KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

 

QUYỂN THỨ MƯỜI CHÍN

PHẨM THÂM ÁO 
THỨ NĂM MƯƠI BẢY

Lúc ấy Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát bất thối chuyển thành tựu đại công đức, thành tựu vô lượng công đức, thành tựu vô biên công đức”.

Đức Phật phán dạy: “Đúng như vậy. Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát bất thối chuyển thành tựu đại công đức, thành tựu vô lượng công đức, thành tựu vô biên công đức.

Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát bất thối chuyển được vô lượng vô biên trí huệ, chẳng đồng với hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

An trụ trong trí huệ ấy, đại Bồ Tát nầy phát sanh bốn trí vô ngại. Vì được bốn trí vô ngại nầy nên tất cả Trời, Người, thế gian không thể cùng tận được”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “bạch đức Thế Tôn! đức Phật có thể hằng sa kiếp khen ngợi những hạnh, loại, tướng mạo của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát bất thối chuyển nầy an trụ trong chỗ thâm áo nào mà lúc thật hành sáu ba la mật được đầy đủ tứ niệm xứ nhẫn đến đầy đủ nhứt thiết chủng trí?”

– Lành thay, lành thay! Nầy Tu Bồ Đề! Người vì đại Bồ Tát bất thối chuyển mà hỏi chỗ thâm áo đó.

Nầy Tu Bồ Đề! Chỗ thâm áo đây nghĩa của nó là không, là vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô nhiễm, là ly, là tịch diệt, là như, là pháp tánh, thiệt tế, là Niết Bàn. Những pháp trên đây là nghĩa của thâm áo.

– Bạch đức Thế Tôn! Chỉ có không, vô tướng, vô tác nhẫn đến Niết Bàn là thâm áo, còn tất cả pháp là chẳng phải ư?

– Nầy Tu Bồ Đề! Tất cả pháp cũng là nghĩa thâm áo cả: sắc cũng thâm áo, thọ, tưởng, hành, thức cũng thâm áo, nhẫn đến ý cũng thâm áo, sắc đến pháp cũng thâm áo, nhãn giới đến ý thức giới cũng thâm áo, Đàn na ba la mật đến Vô thượng Bồ đề cũng thâm áo.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là sắc nhẫn đến Vô thượng Bồ đề cũng đều thâm áo?

– Nầy Tu Bồ Đề! Vì sắc như thâm áo nên sắc cũng thâm áo, nhẫn đến vì Vô thượng Bồ đề như thâm áo nên Vô thượng Bồ đề cũng thâm áo.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là sắc như thâm áo nhẫn đến Vô thượng Bồ đề như thâm áo?

– Nầy Tu Bồ Đề! sắc như dó chẳng phải sắc chẳng phải rời sắc, nhẫn đến Vô thượng Bồ đề như đó chẳng phải Vô thượng Bồ đề chẳng phải rời Vô thượng Bồ đề.

– Bạch đức Thế Tôn! Thật là hy hữu. Đức Phật dùng sức phương tiện vi diệu làm cho đại Bồ Tát bất thối chuyển rời sắc xứ Niết Bàn, cũng làm cho rời tất cả pháp xứ Niết Bàn.

– Đúng như vậy. Nầy Tu Bồ Đề! Đức Phật dùng sức phương tiện vi diệu làm cho đại Bồ Tát bất thối chuyển rời sắc xứ Niết Bàn, cũng làm cho rời tất cả pháp xứ Niết Bàn.

Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có pháp thâm áo như vậy cùng Bát nhã ba la mật tương ứng, quan sát, tính lường, suy gẫm, nghĩ rằng: Tôi phải thật hành như thế, đúng như lời dạy trong Bát nhã ba la mật, tôi phải học tập như thế, đúng như trong Bát nhã ba la mật đã nói.

Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát có thể làm, có thể học đúng như lời, quán sát đúng như trong Bát nhã ba la mật, siêng năng tinh tấn đầy thì lúc phát khởi một niệm sẽ được vô lượng vô biên vô số phước đức, siêu việt vô lượng kiếp, gần quả Vô thượng Bồ đề, huống là thường thật hành Bát nhã ba la mật đúng với niệm Vô thượng Bồ đề.

Ví như người tánh nhiều dâm dục hẹn ước với cô gái xinh đẹp, đến giờ hẹn cô gái vì trở ngại nên không đến được. Ý ngươi thế nào? Nầy Tu Bồ Đề! Chỗ nhớ tưởng của gã đàn ông đó sẽ ở đâu?

– Bạch đức Thế Tôn! Gã ấy niệm niệm luôn nhớ đến cô gái, mong cô sẽ đến để cùng ngồi, cùng nằm, cùng vui.

– Nầy Tu Bồ Đề! Trong một ngày đêm, nơi tâm gã ấy có mấy niệm phát sanh?

– Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều.

– Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát niệm Bát nhã ba la mật đúng như lời trong Bát nhã ba la mật, thật hành trong klhoảng một niệm sẽ siêu việt số kiếp cũng như số tâm niệm trong một ngày đêm của gã đó.

Đại Bồ Tát nầy thật hành Bát nhã ba la mật, xa rời những tội Vô thượng Bồ đề.

Đại Bồ Tát nầy trong một ngày thật hành Bát nhã ba la mật được thiện căn công đức chẳng giảm, công đức đầy cả hằng sa cõi Đại Thiên. Với những công đức kém khác sánh chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, nhẫn đến toán số thí dụ cũng chẳng bằng công đức nầy.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu có người xa rời Bát nhã ba la mật mà cúng dường Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo trong thời gian hằng sa kiếp được phước nhiều chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều, được vô lượng vô biên vô số phước.

– Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng phước đức của đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật hành đúng như lời.

Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật là đạo chư đại Bồ Tát. Thừa đạo nầy mau được Vô thượng Bồ đề.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu có người xa rời Bát nhã ba la mật, trải qua số kiếp như hằng sa cúng dường các bực Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, Bích Chi Phật và chư Phật. người nầy được phước nhiều chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

– Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng phước đức của đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật tu hành đúng như lời.

Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật nầy thì hơn hẳn bực Thanh Văn, Bích Chi Phật, nhập địa vị Bồ Tát, sẽ được Vô thượng Bồ đề.

Nầy Tu Bồ Đề! Có người xa rời Bát nhã ba la mật, trong khoảng thời gian hằng sa kiếp tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Người nầy được phước nhiều chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

– Nầy Tu Bồ Đề! Phước đức đó vẫn không bằng phước của đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật đúng như lời trong một ngày bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.

Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật là mẹ của chư đại Bồ Tát, hay sanh thành chư đại Bồ Tát. Vì chư đại Bồ Tát an trụ trong Bát nhã ba la mật thì đầy đủ được tất cả Phật pháp vậy.

Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mật, trong khoảng hắng sa kiếp làm việc pháp thí. Người nầy được phước nhiều chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Được rất nhiều.

– Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng phước pháp thí trong một ngày của người ở trong Bát nhã ba la mật thật hành đúng như lời.

Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy chẳng xa rời Bát nhã ba la mật thì chẳng xa rời nhứt thiết chủng trí, chẳng xa rời nhứt thiết chủng trí thì chẳng xa rời Bát nhã ba la mật.

Thế nên đại Bồ Tát muốn được Vô thượng Bồ đề thì chẳng xa rời Bát nhã ba la mật.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu có đại Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mật mà tu hành tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí trải qua hằng sa kiếp người nầy được phước nhiều chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

– Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng một ngày tu tập tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí của người ở trong Bát nhã ba la mật thật hành đúng như lời.

Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát chẳng xa rời Bát nhã ba la mật thì không bao giờ thối chuyển nhứt thiết chủng trí. Còn xa rời thì có thể thối chuyển.

Thế nên, Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành chẳng nên xa rời Bát nhã ba la mật.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mật, trải hằng sa kiếp thật hành tài thí, pháp thí và thiền định, rồi đem công đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Người nầy được phước nhiều chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

– Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng phước một ngày tài thí, pháp thí, thiền định, hồi hướng Vô thượng Bồ đề của thiện nam, thiện nữ ở trong Bát nhã ba la mật thật hành đúng như lời.

Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật hồi hướng là hồi hướng đệ nhứt. Nếu rời Bát nhã ba la mật hồi hướng thì chẳng gọi là hồi hướng. Thế nên muốn được Vô thượng Bồ đề, đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật hồi hướng.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mật, trải hằng sa kiếp hòa hiệp, tùy hỉ thiện căn của tam thế chư Phật và của hàng đệ tử Phật rồi hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Người nầy được phước nhiều chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

– Nầy Tu Bồ Đề! Nhiều không bằng phước một ngày tùy hỉ thiện căn, hồi hướng Vô thượng Bồ đề của thiện nam, thiện nữ ở trong Bát nhã ba la mật thật hành đúng như lời.

Thế nên muốn được Vô thượng Bồ đề, đại Bồ Tát phải học phương tiện trong Bát nhã ba la mật hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

– Bạch đức Thế Tôn! Cứ theo lời đức Phật đã phán dạy thì các pháp do nhơn duyên khởi tác đều từ vọng tưởng sanh ra, chẳng phải chơn thiệt, thế sao thiện nam, thiện nữ lại được phước đức lớn?

Bạch đức Thế Tôn! Vì là pháp nhơn duyên khởi tác thì chẳng nên được chánh kiến nhập pháp vị, chẳng nên được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến chẳng nên được Vô thượng Bồ đề.

– Nầy Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Vì là pháp nhơn duyên khởi tác thì chẳng nên được chánh kiến, nhập pháp vị, nhẫn đến chẳng nên được Vô thượng Bồ đề.

Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật biết pháp nhơn duyên khởi tác cũng không, chẳng kiên cố, hư dối chẳng thiệt. Vì đại Bồ Tát nầy khéo học nội không nhẫn đến khéo vô pháp hữu pháp không. An trụ trong mười tám pháp không nầy, đại Bồ Tát quán sát pháp khởi tác không, bèn chẳng xa rời Bát nhã ba la mật, lần lần được vô lượng vô biên vô số phước đức.

– Bạch đức Thế Tôn! Vô số cùng vô lượng với vô biên có gì khác nhau?

– Nầy Tu Bồ Đề! Vô số là nói chẳng ở trong số những pháp hữu vi hoặc vô vi. Vô lượng là nói chẳng lường được hoặc là quá khứ hoặc là vị lai hoặc là hiện tại. Vô biên là nói các pháp không thể được bờ mé.

– Bạch đức Thế Tôn! Vả có sắc, thọ, tưởng, hành, thức nào cũng vô số vô lượng vô biên chăng?

– Nầy Tu Bồ Đề! Có nhơn duyên mà sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vô số vô lượng vô biên.

– Bạch đức Thế Tôn! Do nhơn duyên gì mà sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vô số vô lượng vô biên?

– Nầy Tu Bồ Đề! Vì sắc không, vì thọ, tưởng, hành, thức không nên cùng chúng sanh vô lượng vô biên.

– Bạch đức Thế Tôn! Chỉ sắc không, chỉ thọ, tưởng, hành, thức không mà chẳng phải tất cả pháp đều không cả ư?

– Nầy Tu Bồ Đề! Phật thường nói tất cả pháp không ư?

– Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật thường phán dạy tất cả pháp không.

Bạch đức Thế Tôn! Các pháp không thì tức là vô tận vô số vô lượng vô biên.

Bạch đức Thế Tôn! Trong không đó, số chẳng thể được, lượng chẳng thể được, biên chẳng thể được. Thế nên vô tận vô số vô lượng vô biên nghĩa không khác nhau.

– Nầy Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Những pháp ấy nghĩa chẳng khác biết nhau.

Nầy Tu Bồ Đề! Pháp ấy chẳng nói được. Đức Phật dùng sức phương tiện mà phân biệt tuyên nói, đó là vô tận, vô số, vô lượng, vô biên, vô trước, không, vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô diệt, vô nhiễm, Niết Bàn. Dùng sức phương tiện mà đức Phật phân biệt tuyên nói.

– Bạch đức Thế Tôn! Thật là hỉ hữu. các pháp thiệt tướng chẳng nói được mà đức Phật dùng sức phương tiện tuyên nói.

Cứ theo chỗ tôi hiều nghĩa của đức Phật dạy thì tất cả pháp cũng chẳng nói được.

– Đúng như vậy. Nầy Tu Bồ Đề! Tất cả pháp chẳng nói được. Tướng chẳng nói được của tất cả pháp tức là không. Tướng không đó chẳng nói được.

– Bạch đức Thế Tôn! Nghĩa chẳng nói được có tăng, có giảm chăng?

– Nầy Tu Bồ Đề! Nghĩa chẳng nói được chẳng tăng, chẳng giảm.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu nghĩa chẳng nói được đó chẳng tăng chẳng giảm thì Đàn ba la mật cũng chẳng tăng giảm, nhẫn đến mười tám pháp bất cộng cũng chẳng tăng giảm.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu sáu ba la mật nhẫn đến pháp bất cộng chẳng tăng tại sao đại Bồ Tát lại được Vô thượng Bồ đề?

– Nầy Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Nghĩa chẳng nói được đó chẳng tăng, chẳng giảm.

Đại Bồ Tát lúc tu tập Bát nhã ba la mật, vì có sức phương tiện nên chẳng nghĩ rằng tôi làm tăng Bát nhã ba la mật nhẫn đến tăng Đàn na ba la mật, mà quan niệm rằng chỉ vì danh tự mà gọi là Đàn na ba la mật thôi.

Đại Bồ Tát lúc thật hành Đàn na ba la mật, tâm và thiện căn hồi hướng đúng như tướng của Vô thượng Bồ đề, nhẫn đến lúc thật hành Bát nhã ba la mật, tâm và hồi hướng đúng như tướng của Vô thượng Bồ đề.

– Bạch đức Thế Tôn! Những gì là Vô thượng Bồ đề?

– Nầy Tu Bồ Đề! Tất cả pháp như tướng, đây gọi là Vô thượng Bồ đề.

– Bạch đức Thế Tôn! Những gì là tất cả pháp như tướng gọi là Vô thượng Bồ đề?

– Nầy Tu Bồ Đề! Sắc như tướng, thọ, tưởng, hành, thức như tướng, nhẫn đến Niết Bàn như tướng là Vô thượng Bồ đề. Tướng như ấy cũng chẳng tăng, chẳng giảm.

Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát chẳng rời Bát nhã ba la mật thường quán sát pháp như ấy chẳng thấy có tăng, có giảm. Thế nên nghĩa bất khả thuyết không tăng giảm, Đàn na ba la mật nhẫn đến pháp bất cộng cũng không tăng giảm. Đại Bồ Tát do vì pháp bất tăng giảm nầy ứng với hạnh Bát nhã ba la mật.

– Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát dùng sơ tâm được Vô thượng Bồ đề hay là dùng hậu tâm được Vô thượng Bồ đề?

Bạch đức Thế Tôn! Sơ tâm ấy chẳng đến hậu tâm, còn hậu tâm kia chẳng ở tại sơ tâm. Tâm và tâm sở chẳng cùng chung như vậy thì làm sao thiện căn lại tăng ích. Nếu thiện căn chẳng tăng thì sao lại được Vô thượng Bồ đề?

– Nầy Tu Bồ Đề! Vì người mà Phật sẽ dùng ví dụ. Người có trí được ví dụ thì dễ hiểu được nghĩa.

Nầy Tu Bồ Đề! Như thắp đèn, là dùng ngọn lửa ban đầu để đốt cháy tim đèn hay là dùng ngọn lửa lúc sau?

– Bạch đức Thế Tôn! Chẳng phải ngọn lửa ban đầu cháy tim đèn, cũng chẳng phải rời ngọn lửa ban đầu. Chẳng phải ngọn lửa lúc sau cháy tim đèn, cũng chẳng phải rời ngọn lửa lúc sau.

– Nầy Tu Bồ Đề! Tim đèn ấy có bị đốt cháy không?

– Bạch đức Thế Tôn! Tim đèn ấy thiệt bị đốt cháy.

– Cũng vậy, nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát chẳng dùng sơ tâm được Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng rời sơ tâm được Vô thượng Bồ đề, chẳng dùng hậu tâm hậu tâm cũng chẳng rời hậu tâm được Vô thượng Bồ đề mà thiệt được Vô thượng Bồ đề.

Nầy Tu Bồ Đề! Trong đại Bồ Tát từ sơ phát tâm thật hành Bát nhã ba la mật đầy đủ thập địa, được Vô thượng Bồ đề.

– Bạch đức Thế Tôn! Những gì là thập địa mà đại Bồ Tát đầy đủ rồi được Vô thượng Bồ đề?

– Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát đầy đủ Càn Huệ địa, Tánh địa, Bát Nhơn địa, Kiến địa, Bạc địa, Ly Dục địa, Dĩ Tác địa, Bích Chi Phật địa, Bồ Tát địa và Phật địa. Đầy đủ những địa đó rồi đại Bồ Tát được Vô thượng Bồ đề.

Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học đủ mười địa đó rồi, chẳng phải sơ tâm cũng chẳng rời sơ tâm, chẳng phải hậu tâm cũng chẳng rời hậu tâm được Vô thượng Bồ đề mà thiệt được Vô thượng Bồ đề.

– Bạch đức Thế Tôn! Pháp nhơn duyên ấy rất sâu: chẳng phải sơ tâm cũng chẳng rời sơ tâm, chẳng phải hậu tâm cũng chẳng rời hậu tâm được Vô thượng Bồ đề, mà đại Bồ Tát được Vô thượng Bồ đề.

– Nầy Tu Bồ Đề! Nếu tâm đã diệt, tâm ấy có sanh trở lại chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Nầy Tu Bồ Đề! Tâm sanh có phải là tướng diệt chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Là tướng diệt.

– Nầy Tu Bồ Đề! Tâm tướng diệt đó, tâm là diệt chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Nầy Tu Bồ Đề! Cũng trụ như vậy chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Cũng trụ như vậy, như như trụ.

– Nầy Tu Bồ Đề! Tâm đó như như trụ sẽ chứng thiệt tế chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Nầy Tu Bồ Đề! Như thế có phải là rất sâu chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! thiệt là rất sâu.

– Nầy Tu Bồ Đề! Chỉ tâm như vậy thôi ư?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Nầy Tu Bồ Đề! Rời tâm như vậy ư?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát có thể hành như vậy có phải hành sâu Bát nhã ba la mật chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Đó là hành sâu Bát nhã ba la mật.

– Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát hành như vậy, đó là hành chỗ nào?

– Bạch đức Thế Tôn! Đó là hành mà không có chỗ hành được. Vì đại Bồ Tát nếu hành Bát nhã ba la mật thì trụ trong các pháp như, không có quan niệm như thế: không chỗ quan niệm, không ai quan niệm.

– Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát hành như vậy, đó là hành chỗ nào?

– Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy hành chỗ như vầy: hành trong đệ nhứt nghĩa, vì không có tướng sai biệt vậy.

– Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát hành trong đệ nhứt vô niệm, đó là tướng hành ư?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát ấy có hoại các tướng chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Nầy Tu Bồ Đề! Thế nào là không hoại các tướng?

– Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy hành Bát nhã ba la mật chẳng quan niệm tôi sẽ hoại các pháp tướng. Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật mà chưa đầy đủ mười trí lực, bốn vô úy, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp bất cộng thì chẳng được Vô thượng Bồ đề.

Bạch đức Thế Tôn! Do vì sức phương tiện nên đại Bồ Tát đối với các pháp cũng chẳng nắm lấy tướng, cũng chẳng phá hoại tướng.

Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát rõ biết tất cả pháp tự tướng không.

An trụ trong tự tướng không, đại Bồ Tát vì chúng sanh mà nhập ba tam muội. Dùng ba tam muội đó để thành tựu chúng sanh.

Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát nhập ba tam muội thành tựu chúng sanh như thế nào?

– Nầy Tu Bồ Đề! An trụ trong ba tam muội, đại Bồ Tát thấy chúng sanh đi trong pháp tạo tác, bèn dùng sức phương tiện dạy cho họ được vô tác. Thấy chúng sanh đi trong ngã tướng, bèn dùng sức phương tiện dạy cho họ đi trong không. thấy chúng sanh đi trong tất cả tướng, bèn dùng sức phương tiện dạy chọ đi trong vô tướng.

Nầy Tu Bồ Đề! Đó là đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật ba tam muội rồi dùng ba tam muội để thành tựu chúng sanh”.