KINH VÔ THƯỜNG
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Cúi đầu quy y Vô Thượng Sĩ
Thường khởi hoằng thệ đại bi tâm
Cứu các hữu tình qua sanh tử
Tới được tịch diệt chốn bình an
Đại thí trì giới, nhẫn, tinh tấn
Nhất tâm phương tiện chánh tuệ lực
Tự lợi lợi tha thảy viên mãn
Nên gọi Điều Ngự Thiên Nhân Sư
Cúi đầu quy y diệu Pháp tạng
Ba Bốn, hai Năm, lý viên minh
Bảy, Tám, khéo mở cửa Bốn Đế
Hành giả thảy đến bờ vô vi
Mây Pháp mưa Pháp thấm chúng sanh
Khéo trừ nhiệt não sạch chúng bệnh
Ai khó giáo hóa khiến điều phục
Tùy cơ dẫn đạo không cưỡng ép
Cúi đầu quy y chân thánh chúng
Tám bậc thượng nhân khéo ly nhiễm
Chày trí kim cang phá tà sơn
Vĩnh đoạn vô thỉ siết trói buộc
Xưa từ Lộc Uyển đến Song Lâm
Theo Phật trọn đời hoằng chân giáo
Mỗi tùy bổn duyên hành hóa xong
Tro thân diệt trí tịch vô sanh
Cúi đầu cung kính Tam Bảo tôn
Đây là chánh nhân khéo phổ độ
Mê ngu chìm đắm nơi sanh tử
Thảy khiến ra khỏi đến tịch diệt
Mọi người sanh ra đều phải chết
Dung nhan tươi đẹp sẽ tàn phai
Mạnh khỏe rồi thì cũng mắc bệnh
Chẳng một ai nào thoát miễn đâu
Thậm chí cho dù núi Diệu Cao
Đến khi kiếp tận đều hoại diệt
Biển lớn sâu thẳm không bờ đáy
Nhưng rồi cũng phải khô cạn thôi
Đại địa mặt trời với mặt trăng
Tới lúc nào đó cũng tận diệt
Xưa nay chưa từng có việc gì
Không bị vô thường nuốt chửng đâu
Trên lên tận cõi Phi Phi Tưởng
Dưới đến thế gian vua Chuyển Luân
Bảy báu uy trấn theo bên mình
Hàng ngàn con trai luôn vây quanh
Nhưng khi thọ mạng đã chấm dứt
Vụt thoáng hốt nhiên chẳng tạm đình
Trở lại phiêu dạt trong biển tử
Chịu nỗi thống khổ tùy nghiệp duyên
Tuần hoàn xoay vần trong ba cõi
Ví như trục quay múc nước giếng
Cũng như con tằm làm tổ kén
Nhả tơ vây bọc nhốt chính mình
Dù đến vô thượng chư Thế Tôn
Và hàng Thanh Văn bậc Độc Giác
Còn phải xả bỏ thân vô thường
Hà huống phàm phu có thá chi
Song thân cha mẹ với vợ con
Tỷ muội huynh đệ cùng quyến thuộc
Mắt thấy chia lìa cảnh sống chết
Sao lại không sầu khóc thở than?
Cho nên khuyên bảo với mọi người
Hãy lắng nghe kỹ Pháp chân thật
Rồi cùng xả bỏ chốn vô thường
Và hãy thực hành Bất Tử Môn
Phật Pháp ví như nước cam lộ
Diệt trừ nhiệt não được mát mẻ
Vì vậy nhất tâm hãy lắng nghe
Có thể tiêu trừ mọi não phiền
TÔI NGHE NHƯ VẦY:
Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.
Khi ấy Phật bảo các vị Bhikṣu [bíc su] rằng:
“Ở thế gian có ba thứ mà không thể yêu mến, không thể xán lạn, không thể nhớ mong, và không thể vừa ý. Những gì là ba?
Đó là già, bệnh, chết.
Này các vị Bhikṣu! Già, bệnh, chết ở thế gian, thật không thể yêu mến, thật không thể xán lạn, thật không thể nhớ mong, và thật không thể vừa ý.
Nếu không có già, bệnh, chết ở thế gian, thì Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, sẽ không xuất hiện ở thế gian để thuyết Pháp mà Ngài đã chứng đắc và phương pháp điều phục.
Cho nên phải biết rằng, già, bệnh, chết ở thế gian, thật không thể yêu mến, thật không thể xán lạn, thật không thể nhớ mong, và thật không thể vừa ý. Do bởi ba việc này nên Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, mới xuất hiện ở thế gian để thuyết Pháp mà Ngài đã chứng đắc và phương pháp điều phục.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn dùng kệ tuyên lại rằng:
“Ngoại sự huy hoàng rồi sẽ hoại
Nội thân suy biến cũng thế thôi
Duy có thắng Pháp chẳng diệt vong
Cho nên người trí hãy ngẫm suy
Già bệnh chết này đều cùng gớm
Hình dáng xấu xí thật đáng ghét
Dung mạo thanh xuân chỉ tạm thời
Không lâu tất sẽ khô héo phai
Cho dù sống đến trọn trăm năm
Kết cục chẳng thể thoát vô thường
Già bệnh chết khổ mãi đuổi theo
Luôn cho chúng sanh vô ích lợi”
Khi Thế Tôn thuyết Kinh này xong, các vị Bhikṣu, trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên cùng hết thảy đại chúng, họ đều sanh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.
Ai luôn cầu cảnh dục
Chẳng chịu làm việc lành
Không thấy chết cận kề
Làm sao hộ tánh mạng?
Khi mạng căn sắp đứt
Đốt xương thảy phân ly
Khổ ách cùng chết đến
Lúc ấy hận ngậm ngùi
Hai mắt trợn trắng lên
Tử đao nghiệp lực giáng
Ý tưởng đầy kinh hoàng
Chẳng ai tương cứu giúp
Hổn hển ngực đập nhanh
Cổ khô thở đứt quãng
Tử thần đòi lấy mạng
Thân thuộc đành đứng trông
Các thức đều mờ mịt
Đi vào trong thành hiểm
Thân quyến thảy rời bỏ
Dây siết lôi kéo đi
Dẫn đến chỗ Diêm Vương
Tùy nghiệp mà thọ báo
Nhân thiện sanh chốn lành
Nghiệp ác đọa địa ngục
Mắt sáng nào bằng tuệ
Tối tăm nào bằng si
Có bệnh nào hơn oán
Có sợ nào hơn chết
Có sanh ắt phải chết
Tạo tội thân chịu khổ
Hãy nên giữ ba nghiệp
Luôn mãi tu phước trí
Quyến thuộc đều rời xa
Tài vật người chiếm đoạt
Chỉ căn lành của mình
Tư lương nơi hiểm đạo
Như cây bên ven đường
Tạm nghỉ chẳng ở lâu
Ngựa xe cùng vợ con
Không lâu cũng như vậy
Như chim đậu qua đêm
Sáng sớm bay mỗi hướng
Chết đến lìa thân quyến
Biệt ly cũng như vậy
Duy Phật có đại giác
Là nơi chân quy y
Y Kinh ta lược giảng
Người trí hãy tư duy
Trời người phi thiên quỷ tiệp tật
Người đến nghe Pháp nên chí tâm
Hộ trì Phật Pháp khiến trường tồn
Mỗi người cần hành lời Phật dạy
Chúng sanh đến đây lắng nghe Pháp
Hoặc ở trên đất hay không trung
Thường vì nhân thế khởi từ tâm
Ngày đêm tự mình trụ nơi Pháp
Nguyện các thế giới luôn bình an
Vô biên phước trí lợi chúng sanh
Bao nhiêu nghiệp tội thảy tiêu trừ
Rời xa khổ ách về tịch diệt
Luôn dùng giới hương thoa tịnh thể
Thường mang thiền định khoác vào thân
Tuệ giác diệu hoa biến trang nghiêm
Tùy nơi trú xứ thường an lạc
Kinh Vô Thường
☸ Cách đọc âm tiếng Phạn
Bhikṣu: bíc su