ, Frederick Vreeland, cháu của Diana Vreeland, đã từng sống ở Đức Quốc, Ma- Rốc, Ý Đại Lợi, Paris, New York, và Ấn Độ. Ông nói lưu loát tiếng Tây Tạng, Ý Đại Lợi, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức, và Hindi cùng những ngôn ngữ khác. Ông đã học tại trường Phim ảnh NYU, khởi đầu làm việc cho Irving Penn, trước khi làm việc cho Richard Avedon, và đã chụp hình những Maharajahs Ấn Giáo và những Rinpoches Tây Tạng trong nhiều năm mang một chiếc máy chụp hình khổng lồ Deardorff 5 x 7 khắp Ấn Độ. Chân dung Đức Đạt Lai Lạt Ma của ông được sử dụng làm bản thông tin khắp New York trong chuyến thăm của ngài năm 2003.
Vreeland đã học về Phật Giáo ở The Tibet Center, một trung tâm Phật Giáo Tây Tạng xưa nhất ở NYC, dưới sự đở đầu của học giả Khyongla Rato Rinpoche. Năm 1985, ông trở thành tu sĩ Phật Giáo chính thức, sống ở Tu viện Rato Dratsang ở Karnataka, Ấn Độ. Sau 14 năm học tập ông tốt nghiệp với bằng ‘the Ser Tri Geshe Degree’, một trong ba người phương Tây đạt được danh dự này từ trước đến nay. Năm 2001, ông có danh dự đặc biệt hiệu chỉnh quyển Trái Tim Rộng Mở, một trong những quyển sách bán chạy nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Sunday, October 21, 2012 / 19:20:51
****
TUỆ UYỂN
Tuệ -Uyển là bút danh của Tỳ kheo Thích Từ-Đức, Pd: Quảng Định,
hiệu Tuệ-Không xuất gia và tu học tại
TU VIỆN KIM SƠN
P.O. Box 1983,
Morgan Hill, CA 95038, Hoa Kỳ
Office: (408) 848-1541
Mobile: (831) 206-2398
e-mail: tueuyen@gmail.com.
***
[1] Khi dịch đến chỗ nguyện cầu Đức Phật Di Lặc đặt tay phải lên đầu cho mỗi người không biết tại sao
Tuệ Uyển vô cùng xúc động đến rơi nước mắt.
[2] Follow your nose
[3] The World of Tibetan Buddhism (Wisdom Publications, 1993)
[4] A Good Heart: A Buddhist Perspective on the Teachings of Jesus (Wisdom Publications, 1996)
[5] Ethics for the New Millennium(Riverhead, 1999).