Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh

 

B.2.2.20. BẤT HÀNH PHÓNG CỨU GIỚI (giới không thực hành phóng sanh cứu độ)

Kinh văn:

Nếu là Phật tử nên vì tâm từ bi mà làm việc phóng sanh. Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng chính là giết những thân cũ của ta. Tất cả thân tứ đại đều là bổn thân, bổn thể của ta, cho nên thường phải làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm. Nếu lúc thấy người đi sát sanh nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ. Thường đem giới Bồ Tát giảng dạy để cứu độ chúng sanh. Ðến ngày cha mẹ hay anh em chết, nên thỉnh Pháp Sư giảng kinh luật Bồ Tát giới. Người chết nhờ phước ấy hoặc được vãng sanh Tịnh Ðộ ra mắt chư Phật, hay thác sanh trong cõi trời người. Nếu không làm các điều trên, Bồ Tát này phạm khinh cấu tội.

Mười giới như thế cần nên học tập, kính trọng, phụng trì như trong phẩm Diệt Tội đã giảng rõ mỗi giới.

Lời giảng:

Thấy người hiền sanh tâm khi báng đều là tuyệt đối không được, cho nên giới trước đã cực lực ngăn cấm. Thấy bị khổ nạn mà không cứu tế cũng không được. Ðây là điều ngăn cấm của giới này.

Bổn nguyện của Bồ Tát là phải cứu độ những chúng sanh bị khổ nạn. Nếu không cứu độ chúng sanh bị khổ nạn thì thử hỏi bạn làm một vị Bồ Tát để làm gì?

Trong kinh dạy: “Thấy chúng sanh đau khổ mà phát tâm Bồ Ðề” là biểu lộ tinh thần này. Vì thế, một vị Bồ Tát phát tâm Bồ Ðề chân chính, với bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải cứu độ chúng sanh, kể cả việc hy sinh tính mạng chính mình. Nếu hiện tại thấy chúng sanh đang chịu các thống khổ mà bạn vẫn an nhiên ngồi xem, không lo cứu tế, thử hỏi tâm từ bi của bạn ở chỗ nào?

Bồ Tát hạnh là phải lấy tâm từ bi làm căn bản, nên không cho phép bạn trông thấy cảnh khổ mà không lo cứu tế. Thấy chúng sanh bị khổ nạn mà không lo tìm phương tiện cứu tế là trái với đạo từ bi của Bồ Tát. Thấy thân tộc của mình tử vong mà không xiển pháp Ðại Thừa, là trái với tâm hiếu thuận của Bồ Tát.

Giới này có tác dụng ngăn chận những tội lỗi như vậy, nên gọi là giới “cấm việc không chịu thực hành việc phóng sanh cứu độ”.

Trong Phật pháp, việc độ sanh không phải chỉ trong phạm vi riêng độ những chúng sanh sinh tiền mà còn phải độ cả những vong linh đã chết. Ðộ chúng sanh sinh tiền là thực hành tâm từ bi, độ vong linh quá cố là thiện cử báo ân.

Phần thứ nhất của giới này là phóng sanh để cứu khỏi nạn chết.

Phần thứ hai của giới này dạy về việc trai táng, giảng kinh để tư trợ cho người chết. Phật pháp sở dĩ siêu thắng hơn các tôn giáo khác là chính ở điểm này.

Làm lễ siêu độ cho vong linh sau khi chết, sự việc này mang ý nghĩa thâm áo bên trong. Vì sinh mạng thể này sau khi kết thúc, ngoại trừ phái Ðoạn Diệt Luận không thừa nhận sự tiếp tục của tân sinh mạng, còn đại đa số các tôn giáo khác đều thừa nhận có sự tiếp tục sinh tồn của một sinh mạng mới.

Nhưng tân sinh mạng này sanh tồn trong hoàn cảnh nào, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp lực của người chết như thế nào mà phán đoán rốt ráo. Vì không muốn cho người chết bị đọa lạc, chịu sự thống khổ vô cùng nên cần phải tụng đọc kinh, giảng kinh để vong linh nương nhờ được sự tư trợ của pháp lực.

Trong Phật pháp, nhờ nhận chân được sự lợi ích của việc tụng đọc kinh, giảng kinh cho vong linh, khiến cho người chết có thể giảm nhẹ được sự thống khổ, giúp cho họ được siêu sinh Tịnh Ðộ, nhờ vào việc cầu siêu giảng kinh.

Cho nên lễ tiến vong trong Phật pháp nhất định không phải là mê tín, theo như chỗ nghĩ tưởng của những người thông thường. Giới này triệt để ngăn cấm tất cả thất chúng Phật tử, nhưng hành giả Ðại Thừa và Tiểu Thừa dù đều vâng giữ, nhưng không hoàn toàn giống nhau.

Hành giả Tiểu Thừa lấy tự độ làm bổn nguyện của mình, nên việc không cứu độ khổ nạn cho chúng sanh cũng không phạm giới. Riêng đối với quyến thuộc của mình cần phải tùy phần, tùy sức tận tâm tế độ. Nếu đối với quyến thuộc mà làm ngơ như không có quan hệ gì với mình, không tận tâm tế độ thì trái với tinh thần của giới này.

Hành giả Ðại Thừa vốn lấy việc lợi tha làm nhiệm vụ chính yếu. Dù chúng sanh có quan hệ với mình hay không, đều phải tận tâm tận lực cứu tế. Nếu không cứu tế là trái phạm giới hạnh này.

Ðức Phật đối với đại chúng dạy rằng: “Nếu làm vị Phật tử đã thọ giới Bồ Tát, trong lúc thực hành lục độ, vạn hạnh, nhân vì lấy tâm từ bi làm cơ bản nên cần phải thường làm việc phóng sanh”.

Phóng sanh là đối với những chúng sanh sắp chết, phải cứu hộ một cách hiệu quả, đừng để chúng sanh bị sự thống khổ như cắt cổ, nhổ lông v.v… Ðây chính là sự lưu lộ tâm hạnh từ bi của người Phật tử.

Chúng ta nên biết: những sinh mạng có đủ tâm thức hoạt động, bất cứ là loại cao cấp hay hạ cấp đều mong ước sinh mạng của mình được tồn tại mãi, không bị đoạn tuyệt. Không ai muốn bị cắt cổ, sát hại làm tổn hại sinh mạng của mình.

Vì thế, nếu đem một sinh mạng chúng sanh đang sống, cắt cổ, nhổ lông, lột da, cạo vảy v.v.. bỏ vào nồi nước sôi nấu, hoặc vào chảo dầu sôi chiên, thử hỏi sự thống khổ ấy chúng sanh làm sao chịu nổi?

Trung Hoa có câu tục ngữ: “Thố tử hồ bi, vật thương kỳ loại”. Chồn và thỏ là hai động vật khác loài nhau, nhưng đến lúc thỏ mất, chồn cũng buồn đau, thương tiếc.

Nhân loại chúng ta cũng thuộc về một trong các loài sinh vật, lại còn được suy tôn là vật tối linh trong muôn loài. Trong tinh thần thương yêu sanh mạng sinh vật, chẳng lẽ lại không bằng một con chồn hay sao? Nếu quả như vậy, thẳng thắn mà nói, con người không bằng súc sanh, mà đã như vậy thì còn tư cách chi để gọi là vật tối linh trong muôn vật?

Ở đây xin trích một truyện ngắn trong bộ Vật Do Như Thủ kể chuyện một con cọp dữ biết thương người cô độc.

Thuở xưa, tại Trung Hoa, huyện Vụ Châu, thôn Căn Khê, có bà lão họ Lý, tuổi ngoài sáu mươi. Bà có mấy người con, nhưng họ kế tiếp nhau qua đời vì bệnh dịch, chỉ còn một đứa cháu bảy tuổi. Hai bà cháu nương nhau sống qua ngày.

Bấy giờ, nhằm tiết trời Xuân, hai bà cháu dắt nhau lên đồi hái trà. Lúc ấy, bà đang chăm chú hái trà thì bỗng một con mãnh hổ từ trong rừng chạy ra, vồ lấy đứa bé tha đi. Bà lão không hề sợ hãi, chạy theo, một tay bà vịn thân cọp, vừa đi vừa than khóc thảm thiết.

Bà kể lể nỗi cô độc của mình và kêu lớn lên: – Cọp ơi! Hãy thả cháu tôi ra. Nếu muốn ăn thịt thì cứ ăn tôi. Già này rất cảm ơn.

Cọp nghe nói dừng lại, đôi mắt hơi nhắm, nghiêng tai nghe, biểu lộ tâm trạng dường như hối hận, đoạn để đứa bé xuống và đi vào rừng. Bà lão vui mừng dắt cháu về nhà.

Lý Tư Nghĩa bình luận chuyện trên rằng: “Truyện ấy lời lẽ cũng như ý tứ thật bi ai, thống thiết. Dữ như cọp mà vẫn còn cảm động, không nỡ ăn người!”

Theo truyện trên, hàng Phật tử chúng ta, đối với sinh mạng loài vật cần phải gia tâm ái hộ gấp bội. Phải tùy thời tận lực cứu độ sanh mạng chúng sanh, phóng thích và dành sanh lộ cho chúng được sống còn, không nên để cho chúng bị hy sinh một cách vô tội!

Trong Phật giáo thừa nhận việc phóng sanh là việc làm có công đức thật vĩ đại. Vậy mỗi Phật giáo đồ, nhất là các vị Bồ Tát lấy việc độ sanh làm trách nhiệm của mình cần phải thực hành việc phóng sanh thật nhiều, để thế gian này bớt đi một phần nào sát nghiệp.

Thuở xưa tại Trung Hoa, có một chủ nhân quán rượu thịt. Ngày nọ, người ấy bỗng nhiên phát tâm đại nhân, đem tất cả loài thủy tộc như tôm, cá, lươn, trạch, rùa v.v… đã mua về để làm thức ăn cho khách ra sông phóng sanh.

Mọi người thấy vị chủ quán làm việc phóng sanh như vậy đều cảm động, hoan hô vang dậy. Từ đó, tiệm rượu thịt cũng đóng cửa.

Một số người thấy việc làm rất lạ kỳ này, bèn kéo đến hỏi chủ quán tại sao bỗng nhiên phát đại tâm như vậy? Chủ quán đáp:

– Từ lâu ở tiệm tôi có cậu học trò làm công. Mỗi ngày trông thấy sự đau khổ vì cắt cổ, nhổ lông, bằm xắt trên thớt, dưới dao của loài thủy tộc, tâm cậu cảm thấy bất nhẫn vô cùng. Vì vậy, cậu hằng ngày lén bắt những con vật còn sống và mạnh đem ra sông phóng sanh. Một thời gian sau tôi biết được.

Một hôm như thường lệ, cậu lén đem các thứ ra phóng sanh. Tôi ở phía sau rình xem. Khi tới sông, cậu thả từng con xuống sông và ra vẻ hoan hỷ vô cùng, còn tôi thì lại bất mãn cực độ, cho việc làm ấy thật phi lý. Tại sao cậu ta dám đem những con cá, con tôm… của tôi mua mà đi thả?

Lúc ấy, tôi quá giận, liền đem một nồi nước sôi tưới xả trên lưng cậu học trò. Cậu ngã nhào xuống đất, quá đau đớn dường như sắp chết. Lưng cậu bị bỏng nước sôi, lột da lòi thịt trông như heo luộc.

Mục kích sự đau khổ của cậu học trò như vậy, tôi chẳng những không thèm ngó đến, mà cũng không có một niệm xót thương. Lại còn nghĩ rằng chết cho đáng kiếp. Tự tạo nhân phải tự chịu tội báo.

Chốc lát sau, cậu học trò tỉnh lại, quá đau đớn không chịu nổi, cậu kêu la thảm thiết. Lúc ấy bỗng nhiên có vô số loài thủy tộc ở dưới sông, nhảy lên lưng cậu. Chúng nằm lăn trên những vết thương như người dùng thuốc thoa phết. Cậu học trò cảm thấy mát mẻ tận xương tủy. Thân tâm khỏe khoắn dị thường, bao nhiêu thống khổ đều hết hẳn.

Sau khi chứng kiến cảnh ấy, tôi lấy làm lạ và tự nghĩ rằng:

– Cứu hộ sanh mạng loài vật được báo ân như vậy, thì sát hại loài vật không thể nào tránh khỏi báo thù. Tại sao ta ngu si nhẫn tâm làm việc sát sanh để kết vô lượng vô biên nỗi oán hận?!

Suy nghĩ như vậy, tôi liền đem tất cả sanh mạng loài thủy tộc đã mua đến sông phóng sanh, và tôi quyết định nguyện chấm dứt sự sinh sống với nghề bán rượu thịt này, tìm nghề chánh đáng khác để nuôi sống. Ðây chính là nguyên nhân tôi đem tất cả loài thủy tộc đã mua về phóng sanh vậy.

Vì thế, chúng ta thấy phóng sanh là một việc làm rất tốt và cũng là một mỹ đức không gì sánh bằng. Là Phật tử, chúng ta mỗi người cần phải phát tâm cùng nhau cổ động việc phóng sanh để mong chấm dứt những tai nạn rối ren đưa đến cho nhân loại.

Phóng sanh là một việc làm có công đức vĩ đại, toàn thể Phật tử đều phải công nhận. Nhưng muốn tâm niệm phóng sanh được kiên cố, không thối chuyển phải thực hành pháp chánh quán.

Thực hành pháp chánh quán bằng cách nào?

Tức là y theo trong kinh Phật dạy quán: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta”.

Tại sao biết tất cả nam tử và nữ nhân là cha mẹ của ta?

Vì nhiều đời đều thác sanh ở đó. Biết đích xác như vậy, đem ý niệm trên mà suy rộng ra thì thấy “tất cả chúng sanh trong lục đạo”, có thể nói rằng bất cứ chúng sanh nào “cũng đều là cha mẹ của ta”.

Như trong kinh, Phật từng dạy rằng: “Ta thấy tất cả hữu tình không có một hữu tình nào ở trong trường dạ mà chẳng từng làm cha mẹ của các ông”. Lời Phật dạy trên, nói theo luật nhân quả thì tất cả hữu tình từ vô thỉ trở lại, đích xác triển chuyển làm cha mẹ lẫn nhau.

Luận Du Già, quyển chín, đức Bạc Già Phạm nói rằng: “Các ông ở trong đêm dài sanh tử, máu huyết trong thân còn nhiều hơn nước bốn biển. Sự sanh tử không nhất định. Giả sử lấy tất cả gốc, rễ, thân cây, cành, nhánh v.v… của tất cả cây cỏ trên quả đất này, chặt nhỏ ra làm thẻ nhỏ chừng bằng 4 ngón tay. Các ông ở trong đêm dài sanh tử đắp đổi làm cha mẹ lẫn nhau. Chúng sanh từng làm cha mẹ ta, ta cũng từng làm cha mẹ chúng sanh. Như thế, cứ tính kể số lượng thì những thẻ còn mau hết, chứ với biên tế số lượng các ông làm cha mẹ lẫn nhau ta không thể nói hết”.

Ðức Phật lại dạy rằng: “Ta xem quả đại địa này, không có một chỗ nào, dù là rất nhỏ, mà các ông không từng trải qua và thọ vô lượng sanh tử”.

Ðức Phật cũng dạy: “Ta quán sát tất cả hữu tình trên thế gian này, ở trong trường dạ lưu chuyển sanh tử, đều làm hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc anh em, chị em, hoặc Quỹ Phạm Sư, Thân Giáo Sư, hay các bậc tôn trọng của nhau”.

Theo lời Ðức Phật dạy trên, chúng ta thấy rõ chúng sanh trong lục đạo đều từng làm cha mẹ của chúng ta. Ðiều đó chúng ta không thể không tin. Nếu như đối với lời Phật dạy mà không tin, nơi đây xin y theo kinh Pháp Cú dẫn ra một sự thật để chứng minh.

Khi Phật còn tại thế, nơi thành Xá Vệ có một vị đại phú trưởng giả, tài bảo vô lượng. Nhưng trưởng giả ấy tánh tình rất xan tham, keo kiết, không bao giờ chịu xả thí dù một sợi lông cho bất cứ ai.

Một ngày nọ vợ chồng trưởng giả cùng nhau dùng cơm trưa trên bàn ăn. Ðứa con cưng như bảo bối của hai người được ngồi ở giữa. Bữa cơm trưa ấy đặc biệt là giết một con gà trống tơ. Hai ông bà cứ ăn một miếng thịt gà thì đút cho đứa bé một miếng.

Ðức Phật dùng Phật nhãn quan sát biết nhân duyên đắc độ của trưởng giả đã thuần thục. Ngài đặc biệt hóa làm một vị Sa-môn, đi ngay đến trước mặt trưởng giả mà nói rằng: – Xin trưởng giả bố thí cho bần đạo ít nhiều, có thể khiến cho ngài được phước báo rất lớn.

Trưởng giả chẳng những không chịu bố thí cầu phước, trái lại, không chút kính nể sa môn, cất tiếng mắng rằng: “Ông là người xuất gia, Ðại Thừa của Phật, tại sao lại không có tâm hổ thẹn như vậy? Vợ chồng tôi đang dùng cơm, đã không mời ông đến, sao ông lại đường đột, suồng sã như vậy? Không giữ oai nghi của người xuất gia, không khỏi mất tư cách và bổn phận của người xuất gia hay sao?”

Vị sa môn cũng không vị nể đáp lại rằng: – Chính ông mới là người ngu si, không biết hổ thẹn gì hết, mà trở lại nói tôi đường đột, suồng sã vào nhà ông thật là vô lý.

Trưởng giả nói rằng: – Ðây là nhà tôi, vợ chồng tôi ở đây dùng cơm, cùng nhau hưởng thú vui thiên luân (đạo luân thường tự nhiên), có gì đáng gọi là hổ thẹn?

Sa môn tiếp: – Xin ông đừng buồn, giờ đây tôi cứ sự thật chỉ ra minh bạch cho ông rõ: Chính ông giết cha để ăn thịt, lấy mẹ để làm vợ, ông lại nuôi kẻ cừu địch ở trong nhà, thì thử hỏi tâm hổ thẹn của ông ở chỗ nào, và việc làm ấy không ngu si thì gọi là gì?

Nghe sa môn nói như vậy, lửa sân của trưởng giả bùng dậy, ông bèn nói rằng: – Người xuất gia này nói năng thật bậy bạ, ông nói cái gì nghe kỳ quá vậy?

Sa môn không bối rối, lộ vẻ từ nhân, ôn tồn bảo trưởng giả rằng: – Ông hãy nghe tôi nói đây, thịt gà ông đương ăn là phụ thân đời trước của ông. Vì ông ấy lúc sanh tiền xan tham không hề xả thí nên sau khi bỏ thân, vì tiếc của, sanh làm gà trong nhà ông cho ông ăn thịt. Cô vợ hiện tại là mẫu thân đời trước của ông. Vì tâm luyến ái đối với ông chưa dứt nên trở lại làm vợ ông. Ðứa con cưng như bửu bối hiện tại đây, vào thời quá khứ nó từng làm quỷ La Sát. Lúc ấy, ông là người khách buôn, đi thuyền vào bể cả, bị gió thổi trôi giạt vào nước quỷ La Sát nên bị quỷ La Sát ăn. Như thế, trải qua năm trăm đời, thọ mạng của quỷ ấy kết thúc, chuyển sanh trong nhân gian làm con ông Vì quả báo của tội nghiệp dư thừa chưa trả hết nên nó đặc biệt đến làm con ông để mưu sát hại ông. Hiện tại dù ông đối đãi tử tế với nó cách nào, ngày cuối cùng sinh mạng của ông về tay nó giải quyết.

Dù sa môn nói như vậy, nhưng ông trưởng giả không thể nào tin được. Phật bèn dùng thần thông cho ông trưởng giả thấy, để trưởng giả tự mình quan sát biết rõ túc mạng của mình. Bấy giờ, trưởng giả thấy lời của Phật chân thật không sai, liền đối trước Phật cầu ai sám hối, và cầu Phật vì mình truyền Tam Quy Ngũ Giới.

Phật truyền quy giới cho trưởng giả xong bèn thuyết pháp. Ngay lúc ấy, trưởng giả chứng sơ quả Tu Ðà Hoàn.

Chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử, xoay vần qua lại trong sáu đường đâu ai biết được! Có điều chúng ta phải thừa nhận là từ vô thỉ kiếp trở lại, chúng ta đã trôi lăn trong sanh tử, tự nhiên mới tin chắc được tất cả chúng sanh đều từng làm cha mẹ của chúng ta. Chúng ta cũng từng làm cha mẹ của chúng sanh.

Tất cả những loài chúng sanh có rất nhiều, chủng loại không đồng nhau, đều đã là cha mẹ của chúng ta. Chúng ta đối với cha mẹ cần phải hết lòng hiếu thuận, cung kính không hết, đâu nên trở lại giết hại mà ăn? Như hiện tại “đi giết hại chúng sanh kia” để ăn thịt (bổn Việt văn dịch là “nếu giết chúng để ăn thịt”) ấy chính là không khác gì “giết cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp” của chúng ta.

Vì vậy, xin hãy lắng lòng một phen để suy nghĩ: Sinh mạng của cha mẹ có thể tùy tiện giết hại hay sao? Nhục thể của cha mẹ có thể tùy tiện thọ dụng hay sao? Lại đi giết hại để ăn, đó chẳng phải là đại bất hiếu và trái với tâm từ bi của người Phật tử hay sao?!

Cho nên bất cứ phương diện nào, giết hại cha mẹ mà ăn thịt đều là chuyện bất thành. Việc này trong Phật pháp cố nhiên là ngăn cấm, mà chính luân thường đạo lý trong thế gian cũng không cho phép.

Ðiều đáng tiếc là những người thông thường trên thế gian, vì tầm nhãn quan quá ngắn và sự nhận thức cũng không xa, nên chỉ nhận biết cha mẹ hiện đời mới thực là cha mẹ. Họ không biết rằng cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp rất nhiều và chỉ vọng nhận sắc thân tứ đại hiện tiền là thân mình, nên đối với chí lý “vạn vật đồng nhất thể” họ hoàn toàn không hiểu rõ.

Cho nên rõ ràng ở trong không có nhân ngã bỉ thử mà vì hư vọng, sanh khởi kiến chấp cho là có nhân ngã bỉ thử. Do đó mà khinh khi, lăng nhục lẫn nhau, thậm chí tàn hại, giết chóc lẫn nhau. Chỉ mong thụ hưởng sự an vui cho cá nhân mình, không nghĩ đến sự đau khổ, buồn thương của kẻ khác.

Do đó trên thế gian không biết bao nhiêu vấn đề hàng hàng, lớp lớp phát hiện không cùng, các thứ tai nạn cũng liên tục đưa đến vô tận. Nếu chân thật thể nhận một cách sâu rộng rằng tất cả nam tử, nữ nhân trong lục thú đều là cha mẹ của chúng ta. Giữa đó và đây yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Không ai xâm hại ai, không ai đả kích ai, cũng không lấn hiếp ai, không giết chóc ai. Lúc ấy, đi đến nơi nào cũng tràn ngập không khí hòa vui, thì trên thế gian này đâu có vấn đề gì phát sanh.

Thế nên với luận đề: “Tất cả chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ của mình” trong Phật pháp thường tuyên bố, toàn thể nhân loại cần xem trọng cũng là biểu hiện cụ thể sự “sanh duyên từ” (1) trong Phật pháp đã nói. Chẳng những thế, giết hại chúng sanh để ăn thịt là giết hại cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp chúng sanh. Và khi bạn sát hại thân chúng sanh, không nên cho đó chỉ là giết hại chúng sanh, mà chính thực ra, bạn cũng đã “giết thân cũ của mình”. Sự việc ấy phải giảng thế nào cho thông?

Phải biết rằng chúng sanh trong ba cõi sáu đường, bỏ thân rồi lại thọ thân. Hoàn toàn bẩm thọ tứ đại làm thể chất, mà thân cũ của chúng ta cũng do tứ đại hợp thành. Sanh mạng nhục thể của tất cả chúng sanh cũng như thân của chúng ta đều do tứ đại hợp thành. Vì thế, nếu sát hại thân người chính là đồng nghĩa với sát hại thân cũ của mình.

Vì sao biết thân cũ của mình do tứ đại hòa hợp mà thành?

Vì tất cả địa, thủy là thân trước của ta. Tất cả hỏa, phong là bổn thể của ta (bổn Việt văn dịch là “tất cả chất tứ đại đều là bổn thân, bổn thể của ta”). Chúng sanh nương nơi tứ đại mà thành thể chất. Việc này trong kinh chỗ nào cũng đều nói như vậy.

Nên kinh Viên Giác nói: “Thân này do tứ đại hòa hợp mà thành. Nghĩa là tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, tủy, não v.v… thuộc về Ðịa đại. Mũi rãi, máu, mủ, các thứ tân dịch thuộc về Thủy đại. Hơi ấm thuộc về Hỏa đại. Hơi thở và sự động chuyển thuộc về Phong đại. Chúng sanh lúc sanh ra do tứ đại tụ hợp mà thành thân bên trong.

Chúng sanh lúc chết do tứ đại ly tán thành vật bên ngoài. Dù tụ hợp hay ly tán tùy duyên, nhưng bản tánh của nó không khác. Cho nên, thánh nhân lấy chúng sanh làm thân mình, lấy vạn vật làm tự thể.

Vì rằng thân chúng sanh ở lục đạo, tam giới, xương thịt thuộc về Ðịa đại, huyết dịch thuộc về Thủy đại, mà đó cũng chính là thân đời trước của chúng ta. Hơi ấm thuộc về Hỏa đại, cử động và hơi thở thuộc về Phong đại, đó cũng chính là bổn thể của chúng ta.

Chẳng những trong Phật pháp giảng như vậy, mà trong thế tục cũng nói như sau: “Trong tấc lòng chí khí của trượng phu, tự có phong vân liệt sĩ, giao du trong tứ hải đều là huynh đệ”.

Ðây là đem tư tưởng “vạn vật đồng nhất thể” để biểu hiện cụ thể “pháp duyên từ” (2) trong Phật pháp. Nói như thế để rõ rằng: Cha mẹ là người thân nhất của chúng ta, thân mình là vật yêu nhất của đời ta. Cả hai huyết nhục tương quan này lại là đồng thể.

Thế nên phải nhanh chóng và thường xuyên làm việc phóng sanh. Chẳng những một đời, hai đời thường làm việc phóng sanh mà phải là đời đời, kiếp kiếp, bất cứ thọ sanh nơi nào cũng phải thường thực hành việc phóng sanh này, không nên để cho chúng sanh bị sự đau khổ vì giết hại.

Lại còn phải làm cho chúng sanh được hưởng sự khoái lạc, an nhiên, không sợ hãi. Vì sự an lạc, xa lìa thống khổ của chúng sanh chính là sự an lạc, xa lìa thống khổ của chính mình.

Thế nên sự cấm sát sanh và thực hành phóng sanh trong Phật pháp, xét theo bên ngoài là cứu tất cả chúng sanh trong lục đạo. Nhưng bên trong chính là cứu cha mẹ của chúng ta mà cũng là cứu bản thân của chúng ta.

Vì thế, mỗi đời thọ sanh ở bất cứ nơi nào đều phải làm việc phóng sanh. Ðây là quy luật thường hằng, tự nhiên phải như thế. Không phải là thọ sanh ở nơi này mới cần phóng sanh, còn thọ sanh ở nơi kia không cần phóng sanh.

Tại sao vậy? Vì phóng sanh là pháp phải thường làm, đời đời, kiếp kiếp đều phải phát tâm phóng sanh như vậy. Chẳng những tự mình lấy sự phóng sanh là điều cần phải làm mà còn cần phải khuyên bảo người khác phóng sanh.

Nếu chỉ một người thực hành hạnh phóng sanh, không sát sanh thì hiệu quả sẽ vô cùng nhỏ hẹp. Thế nên cần phải khuyên bảo mọi người phóng sanh. Ðược vậy, trong nhân gian mới có thể sống trong không khí hòa bình chân thực. Ðoạn trên đây là giải thích câu: “Cho nên thường phải làm việc phóng sanh”.

Như trên đã nói, chẳng những tự mình làm việc phóng sanh và khuyên bảo người phóng sanh, nếu lúc thấy người đời sát sanh, cần phải dùng phương tiện thiện xảo ngăn chận. Lại phải tận tâm tận lực cứu hộ chúng sanh bị giết hại, giải trừ nỗi thống khổ bị đánh đập, giết chóc cùng những tai nạn lâm nguy sắp chết cho chúng sanh.

Cứu hộ, giải trừ khổ nạn bằng cách nào?

Ðầu tiên phải dùng những lời nhã nhặn, khéo léo khuyến dụ để giáo hóa, dẫn dắt người tạo sát nghiệp, khiến cho họ thấy việc sát sanh là tàn nhẫn mà không còn tạo nghiệp sát hại nữa. Như thế mới là thượng sách bậc nhất. Tuyệt đối không nên dùng lời thẳng thắn quở trách, chỉ trích.

Chẳng hạn nói rằng: “Ông không nên tạo sát nghiệp như vậy, giết hại chúng sanh như thế là một điều tàn ác v.v…” Vì dùng những lời thẳng thắn không vị nể, cũng như lên mặt dạy người, chẳng những không thể đạt được mục đích cứu hộ sanh mạng chúng sanh mà trái lại làm cho người tạo sát nghiệp kia buồn thẹn, tức giận và càng sát hại chúng sanh nhiều hơn. Thậm chí, đôi khi còn gây nguy hiểm cho bản thân bạn nữa là khác.

Nếu dùng lời khéo léo khuyến dụ không có hiệu lực, thì nếu mình có đủ khả năng, nên dùng tiền mua chuộc lại chúng sanh ấy để phóng sanh. Ðây là trường hợp nếu mình không đủ sức khuyến hóa người khác thì mua hay chuộc lại sinh mạng của chúng sanh để đạt được mục đích cứu hộ chúng sanh của mình, hầu giúp các chúng sanh kia khỏi bị giết hại, cắt cổ, nhổ lông… để đạt được sự an ổn, khoái lạc.

Nếu khi thấy người đời sát sanh, mà làm ngơ như không thấy, không tìm phương tiện cứu hộ, giải trừ khổ nạn cho chúng sanh, thì hoàn toàn không phải là người Phật tử có đủ tâm đại bi, đại nguyện.

Thấy người khác sát sanh, dùng phương tiện để cứu hộ chúng sanh sắp bị sát hại, đương nhiên biểu lộ tâm từ bi của người Phật tử. Nhưng việc làm ấy, chỉ có thể cứu hộ một thiểu số sinh mạng chúng sanh bị thống khổ, không thể thực hiện việc cứu độ một cách rộng rãi.

Muốn cứu hộ chúng sanh một cách rộng rãi, phải thường đem giới Bồ Tát giảng dạy giáo hóa. Chỉ có thực hành như vậy mới có thể đạt đến mục đích cứu hộ tất cả chúng sanh, giúp chúng sanh vĩnh viễn thoát ly đại thống khổ sanh tử và đạt được đến cảnh Ðại Niết Bàn an lạc.

Giảng giải Ðại Thừa Bồ Tát giới, điều thiết yếu là làm sao cho chúng sanh hiểu chân lý “chư Phật cùng chúng sanh đồng nhất thể” một cách minh bạch. Ðem chánh pháp trợ giúp cho tâm linh của chúng sanh để diệt trừ tất cả phiền não tham, sân, si… bên trong và không còn bị phiền não sai sử mà ở trong biển sanh tử phiêu lưu khắp đông, tây. Ðấy mới là sự độ sanh chân chánh của Bồ Tát.

Và do đó, chúng ta thấy việc độ sanh của Phật pháp không phải là chỉ đem vật chất cung cấp cho chúng sanh đầy đủ, mà cần phải cấp cho sự giải thoát của tâm linh. Vì thế, thông thường các kinh đều nói là đem chánh pháp lợi ích quần sanh.

Nếu không vì chúng sanh giảng nói pháp Bồ Tát, thì rất khó làm cho chúng sanh trở lại bổn nguyên tâm địa mà được giải thoát. Ðây là sự cứu hộ chúng sanh một cách triệt để, đồng thời cũng biểu hiện cụ thể pháp Vô Duyên Từ (3) trong Phật pháp.

Hành giả Bồ Tát giảng nói kinh luật, lấy việc cứu độ tất cả chúng sanh cùng cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp làm mục đích. Nhưng nếu cha mẹ, anh em hiện đời của mình thệ thế, ngày mới lâm chung, hoặc ngày cúng kỵ mỗi năm, nên thỉnh Pháp Sư giảng kinh luật Bồ Tát giới để cầu cho người chết nhờ phước đức ấy được vãng sanh Tịnh Ðộ, ra mắt chư Phật, hoặc được thác sanh trong cõi trời, cõi người.

Trong Phật giáo của chúng ta, xưa nay thường vì người quá cố mà làm Phật sự: tụng kinh siêu độ, nhưng rất ít có ai thỉnh Pháp Sư giảng kinh để làm lễ siêu tiến cho vong nhân. Tụng kinh siêu độ cố nhiên là một pháp tiến vong (cúng vong), giảng kinh siêu độ lại là một pháp càng trọng yếu hơn.

Giảng kinh luật Ðại Thừa tại sao có thể siêu độ được vong nhân?

Vì kinh luật Ðại Thừa có công năng sanh thiện diệt ác và tiêu tội được phước. Cho nên giảng kinh luật này để tư trợ cho người chết có thể làm cho nghiệp chướng của họ được tiêu trừ, trí huệ họ được phát sanh. Nếu thác sanh vào cõi trời, người, nhờ công đức giảng kinh luật tư trợ, vong nhân được vãng sanh Tịnh Ðộ, ra mắt chư Phật. Nếu đọa lạc chốn u đồ, thì nhờ công đức giảng kinh tư trợ, vong giả được thoát ly u đồ, sanh cõi nhân thiên.

Phật giáo có giới Thanh Văn và Bồ Tát, nhưng vì sao ở đây đặc biệt chỉ giảng nói kinh luật Bồ Tát giới?

Vì Bồ Tát giới là giới có thể bao hàm luôn giới Thanh Văn trong ấy. Trái lại, giới Thanh Văn không thể bao hàm Bồ Tát giới. Vì thế, nên phải giảng Bồ Tát giới… Lại nữa, Bồ Tát phải lấy việc rộng độ chúng sanh làm mục đích, nên chỉ có giảng giải Bồ Tát giới mới có thể độ tất cả chúng sanh.

Cho nên trong kinh, Phật riêng giảng dạy Bồ Tát giới, nhất là Ðại Thừa Phạm Võng kinh hiện đang giảng đây. Kinh này do đức Lô Xá Na truyền lại, là bổn nguyên của chư Phật, là căn bổn của tất cả chúng sanh, là cửa đầu tiên vào cảnh Niết Bàn, là con đường tắt qua cõi nhân, thiên.

Người sống nếu một phen được nghe Bồ Tát giới kinh xuyên qua nhĩ căn sẽ vĩnh viễn thành Phật chủng. Người quá cố nếu được nghe Bồ Tát giới kinh tư trợ, nếu đang ở chốn u minh, nương nơi phước đức ấy được vãng sanh Tịnh Ðộ, thấy Phật nghe pháp, hoặc được sanh lên thiên giới hưởng thọ khoái lạc thù thắng, hoặc sanh cõi nhân gian tu học pháp Bồ Ðề của Phật.

Vì thế nên biết: giảng nói giới pháp công đức rất lớn, không chi sánh bằng.

Ở đây có người hỏi:

Thân tâm của con người hiện còn và người quá cố sai khác không đồng. Thân tâm của người còn sống tu các phước nghiệp thì lại có thể làm cho thân tâm, anh linh của người quá vãng được phước lạc ư? Lại nữa, Phật pháp xưa nay thường nói “tự tác, tự thọ”, hiện tại tự mình tạo phước mà người khác hưởng thọ thì không trái với luật nhân quả hay sao?

Ðáp: Ðúng là như vậy không sai, vì nói theo luật nhân quả thì vấn đề này quả thật không có lý vì mình làm mà người khác hưởng thọ. Nhưng nói về sự mình và người làm duyên trợ giúp lẫn nhau, không phải là hoàn toàn không có công dụng. Như đức Mục Kiền Liên vì mẫu thân làm phước, vong linh của bà liền được thoát khỏi những thống khổ trong cảnh giới ngạ quỷ, được vãng sanh thiên giới.

Do đó, dù thân tâm của kia đây sai khác bất đồng, nhưng ý nghĩ tương cảm, tương ứng giữa người này và người kia không phải hoàn toàn không có. Vì vậy, dù tụng kinh hoặc giảng nói kinh luật Ðại Thừa đều có công dụng siêu độ cho vong nhân.

Về việc giảng Luật, ở Trung Hoa đầu tiên vào truyền Nguyên Ngụy, có Pháp Sư Pháp Thân. Ðến triều nhà Ðường có Tăng Thống luật sư ở nước Tân La. Lúc ngài ở chùa Hoàng Long (bổn quốc) giảng Bồ Tát giới suốt bảy ngày đêm, cảm động đến thiên giới. Chư thiên làm mưa nước cam lồ, tường vân dày đặc che phủ giảng đường. Hàng tứ chúng thính giả trông thấy, ai cũng đều kinh ngạc và ngợi khen chưa từng có. Do đây có thể biết: giảng kinh luật, kẻ còn cũng như người mất đều được lợi ích; đâu phải là sự việc của những người thông thường có nghĩ bàn được!

Những người còn sống thì được giải trừ nguy nan. Ðó là việc lành cứu tế sinh mạng cho chúng sanh. Người quá vãng thì được siêu độ thần thức, đó là việc làm cứu huệ mạng cho chúng sanh.

Ðối với chúng sanh còn sống, không vì họ giải trừ nguy nan và cứu tế lúc họ bị giết hại, tức là không nghĩ tưởng đến sinh mạng của chúng sanh. Ðối với những chúng sanh đã chết, không vì vong giả siêu độ thần thức bị trầm luân, ấy là không đoái tưởng đến huệ mạng của chúng sanh. Cho nên trong kinh kết luận: “Phật tử này phạm khinh cấu tội”.

Cứu nguy nạn cho chúng sanh lúc còn sống là lưu lộ tâm từ bi của người Phật tử. Siêu độ thần thức của vong nhân khi họ qua đời là biểu hiện tâm hiếu thuận của người Phật tử.

Nếu bất hiếu, bất từ thì đâu thể nào tránh khỏi tội lỗi, mà phải kết thành tội khinh cấu. Nếu đem Tam Tụ Tịnh Giới phối hợp với giới này thì thấy rằng:

– Phát khởi từ tâm, ngăn cấm sự sát hại là không phạm Nhiếp Luật Nghi giới.

– Phương tiện cứu hộ là giữ gìn Nhiếp Thiện Pháp Giới.

– Thực hành việc phóng sanh là phụng hành Nhiếp Chúng Sanh Giới.

Vì thế, nghiêm trì giới này không vi phạm là hoàn toàn đầy đủ Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát vậy.

Hai câu: “Mười giới như thế cần phải học và hết lòng kính trọng phụng trì như trong phẩm Diệt Tội đã giảng rõ mỗi giới”: Hai câu này là lời tổng kết, lược khuyến đối với mười giới đã giảng trên. Nghĩa là một vị Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, đối với mười giới đã giảng, cần phải triệt để theo đúng mà tu học từng giờ, từng phút, phải hết lòng kính trọng phụng trì không được phút giây xao lãng, giải đãi. Phần giảng từ trước đến đây chỉ là sơ lược. Ở trong phẩm Diệt Tội có giảng chi tiết mỗi giới.

 

Chú thích

1. Ba loại từ bi:

– Sanh duyên từ: gọi đủ là Chúng Sanh Duyên Từ Bi. Dùng tâm từ bi xem xét, quan sát tất cả chúng sanh trong lục đạo ở mười phương đều là cha mẹ, chị em, con cháu của mình. Nương theo đó mà nghĩ suy tìm cách cứu khổ nên gọi là Chúng Sanh Duyên Từ Bi tâm. Nghĩa là tâm từ bi do nơi chúng sanh mà sanh khởi. Tâm từ bi này đa số ở những hành giả còn ở địa vĩ phàm phu, hoặc bậc Hữu Học, chưa đoạn diệt phiền não mà sanh khởi.

– Pháp duyên từ: Gọi đủ là Pháp Duyên Từ Bi tâm, là hàng thánh nhân trong tam thừa đã đoạn phiền não, thông đạt đến lý Pháp không (các pháp duyên sanh như huyễn, không thực có), đã phá trừ được ngã tướng (phá tướng chấp có ngã), phá tướng nhất dị (không thấy có tướng giống và khác, nghĩa là không còn thấy mình và người khác nhau), diệt tướng nhất dị. Thấy chúng sanh không hiểu rõ lý pháp này, sanh lòng thương xót, nhứt tâm, nhứt ý muốn cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Luôn luôn tùy thuận tâm ý của mỗi chúng sanh mà cứu độ, nên mệnh danh là Pháp Duyên Sanh Từ Bi (tâm từ bi duyên nơi các pháp mà phát sanh).

– Vô duyên từ: gọi đủ là Vô Duyên Từ Bi tân. Tâm từ bi này chỉ có chư Phật mới có. Vì tâm từ bi của chư Phật không an trụ trong các pháp hữu vi hoặc vô vi, cũng không an trụ trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Biết các duyên không thật có, đều là điên đảo, hư vọng. Cho nên tâm của chư Phật không có cảnh sở duyên. Nghĩa là không duyên vào một pháp nào cả. Chư Phật vì thấy chúng sanh không đạt được Thật Tướng của các pháp nên bị luân hồi trong lục đạo, tâm thường đắm trước các pháp thủ xả, phân biệt, nên tâm chư Phật không duyên nơi chúng sanh, mà khiến cho tất cả chúng sanh tự nhiên được sự lợi ích bởi sự cứu khổ, ban vui, nên gọi là Vô Duyên Từ Bi Tâm (tâm từ bi của chư Phật không duyên vào một pháp nào).

Ba loại tâm từ bi này được giải thích rõ trong Ðại Trí Ðộ Luận, quyển hai mươi và trong kinh Ðại Niết Bàn.

Năm thứ lợi ích của tâm từ bi theo kinh Ðàn Ðặc Ca:

1. Không bị đao gươm làm hại sanh mạng.

2. Không bị tất cả các thứ độc dược làm hại.

3. Không bị lửa cháy.

4. Không bị chết vì nạn nước.

5. Những người hung ác, sân hận khi trông thấy liền phát khởi thiện tâm.

Mười hai lợi ích của tâm từ bi theo kinh Pháp Cú:

1. Phước đức thường theo bên mình.

2. Khi nằm ngủ được an ổn.

3. Lúc thức cũng được an ổn.

4. Lúc ngủ không thấy những điềm ác mộng.

5. Chư thiên thường ủng hộ.

6. Mọi người đều mến thương.

7. Không bị tất cả thú độc làm hại.

8. Không bị đao binh làm hại.

9. Không bị chết vì nạn nước.

10. Không bị chết vì nạn lửa.

11. Ở nơi nào cũng được nhiều lợi ích.

12. Sau khi xả thân được sanh lên cõi trời Phạm thiên.

(Nếu những người tu hạnh từ bi mà kiêm tu pháp môn Tịnh Ðộ thì lúc sanh tiền được những điều lợi ích như trên, sau khi xả thân được sanh về Cực Lạc).

Nam mô A Di Ðà Phật! Nhân dịp giải thích ba loại từ bi tâm, dịch giả y trong kinh, thành kính thuật lại các sự lợi ích của tâm từ bi để cống hiến quý đại sĩ. Mong quý vị y theo lời Phật dạy, thực hành tâm từ bi để “danh” phù hợp với “Thật”.

Là Phật tử đã thọ Tâm Ðịa đại giới, tu Bồ Tát hạnh, thì hiện tiền được nhiều lợi lạc. Phải nên chuyên tâm niệm Phật, đem những công hạnh thực hành tâm từ bi hồi hướng về Tây Phương Cực Lạc thì chẳng những hiện tiền được hưởng những lợi ích như trong kinh đã nói, khi xả báo thân được vãng sanh về Cực Lạc, được thấy Phật, nghe pháp, được phẩm vị cao. Sau đó, tiếp tục tu hành cho đến khi viên thành Phật quả, thành một bậc đại phước, đại trí, hiện thân trong vô lượng thế giới, cứu độ chúng sanh.