增 壹 阿 含 經
KINH TĂNG NHẤT A-HÀM
Đông Tấn Cồ Đàm Tăng Ca Đề Bà dịch
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
PL 2541 – TL 1997

 

TẬP III

L. PHẨM LỄ TAM BẢO

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn lễ bái chùa tháp Như Lai, nên thực hành mười một pháp lễ chùa Phật. Thế nào là mười một? Hưng khởi tâm dõng mãnh vì có thể kham; ý không tán loạn vì thường nhất tâm; … vì ghi nhớ chuyên tâm các pháp Chỉ quán; các niệm hằng dứt vì nhập chánh định; ý biết vô lượng vì có trí tuệ; ý khó quán sát do hình tướng Như Lai; ý vắng lặng trạm nhiên vì oai nghi Như Lai; ý không chạy nhảy vì danh xưng Như Lai; ý không tưởng tượng do sắc tướng Như Lai; Phạm âm khó bì kịp do âm hưởng nhu nhuyến.

Các Tỳ-kheo! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn lễ bái chùa tháp Như Lai, đầy đủ mười một pháp này. Lễ chùa tháp của Như Lai thì được phước lâu dài vô lượng. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn làm lễ pháp thì nên ghi nhớ mười một việc sau hãy lễ pháp. Thế nào là mười một pháp? Có kiêu mạn nên trừ kiêu mạn; Chánh pháp ở cõi dục mà trừ tưởng khát ái; Chánh pháp ở cõi dục mà trừ dục; Chánh pháp hay đoạn dứt dòng sanh tử thâm sâu; hành Chánh pháp được pháp bình đẳng; Chánh pháp đoạn dứt các đường ác; theo Chánh pháp này được đến chỗ lành; Chánh pháp hay đoạn dứt lưới ái; người hành Chánh pháp từ hữu vi đến vô vi; người hành Chánh pháp chiếu sáng khắp nơi; người hành Chánh pháp đến Niết-bàn.

Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn làm lễ pháp, nên tư duy về mười một pháp này, sau được phước vô lượng, phước không hạn lượng mãi mãi. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn tu hành lễ chúng Tăng, nên suy nghĩ mười một pháp, sau mới lễ chúng Tăng. Thế nào là mười một? Chúng của Như Lai thành tựu Chánh pháp; Thánh chúng của Như Lai trên dưới hòa hợp; Thánh chúng của Như Lai thành tựu các pháp; Thánh chúng của Như Lai thành tựu giới; thành tựu chánh định; thành tựu trí tuệ; thành tựu tuệ giải thoát; thành tựu giải thoát tri kiến; Thánh chúng của Như Lai hay hộ trì Tam Bảo; Thánh chúng của Như Lai hay hàng phục ngoại đạo dị học; Thánh chúng của Như Lai là bạn tốt, ruộng phước cho tất cả chúng sanh.

Thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn lễ chúng Tăng, nên tư duy về mười một pháp này, được phước lâu dài vô lượng. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các hàng Tỳ-kheo, Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩu-na-la, Ma-hầu-la-già, Trời Ma-hưu-lặc và Người nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Ma-kiệt, thành Mật-đề-la cư ngụ phía Ðông vườn Ðại thiên, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người câu hội.

Khi ấy, Thế Tôn sau khi thọ thực cùng với Tôn-giả A-nan đi kinh hành trong vườn. Phật mỉm cười, A-nan nghĩ thầm: “Như Lai Vô Sở Trước Ðẳng Chánh Giác không cười suông. Nay cớ gì cười? Ắt phải có ý, Ta sẽ hỏi điều này”. A-nan chỉnh đốn y phục, quỳ gối mặt chấm đất, chắp tay hỏi Phật:

– Như Lai Vô sở Trước Ðẳng Chánh Giác không cười suông. Nay cớ gì cười? Ắt phải có ý, xin được nghe ý đó.

Phật bảo A-nan:

– Ta sẽ vì Thầy nói. Về Hiền kiếp đã qua, ban đầu ở đây có một vị Chuyển luân Thánh vương làm chủ bốn châu thiên hạ tên là Ðại thiên, sống lâu không bệnh, đoan chánh dõng mãnh, dùng Chánh pháp cai trị, không ép uổng nhân dân, có bảy báu tự nhiên xuất hiện. Những gì là bảy? Một là xe báu, hai là voi báu, ba là ngựa báu, bốn là châu báu, năm là ngọc nữ báu, sáu là chủ tạng báu, bảy là điển binh báu.

Phật bảo A-nan:

– Khi vua Ðại Thiên còn thơ ấu, thời gian ấy tám vạn bốn ngàn năm, làm Thái tử tám vạn bốn ngàn năm, lên ngôi Thánh vương tám vạn bốn ngàn năm, lên ngôi Thánh vương tám vạn bốn ngàn năm.

A-nan bạch Phật:

– Thế nào là xe báu?

Phật bảo A-nan:

– Vào ngày rằm trăng tròn, vua tắm gội sạch sẽ, cùng thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn hướng Ðông. Có xe nghìn căm vàng, xe cao bảy đa-la, bảy nhẫn là một đa-la. Ða-la là cây độc diên, dùng cây này làm hạn lượng, toàn bằng vàng tử ma. Vua thấy xe rồi, nghĩ rằng: “Xe này là xe quý, xin nguyện bắt được”. Nghĩ xong, xe liền đến bên tay trái vua, rồi chuyển qua tay mặt. Vua bảo xe ấy:

– “Những nước chưa từng hành phục, hãy vì ta hành phục, chẳng phải đất của ta, hãy vì ta thâu nhận, hãy đúng pháp không nên phi pháp”.

Nói xong, xe trở lên hư không, trục xe xoay về hướng Ðông.

Nhà vua sai tả hữu chuẩn bị đủ bốn binh chúng, binh đã đủ liền đưa binh chúng theo xe trên không. Xe dẫn sang phương Ðông, qua hết các cõi nước phía Ðông. Ban đêm, vua và binh chúng ngủ dưới xe báu. Các tiểu vương nước phía Ðông đều đến triều kiến, dùng bát vàng đựng thóc bạc tiến dâng vua, thưa rằng:

– “Kính chào Ðại vương! Bờ cõi Ðông này, tất cả đất đai, trân bảo, nhân dân đều là của Ðại vương. Xin dừng xa giá tại đây, chúng tôi sẽ vâng theo Ðại vương dạy”.

Vua Ðại Thiên bảo các tiểu vương:

– “Các Ông muốn theo lời dạy của ta thì mỗi người nên trở về nước mình dùng Thập thiện dạy dân, chớ làm ngang bướng.”

Vua khuyên dạy xong, xe báu liền ở trên biển, quay lại nương hư không mà đi. Trong biển tự nhiên mở đường rộng một do-diên, vua và bốn bộ binh chủng theo xe báu như trước, đi qua cõi phương Nam. Các tiểu vương phương Nam cũng đến triều kiến, đều dùng bát vàng đựng thóc bạc, bát bạc đựng thóc vàng, dâng lên nhà vua, thưa rằng:

– “Kính chào Ðại vương! Cõi nước phương Nam này cùng trân bảo, nhân dân đều là của Ðại vương. Xin dừng xa giá ở đây, chúng tôi sẽ vâng theo lệnh Ðại vương”.

Vua Ðại Thiên bảo các tiểu vương:

– “Các Ông muốn theo lệnh ta thì mỗi người nên trở về nước mình, đem Thập thiện dạy dân, chớ làm việc phi pháp”.

Vua khuyên dạy xong, xe báu quay sang hướng Tây, dẫn đi về cõi phía Tây. Các vua nước phía Tây cống hiến, thỉnh mời như ở phương Nam. Xong, xe báu quay sang hướng Bắc, dẫn đi qua bờ cõi phía Bắc. Các vua phía Bắc cũng đến triều kiến, nạp cống và cầu thỉnh như các pháp trước.

Ði bốn ngày hết bốn biển Diêm-phù-đề, trở về thành Mật-để-la, xe dừng trước cửa cung, ở trên hư không cao bảy cây đa-la, vành xe hướng về phía Ðông, vua liền vào cung.

Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại thiên được xe báu như thế.

A-nan lại hỏi Đức Phật:

– Vua Ðại Thiên được voi báu như thế nào?

Phật đáp:

– Sau đó, vua Ðại Thiên lại đến ngày rằm trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn về hướng Ðông, thấy trong hư không có một voi chúa màu trắng tên Mãn Hô, từ hư không đến, thân hình đều đặn, miệng có sáu ngà, mũ vàng đội đầu, dây vàng, anh lạc, chơn châu kết vòng quanh thân, hai bên hông đeo chuông vàng. Voi có sức thần, biến hình tự tại. Vua Ðại thiên thấy rồi, tự nghĩ rằng: “Ta có thể được voi bàu này chăng? Ta sẽ khiến voi làm việc”. Nghĩ xong, voi liền đứng trên hư không trước vua. Vua bèn sai làm năm việc, lại nghĩ: “Nên thử xem voi này có thể làm được chăng?” Ngày mai, mặt trời lên, vua cỡi voi dạo khắp bốn biển, trong khoảnh khắc về lại chỗ cũ, đứng trước cửa cung, hướng về phía Ðông.

A-nan! Vua Ðại thiên được voi báu như thế.

A-nan hỏi Phật:

– Vua Ðại thiên được ngựa báu như thế nào?

Phật bảo:

– Sau đó, đến ngày rằm trăng tròn, vua Ðại Thiên tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu Tây, nhìn về phía Tây, thấy có một ngựa chúa màu xanh tên là Bà-la-xá từ hư không bay đến, đi không động thân, đầu đội mão vàng, các báu anh lạc, chơn châu kết quanh thân, hai bên hông đeo chuông vàng. Ngựa chúa có sức thần, biến hình tự tại. Vua Ðại Thiên thấy rồi, tự nghĩ: “Ta có thể được ngựa này cỡi rất tốt”. Vua nghĩ xong, ngựa đến trước nhà vua, vua liền cỡi ngựa muốn thử tài đó. Ngày mai, mặt trời lên, vua cỡi ngựa đi về phía Ðông, trong khoảnh khắc dạo khắp bốn bể, rồi trở về nước. Ngựa đứng ở cửa cung phía Tây, hướng về Tây.

A-nan! Vua Ðại Thiên được ngựa báu như thế.

A-nan hỏi Phật:

– Vua Ðại thiên được châu báu như thế nào?

Phật đáp:

– Sau đó, đến ngày rằm trăng tròn, vua Ðại Thiên tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn về phương Ðông, thấy có hạt thần châu. Thần châu to tròn một thước sáu tấc, có tám mặt, màu xanh lưu ly, từ hư không bay đến, cao bảy cây đa-la. Vua thấy rồi, tự nghĩ: “Ðược thần châu này để ngắm”. Vua như ý nghĩ mà được thần châu. Vua muốn thử, vào nửa đêm tập hợp bốn binh chủng, đem thần châu treo ở đầu cột phướn, ra khỏi thành dạo đi. Hạt thần châu chiếu sáng các nơi mười hai do-diên, binh chủng thấy nhau như ban ngày, ánh sáng của thần châu chiếu đến đâu, nhân dân kinh ngạc thức dậy, đều nói trời sáng. Nhà vua về cung, dựng cây phướn trong cung, trong ngoài đều sáng như ban ngày.

A-nan! Vua Ðại thiên được châu báu như thế.

A-nan bạch Phật:

– Vua Ðại thiên được ngọc nữ báu như thế nào?

Phật bảo A-nan:

– Nhà vua đến ngày rằm trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu Ðông, nhìn về hướng Ðông, thấy bảo nữ không ai bì, nghiêm trang thù diệu, không cao không thấp, không mập không ốm, không trắng không đen, mùa đông thân ấm, mùa hạ thân mát, từ lỗ chân lông tiết ra mùi hương chiên-đàn, miệng có mùi thơm hoa sen xanh, cũng không có các trạng thái xấu ác của người nữ, tánh tình ôn hòa, ý tùy thuận trước, từ hư không đến chỗ vua.

A-nan! Vua Ðại Thiên được ngọc nữ báu như thế.

A-nan bạch Phật:

– Vua Ðại Thiên được chủ tạng báu như thế nào?

Phật đáp:

– Vua Ðại thiên đến ngày rằm trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Bắc, nhìn về hướng Bắc, thấy đại thần chủ tạng tên A-la-tra-chi, tướng đoan chánh thù diệu, không cao không thấp, không mập không gầy, thân sắc vàng, tóc màu xanh, mắt đen trắng phân minh. Chủ tạng lại có thể thấy được các kho bảy báu nằm dưới đất, có chủ thì giữ gìn, không chủ trì đem dâng vua sử dụng, thông minh trí tuệ, giỏi các mưu lược. Đại thần từ hư không bay đến trước vua, tâu rằng:

– “Từ này về sau, nhà vua có thể tự vui thích chớ lo buồn. Tôi sẽ cung cấp tài bảo cho Ðại vương không để thiếu”.

Vua muốn thử đại thần chủ tạng, bèn cùng dong thuyền ra biển. Vua bảo:

– “Ta muốn được vàng bạc châu báu”.

Tạng thần tâu:

– “Xin trở lại bờ, hạ thần sẽ dâng tài bảo”.

Vua nói:

– “Ta muốn được chân báu dưới nước, không cần trên bờ”.

Thần chủ tạng bèn đứng dậy sửa y phục, quỳ gối hữu, chắp tay làm lễ nước, trong nước liền tự nhiên xuất hiện vàng khối to như bánh xe, chốc lát đầy thuyền. Vua bảo:

– “Hãy dừng! Chớ chất thêm vàng, thuyền sắp đắm”.

A-nan! Vua Ðại Thiên được đại thần chủ tạng như thế.

A-nan bạch Phật:

– Vua Ðại thiên được điển binh báu như thế nào?

Phật bảo:

– Nhà vua đến ngày rằm trăng tròn, lại tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Nam, thấy có đại tướng quân tên Tỷ-tỳ-na, đoan chánh tướng hảo, tóc màu trân châu, thân thể màu lục, không cao không thấp, không mập không gầy, mắt có thể nhìn thấu tâm niệm người khác, biết việc quân binh, quyền biến, mưu chước, tiến lui đúng thời. Ðại tướng nương hư không bay đến trước vua, tâu rằng:

– Cúi xin Ðại vương tự ý vui thích, chớ lo thiên hạ, việc chinh phạt bốn phương thần tự điều khiển.

Nhà vua muốn thử tài, vào giữa đêm suy nghĩ muốn tập họp bốn bộ binh chủng, nghĩ vừa dứt bốn binh đã tập họp. Nhà vua lại nghĩ tiến binh về phía Ðông, quân liền tiến về Ðông. Nhà vua ở giữa, đại tướng đi đầu, bốn binh vây quanh. Vua nghĩ muốn tiến thì quân tiến, muốn lùi thì quân lùi.

A-nan! Vua Ðại Thiên được điển binh báu như thế.

Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại Thiên được bảy báu như thế.

Phật lại bảo A-nan:

– Vua Ðại Thiên cai trị rất lâu, bèn bảo thợ hớt tóc tên Kiếp-tỷ rằng: “Nếu ta có tóc bạc, nên nhổ và báo cho ta biết”. Kiếp-tỷ chăm sóc tóc cho vua; lâu sau, thấy có một sợi tóc bạc, bèn tâu:

– “Trước Ðại vương có lệnh, nay thấy tóc bạc!”

Vua bảo:

– “Nhổ đưa ta xem”.

Kiếp-tỷ dùng nhíp vàng nhổ tóc bạc, để vào tay vua. Vua cầm tóc bạc, bèn nói kệ:

Trên đầu của ta,
Sinh tóc bạc này,
Sứ thần đến gọi,
Ðến thời vào đạo.

Vua suy nghĩ: “Ta đã hưởng ngũ dục tột độ trong loài Người, nay nên xuất gia, cạo bộ râu tóc, mặc pháp phục”. Bèn gọi thái tử Trường Sanh đến, bảo:

– “Này Con! Ðầu ta đã sanh tóc bạc. Ta đã chán ngủ dục thế gian, muốn tìm vui cõi Trời. Nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục xuất gia học đạo. Con nên lãnh việc nước, lập con lớn làm thái tử; nên cấp dưỡng cho Kiếp-tỷ coi việc tóc bạc, khi tóc bạc xuất hiện, trao nước cho Thái tử rồi như ta cạo râu tóc xuất gia, mặc pháp phục”.

Nhà vua bảo thái tử:

– “Nay ta đem ngôi vua ân cần trao cho con, nên làm cho Thánh vị tiếp nối đời đời chớ để dứt mất; nếu dứt đoạn sẽ bị làm người ở biên địa; nếu đoạn mất hạnh lành, liền sanh chỗ không có pháp”.

Vua Ðại thiên dạy xong, liền trao nước cho thái tử Trường Sanh, ban cho Kiếp-tỷ ruộng đất.

Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại Thiên ở thành này, nước này, đất này, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục vào đạo, ở cõi này thực hành bốn Phạm hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả, trải qua tám vạn bốn ngàn năm, ở đây mạng chung sanh về Phạm thiên.

Vua Ðại thiên xuất gia, bảy ngày sau ngọc nữ báu mệnh chung. Trường Sanh lên ngôi, đến ngày rằm trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, đem các thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn về phương Ðông, thấy ngọc nữ đoan chánh như trước, từ hư không đến. Vua Trường Sanh lại được bảy thứ báu. Vua trị vì nước, cai quản thiên hạ, sau lại bảo Kiếp-tỷ:

– “Từ nay về sau chăm sóc trên đầu, thấy tóc bạc thì đem báo cho ta”.

Nhà vua lên ngôi trải qua tám vạn bốn ngàn năm. Tóc vua bạc, thợ hớt tóc Kiếp-tỷ tâu vua:

– “Ðã có tóc bạc”.

Vua bảo:

– “Nhổ đem đến để trên tay ta”.

Thợ hớt tóc Kiếp-tỷ dùng nhíp vàng nhổ tóc bạc để lên tay vua. Vua cầm tóc bạc nói kệ:

Trên đầu của ta,

Sinh tóc bạc này,

Sứ thần đến gọi,

Ðến thời vào đạo.

Vua tự nghĩ: “Ta đã hưởng ngũ dục tột đỉnh. Nay nên xuất gia, cạo râu tóc, mặc pháp phục.” Vua liền gọi thái tử Quán Cát bảo:

– Này Con, đầu ta đã có tóc bạc. Ta sã chán ngũ dục thế gian, muốn cầu thú vui cõi Trời. Nay ta muốn xuất gia hành đạo, cạo bỏ râu tóc mặc pháp phục. Con nên lãnh việc nước, lập con trưởng làm thái tử, chu cấp cho Kiếp-tỷ khiến coi việc tóc bạc. Khi tóc xuất hiện, Con nên giao việc nước cho thái tử, xuất gia như ta, cạo bỏ râu tóc mặc pháp phục.

Vua bảo thái tử:

– “Nay ta đem ngôi vị ân cần trao cho con. Nên làm cho ngôi Thánh vương đời đời tiếp nối, chớ để đoạn dứt; nếu đoạn dứt sẽ bị làm người ở biên địa; nếu dứt hạnh lành phải sanh nơi không có pháp”.

Vua Trường Sanh cũng ở thành này, nước này, đất này, cạo bỏ râu tóc mặc pháp y nhập đạo. Ở đây trải qua tám vạn bốn ngàn năm, vua thực hành bốn Phạm hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ở đây mệnh chung, vua sanh lên Phạm thiên.

Phật bảo A-nan:

– Vua Trường Sanh xuất gia, bảy ngày sau, bảy báu tự nhiên biến mất. Vua Quán Cát lo buồn không vui, các đại thần thấy vua chẳng vui, bèn hỏi thăm:

– “Ðại vương vì sao không vui?”

Vua đáp:

– “Vì bảy báu biến mất”.

Các đại thần tâu:

– “Xin Ðại vương chớ lo”.

Vua hỏi:

– “Vì sao không lo?”

Vua hỏi:

– “Vì sao không lo?”

Các đại thần tâu:

– “Tiên vương đang tu Phạm hạnh trong vườn gần đây, có thể đến đó thỉnh vấn, chắc ngài sẽ dạy Ðại vương pháp được bảy báu”.

Nhà vua ra lệnh trang hoàng xa giá, các đại thần chuẩn bị bị xong, liền tâu vua. Vua cùng quần thần cỡi xe thất bảo, mang năm vật: cờ lọng, mũ vua, kiếm, quạt, giày cùng các đại thần tả hửu tùy tùng đến vườn. Ðến nơi, vua xuống xe, bỏ năm vật nghiêm sức, đi bộ vào cửa vườn, đến trước phụ vương, cúi lạy lui ngồi một bên, chấp tay thưa:

– “Phụ vương có bảy báu, nay đều đã biến mất”.

Vua cha trước đã ngồi yên, nghe thưa, ngẩng đầu đáp:

– “Này con! Phàm pháp của Thánh vương không ỷ lại vào vật của cha. Con tự thực hành cách để cầu được các món ấy”.

Vua lại hỏi:

– “Chuyển luân Thánh vương dùng pháp hóa gì?”

Vua cha đáp:

– “Pháp kỉnh, pháp trọng, pháp nghĩ nhớ, pháp nuôi dưỡng, pháp làm tăng trưởng, pháp làm giàu mạnh, pháp làm lớn rộng. Làm theo bảy pháp này chính là cách trị dân của Thánh vương, có thể được bảy báu”.

Vua lại hỏi:

– “Thế nào là pháp kỉnh? … cho đến pháp lớn?”

Phụ vương đáp:

– “Nên chu cấp cho người bần cùng, dạy dân chúng hiếu dưỡng song thân, bốn mùa tám tiết tùy thời tế lễ, dạy dân nhẫn nhục, trừ bỏ hạnh dâm dục, ngu si v.v… Bảy pháp này chính là pháp của Thánh vương”.

Vua liền nghe lời dạy, lễ bái xin lui, nhiễu quanh bảy vòng rồi dẫn chúng trở về. Khi ấy vua vâng lệnh phụ vương làm theo bảy pháp, khiến cho xa gần đều tôn trọng lời vua dạy. Vua mở kho cấp dưỡng người nghèo, nuôi kẻ cô độc, già nua. Dân chúng bốn phương đều vâng làm theo. Khi ấy, vào ngày rằm trăng tròn, vua tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn về hướng Ðông, thấy có xe báu ngàn căm vàng, xe cao bảy đa-la, cách đất cũng bảy đa-la, từ hư không bay đến dừng trên hư không. Vua tự nghĩ: “Nguyện được xe báu này chăng?” Xe báu liền hạ xuống bên tay trái vua, lại chuyển sang tay mặt. Vua bảo xe báu ấy:

– “Các nơi không hàng phục, hãy vì ta hàng phục; nơi chẳng phải đất ta, hãy vì ta giữ lấy. Nên đúng pháp, không nên phi pháp”.

Vua liền dùng tay ném xe lên hư không trước cửa cung phía Ðông. Xe trụ trên hư không hướng về phía Ðông. Sau xe báu, kế đến là voi trắng, tiếp theo có ngựa xanh, thần châu, ngọc nữ, chủ tạng báu, điển binh báu, bảy vật báu xuất hiện như thời vua Ðại thiên, thử thách cũng thế. Trải qua tám vạn bốn ngàn năm, vua cũng lập thái tử, tặng thưởng cho Kiếp-tỷ, giao nước cho thái tử, xuất gia học đạo đều như pháp của vua trước.

Phật bảo A-nan:

– Vua Quán Sát ấy ở tại thành này, vườn này, cạo tóc, pháp phục, trải qua tám vạn bốn ngàn năm tu bốn Phạm hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ở đây mạng chung, vua cũng sanh lên Phạm thiên.

Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại thiên và con cháu nối tiếp nhau cho đến tám vạn bốn ngàn triều đại làm chuyển luân Thánh vương, dòng dõi lành không dứt đoạn. Vị Thánh vương sau cùng tên Nhâm, dùng Chánh pháp cai trị, là người thông minh, nhớ kỹ không quên, có ba mươi hai tướng tốt, sắc như hoa sen hồng, ưa thích bố thí, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, săn sóc nuôi dưỡng người già, cô độc, chu cấp người nghèo. Ở bốn cửa thành và trung tâm thành, vua đều dựng kho lẫm, chứa vàng bạc, châu báu, voi ngựa, xe cộ, y phục, giường chiếu, hương hoa, thức ăn uống, thuốc men, người cô độc thì cấp cho thê thiếp, bố thí các thứ tùy ý người muốn.

Trong những ngày lục trai, vua ra lệnh nội cung, ngoại cung đều giữ giới Bát quan trai. Vào ngày ấy, chư Tiên cõi trời Tịnh Cư đều cùng xuống thọ giới. Trời đế Thích, Ba mươi ba cũng khen ngợi nhân dân nước ấy: “Vui thay! Lợi lành mới gặp bậc Pháp vương như thế, bố thí các thứ theo nhu cầu nhân dân, lại hay trai giới thanh khiết không thiếu sót”.

Trời Đế Thích bảo chư Thiên tử:

– “Muốn được gặp vua Nhâm chăng?”

Chư Thiên đều nói: “Muốn gặp, có thể mời lên đây”. Thích-đề-hoàn-nhân liền sai thiên nữ Cùng-tỷ-ni:

– “Ngươi đến thành Mật-để-la báo Nhâm vương rằng: “Ðại vương được lợi ích lớn! Chư Thiên ở đây đều khen ngợi công đức cao tột của Ðại vương, bảo tôi đến thăm hỏi khuyên mời. Chư Thiên đều muốn được gặp, xin vui lòng đến đó”.

Thiên nữ Cùng-tỷ-ni vâng lời bay xuống, trong khoảng co duỗi tay, hốt nhiên hiện trên hư không trước cung vua. Lúc ấy nhà vua đang ngồi tư duy trong điện, có một thể nữ hầu. Vua suy nghĩ: “Thế gian đều muốn gọi an ổn, không có khổ hoạn”. Cùng-tỷ-ni ở trên hư không búng ngón tay để kêu, vua ngẩng đầu lên, thấy trên cung điện có ánh sáng, nghe tiếng bảo rằng:

– “Ta là thị giả của Thích-đề-hoàn-nhân. Thiên đế sai ta đến chỗ Ðại vương”.

Vua đáp:

– “Không biết Thiên đế có điều gì dạy bảo?”

Thiên nữ nói:

– “Ý của Thiên đế ân cần, chư thiên khen ngợi công đức của nhà vua, muốn được gặp. Ðại vương có vui lòng?”

Vua im lặng hứa nhận. Thiên nữ liền trở về thưa Thiên đế:

– “Ðã truyền lệnh xong, vua hứa sẽ đến”.

Thiên đế liền ra lệnh cho người đánh xe, trang nghiêm xe thất bảo, cỡi xe ngựa bay xuống thành Mật-để-la đón vua Nhâm. Người đánh xe vâng lệnh, liền cho xe ngựa hốt nhiên bay xuống thành. Vua đang ngồi họp cùng quần thần, xe dừng trước điện vua, trụ trên hư không. Người đánh xe kêu:

– “Nay Thiên đế đưa xe xuống đón, các Thiên tử cũng đang đợi, Ðại vương nên lên xe, chớ lưu luyến”.

Các quan lớn nhỏ nghe vua sắp đi, tỏ vẻ không vui, đều đứng dậy chấp tay thưa:

– “Sau khi Ðại vương đi, chúng hạ thần vâng lệnh ai?”

Vua đáp:

– “Các khanh chớ lo, sau khi ta đi nên bố thí, trai giới, cấp dưỡng dân chúng, trị quốc như lúc ta đang thời. Ta sẽ về không lâu”.

Vua ra lệnh xong, xe liền hạ xuống đất. Vua lên xe, người đánh xe hỏi:

– “Vua sẽ đi theo đường nào?”

Vua hỏi:

– “Lời này là thế nào?”

Người đánh xe đáp:

– “Có hai đường đi, một là đường ác, hai là đường lành. Người làm ác từ đường ác đến chỗ khổ, người làm lành dạo chơi đường lành đến chỗ vui”.

Vua nói:

– “Nay tôi muốn đi cả hai đường ác và lành”.

Người đánh xe nghe hồi lâu mới hiểu nói:

– “Rất lành! Ðại vương”.

Người đánh xe bèn đưa vua đi cà hai đường, thấy đủ thiện ác, đến trời Ba mươi ba. Thiên đế và chư Thiên xa thấy vua đến, Thích-đề-hoàn-nhân nói:

– “Kính chào Ðại vương! Mời cùng ngồi”.

Phật bảo A-nan:

– Vua bèn ngồi trên tòa Thiên đế. Vua cùng Thiên đế dung mạo tương tợ, y phục tiếng nói như nhau. Các Thiên tử nghĩ thầm: “Ai là Thiên đế? Ai là vua?” Lại nghĩ: “Người và pháp phải tuân theo mà đều chẳng tuân theo”. Chư Thiên đều ngạc nhiên không phân biệt được. Thiên đế thấy chư Thiên có tâm nghi, bèn nghĩ: “Ta sẽ mời nhà vua ở lại, sau mới làm sáng tỏ”. Thiên đế bảo chư Thiên:

– “Các Ông có muốn ta lưu nhà vua ở lại đây chăng?”

Chư Thiên thưa:

– “Thật muốn mời ở lại”.

Thiên đế bảo vua Nhâm:

– “Ðại vương! Có thể ở đây chăng? Tôi sẽ cung cấp ngũ dục”.

Nhân đó chư Thiên mới biết. Vua thưa Thiên đế:

– Thưa, tôi không thể!

Thiên đế bèn cấp tặng, xong vua thưa:

– “Nguyện cho chư Thiên thọ mạng vô tận”.

Chủ khách thỉnh nhượng như thế ba lần.

Thiên đế hỏi vua:

– “Sao không ở lại?”

Vua thưa:

– “Tôi phải xuất gia tu đạo, nay ở cõi Trời không có duyên học đạo”.

Thiên đế hỏi:

– “Tại sao lại học đạo?”

Vua đáp:

– “Phụ vương tôi dặn dò, nếu có tóc bạc nên xuất gia”.

Ðế thích nghe nói lời di mệnh nhập đạo, im lặng không đáp. Vua ở cõi Trời, trong khoảng khắc ngũ dục tự vui, mà ở thế gian đã trải qua mười hai năm. Vua muốn cáo biệt, bèn cùng các Thiên tử nói pháp chân thật. Thiên đế dạy người đánh xe:

– “Ông đưa vua Nhâm trở về nước”.

Người đánh xe vâng lời liền trang hoàng xe, chuẩn bị xong, thưa nhà vua:

– “Ðại vương có thể lên xe”.

Nhà vua bèn từ biệt Thiên đế và chư Thiên rồi lên xe, theo đường cũ mà về. Ðến thành Mật-để-la, người đánh xe liền trở về Trời. Vua trở về vài hôm, vua bảo Kiếp-tỷ:

– Nếu thấy có tóc bạc, nên báo cho ta.

Trong vài ngày, trên đầu vua có tóc bạc, Kiếp-tỷ dùng nhíp vàng nhổ tóc bạc, để trên tay vua, vua thấy rồi bèn nói kệ:

Trên đầu của ta,
Sinh tóc bạc này,
Sứ thần đến gọi,
Ðến thời vào đạo.

Vua nghĩ: “Ta đã hưởng ngũ dục tột đỉnh, nay nên xuất gia, cạo tóc, mặc pháp phục”. Vua bèn gọi thái tử Thiện Tận bảo:

– Ta đã có tóc bạc, ta đã chán ngũ dục thế gian, nên tìm vui cõi Trời, nên cạo bỏ tâu tóc, mặc pháp phục, xuất gia học đạo. Nay ta đem việc nước giao cho con, chu cấp cho Kiếp-tỷ. Nếu khi có tóc bạc, Con nên đem việc nước giao cho thái tử rồi xuất gia học đạo. Này Con! Nay ta đem ngôi vị Thánh vương trao cho con, chớ để đoạn dứt; nếu đoạn dứt thì sẽ bị làm người ở biên địa”.

Phật bảo A-nan:

– Vua Nhâm bèn đem việc nước trao cho thái tử, chu cấp ruộng đất cho Kiếp-tỷ, rồi ở nơi thành này xuống tóc, mặc pháp phục, xuất gia tu đạo. Sau khi vua tu đạo, trong bảy ngày xe báu, châu báu biến mất, voi, ngựa, ngọc nữ, điển binh, chủ tạng thảy đều không còn. Nhà vua ở trong vườn tám vạn bốn ngàn năm, hành bốn Phạm hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả, sau khi mệnh chung, sanh lên Phạm thiên.

Sau đó vua Thiện Tận không theo nghiệp cha, bỏ phế Chánh pháp. Do đó bảy món báu không ứng hiện lại, không tiếp tục hạnh lành nên có năm điều tổn giảm: tuổi thọ dân chúng ngắn, sắc suy, lực kém, nhiều bệnh, không trí tuệ. Năm điều tổn giảm này đã có lại rồi chuyển thêm sang bần khốn. Do cùng khổ nên trộm cướp lẫn nhau, người ta đến vua thưa kiện:

– “Người này trộm cắp!”

Vua liền ra lệnh hành hình người trong nước. Nghe tội trộm cắp, vua liền đem giết, vì chứa điều ác nên có đao bén. Ðao gươm từ đó bắt đầu chế tạo, do đây sát sanh khởi lên, đó là hai điều ác (trộm, sát) xuất hiện.

Kế lại dâm phạm vợ người, tranh cải với chồng người ấy, tự nói: “Tôi không có!” bèn thành ra bốn điều ác (đạo, sát, dâm, vọng). Nói đôi chiều gây nên đấu tranh là năm điều ác. Do gây gổ nên có chửi bới là sáu điều ác. Lời nói không thật là bảy điều ác. Ganh ghét sự hòa hợp của người là tám điều ác. Giận hờn đổi sắc là chín điều ác. Lòng nghi loạn là mười điều ác. Mười điều ác đã đủ thì sự tổn giảm càng tăng.

Phật bảo A-nan:

– Muốn biết vua Ðại thiên lúc đó ở vào Hiền kiếp ban đầu là ai chăng? Chính là Ta vậy! A-nan Vua sau cùng của tám vạn bốn ngàn triều vua tên là Nhâm, trị nước đoan chánh, chính là Thầy vậy. Vua sau chót tên Thiện Tận bạo nghịch vô đạo, làm đoạn dứt dòng Thánh vương ấy, chính là Ðiều Ðạt.

A-nan! Thầy ở thời quá khứ, kế thừa sự nghiệp lành của Chuyển luân Thánh vương Ðại Thiên, khiến ngôi vị lưu truyền không dứt, là công đức của Thầy, đúng pháp chẳng phi pháp. A-nan! Nay Ta là Pháp vương vô thượng, đem pháp lành vô thượng ân cần trao phó cho Thầy. Thầy là con dòng Thích, chớ làm người biên địa, chớ làm hạnh đoạn chủng.

A-nan bạch Phật:

– Vì cớ gì làm hạnh đoạn chủng?

Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại Thiên tuy làm pháp lành nhưng chưa được lậu tận xuất thế gian, chưa được độ, chưa được đoạn dục, chưa phá hai mươi mốt kiết sử, sáu mươi kiến chưa trừ, ba cấu chưa sạch, chưa được thần thông, chưa được chơn đạo giải thoát, chưa được Niết-bàn. Vua Ðại Thiên làm pháp lành, bất quá chỉ sanh lên Phạm thiên.

A-nan! Nay Ta nói pháp vô vi là pháp Ta được đến bờ chân thật trên cõi Trời, Người. Pháp Ta vô lậu, vô dục, diệt độ, thần thông, giải thoát, Sa-môn chơn thật đến Niết-bàn. A-nan! Nay Ta đem đạo pháp Vô thượng ân cần trao phó cho Thầy, chớ làm giảm pháp của Ta, chớ làm người biên địa. A-nan! Nếu có hiện hạnh Thanh văn; nếu có người đoạn dứt pháp này thì đó là người biên địa. Nếu người hay làm hưng thạnh pháp này là trưởng tử Phật, tức là thành tựu quyến thuộc, chớ làm hạnh diệt dòng tộc. A-nan! Pháp của Ta đã nói ra trước sau đều giao phó cho Thầy. Thầy nên học điều này!

A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn tội nhân lớn ở trong địa ngục. Thế nào là bốn? Mạt-khư-lê là đại tội nhân. Tỳ-kheo Ðế-xá là đại tội nhân, Ðề-bà-đạt-đa là đại tội nhân, Tỳ-kheo Cù-ba-ly là đại tội nhân.

Tội nhân Mạt-khư-lê thân phát ra lửa dài sáu mươi khuỷu tay. Tội nhân Ðế-xá thân phát lửa dài bốn mươi khuỷu tay. Tội nhân Ðề-bà-đạt-đa thân phát lửa dài ba mươi khuỷu tay. Tội nhân Cù-ba-ly thân phát lửa dài hai mươi khuỷu tay.

Này Tỳ-kheo! Nên biết Mạt-khư-lê dạy vô số chúng sanh khiến làm việc tà kiến điên đảo, chấp có chấp không. Kẻ ngu Đế-xá làm đoạn dứt hạt giống Thánh không còn sót. Kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa gây rối loạn chúng Tăng, giết Tỳ-kheo-ni đắc A-la-hán. Tội nhân Cù-ba-ly phỉ báng Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên.

Lại nữa, tội nhân Mạt-khư-lê dạy vô số chúng sanh làm tà kiến, thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục Diệm Quang. Tội nhân Ðế-xá làm đoạn dứt hạt giống Thánh không còn sót, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục Ðẳng Hại. Tội nhân Ðề-bà-đạt-đa khởi tâm mưu hại đối với Như Lai, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục A-tỳ. Tội nhân Cù-ba-ly do phỉ báng Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục Bát-đầu-ma.

Khi ấy tội nhân Mạt-khư-lê bị ngục tốt rút lưỡi, vặn cổ ra sau. Vì sao thế? Do ngày trước dạy vô số chúng sanh khiến làm tà kiến. Ðại tội nhân Ðế-xá bị ngục tốt mổ xẻ thân hình, đổ nước sông nóng bắt nuốt. Vì sao cháy tiêu bụng, đem hoàn sắt nóng bắt nuốt.Vì sao thế? Do ông ấy đoạn dứt hạt giống Thánh chúng. Tội nhân Ðề-bà-đạt-đa bị bánh xe sắt nóng nghiền nát thân thể, lại có chày sắt đập trên thân, bầy voi dữ chà đạp trên thân, lại có núi sắt nóng lớn đè trên mặt, toàn thân bị lá đồng nóng quấn chặt. Vì sao thế? Do ngày trước ông ấy gây rối trong chúng, phá hòa hợp Tăng, nên phải bị bánh xe sắt nghiến đứt đầu. Lại, kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa xúi thái tử làm hại phụ vương do quả báo ấy nên bị chày sắt đập nát thân thể. Lại, kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa cho voi uống rượu say đến hại Như Lai, do quả báo ấy bị bầy voi dữ chà đạp thân thể. Lại, kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa leo lên núi Kỳ-xà-quật vác đá ném Phật, do quả báo ấy nên khiến núi sắt nóng đè trên mặt. Kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa giết Tỳ-kheo-ni đắc A-la-hán, do quả báo ấy nên lá đồng nóng quấn thân. Tỳ-kheo nên biết, tội nhân Cù-ba-ly ở trong địa ngục Liên Hoa, có một ngàn trâu kéo cày trên lưỡi. Vì sao thế? Vì đã phỉ báng Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, do quả báo này có một ngàn trâu kéo cày nát lưỡi.

Lại tội nhân Mạt-khư-lê, thân phát ra lửa dài sáu mươi khuỷu tay. Nếu có chúng sanh khởi lên ý niệm này: “Ta có thể cứu tế làm lợi ích người này” mà lấy nước bốn biển cao bốn mươi khuỷu tay rưới trên thân người ấy thì sau đó nước biển liền cạn hết mà lửa không giảm. Cũng như một chiếc lá sắc bị thiêu đốt đã bốn ngày, có người dùng bốn giọt nước rưới lên, nước lập tức rút mất. Ðây cũng như thế, nếu có người đem nước bốn biển lớn rưới lên thân tội nhân, muốn cho được an lạc thì rốt cuộc không kết quả. Vì sao thế? Vì tội kẻ ấy quá sâu nặng.

Tội nhân Ðế-xá thân phát ra lửa dài bốn mươi khuỷu tay. Giả sử có chúng sanh thương xót người này, đem nước trong ba biển lớn rưới trên thân thì nước biển liền khô cạn, lửa không tắt, cũng như người rưới ba giọt nước lên sắt nóng, nước liền cạn khô không đọng lại. Ðây cũng lại như vậy, nếu đem nước của ba biển lớn rưới trên thân Ðế-xá, nước liền cạn mất mà lửa vẫn y nhiên.

Tội nhân Ðề-bà-đạt-đa thân phát ra lửa dài ba mươi khủy tay. Nếu có chúng sanh khởi lòng thương xót, muốn làm cho Ðề-bà-đạt-đa được an ổn lâu dài, đem nước của hai biển lớn rưới trên thân ông ta thì nước liền cạn mất, lửa không tắt. Cũng như rưới hai giọt nước trên lá sắt nóng, trọn không kết quả. Với tội nhân Ðề-bà-đạt-đa cũng lại như thế, đem nước của hai biển lớn rưới trên thân, nước liền rút mất còn lửa không giảm. Thân thể của Ðề-bà-đạt-đa khổ đau như thế.

Tội nhân Cù-ba-ly thân phát ra lửa dài hai mươi khuỷu tay. Nếu có chúng sanh thương xót người này, đem nước một biển lớn rưới lên thân thì nước biển kia liền rút mà lửa vẫn cháy. Cũng như rưới một giọt nước lên lá sắt nóng, nược cạn khô không đọng lại. Với tội nhân Cù-ba-ly cũng lại như vậy, do tội báo lôi kéo nên chịu tội như vậy.

Các Tỳ-kheo! Bốn hạng người này thọ tội rất nặng, các Thầy nên hết lòng xa lìa sự khổ hoạn này, tuân theo các bậc Hiền Thánh tu Phạm hạnh. Như thế, này các Tỳ-kheo nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta biết rõ về địa ngục, cũng biết con đường dẫn đến địa ngục, cũng biết cội gốc của chúng sanh trong địa ngục ấy. Nếu có chúng sanh làm các hạnh ác không lành thì thân hoại mệnh chung rơi vào địa ngục. Ta cũng biết điều này.

Lại này các Tỳ-kheo! Ta cũng biết rõ về súc sanh, cũng biết con đường dẫn đến súc sanh, cũng biết cội gốc của súc sanh kẻ làm các hạnh ác sanh trong ấy, Ta cũng đều biết rõ.

Ta cũng biết con đường ngạ quỷ, có người làm các điều ác sanh trong ngạ quỷ, Ta cũng biết điều đó.

Nay Ta cũng biết con đường cõi Người, dẫn đến loài Người. Có chúng sanh được thân Người, Ta cũng biết.

Ta cũng biết con đường dẫn đến cõi Trời, có chúng sanh làm các cội đức lành sanh lên cõi Trời, Ta cũng biết điều đó.

Ta cũng biết đường dẫn đến Niết-bàn. Có chúng sanh chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ở trong pháp hiện tại được chứng quả, Ta cũng biết điều đó.

Tỳ-kheo nên biết! Ta biết đường dẫn đến địa ngục. Do nhân duyên gì mà Ta nói lời này?

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta quán sát tâm ý chúng sanh, biết rằng người này thân hoại mạng chung phải đọa địa ngục. Sau đó, Ta thấy người này đã vào địa ngục, chịu khổ não đau đớn khảo tra vô số, lo buồn khổ não không thể tính kể. Cũng như có một hầm lửa lớn không có bụi khói, giả sử có người đi trên chỗ ấy lại có người có mắt quán sát lối đi của người kia, biết chắc sẽ rơi vào lửa không sai, và sau đó thấy người này rớt vào hầm lửa. Ta nói rằng người này đã rơi vào hầm lửa. Nay Ta quán sát tâm ý nghĩ nhớ của chúng sanh, biết chắc chắn chúng sanh ấy sẽ rơi vào địa ngục không nghi. Sau đó, Ta quán sát người này, nhất định vào địa ngục chịu khổ cay đắng không thể tính kể. Vì sao người ấy rơi vào địa ngục? Ðó là xem xét chúng sanh thú hướng địa ngục, làm các hạnh ác, nghiệp chẳng lành, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục, Ta đều biết rõ. Ðiều Ta nói chính là điều này.

Ta biết con đường súc sanh, cũng biết đường dẫn đến súc sanh. Do cội gốc nhân duyên nào mà nói như thế? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Ta quán sát ý niệm trong tâm chúng sanh, biết người này thân hoại mạng chung sanh vào trong lúc sanh. Sau đó, Ta thấy người ấy đã sanh vào đường súc sanh, lo buồn khổ não không thể tính kể. Vì sao người này rơi vào súc sanh? Cũng như làng xóm có một hầm xí đầy phần tiểu, giả sử có người đi qua chỗ đó, người có mắt nhìn thấy người đi qua nơi ấy, biết người này không bao lâu sẽ rơi vào hầm ấy, biết người này không bao lâu sẽ rơi vào hầm xí. Sau đó thấy người ấy đã rơi vào hầm xí. Nay Ta quán sát chúng sanh cũng lại như thế, biết người này mạng chung phải đọa vào súc sanh, sau đó lại thấy đã sanh trong súc sanh chịu khổ vô lượng. Nay Ta quán sát chúng sanh trong súc sanh thảy đều rõ ràng. Ðiều Ta nói chính là điều này.

Ta cũng biết chúng sanh trong đường ngạ quỷ, con đường hướng ngạ quỷ. Ai thân hoại mạng chung sanh vào ngạ quỷ, Ta cũng biết. Có chúng sanh thân hoại mạng chung hướng về đường ngạ quỷ, Ta đều biết rõ. Thời gian sau, Ta cũng thấy chúng sanh ấy đã vào đường ngạ quỷ chịu khổ thọ lạc thọ. Vì sao người này lại rơi vào đường ngạ quỷ? Ví như bên cạnh làng xóm lớn có một đại thọ, ở chỗ nguy hiểm cành nhánh rớt gãy, giả sử có người đi qua nơi đó, người có mắt xa thấy người ấy, biết đi qua nơi đó, người có mắt xa thấy người ấy, biết đi qua chỗ đại thọ không nghi, sau lại thấy người này hoặc ngồi hoặc nằm chỗ gốc ấy, chịu báo khổ vui. Tại sao người này lại đến nằm ngồi dưới cây? Nay Ta quán sát các loài chúng sanh cũng lại như vậy, thân hoại mạng chung ắt đến ngạ quỷ không nghi, thọ báo khổ lạc không thể tính kể. Ta biết ngạ quỷ và con đường dẫn đến ngạ quỷ, Ta đều biết rõ ràng. Ðiều Ta nói chính là điều này.

Ta biết cõi Người, cũng biết con đường dẫn đến cõi Người. Có người hành động thân hoại mạng chung sanh trong cõi Người, Ta cũng biết đó. Ở đây, này Tỳ-kheo! Ta quán sát ý niệm trong tâm chúng sanh. Nguời này chắc chắn khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào loài Người. Sau đó, Ta lại thấy người ấy đã sanh trong loài Người. Vì sao người này sanh trong loài Người? Cũng như bên xóm làng có một cây lớn, ở chỗ bằng phẳng nhiều bóng mát. Có người đi thẳng đến đó. Người có mắt thấy rồi liền biết rằng, hướng đi của người này ắt đến cây lớn không nghi. Sau đó, Ta thấy người này đã đến cây lớn hưởng vui vô lượng. Vì sao người này đến được chỗ ấy? Ðây cũng như thế. Ta quán sát tâm chúng sanh trong loài Người không nghi. Thời gian sau Ta lại thấy người này đã sanh trong loài người được vui vô lượng. Ta biết cõi Người, cũng biết con đường làm người, nay sanh cõi Người Ta cũng biết. Ðiều Ta nói chính là điều này.

Ta cũng biết cõi Trời, biết con đường dẫn đến cõi Trời. Có chúng sanh tạo công đức sanh cõi Trời, Ta cũng biết. Do nhân duyên gì mà nói như thế? Nay Ta quán sát ý niệm trong tâm của các loài chúng sanh. Người này khi thân hoại mạng chung chắc chắn sẽ sanh cõi lành, cõi Trời. Sau đó Ta thấy người ấy thân hoại mạng chung sanh cõi lành trên trời, ở đó hưởng phước tự nhiên vui sướng không thể sánh. Ðó gọi là người ấy đã sanh cõi Trời, ở đó hưởng phước tự nhiên vui sướng không thể bì. Cũng như bên xóm làng có một giảng đường cao rộng đẹp đẽ, chạm trổ hình ảnh, treo các phan lọng, nước thơm rưới đất, trải các tòa ngồi tốt đẹp, đệm gấm, thảm thêu mịn màng. Nếu có người thẳng một đường đi đến, người có mắt thấy hướng đi, biết người này chắc chắn sẽ đến giảng đường cao rộng ấy, không nghi. Sau đó, lại thấy người này đã đến giảng đường, hoặc ngồi hoặc nằm, ở trong đó hưởng phước vui sướng không thể sánh. Đây cũng như thế, nay Ta quán sát các loại chúng sanh thân hoại mạng chung sẽ sanh cõi Trời, ở nơi đó hưởng khoái lạc không thể tính kể. Vì sao người ấy sanh lên cõi Trời, ở nơi đó hưởng khoái lạc không thể tính kể. Vì sao người ấy sanh lên cõi lành trên Trời? Ta biết cõi Trời và con đường dẫn đến cõi Trời. Điều Ta nói chính là điều này.

Nay Ta biết Niết-bàn, cũng biết con đường Niết-bàn, cũng biết chúng sanh sẽ nhập Niết-bàn. Hoặc có chúng sanh chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, hiện thân thủ chứng mà tự du hóa, Ta đều biết rõ. Do nhân duyên gì mà nói như thế? Ở đây, này Tỳ-kheo! Ta quán sát ý niệm trong tâm chúng sanh duyên gì mà nói như thế? Ở đây, này Tỳ-kheo! Ta quán sát ý niệm trong tâm chúng sanh. Người này chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát. Ðó gọi là người này đã chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu. Cũng như cách làng xóm không xa, có một ao lớn nước trong mát, nếu có người thẳng một đường đến đó. Người có mắt xa thấy người ấy đến, biết người này chắc chắn sẽ đến ao nước không nghi. Lại sau đó, thấy người ấy đã đến ao nước tắm gội, trừ bỏ các thứ dơ bẩn, bụi bặm, ngồi một bên, cũng không tranh cãi với người. Nay Ta quán sát chúng sanh cũng lại như thế, chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, biết như thật về danh sắc. Ðó gọi là người ấy đã đến nơi. Ta biết con đường Niết-bàn, cũng biết chúng sanh nhập Niết-bàn, thảy đều biết rõ.

Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác có trí này, sức vô úy đầy đủ, thảy đều thành tựu đầy đủ. Trí của Như Lai không hạn lượng, Như Lai có thể quán sát sự việc ở quá khứ không hạn lượng, không thể tính, thảy đều biết rõ, việc tương lai, hiện tại không hạn lượng, thảy đều phân biệt.

Cho nên, này Tỳ-kheo! Nên tìm phương tiện để thành tựu đầy đủ mười sức vô úy. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm:

7. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nương nơi núi Tuyết có đại thọ rất to lớn, năm thứ rộng lớn. Thế nào là năm? Gốc rất vững chắc, vỏ rất dày, cành nhánh dài xa, bóng mát che trùm, lá rậm rạp. Các Tỳ-kheo! Ðó là trên núi Tuyết có cây to lớn này rất xanh tốt.

Nay thiện nam tử, thiện nữ nhơn cũng lại như thế, nương nhà hào tộc được năm việc tăng trưởng lợi ích. Thế nào là năm? Là tăng trưởng lợi ích về tín, tăng trưởng lợi ích về giới, tăng trưởng lợi ích về văn, tăng trưởng lợi ích về thí, tăng trưởng lợi ích về tuệ.

Tỳ-kheo! Ðó gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhơn nương nơi nhà hào tộc, thành tựu được năm việc này. Cho nên, Tỳ-kheo nên tìm phương tiện thành tựu về tín, giới, văn, thí, tuệ.

Thế Tôn liền nói kệ:

Cũng như cây núi tuyết,
Thành tựu năm công đức,
Gốc, vỏ, nhánh dày rộng,
Bóng mát, lá râm rạp,
Thiện nam tử tín tâm,
Thành tựu năm công đức,
Tín, giới,văn, bố thí,
Trí tuệ cùng tăng trưởng
.

Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

8. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần cùng các Tỳ-kheo-ni đi dạo chơi, các Tỳ-kheo-ni cũng thích cùng dạo chơi với Thầy. Có dân chúng cơ hiềm về Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần, khi ấy các Tỳ-kheo-ni rất giận tức buồn lo không vui. Nếu lại có người hủy nhục các Tỳ-kheo-ni, lúc ấy, Tỳ-kheo Phá-quần cũng lo buồn không vui. Bấy giờ có nhiều Tỳ-kheo bảo Tỳ-kheo Phá-quần:

– Nay vì sao Thầy lại thân cận với các Tỳ-kheo-ni. Các Tỳ-kheo-ni cũng giao tiếp với Thầy?

Phá-quần đáp:

– Nay tôi hiểu rõ lời dạy của Như Lai, ai phạm giới dâm tội rất ít.

Các Tỳ-kheo lại bảo:

– Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Chớ nói lời ấy, chớ phỉ báng lời dạy của Như Lai. Người phỉ báng lời dạy của Như Lai, tội không ít. Lại nữa, Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói về sự ô uế của dâm dục. Người nào tập theo dâm dục mà không tội, trọn không có lý. Nay Thầy nên bỏ ác kiến này, sẽ bị khổ lâu dài, vô lượng.

Nhưng tỳ-kheo Phá-quần, cứ giao thiệp với các Tỳ-kheo-ni, không sửa đổi. Bấy giờ, nhiều Tỳ-kheo đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và bạch:

– Trong thành Xá-vệ có một Tỳ-kheo tên Phá-quần, giao tiếp với các Tỳ-kheo-ni. Các Tỳ-kheo-ni cũng giao tiếp qua lại với Tỳ-kheo Phá-quần. Chúng con đến đó khuyên dụ sửa đổi hành động, song hai người ấy còn tăng thêm, không bỏ kiến pháp điên đảo, cũng không thuận theo Chánh pháp.

Bấy giờ, Phật bảo một Tỳ-kheo:

– Thầy hãy đến chỗ Tỳ-kheo Phá-quần nói rằng Như Lai gọi:

Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, liền đến chỗ Tỳ-kheo Phá-quần nói:

– Thầy nên biết Như Lai gọi.

Tỳ-kheo Phá-quần nghe lời Thầy Tỳ-kheo nọ, liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy lui ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi:

– Có thật Thầy thân cận với các Tỳ-kheo-ni không?

Tỳ-kheo Phá-quần thưa:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Phật bảo:

– Thầy là Tỳ-kheo, vì sao lại giao thiệp với Tỳ-kheo-ni? Thầy này là dòng dõi hào tộc, cạo bỏ râu tóc, mặc ba y, có phải do lòng tin vững chắc xuất gia học đạo chăng?

Phá-quần bạch Phật:

– Thưa vâng, Thế Tôn! Con nhà hào tộc, do lòng tin vững chắc xuất gia học đạo.

Phật bảo:

– Chẳng phải là pháp của Thầy, tại sao lại giao thiệp với Tỳ-kheo-ni?

Phá-quần bạch Phật:

– Con nghe Như Lai dạy rằng người nào làm theo hạnh dâm, tội ấy không đáng kể.

Phật bảo:

– Thầy là người ngu. Vì sao nói Như Lai dạy rằng theo dâm dục không tội? Ta dùng vô số phương tiện nói sự nhơ uế của dâm dục. Nay tại sao Thầy nói lời này: “Như Lai nói dâm dục không tội”. Thầy nên khéo giữ miệng, đừng để mang tội báo lâu dài.

Phật bảo:

– Nay Thầy hãy chờ, Ta sẽ hỏi lại các Tỳ-kheo: Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Các Thầy có nghe Ta dạy các Tỳ-kheo rằng dâm dục không tội chăng?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Thưa Thế Tôn! Không nghe Như Lai nói dâm dục không tội. Vì sao thế? Như Lai dùng vô số phương tiện nói sự nhơ uế của dâm dục. Nếu nói không tội, việc ấy không đúng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Lành thay, lành thay, các Tỳ-kheo! Như các Thầy nói, Ta dùng vô số phương tiện nói sự nhơ uế của dâm dục.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

– Các Thầy nên biết! Nếu có người ngu tụng tập theo pháp hành như là Khế kinh, Kỳ-dạ, Thọ ký, Kệ, Nhân duyên, Bổn sự, Thí dụ, Bốn sanh, Phương đẳng, Vị Tằng hữu, Tự thuyết, Luận nghị. Tuy tụng tập pháp ấy mà không hiểu nghĩa lý. Do không quán sát nghĩa lý cũng không thuận theo pháp ấy nên pháp đáng tuân theo lại không theo. Sở dĩ tụng pháp ấy chỉ buông lung muốn cạnh tranh cùng người, ý toan tính hơn thua, cũng không tự mình được lợi ích. Người ấy tụng pháp rồi ắt phạm cấm chế. Cũng như có người ra khỏi làng, muốn tìm bắt rắn độc. Khi thấy rắn to lớn đến nơi người ấy dùng tay trái nắm đuôi rắn, rắn bèn quay đầu mổ vào tay, do nhân duyên này mà người ấy mạng chung. Ðây cũng như thế, có người ngu tụng tập kinh pháp, mười hai bộ kinh đều biết, lại không quán sát nghĩa lý các kinh. Vì sao thế? Vì không biết rốt ráo nghĩa của Chánh pháp.

Có thiện nam tử, giữ gìn tụng tập kinh pháp như Khế kinh, Kỳ-dạ, Thọ ký, Kệ, Nhân duyên, Bổn sự, Thí dụ, Bốn sanh, Phương đẳng, Vị tằng hữu, Tự thuyết, Luận nghị. Người ấy tụng đọc rồi, lại hiểu sâu ý nghĩa; do hiểu sâu ý nghĩa kinh pháp, thuận theo lời dạy không sai trái. Sở dĩ tụng đọc thì không đem tâm hơn thua, cạnh tranh với người khác mà tụng đọc kinh pháp là muốn tự mình tu có lợi ích. Sở dĩ tụng đọc kinh pháp muốn đạt kết quả bổn nguyện. Do nhân duyên này, dần dần đến Niết-bàn. Cũng như có người ra khỏi làng xóm kia, muốn bắt rắn độc. Người ấy thấy rằn rồi, tay cầm kềm sắt trước tiên kẹp đầu rắn, sau mới nắm chắc cổ rắn, không cho nhúc nhích. Nếu như rắn độc quay đuôi muốn hại người ấy thì trọn không thể được. Vì sao thế? Tỳ-kheo! Vì do người ấy nắm cổ rắn. Thiện nam tử này cũng lại như vậy, tụng đọc khắp các kinh pháp, quán sát ý nghĩa, thuận theo kinh pháp, trọn không sai trái, do nhân duyên này, dần dần được Niết-bàn. Vì sao thế? Do người kia giữ gìn Chánh pháp vậy.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Người nào hiểu ý nghĩa của Ta nói, nên ghi nhớ vâng làm, ai không hiểu nên trở lại hỏi Ta. Như Lai còn đang hiện tiền, để sau hối hận vô ích.

Bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu có Tỳ-kheo ở trong đại chúng nói lời thế này: “Giới cấm Như Lai đã nói ra, tôi thảy đều biết rõ, ai tập theo dâm dục tội không đáng kể”. Các Tỳ-kheo nên nói với Tỳ-kheo ấy rằng: “Thôi, thôi! Chớ nói lời ấy. Chớ phỉ báng Như Lai mà nói năng như thế này. Như Lai trọn không nói lời ấy”. Nếu Tỳ-kheo ấy sửa đổi thì tốt, nếu không sửa đổi sẽ bị đọa. Nếu có Tỳ-kheo che giấu việc này không phát lộ ra, mọi người đều đọa.

Này các Tỳ-kheo! Ðó là cấm giới của Ta.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

9. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn, cùng hỏi thăm và lui ngồi một bên. Phạm chí Sanh Lậu bạch Phật:

– Có bao nhiêu kiếp quá khứ?

Phật bảo Phạm chí:

– Các kiếp ở quá khứ không thể tính kể.

Phạm chí bạch Phật:

– Có thể tính kể số ấy chăng? Sa-môn Cù-đàm thường nói về ba đời. Thế nào là ba? Là quá khứ, hiện tại, tương lai. Sa-môn Cù-đàm cũng biết về các đời quá khứ, tương lai, hiện tại. Cúi xin Sa-môn diễn nói về ý nghĩa kiếp số.

Phật bảo Phạm chí:

– Nếu Ta nói về kiếp này, lại tiếp theo kiếp này thì Ta diệt độ. Ông cũng mạng chung mà vẫn không biết ý nghĩa của kiếp số. Vì sao thế? Ngày nay thọ mạng của người ngắn ngủi, sống lâu tột cùng không hơn trăm tuổi. Tính số kiếp trong trăm năm ấy, thì Ta diệt độ, Ông đã mạng chung, trọn không biết được nghĩa của kiếp số.

Phạm chí nên biết! Như Lai cũng có trí này, biết hết, phân biệt đầy đủ về kiếp số, thọ mạng chúng sanh dài ngắn, hưởng sự khổ vui, thảy đều rành rẽ. Nay Ta sẽ nêu thí dụ cho Ông, người có trí do thí dụ mà hiểu. Cũng như số cát sông Hằng, cũng không giới hạn, không lường, không thể tính toán; số của kiếp quá khứ như thế, không thể tính kể, không hạn lượng.

Phạm chí bạch Phật:

– Có bao nhiêu kiếp số về tương lai?

Phật bảo Phạm chí:

– Cũng như số cát sông Hằng không có bờ mé, không thể tính kể, chẳng toán số nào theo kịp

Phạm chí lại hỏi Phật:

– Có kiếp hiện tại, kiếp thành, kiếp hoại chăng?

Phật bảo Phạm chí:

– Có kiếp thành, kiếp hoại, chẳng phải là một kiếp, trăm kiếp. Cũng như cái chén để ở chỗ gập ghềnh không an toàn, nếu có đứng yên cũng bị chao động. Các thế giới phương vức cũng bị chao động, hoặc có kiếp thành, hoặc có kiếp hoại, Số ấy cũng không thể tính kể là bao nhiêu kiếp thành, là bao nhiêu kiếp hoại. Vì sao như thế? Vì sanh tử dài xa không có giới hạn, chúng sanh do vô minh đan kết ngăn che, trôi nổi từ đời này sang đời sau, từ đời trước đến đời này, chịu khổ não lâu dài. Nên chán ngán hoạn này, xa lìa khổ não này. Cho nên, Phạm chí, nên học như thế.

Phạm chí Sanh Lậu bạch Phật:

– Sa-môn Cù-đàm thật kỳ đặc, biết ý nghĩa của số kiếp quá khứ, hiện tại, tương lai. Nay con tự quy y Sa-môn Cù-đàm, cúi xin Sa-môn Cù-đàm nhận con làm Ưu-bà-tắc, suốt đời không sát sanh … không uống rượu.

Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

10. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ờ Thành La-duyệt, núi Kỳ-xà-quật, cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Khi ấy, có một Tỳ-kheo bạch Phật:

– Kiếp số có bờ mé chăng?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Có phương tiện dẫn dụ, nhưng kiếp số không cùng tận. Về quá khứ lâu xa trong Hiền kiếp này, có Đức Phật ra đời hiệu Câu-lưu-tôn, Chí Chơn Ðẳng Chánh giác. Bấy giờ núi Kỳ-xà-quật này có tánh hiệu, lúc đó nhân dân trong thành La-duyệt, leo lên núi Kỳ-xà-quật này, bốn ngày bốn đêm mới tới đỉnh.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Vào thời Đức Phật Câu-na-hàm-nâu-ni, núi Kỳ-xà-quật này cũng có tánh hiệu. Khi ấy, nhân dân trong thành La-duyệt leo ba ngày ba đêm tới đỉnh núi.

Ðức Như Lai Ca-diếp xuất hiện ở đời, núi Kỳ-xà-quật này cũng có tánh hiệu. Khi ấy nhân dân trong thành La-duyệt leo hai ngày hai đêm tới đỉnh.

Như Ta ngày nay, Phật Thích-ca Văn xuất hiện ở đời, núi này tên Kỳ-xà-quật, trong khoảnh khắc lên tới đỉnh núi.

Nếu Phật Di-lặc ra đời, núi này cũng tên là Kỳ-xà-quật. Vì sao thế? Vì thần lực của chư Phật khiến núi này tồn tại.

Tỳ-kheo, nên do phương tiện này biết, kiếp số suy tận không thể tính kể. Kiếp có hai thứ, đại kiếp và tiểu kiếp. Nếu trong kiếp ấy không có Phật ra đời, bấy giờ có Bích-chi Phật ra đời, đó là tiểu kiếp. Nếu Như Lai xuất hiện ở kiếp nào, kiếp đó không có Bích-chi Phật xuất hiện, đây gọi là đại kiếp.

Tỳ-kheo! Do phương tiện này biết là kiếp số lâu dài không thể tính kể. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên nhớ ý nghĩa của kiếp số này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.