Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh
B.2.2.19. LƯỠNG THIỆT GIỚI (giới lưỡng thiệt: lưỡi đôi chiều)
Kinh văn:
Nếu Phật tử vì ác tâm thấy thầy tỳ kheo trì giới hay bưng lư hương, tu hạnh Bồ Tát, lại đi nói năng đâm thọc hai đầu, khiến cho sanh sự bất hòa, còn thêm khinh khi người hiền tạo nhiều tội ác. Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Giới thứ mười tám phía trước chỉ giải rõ lỗi sự chính mình không hiểu biết mà thích đi làm thầy cho người. Giới này giải rõ lỗi đối với những bậc đức hạnh lại sanh tâm khinh khi, hủy báng.
Là một Bồ Tát, đối với những vị Bồ Tát đồng hạnh nguyện với mình, đáng lý phải cực lực mỹ tán, tuyên nói vị Bồ Tát ấy có khả năng truyền pháp độ sanh, khiến cho mỹ danh của vị ấy được truyền bá khắp nơi để cho vô lượng chúng sanh hướng về vị ấy học tập Phật pháp, tạo nên không khí hài hòa an lạc giữa đôi bên. Như thế thật không phải là điều dễ làm.
Nếu khi nhận thấy giữa mình và bạn đồng hạnh nguyện phát sanh ý kiến trái nhau, đưa đến việc tranh tụng, cần phải vận dụng hết sự khéo léo của mình để cho đôi bên được hòa hợp trở lại, không bị đoạn giao. Như vậy mới là hành động cần có của một vị Bồ Tát.
Nhưng hiện tại nếu chẳng những bạn không thực hành như vậy, lại còn đứng trung gian khiêu khích, lập bày mưu kế, dùng lời nói hoặc việc làm khiêu chọc mối hiềm khiêu khích của hai bên, tạo cảnh ly gián, đấu tranh v.v… phá hoại sự hòa hợp của người, làm cho thiện pháp mỗi ngày một tổn giảm, ác pháp mỗi ngày một gia tăng, đến nỗi tạo nên sự chướng ngại, bỏ bê việc tu chính của mình. Thật là một tội rất lớn. Vì nhận thấy điều ấy nên Ðức Phật đặc biệt chế lập ra giới này.
Lời nói là một công cụ làm môi giới cho nhân loại truyền đạt hữu hiệu ý kiến với nhau. Nhưng nếu giữa người và người suốt ngày chỉ lo đào bới những việc phải quấy, khiêu bát, tạo nên sự ly gián không dứt. Thử hỏi sự hòa hợp của nhân loại làm sao kiến tạo được?
Vì thế lựa chọn lời nói là điều vô cùng quan trọng. Nếu chỉ cần thiếu thận trọng một chút, sẽ đánh mất sự hòa vui giữa người và người. Nhất là việc nói Ðông, nói Tây, ở bên này nói theo bên này, sang bên kia nói theo bên kia. Làm cho đôi bên phát sanh việc gây gổ lộn xộn không cần thiết. Ði đến đâu cũng làm như thế, tạo không khí thù nghịch đầy dẫy.
Vì trái với hạnh hòa hợp nên không có tội nào hơn tội này. Do đó, việc đứng thế trung gian gây tạo sự ly gián giữa hai bên là việc quyết định không được làm. Ðức Phật đối với đại chúng dạy rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ giới Bồ Tát rồi, nếu vì sanh ác tâm, thấy thầy tỳ kheo, tay bưng lư hương, tu hạnh Bồ Tát. Nếu chẳng những không làm cho người tăng phần tốt đẹp, để cùng nhau chuyển pháp luân của Như Lai. Trái lại, tự đi đâm thọc hai chiều, làm cho sanh sự bất hòa, khinh khi người hiền, tạo nhiều điều tội ác. Phật tử này phạm khinh cấu tội”.
Ác tâm bao gồm những tâm hạnh không chánh đáng, thí dụ như khi thấy vị Bồ Tát tỳ kheo nghiêm trì mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, cho rằng những hành vi đúng pháp, đúng luật của vị ấy hoàn toàn không đồng với tác phong của mình bèn sanh tâm tật đố, dùng nhiều biện pháp cực lực đả kích.
Hoặc thấy mọi người thường tán thán, cúng dường vị Bồ Tát tỳ kheo ấy, trong khi mình cũng là người thực hành hạnh Bồ Tát, tại sao lại không được ai tán thán, cúng dường mình? Bấy giờ liền sanh tâm tạo sự chướng ngại cho vị Bồ Tát tỳ kheo ấy. Dùng nhiều biện pháp khiến cho mọi người không còn ai đến tán thán, cúng dường vị ấy nữa.
Hoặc thấy có người thực hành Bồ Tát đạo, chỉ rập khuôn theo những hành động của Bồ Tát mà bắt chước, hoàn toàn không biểu lộ được một nét đặc sắc của riêng mình, nên sanh tâm khinh khi, lăng nhục, dùng nhiều biện pháp nếu không lăng nhục thì cũng khinh khi, khiến người ấy không còn thể diện với mọi người. Hoặc thấy mọi người tất cả đều tầm thường không có gì hơn mình nên khởi tâm kiêu mạn, muốn so tài với người ấy để xem ai hơn, ai thua.
Hoặc cùng với những kẻ cùng phe phái của mình lại cực lực ủng hộ mọi mặt, không đúng cũng cho là đúng. Còn với những người không cùng phe với mình, lại cực lực bài xích, việc đúng cũng cho là không đúng. Lại có trường hợp luôn luôn rao nói chỗ sở đoản của người. Cho rằng người đó trăm việc đều sai, không có một việc phải…
Những tâm phiền trược, phiền não như vậy đều thuộc về loại Ác Tâm mà ở đây đã nói. “Thầy tỳ kheo trì giới” chỉ vị tỳ kheo hiền thiện bị nói đâm thọc.
“Có thể nghiêm trì cấm giới” chỉ việc không vi phạm một giới nào, dù trọng cũng như khinh. Ðây không phải đơn thuần là danh từ “tỳ kheo” (1) như trong Luật nói, mà là vị Bồ Tát tỳ kheo có đầy đủ đức hạnh.
Với một vị tỳ kheo nghiêm trì cấm giới như vậy, đáng lý phải hết lòng cung kính ủng hộ để cho vị ấy được an tâm thực hành hạnh “vì pháp vì người”. Nhưng vị Bồ Tát này lại do tâm tật đố v.v… sai khiến, không thích thấy những vị tu hành thuần khiết như vậy, nên đem lời nói của vị này đến nói với vị kia, đem lời của vị kia đến nói với vị này, khiến cho hai bên không còn an vui hòa hợp lẫn nhau, không thể tiếp tục cùng nhau thực hiện việc vì pháp, vì người. Việc làm này nhất định không thể được.
Dùng lời nói đâm thọc những kẻ thông thường tội còn rất lớn, huống chi đâm thọc vị Bồ Tát tỳ kheo trì giới, thực hành công hạnh vì pháp vì người, thì tội ấy đương nhiên phải nặng hơn nhiều.
“Tay bưng lư hương” là nói một hạnh trong số mười tám hạnh của người tu hạnh Ðầu Ðà. Hạnh này dùng để tượng trưng vị Bồ Tát, dù tu Lục Ðộ Vạn Hạnh, dù đi khắp nơi hóa độ chúng sanh, vẫn không bao giờ quên cung kính, cúng dường chư Phật.
Có nơi giải thích thành ngữ “tay bưng lư hương” theo hai nghĩa:
1. Dùng lư hương biểu lộ tín căn. Nghĩa là Bồ Tát phát tâm muốn thâm nhập pháp giới phải lấy Tín làm đầu. Nếu không có tín tâm thì không thể thâm nhập giới tánh.
2. Dùng lư hương tượng trưng cho tịnh hạnh, tức là Bồ Tát phát tâm muốn viên mãn ngũ phần Pháp Thân (giới, định, huệ…) cần phải tu học tịnh hạnh. Nếu không có tịnh hạnh thì không thể viên chứng ngũ phần pháp thân. Thiện hạnh của Bồ Tát thật là rất nhiều, nhưng ở đây nói “tay bưng lư hương” chẳng qua ý muốn nêu một trong nhiều thứ thiện hạnh mà thôi.
“Hành Bồ Tát hạnh” chứng tỏ đây là vị Bồ Tát tỳ kheo Ðại Thừa, không phải tỳ kheo Thanh Văn tu hạnh Tiểu Thừa. Hành giả Ðại Thừa chỉ có một lòng thực tiễn tu hành Bồ Tát hạnh không gián đoạn, mới có thể đạt đến mục đích thành Phật. Vì tất cả Bồ Tát rốt sau được thành Phật đều do hành Bồ Tát hạnh mà hoàn thành Phật quả.
Vị ấy là Bồ Tát tu hành Bồ Tát hạnh, ta cũng là Bồ Tát hành Bồ Tát hạnh. Cả hai chí đồng, đạo hợp, cần phải nương nhau cùng tiến, chung nhau thực hành sự nghiệp độ sanh, cùng nhau thú hướng quả vô thượng Bồ Ðề.
Trái lại, nếu bạn đi đâm thọc hai đầu, rồi đứng ở giữa nhận lấy sự khoái lạc hoặc thu lấy tài lợi v.v… như thế thì đâu còn tư cách gì gọi là Bồ Tát?
“Ðứng trung gian nhận lấy sự khoái lạc” là như thế nào?
Vì lúc đâm thọc hai đầu, tự nhiên làm cho hai bên sanh ra bất hòa, tức là đạt đến mục đích khiêu bát, ly gián của mình. Do đó, trong tâm cảm thấy khoái lạc vô cùng. Cho nên nói rằng “đứng trung gian nhận lấy sự khoái lạc”.
“Ðứng trung gian được tài lợi” là thế nào? Là lúc đâm thọc hai đầu, sau khi mọi người sanh ra bất hòa, lúc ấy đứng bên ngoài, mình chộp lấy cơ hội thu tiền bên này, đoạt tiền bên kia, nên gọi là “đứng trung gian thủ tài lợi”. Phá hoại sự hòa hợp của người như thế không khác gì tự làm cho pháp môn bị bại hoại. Hành động ấy không phải là tâm từ thiện của người Phật tử nên làm.
“Ðâm thọc hai đầu”: làm cho hai bên sanh ác cảm, từ đó phát sanh ra việc phải quấy. “Hai đầu” là nói lời hai chiều, các vị Bồ Tát kia vốn không bất hòa, nhưng vì bạn muốn cho họ sanh việc gây gổ tranh cãi. Hoặc vì bạn tật đố các bậc hiền thiện, muốn làm chướng ngại, não hại. Bấy giờ bạn đứng trung gian, khêu dấy lên những việc phải quấy. Ðem lời nói người này truyền sang người kia, đem lời người kia truyền sang người này, làm cho hai bên sanh ác cảm nhau, tranh chấp, gây gổ nhau. Bạn không nhường tôi một bước, tôi cũng không nhường bạn một bước, đến nỗi phát sanh nhân ngã, thị phi suốt ngày, gác bỏ mọi việc độ sanh cần phải thực hành qua một bên. Thử hỏi việc làm này gây tổn hại thật lớn lao cho Phật pháp biết dường nào? Thật là một tội nhân phá hoại Phật pháp vậy!
“Khinh khi người hiền” chỉ cho quý vị Bồ Tát tỳ kheo nghiêm trì cấm giới, thuộc về bậc hiền thánh tăng. Do ác tâm, tật đố của bạn xúc giục, bạn dùng những lời không căn cứ, hư vọng, báng bổ những bậc hiền thánh tăng. Các vị này vốn không có lỗi gì, mà bạn lại dùng lời hư vọng tạo thành thị phi, nói vị ấy như thế này không đúng, như thế kia không đúng, để làm mất danh dự tốt lành của các ngài.
“Tạo nhiều tội ác” có hai lối giải thích:
1. Phỉ báng những bậc hiền thánh tăng nghiêm trì cấm giới đúng pháp, đúng luật, bằng cách đi đâm thọc hai đầu. Ðối với các bậc hiền thánh tăng mà bạn còn có thể phỉ báng, thì dĩ nhiên đối với bất cứ tội ác gì, bạn cũng đều có thể gây tạo. Cho nên nói là “tạo nhiều tội ác”.
2. Các bậc hiền thánh tăng đúng pháp, đúng luật nghiêm trì cấm giới. Chính bản thân các ngài không có lỗi chi, nhưng chỉ do bạn đâm thọc hai đầu, dùng những tội vô căn cứ khi báng các Ngài, nói các ngài không phải là vị Bồ Tát tỳ kheo chân chính trì giới, mà là một tăng nhân mọi tội ác đều có thể gây tạo. Cho nên điều này gọi là tạo nhiều tội ác.
Với hai lối giải thích trên, lối trước nói về chính bản thân gây tạo tội ác, lối sau nói về việc hủy báng người mà tạo ra các tội ác. Hai lối giải thích này đều đúng và tùy theo bạn ở vào trường hợp nào mà luận tội.
Giới hủy báng thứ 13 ở trước và giới lưỡng thiệt thứ 19 này có những điểm nào khác nhau?
Về tội hủy báng người tốt, người lành, hoặc khinh khi người hiền, giữa hai giới không có gì khác nhau lắm. Có thể nói là tương đồng. Nhưng sở dĩ có sự phân biệt chế thành hai giới vì chư thượng đức cho rằng sự dụng tâm có phần sai biệt:
Giới hủy báng là luận về sự dụng tâm hãm hại người, tức là làm cho người mất danh dự. Trong khi giới lưỡng thiệt dụng tâm ở chỗ ly gián người. Lý do Phật chế lập thành hai giới khác nhau chính do nơi chỗ sai biệt của hai giới này vậy.
Ngoài ra, sự ly gián tình cốt nhục của người, làm cho gia đình người sinh chuyện bất hòa. Thậm chí làm cho táng gia bại sản, thiệt hại nhân mạng, cũng đều thuộc về giới này.
Lại nữa, trong xã hội, mọi người đang hòa thuận, vui vẻ, bỗng do sự đâm thọc đông tây, khiến cho mọi người sanh nghi kỵ lẫn nhau. Bạn không tín nhiệm tôi, tôi không tín nhiệm bạn, khiến xã hội không được an hòa, thậm chí phát sanh đấu tranh. Tất cả đều là do nói lưỡi đôi chiều, đâm thọc hai đầu mà ra.
Thực tế thì giữa con người với nhau khó lòng tránh khỏi sự thương ghét, nhưng điều cốt yếu là đừng để tâm lay chuyển vì sự ghét thương. Ðiều này chỉ có những bậc hiển đạt cao minh mới có thể thực hành được.
Như trường hợp hai vị cao tăng là Viên Ngộ Phật Quả Khắc Cần thiền sư và Cao Am Thiện Ngộ thiền sư. Ðương thời, đại danh của hai Ngài lan rộng khắp tăng giới, nhưng tình cảm của người đời đối với hai Ngài không đồng nhau. Những người kính mến Viên Ngộ thiền sư, lại sanh tâm bất mãn đối với Cao Am thiền sư, và ngược lại những người kính mến Cao Am thiền sư lại bất mãn thiền sư Viên Ngộ. Khi Viên Ngộ trụ nơi Vân Cư thì Cao Am lại thối lui về Ðông Ðường.
Bấy giờ, khắp các tòng lâm trong nước đâu đâu cũng nghe chuyện rối ren, lộn xộn giữa các đồ đệ của hai danh tăng, nhưng thực sự thì giữa cá nhân hai ngài hết sức hòa hợp, hoàn toàn không có điều gì bất hợp ý. Trong lúc Cao Am thối lui về Ðông Ðường, Viên Ngộ hết sức thương mến và ưu đãi. Ngài đem am Ngọa Long do Phật Ấn thiền sư sáng tạo và tu bổ để cúng dường Cao Am thiền sư để thiền sư có chỗ an nhàn tu niệm dưỡng lão. Ðiều này chứng tỏ rằng hai ngài rất hòa hiệp kính mến nhau.
Như thế vì trường hợp đặc biệt nào mà một vị Bồ Tát lại có thể vận dụng lưỡi đôi chiều, nói lời ly gián mà chẳng những không trái phạm giới luật, còn được sanh rất nhiều công đức?
Ðó là trong trường hợp có người vì không có trí huệ, biện biệt được điều phải, quấy, xấu, tốt, bị những bằng hữu bất lương dẫn dắt lầm đường. Trải qua lâu ngày chầy tháng, người ấy bị ác hữu dắt vào con đường tội lỗi và gây lắm tội ác.
Bồ Tát biết rõ chuyện này, nên thấy rằng nếu để cho người ấy mãi mãi giao tiếp với ác hữu thì hậu quả sẽ không thể nào nhận lãnh được, Ngài bèn khởi tâm từ mẫn, muốn đem lại lợi ích cho người, nên dùng phương tiện khéo léo, nói những lời ly gián giữa hai bên, khiến cho người ấy dần dần ly khai bọn ác hữu, để cuối cùng không còn quan hệ với bọn ác hữu nữa và tương lai khỏi phải chịu đại khổ vô tận vô biên. Nói lời ly gián như vậy thì không có gì là tội lỗi.
Chú thích:
(1) Danh tự tỳ kheo: một trong tám loại tỳ kheo. “Danh tự tỳ kheo” là ám chỉ những người tu chỉ mang danh từ “tỳ kheo” suông, mà thực chất không thọ giới pháp. Nhiều người tự xưng mình là tỳ kheo hay tỳ kheo ni, mà không thọ trì giới pháp thì đó chỉ là tỳ kheo trên danh nghĩa, không phải vị tỳ kheo chân thật.
(2) Tương tợ tỳ kheo – tỳ kheo ni: là những người tuy cạo bỏ râu tóc nhưng không thọ giới pháp của Phật. Hình dáng, oai nghi, cử chỉ bắt chước theo tỳ kheo và tỳ kheo ni rất giống. Nhưng sự thật thì không phải là tỳ kheo và tỳ kheo ni. Vào thời Mạt Pháp có rất nhiều vị “tương tợ tỳ kheo, tỳ kheo ni” vẫn cạo râu tóc, mặc áo ca sa (không phải y điều, mà chỉ mặc y phục hoại sắc), nhưng không thọ giới pháp do bạch Tứ Yết Ma. Các vị này chuyên đi làm các việc công đức lớn nhỏ. Tại Nam Mỹ, có chủng tộc người Thổ, bất luận nam hay nữ đều cạo tóc, cho nên gọi là chủng tộc trọc đầu. Hiện nay phong tục của chủng tộc này vẫn còn.
(3) Tự xưng tỳ kheo, tỳ kheo ni: là những người tự mình cạo râu tóc, sanh tâm cống cao ngã mạn, không thực hành theo luật nghi của Phật dạy, không thọ Cụ Túc Giới và tự mặc y điều, rồi ở trong Tăng giới, tự xưng mình là tỳ kheo, tỳ kheo ni. Ðây là hạng người tặc trụ, cần phải diệt tẫn, không cho ở trong giới xuất gia, cũng không cho được thọ giới.
(4) Thiện lai tỳ kheo, tỳ kheo ni: trong luật Thiện Kiến, quyển 7 nói:
“Thiện lai tỳ kheo số ấy được bao nhiêu?
– Có một ngàn ba trăm bốn mươi mốt người.
Xin kể danh tự của quý tỳ kheo ấy?
– Năm anh em A Nhã Kiều Trần Như và năm mươi bốn người gồm con của Da Xá trưởng giả cùng các vị thiện tri thức bao gồm:
– Bạc Quần có ba mươi người.
– Xà Trí La có một ngàn người.
– Tôn giả Mục Liên và Xá Lợi Phất có hai trăm năm mươi người và Ương Quật Ma La một người.
Trong Luật dùng kệ tán thán một ngàn ba trăm bốn mươi mốt vị Thiện Lai tỳ kheo như sau:
Một ngàn ba trăm bốn mươi mốt người.
Có đại tín tâm,
Ðồng đến chỗ Phật.
Như Lai mở lượng,
Ðại từ đại bi.
Ðưa tay sắc vàng,
Dùng tiếng phạm âm,
Gọi rằng “thiện lai”,
Ngay trong lúc ấy,
Ðược độ xuất gia,
Y bát có đủ,
Ðều là Thiện Lai.
Những bậc có đại trí huệ đều được gọi là Thiện Lai Tỳ Kheo.
Ngoài số Thiện Lai vừa kể trên, lại còn có Tư Lâu bà la môn cùng ba trăm người đồng đến chỗ Phật xuất gia.
Tôn giả Ma Ha Kiếp Tân Na cùng một ngàn đồng đến chỗ Phật để xuất gia. Tại Ca Tỳ La Vệ có một vạn người cùng đến chỗ Phật để xuất gia.
Bà la môn Ba La Dạ Ni cùng một vạn sáu nghìn người tại Xá Vệ cũng đến chỗ Phật xin xuất gia. Quý Thiện Lai tỳ kheo này ở trong Tu Ða La có nói tên, nhưng trong Luật Tạng không thấy nói.
Quý Thiện Lai tỳ kheo này đều là bậc lợi căn, khi đến Phật vừa nghe lời dạy từ kim khẩu của Phật: “Thiện lai tỳ kheo! Các ông nên tu phạm hạnh để được hết nguồn gốc khổ não!” tức thời râu tóc tự rụng, có cà sa mặc liền trên thân. Quý vị này từ kim khẩu của Phật mà đắc giới, nên gọi là “thiện lai đắc giới”.
Như trong Luật nói: “Thiện lai tỳ kheo liền đắc giới Cụ Túc”.
Có vị do thọ giáo mà đắc giới Cụ Túc, như Ðức Phật bảo tôn giả Ðại Ca Diếp rằng: “Không nên học như thế, nên thường nhớ nghĩ nơi tâm đừng quên mất. Ca Diếp! Ông nên học như vậy”.
Ðại đức Ca Diếp do sự dạy bảo của Như Lai mà được đắc giới Cụ Túc.
Lại có vị do đáp lời hỏi mà đắc giới, như tại chùa Phú La Di có ngài Tu Ba Ca sa di. Khi Ðức Phật căn cứ vào mười pháp Quán Bất Tịnh để hỏi từ “sình chương” hay “sắc thân” là đồng nhất hay sai khác, Tu Ba Ca lập tức đáp ngay. Ðức Phật tán thán rằng: “Hay lắm”, rồi hỏi tiếp:
– Ông năm nay được mấy tuổi?
– Bạch Thế Tôn! Con được bảy tuổi.
Ðức Thế Tôn nói: – Ông mới bảy tuổi mà giỏi quá, có thể dùng chánh tâm cùng với bậc Nhất Thiết Trí khéo léo đáp lời hỏi. Ta sẽ cho ông thọ Cụ Túc giới.
Như trên là quý thiện lai tỳ kheo, nên giới ni chúng cũng có quý thiện lai tỳ kheo ni. Như người đầu tiên thọ Bát Kỉnh Pháp mà đắc giới là Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Ðề tỳ kheo ni.
Lại có trường hợp nhờ người đến chỗ Thế Tôn thọ Cụ Túc giới là Bán Ca Thi nữ nhân. Vì vị này dung nhân tuyệt đẹp trên đời có một không hai, nên sợ bị ác nhân cướp giựt phá rối khi đi đường. Vì vậy, đức Thế Tôn cho phép nhờ người khác đến thọ giới Cụ Túc.
Lại có trường hợp một nữ hài nhi vừa ra khỏi thai, trên thân đã mặc chiếc bạch y. Trong kinh Bách Duyên quyển 8, kể rằng:
“Nữ đồng nhi ấy đến chỗ Phật cầu xin xuất gia. Ðức Phật dạy rằng: “Thiện lai tỳ kheo ni!” Tức thời tóc của nữ tử ấy tự rụng. Chiếc bạch y đang mặc hóa thành ca sa.
Sau đó, nữ đồng nhi tinh tấn tu hành, chỉ trong một thời gian ngắn chứng đắc quả A La Hán.
Ngoài ra còn có ba vị tỳ kheo ni khác là Thanh Liên Hoa, Ca Thi Tôn Ðà Lợi và Tu Man, vừa mới sanh ra trên cổ đã có đeo tràng chuỗi ngọc. Cả ba đều là bực lợi căn, lại gặp thời Phật xuất thế nên mới được gọi là thiện lai tỳ kheo ni, hiện đời không dễ gì có được như vậy.
(5) Khất cầu tỳ kheo, tỳ kheo ni: Hai chữ tỳ kheo vốn có nghĩa là “khất cầu”. Có 2 nghĩa khất cầu:
– Khất cầu thức ăn của thí chủ để tư dưỡng thân hình.
– Khất cầu chánh pháp của Như Lai để tư dưỡng huệ mạng.
Hạng tỳ kheo, tỳ kheo ni này có những ngoại đạo hay thế tục cũng mang hình thức như vậy, nhưng hoàn toàn không phải là tỳ kheo, tỳ kheo ni. Họ không thọ giới Cụ Túc, chỉ lấy sự tham cầu làm mục đích chính. Chuyên đến nhà thế tục khất cầu tài lợi hoặc coi bói những việc kiết hung, hoặc khoe khoang, rao nói công đức của mình, hoặc dối hiện tướng khác lạ, hoặc cao tiếng hiện oai làm cho người kinh sợ, hoặc tự nói mình được thấy Phật, hoặc nói thấy hoa sen bên Cực Lạc thế giới có tên mình v.v… Dùng các hình thức trên để dối gạt người, kích động tâm lý mọi người để họ bố thí. Những hạng người này gọi là khất cầu tỳ kheo, tỳ kheo ni. Họ thuộc về hạng người sống theo tà mạng.
(6) Trước cát triệt y tỳ kheo, tỳ kheo ni: Theo quy định, tỳ kheo có ba y, tỳ kheo ni có năm y. Khi được thí chủ bố thí, dù chiếc y có giá trị đến độ nào cũng phải cắt rọc ra thành từng mảnh, rồi may lại mới được thọ trì. Ngoài ra, còn phải dùng vỏ cây nhuộm cho biến màu đi gọi là hoại sắc. Do đó gọi là “cát triệt y” (cát: cắt).
Nhưng có những hàng ngoại đạo, thế tục không thọ đại giới của Phật, lại tự ý đắp và mặc cát triệt y để đi làm các pháp sự công đức, nên gọi là cát triệt y tỳ kheo, tỳ kheo ni, thực không phải là pháp chúng.
(7) Phát kiết sử tỳ kheo, tỳ kheo ni: tất cả phiền não gọi là “kiết sử”. Vì chữ Kiết có nghĩa là trói cột. Sử là sai sử. Ý nói phiền não có khả năng trói cột, sai sử chúng sanh, khiến chúng sanh trôi lăn trong tam giới. Nếu tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào tu phạm hạnh thanh tịnh, tinh tấn phá trừ kiết sử phiền não, chứng quả A La Hán thì được gọi là phá kiết sử tỳ kheo, tỳ kheo ni.
(8) Thọ đại giới, bạch yết ma tỳ kheo, tỳ kheo ni: Những vị phát tâm xuất gia, mong cầu thọ giới Cụ Túc, phát chí Tăng Thượng. Ðối với hàng tỳ kheo, trước tiên phải ở trong tăng giới, trải qua bạch tứ Yết Ma mà thọ đại giới (bạch tứ Yết Ma là một lần tác bạch, ba lần yết ma). Ðối với tỳ kheo ni, trước tiên phải ở trước đại tỳ kheo ni bạch tứ Yết Ma, đoạn đối với trước tỳ kheo tăng ba lần khất cầu. Ðại tỳ kheo tăng mới bạch tứ Yết Ma và cho phép thọ đại giới thành tánh tỳ kheo ni. Trong Luật nói tỳ kheo, tỳ kheo ni chỉ loại thứ tám này vậy.
Lời phụ:
Y theo kinh luật, dịch giả cung kính thuật lại ý nghĩa danh từ Thiện Lai tỳ kheo, tỳ kheo ni nhằm cống hiến cho quý đại sĩ không đủ duyên đọc kinh luật Hán Văn, có thể biết rõ quý thánh giả thiện lai tỳ kheo, tỳ kheo ni (riêng quý thượng đức từng đọc kinh luật Hán văn thì chúng tôi không dám nói).
Quý thánh giả này đều là những bậc đã gieo trồng thiện căn xuất thế rất sâu dày từ nhiều đời, mới gặp được Như Lai xuất thế, và được chiêm bái kim thân Ðức Phật và từ nơi kim khẩu của Thế Tôn nghe pháp mà đắc giới. Ðã biết được như vậy thì chúng ta hãy cùng nhau cố gắng sách tấn tiến tu để tương lai sẽ được như quý ngài.
Ðiều cần lưu ý là quý nữ đại sĩ khi xem đến tôn hiệu của thiện lai tỳ kheo, tỳ kheo ni thì nên sanh tâm hổ thẹn thật nhiều. Vì số thiện lai tỳ kheo, tỳ kheo ni có đến mấy vạn vị, trong khi số thiện lai tỳ kheo ni chỉ không đầy mười vị. Tuy nhiên, nếu chỉ hổ thẹn suông thì không ích lợi gì. Như trong kinh có đề một bài kệ:
Phật tại thế thời ngã trầm luân,
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ,
Áo não tự thân đa nghiệp chướng.
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.
Dịch:
Khi Phật tại thế, ta trầm luân,
Nay được thân người Phật diệt độ.
Buồn thay cho mình nhiều nghiệp chướng.
Không được thấy thân kim sắc của Như Lai.
Ðức Liên Tông Bát Tổ Liên Trì đại sư cho rằng những lời than vãn ấy chỉ là sự buồn thương đau đớn một cách hư dối, không lợi ích gì trên thực tế. Chi bằng ta biết nghiệp chướng nặng nề nên không gặp được Phật, ngay bây giờ đã có phước duyên được thân người, nên vâng theo lời đức Bổn Sư Thích Ca, nhất tâm niệm danh hiệu Từ Phụ A Di Ðà thì sẽ được thấy Phật đời vị lai.
Nếu niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn thì không cần phải đợi đến lúc xả báo thân này vãng sanh Cực Lạc mới thấy được Phật, mà ngay hiện đời vẫn được thấy Phật. Như thế sẽ có lợi ích thiết thực hơn là chỉ buồn than suông.
Quý đại sĩ nữ giới cũng vậy, nếu chỉ sanh tâm hổ thẹn suông thì không ích lợi gì. Cần phải phát tâm dõng mãnh, lập nguyện kiên cố như đức Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Khi sanh mạng này kết thúc, nếu được vãng sanh thì chẳng những ngang hàng với quý thánh giả thiện lai tỳ kheo, tỳ kheo ni, thoát hẳn khỏi sự luân hồi, không còn thọ thân trong sanh tử, mà lại còn hơn quý ngài ở chỗ một mặt tiến tu cho đến ngày viên mãn Phật Quả, thừa sức đại bi nguyện lực, phân thân khắp mười phương thế giới hóa độ chúng sanh.
Ðức Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát tự thẹn mình là người nghiệp chướng sâu dày mới bị cảm thọ thân người trong cảnh nghèo cùng, khốn khổ, ngài nguyện niệm Phật suốt ngày đêm, nếu không thấy được Phật A Di Ðà thì thân này dù tan rã cũng không ngừng lại để nghỉ ngơi.
Xin quý đại sĩ lưu ý điều này, theo như trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của Long Thọ Bồ Tát nói: “Bồ Tát muốn cầu chứng đắc a tỳ bạt trí (bất thối chuyển đối với quả vô thượng Bồ Ðề) có thể theo một trong hai lối hành đạo:
1. Nan Hành Ðạo:
Là lối hành đạo rất khó đạt kết quả. Người sanh trong đời ngũ trược này, gặp lúc không có Phật xuất thế mà mong cầu chứng a tỳ bạt trí là điều vô cùng khó khăn. Sự khó khăn rất nhiều, nơi đây chỉ lược kể năm thứ, để thấy rõ sự khó khăn ra sao:
– Những thiện pháp tương tự của ngoại đạo phá hoại Bồ Tát.
– Tự lợi Thanh Văn rất chướng ngại tâm đại từ, đại bi của Bồ Tát.
– Những người ác không có tín tâm đối với Tam Bảo có thể phá hoại công đức thù thắng của người tu.
– Ðiên đảo thiện quả có thể phá hoại phạm hạnh của người tu.
– Chỉ nương nhờ sự tự lực, không có tha lực của Phật hộ trì v.v…
Những việc khó khăn như thế mỗi khi chạm mặt đều là như vậy. Loại hành đạo khó khăn này có thể tạm ví dụ như người đi đường xa nghìn dặm, nếu tự mình đi bộ thì chẳng những khó mong tới chỗ, lại phải chịu không biết bao nhiêu nỗi cực khổ, đắng cay.
2. Dị hành đạo:
Là lối hành đạo rất dễ dàng. Hành giả do nhân duyên tin theo lời Phật dạy, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Ðộ, nương nhờ nguyện lực của Từ Phụ A Di Ðà liền được vãng sanh vào cõi thanh tịnh ấy. Khi được vãng sanh rồi, nhờ Phật lực hộ trì, liền được dự vào trong nhóm Ðại Thừa chánh định.
Lối tu hành dễ dàng này tạm ví dụ như hành khách đi trên thuyền, chỉ cần ngồi trong thuyền nhờ sức gió thuận nước xuôi, lại thêm trương buồm thì có thể đi đến nơi rất mau, lại khỏi cực nhọc. Vì thế, Liên Tông Thập Tam Tổ Ấn Quang đại sư dạy rằng: “Toàn thể Phật tử phải nhận chân được sự sanh tử là đại sự của chúng ta. Pháp môn Tịnh Ðộ là pháp mầu vô thượng liễu thoát sanh tử”.
Thánh giáo của Như Lai tuyên thuyết thênh thang dường như bể cả. Nhưng thông suốt với bản hoài phổ độ chúng sanh của Phật, rốt ráo chỉ có pháp môn Tịnh Ðộ này mà thôi.
Tại sao vậy? Vì nhằm vào những kẻ hạ phàm mà nói, chỉ cần ba sự kiện là Tín sâu, Nguyện thiết, nhất tâm niệm Phật, thì có thể đới nghiệp vãng sanh. Nói về bực thượng thánh, nếu chịu đem công đức tu hành hồi hướng về Cực Lạc thì mau chứng quả vô thượng Bồ Ðề. Nếu so sánh việc nương nhờ từ lực của Phật cùng với tự lực của cá nhân mình thì mức chênh lệch khó dễ gấp bội lần. Ví như một ngày so với một kiếp (một đại kiếp có 1.344.000 vạn năm). Nếu là người trí, cứ xem số đó mà tự chọn cho mình con đường hành đạo.
* Mười pháp quán bất tịnh:
1. Tử tưởng: quán tưởng sau khi chết, tử thi nằm bất động như khúc gỗ rất ghê sợ.
2. Trướng tưởng: quán tưởng sau khi chết quá 24 giờ, tử thi sình chướng lên như bao bố.,
3. Thanh ứ tưởng: quán tưởng lúc bấy giờ tử thi chẳng những sình chướng mà còn hiện màu xanh tím rất đáng sợ.
4. Hoại tưởng: quán tưởng sau khi chết 78 ngày, tử thi mục rã, hư hoại, ai trông thấy cũng đều phải bịt mũi, muốn nôn mửa.
5. Huyết đồ tưởng: quán tưởng sau khi chết, tử thi bị hư hoại, máu mủ từ nơi chín lỗ chảy ra trông rất dơ nhớp. Người còn sống ngửi mùi hơi ấy tưởng có thể chết ngất được.
6. Nùng lãng tưởng: quán tưởng tử thi nếu không chôn cất, trong 10 ngày trở lên sẽ dần dần hư rã, các loài côn trùng, giòi xúm nhau đục rút, trông thấy hết sức ghê tởm.
7. Ðạm tưởng: quán tưởng tử thi bị đem bỏ vào rừng thì gọi là “thi lâm táng”. Lúc ấy, không đợi tử thi mục rã, các loài thú xúm nhau đến xé thịt.
8. Tán tưởng: quán tưởng tất cả da thịt tử thi đều tiêu tán, xương cốt mỗi nơi một chiếc.
9. Cốt tưởng: quán tưởng tử thi chỉ còn bột xương trắng, da thịt đều tiêu mất, tủy não không còn. Chỉ còn bộ xương màu xám tro và những chiếc răng rơi rụng. Ðầu lâu thì trống rỗng, mắt, mũi như những hố sâu.
10. Thiêu tưởng: quán tưởng nếu đem tử thi đốt thì chỉ thấy những ngọn khói đen xông lên. Trong phút chốc chỉ còn lại một đống tro tàn.