Xuân Trong Cửa Thiền
(Trọn bộ 4 tập)
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

Xuân Nhâm Thân Nói Chuyện Con Khỉ

Chúc Tết Phật tử – 1992

Ngày Xuân năm nay có hai ý nghĩa, ý nghĩa thứ nhất là chúng tôi sẽ đem đạo lý khuyến khích nhắc nhở tất cả Phật tử tinh tấn tu hành, ý nghĩa thứ hai là một ngày Xuân chúng tôi tạm biệt tất cả quí Phật tử, xem như là trong những ngày Xuân từ đây về sau ít có cơ hội chúng ta gặp lại. Không phải tôi từ giã để đi theo Phật mà để tôi có thì giờ tu, tôi nói rõ để nhiều vị tưởng lầm là tôi trối trăng. Từ khi khởi sự dạy Tăng Ni cũng như Phật tử đến nay, mỗi năm chúng tôi đều dự những buổi lễ đầu Xuân và có những lời nhắc nhở quí Phật tử, nhưng từ năm này tôi không tiếp tục nữa nên xem như là lần Xuân cuối để tôi và quí Phật tử gặp gỡ nhau. Lần này tôi không nói nhiều nhưng tôi tin rằng quí Phật tử nhớ nó là một kỷ niệm sau cùng, quí vị nhớ kỹ ứng dụng tu để đời tu hành của người Phật tử tại gia có kết quả tốt. Thông thường mỗi năm tôi có một đề tài Xuân, năm nay đề tài Xuân nói về con khỉ, vì Nhâm Thân là năm con khỉ. Con khỉ có những ý nghĩa thâm trầm trong đạo Phật nên tôi dùng đề tài này để nói chuyện với quí vị.

Tôi sẽ kể về hai con khỉ, một trong kinh A-hàm và một thuộc về các Thiền sư. Trước hết tôi nói chuyện con khỉ trong kinh A-hàm. Đức Phật kể lại thế này: Có một bầy khỉ khi đi ăn, con khỉ chúa luôn luôn kêu gọi các con khỉ trong đàn phải theo đàn đừng đi riêng lẻ rồi bị nguy hiểm. Nhưng có một con khỉ do đi theo đàn kiếm ăn không được nhiều nên nó buồn và nghĩ rằng: Thôi mình tách đàn đi riêng, biết đâu kiếm được mồi nhiều, ăn ngon hơn, theo đàn không đủ chia. Do đó nó tách đàn đi riêng, nó đi đến đúng chỗ thợ săn đặt mồi, mồi thật là ngon nhưng bên cạnh có mấy cây nhựa làm bẫy. Con khỉ thấy mồi, vì còn nhỏ chưa kinh nghiệm nên nhảy vào chụp mồi. Tay thứ nhất vừa đưa vào liền trúng bẫy  nên dính nhựa, nó lúng túng lấy tay thứ hai gỡ (nói tay chớ thật là hai chân trước), nhưng vừa đưa vào liền dính luôn, còn lại hai chân sau, nó lấy chân thứ ba quào cho tróc không ngờ cũng dính vào bẫy, còn chân sau cùng nó nghĩ là còn có thể cứu được nên đưa chân đạp mạnh cho bẫy rớt ra, không ngờ lại dính sâu hơn nữa. Bốn chân đều dính vào bẫy, chỉ còn hi vọng dùng miệng gỡ nên nó hả miệng cạp để gỡ mấy cái chân, nhưng miệng lại dính luôn. Không biết làm sao, chỉ còn có cái đuôi ngúc ngoắc, nó vận dụng hết sức lấy đuôi giật ra không ngờ dính luôn cái đuôi. Như vậy sáu bộ phận của con khỉ đều dính chặt vào bẫy nhựa, người thợ săn đến cột chân nó lại quảy về. Đó là ví dụ, qua hợp pháp, Phật dạy các thầy Tỳ-kheo và Phật tử phải khéo tu sáu căn. Sáu bộ phận của con khỉ là ví dụ cho sáu căn của chúng ta: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Sáu căn nếu an trú trong phạm vi của nó tức là giống như con khỉ theo bầy không bị nguy hiểm. Trái lại nếu sáu căn phóng ra ngoài thì sẽ bị nguy hiểm. Thí dụ như mắt vừa thấy sắc đẹp, chạy theo liền nhiễm trước, đến tai thích tiếng hay, mũi thích mùi thơm, lưỡi thích vị ngon, thân thích xúc chạm, ý chạy theo pháp trần. Sáu bộ phận đó đuổi theo sáu trần gọi là dính mắc, giống như con khỉ dính hết sáu bộ phận vào bẫy. Con khỉ dính hết sáu bộ phận thì thợ săn cột nó quảy về, còn chúng ta sáu căn dính với sáu trần rồi thì Ma vương sẽ lôi chúng ta đi. Chúng ta tu để thành Phật chớ không phải tu để thành ma, nếu ma lôi chúng ta thì chúng ta theo ai? – Theo ma! Nhưng ma là gì? Ai cũng tưởng ma có nanh có vuốt, mặt mày rằn ri nhưng không phải, ma khôn lắm, nó trá hình. Những gì đẹp làm cho chúng ta bị lôi cuốn, đó là ma, đừng tưởng là đẹp thật. Nghe tiếng hay tai chúng ta nhiễm, đó cũng là ma. Như vậy sáu trần hấp dẫn lôi cuốn chúng ta, đó là sáu con ma, theo nó thì bị ma dẫn. Trái lại sáu trần dù đẹp dù xấu thế nào chúng ta cũng không màng, không dính, đó là chúng ta làm chủ được thì ma không tài nào lôi kéo chúng ta. Thế là chúng ta thoát được đường ma, thoát đường ma là đi đường Phật, là tu theo Phật. Như vậy quí vị thấy hai con đường, một bên là ma, một bên là Phật, nhưng đường nào dễ đi hơn? Thành thật mà nói thì đường ma hấp dẫn quá. Vì hấp dẫn nên tất cả chúng ta ai cũng thích đi đường ma, nghĩa là thấy cái gì đẹp là muốn được, muốn được tức là bị ma dẫn, bị nó cột hết một chân, vì để được sắc đẹp đó nên việc gì dù tội lỗi cũng vẫn làm, mọi điều xấu ác theo đó mà sanh. Thế nên chúng ta vừa buông lung sáu căn theo sáu trần là chúng ta đã đi theo đường ma, theo đường ma là khó trông cầu giải thoát. Chúng ta bị ma dẫn đi tức là nô lệ nó, trở thành ma em, ma con, ma cháu… Tóm lại hai đường: một bên dính mắc thì bị lôi đi, một bên không dính mắc được tự do tự tại, mà đạo Phật là đạo giải thoát, tự do là nhân của giải thoát.

Chúng ta là người thích tu. Tại sao thích tu? Phải giải thích cho rõ. Thích tu có nghĩa là mong giải thoát, khỏi bị trói buộc. Thí dụ như một cô gái mười tám, mười chín tuổi lại thích đi tu. Người ta hỏi đi tu là thích điều gì? Không lẽ nói nghe tụng kinh hay nên thích, hoặc vào chùa được bánh kẹo nhiều nên thích. Thích đi tu là vì thấy tình cảm ở thế gian cột trói con người trong vòng tài sắc không còn lối thoát. Vì muốn thoát những cột trói đó nên đi tu.

Thí dụ một cô Ni mười bảy, mười tám tuổi ở chùa, khi có việc cần đi đâu thì nói “nay tôi đi chợ mua đồ”, rồi vào mặc áo tràng đi liền không có gì trói buộc cả. Trái lại một cô gái ở ngoài đời cũng khoảng tuổi đó, có gia đình rồi có một đứa bé chừng năm bảy tháng… muốn đi chợ có dễ không? Mượn ai giữ giùm bé đây? Đó là điều thứ nhất, lại không biết mình đi rồi bé có khóc không? Tức nhiên từ đó chúng ta thấy có trói buộc, lại thêm những trói buộc nhỏ nhỏ nữa như trước khi đi phải sửa soạn mặt mày cho kỹ một chút v.v… trong khi cô Ni thì rất đơn giản, chỉ mặc chiếc áo tràng vào đàng hoàng là đi, không có điều gì bận lòng. Giải thoát là như thế, tức là không bị ràng buộc, mà không buộc ràng đó là vì mình tôn trọng mình, muốn được giải thoát nên mình tu.

Như vậy ý nghĩa tu của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ là biết lẽ thật. Những gì trói buộc, những gì không trói buộc, chúng ta đều biết rõ, chúng ta không dùng cái trói buộc để tự buộc ràng, chúng ta phải theo cái gì có thể giải thoát khỏi sự buộc ràng nên nói giải thoát là nói tự do. Vả lại hiện tại chúng ta được tự do thì khi nhắm mắt chúng ta cũng tự tại nhắm mắt. Nếu quí Phật tử có gia đình, có con, có cháu, khi gần nhắm mắt thì thế nào? Con khóc: Ba ơi Ba! Ba đi bỏ con sao? Cháu gọi: Ông nội ơi! Ông nội chết rồi ai dẫn cháu đi chơi v.v… nghĩa là kẻ này gọi, người kia khóc, xót xa đi không đành, tức là lẩn quẩn trở lại. Còn những thầy tu đi, đệ tử có thương cũng chỉ rưng rưng nước mắt chớ không kêu khóc là bỏ con v.v… Thầy đi rồi, nhưng những gì Thầy dạy y theo tu thì được, thế nên mới nhẹ nhàng thảnh thơi đi. Đó là tôi nói thí dụ cụ thể cho quí vị thấy mục đích của người tu là giải thoát, tức là không bao giờ chấp nhận sự trói buộc. Nếu sáu căn dính sáu trần là trói buộc! Nếu dính là đi đường trầm luân, không dính là đi đường giải thoát. Đức Phật vạch cho chúng ta thấy rõ hai con đường, quí thầy nhắc quí Phật tử nhớ hai con đường đó, phải chọn mà đi, chớ đức Phật cũng như quí thầy không lôi quí Phật tử được, chỉ quí vị phải tự nhớ.

Từ trọng tâm đó, chúng ta thấy thời đức Phật tại thế, các Tỳ-kheo đi khất thực phải nhìn xuống đất không quá ba thước. Các ngài sợ điều gì? Sợ bị dính, bị nhiễm nên không dám nhìn để giữ mắt. Đến ai nói hay nói dở gì cũng không để ý, giữ tai không dính, nghĩa là cố làm sao tránh dính nhiễm vì biết rằng dính nhiễm là khổ đau trầm luân. Không dính căn nào là đỡ khổ căn ấy, còn nếu dính hết thì hết cứu. Tỉ dụ như hai tay hai chân dính mà còn miệng thì còn kêu bạn bè cứu được, nếu dính luôn miệng thì hết nhúc nhích. Như vậy con đường tu chúng tôi thấy hết sức rõ ràng là ở nơi sáu căn tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thế nên trong kinh Lăng Nghiêm khi đức Phật muốn chỉ điểm quan trọng, căn bản luân hồi sanh tử và căn bản giải thoát Niết-bàn thì không phải chỉ một mình đức Phật mà cả mười phương chư Phật cùng hưởng ứng, đồng thời nói với ngài A-nan: “Sáu căn của ông là cội gốc của luân hồi sanh tử và sáu căn của ông cũng là cội gốc giải thoát Niết-bàn.” Tóm lại trọng tâm của đạo Phật là chỉ chúng ta biết thế nào là giải thoát, thế nào là trầm luân, con đường đó từ đâu có? Phật chỉ cho chúng ta, quí thầy cũng chỉ cho quí Phật tử, nhưng gỡ được, tránh được hay không là quyền của quí Phật tử, nghĩa là bị nhiễm thì trầm luân, không dính mắc thì giải thoát, đó là cội gốc tu hành. Dầu ai nói có thần thông biến hóa gì mà mắt còn nhiễm sắc, tai còn nhiễm tiếng thì người đó chưa phải giải thoát, chưa phải là người tu chân chánh. Người tu chân chánh là gỡ được sáu căn không nhiễm sáu trần.

Như vậy ý nghĩa con khỉ hết sức là quan trọng. Phải nhớ con khỉ dính hết sáu bộ phận, người thợ săn lôi đâu đi đó không giãy giụa gì được, còn nếu dính vài bộ phận thì còn giãy giụa được chút ít nhưng cũng phải đi theo. Chỉ không dính mới thật tự do tự tại. Vậy hẳn quí vị biết rõ con đường tu rồi!

Đến con khỉ thứ hai, con khỉ trong nhà Thiền. Một hôm ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch đến Thiền sư Trung Ấp, Ngài hỏi: “Bạch Hòa thượng, thế nào là nghĩa Phật tánh?” Thiền sư Trung Ấp đáp: “Ta nói thí dụ cho ông nghe, như có con khỉ trong cái lồng có sáu cửa, bên ngoài có con khỉ kêu chéo chéo, con khỉ ở trong đáp lại chéo chéo, con khỉ ở ngoài đến phía nào kêu, con khỉ ở trong cũng hưởng ứng lại liền.” Ngài nói như thế thôi.

Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch đã cảm thông được điều đó, Ngài liền nói: “Bạch Hòa thượng nếu con khỉ ở trong ngủ thì sao?”

Ngài Trung Ấp liền từ trên toà bước xuống nắm tay ngài Huệ Tịch nói: “Chúng ta thấy nhau rồi, chúng ta thấy nhau rồi!” Hỏi nghĩa Phật tánh mà ngài Trung Ấp lại nói chuyện con khỉ ở trong và con khỉ ở ngoài. Đây tôi giảng rộng, con khỉ trong là con khỉ ý thức của chúng ta, con khỉ ngoài là con khỉ  sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bên ngoài có sắc đẹp, vừa chợt thấy thì bên trong ý thức phân biệt liền chạy theo, thế nên ngoài kêu thì trong hưởng ứng. Như vậy sáu cửa, cửa nào ngoại cảnh vừa hiện ra, bên trong đều hưởng ứng cả. Chúng ta có giống như vậy không? Nghĩa là tai vừa nghe tiếng nói, liền dấy niệm phân biệt rồi xét lời nói đó là khen mình hay chê mình. Nếu khen thì vui, chê thì giận, vậy là vừa có âm thanh ý thức liền duyên theo phân biệt, rồi giận, buồn, thương, ghét tiếp theo. Ở mắt, mũi, lưỡi, thân đều như vậy.

Trái lại nếu sáu căn không chạy theo sáu trần thì thế nào? Tức là trường hợp con khỉ ở trong ngủ, bên ngoài kêu chéo chéo cũng mặc, ngủ thì không phản ứng, không phản ứng là nghĩa Phật tánh hiện tiền. Vì nếu sáu căn không chạy theo sáu trần thì ở mắt có ánh sáng của Tánh giác hiện ra nơi mắt, ở tai có ánh sáng của Tánh giác hiện ra nơi tai, nơi sáu căn đều có ánh sáng trí tuệ giác ngộ hiện ra. Nếu ý thức vừa dấy khởi chạy theo sáu trần, dính mắc thì Tánh giác ẩn khuất. Thế nên Phật tánh không rời sáu căn, hiển lộ ngay nơi sáu căn. Như tôi hay thí dụ cái nhà vào ban đêm, chung quanh đều tối, muốn biết trong nhà có đèn hay không thì phải làm sao? Phải nhìn qua các cửa, nếu nơi cửa có ánh sáng phát ra thì biết bên trong có đèn. Như chùa này ban đêm chúng ta mở một ngọn đèn neon lớn và mở toang các cửa, người bên ngoài đứng phía trước thì thấy ánh sáng ra cửa trước, đứng bên hông thì thấy ánh sáng ra các cửa hông, đứng phía sau thì thấy ánh sáng ra cửa sau, mỗi cửa đều có ánh sáng phát ra… Cái nhà có thể là sáu cửa, năm cửa… Ngọn đèn chỉ có một, ánh sáng phát ra đến năm, sáu. Ánh sáng của cửa cái với ánh sáng của cửa sau thấy như khác nhưng thật không khác, ánh sáng cửa hông, cửa sổ với ánh sáng cửa sau cũng không khác. Tóm lại tất cả ánh sáng đều không có hai.

Cũng thế nơi sáu căn của chúng ta đã sẵn có Tánh giác hiển lộ, nhưng vì có sự nhạy cảm nên vừa gặp cảnh, ý thức liền chạy ra hưởng ứng nên che khuất Tánh giác hiện có của chúng ta, chúng ta chỉ nhớ phân biệt mà không nhớ cái hằng thấy, hằng nghe. Vậy tu Thiền là gì? Tức là chúng ta luôn luôn dụ dỗ hay là cột con khỉ ở trong lồng lại cho nó nằm yên, nó ngủ thì con khỉ ở ngoài chạy đến sáu cửa kêu gì cũng mặc, con khỉ ở trong vẫn ngủ yên và như thế mọi việc đều an. Đừng để nó thức, nó chạy thì khó mà tu được.

Hiện nay quí vị thấy con khỉ của quí vị thức hay ngủ? – Thức, lại có vẻ rất tỉnh chớ không phải thức kiểu mơ mơ màng màng, thế nên bên ngoài vừa “chéo chéo” là nó hưởng ứng liền. Vì thế chúng ta dễ quên Tánh giác của mình và cứ sống mãi với cái loạn động, cái lăng xăng, đó là nhân của trầm luân. Nếu muốn tu thì không gì hơn là tất cả quí vị phải coi chừng con khỉ của mình, dụ nó bằng những lời êm ái khuyên lơn, ru cho nó ngủ, ngủ được thì tốt, nếu không được thì lấy dây cột nó lại cho nó khỏi nhảy, khỏi chạy. Không nhảy, không chạy, một lúc mỏi mệt nó cũng phải ngủ, chớ để nó thức nó lanh lẹ quá thì nguy hiểm.

Tóm lại chuyện tu hành của chúng ta nói nghe dài dòng mênh mông, nhưng thật ra không ngoài canh giữ con khỉ của mình, hay nói cách khác là canh giữ sáu căn của mình đừng để vọng thức chạy theo phân biệt, nói theo tinh thần kinh A-hàm là chúng ta được giải thoát, nói theo Thiền là chúng ta có Tánh giác hiển lộ nơi sáu căn. Bên Kinh chỉ nói mình giải thoát mà không biết cái gì giải thoát, còn bên Thiền nói mình giải thoát là vì có sẵn cái không sanh không diệt bên trong, nếu không bị lôi cuốn thì thường hiển lộ.

Vậy giải thoát là chúng ta sống được với cái chân thật hằng giác hằng tri của chúng ta. Còn vọng thức phân biệt là không thật nhưng nó nhạy quá, khôn lanh quá nên cả ngày chúng ta bị nó dẫn dụ, chạy ngược chạy xuôi không ngừng. Bao nhiêu người tu đều sợ dừng không nổi vọng tưởng, nay chúng ta biết sự nguy hiểm của nó, mong tất cả quí Phật tử ý thức dừng nó bằng đủ mọi phương tiện. Dùng một pháp để dừng nó thì đó là sợi dây trói. Nếu không dùng một pháp thì mỗi khi nó muốn chạy, muốn nhảy ra tiếp xúc với cảnh ngoài thì nạt nộ nó một chút, nạt nó im thì thôi, không cột dây làm chi cho cực, lại phải tốn công mở. Nếu nạt nó, nó nằm im tức nhiên chúng ta im luôn không cần nạt thêm nữa. Như vậy quí vị thấy được ý nghĩa tu chưa? Tu Phật là như vậy.

Hôm nay là ngày đầu Xuân cũng là buổi cuối tôi nói chuyện với quí vị Phật tử, nên tôi lấy nền tảng, cội gốc của đạo Phật ra nhắc cho quí vị biết để ứng dụng tu. Vì trăm ngàn pháp môn tu cũng đều qui về cội gốc đó, không có pháp nào khác hơn. Nắm vững cội gốc thì tất cả quí vị sẽ tu tiến và chắc chắn sẽ biết rõ mình còn trầm luân hay giải thoát, biết rõ không nghi. Đừng đến chỗ này hỏi, đến chỗ kia cầu, nhất là đừng đi soi căn. Chính tôi đã bị nhiều người đến thưa: Thầy coi căn con tu được không? Ai cũng có Tánh giác, chỉ chịu khó đừng cho con khỉ làm lộng thì Tánh giác hiện ra, ai cũng có quyền làm việc đó, thế mà không tự tin, cứ đi hỏi đầu này đầu kia, mất thì giờ, tốn tiền vô ích. Quí Phật tử phải biết rõ ý nghĩa tu, nguồn cội tu là như vậy, đừng để bị người ta gạt. Chúng ta đã bị con khỉ gạt rồi, nó làm rối loạn tơi bời, lại chạy ra ngoài bị người ta gạt một lớp nữa thì không còn chỗ nào cứu nổi. Quí vị ráng tỉnh táo sáng suốt, biết được gốc của việc tu, từ đó về sau quí vị tự mình cởi, tự mình mở, mở được cái nào là yên lành được cái đó.

Thí dụ lưỡi của chúng ta từ lâu ăn thịt cá quen nên nghe ngon, nay đổi lại ăn chay, ăn rau thì nghe lợt lạt, vậy lưỡi của chúng ta có dính chưa? – Dính vị ngon của cá thịt. Nhưng tôi hỏi quí vị ăn rau có chết không? – Đâu có chết! Ăn rau cũng khỏe, cũng mạnh, cũng hồng hào vậy. Chúng ta biết ăn cá thịt thì lưỡi nghe ngon nhưng rồi cũng chết, nhưng ăn rau không hại loài vật còn ăn cá thịt là hại chúng nó. Bữa ăn nào không có thịt gà, thịt vịt v.v… là buồn, vậy là vì lưỡi mà chúng ta giết hại chúng sanh. Nếu gỡ được lưỡi tức là ăn cá cũng được, ăn rau cũng được, ăn để mà sống là quí vị gỡ được một chút, gỡ được một chút là được tự do một chút. Đến chùa dọn rau thì ăn rau, về nhà dọn gì ăn nấy không buồn, không bực. Quí vị hiểu cho thật rõ, gỡ một cái là yên một việc, tự do được một việc. Gỡ lưỡi tuy khó nhưng dễ hơn gỡ mắt và tai, hai căn này dính nhiều lắm, nếu gỡ được xem như gỡ được nửa phần, những căn khác tuy khó mà dễ, như mũi lâu lâu mới thoảng mùi một chút, lưỡi thì đến bữa ăn mới nếm nên có chừng mực, chỉ mắt và tai luôn hiện hữu, thấy việc này việc kia, nghe chuyện này chuyện nọ luôn, nên Phật dạy phải tu hai căn đó trước. Hiện nay Phật tử chúng ta đa số tu cái lưỡi nhiều, tập ăn chay… Ăn chay nhưng ai nói tức cũng giận muốn cãi lại, đó là chưa biết tu lỗ tai. Đến mắt thấy cái gì đẹp cũng thích, như vậy mắt cũng chưa tu, chỉ tu cái lưỡi một chút. Tuy nhiên được chút nào cũng đỡ chút ấy, vẫn hơn không tu. Nhưng điều hay nhất là phải tiến chớ đừng giậm chân một chỗ, từ tu được lưỡi rồi lần lần đến mũi, tai, mắt, tu thế nào mà không dính mắc gì cả, con khỉ của chúng ta nằm ngủ yên lành ở trong thì khi ấy chúng ta tự do tự tại, không còn gì sợ sệt.

Như vậy là đường lối tu hành tôi đã nhắc cho quí vị nghe, hiểu, mong rằng tất cả nhớ để ứng dụng tu. Nói nhiều nghe rồi quên hết không lợi bằng nói ít mà quí vị nhớ và tu được. Năm nay là năm con khỉ, quí vị nhớ hai con khỉ tôi vừa kể, ráng giữ đúng như lời Phật, lời chư Tổ dạy thì quí vị sẽ an lành tự tại ngay trong đời này, không cần đến đời sau, đời sau nữa. Con khỉ bên trong ngủ rồi, con khỉ bên ngoài có làm lộng gì mình cũng không nhúc nhích, đó là giải thoát tự tại ngay trong đời này. Đó là lời nhắc nhở cuối của tôi.

Vậy hôm nay nhân quí Phật tử đến chúc mừng ngày đầu Xuân, tôi nhắc nhở tất cả quí vị ứng dụng tu và tôi cũng xin ngày nay coi như là tạm biệt quí vị. Quí vị nhớ lời tôi dạy, y như thế tu là đủ rồi, cũng như tôi có mặt. Nếu tìm tôi mà không chịu gỡ các căn thì cũng không lợi gì. Quí vị phải gỡ từ từ để cho mình được tự do tự tại, đó là biết ứng dụng lời tôi dạy, là đền ơn tôi rồi. Mong tất cả quí vị cố gắng.