Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh

 

B.2.2.33. TÀ NGHIỆP GIÁC QUÁN GIỚI (Giới không được đi xem tà nghiệp)

Kinh văn:

Nếu là Phật tử thì không được có ác tâm đi xem tất cả nam nữ v.v… đánh nhau, hoặc xem quân trận, binh tướng, giặc cướp v.v… đấu chiến nhau. Cũng không được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, đá cầu, đá bóng v.v… cho đến bói toán. Không được làm tay sai cho kẻ trộm cướp. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử này phạm khinh cấu tội.

Lời giảng:

Chất chứa những dụng cụ có thể làm thương hại đến người và vật, không phải là việc Phật tử nên làm. Ðó là điều giới trước ngăn cấm.

Ði xem coi các việc chiến đấu v.v… cũng không phải là hành vi của người Phật tử. Ðây là điều ngăn cấm của giới này.

Chúng ta nên biết: trên thế gian này, mỗi một tấc bóng quang âm đối với người Phật tử hành đạo Bồ Tát thật là quý báu, không thể nào lãng phí, dù chỉ một phút giây. Nếu người tu hành không yêu tiếc thời gian quý báu, để cho bóng quang âm trôi qua một cách luống uổng trước mắt, ấy là một điều hết sức đáng tiếc.

Là một vị Bồ Tát, khi thấy có một chúng sanh nào đáng độ, phải đem hết khả năng của mình làm việc hữu ích cho chúng sanh. Nếu không như thế thì nên tìm nơi thanh tịnh, dứt bặt ngoại duyên, chuyên dụng tâm công phu theo chánh nghiệp xuất thế. Chỉ có như thế mới đúng với tư cách của một Phật tử chân chánh.

Nếu vô cớ mà đi xem những trò giải trí không phù hợp với người Phật tử, thì sẽ tổn thất cho đạo nghiệp của mình.

Nên biết: những điều trong giới này nói, nếu Phật tử cố ý vi phạm thì chỉ tăng trưởng sự buông lung và tổn hại thiện nghiệp của mình mà thôi. Làm những việc tào lao như thế, chẳng những hoàn toàn bất lợi cho bản thân mình, lại còn bị các nhân sĩ trong xã hội chỉ trích phê bình. Vì họ quan niệm rằng một Phật tử hành Bồ Tát đo, đặc biệt là kẻ xuất gia mà lại đi xem, nghe những việc thế tục như vậy thì còn gì là thể thống của vị xuất gia?

Khi mọi người đã chê bai, phê phán Bồ Tát như vậy, thì sự nghiệp giáo hóa của Bồ Tát đối với chúng sanh sẽ bị trở ngại vô cùng to lớn. Vì thông thường mọi người ở thế gian đều cho rằng bản thân người xuất gia đã không đúng thì chúng ta cần chi phải tiếp thọ sự giáo hóa của người ấy. Hơn nữa, chính lúc bạn đang say mê theo dõi việc chiến đấu, sát phạt… có những chúng sanh đang cần nhờ sự giáo hóa của bạn, nhưng bạn đã để thời gian hóa độ này trôi qua, nên đáng lẽ chúng sanh ấy bạn có thể giáo hóa được, lại không được bạn giáo hóa. Như thế thử nghĩ tưởng, sự nghiệp hóa độ chúng sanh của bạn bị tổn thất lớn lao biết dường nào!

Vì thế, Ðức Phật đặc biệt chế định giới tà nghiệp giác quán để dạy rõ những việc quân trận, chiến đấu… không phải là việc của Bồ Tát nên làm. Vì đó là thuộc về sự nghiệp của thế gian. Nếu cố làm thì sẽ trái phạm giới Bồ Tát.

Giác quán theo lối thông thường giải thích rằng:

– Thô phân biệt là Giác,

– Tế phân biệt là Quán.

Hơn nữa, lúc đầu tiên, lúc tâm vừa móng khởi suy tư gọi là Giác, trầm tư tế tâm phân biệt gọi là Quán.

Tóm lại:

Giác quán là tư duy, phân biệt. Nếu tư duy pháp Ðại Thừa để làm việc lợi nhân, lợi thế thì đó là chánh nghiệp, trái lại, nếu tư duy các việc tạp loạn ở thế gian, ấy là tà nghiệp.

Tư duy chánh nghiệp thì sẽ tăng trưởng tâm hướng thượng cho mình, tăng ích đạo nghiệp chánh đáng của mình. Trái lại, nếu tư duy tà nghiệp thì ngược với tâm địa giới thể và làm loạn cho việc tu hành chánh đạo. Vì vậy, tà nghiệp giác quán phá hoại đạo pháp, hủy phạm giới cấm, thật không có gì độc hại hơn thứ này!

Giới tà nghiệp giác quán này cả Ðại Thừa lẫn Tiểu Thừa trong Phật giáo đều bị cấm chế. Vì bất cứ hành giả Ðại hay Tiểu Thừa làm những việc ấy, đều bị tổn hại chánh nghiệp và vi phạm giới này, riêng đối với thất chúng Phật tử, có chỗ nói cấm chế tất cả, có chỗ nói chỉ cấm chế đạo, không cấm chế tục. Nghĩa là chỉ áp dụng sự chế cấm này đối với những vị xuất gia, còn chư vị tại gia thì không cấm chế.

Nhưng trong hàng Phật tử xuất gia, nếu trường hợp có chúng sanh nào mà căn cơ phải dùng những phương tiện như những điều cấm ở trên, mới có thể đem lại lợi ích cho họ, trường hợp này, có thể tùy theo tình thế mà phùng trường tác hý để hóa độ. Ðây là trường hợp ngoại lệ có thể khai miễn (nói về hạnh “kiến cơ nhi tác” của Bồ Tát là áp dụng đối với những căn cơ đặc biệt của một số chúng sanh. Nếu không uyển chuyển tình thế thì không hóa độ được. Chẳng hạn như uống rượu, đánh bạc, chơi cờ v.v… trong trường hợp đặc biệt, vì lợi ích chúng sanh, Bồ Tát phải phương tiện cùng nhập bọn với họ để dẫn dắt chúng sanh này vào chánh đạo, nên có thể tạm thời hành động như vậy. Như trường hợp nữ Phật tử Mạt Lợi, phu nhân của Ba Tư Nặc Vương, trong lúc thọ Bát Quan Trai Giới vẫn trang điểm và uống rượu).

Ðức Phật lại dạy đại chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, nếu trường hợp không phải vì thiện tâm dẫn dắt chúng sanh vào chánh đạo, thiện quyền thị hiện, làm những tà nghiệp giống như chúng sanh, mà chỉ duyên cớ ác tâm muốn vui sướng cho cá nhân mình mà làm những tà nghiệp, là tuyệt đối không phù hợp với bổn phận của Phật tử đã thọ Bồ Tát giới”.

Tà nghiệp là những thứ gì?

Có năm thứ như sau:

1. Không được đi xem chiến đấu, đánh lộn: Ở thế gian, đánh lộn là thân nghiệp và khẩu nghiệp của nam nữ. Họ đánh nhau, mắng nhau, thậm chí xô xát kịch liệt đến chỗ lỗ đầu, chảy máu v.v… Ðây là thường sự của thế tình.

Bạn là một vị Bồ Tát mà đi xem nam nữ đánh nhau để làm gì?

Bạn vốn đang trong tình trạng vô sự, nhưng vì đi xem họ đánh nhau, đôi khi bị họa lây đến thân bạn. Vì những người đánh nhau thấy có bạn đến xem, nên họ cảm thấy khó mà hạ đài. Do vậy, họ đến học lại chuyện đó với thầy bạn để thầy bạn phải trị tội bạn. Ngoài ra, họ còn chỉ trích bạn là người tu hành mà còn đi xem đánh lộn. Như thế, có phải bạn đã tự mình đi chuốc lấy việc phiền phức cho mình không? Những kẻ thế gian có lòng tự trọng và có tâm muốn giữ mình cho thanh khiết, còn không đi xem những việc trên, huống chi bạn là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, hành Bồ Tát đạo, có bổn phận lợi người, lợi đời thì đi xem để làm gì?

“Quân trận binh tướng chiến đấu nhau” là nơi binh sĩ hai bên dàn trận đánh nhau. Vấn đề người Phật tử đi xem binh trận chiến đấu, trong luật Tiểu Thừa có thuật một việc như sau:

Một lúc nọ, Lục Quần tỳ kheo ở trong quân đội, đi xem quân trận chiến đấu để xem xét thực lực, các thứ khí giới cùng các quân lực. Trong lúc đương xem, có một tỳ kheo vô ý bị thương vì tên bắn. Các vị tỳ kheo đi cùng, dùng y băng bó cho vị ấy rồi dùng xe chở vị ấy về tăng xá.

Các cư sĩ trông thấy làm lạ, hỏi nguyên do. Sau khi biết rõ, họ cùng nhau phê bình rằng: – Chúng tôi là người thế tục, vì thương chồng con nên vạn bất đắc dĩ phải đến chốn quân trận này. Còn các thầy đã xa lìa cha mẹ, gia đình, quyến thuộc làm kẻ xuất gia, lại còn đến trong quân trận để làm chi?

Quý tỳ kheo nghe những lời bình luận phê phán trên, đem việc ấy bạch lên Phật. Ðức Thế Tôn mới vì các tỳ kheo chế giới không được xem quân binh hợp chiến.

Vũ khí chiến tranh thời xưa rất là đơn giản. Nếu rủi ro chỉ bị thương vì đao, tên mà thôi. Còn vũ khí chiến tranh ngày nay dùng súng đạn, hỏa tiễn v.v… dù ở xa không nghe thấy, nhưng trong phạm vi tập dượt hoặc chiến đấu cũng dễ bị súng đạn và hơi độc làm tổn hại. Hơn nữa, cuộc chiến hiện đại ngày nay ngoài việc chiến đấu nơi trận địa, còn có chiến tranh gián điệp. Vì sợ tình hình quân đội bị tiết lộ ra ngoài, nên nếu kẻ tu hành đến gần nơi chiến đấu, sẽ bị đặc biệt lưu ý mọi sinh hoạt của mình, vì những người trong quân đội nghi ngờ mình là kẻ đi dọ thám quân tình giúp cho quân địch.

Do đó, người Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, hành Bồ Tát đạo, cần phải tránh những sự nghi ngờ, chê bai ấy, lại càng phải giữ gìn giới điều này hết sức nghiêm cẩn, để tránh những sự khó khăn, rối rắm không cần thiết.

“Giặc cướp chiến đấu nhau”: ở đây nói có hai trường hợp:

– Giặc với giặc cùng trộm cướp tài vật của người đem về chia chác với nhau không đồng nên sanh ra việc chiến đấu.

– Binh sĩ của quốc gia vì giữ gìn sự an ninh trong nước mà thanh trừng bọn giặc cướp để nhân dân được an ổn.

Kinh văn dùng hai chữ “vân vân” chỉ ngoài sự đánh nhau, chiến đấu nhau, còn nhiều vấn đề khác nữa, chứ không phải chỉ gồm bao nhiêu thứ vừa nói trên. Giống như mấy ông bợm nhậu say sưa, xô xát, đánh lộn nhau, hoặc đồ đảng trong các tụ điểm hội họp cũng thường xảy ra việc đánh nhau, hoặc vì tranh giành hành khách ở các bến xe mà xô xát nhau… rất nhiều thứ không thể kể hết.

Nhưng bất cứ trường hợp đánh lộn hay chiến đấu nào, là Phật tử đều không được đi xem. Ngoài ra còn có các thứ thú cầm như voi, bò, trâu, chó báng lộn, cụng lộn nhau; gà, chim trĩ, anh vũ… đá nhau, cũng không được đi xem.

Bất cứ xem coi đánh lộn hay chiến đấu loại nào cũng không tránh khỏi có sự tổn thương, đồng thời làm cho người khởi tâm bất thiện. Vì sức tập nhiễm của chúng sanh rất mạnh, nếu thường xem, nghe đánh lộn, chiến đấu dần dần sẽ bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng và tâm niệm bất thiện sẽ bắt đầu phát sinh.

Hơn nữa, khi xem đánh lộn, hành giả rất khó là giữ oai nghi. Do đó, sẽ bị người thế tục chê bai dị nghị, phê bình rằng kẻ xuất gia chỉ ăn rồi ở không, lại còn đi coi đánh lộn, oai nghi không giữ gìn tề chỉnh.

2. Cũng không được đi nghe những tiếng ốc, tiếng trống, tiếng thổi sừng, đờn cầm, đờn sắt, đờn tranh, ống địch, không hầu, ca hát, kỹ nhạc.

* Ốc là một sinh vật vỏ cứng ở trong biển. Trong kinh Niết Bàn nói người ta thổi ốc để cho biết giờ giấc. Ðây là một loại được dùng làm nhạc cụ và thổi bằng miệng, phát ra âm thanh, nên nói là “thổi ốc”.

* Ðánh trống: từ Hán việt là “kích cổ”. Về phương pháp làm trống, người ta đẽo cây làm khuôn, lấy da thú bịt hai mặt, rồi dùng dùi đánh, âm thanh phát ra rất lớn. Vào thời xưa, lúc đánh giặc, người ta dùng trống làm hiệu lịnh xuất quân, hoặc thâu quân. Trống có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau.

* Thổi sừng: một loại nhạc cụ phát xuất từ nước Tây Vức, làm bằng sừng của con tê ngưu, dùng miệng thổi để phát ra âm thanh nên gọi là “thổi sừng”. Thời xưa trong quân đội cũng thổi sừng để làm hiệu lịnh. Chính rợ Khương, rợ Hồ cũng đã thổi sừng để làm cho ngựa của binh sĩ Trung Hoa sợ hãi.

* Ðàn Cầm: một loại nhạc cụ. Tương truyền loại đàn này do Hy Hoàng Cơ chế tạo, có năm dây. Về sau, vua Văn Vương thêm hai dây Thiếu Cung và Thiếu Thương thành ra bảy dây. Chữ “cầm” có nghĩa là ngăn cấm, tức là khi khảy đàn cầm, những âm thanh phát ra có hiệu lực ngăn cấm những tâm niệm tà dâm, khiến cho người nghe khởi tâm niệm chân chính.

* Ðàn Sắt: một loại đàn, đầu tiên có đến năm mươi dây. Ðến triều đại nhà Ngu, vua Thuấn biến cải còn lại hai mươi lăm dây.

* Ðàn tranh: giống như đàn cầm, có mười ba dây. Tương truyền do Mông Ðiềm chế tạo.

* Ðịch: loại nhạc cụ bằng ống trúc, thổi bằng miệng và để nằm ngang gọi là ống sáo, khác với ống tiêu, khi thổi phải để dọc. Thông thường ống địch có độ dài khoảng một thước tư (Tàu).

* Không hầu: thứ nhạc cụ ngày xưa, hình dạng giống như đàn Sắt nhưng nhỏ hơn làm bằng tre, có hai mươi bốn dây, tương truyền do Sư Diên chế tạo.

Những nhạc cụ kể trên đều mượn vật chất tạo thành âm thanh.

“Ca hát kỹ nhạc”: tiếng ca hát ngâm vịnh của nam nữ, kỹ nhạc là những nhạc khí nói trên. Ngoài ra còn có sanh, hoàng, tiêu, quản, tỳ bà.

* Sanh: một nhạc cụ nhạc cụ ngày xưa, làm bằng quả bầu có khoét mười ba lỗ. Ở trong mỗi lỗ có nạm đồng. Khi thổi phát ra tiếng rất hay.

* Hoàng: cái vè bằng đồng, lấy đồng mỏng, cắt thành từng mảnh để trong lỗ ống tiêu hay ống sáo mà thổi.

* Tiêu: ống tiêu.
* Quản: ống sáo nhỏ.

* Tỳ bà: loại đàn có năm dây (cung, thương, giốc, chủy, vũ).

Hai chữ “kỹ nhạc”: chữ Kỹ có nghĩa là ả đào, đào hát. Vì ngày xưa người ta thường dùng phụ nữ trỗi nhạc, gảy đàn ca hát để giúp vui. Nhạc là âm thanh có tiết điệu dễ nghe.

Những thú vui kể trên đều là những việc phóng dật, chẳng những không có ích lợi gì cho thân tâm mà ngược lại chỉ tăng trưởng ý niệm dục lạc, lôi cuốn người tu vào nẻo sinh tử luân hồi, gây chướng ngại rất lớn cho việc hành đạo của Phật tử. Xem nghe còn không được phép, huống chi chính mình làm công việc ấy!
Nếu cố ý làm việc ấy là trái với Phật pháp. Vì vậy Ðức Phật đặc biệt cấm ngăn Phật tử không nên xem nghe những cảnh dục lạc ở thế gian. Nhất là những khúc nhạc thời nay có nhiều âm đệu quyến rũ, mê ly, làm tâm con người bị lôi cuốn buông lung theo, nên càng không được nghe.

Trong trường hợp đặc biệt, không phải do động cơ tà ác thúc đẩy, mà vì muốn dẫn dắt chúng sanh đi vào con đường chánh giác giải thoát, nên phải phương tiện làm những tà nghiệp. Ðây thuộc về bi tâm của Bồ Tát, là việc du hý thần thông của Bồ Tát, nên không nằm trong phạm vi cấm chế. Ngoài ra, nếu dùng âm nhạc để cúng dường Tam Bảo, tăng ni đều có thể cho phép. Nhưng chỉ riêng Phật tử tại gia mới có thể trỗi nhạc, khảy đàn cúng dường, còn xuất gia thì không được đích thân làm, nếu muốn thì chỉ được bảo người khác làm để cúng dường mà thôi!

3. Không được đánh xu bồ, cờ vây, ba la tắc hý, đàn kỳ, lục bát, phách cúc, trịch thạch, đầu hồ, khiên đạo, bát đạo hành thành:

Loại này ngăn cấm những trò chơi nhảm nhí:

– Xu bồ: một thứ cờ bạc thời xưa. Hàng ngoại đạo nước Tây Vức rất ưa thích trò chơi này. Trong bộ Bát Vật Chí nói trò này do đức Lão Tử khi vào nước Hồ đã chế ra. Nhưng Lão Tử ở Trung Hoa được tôn là bậc Thánh, phàm đã là thánh nhân thì không bao giờ bày trò chơi cờ bạc để làm nhiễu loạn tâm ý con người. Vì thế, thuyết này không thể tin cậy được.

– Cờ vây: một loại cờ thời xưa, gồm 360 nước. Theo tương truyền, vua Nghiêu chế ra cờ vây để dạy cho con là Ðan Chu. Việc này có hay không thì không rõ.

– Ba la tắc hý: Ba La là tiếng Ấn Ðộ, Tắc Hý là tiếng Trung Hoa. Bốn tiếng này dùng chung để chỉ cho cờ tướng. Dùng một miếng ván, trên đó kẻ những đường ngang dọc theo quy cách định sẵn. Ở giữa có ranh giới phân chia đôi bên. Mỗi bên sắp 16 con cờ gồm Tốt, Pháo, Xa, Mã, Tượng, Tướng. Theo quyển Pháp Tạng Sớ nói: “Trò chơi này là trò chơi của binh sĩ nước Tây Vức. Cách chơi là hai người bố trí những con cờ (hơn 20 con). Hai bên cùng cố tranh đoạt một con đường được vẽ cách xa nơi bố trí các con cờ. Người nào đoạt được con đường trọng yếu này được xem là kẻ thắng cuộc”.

– Ðàn kỳ: dùng hộp đựng đồ trang điểm làm trò chơi. Các cung nhân, mỹ nữ của nhà Ngụy thường chơi trò này. Có sách nói vua Thành Ðế đời Hán được quần thần dâng thứ trò chơi này. Cung nhân, mỹ nữ đều ham trò chơi này, có sách nói dùng con cờ đánh nhau gọi là đàn kỳ.

– Lục bát: trò chơi sâm lục, tương truyền là do ông Trần Tư Cung đời Ngụy chế ra.

– Phách cúc: trò chơi đánh cầu, đá cầu. Nghĩa là dùng trái cầu ném đi rồi chạy theo, tay đánh, chân đá lên xuống làm trò vui.

– Trịch thạch đầu hồ: Dùng một cục đá lớn kéo hoặc ném để làm trò chơi. Có sách nói thời xưa dùng đá quăng, bây giờ dùng lao để ném.

– Khiên đạo, bát đạo hành thành: trò chơi đánh cờ của người Thiên Trúc. Bàn cờ dọc ngang có tám đường giao nhau. Dùng những con cờ di chuyển trên các con đường ấy như đi trên thành, nên gọi là “bát đạo hành thành”. Ðây là trò chơi của trẻ con.

Các trò chơi này trong kinh Niết Bàn và Luật Tạng có nêu tên mỗi thứ. Trong sách Gia Ngữ nói: “Vua Di Công hỏi đức Khổng Tử rằng: – Thưa ngài, tôi nghe người quân tử không chơi cờ bạc có phải không?

Khổng tử đáp: Phải! Bởi vì những thứ ấy thuộc về ác pháp”.

Như thế, đối với những trò chơi này, kẻ theo Nho học còn hổ thẹn không chơi, huống chi một vị Bồ Tát thực hành lục độ vạn hạnh, sao lại có tâm ham hơn thua để dối gạt chúng sanh?

4. Không được trảo cảnh, thi thảo, dương chi, bát phu, độc lâu để làm việc bói toán, xủ quẻ.

Những loại này là ngăn cấm việc bói quẻ:

– Trảo cảnh: pháp viên quang thông thường. Nghĩa là dùng thuốc xoa trên móng tay, hoặc dùng tà chú, pháp thuật truyền vào móng tay, làm cho móng tay sáng rực như cái kiếng. Trong ấy hiện ra tất cả mọi việc kiết hung. Trong Mật bộ của Phật giáo cũng dùng thần chú truyền vào móng tay, và trên móng tay của ngài Phật Ðồ Trừng cũng hiện việc kiết hung v.v… sở dĩ có sự kiện này vì cốt yếu vẫn là mang lại lợi ích cho chúng sanh, tuyệt nhiên không có tâm niệm cầu lợi, nên không thể nói là trường hợp này phạm giới.

– Thi thảo: là cỏ Thi. Thời xưa dùng loại cỏ này để coi quẻ. Cỏ này mọc ở nơi ẩm thấp, đặc biệt là miền Ðông Nam Trung Hoa. Nhưng chỉ những cỏ mọc trong vỏ con quy mới linh nghiệm. Có sách nói cỏ này mọc trên mộ phần của vua Văn Vương. Cỏ này mọc thành bụi, mỗi bụi gồm đúng 100 cọng. Mỗi cọng cao một trượng. Phía trên có thanh vân che phủ, phía dưới có linh quy phục khí. Khi nó cao lớn, người ta cắt xuống coi việc kiết hung, tốt xấu của người. Sách vở Trung Hoa mặc dù nói cỏ này phát sanh trên mộ của Văn Vương, nhưng Ấn Ðộ cũng có cỏ này. Người địa phương cũng dùng cỏ này làm thẻ để coi họa phước.

– Dương chi: Cành liễu. Ở Trung Hoa, khi không có cỏ Thi thì người mới dùng cành liễu làm thẻ để xem quẻ. Có sách nói thầy coi quẻ ở Trung Hoa cúng tế, chú nguyện vào cây dương liễu đã thành thần, để báo việc họa phước bên tai người. Có chỗ nói đúng giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5, ai muốn bói việc tốt xấu, cứ đến dưới cây dương liễu, ngước mặt lên xem cành liễu nào vừa ý, đoạn cắt xuống, khắc thành hình nhân, rồi đem để trong tịnh thất, cúng tế, chú nguyện, đến khi linh ứng nó có thể báo việc tốt xấu của người.

– Bát phu: người dùng bát hay bồn đựng nước, rồi quấy cho lóng trong. Người ta tin rằng những việc kiết hung đều hiện trong ấy, hoặc nghe trong ấy có tiếng nói cho biết những việc kiết hung.

– Ðộc lâu: dùng đầu lâu người mới chết, dùng tà chú cúng tế đầu lâu ấy. Nó có thể báo các việc kiết hung họa phước bên tai người. Thế gian gọi là Nhĩ Báo Thần (ông thần kề bên tai báo tin). Ở Ấn Ðộ cũng có thờ thần Ðộc Lâu, ngoại đạo Ấn Ðộ còn có cách đánh xương đầu người chết để biết rõ nhân duyên sống chết v.v…

Kinh văn nói: “Ðể làm việc bói xủ” là câu dùng tổng kết mấy thứ kể trên. Hai chữ “bói xủ”, kinh văn gọi là “bốc phệ”. Tức là dùng mai con của quy gọi là Bốc, dùng cỏ Thi gọi là Phệ. Hai thứ này đều là những vật xưa dùng để xem bói.

Những thứ kể trên, dù là thứ nào, cũng đều là tà thuật, dối gạt, mê hoặc tâm kẻ thế gian, làm rối loạn trật tự xã hội. Nếu làm những thứ ấy, thì chẳng những không ích gì cho người lại còn gây tổn hại cho mình. Vì thế, là người Phật tử chân chính, chúng ta đều không được làm.

5. Không được làm tay sai cho kẻ giặc cướp:

Ðiều này ngăn cấm việc đi làm theo mệnh lệnh của kẻ ác. Trong giới đi sứ thứ mười một, người Phật tử còn không được đi làm thông sứ cho quốc gia, huống gì là đi làm tay sai cho giặc cướp. Nói một cách nghiêm khắc hơn, nếu người Phật tử tiếp cận với kẻ giặc cướp cũng quyết định là không được. Vì nếu tiếp cận hoặc làm tay sai cho chúng sẽ có tai họa rất lớn. Chẳng những lúc bình thường không được làm tay sai cho chúng, thậm chí lúc bị giặc cướp bắt đi, dù có thể nguy đến tính mạng, thà hy sinh sanh mạng của mình, quyết không được làm tay sai cho chúng. Do đó, nếu Phật tử làm tay sai cho giặc cướp, thì chẳng khác nào xúi chúng nó cướp của, giết người. Tùy theo số nhân mạng bị giết và tài vật bị cướp nhiều hay ít, trọng hay khinh mà kết thành căn bản trọng tội. Như thế thì việc làm này có ích lợi thực sự cho bạn hay không? Tại sao bạn lại đi làm tay sai cho giặc cướp? Mỗi mỗi không được làm. Câu này là lời tổng kết đồng thời là lời khuyến hóa, răn dạy của đức Thế Tôn.

Tại sao Ðức Phật răn dạy “mỗi mỗi việc đều không được làm?”

Vì nếu Phật tử cứ xem đánh nhau, sẽ phát sinh năm tâm hung ác:

– Theo đuổi thú vui có thể khởi sanh tâm dâm dật.

– Chơi trò nhảm nhí sẽ sanh khởi tâm tán loạn.

– Coi bói, xủ quẻ làm sanh khởi tâm mê hoặc, nhiễm trước cho người.

– Ði làm tay sai cho kẻ ác sẽ phát sinh tâm gian ác.

Năm thứ kể trên đều là tà mạng, làm rối loạn đạo tâm. Thế nên Phật dạy nhất nhất mỗi việc đều không được làm. Nếu cố làm, Phật tử này phạm khinh cấu tội.

Ngoài những tà nghiệp như trong kinh đã nói, còn những thứ nghệ thuật, thi họa v.v… nếu mang tính chất trái với đạo xuất thế, thì Phật tử đều phải vĩnh viễn đoạn tuyệt, không được làm.

* Như thuở xưa, Huệ Toàn thiền sư, công phu thiền định của ngài đạt đến mức khá cao. Nhưng vì chưa hoàn toàn dứt bỏ hẳn thế học, đã để luống qua tấc bóng quang âm vàng ngọc. Sau khi xả thân, thác sanh vào trong nhà Bà La Môn không được giải thoát.

* Lại còn trường hợp của ngài Khả Công, một vị đại đức có công tu dưỡng rất cao thâm, nhưng ngài thích ngâm thi vịnh phú. Lúc bấy giờ, có một vị tôn túc khuyên ngài lúc rảnh rỗi nên đọc tụng kinh Pháp Hoa, đừng nên đam mê việc ngâm nga thi phú. Ngài vâng theo lời khuyến hóa mà đọc tụng kinh Pháp Hoa. Khi đọc xong bộ Pháp Hoa, vì quen theo tập quán ngâm nga thơ phú sẵn có trong tâm, Ngài quá cảm hứng, vui mừng hớn hở không thể ngăn được, thốt lên rằng: “Toàn bộ kinh Pháp Hoa ở nơi hai câu:

Hương phong xuy hủy hoa,
Cánh vũ tân hảo giả.

Dịch:

Gió thơm thổi hoa héo,
Lại mưa bông tốt tươi!

Hay vô cùng!” Không ngờ sau khi thốt lời ấy, toàn thân liền cảm mắc chứng bệnh bạch lại (lác trắng).

Căn cứ vào sự kiện này có thể thấy rằng Khả Công đọc kinh Pháp Hoa không phải nhất tâm đọc để cầu thông đạt diệu lý, mà chỉ để thưởng thức thơ văn trong kinh. Do đó chiêu cảm ác báo đến nỗi mắc phải khổ quả này.

 

Lời phụ:

Theo giới này, kinh văn nói có năm loại tà nghiệp sau đây:

1. Ði xem đánh lộn, chiến đấu.

2. Vui chơi (xem hát, nghe nhạc).

3. Chơi các trò chơi nhảm nhí.

4. Bói toán, coi quẻ.

5. Làm tay sai cho giặc cướp.

Trong năm loại này, bổn Hán văn giảng rộng về ba loại giữa (loại hai, ba, bốn) trong khi bổn Việt văn chỉ nói vắn tắt. Vì nếu y theo bổn Hán văn dịch ra đầy đủ thì người đọc vẫn không hiểu được. Dù có đọc bản Hán văn cũng không hiểu nổi, phải nhờ có phần giải thích mới rõ được, nên ở đây Hòa Thượng chỉ lấy ý trong bổn Hán văn mà dịch gọn lại.