Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh
B.2.2.37. MẠO NẠN DU HÀNH GIỚI (giới cấm vào nơi hiểm nạn)
Kinh văn:
Nếu là Phật tử mỗi năm phải hai kỳ hành Ðầu Ðà, mùa Ðông và mùa Hạ. Trong thời ngồi thiền kiết hạ an cư, thường dùng nhành dương, nước tro, ba y, bình bát, ngọa cụ, tích trượng, hộp lư hương, đảy lược nước, khăn tay, dao, đá lửa, cái nhíp, giường dây, kinh luật, tượng Phật, tượng Bồ Tát. Khi Phật tử hành Ðầu Ðà hạnh cũng như lúc du phương trăm dặm, ngàn dặm, luôn mang theo bên mình mười tám món này.
Hai kỳ hành Ðầu Ðà hạnh trong mỗi năm: từ Rằm tháng Giêng đến Rằm tháng Ba và từ Rằm tháng Tám cho đến Rằm tháng Mười. Trong hai kỳ hành Ðầu Ðà hạnh này phải luôn mang theo mười tám món ấy bên mình như đôi cánh chim luôn gắn chặt vào thân chim.
Nếu đến ngày Bố Tát, hàng tân học Bồ Tát cứ mỗi nửa tháng phải làm lễ Bố Tát tụng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh.
Lúc tụng giới, nên ở trước tượng Phật và Bồ Tát mà tụng. Nếu chỉ có một người bố-tát thì một người tụng. Nếu hai ba người hay đến trăm nghìn người thì cũng chỉ một người tụng, còn những người khác thì lắng nghe.
Người tụng giới thì ngồi cao hơn người nghe giới. Mỗi người đều đắp y hoại sắc chín điều, bảy điều hoặc năm điều (điều là những nếp vải xếp trên y, để phân biệt thứ bậc trong Tăng, Ni). Trong lúc kiết hạ an cư, cũng phải mỗi việc theo đúng theo nghi thức quy định.
Lúc hành Ðầu Ðà hạnh, chớ đi đến những chỗ có thể xảy ra tai nạn, những cõi nước hiểm ác, nhà vua hung bạo, đất đai gập ghềnh, cỏ cây rậm rạp, chỗ có những ác thú: sư tử, cọp, sói, cùng lụt, bão, hỏa hoạn, giặc cướp, đường sá có rắn rít… Tất cả noi hiểm nạn ấy đều không được đi đến. Chẳng những lúc hành Ðầu Ðà hạnh, mà ngay lúc kiết hạ an cư cũng không được đi vào những chỗ hiểm nạn ấy. Nếu cố đi vào những nơi ấy, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Bồ Tát vì muốn hộ trì tịnh giới được trọn vẹn nên sẵn sàng nhẫn thọ những đau khổ nước sôi, lò lửa v.v… Ðấy là điều giới trước đã chỉ dạy.
Ðể bảo tồn sinh mạng của chính mình, nhờ đó có thể trường kỳ tu học Phật pháp, nên đối với bất cứ nơi nào có tai nạn, dù rất nhỏ, cũng phải hết sức tìm cách tránh xa, chính là điểm giới này sẽ thuyết minh.
Việc tu học Phật pháp không phải muốn làm gì thì có thể làm ngay tức khắc, mà cần phải có đầy đủ các thứ trợ duyên mới có thể làm được. Nếu thiếu sức trợ duyên, muốn thực hành Bồ Tát đạo một cách hoàn bị, thì thật là muôn phần khó khăn. Cho nên phải hết sức chú ý và cẩn thận vấn đề tai nạn.
Nếu trái phạm giới này thì phải mắc tội như thế nào?
Ðiều này cần phải xem xét mức độ tai nạn ở nơi xảy ra nhẹ nhàng hay nặng, vấn đề bỏ bê sự tu hành lâu hay mau, lời phê bình, chê bai nhiều hay ít mà quyết định. Nếu nạn xứ nhẹ, sự bỏ bê tu hành ít, những lời phê bình, chê bai nhẹ thì mắc tội nhẹ. Nếu ngược lại, thì tội mắc phải cố nhiên là nặng.
Những trường hợp nào có thể nói là không vi phạm?
Ðiều ấy cần phải xem tình hình thực tế lúc ấy như thế nào mà định đoạt?
– Trường hợp bạn đi vào con đường hiểm nạn mà không hay biết, hoặc không còn con đường nào khác thuận tiện hơn để tránh con đường hiểm đó, nên bắt buộc phải mạo hiểm đi vào. Như thế thì không trái phạm.
– Hoặc vì hóa độ chúng sanh, dù biết rõ con đường phía trước có nhiều hiểm nạn, nhưng vì chúng sanh nên vẫn tiến bước, không nghĩ đến tai nạn để giúp chúng sanh được an ổn, khỏi tai nạn, không bị thiệt mất thân mạng. Trường hợp này không trái phạm giới.
– Hoặc trong trường hợp mình đang trong trạng thái si mê, điên cuồng, không biết thế nào là tai nạn, nên cứ ngớ ngẩn xông vào chỗ có tai nạn, như thế cũng không bị kết tội.
Ai lại không muốn tránh khỏi chỗ có tai nạn? Ai lại muốn đem sinh mạng mình rước lấy tai nạn để làm trò cười cho nhân thế? Nhưng vì sự việc khẩn cấp không thể làm khác hơn được. Trường hợp này không gọi là phạm giới.
Giới này thất chúng Phật tử đều phải học và tuân hành, như trong kinh Thiện Sanh nói: “Nếu ưu bà tắc một mình đi vào chỗ hiểm nạn, không có bạn đồng hành thì mắc tội thất ý”.
Theo lời kinh dạy trên, nếu trường hợp có nhiều người cùng đi, thì không phạm giới. Hành giả Ðại Thừa và Tiểu Thừa đều phải vâng giữ.
Riêng đối với các đại sĩ Ðại Thừa thì Phật chế định mười tám thứ phải mang theo bên mình, còn hành giả Thanh Văn chỉ mang theo sáu món đồ vật tùy thân:
1. Y Tăng-già-lê (đại y, từ 9 điều đến 25 điều).
2. Y Uất Ða La Tăng (trung y, gồm có 7 điều).
3. Y An Ðà Hội (hạ y, gồm có 5 điều).
4. Thiết Ða La (bình bát bằng sắt).
5. Ni-sư-đàn (tọa cụ).
6. Ðảy lược nước.
Ngoài ra, những điều khác không ở trong hạn lệ cấm chế. Ðức Phật dạy đại chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, phải mỗi năm hai kỳ hành Ðầu Ðà hạnh. Mùa Ðông và mùa Hạ đều ngồi thiền, kiết hạ, an cư”.
Kinh văn nói hai thời là chỉ hai mùa Xuân và Thu, vì hai mùa này khí hậu điều hòa thư thái, không bị lạnh, nóng xâm tổn, vạn vật đều phơi phới tốt tươi. Là thời gian lý tưởng cho đại sĩ du hành giáo hóa chúng sanh, để đem lại sự lợi ích cho mình lẫn người. Nghĩa là đối với thân thể của mình không bị suy tổn, đối với thân mạng chúng sanh không bị tổn hại. Vì thế trong khoảng thời gian hai mùa nói trên, hành giả nên thường du hành trong nhân gian để hóa độ chúng sanh.
Ðầu Ðà là tiếng Ấn Ðộ, Trung Hoa dịch là Ðầu Tẩu, nghĩa là người Phật tử phải có tinh thần phấn chấn, đại vô úy, phải bỏ tất cả phiền não ẩn tàng trong tâm từ vô thỉ, khiến cho các công đức thiện căn ngày một tăng trưởng, để cầu thành tựu vô thượng Phật đạo.
Thông thường hạnh Ðầu Ðà theo các kinh nói, có mười hai thứ như sau:
1. Trụ A Lan Nhã: ở nơi tịch tịnh xa xóm làng và người đời.
2. Khất thực: mỗi sáng phải mang bát đi khất thực để tránh lỗi giải đãi.
3. Nạp y: chỉ mặc áo phấn tảo.
4. Nhất tọa thực: Mỗi ngày chỉ ăn một lần vào lúc đúng Ngọ.
5. Tiết lượng thực: lúc thọ thực phải tiết chế, ăn vừa theo sức của mình.
6. Trung hậu bất ẩm tương: sau giữa trưa không uống các thứ nước trái cây.
7. Trủng gian tọa: ngồi nơi gò mả.
8. Thọ hạ tọa: ngồi dưới gốc cây.
9. Lộ địa tọa: ngồi nơi không che lợp.
10. Thường tọa bất ngọa: thường ngồi chớ không nằm.
11. Thứ đệ khất thực: lúc đi khất thực phải theo thứ tự không được lựa chọn.
12. Ðản tam y: chỉ chứa cất ba y, không được chứa dư.
Với mười hai hạnh Ðầu Ðà trên, Ðức Phật chủ ý là muốn cho hành giả đối với ba việc y phục, uống ăn, và chỗ ở không sanh tâm tham trước, chỉ một mực dũng mãnh tiến tu cho mau được giải thoát.
Hạnh Ðầu Ðà không phải là giới điều của Phật chế lập, nên nếu vị nào có đủ khả năng phụng hành thì giáo hóa càng được trang nghiêm, còn vị nào không đủ khả năng, không thể thực hành được, cũng không phạm tội.
Lúc tiết Ðông thiên giá lạnh, trời Hạ lại quá nóng bức, nên Bồ Tát muốn đi du hành giáo hóa chúng sanh thật có nhiều bất tiện. Thế nên cần phải ở yên một nơi, thúc liễm thân tâm, tọa thiền, niệm Phật, tụng kinh v.v… không để tâm rong ruổi theo cảnh trần bên ngoài, để được đắc Ðịnh, đắc Huệ. Kiết Hạ An Cư là pháp chánh thức của Bồ Tát tỳ kheo cần phải thực hành.
Danh từ “an cư” trong bộ Bồ Tát Sơ Tân, quyển bảy, nói:
“Thế nào gọi là An Cư?
Là giữ gìn thân tâm cho được tịch tịnh gọi là An, khắc định thời hạn an cư trú một nơi để tu hành gọi là Cư”.
Ðức Phật chế định thời gian an cư là chín mươi ngày; hành giả phải ở yên một nơi, tinh tấn dũng mãnh, gia công tu hành. Lúc Ðức Phật còn tại thế, có nhiều vị nhờ an cư mà đắc Ðịnh, hoặc có vị chứng thánh quả. Vấn đề An Cư có hai loại:
– Tiền An Cư: từ mười sáu tháng Tư đến rằm tháng Bảy.
– Hậu An Cư: từ mười sáu tháng Năm đến rằm tháng Tám.
Trong khoảng thời gian này, về sinh vật vô tình thì cỏ cây rậm rạp, về hữu tình thì trùng, kiến sản sanh quá nhiều, nên Ðức Phật không cho phép tỳ kheo du hành bên ngoài, vì e sợ gây tổn hại sinh mạng cho chúng sanh.
Từ hai chữ “thường dùng” trở xuống là đề cập đến mười tám món tùy thân của Bồ Tát lúc du hành giáo hóa, phải có đủ, không được thiếu một món nào. Mười tám món đó là:
1. Nhành dương: Dùng để cho miệng được sạch sẽ, tức là bàn chải đánh răng thời bấy giờ. Vì thời xưa chưa có bàn chải nên dùng nhành dương thế cho bàn chải. Luật dạy dùng nhành dương có năm điều lợi ích: chắc răng, sáng mắt, thanh tâm, tiêu bịnh phong, trừ nhơ bẩn. Phật dạy tỳ kheo sau khi ăn uống phải dùng nhành dương, nếu không thì phạm tội đọa.
2. Tháo đậu (nước tro): dùng để làm cho thân thể sạch sẽ, giống như xà bông hiện nay. Khi tắm gội phải dùng xà bông đã đành, mà sau khi đại tiểu tiện, cũng phải dùng xà bông rửa tay cho sạch sẽ rồi mới được lạy Phật, tụng kinh v.v… nếu không sẽ mắc tội.
3. Ba y: y ngũ điều, thất điều và đại y. Tỳ kheo mặc ba y không giống với y phục thông thường của người thế tục. Ý nghĩa tỳ kheo mặc ba y là diệt trừ tham, sân, si.
4. Bình có ba loại:
– Tịnh bình: dùng đựng nước uống.
– Tùy dụng bình: dùng đựng nước rửa mặt, rửa tay.
– Xúc bình hay trược bình: dùng rửa chỗ đại, tiểu tiện. Trong Luật gọi là Tẩy Tịnh.
5. Bát: gọi là Bát Ða La. Trung Hoa dịch là Ứng Lượng Khí. Nghĩa là thể, sắc, lượng, là ba thứ đều ứng hợp với Luật Phật dạy. Thế thì dùng sành và sắt, không được dùng thất bảo, kim, ngân, hoặc đồng, cây… Màu sắc thì dùng dầu mè đốt xông mà thành. Lượng thì tùy theo lượng bụng của mỗi người mà ăn nhiều hay ít để phân làm ba thượng, trung và hạ. Bát lớn nhất không quá ba thăng, bát nhỏ nhất không quá một thăng rưỡi. Quý tỳ kheo chỉ dùng bát để thọ thực, cốt để tu dưỡng thân mạng mà tu hành, không được có tâm tà vạy, mong cầu cho nhiều, cũng không được sống theo lối tà mạng.
6. Tọa cụ: Tiếng Phạn gọi là Ni Sư Ðàn, Trung Hoa dịch là “ngọa cụ” (đồ nằm), tọa cụ (đồ ngồi), phu cụ (như chiếu). Khi ngồi tọa thiền dùng Ni-sư-đàn trải làm bồ đoàn. Khi ngủ dùng làm nệm nằm. Hiện nay chúng ta đem ni-sư-đàn để lễ Phật hoặc các bậc tôn túc là hoàn toàn không đúng với ý của Phật chế lập và cũng không đúng với cách dùng ni-sư-đàn, trong lúc niệm hương, cầm dâng lên trước Phật, thật là đại bất kính!
7. Tích trượng: Ấn Ðộ gọi là Khích Khí La. Trung Hoa dịch là Trí Trượng, Ðức trượng hoặc Tích trượng. Dùng tích trượng để tiêu biểu cho ý nghĩa dựng cao pháp tràng của Như Lai, hoặc dựng cờ nêu của bậc hiền thánh. Tích trượng còn tượng trưng cho trí huệ và đức hạnh của bậc thánh nhân.
8. Hộp lư hương: Hương dùng tiêu biểu cho giới đức thơm tho bát ngát. Lư dùng để cắm hương, cũng là tiêu biểu cho người Phật tử trì giới kiên cố. Hộp là vật để đựng hương, đáy hộp bằng phẳng tượng trưng tâm địa của Bồ Tát bình đẳng.
9. Ðãy lược nước: Cái vợt lược nước may bằng lụa dày. Bồ Tát du hành giáo hóa trong nhân gian, đôi khi phải dùng đến nước, nên phải dùng vợt lược nước để không làm thương hại sinh mạng của những loại trùng nhỏ sống trong nước. Ðây cũng là hành vi biểu lộ lòng từ bi của người Phật tử.
10. Khăn tay: Bồ Tát du hành giáo hóa trong nhân gian, tùy cảnh nhi an, không cần phải đem khăn tay cũng được. Nhưng vì muốn giữ vệ sinh, phòng bệnh truyền nhiễm, nên đem khăn tay tiện dùng khi rửa mặt, rửa tay, để khỏi dùng khăn của người. Hơn nữa khăn tay là tượng trưng cho sự diệt trừ cấu nhiễm, xa lìa tâm không biết hổ thẹn.
11 Dao cạo: dùng để cạo râu tóc, vì Bồ Tát du hành giáo hóa nhân gian, hình tướng phải khác người thế tục, cho nên phải thường cạo râu tóc để không bị người khác nhầm là cư sĩ tại gia. Hơn nữa, con dao tượng trưng ý nghĩa hàng phục tử ma (phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma, tà ma).
12 Hỏa loại: đồ dùng để lấy lửa, cũng gọi là hỏa thạch (đá lửa – pierre à feu silex) thuộc về khoáng vật. Loại này thể chất cứng rắn và rất dầy, ánh sáng không rọi vào được. Có thứ màu đen, có loại màu tro. Thời xưa dùng để lấy lửa, ngày nay dùng để chế tạo ra pha lê. Hỏa loại tượng trưng cho quang minh của trí huệ, trừ sự vô minh si ám.
13. Cái nhíp: dùng để nhổ gai, vì Bồ Tát hành Ðầu Ðà hạnh, phải đi chân không, không được mang giày dép. Ðôi khi vô ý đạp nhằm gai góc, phải dùng nhíp để nhổ gai ra, không để gây trở ngại cho sự du hành. Nhíp còn tượng trưng cho sự nhổ gốc rễ phiền não.
14. Giường dây: loại giường làm bằng cách bện các thứ dây rồi đan lại mà thành. Bồ Tát đi du hành giáo hóa, khi nào muốn nghỉ ngơi có thể mắc giường vào giữa hai gốc cây để nằm nghỉ. Như thế, chẳng những tránh được hơi ẩm ướt của mặt đất, lại còn diệt trừ tâm cống cao của mình, và cũng ngăn chặn tâm buông lung.
15. Kinh: lời Phật dạy bảo, khai thị, chỉ đạo cho hàng Phật tử đúng như pháp tu hành để mở mang trí tuệ, tăng trưởng phước đức.
16. Luật: lời răn dạy của Phật, hàng Phật tử xuất gia lẫn tại gia phải lấy giới luật làm mô phạm cho thân tâm. Nếu nghiêm trì ba nghiệp đúng như pháp, như luật, không trái phạm thì sẽ được giải thoát.
17. Tượng Phật: để chứng tỏ Phật tử từng giờ, từng phút đều không dám quên Ðức Phật là đức Bổn Sư đắc giới, cũng là bậc đạo sư tối cao của mình, hành giả lúc nào cũng mang tượng Phật theo.
18. Tượng Bồ Tát: Cũng để tượng trưng tinh thần không bao giờ quên bậc đồng học thiện hữu của mình, những người tốt và quý báu nhất của mình, dù chỉ trong phút giây.
Do đó, Bồ Tát du hành giáo hóa chúng sanh, nhất định phải mang tượng Phật và Bồ Tát theo, để tùy thời, tùy nơi thuận tiện mà cung kính cúng dường. Xem đó là tấm gương giúp mình tu Bồ Tát hạnh, không vì bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào mà giải đãi.
Mười tám món kể trên, đối với hành giả Bồ Tát không thể xa rời trong giây lát. Nếu xa lìa thì không phải là người thực hành Bồ Tát hạnh. Do đó, chúng ta thấy rõ tính chất trọng yếu của mười tám món này.
Cho nên kinh văn dạy tiếp: “Khi Bồ Tát hành Ðầu Ðà hạnh, cùng khi du phương qua lại, dù là nơi gần trăm dặm hay những địa phương xa nghìn dặm, mười tám thứ đồ vật này đều phải luôn mang theo bên mình. Vì đó là những thứ thường dùng, nếu không luôn mang theo bên mình, đến khi cần dùng mà không có thì thật là bất tiện”.
Kinh văn nói hành Ðầu Ðà hạnh là chỉ thời gian nào?
Mùa Xuân từ Rằm tháng Giêng đến Rằm tháng Ba; mùa Thu từ Rằm tháng Tám đến Rằm tháng Mười.
Trong khoảng hai thời gian này, khí hậu không nóng cũng không lạnh. Chính là thời gian thật lý tưởng cho Bồ Tát du hành. Khi Bồ Tát phát tâm tu hành giáo hóa trong nhân gian, phải luôn luôn ghi nhớ là mười tám món này là những vật bất ly thân, luôn luôn phải có bên cạnh. Giống như chim bay trên không muốn tự do bay lượn, hoàn toàn nhờ vào đôi cánh. Nếu không có đôi cánh thì không thể bay được. Phải biết rằng Bồ Tát du hành giáo hóa nhân gian cũng như thế, nếu không mang theo 18 món này, thì việc du hành sẽ gặp trở ngại không ít.
Nếu đến ngày bố tát, hàng tân học Bồ Tát mới thọ giới, đối với nghi thức tụng giới thông thường và những tội khinh hoặc trọng của giới tướng mà mình không biết, không rõ thì cần phải tinh tấn Bố Tát. Mỗi nửa tháng tụng mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, cố gắng giữ gìn và luôn kiểm điểm những giới điều mình đã thọ, xem có vi phạm hay không. Nếu có vi phạm thì phải đối trước tượng Phật, Bồ Tát phát lộ sám hối, còn nếu không trái phạm thì phải càng thúc liễm thân tâm hơn nữa, để tránh sự buông lung trái phạm cấm giới.
Ðến ngày tụng giới thì phải tụng ở nơi nào?
Khi Phật còn tại thế thì chính kim khẩu của Phật tụng. Sau khi Phật diệt độ, Phật tử phải đối trước hình tượng Phật, Bồ Tát để tụng. Nếu ở trong Tăng Già Lam, khi tụng giới Tiểu Thừa thì toàn thể đại chúng phải tụ họp ở giới đường mà tụng.
Khi tụng giới Ðại Thừa thì đại chúng phải tụ họp ở trên điện Phật mà tụng, để tượng trưng có Tam Bảo hiện tiền.
Hiện tại giới này đề cập lễ Bố Tát của Bồ Tát khi đang du hành giáo hóa. Vì trong mười tám món mang theo có kinh luật, tượng Phật và tượng Bồ Tát, nên lúc tụng phải ở trước tượng Phật, tượng Bồ Tát mà tụng, để có Phật, Bồ Tát chứng minh, đồng thời chứng tỏ đại sĩ tụng giới không khác với Phật và Bồ Tát. Cho nên không nên tùy tiện tụng bất cứ ở nơi nào cũng được.
Trong lúc tụng giới, pháp thức tụng giới như thế nào?
Nếu chỉ có một người bố tát, thì đương nhiên một người tụng. Nếu hai, hoặc ba người, nhẫn đến trăm nghìn người cùng tụ tập một chỗ để bố tát thì cử ra một người trong đó tụng giới, còn bao nhiêu người còn lại chỉ lắng nghe, không nên đồng tụng để tránh sự nhiễu loạn tâm ý của những người nghe.
Người tụng nên ngồi trên cao, để cho âm thanh tụng giới đến tai người nghe được dễ dàng.
Người nghe giới nên ngồi thấp để chứng tỏ tâm tôn trọng người và pháp, không có tâm khinh người, mạn pháp.
Lại nữa, người tụng lẫn người nghe giới, mỗi người đều đắp ca sa chín điều, bảy điều và năm điều, không được mặc y phục thế tục mà trái với tăng thể.
(Ca-sa là tiếng Ấn Ðộ, Trung Hoa dịch là Hoại Sắc Phục, là y phục của người xuất gia mặc. Bất kỳ là đại y, thất y, ngũ y đều phải giản dị, không được quá cầu kỳ, hoa mỹ).
Trong lúc tụng giới đều mặc cả ba y, để thể hiện tinh thần tụng giới hết sức trang trọng, không được chỉ mặc một y bảy điều hoặc năm điều (nếu chỉ mặc một tăng già lê thì cũng được). Ðó là đối với hàng Bồ Tát tỳ kheo, tỳ kheo ni.
Còn Bồ Tát thức xoa ma na, Bồ Tát sa di, sa di ni, chỉ dùng mạn y. Ðối với nam nữ tại gia thì vào trong giới trường để tụng giới, trước tiên phải lễ Phật, lễ tăng, đến lúc tụng giới cũng chỉ mặc mạn y. Sau khi tụng giới xong, phải xếp y cất, chớ không được mặc.
Chẳng những lúc tu Ðầu Ðà hạnh, du hành giáo hóa, phải theo đúng nghi thức trên để cử hành lễ Bồ Tát, mà ngay lúc kiết hạ an cư cũng phải mỗi mỗi việc đều theo đúng pháp tắc thực hành, không được sai phạm mảy may.
Du hành giáo hóa nhân gian và kiết hạ an cư đều là việc rất tốt. Nhưng những nơi có tai nạn đều không được du hành hoặc kiết hạ.
Lúc hành đầu đà hạnh không nên đi đến chỗ có tai nạn, vậy những chỗ tai nạn nào không nên đến?
1. Cõi nước hiểm ác: Những nước gặp lúc hạn hán, mất mùa hay đang xảy ra những vụ tàn sát, đói khát v.v… Những lúc ấy không thích hợp cho việc tu hành giáo hóa của Bồ Tát, vì vậy không nên đi.
2. Nhà vua hung bạo: ngày xưa, vua là vị lãnh đạo tối cao, nắm mọi quyền hành trong nước. Nếu vị vua đó đối với Tam Bảo không tôn kính, không biết tu phước huệ, lại còn làm những chuyện bạo ngược, hung ác. Nếu Bồ Tát đến đó để giáo hóa thì chẳng những không đạt được kết quả, lại còn gặp nhiều khó khăn, cho nên Bồ Tát không nên đi.
3. Ðất đai gập ghềnh: nói những nơi hiểm trở, không bằng phẳng, nếu đi đến những nơi đó, có thể bị thiệt hại thân mạng, nên cũng không nên đi.
4. Cỏ cây rậm rạp: Những nơi có nhiều chướng ngại qua lại, và có nhiều bất trắc, nên Bồ Tát không nên đi.
5. Chỗ có sư tử, cọp sói: Những nơi có nhiều ác thú, nếu du hành đến đó có thể gặp nguy hiểm, nên Bồ Tát cũng không được đến.
6. Tai nạn lụt bão, hỏa hoạn: những nơi phát sanh đại thủy, đại hỏa, phong tai…. Bồ Tát không nên đi, vì dù có đi cũng không thực hiện được công hạnh độ sanh.
7. Giặc cướp: Những nơi có nhiều bọn cường đạo, trộm cướp, cướp của giết người. Những chỗ như thế đến để làm gì?
8. Ðường sá có rắn rít: Những nơi tuy không có tai nạn gì, nhưng nếu trên đường đi đến những chỗ ấy có nhiều rắn độc v.v… thì cũng không nên đi.
Cuối cùng nói tóm lại, tất cả những nơi hiểm nạn ấy, đều không được đến. Chẳng những lúc hành Ðầu Ðà Hạnh, mà ngay lúc kiết hạ an cư cũng không được lui tới những nơi hiểm nạn này. Vì kiết hạ an cư cốt để được an tâm tu niệm. Ðối với những nơi có tai nạn thì không thể an tâm được. Như vậy thử hỏi đến nơi đó để làm gì?
Sở dĩ Ðức Phật cấm Phật tử không được vào những nơi hiểm nạn, vì hàng tân học Bồ Tát nhẫn lực chưa đầy đủ. Nếu cố cưỡng đi vào những nơi này, vạn nhất xảy ra tai nạn, thì chẳng những chính mình bị bất lợi rất nhiều, mà lại còn làm cho mọi người sanh tâm phỉ báng và thối thất tín tâm. Vì họ cho rằng người tu hành trì giới còn không tránh khỏi tai bay họa gởi, huống chi là họ. Vì lý do ấy mà họ thối chí, ngã lòng, đối với việc tu hành và tín tâm trong Phật pháp cũng bị hao tổn.
Nếu tự ỷ mình là người có đức, không biết sợ những nơi có tai nạn, cố tình trái lời dạy của Như Lai, đi vào những nơi hiểm nạn để du hành giáo hóa, thì Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Có người cho rằng:
Ðáng lẽ Bồ Tát phải vì pháp mà quên mình, nên đi đến những chỗ hiểm nạn để hóa độ chúng sanh, chuyện ấy có gì là không nên?
Ðáp: Ðúng thế! Bồ Tát vì hóa độ chúng sanh có thể hy sinh tính mạng, nhưng sự hy sinh đó phải là trường hợp cần thiết mới có giá trị, bằng không thì chớ nên đi vào những chỗ hiểm nạn, như vậy mới là hợp lý vậy.
Lời phụ:
Nhân tiện dịch giả y trong kinh luật và các bộ truyện cung kính dịch thuật về cách thức rửa tay và tẩy tịnh khử uế để quý đại sĩ y theo lời Phật dạy mà phụng hành thì được tiêu tội, tăng phước. Còn khi đi đại tiện, sau khi đúng pháp khử uế, khi rửa tay nên dùng phì tạo hoặc tro đốt (ngày nay dùng xà bông), rửa tay cho sạch sẽ.
Trong Luật Tăng Kỳ dạy: “Tỳ kheo mỗi buổi sáng mai thức dậy, phải rửa tay cho sạch sẽ, không được rửa sơ sài cho lấy có. Khi rửa phải rửa năm đầu ngón tay và từ cánh tay trở ra cho thật sạch, không cần rửa đến nách. Không được rửa một cách thô tháo làm mất oai nghi, cũng không được chà rửa cho tới ra máu. Khi rửa phải kỳ, chà cho có tiếng. Lúc đã rửa sạch rồi, nếu tay đụng phải những vật khác thì gọi là bất tịnh, cần phải rửa lại!”
Cũng trong Luật Tăng Kỳ dạy rằng: “tỳ kheo trước giờ thọ thực phải giữ gìn hai tay cho sạch sẽ, nếu dùng tay gãi đầu, hoặc cầm mê hoàn tăng (quần), hoặc dép da, hay bưng bình tô, bình dầu v.v… phải y như trước, rửa tay lại cho sạch. Nếu cầm chiếc Tăng Già Lê hay Uất Ða La Tăng, cũng phải rửa tay lại cho sạch”.
Trong kinh Hộ Tịnh dạy: “Dùng tay bất tịnh mà đụng đến thức ăn thanh tịnh của sa môn, đem đồ ăn bất tịnh cho chúng tăng ăn, do nhân duyên ấy, sau khi xả thân năm trăm đời sau đọa trong loài ngạ quỷ thường ăn vật bất tịnh”.
Hơn nữa, trong móng tay thường dễ tích tụ mồ hôi, đất, các thứ nhơ uế, nên phải thường cắt cho sạch. Trong Luật dạy, không cho chừa móng tay dài, dù chỉ bằng hạt lúa. Nếu người nào trái phạm thì mắc tội Ðột Kiết La. Ðột Kiết La còn gọi là Ðột Tất Kiết Lật Ða, Ðột Sắc Chi Ly Ða, Ðột Ha La, là một thiên tội nhẹ nhất trong năm thiên tội của giới tỳ kheo. Trong luật Tứ Phần, phần Ðột Kiết La là hai nghiệp thân, khẩu, nên Trung Hoa dịch là Ác Tác hoặc Ác Thuyết, tức là tội của thân nghiệp gọi là Ác Tác, tội của khẩu nghiệp gọi là Ác Thuyết.
Như trên đã lược giải thích vì sao phải rửa tay và khi rửa tay phải tụng bài kệ rửa tay và câu thần chú sau đây:
Dĩ thủy quán chưởng,
Ðương nguyện chúng sanh,
Ðắc thanh tịnh thủ,
Thọ trì Phật pháp.
Án, chủ ca ra da tóa ha (3 lần)
Dịch:
Dùng nước rửa tay,
Nguyện cho chúng sanh,
Ðược tay thanh tịnh,
Thọ trì Phật pháp.
Hai chữ “quán chưởng” có nghĩa là rửa tay. Hai chữ “thọ trì”: thọ nghĩa là nhận, trì là giữ gìn, ghi nhớ.
Do có Tín lực nên nạp thọ, lãnh thọ; do Niệm Lực nên ghi nhớ, giữ gìn. Trong bộ Thắng Man Bảo Quật nói: “Ðầu tiên thì lãnh thọ nơi tâm nên gọi là Thọ; cuối cùng thì nhớ nghĩ không quên, gọi là Trì”.
Hai chữ Phật pháp ở câu kệ thứ tư là chỉ tám muôn bốn nghìn pháp môn do Ðức Phật nói.
Kinh Ðại Bảo Tích nói: “Ðức Như Lai từng nói tất cả pháp đều là Phật pháp”. Cũng trong kinh Bảo Tích nói: “Bổn tánh của các pháp đồng với Phật pháp, thế nên các pháp đều là Phật pháp”.
Trong kinh Thắng Man nói: “Tất cả Phật pháp đều gồm trong tám muôn bốn ngàn pháp môn”.
Ðã lược giải thích ý nghĩa bài kệ, tiếp theo xin y theo bộ Khê Ðường Tạp Lục nói về lỗi rửa tay không sạch như sau:
Vào triều Ðường, niên hiệu Nguyên Hựu, tại đất Thục có Pháp Sư hiệu là Trí Siêu từng tụng kinh Hoa Nghiêm đã ba mươi năm. Một hôm, bỗng có một đồng tử từ phương xa đến, diện mạo khôi ngô, cung cách đoan chánh, đưa hai tay lên cao chào Pháp Sư.
Trí Siêu Pháp Sư hỏi: “Ðồng tử từ đâu đến?”
– Từ non Ngũ Ðài đến.
– Từ xa đến đây có việc chi?
– Có chút việc muốn nhắc nhở cho nhau.
Trí Siêu Pháp Sư nói: – Tôi sẵn sàng nguyện lãnh thọ.
Ðồng tử nói: – Thầy tụng kinh Hoa Nghiêm là việc đáng khen, và quý báu vô cùng. Nhưng có chút lỗi là khi đại tiểu tiện xong, lúc tẩy tịnh nước dơ còn dính nơi lưng bàn tay của thầy, mà thầy không dùng tro đất rửa cho sạch. Trong Luật dạy phép dùng tro đất khi rửa tay phải đủ bảy lần, nhưng thầy chỉ rửa ba bốn lần nên tay vẫn còn dơ. Do đó, lễ Phật, tụng kinh đều mắc tội.
Ðồng tử nói xong biến mất. Trí Siêu Pháp Sư lấy làm hổ thẹn. Từ đó về sau, y theo luật Phật dạy, rửa tay sạch sẽ, không dám trái phạm. Các bậc kỳ cựu trong Phật pháp đương thời cho rằng đồng tử ấy chắc là đức Văn Thù Bồ Tát hóa thân đến để nhắc nhở cho Trí Siêu Pháp Sư.
Trong kinh dạy: “Nếu dùng tay dơ thỉnh kinh sẽ mắc quả báo làm trùng trong nhà xí”.
Xét cho kỹ thì con người là sinh vật tối linh trong muôn vật, làm được trăm nghề đều do hai bàn tay. Nếu vì không cẩn thận, không y lời Phật dạy, rửa tay cho sạch sẽ, dùng hai tay dơ bẩn thỉnh kinh mà mắc quả báo làm trùng trong nhà xí, thật chẳng phải là sự đáng buồn và đáng tiếc lắm sao?!
Thế nên toàn thể Phật tử xuất gia cũng như tại gia, đều nên kính cẩn tuân hành lời Phật dạy, đúng như pháp hành trì, tay được thanh tịnh thọ trì chánh pháp của Như Lai.
Tiếp theo đây xin nói về pháp tẩy tịnh:
Ðức Phật dạy tỳ kheo sau khi đại tiểu tiện đều phải tẩy tịnh, nếu không thì mắc tội. Trong Luật Thập Tụng dạy: “Nếu người nào không rửa chỗ đại tiện thì không nên nằm ngồi trên giường ghế của chúng Tăng. Nếu nằm thì phạm tội Ðột Kiết La”.
Trong bộ Tam Thiên Oai Nghi nói: “Nếu tỳ kheo không rửa chỗ đại, tiểu tiện thì phạm tội Ðột Kiết La, cũng không được nằm ngồi trên giường ghế của chúng Tăng và lễ Tam Bảo. Nếu lễ thì cũng không phước đức gì hết”.
Trong bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự nói: “Nếu người nào không y lời Phật dạy mà tẩy tịnh, thì không nên lạy Phật, tụng kinh. Tự mình không nên lễ bái người, cũng không được tiếp nhận sự lễ bái của người đối với mình. Không nên ăn uống, ngồi nằm trên giường ghế của chúng tăng, cũng không được vào trong đại chúng vì thân không sạch sẽ, không đúng pháp. Chư thiên trông thấy sẽ không sanh tâm hoan hỷ nên lánh xa và không ủng hộ. Nếu trì chú, tụng kinh đều không linh nghiệm. Vì thế, nếu người nào trái phạm thì mắc tội Ðột Kiết La. Người nào không tẩy tịnh thì khi làm trai phạm cúng dường Tam Bảo, viết chép kinh điển, họa hình tượng Phật chỉ được phước rất ít, vì thân không sạch sẽ, và có tâm khinh mạn lời Phật dạy”.
Lại trong bộ Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Bách Nhứt Yết Ma nói: “Ðức Phật dạy không nên lễ bái vị tỳ kheo bị ô nhiễm kia. Vị tỳ kheo bị ô nhiễm ấy cũng không được lễ bái người khác. Khi thấy vị tỳ kheo ấy lễ thì không nên tiếp thọ… Ô nhiễm có hai thứ:
1. Do đồ bất tịnh làm ô nhiễm
2. Do đồ ăn uống làm ô nhiễm.
Ngài Nghĩa Tịnh Tam Tạng Pháp Sư chú thích lời Phật dạy trên như sau:
“Thế nào gọi là do đồ bất tịnh làm ô nhiễm?
Là do các thứ phẩn, uế, đàm rãi, nước miếng dính trên thân và sau khi đại tiện, tiểu tiện chưa tẩy tịnh, hoặc trên thân dính bùn đất v.v…
Hoặc sớm mai thức dậy chưa nhăn mộc xỉ (tức là dùng cành dương nhau nát để chà răng cho sạch).
Hoặc ngay trong lúc nhăn mộc xỉ, hoặc dọn dẹp, quét tước những phấn tảo v.v… những điều nói trên đều gọi là do bất tịnh làm ô nhiễm.
Thế nào gọi là do đồ ăn uống làm nhiễm dơ?
Là lúc ăn uống mà chưa súc miệng, hay súc miệng mà còn bợn nhơ. Hoặc uống nước mà chưa súc miệng đều gọi là do đồ ăn uống làm nhiễm dơ. Có hai thứ nhiễm dơ trên thì thân sẽ không sạch sẽ. Nếu triển chuyển đụng nhau đều thành bất tịnh” (thân dơ bẩn đụng đến đồ sạch hoặc là đồ không sạch đụng đến thân đã sạch gọi là “triển chuyển đụng nhau”)
Căn cứ như trên mà nói thì những vật nhơ bẩn đụng đến thân, làm cho thân này chiêu cảm lấy tội lỗi quả báo, điều ấy thật rõ ràng, không còn gì nghi hoặc.
Về nghi thức tẩy tịnh trong Luật tạng có dạy rõ. Nơi đây xin trích dẫn một câu chuyện trong kinh Tỳ Nại Da Tạp Sự như sau:
Tôn giả Xá Lợi Phất là đệ tử thượng thủ của Phật, Ngài giữ gìn giới luật trang nghiêm, oai nghi đầy đủ.
Tại thành Thất La Phiệt (Sravasti, tức Xá Vệ), có một người Bà La Môn thường ưa thích tịnh hạnh thanh tịnh. Ông ta có ý muốn xuất gia nên thường nghĩ rằng: “Nếu có người nào tẩy tịnh hợp với ý ta, ta sẽ xuất gia làm đệ tử người ấy”.
Ông bèn đi khắp nơi tìm kiếm, trải qua các phái ngoại đạo và Bà La Môn, những kẻ tu hành cùng một đạo phái với ông. Ông thấy họ sau khi đại tiện, tiểu tiện, có người thì không tẩy tịnh, có người vào trong ao lớn, dùng cả trăm nghìn cục đất tẩy tịnh. Người thì quá dơ bẩn đáng nhàm chán, còn người thì làm quá phiền phức nên đều không vừa ý ông. Bấy giờ ông mới nghĩ rằng: “Ta đã quan sát khắp các ngoại đạo và phái Bà La Môn đều không vừa ý ta, nhưng đối với các sa môn Thích tử thì ta chưa quan sát”.
Nghĩ thế, ông liền đi đến rừng Thệ Ða, thấy tôn giả Xá Lợi Phất cầm cái quân trì (là cái trược bình dùng đựng nước để tẩy tịnh), đựng chừng ba thăng nước đi lên nhà xí. Người Bà La Môn trông thấy nghĩ rằng: “Vị sa môn này là đệ tử thượng thủ của Kiều Ðáp Ma (Gautama), ta hãy để tâm quan sát vị sa môn này tẩy tịnh như thế nào?” Nghĩ như thế ông bèn đi theo sau Tôn Giả.
Tôn giả Xá Lợi Phất thấy người Bà La Môn đi theo, không biết vì cớ gì, nên nhiếp niệm định tâm quan sát, thì biết rõ tâm niệm của ông này mong cầu pháp thanh tịnh, muốn xem điều thiện ác ở nơi mình. Lại quan sát người này đời trước sẵn có căn lành và có hệ thuộc với mình.
Quan sát thế rồi, tôn giả bèn cởi pháp y để phía trên luồng gió, chỉ mặc Tăng-cước-kỳ (Samkasika – tức là y che nách) và hạ quần mà thôi. Rồi tôn giả lấy bảy nhóm đất bột sắp thành một hàng lên trên một viên gạch, mỗi nhóm lớn bằng nửa trái đào; kế tiếp lại sắp bảy nhóm nữa thành hàng thứ hai cũng trên miếng gạch ấy, rồi để riêng một nhóm khác một bên. Ðoạn ngài cầm một miếng thẻ và ba cục đất vào trong nhà xí.
Tôn giả không đóng cửa vì muốn cho người Bà La Môn đứng đằng xa trông thấy. Sau khi đại tiểu tiện xong, dùng miếng giẻ lau mình (như bây giờ dùng giấy vệ sinh), đoạn dùng tay tả lấy một cục đất tẩy tịnh (tức là tẩy chỗ đại tiện), rồi lấy một cục đất khác tẩy chỗ tiểu tiện. Làm sạch sẽ xong rồi, kế dùng cục đất thứ ba tẩy tay bên tả, tay bên hữu cầm bình đi đến chỗ đất bột khi nãy, múc nước chế vào bình, để trên vế cho nước chảy ra. Dùng bảy nhóm đất bột trên hàng thứ nhất rửa tay trái (mỗi nhóm bột rửa một lần). Ðoạn lấy bảy nhóm đất bột hàng thứ hai rửa cả hai tay cho sạch sẽ, sau đó rửa hai cánh tay cũng sạch sẽ. Lại lấy nhóm đất bột để riêng để súc rửa bình. Xong rồi dọn dẹp sạch sẽ, đoạn lấy pháp y mặc vào, giữ gìn oai nghi tịch tịnh, kế tiếp múc nước rửa hai chân, rồi vào phòng lấy nước đựng trong tịnh bình súc miệng hai ba lần. Sau đó, Ngài mới bắt đầu tùy ý làm mọi chuyện khác.
Người Bà La Môn đứng quan sát kỹ, ông rất hoan hỷ và khởi sanh tín tâm đối với tôn giả. Ông nghĩ rằng: “Vị sa môn nầy tẩy tịnh hết sức thích hợp với ý ta. Thật là một pháp tối yếu hết sức quý hóa. Các ngoại đạo và những nhà tu hành trong phái Bà La Môn của ta đều không bì kịp. Người thì quá nhơ uế, người thì quá phiền phức, không bằng vị sa môn này, chỉ dùng 14 nhóm đất bột mà rất sạch sẽ”.
Nghĩ thế rồi, ông liền đến trước tôn giả Xá Lợi Phất, đảnh lễ dưới chân ngài, thành kính bạch rằng: “Kính bạch Thánh Giả! Con hôm nay nguyện được làm đệ tử xuất gia của ngài, cúi xin ngài từ bi nạp thọ cho con được mãn nguyện. Xin tôn giả giảng dạy cho con về giới luật xuất gia để con tu học…”
Người Bà La Môn từ đó luôn gần gũi hầu hạ thầy đúng như pháp, tinh tấn tu hành, đoạn trừ các kiết sử phiền não, chứng pháp Vô Sanh, thành A La Hán lìa các cấu nhiễm trong tam giới.
Phép tẩy tịnh này do chính kim khẩu đức Bổn Sư Thích Tôn dạy các tỳ kheo phải thực hành. Nếu không thực hành thì phạm lỗi. Có điều nên lưu ý là đừng nghĩ pháp này Phật chỉ dạy chư tỳ kheo, còn sáu chúng kia Phật không dạy thì không tuân hành. Nghĩ như vậy thì thật là sai lầm. Vì chúng tỳ kheo là thượng thủ trong thất chúng nên Phật dạy chúng tỳ kheo tức là xem như dạy cả thất chúng. Như trong một gia đình có bảy người con, nếu có việc chi, người cha chỉ kêu đứa con cả mà dạy.
Tẩy tịnh, khử uế chỉ là một, nhưng khi đại tiểu tiện xong, khi đến chỗ múc nước thì đọc kệ:
Sự ngật tựu thủy,
Ðương nguyện chúng sanh,
Xuất thế pháp trung,
Tốc tật nhi vãng.
Án, thất rị bà hê tóa ha (3 lần)
Dịch:
Khi việc xong đến lấy nước,
Nguyện cho tất cả chúng sanh,
Vào pháp xuất thế,
Nhanh chóng mà đi qua.
Hai chữ “sự ngật” chỉ việc đại, tiểu tiện đã xong. Hai chữ “tựu thủy” chỉ sự lấy nước dùng để rửa chỗ nhơ uế. Luật dạy sau khi đại tiện xong, dùng giẻ lau chỗ ấy, đoạn lấy nước dùng đất bột lau rửa. Ðó là việc thời xưa, còn thời nay dùng giấy vệ sinh, nhưng cũng không thể sạch được. Vì da chỗ giang môn (chỗ đại tiện có tính đàn hồi có thể rút lại, nở ra nên có nhiều nếp nhăn nhúm, gọi là giang môn), nếu không dùng nước tẩy tịnh thì không thể nào sạch được. Nhất là đối với phái nữ, bộ phận âm thần, đại, tiểu tiện rất dễ dàng trữ đồ dơ uế, nên phải dùng nước tẩy tịnh mới hợp ý trong Luật dạy.
Luận về người Phật tử tu hành, thì tam độc là thứ đáng sợ cần phải cố gắng diệt trừ. Pháp Lục Ðộ là pháp đáng tôn quý, cần phải thân cận và suốt đời siêng năng tu học, thực hành. Lại còn phải cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều được nước pháp của Như Lai để gột rửa những cấu uế từ vô thỉ.
Câu kệ: “Xuất thế pháp trung, tốc tật nhi vãng”, tức là mong chóng ra khỏi luân hồi. Muốn được mau chóng thoát khỏi sanh tử luân hồi, không gì hơn là nhất tâm niệm Phật, cầu được vãng sanh về cõi nước Phật A Di Ðà, chứng ngộ được pháp Vô Sanh, để mình và người đồng thoát khỏi luân hồi.
* Khử Uế:
Khử là trừ bỏ, Uế là chỉ cho phẩn uế. Nghĩa là sau khi đại, tiểu tiện xong, dù có giấy vệ sinh, nhưng chỗ giang môn vẫn còn dính phẩn uế nên phải tẩy sạch. Lúc đại tiểu tiện xong, đi lấy nước thì đọc kệ và chú tẩy tịnh. Nghĩa là lúc đang tẩy tịnh thì đọc chú khử uế này:
Tẩy địch hình uế,
Ðương nguyện chúng sanh,
Thanh tịnh điều nhu,
Tất cánh vô cấu.
Án, hạ nẵng mật lật đế tóa ha (3 lần)
Dịch:
Rửa nhơ trên thân,
Nguyện cho chúng sanh,
Thanh tịnh điều nhu,
Sạch hẳn tất cả.
Hai chữ “tẩy địch” nghĩa là rửa cho sạch. Hai chữ “hình uế” là chỉ đường đại, tiểu tiện. Hai chữ “điều nhu”: điều nghĩa là điều hòa, nhu nghĩa là nhu thuận.
Trong Thành Thật Luận nói: “Thanh tịnh điều nhu là tùy thuận theo phạm hạnh vậy”, bởi vì ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh không nhơ uế, tánh của nó vẫn điều nhu cho nên nói là rốt ráo không nhơ bẩn.
Hai chữ “tất cánh” là ý nghĩa cùng tột, rốt ráo. Hai chữ “vô cấu” là xa lìa tất cả tội lỗi không nhiễm trước.
Luận về thân nghiệp đã thanh tịnh thì hình thể này không cấu uế, tâm được thanh tịnh thì được pháp rốt ráo vô lậu.
Có hai mươi mốt thứ tâm nhơ bẩn mà trong kinh Trung A Hàm nói:
1. Tâm nhơ tà kiến.
2. Tâm nhơ ham muốn phi pháp.
3. Tâm nhơ tham muốn theo việc tội lỗi, tức là ác pháp.
4. Tâm nhơ chấp theo tà pháp.
5. Tâm nhơ tham trước.
6. Tâm nhơ sân nhuế.
7. Tâm nhơ thích ngủ nghỉ.
8. Tâm nhơ trạo cử lăng xăng.
9. Tâm nhơ nghi hoặc.
10. Tâm nhơ bị sân phiền não buộc ràng.
11. Tâm nhơ có lỗi lầm không phát lồ sám hối.
12. Tâm nhơ bỏn xẻn, keo kiết.
13. Tâm nhơ tật đố.
14. Tâm nhơ khinh khi dối gạt người.
15. Tâm nhơ dua nịnh người.
16. Tâm nhơ không biết tự thẹn (có tội mà tự mình không biết hổ thẹn).
17. Tâm nhơ không biết thẹn với người.
18. Tâm nhơ ngã mạn.
19. Tâm nhơ đại ngã mạn.
20. Tâm nhơ kiêu ngạo.
21. Tâm nhơ buông lung, không siêng tu thiện pháp.
Thế nên Phật tử tẩy rửa phẩn uế trên thân là thanh tịnh bên ngoài, lại còn phải gột rửa các thứ nhơ bẩn nội tâm. Có như vậy trong ngoài mới đều thanh tịnh, nên câu kệ thứ tư nói: “Rốt ráo không còn dơ”.
Trong bộ Ký Quy nói: “Vì Ðức Phật dạy tất cả tỳ kheo đều phải tẩy tịnh, nên nếu y theo lời Phật dạy mà thực hành thì sanh phước, nếu trái lời Phật dạy thì mắc tội.
Thế mà xứ Ðông Hạ này (chỉ Trung Hoa) từ lâu nay không đem pháp tẩy tịnh truyền dạy. Vì vậy nếu có người bỗng đem pháp tẩy tịnh truyền dạy thì bị kẻ khác sanh tâm chê bai rằng: ‘Ðại Thừa không câu chấp tiểu tiết, Ðại Thừa vẫn dung thông, không chỗ nào là tịnh, không chỗ nào là nhơ uế. Trong bụng lúc nào cũng đầy dẫy đồ bất tịnh, thì tẩy tịnh bên ngoài có ích chi?’
Than ôi! Ðâu biết rằng những lời trên đã phạm vào tội trái với từ ý của Phật, đồng nghĩa với khinh chê giới luật. Nếu không tẩy tịnh thì nhận thọ sự lễ bái của người hay lễ bái người đều mắc tội. Mặc áo, ăn cơm mà thân bất tịnh, không tẩy sạch nên bị thiên, long, quỷ thần đều chán ghét.
Thế nên ở xứ Ngũ Thiên Trúc, nếu người nào không tẩy tịnh, khi đi đến bất cứ nơi nào đều bị người cười chê. Phật tử xuất gia là người có bổn phận hoằng truyền chánh pháp của Như Lai, nối tiếp làm thạnh ngôi Tam Bảo. Thế nên cần phải đem pháp tẩy tịnh này đặc biệt truyền dạy cho hàng Phật tử để được tăng phước đức. Ðã là kẻ nhàm lìa trần tục, xuất gia tu hành, vứt bỏ tất cả, mong đến cảnh tịch diệt, thì phải hết lòng cung kính vâng theo lời dạy của đức Từ Phụ Thích Ca, không được khinh chê lời dạy trong Tỳ Ni. Nếu vị nào không tin thì có thể y theo Luật dạy, thực hành pháp tẩy tịnh này trong một thời gian năm hoặc bảy ngày, chừng ấy sẽ biết cái lỗi không tẩy tịnh”.
Dịch giả thành kính y theo Luật, dịch thuật về nghi thức cùng ý nghĩa và nguyên nhân vì sao phải tẩy tịnh và khử uế, dù sự dịch này không rộng lắm.
Trong Luật và truyện Ký Quy, cùng những lời giải thích của Pháp Sư Phật Oánh trong bộ Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu chú giải đã quá rõ ràng, nếu có nói thêm cũng thành thừa và không thể hơn lời của Phật, Tổ, tiên hiền được. Nhưng sở dĩ có lời phụ này vì dịch giả nhận thấy không an tâm, khi nhận thấy lâu nay hai giới Phật tử xuất gia và tại gia không thực hành pháp Tẩy Tịnh (đối với chư thượng đức kỳ cựu, quý đại lão hòa thượng, chư thượng tọa, dịch giả không dám liệt vào trong trường hợp này. Vì quý ngài đều triệt để tuân hành theo đúng pháp tẩy tịnh và còn chỉ dạy lại cho hàng hậu học).
Vì vậy, nếu nghe nói hay xem thấy nghi thức tẩy tịnh khử uế đã dẫn bên trên, họ sẽ cho là phiền phức, mất thời giờ. Nhất là đối với Phật tử tại gia thường bận rộn suốt ngày với công việc gia đình đa đoan. Cho nên dịch giả thành kính y theo Mật giáo dịch thuật ý nghĩa và hiệu lực công năng của Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn “Án Lam” để vị nào không thực hành được pháp tẩy tịnh thì thành kính hành trì chơn ngôn để nương nhờ pháp lực của chơn ngôn, dù không tẩy tịnh vẫn được thanh tịnh.
Vị nào hành pháp tẩy tịnh luôn cả thực hành Tịnh Pháp Giới chơn ngôn càng quý và được chơn thanh tịnh. Dịch giả thực hành như vậy thấy không tốn thì giờ gì cả. Khi sắp niệm Phật, lễ Phật, thọ thực hoặc cầu kinh, xem kinh v.v… đều trì đúng 21 biến. Dịch giả thấy trong Luật dạy, khi thọ trai phải rửa tay cho sạch sẽ. Nếu cầm đến chiếc Tăng Già Lê cũng phải rửa lại. Tăng Già Lê là chiếc đại y, khi đụng đến còn phải rửa tay lại thì các vật khác nên biết mức độ phải như thế nào. Do đó, thật rất khó giữ gìn đúng phép, nên dịch giả thường trì chú Án Lam để mong nhờ pháp lực của chơn ngôn cho được an tâm và thanh tịnh.
Tịnh Pháp Giới Chơn Ngôn là một bộ chú trong Ngũ Bộ Chú. Theo Mật giáo, chỉ trì một chữ Lam cũng được, không trì chữ Án cũng được. Có hai cách thực hành:
1. Quán tưởng hình thức của chữ Lam: viết theo lối Phạn trên đỉnh đầu của mình. Khắp chữ Lam có quang minh như hạt minh châu, hoặc như mặt trăng rằm. Khi quán tưởng, tay tả kiết ấn Kim Cang Quyền (ngón tay cái bấm đốt thứ nhất của ngón áp út, còn gọi là ngón vô danh, bốn ngón kia nắm ngón tay cái).
Ấn này có công năng diệt trừ sự ô nhiễm, nội chướng, ngoại chướng, thành tựu tất cả các công đức. Tay phải cầm chuỗi, miệng trì tụng 108 biến hoặc ít nhất là 21 biến. Ðó là nghi thức của hành giả trì Ngũ Bộ Chú.
2. Những vị thông thường chỉ cần trì niệm (ra tiếng hoặc thầm cũng được) hai mươi mốt biến, cho thân tâm được thanh tịnh. Những lúc tọa thiền hay niệm Phật v.v… nếu tâm hôn trầm, cũng có thể quán tưởng như vậy.
Nếu quán tưởng hay trì tụng chơn ngôn Tịnh Pháp Giới này thì ba nghiệp đều được thanh tịnh, tất cả tội chướng được tiêu trừ, lại còn thành tựu tất cả những việc thù thắng khác như: Bồ Ðề tâm kiên cố không thối thất, niệm Phật được nhất tâm bất loạn, hoặc là nếu có phạm trọng tội, khi sám hối sẽ mau được tiêu tội, được thấy hảo tướng v.v… Khi niệm chú này ở bất cứ nơi nào, cũng đều được thanh tịnh, y phục không sạch thành y phục sạch sẽ, thân không tắm gội được sạch sẽ như tắm gội. Dù dùng tịnh thủy để làm sạch vẫn không được chân thật thanh tịnh. Nếu dùng chú Án Lam pháp giới tâm này để tẩy tịnh, thì sẽ được rốt ráo thanh tịnh. Nên trong Mật Bộ ví dụ như dùng một hạt linh đơn có thể điểm sắt thành vàng. Cũng thế, dùng một chữ Lam chơn ngôn này để gia trì thì biến biến nhiễm thành tịnh.
Nên có bài kệ như sau:
La tự sắc tiên bạch,
Không điểm dĩ nghiêm chi,
Như bỉ kế minh châu
Trí chi ư đảnh thượng,
Chơn ngôn đồng pháp giới,
Vô lượng chúng tội trừ,
Nhất thiết xúc uế xứ,
Ðương gia thử tự môn.
Dịch:
Chữ La sắc trắng đẹp,
Dùng dấu điểm không để tăng vẻ nghiêm sức,
Như ngọc minh châu nơi búi tóc,
Ðem đặt nơi đỉnh đầu,
Chữ Lam chơn ngôn đồng pháp giới,
Vô lượng tội đều tiêu trừ,
Tất cả những nơi không sạch sẽ,
Cần phải gia trì tự môn này.
Trong sách Phạn, chữ La có thêm dấu chấm (điểm không) tức thành chữ Lam. Minh châu trên búi tóc của Chuyển Luân thánh vương tức là một trong bảy thí dụ của kinh Pháp Hoa, phẩm An Lạc Hạnh.
Nếu gặp trường hợp ngoại duyên không đủ, nghĩa là không có nước để tắm gội, giặt giũ nên y phục và thân thể không sạch sẽ, chỉ cần gia trì chữ Lam thì được sạch sẽ. Nếu có đủ nước tắm gội và giặt y phục sạch sẽ mà trì tụng thêm chữ Lam này, trong ngoài đều được thanh tịnh (dịch giả kính dịch theo bộ Hiển Mật Viên Thông Thành Phật Tâm Yếu).