KINH ĐẠI LÂU THÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Lập và Pháp Cự
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 13: TRỜI ĐẤT THÀNH HOẠI
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Trời đất hoại diệt, sau đấy mới bắt đầu hình thành lại. Loài người đều ở trên cõi trời A-vệ-hóa-la thứ mười lăm. Người ở trên cõi trời đó dùng sự mừng vui làm thức ăn, mỗi người tự có ánh sáng, thần túc, sống rất lâu.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Khi nước ấy ngập khắp cõi thiên hạ, bấy giờ không có mặt trời, mặt trăng, không có tinh tú, không có ngày đêm, không có một tháng, nửa tháng cũng không có năm, tuổi, mờ mờ, mịt mịt, không thấy gì. Sau khi trời đất hình thành, chư Thiên trên đó, ai lộc phước đức mỏng, thì khi chết, từ trên cõi trời A-vệ-hóa-la đi xuống dạo chơi ở cõi này, cũng dùng sự vui mừng làm thức ăn. Ai cũng tự có ánh sáng, thần túc bay đi. Họ ở tại cõi nhân gian, sống rất lâu. Khi ấy, người trong thiên hạ rất đoan chánh, đẹp đẽ, chẳng phân biệt nam nữ, cũng chẳng phân biệt vua, dân, lớn, bé, chỉ cùng nhau tụ họp, qua lại.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Khi ấy, trên đất tự nhiên sanh hương vị đất. Thí như lớp dầu trên váng sữa, vị và đất ấy cũng như vậy, vị nó như mật. Rồi có một người ham thích mùi lạ, nghĩ rằng: “Ta muốn thử dùng ngón tay lấy vị đất nếm thử để biết là loại gì”. Người ấy liền dùng ngón tay lấy vị đất nếm, rất vui thích, nếm như vậy đến ba lần, cảm thấy rất thích thú, sau đó liền hốt đầy tay để ăn. Những người khác thấy thế liền bắt chước dùng tay bốc vị đất mà ăn. Sau khi người ăn vị đất đó rồi, thân liền thô cứng, sắc mặt trở thành xấu, mất đi ánh sáng, thần túc, chẳng thể bay lại lên trời. Thiên hạ trở lại như cũ, mờ mờ, mịt mịt. Theo phương thức cũ, có đại hắc phong nổi lên, thổi vào nước biển lớn, sâu đến ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, đưa mặt trời, mặt trăng đại thành quách lên bên sườn núi Tu-di một trăm sáu mươi tám vạn dặm, bỏ mặt trời mặt trăng thành quách vào trong quỹ đạo. Do nhân duyên ấy, thiên hạ có mặt trời, mặt trăng. Bấy giờ, mặt trời đại thành quách từ phía Đông núi Tu-di mọc lên, vòng quanh núi chúa Tu-di, vòng đến hướng Tây rồi lặn. Lại từ phía Đông của núi mọc lên, vòng quanh núi Tu-di, rồi lặn về hướng Tây. Khi ấy, có người nói: “Đó là mặt trời ngày hôm qua”, hoặc có người nói: “Đó chẳng phải là mặt trời ngày hôm qua”. Mặt trời đại thành quách lại từ phía Đông núi Tu-di mọc lên như vậy ba lần, vòng quanh núi Tu-di rồi lặn về hướng Tây. Khi ấy có người nói: “Đó là mặt trời của hôm qua mọc lên”. Vì vậy họ gọi đó là mặt trời. Mặt trời có hai việc. Một là mọc lên chiếu sáng hiện rõ thành quách, hai là lặn đi chẳng hiện ra cung điện, bốn phía vuông tròn. Ánh sáng của nó chiếu quanh khắp mọi nơi, vì vậy nên tròn. Dùng vàng, pha lê trời tinh khiết tạo thành thành quách. Thành quách ấy có hai phần: một phần là vàng ròng không tỳ vết, không dơ bẩn, ánh sáng chói lọi; một phần là pha lê không tỳ vết, không dơ bẩn, tỏa ánh sáng. Mặt trời đại thành quách rộng dài mỗi mặt hai ngàn ba mươi dặm, trên dưới đều bằng phẳng. Trong thành có lầu nhà, cung điện bằng vàng, tên là Diêm-phù, thanh tịnh, cao sáu trăm bốn mươi dặm, rộng cũng sáu trăm bốn mươi dặm. Trong lầu nhà, cung điện Diêm-phù, có tòa ngồi của Thiên tử mặt trời, mỗi mặt rộng dài hai mươi dặm, dùng bảy báu cõi trời: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não làm thành. Toàn thân của Thiên tử mặt trời phóng ánh sáng, chiếu khắp cung điện Diêm-phù. Ánh sáng của cung điện Diêm-phù chiếu sáng đại thành quách và chiếu xuống bốn phương. Thiên tử mặt trời chẳng nghĩ rằng ta đi hay là chẳng đi, thường dùng năm thứ dục lạc tự vui chơi, thỏa thích. Thiên tử mặt trời có vô số trời đi trước dẫn đường, vui sướng vô cùng, trước sau có dẫn đường, theo đó mà đi, vì vậy gọi là ngự.
Thành quách của Thiên tử mặt trời dùng bảy báu làm thành bảy lớp vách, bảy lớp lan can, bảy lớp đường đi, cây cối, vườn nhà, ao tắm, có hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng. Trong đó có các loại chim bay cùng nhau vui hót. Tuổi thọ của Thiên tử mặt trời là năm trăm năm của trời. Con cháu, cháu con truyền đời cho nhau, mức cuối cùng là một kiếp. Thiên tử mặt trời thành quách phóng xuống năm trăm ánh sáng, chung quanh lại có năm trăm ánh sáng. Đó là ngàn ánh sáng do nhân duyên lành mà đạt được. Do nhân duyên gì mà được ngàn ánh sáng? Đạt được để làm gì? Để chiếu sáng thiên hạ, khiến cho dân chúng thấy ánh sáng đó mà có thể hoàn thành các việc. Vì sao dân chúng thấy ánh sáng đó có thể hoàn thành các việc? Nếu có người bố thí cho Sa-môn, Đạo nhân và kẻ bần cùng áo mền, thức ăn uống, xe ngựa, lục súc, hương xông, tràng hoa, giường nằm, phòng ốc, nhà cửa, đèn lửa, xin cái gì liền cho cái đó, không nghịch ý người, thường không ngừng nghỉ, bố thí hết mình, không mệt mỏi, thật lòng bố thí, sau không hối tiếc, khiến cho đạo nhân thanh tịnh, hoan hỷ phụng trì chơn pháp, vì vậy làm cho định ý, an ổn, thì người bố thí được vô số hạnh lành. Thí như Chuyển luân vương khi vừa mới lên ngôi, tâm ý hoan hỷ không kể xiết.
Phật dạy:
–Cũng như vậy, nếu có người bố thí cho Sa-môn, Đạo nhân và kẻ bần cùng áo mền, thức ăn uống, xe ngựa, lục súc, tràng hoa, giường nằm, phòng ốc, nhà cửa, đèn lửa; ai xin gì, không nghịch ý người xin, bố thí không dừng nghỉ, thật lòng bố thí, sau không hối tiếc, khiến cho đạo nhân thanh tịnh, phụng trì pháp tôn quý, do vậy hoan hỷ, khiến được định ý, an ổn, được vô số hạnh lành, thì người ấy khi chết được sanh vào chỗ an ổn, tức là sanh vào chỗ Thiên tử mặt trời, liền được giữ thành quách mặt trời, ánh sáng của người đó chiếu xuống khắp bốn phương.
Đó gọi là ngàn ánh sáng do nhân duyên lành mà đạt được.
Lại, do có mười nhân duyên gì mà được ngàn ánh sáng? Một là không sát sanh; hai là không trộm cắp; ba là không xâm phạm phụ nữ của người khác; bốn là không nói dối; năm là không uống rượu; sáu là không nói lời thô ác, mắng nhiếc; bảy là không nói hai lưỡi, thêu dệt; tám là không ganh ghét; chín là không sân hận; mười là chánh kiến. Vì tâm nghĩ về vô số điều thiện, điều nhân từ nên khi chết liền sanh về chỗ Thiên tử mặt trời, tự nhiên được giữ thành quách mặt trời. Đó là ngàn ánh sáng do nhân duyên lành đạt được.
Lại do từ nhân duyên lành gì mà đạt được ngàn ánh sáng? Một là không sát sanh, hai là không trộm cắp, ba là không xúc phạm phụ nữ người khác, bốn là không nói dối, năm là không uống rượu, ý luôn luôn nghĩ về điều lành, điều nhân từ. Thí như chỗ đất tốt, tại ngã tư đường có ao tắm, nước trong mát, êm ả, đẹp đẽ, các loại cây bao bọc chung quanh, nếu có người từ nơi nóng bức đến, rất đói khát vào trong ao tắm, tắm rửa uống nước thì tâm ý người ấy vô cùng hoan hỷ.
Phật dạy:
–Cũng như vậy, nếu có người nào không trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, ý nghĩ vô số điều thiện thì khi chết được sanh về chỗ Thiên tử mặt trời, liền được giữ thành quách mặt trời. Đó là nhân duyên lành đạt được ngàn ánh sáng rực rỡ. Vì sao mặt trời đại thành quách khiến cho thiên hạ có mùa thu, mùa đông lạnh lẽo? Vì do mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên ấy là gì? Một là khoảng giữa núi Tu-di chừng ba trăm ba mươi sáu vạn dặm mọc lên hoa sen hồng, hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen trắng rất đẹp và nhiều hương thơm. Ánh sáng của mặt trời đại thành quách chiếu vào trong đó, bị hút. Vì nhân duyên ấy làm cho mặt trời đại thành quách lạnh vào mùa thu, mùa đông. Đó là việc thứ nhất.
Hai là khoảng giữa núi A-la-đà, dài một trăm sáu mươi tám vạn dặm, trong đó mọc hoa sen xanh, hồng, vàng, trắng rất đẹp và nhiều hương thơm, hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách. Vì vậy, khiến cho mặt trời đại thành quách lạnh. Đó là việc thứ hai.
Lại nữa, khoảng giữa núi Du-an, dài tám mươi bốn vạn dặm, trong đó có mọc hoa sen xanh, hồng, vàng, trắng rất đẹp và nhiều hương thơm, lại hút ánh sáng mặt trời đại thành quách. Vì vậy thiên hạ lạnh. Đó là việc thứ ba.
Lại nữa, ở khoảng giữa núi Thiện kiến, dài bốn mươi tám vạn dặm, trong đó có mọc hoa sen xanh, hồng, vàng, trắng rất đẹp và nhiều hương thơm, hút ánh sáng mặt trời. Vì vậy khiến thiên hạ lạnh.
Đó là việc thứ tư.
Ngoài núi Thiện kiến, kế đến có núi A-sao-ba, khoảng giữa dài hai mươi bốn vạn dặm; sau núi thứ năm là A-sao-ba, có núi Ni-di-đà, khoảng giữa dài mười hai vạn dặm; sau núi thứ sáu là Ni-di-đà, có núi Tỷ-na, khoảng giữa dài bốn vạn tám ngàn dặm; sau núi thứ bảy là Tỷ-na, có núi Thiết vi dài hai vạn bốn ngàn dặm, hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách, vì vậy nên khiến cho thiên hạ lạnh vào mùa thu, đông. Đó là việc thứ tám.
Lại nữa, các dòng sông trong thiên hạ, hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách, vì vậy nên mặt trời đại thành quách lạnh vào mùa thu, đông. Đó là việc thứ chín.
Lại nữa, nước của các dòng sông đó chảy về hướng đông, chảy về hướng cõi Diêm-phù-đề ít, chảy về cõi Câu-da-ni nhiều, liền hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách. Vì vậy mặt trời trong thiên hạ lạnh, đó là việc thứ mười.
Lại nữa, các dòng sông chảy về Câu-da-ni ít, chảy về Phất-vuđãi nhiều, lại hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách, cho nên thiên hạ lạnh. Đó là việc thứ mười một.
Lại nữa, các dòng sông chảy về Phất-vu-đãi ít, chảy về Uấtđơn-việt nhiều, lại hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách. Nước biển lớn hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách, vì vậy mặt trời trong thiên hạ lạnh, có mùa thu, đông. Đó là việc thứ mười hai.
Vì nhân duyên gì mà mặt trời đại thành quách nóng vào mùa xuân, mùa hạ? Có mười việc. Mười việc ấy là gì?
Bên núi chúa Tu-di có núi tên là A-đa, cao một trăm sáu mươi tám vạn dặm, rộng cũng một trăm sáu mươi tám vạn dặm, biên giới rộng vô cùng, rất đẹp đẽ, dùng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não làm thành. Núi ấy hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách, vì vạy nên thiên hạ nóng. Đó là việc thứ nhất.
Lại nữa, ngoài núi A-đa, có núi tên là Y-sa-đa cao bốn mươi tám vạn dặm, rộng cũng bốn mươi tám vạn dặm, biên giới vô cùng, rất đẹp đẽ, dùng toàn bảy báu làm thành, hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách, vì vạy nên thiên hạ nóng. Đó là việc thứ hai.
Lại nữa, ngoài núi Y-sa-đa, có núi tên là Du-an-đà, cao bốnmươi tám vạn dặm, rộng cũng bốn mươi tám vạn dặm, biên giới vô cùng, rất đẹp đẽ, dùng toàn bảy báu làm thành. Núi ấy lại hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách nên thiên hạ nóng. Đó là việc thứ ba.
Lại nữa, ngoài núi Du-an-đà, có núi tên là Thiện kiến, cao hai mươi bốn vạn dặm, rộng cũng hai mươi bốn vạn dặm, biên giới vô cùng… Đó là việc thứ tư.
Lại nữa, có núi tên là A-sao-ni, cao mười hai vạn dặm, rộng cũng mười hai vạn dặm, biên giới vô cùng… Đó là việc thứ năm.
Lại nữa, có núi tên là Ni-di-đà, cao bốn vạn tám ngàn dặm, rộng cũng bốn vạn tám ngàn dặm, biên giới vô cùng… Đó là việc thứ sáu.
Sau núi Ni-di-đà, kế đến có núi tên là Tỷ-na-đầu, cao hai vạn bốn ngàn dặm, rộng cũng hai vạn bốn ngàn dặm, biên giới vô cùng… Đó là việc thứ bảy.
Ngoài ra, kế đến lại có núi tên là Thiết vi, cao hai vạn hai ngàn dặm, rộng cũng hai vạn hai ngàn dặm, biên giới vô cùng, dùng toàn bảy báu làm thành. Ánh sáng của mặt trời đại thành quách chiếu khắp trên đó vì vậy nên thiên hạ nóng, có mùa xuân, mùa hạ. Đó là việc thứ tám.
Lại nữa, từ đây cao lên bốn mươi vạn dặm, có nhà của thiên thần, dùng pha lê làm thành, ở giữa hư không, gió lớn khống chế lôi đi, giống như mây nổi. Người trong thiên hạ đều gọi là tinh tú; cái lớn chu vi bảy trăm hai mươi dặm, cái trung bình chu vi bốn trăm tám mươi dặm, cái nhỏ chu vi hai trăm bốn mươi dặm. Ánh sáng của mặt trời đại thành quách nhiều hơn những tinh tú đó, do nhân duyên ấy nên thiên hạ nóng. Đó là việc thứ chín.
Lại nữa, đất trong thiên hạ, hút ánh sáng của mặt trời đại thành quách, vì vậy nên thiên hạ nóng, thành mùa xuân, mùa hạ. Đó là việc thứ mười.
Mặt trời đại thành quách có năm thứ gió thường hộ trì. Một là Trì phong, hai là Trụ phong, ba là Trợ phong, bốn là Chuyển phong, năm là Hành phong. Đó là năm thứ gió cùng làm chuyển mặt trời đại thành quách đi, chưa từng có lúc dừng nghỉ.
Phật dạy:
–Bấy giờ mặt trăng đại thành quách mọc lên đi vòng núi Tu-di, từ hướng Đông lặn về hướng Tây, ánh sáng oai thần kém hơn, cho nên gọi là mặt trăng. Mặt trăng có hai việc: Ánh sáng đi vòng và chiếu khắp bốn phương. Đại thành quách của nó bốn bên đều tròn, ánh sáng bao quanh cũng tròn. Mặt trăng thành quách do bạc trời, lưu ly trời tạo thành. Mặt trăng đại thành quách rộng, dài mỗi mặt một ngàn chín trăm sáu mươi dặm, phần trên phần dưới bằng nhau. Trong thành có cung điện bằng lưu ly của Thiên tử mặt trăng. Cao sáu trăm dặm, rộng cũng sáu trăm dặm. Bên trong có tòa ngồi của Thiên tử mặt trăng, mỗi mặt rộng dài hai mươi dặm, dùng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não tạo thành. Toàn thân của Thiên tử mặt trăng đều phóng ra ánh sáng chiếu cung điện, ánh sáng của cung điện phóng ra chiếu đại thành quách, ánh sáng đại thành quách chiếu xuống khắp bốn phương. Thiên tử mặt trăng chẳng tự nghĩ là ta đi hay chẳng đi, thường dùng năm dục lạc của cõi trời vui chơi thỏa thích. Thiên tử mặt trăng dẫn theo vô số chư Thiên trước, sau đánh xe dạo chơi, thường vui vẻ thích thú, nên gọi là ngự. Tuổi thọ của Thiên tử mặt trăng theo tuổi trên trời là năm trăm tuổi. Con cháu, cháu con tiếp nối truyền cho nhau. Vách của thành quách ấy dùng bảy báu tạo thành. Bảy lớp lan can, bảy lớp đường đi, bảy lớp hàng cây, cây cối bao bọc chung quanh, dùng toàn bảy báu tạo thành. Có vườn nhà, ao tắm, trong đó có đủ loại hoa sen xanh, vàng, đỏ trắng, các loài chim bay cùng nhau vui hót. Thiên tử mặt trăng có năm trăm ánh sáng phóng xuống, chung quanh lại có năm trăm ánh sáng gộp lại thành một ngàn ánh sáng, do nhân duyên lành mà đạt được. Do nhân duyên lành gì mà được ngàn ánh sáng? Nếu có người bố thí cho Sa-môn, Đạo nhân và kẻ bần cùng áo, mền, thức ăn uống, xe ngựa, lục súc, hương xông, tràng hoa, phòng ốc, nhà cửa, đèn lửa, cần gì cho nấy, không nghịch ý người xin, thật lòng bố thí, sau chẳng hối tiếc, khiến cho Đạo nhân thanh tịnh phụng trì chân pháp, khiến được an ổn thì được vô số hạnh lành. Thí như Chuyển luân vương khi mới lên ngôi, tâm ý vô cùng hoan hỷ.
Phật dạy:
–Cũng như vậy, nếu có người bố thí cho Sa-môn, Đạo nhân và
kẻ bần cùng áo, mền, thức ăn uống, các thứ đồ dùng khiến được an ổn, hoan hỷ vô cùng, thì người ấy khi chết được sanh lên chỗ Thiên tử mặt trăng, liền được giữ đại thành quách mặt trăng. Vì vậy nên gọi là ngàn ánh sáng do nhân duyên lành đạt được.
Lại từ nhân duyên lành gì mà được ngàn ánh sáng? Nếu có người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, nói thêu dệt, nói lời thô ác, mắng chửi, nói hai lưỡi, không có ý ganh ghét, không sân giận, ngu si, làm mười điều thiện thì tâm ý vô cùng hoan hỷ. Thí như vùng đất tốt, ở ngã tư đường có ao tắm, nước trong sạch, êm ả, đẹp đẽ, chung quanh có cây. Nếu có người đói khát từ chỗ nóng bức đến vào trong ao tắm, uống nước, tâm ý vô cùng hoan hỷ.
Phật dạy:
–Cũng như thế, nếu có người làm mười điều thiện, khi chết, liền sanh lên chỗ Thiên tử mặt trăng, được giữ đại thành quách mặt trăng. Đó gọi là nhân duyên lành mà đạt được ngàn ánh sáng ấy.
Lại do từ nhân duyên lành gì mà được ngàn ánh sáng? Nếu có người không sát sanh, không trộm cắp, không xâm phạm phụ nữ người khác, không nói dối, không uống rượu. Người ấy luôn hoan hỷ, thì khi chết liền sanh lên chỗ Thiên tử mặt trăng, được giữ thành quách mặt trăng. Đó gọi là do nhân duyên lành mà đạt được ngàn ánh sáng.
Trong khoảng sáu mươi lần búng ngón tay thì gấp được bảy thước lụa. Gấp hai mươi mốt thước lụa là một giờ. Khoảng một trăm lần búng ngón tay thì gấp được mười thước. Mặt trời đại thành quách, trong một ngày, đi được sáu mươi dặm về hướng Nam; đi hết một trăm tám mười ngày, mới đi trở lại về hướng Bắc một trăm tám mươi ngày nữa. Mặt trời đi một trăm tám mươi ngày còn mặt trăng đi mười lăm ngày.
Vào giữa ngày ở cõi Diêm-phù-lợi thì ở cõi Phất-vu-đãi phương Đông là tối; ở cõi Câu-da-ni phương Tây thì mặt trời mới mọc, ở cõi Uất-đơn-việt phía Bắc vào nửa đêm. Ở cõi Câu-da-ni vào giữa ngày thì ở cõi Diêm-phù-lợi tối, ở cõi Uất-đơn-việt mặt trời mới mọc, ở cõi Phất-vu-đãi nửa đêm. Ở cõi Uất-đơn-việt vào giữa ngày thì cõi Câu-da-ni tối. Ở cõi Phất-vu-đãi mặt trời mới mọc thì cõi Diêm-phù-lợi nửa đêm. Ở cõi Phất-vu-đãi vào giữa ngày thì ở cõi Uất-đơn-việt là tối. Ở cõi Diêm-phù-lợi mặt trời mới mọc thì ở cõi Câu-da-ni là nửa đêm. Như vậy ở cõi Diêm-phù-lợi giữa ngày, thì cõi Phất-vu-đãi ở phương Đông tối. Cõi Câu-da-ni phương Tây mặt trời mọc thì ở cõi Uất-đơn-việt nửa đêm. Ở cõi Câu-da-ni giữa ngày thì ở cõi Diêm-phù-lợi tối. Ở cõi Uất-đơn-việt mặt trời mọc thì ở cõi Phất-vu-đãi nửa đêm.
Phật dạy:
–Do nhân duyên gì mà mặt trăng bị khuyết giảm dần dần? Vì có ba việc nên bị khuyết giảm. Ba việc ấy là gì?
Một là vì đi về một góc nên dần dần bị khuyết giảm. Đó là việc thứ nhất.
Hai là ở bên mặt trăng đại thành quách, có chư Thiên, y phục của họ màu xanh, ngọc anh lạc của họ cũng xanh, che khuất phía họ đứng nên phía ấy bị khuyết giảm. Đó là việc thứ hai.
Ba là mặt trời đại thành quách dùng sáu mươi ánh sáng, chiếu ngay nơi ánh sáng của mặt trăng đại thành quách chiếu, nên phía ấy bị khuyết giảm. Đó là việc thứ ba, mặt trời đoạt ánh sáng mặt trăng.
Vì nhân duyên gì mà mặt trăng hiện đầy? Có đầy đủ ba việc. Ba việc ấy là gì?
Một là mặt trăng dần dần đi ba phương. Vì vậy nên mặt trăng dần dần hiện ra tròn đầy. Đó là việc thứ nhất.
Hai là ngày rằm trong tháng, chư Thiên sắc xanh, mặc áo xanh vào trong thành mặt trăng cùng nhau vui chơi. Khi ấy mặt trăng dùng hết ánh sáng chiếu chư Thiên. Thí như ở chính giữa các ngọn đèn, đốt lên ngọn lửa lớn, thì ngọn lửa ấy chiếu khắp các ngọn đèn.
Phật dạy:
–Cũng như vậy, chư Thiên ở bên mặt trăng đại thành quách, sắc họ xanh và y phục cũng xanh. Vào ngày rằm trong tháng họ vào cùng vui chơi với Thiên tử mặt trăng, nên ánh sáng măt trăng chiếu hư không. Vì vậy nên ngày rằm mặt trăng hiện ra tròn đầy. Đó là việc thứ hai.
Ba là vào ngày rằm trong tháng, mặt trời dùng sáu mươi ánh sáng chiếu khắp mặt trăng đại thành quách, mặt trăng không nhận.
Vì vậy nên mặt trăng hiện ra tròn đầy. Đó là việc thứ ba.
Mặt trăng đại thành quách thường có năm thứ gió hộ trì. Năm thứ ấy là gì? Một là Trì phong, hai là Trụ phong, ba là Trợ phong, bốn là Chuyển phong, năm là Hành phong. Đó là năm thứ gió thường đi với mặt trăng thành quách, chưa từng có khi dừng nghỉ.
Vì nhân duyên gì mà trong mặt trăng hiện ra màu sữa? Vì có cội cây tên là Diêm-phù-lợi, do vậy tên của cõi này là Diêm-phùlợi. Dưới cây ấy có núi, dùng toàn bảy báu làm thành, cao tám trăm dặm, chung quanh cũng tám trăm dặm. Cây ấy cao bốn ngàn dặm, bóng tỏa ra hai ngàn dặm, thân to năm trăm sáu mươi dặm, rễ ăn sâu xuống tám trăm bốn mươi dặm, bóng của cây chiếu hiện trong mặt trăng, làm cho mặt trăng đại thành quách hiện ra màu sữa, chẳng sáng.
Phật bảo Tỳ-kheo:
–Tộc tánh tử khi hành sự nên như mặt trăng chiếu sáng thiên hạ, dứt bỏ thân kiêu mạn, vượt lên trên chủng tánh, thường giữ ý hổ thẹn. Quả trên cây lớn Diêm-phù-lợi giống như cái bình lớn, vị của nó ngọt như mật, sắc nó trắng như váng sữa. Phía Bắc cây lớn Diêmphù-lợi có bảy lớp núi, bảy lớp cây cối; có bảy tinh xá của Tiên nhân Bà-la-môn.
Phật dạy:
–Bấy giờ dân chúng ăn vị đất trên đất đó, để tự sanh sống. Cứ như vậy, ăn vị đất ấy rất lâu, sống lâu vô cùng. Ai ăn vị đất nhiều thì sắc diện biến thành xấu; kẻ ăn ít thì sắc diện xinh đẹp. Người nhan sắc xinh đẹp thì tự kiêu ngạo, chê cười kẻ nhan sắc xấu. Vì sắc đẹp mà tự kiêu ngạo chê cười nhau, nên vị đất ấy liền biến mất, chẳng sinh lại. Lại tự nhiên sanh bánh mỏng, vị quả nó rất thơm ngon, nhưng không bằng vị đất khi trước. Dân chúng cùng hội họp bàn tán, tự đánh mình, kêu than, khóc lóc, tưởng nhớ vị đất rất ngon trước kia đã bị mất.
Phật dạy:
–Thí như người cõi này có vị ngon ngọt cùng người thưởng thức, liền nói: “Vị ấy ngon làm sao!” Họ nhớ mãi vị ấy không thôi. Lúc ấy dân chúng cũng như vậy, cùng hội họp bàn tán, buồn lo tự đánh mình, kêu la, khóc lóc, nhớ nghĩ vị đất trước kia. Khi đó dân chúng lại lấy bánh mỏng ăn để tự nuôi sống. Như vậy rất lâu, ai ăn bánh đất mỏng nhiều, thì nhan sắc liền biến thành xấu, ai ăn ít thì nhan sắc xinh đẹp. Người nhan sắc xinh đẹp thì chê cười kẻ nhan sắc xấu. Do nhan sắc mà tự kiêu ngạo chê cười nhau, nên bánh đất mỏng liền biến mất, không sanh lại. Lại sanh ra Ba-la, vị của nó cũng thơm ngon nhưng không bằng vị của bánh mỏng trước kia, giống như hoa Khô-gia-lam, vị của nó như mật. Lúc ấy dân chúng hội họp bàn tán, buồn lo, tự đánh mình, kêu la, khóc lóc, nhớ nghĩ bánh đất mỏng trước kia. Dân chúng liền lấy vị Ba-la ăn để tự sanh sống, mạng sống của họ rất lâu. Ai ăn vị Ba-la nhiều thì nhan sắc biến thành xấu, ai ăn ít thì nhan sắc xinh đẹp. Người nhan sắc xinh đẹp vì sắc đẹp mà kiêu ngạo chê cười nhau rất thậm tệ, nên Ba-la đất liền biến mất không sanh ra nữa. Lại tự nhiên sanh ra gạo thơm, vị nó cũng thơm ngon, đẹp đẽ; các loại gạo ấy đều tinh khiết, tỏa ra tất cả hương vị nhưng không bằng vị Ba-la. Dân chúng cùng hội họp, bàn tán, lo sầu, kêu la, khóc lóc, nhớ nghĩ vị Ba-la trước kia, tự đánh mình. Giống như dân chúng cõi này, gặp phải sự việc quá đau khổ, kêu la, khóc lóc, dân chúng lúc ấy ở đó cũng như vậy.
Bấy giờ dân chúng lấy gạo thơm tự nhiên ăn. Sau khi ăn gạo thơm tự nhiên, con người biến thành kẻ nam, người nữ, hai phái nhìn nhau liền khởi ý dâm dục, đi đến chỗ vắng cùng nhau làm việc bất tịnh, là sự việc dơ uế. Người khác thấy liền nói: “Vì sao các ngươi làm việc phi pháp? Mọi người đâu có hướng đến nhau mà làm chuyện như vậy?” Rồi tránh xa họ, chẳng cùng chuyện trò. Hai, ba tháng sau mới gọi họ đến gặp và nói: “Xưa kia, người không tham đắm, ngày nay, người vừa có tham đắm”. Sau đấy liền đem người con gái gả cho người con trai, ca múa, vui cười, chúc tụng, cầu cho vợ chồng thường được an ổn.
Lúc ấy người tham đắm việc dâm dục phi pháp, sau khi làm việc dâm dục phi pháp, liền tạo ra nhà cửa. Do vì việc phi pháp ấy, nên bắt đầu tạo dựng nhà cửa. Phật nói kệ:
Ban đầu tạo nước Chiêm-ba
Tiếp xây thành Ba-la-nại
Vì vậy mặt trời chiếu sáng
Sau đó mới làm La-duyệt.
Bấy giờ dân chúng tham đắm việc dâm dục phi pháp. Chư Thiên trên cõi trời A-vệ-hóa-la thứ mười lăm, lộc phước đức của họ ít, khi chết, sanh xuống nhân gian vào trong bào thai nơi bụng mẹ, vì vậy nên nữ nhân bắt đầu mang thai, sanh ra con trai, con gái. Lúc ấy dân chúng cùng ăn gạo thơm thanh khiết, vào buổi chiều đi lấy gạo thơm thì sáng hôm sau gạo lại tiếp tục sanh như cũ. Buổi sáng đi lấy, đến chiều gạo thơm cũng sanh lại như cũ.
Phật dạy:
–Như vậy, dân chúng sáng, chiều thu hoạch gạo thơm, tùy theo đó mà sanh ra như cũ. Rồi ngay chỗ thu hoạch gạo thơm, bỗng nhiên có người nghĩ: “Ta sớm chiều đi lấy gạo thơm thanh khiết một cách mệt nhọc, chi bằng dồn lại lấy phần gạo thơm cho hai ngày”, nghĩ rồi liền đi đến lấy. Gặp người khác, anh ta rủ cùng đi lấy gạo thơm. Anh ta bảo: “Tôi đã mang phần gạo thơm cho hai ngày về rồi. Anh hãy tự đến lấy đi”. Bấy giờ người ấy khen hay, nói: “Hắn thật sung sướng, hóa ra hắn đã đến lấy phần gạo thơm cho hai ngày rồi, ta nên trừ lại phần gạo thơm cho hai, ba ngày”. Người khác lại thấy nói: “Để ta cùng đi lấy gạo thơm tinh khiết với”. Người kia đáp: “Tôi đã lấy phần gạo thơm cho hai ba ngày rồi. Anh hãy tự đi lấy tùy ý”. Người ấy nghe nói cho là phải, tự nghĩ nên đến lấy phần gạo thơm tinh khiết cho bốn, năm ngày, liền đi đến lấy phần gạo thơm tinh khiết cho bốn, năm ngày. Vì nhiều người cùng bắt chước đi lấy gạo thơm tinh khiết, nên sau đó mới sanh loại lúa thơm, chỗ nào đã lấy, thì ngay chỗ ấy không sanh lại. Lúc ấy dân chúng tụ tập cùng bàn tán sầu lo, chẳng vui, tự đánh mình, khóc lóc, kêu la, nói: “Xưa kia, ta dùng niềm vui làm thức ăn, thân có ánh sáng, dùng thần túc bay đi, đúng là thời gian an ổn. Nhưng đất tự nhiên sanh vị đất rất thơm ngon, sắc của nó giống như váng sữa trắng, vị của nó như mật. Kẻ ngu lấy vị đất kia ăn rồi liền bắt chước nhau lấy ăn, nên đều bị mất ánh sáng, thần túc. Ai ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, ai ăn ít thì nhan sắc xinh đẹp. Kẻ nhan sắc đẹp đẽ thì tự kiêu ngạo, chê cười kẻ nhan sắc xấu. Vì chê cười nhau nên vị đất biến mất, không sanh lại. Lại sanh một loại bánh mỏng, sau khi bánh mỏng biến mất, lại sanh Bala; Ba-la biến mất, lại sanh gạo thơm; vì kiêu ngạo chê cười nhau nên đến nỗi khiến cho ngay chỗ lấy gạo thơm tinh khiết không sanh lại nữa, nên phải cùng chia đất, đắp bờ làm ranh giới”. Vì vậy người trong thiên hạ lại làm cái việc chưa từng có là cùng phân chia đất đai đắp bờ làm ranh giới, mỗi người tự cày cấy gieo trồng. Bấy giờ, có một người ngu đã có lúa thơm của mình rồi nhưng còn đi ăn trộm lúa gạo thơm của người khác. Người chủ bắt gặp liền nói: “Anh đã làm chuyện phi pháp. Đã có lúa thơm của mình mà không lấy dùng, lại đi ăn trộm lúa thơm của người khác sao? Sau, ngươi đừng làm chuyện như thế nữa”. Nhưng ba lần như vậy, người ấy để dành gạo thơm của mình, đi ăn trộm gạo thơm nhà người khác. Người chủ lại bắt gặp, liền nói: “Ngươi đã phạm lỗi lớn là đã để dành gạo thơm của mình, lại đi ăn trộm gạo thơm của người khác, như vậy đến nay là lần thứ ba”. Rồi dùng tay đánh, dẫn vào trong làng, cho ngồi trong đám đông người, trách cứ: “Người này để dành gạo thơm của mình, lại đi ăn trộm của người khác”. Người ăn trộm đó nói với mọi người: “Người này dùng tay đánh đập tôi”. Mọi người liền cùng nhau hội họp bàn tán, sầu lo chẳng vui, tự đánh mình, khóc lóc, kêu than, nói: “Nay thế gian đã nảy sanh điều ác, bất thiện, oán thù kết chặt lâu ngày tạo thành nỗi khổ ghê gớm. Một người đã thiêu, rồi lại thiêu hủy mạng mình, nên có các sự kiện lão, bệnh, tử và đường ác. Con người hiện chịu sự bắt bớ, đánh đập nhau, đã vậy rồi lại tự gây ra sự kiện tụng”. Mọi người liền cùng nhau bàn luận: “Bây giờ không biết ở đâu có người hiền để tôn lên làm người lãnh đạo, để trông coi công việc. Những việc chúng ta làm, do người đó quyết định. Nếu có người làm việc phi pháp thì phải trừng phạt. Gạo thơm mà chúng ta đã gieo trồng, mọi người đều cùng góp phần cung cấp y phục, thức ăn uống cho người ấy”. Lúc ấy, trong đám đông đó, có một người tôn quý nhất, đoan chánh, đẹp đẽ, uy phong lẫm liệt. Mọi người liền thưa với người ấy: “Nên vì chúng tôi mà làm người lãnh đạo để trông coi công việc, chúng tôi sẽ tuân theo sự chỉ giáo của ngài. Nếu ai làm việc phi pháp thì nên trừng phạt họ, số gạo thơm mà chúng tôi đã gieo trồng và thu hoạch được, mọi người cùng cung cấp y phục, thức ăn uống cho ngài”. Người ấy nói: “Đồng ý”. Họ liền cùng nhau lập người ấy làm lãnh đạo trông coi tất cả công việc và tuân theo sự chỉ giáo của người ấy. Nếu có người làm việc sai lầm thì liền trừng phạt. Gạo thơm mà mọi người trồng được cùng góp cho người lãnh đạo. Dân chúng cùng tuân theo giáo lệnh và tôn xưng là đại vương. Theo phép mà thu thuế, cho nên gọi là Sát-lợi. Vì vậy nên thiên hạ mới có dòng dõi Sát-lợi; đất nước trong thiên hạ đều thuộc về đại vương.
Khi ấy cõi đất Diêm-phù-lợi, bằng phẳng không có núi gò, khe hang, gai góc; không có muỗi mòng, chấy rận, cũng không có gạch đá, đất rải đầy ngọc minh nguyệt, lưu ly, vàng, bạc. Khi vua cai trị cõi Diêm-phù-lợi, thiên hạ giàu có, yên vui, hưng thịnh, bình yên, ngũ cốc phong phú, dân chúng đông đúc, đất tốt, nước cũng dồi dào, giống như váng dầu mè rưới trên đất không có bụi bặm. Cỏ xanh mọc rất nhiều, bao bọc cùng khắp, sắc cỏ như đuôi chim Khổng tước, mùi thơm của nó như mùi thơm của hoa, mềm láng như nhung lụa, châm giẫm lên thì lún xuống đất bốn tấc, dỡ chân lên thì trở lại như cũ, đất không có chỗ bị lún xuống bốn tấc. Có cây Hương, cây Anh lạc, cây Y bị, cây Bất túc, cây Bão, cây Khí, cây Âm nhạc; cây sanh hoa quả, bổ ra, quả nào cũng hiện ra các thứ vật dụng. Trong đó, có cây cao bảy tầng âm thanh, có cây thấp đến sáu, năm, bốn, ba, hai, một tầng âm thanh, cây thấp nhất cao nửa tầng âm thanh. Khi đại vương trị vì thiên hạ, cõi Diêm-phù-lợi có tám vạn quận quốc. Dân chúng ở trong xóm làng, khi gà gáy, lần lượt cùng nghe. Thiên hạ không có bệnh, không nóng lắm, cũng không lạnh lắm, lại không có người đói khát. Nhà vua dùng chánh pháp cai trị, phụng hành mười điều thiện, dạy khắp dân chúng trong thiên hạ, khiến thực hành mười điều thiện. Nhà vua nhớ nghĩ và thương dân chúng trong thiên hạ như cha thương con, dân chúng trong thiên hạ kính vua như con kính cha. Vị vua ấy có người con tên là Chơn, kế ngôi. Vua Chơn có con tên là Tề. Vua Tề có con tên là Đảnh Sanh. Vua Đảnh Sanh có con tên là Giá Lưu. Vua Giá Lưu có con tên là Hòa Hành. Vua Hòa Hành có con tên là Lưu Chí. Vua Lưu Chí có con tên là Nhật. Vua Nhật có con tên là Ba-na. Vua Ba-na có con tên là Đại Ba-na. Vua Đại Ba-na có con tên là Sa-kiệt. Vua Sa-kiệt có con tên là Đại Thiện Kiến. Vua Đại Thiện Kiến có con tên là Đề Nhiệm. Vua Đề Nhiệm có con tên là Nhiễm. Vua Nhiễm có con tên là Mê Lưu. Vua Mê Lưu có con tên là Ma-lưu. Vua Ma-lưu có con tên là Tinh Tấn Lực. Vua Tinh Tấn Lực có con tên là Kiên Tặc. Vua Kiên Tặc có con tên là Thập Xa. Vua Thập Xa có con tên là Xá-la. Vua Xá-la có con tên là Thập Trượng. Vua Thập Trượng có con tên là Bách Trượng. Vua Bách Trượng có con tên là Na-hòa-đàn. Vua Na-hòa-đàn có con tên là Chơn Xà. Vua Chơn Xà có con tên Ba-diên. Về sau các vua rất nhiều.
Các Chuyển luân vương có mười dòng họ. Một là họ Ca-nô-xa, hai là họ Đa-lư-đề, ba là A-ba, bốn là Kiền-đà-lợi, năm là Ca-lăng, sáu là Giá-ba, bảy là Câu Liệp, tám là Bát-xà, chín là Di-thi-lợi, mười là Ma-ni. Đó là mười dòng họ. Họ Ca-nô-xa có năm đời vua, họ Đa-lư-đề cũng có năm đời, họ A-ba có bảy đời, họ Kiền-đà-lợi cũng có bảy đời, họ Ca-lăng có chín đời, họ Giá-ba có mười bốn đời, họ Câu Liệp có ba mươi mốt đời, họ Bát-xà có ba mươi hai đời, họ Di-thi-lợi có tám vạn bốn ngàn đời, họ Ma-ni có một trăm lẻ một đời vua. Về sau có vua tên là Đại Thiện Sanh, mọi người gọi là Y-ma. Vua Y-ma có con, tự là Ô Lạp. Vua Ô Lạp có con tự là Bất Ni. Vua Bất Ni có con tên là Sư Tử. Vua Sư Tử có con tên là Duyệt-đầu-đàn. Vua Duyệt-đầu-đàn có con tên là Tất-đạt Bồ-tát. Tất-đạt Bồ-tát có con tên là La Vân.
Phật dạy:
–Do nhân duyên ấy từ xưa đến nay nên phát khởi dòng Sát-lợi. Bấy giờ có người suy nghĩ: “Chúng ta bị ràng buộc do tật bệnh, phù thũng, ghẻ lở. Nay muốn bỏ tất cả sự ràng buộc đó”. Họ liền đi vào ngồi trong nhà, chốn vắng vẻ, liền bỏ hết sự ràng buộc do tật bệnh, phù thũng, ghẻ lở. Họ vào trong chốn vắng, suy tư về đạo. Hôm nay dậy sớm, ngày mai dậy sớm, đi vào xóm làng hẻo lánh để khất thực, dân chúng trông thấy đều cùng hoan hỷ. Dân chúng liền nói: “Lành thay! Vị ấy đã bỏ tất cả sự ràng buộc của tật bệnh, phù thũng, ghẻ lở, đi vào chốn vắng vẻ, ngồi suy tư về đạo”.
Phật dạy:
–Nhưng những bọn người ấy chỉ làm việc ác, bất thiện, vì vậy gọi là Bà-la-môn. Lúc ấy những người đó không ngồi thiền suy tư về đạo, cũng chẳng thể đắc thiền. Vì chẳng thể ngồi thiền, đắc thiền, nên rời chỗ ngồi đứng dậy đi vào trong xóm làng khất thực, cầu đảo.
Họ không thể ngồi thiền, cũng chẳng thể đắc thiền, cùng người tà hạnh vào nơi xóm làng hẻo lánh khất thực, cho nên gọi là “tụ”, vì làm hạnh tà cho nên gọi là “hòa sa-la”. Do vậy thế gian bắt đầu phát sinh chủng tộc Bà-la-môn. Khi ấy dân chúng đều phụng hành các pháp. Do vậy thế gian có chủng tộc Công sư. Khi ấy con người đều phạm tội sát sanh, nên gọi là chủng tộc Sát sanh. Do nhân duyên ấy, thế gian bắt đầu có sự sát sanh. Vì thế gian đã phát sanh bốn chủng tộc ấy, nên sau đó thế gian mới phát sanh chủng tộc thứ năm là Samôn. Nếu chủng tộc Sát-lợi, thân làm việc ác, miệng nói việc ác, tâm nghĩ việc ác, sau khi làm việc ác ấy thì thân chết đọa vào trong cảnh khổ đau vất vả. Các chủng tộc Bà-la-môn, Công sư và Sát sanh cũng như vậy. Nếu thân làm việc ác, miệng nói việc ác, tâm nghĩ việc ác thì thân chết đọa vào cảnh khổ đau vất vả. Chủng tộc Sátlợi, nếu thân làm việc thiện, miệng nói việc thiện, tâm nghĩ việc thiện thì thân chết lại được sanh vào chốn an lạc. Các chủng tộc Bàla-môn, Công sư, Sát sanh, thân họ làm việc thiện, miệng nói việc thiện, tâm nghĩ việc thiện thì thân chết sanh vào chốn an lạc. Chủng tộc Sát-lợi, chủng tộc Bà-la-môn, chủng tộc Công sư, chủng tộc Sát sanh nếu thân làm việc thiện, khẩu, ý hai việc thì khi chết thân rơi vào cảnh vừa khổ vừa vui.
Nếu có người trong chủng tộc Sát-lợi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, tin đạo, bỏ nhà làm Sa-môn phụng hành ba mươi bảy phẩm kinh. Khi phụng hành như vậy rồi, thiện nam, thiện nữ, vì tin đạo nên bỏ nhà tu hạnh Sa-môn, làm việc thanh tịnh vô thượng, nên không bao lâu, trong hiện tại, nhờ công đức mà tự thành đạo, vượt khỏi sanh tử, đầy đủ phạm hạnh, việc làm đã xong, chẳng còn việc gì khác nữa.
Nếu có người trong các chủng tộc Bà-la-môn, Công sư, Sát sanh cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, tu hạnh Sa-môn, phụng hành ba mươi bảy phẩm kinh; do vì lòng tin của thiện nam tử, bỏ nhà làm hạnh Sa-môn, tu hành việc thanh tịnh vô thượng, thì chẳng bao lâu trong hiện tại, nhờ công đức mà tự thành đạo, vượt khỏi sanh tử, đầy đủ phạm hạnh, việc làm đã xong, chẳng còn việc gì khác nữa.
Bốn chủng tộc ấy, có người phát khởi hạnh hoàn thành trí tuệ được tôn xưng là bậc A-la-hán dứt hết mọi vướng chấp ràng buộc.
Bấy giờ trời Phạm-ma-tam-bát nói kệ:
Dòng Sát-lợi, người tôn quý
Các chủng tánh trong muôn dân
Do lòng tin thành tuệ hạnh
Bậc tôn quý của trời, người.
Vị trời Phạm-ma-tam-bát ấy thọ trì kệ này, không thọ trì điều ác, nói việc lành, chẳng nói lời ác.
Phật dạy:
–Để khuyến trợ điều đó, Ta, Như Lai, Vô Sở, Trước Đẳng Chánh Giác, cũng nói kệ nghĩa như vậy:
Các hàng chủng tánh trong dân
Dòng Sát-lợi, người tôn quý
Do lòng tin thành tuệ hạnh
Bậc tôn quý của trời, người.
Khi Phật nói kinh này xong, tám vạn bốn ngàn vị trời, người xa lìa mọi phiền não cấu nhiễm, đối các pháp sanh pháp nhãn, vô số Tỳ-kheo khởi chứng vô dư, không bị sanh tử, ý được giải thoát.
Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo hoan hỷ đến trước Phật, đảnh lễ, lui ra.
********
* Chú ý:
Từ đây xuống sâu dưới đất hai mươi ức vạn dặm, lại có vị đất; xuống hai mươi ức vạn dặm nữa lại có lúa vàng; xuống hai mươi ức vạn dặm nữa, lại có thiếc cứng; xuống hai mươi ức vạn dặm nữa, lại có nước; xuống tám mươi ức vạn dặm nữa, lại có gió; xuống năm trăm hai mươi ức vạn dặm nữa, lại có thiên hạ khác (cõi khác) ở phương dưới. Từ cõi nhân gian này lên đến Phạm thiên cũng năm trăm hai mươi ức vạn dặm.
Hỏi:
–Do đâu mà nói đích xác là kiếp kiếp?
Đáp:
–Danh tự kiếp là thời kỳ tai biến về hoại diệt. Nhân duyên có bốn thời kỳ:
Một là tồn tại lâu thì đất tận diệt, lửa lại sanh khởi; hai là lâu quá thì lửa tận diệt, nước lại sanh khởi; ba là lâu quá thì nước tận diệt, gió lại nổi lên từ từ sanh khởi, về sau, trời đất hình thành.
Từ thành đến hoại diệt như vòng tròn không đầu mối, cho nên gọi là kiếp. Đất trời vận hành rất lâu, đến lúc tận diệt, tất cả người mà tội hết rồi, đều sanh lên trên cõi trời Phạm, gần gũi với vị trời ấy. Khi đó, người có tội mà chưa hết, lại sanh vào cõi Phật khác. Trong đường ác ở cõi đời, kiếp sở dĩ có sự sanh khởi và tận diệt, có hiện tượng vô thường, tan rã, vì việc ấy cũng là lẽ đương nhiên. Nếu chết là sự sanh khởi hết thì không biết khổ, đã không biết khổ thì cũng không biết cầu đạo. Vì sao? Vì khi diệt tận thì lửa sanh khởi. Vì sao? Vì lửa diệt tận thì nước sanh khởi. Vì sao? Vì nước diệt tận thì gió sanh khởi. Vì sao? Vì gió diệt tận thì đất sanh khởi.
Hết Quyển 6