49 NGÀY
SIÊU ĐỘ CHO THÂN NHÂN
NGHI THỨC & GIẢNG GIẢI
HƯỚNG DẪN PHẦN NGHI THỨC
Sám Hối
Phật Thuyết Kinh Thập Nhị Phật Danh So Sánh Công Đức Trừ Chướng Diệt Tội là một món quà vô cùng quý giá cho chúng sanh trong việc sám hối các nghiệp chướng của mình.
Mười hai vị Phật được Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nêu lên, đặc biệt có một oai thần lực rất lớn trong vấn đề giúp cho chúng sanh sám hối.
Nếu chúng sanh nào thật lòng ăn năn sám hối Nghiệp Tội của mình, đem hết Tâm Lực, Ý Lực, Cường Lực để vào việc sám hối, tức khắc các tội lỗi của mình, những điều sai trái gây tạo, nhờ vào oai thần lực của các Vị Phật này, mà được “Lắng Xuống.”
Lắng xuống, chớ không phải tiêu tan! Lắng xuống và tiêu tan là hai trạng thái khác nhau.
– Tiêu tan là không còn hiện hữu.
– Lắng xuống là vẫn còn hiện hữu ở nơi đó, nhưng không nổi lên để quấy phá.
Mười hai vị Phật này giúp cho những tội lỗi đó được lắng xuống. Rồi thì sự quyết tâm tu tập hằng ngày, nếu được tiếp tục đều đặn, sẽ giúp cho các tội đó được phai đi cho đến khi biến mất.
Chúng sanh thường hay nghĩ sai, bảo rằng: niệm các danh hiệu Phật này rồi thì bao nhiêu tội chướng đều tiêu tan hết. Không phải như vậy, phải hiểu cho tận cùng thâm sâu của việc sám hối. Khi một người hết dạ chân thành sám hối, các nghiệp tội mình làm sẽ được nhận biết và lắng xuống. Nhưng, muốn cho các nghiệp tội này được tiêu tan, thì đòi hỏi phải có sự dốc tâm tu tập. Người hành trì nghi thức sám hối này mỗi ngày, sẽ giúp cho các tội chướng của mình lắng xuống, rồi thì với tất cả Tâm Lực, Ý Lực, Cường Lực khi tu tập, sẽ làm cho từng tội, từng tội được phai đi … phai đi.
Oai lực của mười hai vị Phật này giúp cho bao nhiêu tội lỗi của hành giả được lắng xuống. Đó là điểm khác biệt giữa nghi thức sám hối này với tất cả những nghi thức sám hối khác.
Hành giả có thể niệm bất kỳ danh hiệu Phật nào khi hành trì nghi thức sám hối. Tuy nhiên, phải ghi nhớ rằng: Các vị Phật đó chỉ chứng minh tấm lòng ăn năn sám hối của hành giả chớ không cho ra một oai lực nào cả.
Riêng đối với các vong linh, oai thần lực của mười hai vị Phật này rất là mạnh mẽ và khiến cho các vong linh được nhẹ nhàng, không còn phải đeo mang những tội, nghiệp mà mình đã tạo nên từ tiền kiếp, cho đến kiếp vừa qua, khiến cho vong linh rất là nặng nề. Oai thần lực của các vị Phật này làm cho các nghiệp, tội đó được lắng xuống, nhẹ nhàng, không còn một cảm giác nặng nề nữa. Tuy nhiên, nó vẫn còn nằm ẩn trong A Lại Da Thức của vong linh, để rồi sau đó, vong linh cần phải đem công năng tu tập của mình mà làm tiêu lần đi nghiệp tội của mình.
Ngoài nghi thức sám hối Thập Nhị Phật Danh So Sánh Công Đức Trừ Chướng Diệt Tội, còn có các nghi thức sám hối khác như:
1. Mười hai vị Phật trong Kinh Vô Lượng Thọ:
Những vị Phật này có liên quan rất là mật thiết với Cực Lạc, nhưng cũng là ở vào vai trò Chứng Minh chớ không đưa oai lực để giúp cho hành giả hay cho vong linh.
2. Trong Nghi Thức Hồng Danh Bửu Sám: hành giả phải trì niệm danh hiệu của 88 vị Phật.
3. Nghi thức Sám Hối do cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh soạn, gồm có 35 vị Phật rút ra từ Kinh Đại Bảo Tích.
Trong 3 nghi thức Sám Hối kể trên, những vị Phật chỉ đóng vai trò “Chứng Minh” mà thôi, chớ không thực sự đóng góp vào việc làm “Lắng Xuống” các nghiệp tội của hành giả hay của vong linh.
4. Lương Hoàng Sám: Người Xuất gia lẫn tại gia đều hành trì được Lương Hoàng Sám, nương vào lòng Từ Bi của rất nhiều vị Phật trong 10 phương.
Tuy nhiên, nghi thức sám hối này rất khó có thể giúp cho người chủ lễ siêu độ cho vong linh vì quá sức dài, mất nhiều công sức, chỉ trừ khi nào thân nhân dốc lòng quyết tâm, bất kể ngày giờ, bất kể công sức thì mới dùng đến nghi thức này.
5. Từ Bi Thủy Sám Pháp: để giải oan trái giữa đôi bên, mà oan trái đó rất là nặng nề và đã trải qua nhiều đời, nhiều kiếp rồi.
Sám Pháp này không dùng cho việc sám hối đâu! Trong trường hợp siêu độ cho vong linh, không dùng nghi thức này.
Trì Chú
1. Trì Chú Quang Minh Siêu Độ Cho Hương Linh:
(Kết Ấn Kim Cang Quyền trì chú Quang Minh)
Um— A mô ha, va ra cha na, ma ha mu ra, ma ni pà mê, choa la, pra vát ta da Hùm. (108 lần trở lên)
(OṂ AMOGHA VAIROCANA MAHĀMUDRĀ MAṆIPADME JVĀLA PRAVARTTAYA HŪṂ)
Âm Hán: Ông, A ma ca, hoài lỗ giai noa, ma cáp mẫu đức lạt ma ni bát đức ma, cập phạp lạp, bát lạp phạp nhĩ đả nha, hồng”
Vong linh thật sự cần cái gì? Vong linh cần được nhẹ nhàng để ra đi. Nếu người chủ lễ không biết một cách rất rõ ràng ý muốn của vong linh, và đạt chưa đến được một cách sâu rộng ý muốn đó, thì vẫn có thể giúp cho vong linh được nhẹ nhàng, cởi bỏ những khúc mắc, mà tiếp tục đi theo nghiệp của mình.
Người chủ lễ đem hết tâm lực của mình cùng với vong linh trì câu Chú này, giúp cho vong từ từ thấm lần … thấm lần. Câu Chú có tác dụng là giúp cho vong linh được nhẹ lần … nhẹ lần để ra đi.
2. Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn
Tiếng Phạn: OṂ MAṆI PADME HŪṂ
Tiếng Việt: ÁN MA NI BÁT DI HỒNG
Lục Tự Đại Minh rất là mạnh, công năng của câu thần Chú này có tính cách dời non, lấp biển, Vị chủ lễ cũng như hương linh đều rất cần trì câu Chú này để giúp Trí Huệ phát sáng. Vong linh trì Lục Tự Đại Minh xem như là đốt lên một điểm sáng, rồi từ đó tỏa rộng ra, không khác một ánh lửa, và đồng thời Trí Huệ được phát sáng, giúp cho hương linh cảm thấy ấm áp, phân định được mọi sự việc chung quanh mình, và thâm nhập được lời giảng Pháp của chủ lễ.
3. Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú
Tiếng Việt:
Nam mô A di đa bà dạ, đa tha già đa dạ. Đa điệt dạ tha: A di rị đô bà tỳ, a di rị đa tất đam bà tỳ, a di rị đa tỳ ca lan đế, a di rị đa tỳ ca lan đa, dà di nị dà dà na, chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Tiếng Phạn:
Namo amitābhāya, tathāgatāya. Tadyathā: Amṛtodbhave, amṛta siddhaṃbhave, amṛta vikrānte, amṛta vikrānta, gamine gagana, kìrtti kare svāhā.
Người hay trì tụng Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú sẽ được Đức A Di Đà Phật thường trụ trên đỉnh đầu của người ấy, ngày đêm ủng hộ, không để cho oan gia được dịp thuận tiện hãm hại, đời thường an ổn, sau khi mạng chung, được tùy ý vãng sanh.
Người chủ lễ cần hướng dẫn cho vong linh trì thần Chú này thật nhiều, kèm với niệm Phật thật nhiều, để cơ hội được vãng sanh càng lên cao hơn.
Niệm Phật
Nếu trong gia đình có người rảnh rỗi , hoặc có trẻ em nào có thể dạy cho các em niệm Phật được, thì khi đến phần niệm Phật, vị chủ lễ nên nhờ người phụ cùng niệm Phật, để tạo một cái lực mạnh giúp cho vong niệm Phật được trơn tru.
Nên ghi nhớ: Cố gắng đừng để tâm viên ý mã trong lúc niệm Phật. Phải nhứt tâm mới có được hào quang phát sáng khi niệm Phật, do đó mới bao bọc được vong trong cái hào quang đó.
Các trẻ thơ tâm không gợn bất kỳ tư tưởng nào. Nên tập cho các cháu niệm Phật hằng ngày, vừa lợi lạc cho các cháu, mà cũng rất là hữu ích khi cần thiết.
Niệm Phật càng nhiều càng tốt, tối thiểu phải là 10-15 phút.
Người chủ lễ khuyên vong nếu muốn được vãng sanh về Cõi Phật, phải niệm Phật liên tục, niệm Phật không phải chỉ trong khóa lễ tu tập, mà sau khi hồi vị rồi, cũng vẫn phải tiếp tục niệm Phật. Càng niệm Phật nhiều, vong càng cảm thấy nhẹ nhàng, dễ dàng cất bước.
Vai Trò Của Trẻ Thơ Trong Việc Siêu Độ
Tâm của trẻ thơ rất là trong trắng, lời của trẻ thơ thốt ra là một lời chân thật không che đậy, cho nên cần phải dạy cho các cháu niệm Phật hay trì Chú. Một câu niệm Phật của các cháu cũng sẽ giúp cho vong linh rất … rất là nhiều. Câu niệm Phật rất quan trọng, một người niệm Phật với một tâm như như bất động, không bị tâm viên ý mã, nói tóm lại là với một Tâm Bình thì mới phóng hào quang được. Đối với những đứa bé khi niệm Phật, câu niệm Phật của chúng sẽ phóng hào quang, vì đó là một tâm hoàn toàn trong suốt. Người niệm Phật giữ tâm bình, có nghĩa là giữ tâm của một đứa bé (còn được gọi là Tâm Đồng Tử).
Cho nên dạy cho trẻ thơ niệm Phật để siêu độ cho người quá cố thì rất là đúng và cần thiết. Đối với những đứa trẻ có thể trì Chú được, nên dạy cho các cháu câu thần Chú. Nếu trì Chú thì có thể trì Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn, hoặc Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú. Trì 2 câu Chú này mà giữ một tâm bình, tâm trong sáng, thì câu Chú sẽ phóng hào quang rất là chói chang. Vong linh được bao che trong hào quang đó, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thơ thới, và những người đang hành trì việc siêu độ, cũng sẽ được bao che bởi ánh hào quang của Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn, hoặc của Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú.
PHẦN GIẢNG PHÁP
Phần chuẩn bị Pháp để giảng có những sự đòi hỏi như thế nào? Dựa trên các tiêu chuẩn ra sao?
Nếu vong linh là thân nhân của người chủ lễ biết tu tập thì điều đó quá dễ! Người chủ lễ đã biết rõ tánh tình của vong linh khi còn sống, cái gì thích, cái gì không thích, điều sai lầm nào hay phạm phải, tâm sự ra sao, vướng mắc phải khuyên giải như thế nào v.v…
Cho nên, việc giảng Pháp tương đối cũng dễ dàng, chỉ cần để tâm một chút, sắp xếp lại cho có mạch lạc và bắt đầu nói chuyện, giống y như là đang nói chuyện với một người trên dương thế, khi người đó gặp những điều khúc mắc đến hỏi ý kiến của mình, mình khuyên giải họ ra làm sao?
Còn đối với một người chưa biết việc tu tập, đem Tâm Lực mạnh mẽ của mình để siêu độ cho một vong linh, họ bắt buộc phải nghiên cứu, tìm hiểu xem những gì mình cần phải nói chuyện với vong linh.
Nếu vong linh đó là thân nhân của mình thì không có gì là khó khăn cả. Nhưng, nếu vong linh đó là một bạn hữu hay người quen biết, cần phải tìm hiểu từ ở gia đình của vong linh đó, để có thể hiểu biết thêm một cách tường tận về những khúc mắc của vong linh, hầu tìm cách giảng dạy, dẫn dắt vong linh đó bước ra khỏi những vướng mắc.
Việc tìm hiểu những bài Pháp để tạo một kiến thức cho mình, đã được giảng rõ rất nhiều. Những bài Pháp nơi đây đủ để giúp cho một người mới bước vào việc tu tập, có được một trình độ căn bản để có thể siêu độ cho vong linh.. Một người đã tu tập lâu năm, nhưng nếu biết tư duy cho sâu sắc những lời Pháp, sẽ làm cho trí huệ được gia tăng rất nhiều.
Những bài Pháp cũng đã được soạn theo đề tài. Tùy theo những vướng mắc của thần thức mà người chủ lễ sẽ nghiên cứu, tìm hiểu những đề tài liên quan hầu giải tỏa những khúc mắc đó cho thần thức.
Nhân Quả
Tu tập là bắt buộc phải tư duy, đó là cách duy nhất để làm cho Trí Huệ của mình phát triển theo chiều sâu. Trí Huệ phát sáng không chưa đủ, Trí Huệ đó cần phải gom lại, cô đọng lại để trở thành một tia sáng cực mạnh mà người tu tập có thể điều khiển nó trong việc cứu giúp Người và cứu giúp chính bản thân mình.
Dù người còn sống hay người đã chết, tất cả đều bị chi phối bởi Nghiệp Lực, không có một ngoại lệ nào, cho bất kỳ ai trong việc chi phối này.
Sự tư duy về những câu hỏi sau đây sẽ giúp cho người còn sống hiểu được giá trị của sự hiện diện của mình, ngày hôm nay, trên cuộc đời.
Người đã xa lìa cuộc đời rồi, vì không có cơ hội để tư duy một cách sâu sắc về Nghiệp Lực, nên còn vướng mắc và loanh quanh với cái “Lưới” do chính mình đã quấn vào người của mình.
Chính thân nhân còn ở lại sẽ giúp cho người quá cố tư duy để trí huệ bừng sáng, có thể nhận ra được khúc mắc ở nơi nào, hầu tháo gỡ cái lưới ra khỏi mình, và nhẹ nhàng cất bước.
Câu hỏi được đặt ra là:
Tôi đến đây tự bao giờ?
Tôi đến đây từ vô thỉ kiếp, chớ không phải tôi mới tới đây.
Từ vô thỉ kiếp tôi đã làm gì?
Từ vô thỉ kiếp tôi đã gieo nhân.
Khi cây mọc lên sum sê, trái đã chín muồi tôi phải làm sao?
Tôi bắt buộc phải hái trái.
Vậy chớ trái đó là trái ngọt hay là trái chua hoặc trái đắng?
Cũng có trái ngọt, mà cũng có trái chua, đôi khi có trái đắng, đôi lúc có những trái có hình dạng vô cùng quái dị.
Tại sao lại có nhiều loại trái như vậy?
Đó là do khi tôi ươm cây, những hạt giống mà tôi gieo xuống, tôi đã không có sự lựa chọn kỹ càng, cho nên tôi mới nhận được những trái đắng, những trái chua, những trái có hình thù quái dị.
Khi tôi nhận được một quả chín muồi thơm ngon, tôi có cảm giác như thế nào? Và khi tôi nhận được những quả mà tôi không vừa ý, cảm giác của tôi ra sao?
Khi tôi nhận được một quả chín muồi thơm ngon, tôi biết chắc chắn rằng tôi đã chọn đúng hạt giống, và tôi sẽ theo đó mà vun trồng tiếp tục. Còn những quả chua, đắng, hoặc là có những hình dạng không tốt đẹp, tôi phải lựa lọc và loại ra để không bao giờ có thể ương trở lại những hạt giống như vậy nữa.
Nếu tôi muốn lựa lọc lại những nhân này, những hạt giống này thì tôi phải làm sao? Trong số quá nhiều hạt giống, làm sao tôi có thể phân định được hạt giống nào cho trái ngon, hạt giống nào cho trái đắng, trái chua, trái có hình hài xấu xí?
Tôi bắt buộc phải dùng trí huệ của tôi để phân biệt tất cả những hạt giống.
Làm sao để có trí huệ mà lựa chọn những hạt giống này?
Tôi phải tu tập để mới có được trí huệ.
Nếu tôi muốn tu tập để có được một trí huệ, tôi phải làm sao để mang lại kết quả tốt đẹp?
Sự thấu triệt Vòng tròn nghiệp lực Tâm – Ý – Tánh có thể giúp cho tôi có đầy đủ trí huệ để có thể lựa chọn được những hạt giống nào tốt, những hạt giống nào không tốt.
Vòng tròn nghiệp lực giúp cho tôi bằng cách nào?
Vòng tròn nghiệp lực giúp tôi tự nhìn vào bản thân tôi để lọc lừa cho hết những tánh xấu của tôi, vì những tánh xấu khiến cho trí huệ của tôi bị che khuất, không thể nào phát sáng được. Trí huệ của tôi nếu không phát sáng được, tôi sẽ không đủ khả năng để có thể lựa chọn được những hạt giống tốt đẹp nhất.
Muốn làm được việc này, nó đòi hỏi ở tôi một cái gì?
Nó đòi hỏi ở tôi một sự can đảm.
Can đảm như thế nào?
Là can đảm cầm dao, moi móc, khoét cho sạch, khoét cho tận cùng gốc rễ tất cả những tánh xấu của tôi. Khi tôi không còn bất kỳ một tánh xấu nào nơi tôi nữa, thì lúc đó, trí huệ mới thật sự phát sáng! Như thế, tôi sẽ dùng trí huệ đó như một ngọn đèn để lựa lọc tất cả những hạt giống mà tôi gieo xuống. Có như vậy thì những trái mọc lên sẽ là những trái ngon, trái ngọt, không còn chua, không còn đắng, không còn hình thù quái dị nữa.
Một khi tôi đã có đủ đầy những trái ngọt trong tay, nó sẽ làm hành trang để tôi tiến về Cực Lạc, nơi đó là nơi tôi An Trụ đời đời, không vướng bận, không còn dính líu vào vòng sanh tử luân hồi nữa. Dưới sự hướng dẫn của các Bồ Tát nơi cõi Cực Lạc, tôi sẽ góp phần vào việc mang đến những điều lợi ích cho chúng sanh.
Không phải nói rằng tôi về Cực Lạc là ngồi chơi an hưởng, mà tôi được về Cực Lạc để từ nơi đó, tôi chắc chắn rằng, mình không còn bận bịu với việc phải làm sao lựa lọc những hạt giống mà mình gieo xuống. Tôi về Cực Lạc để tôi cùng với Thánh chúng gieo trồng những cây trái mà tôi biết chắc chắn rằng, những cây trái này là từ ở những mầm giống rất là tốt đẹp. Từ đó, việc cứu độ chúng sanh là điều mà tôi có bổn phận phải làm, cũng như tất cả Thánh chúng của cõi Cực Lạc đã và đang làm.
Như vậy, việc tu tập của tôi là một việc làm có ý nghĩa ngay khi còn ở hiện kiếp. Nhờ vào việc tu tập mà tôi sẽ tìm được một sự An Bình cho bản thân tôi. Từ sự an bình đó, tôi sẽ gieo rắc an bình cho những người chung quanh tôi, tất cả mọi người đều sống trong sự nhẹ nhàng, không phiền não. Và rồi sau đó, chuẩn bị cho một chuyến đi, một chuyến đi đầy ý nghĩa, với tất cả hành trang là những quả rất tốt đẹp, rất ngon ngọt mà tôi đã vun trồng ngay trong kiếp này.
Mong rằng tất cả chúng sanh đều phát tâm tu tập để sửa đổi tâm tánh của mình. Có như vậy mới thoát được những điều không hay sẽ xảy ra, vô cùng tai hại và kinh khủng cho cõi Ta Bà trong tương lai. Chuẩn bị cho những sự việc không hay xảy đến, có thể là trong vòng năm năm, mười năm hay thậm chí hai mươi năm, vẫn bắt buộc phải thực hiện ngay từ bây giờ, nếu không, thì những chúng sanh trong thời vị lai của năm năm, mười năm hay hai chục năm kế tiếp đó sẽ gặp điều vô cùng không hay, nếu không muốn nói là khủng khiếp. Mà những chúng sanh trong khoảng thời gian đó là ai? Chính là những thân nhân của mình, là hậu bối của mình! Khi đó mình đã là bậc tiền bối, nhưng nếu không chăm lo tu tập ngay từ bây giờ, thì chắc chắn rằng hậu bối của mình sẽ gặp cảnh nguy cơ trong tương lai.
Tương lai năm năm, mười năm, hai chục năm không là bao xa cả. Thoắt một cái, búng một ngón tay là tới đích rồi; đừng nghĩ rằng con số hai mươi năm là một con số quá lớn, quá xa. Thậm chí năm mươi năm cũng vẫn là một con số mà người ta có thể tiến đến nó được, chớ không phải chỉ là một con số xa vời, không thể đụng tới được đâu.
Cho nên người tu tập chân chánh phải biết nhìn xa, vì khi mình tu tập, nên nhớ một điều rằng: tu cho chính bản thân mình mà cũng cho hậu bối của mình nữa, để giữ sự An Bình của cõi Ta Bà trong hiện tại và ngay cả trong tương lai.
Vong Linh Chết Trong Đau Khổ
Một vong linh chết trong sự đau đớn, sợ hãi, lòng ngập tràn nỗi lo âu, phiền não, nhiều khúc mắc, người chủ lễ sẽ phải giảng giải cho vong linh như thế nào, để giúp cho họ có thể nhẹ nhàng được, và vơi đi cơn sợ hãi, sân hận hoặc đau đớn hay là phiền não?
Tất cả những cảm giác đau đớn, sợ hãi, phiền não là những cảm giác khi vong linh đó còn tại thế. Một người còn sống, còn ngũ căn thì còn cảm nhận được điều đó. Khi đã trở thành vong linh rồi, thoạt ban đầu, vong linh đó vẫn còn ở vị thế chân bên này, chân bên kia, tức là vong linh chưa nhận chân ra được mình đã mất, cứ nghĩ rằng mình còn sống, vì vậy cảm giác đó vẫn còn.
Tuần lễ đầu tiên rất quan trọng, người chủ lễ sẽ phá đi những cảm giác đó của vong linh bằng cách: nói cho vong biết rằng: vong hiện giờ đang ở trong một cảnh giới khác, không còn hiện hữu trên thế gian nữa. Mà một khi không còn hiện hữu nữa, thì tất cả những cảm giác của vong, bắt buộc phải buông xuống, phải rứt nó ra khỏi thần thức của mình, vì nó không còn có thật nữa rồi!
Khi đó phải giảng cho vong hiểu về tánh chất KHÔNG của tất cả mọi vật thì vong mới có thể buông xả được những cảm giác đó. Khi vong đã buông bỏ xuống những cảm giác đó rồi, thì khuyên bảo vong an trụ vào trong lời Kinh, trong tiếng niệm Phật, để cho vong cảm thấy được che chở và không còn sợ hãi nữa.
Sau đó từ từ cắt nghĩa cho vong hiểu về những khúc mắc của vong. Phải tùy trường hợp của từng vong linh, có những khúc mắc nào cần tháo gỡ. Cho nên, người chủ lễ phải vận dụng trí huệ của mình rất nhiều để có thể tìm một hướng đi đúng mà dẫn dắt vong. Mỗi vong có một tình trạng khác biệt nhau, cũng giống như mỗi người bệnh có một bệnh trạng riêng, vị bác sĩ sẽ tùy theo bệnh trạng của từng bệnh nhân mà cho thuốc.
Để chuẩn bị phần giảng Pháp cho vong, người chủ lễ gần như là phải soạn thảo 49 bài Pháp để “tỉ tê” cùng vong trong 49 ngày siêu độ.
Việc soạn thảo những bài Pháp, thoạt xem qua thì có hơi khó khăn, lúng túng; tuy nhiên vì mình soạn để giảng dạy lại, bỗng nhiên mình hiểu và thâm nhập Pháp rất nhiều.
Người sơ cơ mới làm quen với Đạo, vì thân nhân, lo cho thân nhân mà dốc tâm tu tập, cố gắng thông hiểu Pháp để giảng dạy lại cho vong linh thân nhân, cả hai sẽ cùng ngộ, cùng phát sanh trí huệ, và cùng thăng hoa.
Nên ghi nhớ: Vì vong không còn ngũ căn nữa nên sự tiếp nhận sẽ chậm chạp, không nhanh nhẹn như khi còn sống. Do đó, nên kiên trì giúp cho vong bằng cách nói đi nói lại nhiều lần những lời Pháp. Nắm vững ý chính của lời Pháp, sau đó ngồi thoải mái, từ tốn, xem như vong đang đối diện mình, cùng nói chuyện như khi còn sống.
Cũng có thể đọc một bài Pháp cho vong linh nghe; sau khi chấm dứt thì giảng rộng ra, hay bình luận thêm. Đây là cách cùng vong linh tư duy, mình sẽ hiểu thêm ra. Khi mình vừa suy nghĩ vừa nói, vong cũng sẽ nhờ đó mà trí huệ được gia tăng.
Những đề tài có sẵn chia ra làm bảy tuần để cho người chủ lễ nương theo đó đọc thật kỹ những bài Pháp và giảng lại cho vong nghe trong 49 ngày.
Người chủ lễ nên nhấn mạnh rằng, nếu trong thời gian 49 ngày, vong hết dạ một lòng tu tập, xả bỏ mọi phiền não, mọi vướng mắc và quyết lòng muốn được thác sanh vào nơi đâu thì vong sẽ được như ý.
Đây là thời gian ĐẶC ÂN mà vong được hưởng, để hoán chuyển cảnh giới, hay nói một cách nôm na, là “vong được cơ hội để làm lại cuộc đời.” Do đó, nếu vong hết dạ chân thành tu tập trong suốt 49 ngày, dưới sự thành tâm dẫn dắt của người chủ lễ, vong sẽ được toại ý thác sanh về nơi mà vong muốn.
Sau 49 ngày, sẽ không còn đặc ân đó nữa, người chủ lễ cũng bó tay, không thể giúp cho vong có cơ hội thăng hoa.
Do đó, trong thời gian 49 ngày này, cả chủ lễ lẫn vong linh đều phải hết dạ chân thành. Chủ lễ chân thành hướng dẫn cho vong tu tập. Vong linh cũng hết dạ chân thành sám hối nghiệp chướng nặng nề, xả bỏ mọi phiền não, sân hận, vướng mắc, thần thức được nhẹ nhàng trì Chú, niệm Phật để chuẩn bị cho một cuộc thác sanh được hoàn toàn như ý.
Buông Xả
Khi siêu độ cho một vong linh, người chủ lễ cần phải giúp cho vong linh buông xả rất là nhiều. Phải giảng Pháp như thế nào để có thể khiến cho vong linh buông xả được?
Chỉ cần hỏi vong linh rằng: vong linh bước ra khỏi cái xác của mình rồi, có mang theo được tài sản của mình đi hay không?
Không cần nhiều, chỉ cần mang cái bóp trong đó có một 100 đồng thôi. Vong linh có mang theo được hay không?
Vong linh có một đứa con kháu khỉnh, khi vong linh đã rời khỏi thân xác rồi, vong linh có thể mang theo được cái hơi của con mình theo hay không?
Vong linh có một sản nghiệp to lớn, gồm nhiều nhà cửa, nhiều ruộng vườn, nhiều xe cộ, nhưng vong linh đã mang theo được cái gì?
Một miếng ngói cũng không mang được, một miếng gạch cũng không mang được, một cái bánh xe cũng không mang theo được, vong linh không mang theo được gì hết!
Như vậy, vong linh sẽ cảm thấy rất là tiếc, nhưng thử hỏi, vong linh tiếc cái gì?
Vong linh không phải tiếc nhà cao cửa rộng, không phải tiếc ruộng vườn rộng lớn, mà vong linh tiếc một công trình. Một công trình do mình đã tạo nên.
Vong linh cảm thấy hối tiếc về việc mình đã bỏ quá nhiều công sức, nhưng cuối cùng rồi thì vẫn không mang theo được cái gì hết.
Bây giờ đặt câu hỏi với vong linh: vong linh bảo rằng vong linh đã đem công sức của mình ra để tạo dựng những cơ sở, những tài sản đó, vậy chớ vong linh có nghĩ rằng, trong quá trình tạo dựng đó, vong linh đã gây ra những nghiệp chướng nào hay không?
Một người có quá nhiều cơ sở, quá sức giàu có, thì phải biết rằng đó không phải thuần là sức của họ đã tạo nên những của cải vật chất đó. Không ai có thể nói rằng, tự sức của tôi, tôi đã tạo nên những cơ sở đó.
Vong linh khi còn sống, có tự tay cất lên cơ sở đó hay không? Vong linh cũng phải thuê mướn người, cũng phải liên lạc để mượn tiền, mượn bạc để trang trải những vấn đề tài chính trong quá trình xây cất đó.
Chuyện trước tiên là về vấn đề tài chính, vong linh muốn được người ta cho mượn tiền với lãi suất thấp, với tất cả những điều kiện rất dễ dãi, liệu rằng vong linh có chân thật một trăm phần trăm hay không?
Vong linh mướn người để cất một sơ sở, vong linh có thật sự hành sử Tứ Vô Lượng Tâm trong vấn đề mướn người hay không? Hay lại cũng lươn lẹo, uốn éo, trả giá và đôi khi ép người ta, vì miếng cơm manh áo, mà phải chấp nhận những điều kiện của vong linh?
Cho nên, trong việc tạo dựng một cơ sở, cơ sở càng lớn chừng nào, những tánh xấu của người chủ đó càng hiện rõ ra nhiều chừng nấy.
Hương linh nuối tiếc một công trình, mà công trình đó đã gây tạo ra biết bao nhiêu nghiệp chướng. Có những nghiệp chướng hiện rõ để cho vong linh thấy được qua những việc gấu ó lẫn nhau, cãi vã, tranh chấp nhau. Cũng có những nghiệp chướng tiềm ẩn, vì những kẻ thấp cổ bé miệng, cam chịu để lấy miếng ăn.
Rồi cũng vì việc tạo dựng một công trình, hương linh đã gieo biết bao nhiêu Nhân không lành, vì lúc nào cũng phải thủ lợi cho mình. Không thể nào đem mối lợi cho kẻ khác, mà chấp nhận điều bất lợi cho mình. Mà muốn giữ điều lợi cho mình thì phải thủ đoạn đưa ra. Ngoài ra còn biết bao nhiêu điều khác nữa xoay quanh việc tạo dựng một công trình.
Hương linh đắc thắng với công trình do mình tạo dựng, nhưng thật sự ra, công trình đó được tạo dựng trên quá nhiều sự khổ đau của kẻ khác. Càng tạo nên nhiều công trình chừng nào thì sự đau khổ mình gây nên cho kẻ khác càng nhiều chừng nấy.
Rồi vợ đẹp con ngoan, có khi hương linh đã chiếm đoạt người vợ đó trong tay của một kẻ khác. Tức là hương linh đã gieo một cái nghiệp không lành với thù địch của mình rồi đó.
Vì vậy, trong việc tạo dựng một công trình, hương linh đã vô tình hay cố ý gây nên nhiều nghiệp chướng, chính những nghiệp chướng đó làm nặng nề bước chân của hương linh. Khi hương linh còn sống, hương linh không nhận ra nó nặng nề. Vì sao? Vì hương linh đi bằng xe hơi.
Còn bây giờ, với một cái bóng nhẹ như sương, như khói, hương linh mới thật sự cảm thấy bước chân mình nặng nề vì những cái vướng mắc đó.
Ngày giờ này, hương linh bắt buộc phải buông xả hết tất cả những sự nuối tiếc của mình, vì tất cả giờ đã trở thành Không. Ngay chính thân xác của hương linh cũng còn bị thiêu đốt để trở thành cát bụi. Cái thân xác của mình còn không giữ được, thì sá gì những công trình. Những công trình đó xây dựng được, thì phá hủy được. Hương linh không tự mình phá hủy nó, thì những kẻ thù địch (nếu có) sẽ phá hủy nó, trong một sớm một chiều.
Vì vậy, không có cái gì để nắm giữ, cũng không có cái gì để mang theo. Ngày giờ này hương linh không còn một thân xác nữa. Hãy mau mau tìm một nơi an trụ. Nếu khư khư không bỏ xuống những gì mà mình còn luyến tiếc, thì chắc chắn rằng hương linh sẽ không thể nào nhẹ nhàng cất bước được. Nay chỉ còn là một cái bóng nhẹ như tơ, thì sức đâu mà lôi kéo cả một chiếc xe chứa toàn là tảng đá lớn?
Hương linh cần phải gấp rút tìm nơi an trụ; mà muốn tìm được nơi an trụ thì hương linh phải có ngọn đèn trí huệ và phải làm sao cho cái túi của mình nhẹ chừng nào tốt chừng nấy, để có thể cất bước ra đi được nhẹ nhàng.
Muốn có ngọn đèn Trí Huệ, hương linh bắt buộc phải tu tập. Để hành trì việc tu tập, hương linh phải sám hối. Sám hối để chi? Để cho những cục đá mà mình mang theo sẽ tan đi … tan đi thành tro bụi.
Hương linh phải trì Chú. Để chi? Để cho ngọn đèn Trí Huệ của mình được phát sáng lên.
Hương linh phải niệm Phật. Để chi? Để nương vào sức của Phật, vào ánh hào quang của Phật, giúp cho ánh sáng Trí Huệ được tỏ rõ thêm.
Lúc đó, hương linh có đầy đủ những phương tiện cần thiết để giúp cho hương linh tìm được nơi an trụ mới.
Cho nên, nếu hương linh không buông xuống hết tất cả những gì nặng nề mà mình kéo lôi theo, thì đời đời kiếp kiếp, hương linh phải lôi kéo những cục đá này, hương linh mãi mãi không bao giờ tìm được nơi an trụ.
Nếu hương linh còn lưu luyến con cháu, không an tâm vì sợ rằng mình ra đi rồi, con mình không tự lo được, cháu mình không thể nào đủ sống, chỉ cần đặt câu hỏi cho hương linh:
– Điều thứ nhất, hương linh làm cách nào để lo cho con, cho cháu của mình, hay thậm chí, lo cho người vợ mà mình gọi là thương yêu hết mực? Hương linh làm thế nào để cho con mình có cơm ăn ngày 2 bữa? Làm cách nào để cho con của mình có quần áo đẹp mà mặc? Hương linh sẽ không làm được gì hết.
Hương linh sẽ phải tự đặt câu hỏi rằng: Tôi có thể tự lo được cho bản thân tôi không? Ngày giờ này, tôi đã không thể tự lo được cho bản thân tôi, thì làm sao tôi có thể lo cho những người khác được?
– Điều kế tiếp, hương linh có nhìn thấy nghiệp lực giữa hương linh và đứa con của mình hay không? Hương linh có nhìn thấy nghiệp lực giữa mình và người thương yêu nhất là vợ hay không? Chắc chắn rằng, ngày nay, với hình dạng của một cái vong, hương linh có thể nhìn rõ được. Thì như vậy, hương linh còn cái gì để mà lưu luyến nữa?
Nghiệp lực đã giải quyết xong rồi! Nếu bây giờ hương linh hỏi rằng: Hương linh có thể nào giữ nguyên trạng thái của cái linh hồn này, để có thể quây quần bên đứa con của mình, cho tới khi nó nhắm mắt lìa đời hay không? Chắc chắn rằng, hương linh đã thấy nghiệp lực giữa mình và nó chấm dứt rồi. Đường nó, nó đi, đường mình, mình đi. Tại sao lại dại dột gánh vào cái ách của kẻ khác nữa?
Mà có muốn gánh cũng không sao gánh được. Khi mình còn trên dương thế, mình là cha nó, nó là con của mình. Ngày giờ này, đường ai nấy đi, nghiệp ai nấy gánh.
Hương linh đã không thể giải quyết được gánh nặng của mình rồi, thì làm sao có thể giải quyết thêm một gánh nặng nữa?
Tất cả những gì mà hương linh tiếc nuối, đều đã thuộc về vô thường rồi, không còn hiện hữu nữa.
Đối với vong linh, điều cấp bách hiện giờ mà vong linh cần phải giải quyết, đó là tìm cho ra nơi an trụ.
Sau khi 49 ngày hoàn mãn, người chủ lễ cũng phải suy nghĩ lại quan niệm sống của mình. Vì sao? Vì tuy là nói chuyện với hương linh, nhưng người chủ lễ cũng nói chuyện với chính thần thức của mình đó.
Dù cho người sang, người hèn, người giàu có, người nghèo khổ, từ một vị vua cho đến người bần cùng, từ một cao tăng cho đến người mới tập tểnh biết tu tập, không ai qua khỏi được hình dạng của một vong linh. Đã được tiếng “Người” rồi, thì sẽ phải mang tiếng “Vong Linh”, không trừ một ai hết!
Có thấy một người nào khi đã chết rồi mà không được gọi là “vong” không? Chỉ trừ khi người đó được thác sanh liền tức khắc về cõi Cực Lạc hoặc cõi Trời, thì sẽ không qua tiếng “Vong”.
Tức là những người đó không hề có mặt ở Cõi Âm sau phút lâm chung. Đã có mặt ở Cõi Âm rồi, dù rằng chỉ một phút, một giây, thì cũng vẫn được gọi là vong linh. Cho nên, người chủ lễ khi nói chuyện với vong linh là cũng tự nói với bản thân mình, để chuẩn bị cho cái vị trí của mình trong tương lai, không ai bước qua khỏi vị trí đó cả, chỉ trừ hai cái lý do vừa nói ở trên.
Mỗi Ngày Trong Tuần Thứ Nhất:
Cắt nghĩa cho vong biết là vong đã chết rồi, không còn hiện hữu trên cõi Đời này nữa, khuyên vong đừng sợ sệt, hãy an trụ trong ngôi nhà mới này (Đã cho vong nhập vị), trong lời Kinh, tiếng kệ, tiếng niệm Phật, tiếng trì Chú.
Tiếp theo đó là giảng dạy cho vong hiểu về sự vô thường của chính bản thân họ, của tất cả mọi sự vật trên cõi đời. Lần lượt tiếp theo, là những đề tài về nhân quả, nghiệp lực, vì người sống lẫn người chết đều bị chi phối bởi nhân quả và nghiệp lực.
Cũng trong tuần lễ này, người chủ lễ cũng nên sắp xếp để cho những thân nhân, bạn bè hoặc người quen biết với vong linh đến trước bàn thờ vong, phát lời “sám hối” cùng với vong linh. Khi vong linh còn tại thế, họ đã có những xích mích, làm những việc trái lòng, gây tạo sự buồn phiền, sân hận hoặc hiểu lầm đối với vong linh.
Những lời chân thành ăn năn sám hối này, sẽ giúp cho hương linh được nhẹ nhàng, xả bỏ những phiền não, góp một phần lớn vào việc giúp cho hương linh dễ dàng siêu thoát.
Mỗi Ngày Trong Tuần Thứ Nhì:
Giảng cho vong nghe về những khúc mắc của vong. Những đề tài về “khúc mắc của chúng sanh” thì nhiều vô số kể, nhưng thật ra cũng tương tự, cũng xoay chung quanh vấn đề tiền tài, vật chất, sân hận, nợ nần, buồn bã, oan ức, tức là những cái khổ hằng ngày. Vì đó là thân nhân của mình, nên những khúc mắc của họ mình vẫn biết được, cho nên phân loại khúc mắc đó thuộc về đề tài nào, và chú tâm nghiên cứu về đề tài đó.
Mỗi Ngày Trong Tuần Thứ Ba:
Người chủ lễ sẽ nghiên cứu các đề tài về Nghiệp Lực, về lục dục thất tình, về khổ nạn.
Vong đã xa rời dương thế, ra đi nhưng vẫn còn ôm ấp những ước vọng chưa thực hiện được. Sự nuối tiếc cuộc đời sẽ là cơ hội tốt đưa vong trở lại cõi Ta Bà, nhưng thử hỏi:
– Khi còn tại thế, vong có thực sự sống những ngày hoàn toàn an bình, không phiền não, không vướng bận, không lo âu chăng?
– Vong chưa từng bao giờ đối diện với nghiệp chướng nào sao?
– Vong chưa từng bao giờ gây tạo nên nghiệp lực với ai chăng?
Bước vào cõi Ta Bà là bước vào vòng Sanh Tử Luân Hồi, là quấn vào người của mình không biết bao nhiêu là vòng nghiệp lực chằng chịt, không tìm ra được mắt tháo gỡ.
Hằng ngày, các Chư Phật và Bồ Tát đã bận rộn với biết bao nhiêu chúng sanh kêu gào cứu khổ!
– Trở lại cõi Ta Bà, vong linh có chắc chắn rằng mình sẽ thác sanh về một nơi sung sướng, có nhà cao cửa rộng, có nệm ấm chăn êm, có kẻ hầu người hạ chăng?
Vong tin tưởng rằng sẽ được cư ngụ trong một Quốc Gia hùng cường, giàu có, biết tôn trọng và chăm lo cuộc sống của mỗi người dân hay sao?
– Nếu vong linh phải thác sanh vào một nơi mà ánh sáng văn minh không có, cuộc sống con người vô cùng lạc hậu, không khác loài súc sanh, thiếu ăn, thiếu mặc, bữa đói, bữa no, liệu rằng vong linh có còn phấn khởi để trở lại cõi Ta Bà nữa hay không?
– Người ở cõi Ta Bà còn cố gắng tu tập để được vãng sanh về Cực Lạc, thì tại sao vong linh lại chọn cõi Ta Bà để trở lại, cho thêm nhiều phiền não, nhiều khổ sầu, nhiều tai ương?
Mỗi Ngày Trong Tuần Thứ Tư:
Sẽ xoay quanh đề tài về Tự Ái.
Người chủ lễ vạch rõ cho vong thấy rằng chính do ở Tự Ái mà vong đã sân hận, đã đem nhiều phiền não đến cho mình, đã gây tạo nên biết bao nhiêu nghiệp lực với kẻ khác.
GHI NHỚ:
Trong tất cả các buổi giảng Pháp, đều gợi lên cho vong thấy rằng, vong không nên trở lại cõi Ta Bà, lúc nào cũng vạch rõ sự thù thắng vi diệu của cõi Trời, cõi Phật.
Khuyên vong nên sám hối, trì Chú, niệm Phật thật nhiều để người được nhẹ nhàng, dễ dàng xả bỏ những vọng tưởng.
Như thế việc thác sanh về cõi Trời, cõi Phật cũng sẽ được dễ dàng.
Mỗi Ngày Trong Tuần Thứ Năm:
Người chủ lễ sẽ giảng cho vong nghe về Tam Độc: Tham – Sân – Si, về những tai hại, những hậu quả đáng ghê sợ của nó và Ba Món Phiền Não này đã lôi kéo chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử như thế nào?
Đề tài Tham Sân Si là đề tài lớn, người chủ lễ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để giảng giải cho vong nghe.
Thần thức có hiểu thấu đáo thì sẽ dễ dàng xả bỏ những vướng mắc của mình, vì đa số những vướng mắc đều nằm vào Tham Sân Si.
Nếu người chủ lễ cảm thấy lúng túng, không diễn tả hết được tính chất của Tam Độc này thì cứ đọc cho vong nghe những bài Pháp nói về Tham Sân Si.
Nên đọc chậm rãi, rõ ràng để cho vong dễ thâm nhập.
Mỗi Ngày Trong Tuần Thứ Sáu:
Đề tài được chọn để giảng trong tuần này là đề tài về Phiền Não.
Trong tuần này, người chủ lễ sẽ trình bày cho vong sự thù thắng của cõi Trời, những phước báu mà Thiên Chúng được hưởng ở cõi Trời.
Muốn được sanh về cõi Trời, vong phải dốc lòng xả bỏ phiền não, phải giữ một trạng thái Bình để tuyệt đối không vấy vào sân hận.
Giảng Cho Vong Linh Về Cảnh Giới Trời và Cảnh Giới Phật
Sau đây là hai cảnh giới: Trời và Cực Lạc. Người chủ lễ có thể đọc lên cho vong nghe. Nếu có thể thì giải thích sự thù thắng (sự vượt bực, sự khác thường) của từng cảnh giới, vong thấu hiểu và tự mình lựa chọn.
Cảnh Giới Trời
Ánh sáng nơi cõi Trời Dục Giới luôn luôn rực rỡ, gió mát quanh năm suốt tháng, không bao giờ thấy nắng nóng, nực nội, cũng không bao giờ thấy mưa rơi, tuyết giá. Một khung cảnh làm cho Thiên Chúng luôn luôn cảm thấy phơi phới trong lòng, lúc nào cũng thấy phấn khởi, lúc nào cũng thấy vui tươi, không chút phiền não, không chút lo âu, không chút buồn rầu. Tóm lại chữ Buồn, chữ Lo không bao giờ hiện hữu ở tại Cõi Trời cả. Mỗi Thiên Chúng đều có thần thông, nghĩ đến cái gì thì cái đó sẽ hiện ra. Một Thiên Chúng Nữ sửa soạn để đi chơi, nghĩ đến một chiếc áo thật đẹp theo ý muốn của mình, tức thì cái áo hiện ra. Một Thiên Chúng Nam nghĩ đến việc: tôi muốn được cỡi ngựa để rong chơi với bạn bè, tức khắc một đàn ngựa con nào cũng đẹp, con nào cũng oai vệ, hiện ra theo ý muốn của người đó.
Hoặc giả, chiều hôm nay tôi muốn mời vài người bạn tới để dùng tiệc; tôi muốn những thức ăn như thế này, thế này; tôi muốn nơi tôi ở được trang hoàng như vầy, như vầy. Tất cả mọi thứ tôi đã vẽ sẵn ra trong đầu, tức khắc tôi sẽ đạt được hết theo ý muốn của tôi. Tôi muốn vui chơi, đàn ca, xướng hát, tôi muốn xem kịch, tôi muốn làm bất kỳ cái gì mà tôi thích, nhất nhất không sót một cái gì hết, tất cả đều hiện ra theo ý muốn.
Trên Cõi Trời có rất nhiều chùa, tất cả đều rất uy nghi, tráng lệ; chỉ cần tôi tỏ ý muốn tu tập, tức khắc các vị Bồ Tát sẽ chỉ dẫn cho tôi một cách rất rõ ràng việc tu tập. Nếu tôi muốn phát tâm tu tập, đó là một điều rất tốt, không gặp sự khó khăn gì hết. Từ việc tôi phát tâm tu tập, cho đến việc tôi bước sang cảnh giới Cực Lạc, đều rất là dễ dàng.
Chúng sanh khi được thác sanh về Cõi Trời, có nghĩa là, chỉ ở Cõi Trời Dục Giới mà thôi. Muốn được lên tầng Trời cao hơn, phải tu tập thêm. Đã mang tên là Cõi Trời Dục Giới, tất cả những gì gọi là hưởng Lạc, đều không thiếu sót một điều gì cả. Vì vậy, khi chúng sanh được về Cõi Trời Dục Giới, rồi đắm chìm vào trong Dục Lạc, cho nên khó lòng mà lo tu tập lắm. Ngày tháng qua nhanh, đến khi dòm lại thì hình tướng đã suy hao, không còn những tướng tốt nữa. Vì vậy, được sanh về Cõi Trời, nhưng nếu phát tâm tu tập, thì có thể kéo dài thời gian ở tại Cõi Trời, và cũng có cơ hội tốt, nếu muốn, để được sanh về Cực Lạc.
Còn nếu chỉ thuần hưởng Dục Lạc không, thì sẽ có một thời hạn nhất định. Khi phước Trời đã mãn, nếu không tu tập, vong bị trả trở về cõi Ta Bà và sẽ theo nghiệp kế tiếp của mình mà đi; như vậy vong sẽ trở lại với điểm bắt đầu là TRẢ NGHIỆP và tiếp tục TẠO NGHIỆP cho đến ngày nhắm mắt lìa đời, nói tóm lại là trôi lăn trong vòng Sanh Tử Luân Hồi.
Một người được thác sanh về Cõi Trời, nhưng nếu họ không chú tâm đến việc hưởng lạc thú của Cõi Trời, mà vẫn tiếp tục tu tập, hoặc phát nguyện tu tập, thọ mạng của Thiên Chúng này sẽ được kéo dài hơn mức quy định.
Người được thác sanh về cõi Trời vẫn chưa thoát ly vòng sanh tử luân hồi, qua khỏi phần thọ mạng ở cõi Trời, sẽ phải trở lại kiếp Người để hành sử nghiệp kế tiếp của mình.
Chủ lễ nên khuyên vong linh, cố gắng tu tập, niệm Phật thật là nhiều, để có thể đến cõi Phật, thoát ly vòng sanh tử luân hồi; nếu chỉ ở cõi Trời lo hưởng phước, hưởng cái thù thắng vi diệu đó, thì khi hết phước, trở xuống cõi trần, lúc đó thiên tai biến động lại chín muồi, thần thức còn khổ nữa. Do đó thần thức phải cố gắng tu tập để thoát ly sanh tử.
Mỗi Ngày Trong Tuần Thứ Bảy:
Đây là tuần lễ cuối cùng của 49 ngày siêu độ. Tuần lễ này vô cùng quan trọng đối với vong, mà cũng là đối với người chủ lễ, vì nó sẽ chứng tỏ được sự thành công của người chủ lễ trong việc siêu độ cho một vong linh, nhất là việc hoán chuyển, từ cảnh giới thấp lên đến cảnh giới cao hơn.
Trong tuần lễ này, người chủ lễ xoay quanh đề tài về: sự tha thứ, phước huệ, hồi hướng về cảnh giới Cực Lạc.
Người chủ lễ trình bày cho vong cảnh giới Cực Lạc, sự an nhiên tự tại, và điều vô cùng quan trọng và đáng nói là, một khi vong đã trở thành Thánh Chúng rồi, vong sẽ thoát được vòng Sanh Tử Luân Hồi, không còn nghiệp chướng trùng trùng quấn chặt quanh mình nữa. Với tư cách là một Thánh Chúng, vong sẽ trở lại cõi Ta Bà để cứu độ chúng sanh, trong đó gồm luôn cả chính thân nhân ruột thịt của mình.
Cực Lạc là nơi vong an trụ đời đời, vô thời hạn.
Cõi Trời là nơi vong được hưởng Phước, hưởng những niềm vui bất tận, có thể nói, muốn gì được nấy!
Tuy nhiên Phước báu này cũng không được gọi là vĩnh viễn, vẫn có thời hạn, dài hay ngắn, còn tùy theo công năng tu tập hành Thập Thiện của mỗi chúng sanh, khi còn tại thế.
Người chủ lễ hướng dẫn cho vong niệm Phật thật nhiều … nhiều hơn các ngày trong các tuần trước, giúp cho vong phát nguyện tu tập, trau giồi Tâm – Ý – Tánh và sám hối thật nhiều.
Trong suốt 7 ngày của tuần lễ thứ 7 này, người chủ lễ giúp cho vong tu tập rất nhiều và giờ giảng Pháp cũng nhiều hơn, cốt sao để giúp cho Trí Huệ của vong được sáng lên.
Tuy nhiên, việc lựa chọn giữa hai cảnh giới Trời và Phật là do vong quyết định thì mới được. Người chủ lễ chỉ có bổn phận trình bày hai cảnh giới Trời và Cực Lạc, không thể dự phần vào việc quyết định giùm cho vong được.
Cảnh Giới Cực Lạc
Cảnh giới Cực Lạc đã được diễn tả rất rõ ràng trong Kinh A Di Đà sau đây:
Xá Lợi Phất! Vì sao cõi đó tên là Cực Lạc? Vì cõi đó chúng sinh chẳng có các sự khổ, chỉ hưởng thụ các sự vui, nên gọi là Cực Lạc.
Lại nữa Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có bảy tầng lan can, bảy tầng mành lưới, bảy tầng hàng cây, đều do bốn thứ báu bao bọc chung quanh, cho nên cõi đó gọi là Cực Lạc.
Lại nữa Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao làm bằng bảy báu, nước có tám thứ công đức, đầy dẫy trong đó, đáy ao dùng cát vàng trải làm đất, bốn bên thềm đường, dùng vàng bạc, lưu ly, pha lê hợp làm thành, phía trên có lầu các, cũng dùng vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, châu đỏ, mã não nghiêm sức. Hoa sen trong ao, lớn như bánh xe, hoa màu xanh thì ánh sáng xanh, màu vàng thì ánh sáng vàng, màu đỏ thì ánh sáng đỏ, màu trắng thì ánh sáng trắng, tốt đẹp thơm tho trong sạch. Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế.
Lại nữa Xá Lợi Phất! Cõi Phật đó thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời, mưa xuống hoa trời Mạn Ðà La. Chúng sinh cõi đó, thường vào buổi sáng sớm, đều lấy túi y đựng đầy hoa đẹp, đem đi cúng dường vạn ức Ðức Phật trong mười phương, khi đến bữa ăn bèn trở về nước của mình, ăn cơm xong đi kinh hành. Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế.
Lại nữa Xá Lợi Phất! Cõi đó thường có đủ thứ chim lạ đẹp đủ màu như: Chim hạt trắng, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, cộng mệnh. Các thứ chim đó, ngày đêm sáu thời, vang ra tiếng hoà nhã. Tiếng đó diễn nói Pháp: năm căn, năm lực, bảy bồ đề phần, tám thánh đạo, các Pháp như vậy thảy, chúng sinh trong cõi đó, nghe tiếng đó rồi, đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Chúng sanh được vãng sanh về cõi Cực Lạc sẽ đời đời an trụ nơi cõi ấy, thoát được vòng sanh tử luân hồi, không còn bị nghiệp lực triền miên trói buộc.
Ngày Thứ 49
Vào ngày thứ 49 tính từ ngày lâm chung (tức là ngày thứ 7 của tuần thứ 7), vẫn theo nghi thức bình thường; sau khi cho vong sám hối là đến phần trì Chú, niệm Phật (nên nhờ thêm một vài người trong gia đình hoặc bạn bè, quen biết phụ việc niệm Phật cùng với vong).
Trong lúc đó, người chủ lễ khấn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát để giúp tiễn vong đi, trong lời niệm Phật vang rền của các thân nhân.
Khi khấn xong, người chủ lễ thành tâm niệm danh hiệu của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trong khoảng thời gian từ 15-20 phút, trong lúc đó thì Ngài cùng với quyến thuộc lo việc tiếp dẫn cho vong linh.
Sau thời gian trì niệm danh hiệu của Ngài, người chủ lễ tụng phần hồi hướng và Tự Tam Quy rồi kết thúc việc siêu độ cho vong!
Nếu vong đủ duyên để về cõi Phật, Thánh Chúng sẽ đến rước.
Nếu vong được sanh về cõi Trời, Tứ Thiên Vương sẽ đến rước.
Nếu vong trở lại cõi Người, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ đưa đi.
Người chủ lễ cũng phải khấn hai Vị Hộ Pháp và tỏ lời cảm ơn hai Vị đã bảo vệ cho vong trong suốt thời gian 49 ngày. Hôm nay việc siêu độ cho vong đã hoàn mãn, xin cung tiễn hai Vị Hộ Pháp.
GHI NHỚ:
Trong suốt 49 ngày, sau mỗi khóa lễ siêu độ, chủ lễ khấn hai Vị Hộ Pháp để giúp vong hồi vị, đồng thời vị chủ lễ cũng chấp 2 tay nói lớn:
Khóa lễ siêu độ cho vong linh tên ________ đã hoàn tất, xin thỉnh vong linh hồi vị.
Vừa nói vừa đưa 2 tay chấp lại, chỉ thẳng vào hình của vong linh, hơi nhích 2 bàn tay lên.