Xuân Trong Cửa Thiền
(Trọn bộ 4 tập)
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

Khổ Vui Qua Mắt Kẻ Mê Người Tỉnh

Xuân Canh Ngọ – 1990

Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán năm Canh Ngọ, quí Phật tử về đây lễ Phật và chúc Tết quí thầy, chúng tôi đại diện cho tất cả chư Tăng ở Thiền viện Thường Chiếu có đôi lời nhắc nhở quí Phật tử trong ngày đầu năm để quí vị tiến tu trên con đường giải thoát.

Ngày Tết Nguyên Đán là ngày quan trọng đầu năm, đi đâu hay làm điều gì chúng ta đều mong gặp những điều lành, mong được những kết quả tốt đẹp. Chúng tôi thấy cần phải nói rõ ý nghĩa ngày mồng một Tết đối với tất cả người tu Phật chúng ta. Ngày Tết là ngày đầu của mùa Xuân, mùa của an vui, hạnh phúc và tươi đẹp, song cái hạnh phúc tươi đẹp đó từ đâu mà ra? Từ con người hay từ ngoại cảnh? Chúng ta cần phải thấy rõ điều này, để ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày được hết khổ và luôn an vui. Vì thế đề tài chúng tôi nói hôm nay là Khổ vui qua con mắt kẻ mê người tỉnh.

Cùng là một việc, người mê thấy là vui, người tỉnh thấy nó ra sao? Cùng là một việc, người mê thấy là khổ, người tỉnh thấy là khổ hay không? Đó là những điều mà tất cả chúng ta cần nên biết.

Sống giữa đời này ai cũng sợ khổ, cũng muốn cầu vui. Nghe nói tới khổ, ai cũng ê chề chán ngán, nghe nói tới vui, ai cũng ưa thích mến mộ. Thế thì muốn cái khổ đừng bao giờ đến và cái vui luôn luôn sẵn sàng chực đón, thì chúng ta phải làm thế nào, sống thế nào cho được thích hợp? Đó là điều rất thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Trước hết tôi nói cái vui của người thế tục. Thí dụ người thế gian lỡ mang bệnh ghiền thuốc hoặc ghiền rượu, khi đang thiếu nếu có ai đem đến cho điếu thuốc hay ly rượu, lúc đó họ vui hay khổ? Rất là vui, vui lớn. Đó là trường hợp ghiền mà không có tiền. Nếu ghiền lại có nhiều tiền thì sao? Rủ bạn bè vô quán, năm bảy người ăn uống say sưa lúc đó là vui hay khổ? Lúc vô ngồi quán bạn bè chè chén thật là vui. Nhưng nghĩ kỹ, vui đối với ai mà khổ đối với ai? Nếu người ghiền rượu chỉ biết uống rượu là hạnh phúc là thú vị, khi được chè chén thì cho là vui. Trái lại người không ghiền rượu khi thấy năm bảy người vô ngồi quán nhậu say túy lúy, thì  nghĩ đó là khổ. Vậy cái vui của người ghiền là thí dụ cho cái vui của người mê, còn người tỉnh thấy đó là khổ. Như vậy ai thấy đúng? Người ghiền vào quán uống rượu cho vui là đúng. Người không ghiền thấy việc đó là tốn kém, hại sức khoẻ, lại thêm chuyện rầy rà, nên thấy là khổ. Người mê vui là khi đang mê, nhưng tỉnh lại sẽ thấy khổ. Tại sao? Thí dụ như khi vào quán, số tiền phải tốn hao cho bữa tiệc có thể giúp sống năm ba ngày, nhưng vì ngồi quán xài hết tiền nên phải đi làm để bù lại. Đó là khổ, vất vả về thân. Còn khổ về tâm thì thế nào? Nếu người có gia đình vợ con mà rủ bạn bè vào quán, xài hết tiền vợ nhà cằn nhằn, hoặc ngồi quán đến nỗi say túy lúy, vợ con chán ngán, thì thật là khổ! Từ cái tưởng lầm là vui, đưa tới cái khổ của nhiều ngày về sau. Cái vui của người mê thật sự là cái vui trá hình của đau khổ. Người tỉnh thấy khổ là thấy đúng lẽ thật. Chúng ta là người biết tu, là người tỉnh, nên nói tu tỉnh, biết tu là phải tỉnh. Những cái khổ mà người thế gian tưởng là vui, chúng ta nên tránh, như thế mới là thật tỉnh. Nếu chúng ta lăn vào chỗ mê đó thì chúng ta sẽ thành kẻ mê.

Lại có người lắm của nhiều tiền thích những thoả mãn về xác thân nên hút á phiện hoặc xì ke ma túy, họ cho đó là vui. Hút sách vừa tốn kém vừa hao mòn sức khoẻ lâu ngày thành bệnh, sống dở chết dở. Điều họ tưởng là vui rốt cuộc lại là khổ! Thời nay các thanh niên trẻ rủ nhau đến những chỗ hút xì ke ma túy. Khi mang bệnh rồi thì thật là khổ! Như năm trước có một thanh niên tuổi khoảng đôi mươi, gầy ốm chỉ còn da bọc xương ngồi trước cổng chùa ăn xin. Hỏi ra mới biết vì hút xì ke ma túy nên bị cha mẹ đuổi, phải đi lang thang xin ăn, sống dở chết dở. Nếu xin được chút ít tiền thì đi kiếm thuốc chích cho đỡ ghiền, nếu không tiền thì nằm ngoẹo bên lề đường trông thật là đau khổ. Đó cũng vì mê lầm lấy khổ làm vui.

Người tỉnh sáng biết hút sách là nhân đau khổ ở ngày mai, là nhân bị cha mẹ từ bỏ, bị mọi người sợ mình đánh cắp đồ đạc nên không chứa chấp. Đó là gốc của khổ đau, người thế gian không thấy khổ lại tưởng là vui! Còn người biết tu biết đó là khổ thì tránh ngay buổi ban đầu nên quả khổ không bao giờ đến.

Ở thế gian còn một cái vui nữa mà tính chất không lương thiện: đó là vui trên cái khổ của con người và con vật. Thí dụ như các đứa bé mười hai mười ba tuổi thường ra đồng bắt dế, bắt cá thia thia đem về cho đá lộn nhau, con nào thua thì chạy, con ăn đuổi theo… trẻ nhỏ thích thú vỗ tay vui cười. Đó là vui trên cái khổ của con vật. Mình lợi dụng sự ngu mê của con vật để đưa nó đến chỗ đánh đá lẫn nhau, cho đó là vui, trong khi con vật lại khổ.

Đến người lớn thích chơi đá gà. Họ sắm gà nòi, chuốt cựa cho bén rồi đem nhử cho nó đá nhau. Khi con gà nào bị đá té ngã máu me đầy mình thì người xem vỗ tay vui mừng. Đó cũng là vui trong cái ác. Tâm mình tàn nhẫn trông thấy chúng sanh khổ mà mình cho là vui, cái vui đó thật là thiếu đạo đức.

Thêm cái vui chẳng hiền lành chút nào như đi xem đánh võ đài, tức là người đánh với người, các tay võ sĩ đánh với nhau. Chúng tôi có quen vài võ sĩ, tôi hỏi: “Vì sao mình nỡ đánh người đến ngã đo ván, như vậy có lợi ích gì mà mình tàn nhẫn đến thế?” Người võ sĩ thưa: “Thưa Thầy khán giả độc lắm, mình đánh nhẹ nhẹ thì họ la ó, họ nói mình cuội. Nếu mình đánh cho ngã thì họ vỗ tay vui cười.”

Như vậy chúng ta vui thích trong cái khổ của con vật, như con dế con gà đá nhau, đến cái khổ của con người đánh đập nhau đến té ngã. Thế thì tâm chúng ta có hiền không? Vui trên sự đau khổ của con người, con vật có phải là vui thật chăng? Cho nên người Phật tử chúng ta luôn luôn đặt cái vui của mình trên cái vui của người, làm cho người vui thì mình mới vui, nếu người khổ thì mình không vui bao giờ. Vui trên cái khổ của người là cái vui phi đạo đức, cái vui của người mê không phải của người tỉnh.

Lại thêm một cái vui nữa rất là tàn nhẫn. Như mấy chú bé còn nhỏ mười lăm mười ba tuổi đi đâu hay xách cái giàn thun hay cái ná theo, hoặc văn minh hơn thì mang những cây súng nhỏ để khi thấy mấy con chim đậu trên cành thì nhắm bắn, nhiều khi hai con chim, con trống con mái đang đậu rỉa lông cho nhau, kêu ríu rít rất là dễ thương, mà mình nhắm bắn nó. Khi bắn trúng một con té nhào xuống thì vỗ tay vui mừng. Thử hỏi khi bắn một con vật ngã xuống, đó là hành động tốt hay xấu? Làm một việc xấu một việc ác mà vui hay sao? Chẳng những người bắn vui mà những người đứng chung quanh cũng vui, cũng vỗ tay khen nữa. Vui trong cái chết chóc, vui khi giết được con vật, đó là quá ác phải không?

Từ việc xem thường cái khổ của con vật lần lần đưa đến xem thường cái khổ của con người. Thí dụ như có người quen giật đồ móc túi, khi giật được vật gì về nhà họ vui lắm, kiếm ăn được, nhưng người mất của thì rất khổ. Đến người ăn trộm cũng vậy, lén vào nhà lấy trộm được của người, khi về rất là vui mừng, không nhớ đến cái khổ của người bị mất trộm. Lấy được càng nhiều của thì càng hỉ hạ vui mừng, còn người mất nhiều của thì khổ đến mức nào? Đến việc cướp của, có khi đi đến giết người. Cướp của càng nhiều thì càng mừng rỡ vui cười, trong khi ấy có người mất mạng hoặc tan nhà nát cửa. Vui trên đau khổ của người khác là quá tàn ác không còn một chút lương tâm. Thế mà ở thế gian có những người vui như vậy, đó là những người mê. Nếu người tỉnh thì không nỡ lòng nào lấy cái khổ của người làm cái vui cho mình. Thế nên người biết tu thì phải tỉnh, tỉnh thì mọi hành động gây tổn thương đau khổ cho người cho vật, chúng ta phải tránh.

Lại có những người buông lung chạy theo sắc dục, cho đó là vui. Như những thanh niên đuổi theo năm bảy cô thiếu nữ, nếu được các cô thương thì họ tưởng là giỏi, là người tài hoa ai cũng mến yêu. Nhưng không ngờ đuổi theo sắc dục là khổ: khổ về thân xác bệnh hoạn, khổ về tinh thần, chuyện gia đình rối rắm mất cả hạnh phúc. Hoặc giả có những người có gia đình mà còn tình ý lôi thôi, nay đổi chồng, mai đổi vợ. Khi thay đổi họ tưởng là vui, nhưng không ngờ mỗi lần đổi thay là mỗi lần đau khổ. Có gia đình là có con cái, nếu người cha hay người mẹ đổi thay thì con cái bơ vơ khổ sở vì thiếu cha hay thiếu mẹ. Thế nên cái vui ích kỷ của một người làm khổ lây đến nhiều người. Đó là sự lầm lẫn của thế gian, chuyện không vui tưởng là vui.

Rồi đến những người có máu cờ bạc, cho việc ngồi vào sòng bạc là vui. Ngồi sòng đánh đỏ đánh đen, hoặc khi thua thì sạch túi, hoặc khi được thì về đãi đằng bà con. Họ cho đó là vui, cờ bạc cho là thú vui! Nhưng người không cờ bạc, biết rõ tai hại của cờ bạc, cho đó là khổ. Người đời thường nói: Cờ bạc là bác thằng bần. Ai say mê cờ bạc thì phải tán gia bại sản tan hoang sự nghiệp, đó là nhân của đau khổ. Như vậy cái vui của người thế gian, kiểm lại có cái vui nào là chân chánh, là thật đâu!

Thế nên người biết tu, biết đạo rồi phải tránh xa tứ đổ tường, đừng dính vào bốn tấm vách tửu sắc tài khí đó. Ấy là cái vui thật sự, vui vì không dính vào cái khổ, vui vì không làm phiền khổ ai.

Kế đến người biết tu vui trong những việc mà người đời tưởng là khổ, thí dụ như ăn chay. Người mới tập ăn chay hai ngày hoặc bốn ngày mỗi tháng sẽ thấy khổ vì nuốt khó trôi lại dễ xót ruột. Nhưng biết ăn chay quen rồi mình sẽ vui. Vì sao? Vì mình không có giết mạng súc vật để bồi bổ xác thịt của mình. Ngày mình ăn chay là ngày mình hãnh diện không giết con vật nào, là ngày mình vui, vì không làm đau khổ chúng sanh. Vì thế cái vui của người ăn chay là biết tránh cái khổ cho con vật. Nếu chúng ta không thể ăn chay trường thì ít ra cũng dùng chay hai ngày hoặc bốn ngày mỗi tháng. Những ngày này bảo đảm mình không có giết con vật nào, mình vẫn sống mà không làm khổ loài vật, thì đời sống đó mới có giá trị, mới thật tốt lành. Đừng nghĩ ngày ăn chay là ngày bắt buộc. Ngày ăn chay người ta bán cá rẻ quá nên mua về bỏ vào hũ rộng lại, để mai mốt sẽ ăn. Nếu tính như vậy là còn ích kỷ chưa phải thật ăn chay. Ngày ăn chay chúng ta phải thấy là ngày mình tránh được tội, làm được điều tốt, không sát hại chúng sanh, cho nên mình vui, cái vui thật sự.

Thêm cái vui nữa là biết tiết dục tức là không ham muốn nhiều. Trong sách thiền thường dạy người tu được định Sơ thiền gọi là Ly sanh hỉ lạc, tức là do lìa ngũ dục nên sanh hỉ lạc. Ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thụy, hay là sắc thanh hương vị xúc. Khi lìa được năm món dục này thì mình vui.

Thế nên cái vui của người biết tu và cái vui của người thế gian ô nhiễm khác nhau. Người thế gian đuổi theo cái vui trong cái khổ của chúng sanh, còn người biết tu vui khi không làm chúng sanh đau khổ, không làm những điều không cao thượng. Người tu hành vui khi thoát khỏi những điều trần tục tầm thường, đó gọi là cái vui thoát tục. Có những người trẻ tuổi sống vui khi xa lìa tứ đổ tường, khi ăn chay, khi sống thoát tục lại bị người khác phê bình là ngu! Không uống rượu, không cờ bạc bị chê là ngu, còn uống rượu cờ bạc lại cho là khôn! Nhưng sự thật ai khôn ai ngu? Ghiền rượu ghiền á phiện xì ke ma túy làm tốn hao tiền của, lại mang bệnh, tự chuốc khổ chuốc họa vào mình sao gọi là khôn được. Biết tránh những cái khổ những cái họa, không để phiền lụy cho mình cho người, đó mới thật là khôn.

Trong kinh Phật có dạy:

Sắc thanh hương vị xúc,
Tất cả những pháp này,
Khả lạc, hỉ, khả ý,
Khi nào chúng hiện hữu,
Thế giới với chư thiên,
Xem chúng là khả lạc.
Khi chúng bị hoại diệt,
Mới thấy chúng là khổ.
Bậc thánh thấy là lạc,
Khi có thân đoạn diệt,
Đây hoàn toàn trái ngược,
Điều mọi người được thấy.
Điều người khác gọi lạc,
Bậc thánh gọi là khổ,
Điều người khác gọi khổ,
Bậc thánh biết là lạc.
Hãy xem pháp khó biết,
Kẻ không thấy, mê mờ.

(Tiểu Bộ Kinh trang 111 tập I)

Phật dạy:

Sắc thanh hương vị xúc, tức là ngũ dục, tất cả những pháp này người đời cho là vui là vừa ý. Chẳng những người đời mà cả chư Thiên cũng xem ngũ dục là vui. Khi ngũ dục mất đi mới thấy là khổ.

Còn bậc Thánh thấy vui khi có thân này mà đoạn diệt được những nhiễm trước theo dục lạc, đoạn diệt được những mầm khiến phải tái sanh. Như vậy cái vui của Thánh và cái vui của phàm hoàn toàn trái ngược nhau. Cái vui của phàm thì Thánh gọi là khổ, cái vui của Thánh thì phàm cho là khổ. Thí dụ như người tu khổ hạnh ăn mặc đơn sơ, ngồi thiền dưới cội cây, những người thích ăn chơi cho người tu như vậy là ngu, không biết thụ hưởng, chịu khổ làm gì? Trái lại những vị Thánh thấy người say sưa rượu chè cho là không khôn chút nào! Thế nên nếu nhìn với con mắt Thánh thì những điều thế gian cho là vui, chúng ta biết nó là khổ. Những điều người thế gian gọi là khổ như ăn chay, tu hành đơn giản, bậc Thánh lại cho là vui. Như vậy ở đời phải khéo biết cái nào là vui thật để vui, cái nào là vui trá hình của đau khổ để tránh. Như thế mới không mê mờ chạy theo cái vui thế tục.

Đến đây chúng tôi nói thẳng cái vui của người tỉnh, tỉnh hoàn toàn. Người tỉnh vui khi tâm hồn an lành thanh tịnh. Những nơi ồn náo hoặc những cuộc vui nhộn nhịp làm cho tâm hồn không an ổn, người tỉnh thấy là khổ. Vì thế người biết tu khi ngồi yên dưới cội cây, nhìn trời mây, cỏ cây hoa lá, chính lúc đó tâm hồn mình an lành thanh tịnh, đó là vui. Niềm vui này không làm tổn hại cho ai, không mất tiền của, cũng không mất sức khỏe. Đó là cái vui thứ nhất.

Đến cái vui thứ hai là khi làm lợi ích cho nhiều người, người tu càng làm cho nhiều người được lợi ích, được bớt khổ thì càng vui. Vui trong an vui hạnh phúc của người thì vui này mới lâu bền.

Đến cái vui thứ ba của người tu là khi chiến thắng được giặc phiền não. Giặc phiền não là gì? Giả sử có ai đi ngang mình nói cạnh khóe một câu, tức thời mình nghe nóng lên muốn trả lời một câu cho xứng đáng, nặng như nhát búa… Nếu ngay đó biết đây là phiền não, là tội, mình dừng lại không phát ngôn, rồi từ từ nguội xuống. Khi nguội rồi, người biết đạo thấy vui vì đã thắng được cơn nóng giận của mình. Còn nếu mình nói một câu cho chát chúa, thế nào người ta cũng trả lại một câu nặng hơn. Qua lại một lúc thành đấu khẩu rồi đến đấu võ, chỉ làm khổ cho nhau, chớ có lợi ích gì! Thế nên người tu chỉ vui khi thắng được giặc phiền não. Mình sẽ được an ổn, không làm mích lòng ai, gặp ai mình cũng vui cười. Thắng được giặc phiền não là gốc vui chân thật, thua nó là gốc đau khổ. Nhiều người thế gian thấy rất đáng thương, khi nghe ai nói lời gì trái ý liền trả lại ngay cho xứng đáng và mạnh hơn mới hài lòng. Ngờ đâu mình làm cho người giận là gieo nhân không tốt. Tưởng như thắng là được yên, nhưng mình đã gieo hờn vào lòng người thì họa ắt sẽ đến.

Cái vui thứ tư của người tu, cao siêu hơn, là cái vui bỏ bóng nhận đầu. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy ngài A-nan: Có một người tên Diễn-nhã-đạt-đa, một sáng nọ cầm gương soi mặt, nhìn thấy mặt mũi trong gương rõ ràng. Kế anh úp gương lại, mặt mũi nhìn thấy khi nãy mất tiêu, anh hoảng hốt nói: Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi. Anh phát điên bỏ chạy khắp xóm làng. Đó là cái điên của người nhận bóng quên đầu. Sự thật đầu có mất bao giờ! Chỉ mất bóng thôi mà tưởng là mất đầu nên anh hoảng hốt điên cuồng. Vì thế người biết tu là biết bỏ bóng nhớ đầu. Đầu mặt trong gương là bóng, mất nó mình rờ lại thấy đầu mặt vẫn còn nguyên. Bỏ bóng nhớ đầu mới là niềm vui chân thật của người biết trở về cái thật không đuổi theo bóng.

Kế đến là cái vui của người cùng tử lang thang nghèo khổ gặp lại cha. Đây là câu chuyện trong kinh Pháp Hoa: Có anh chàng khi còn bé đã bỏ cha ra đi. Anh lang thang nghèo khổ, ăn xin đầu đường xó chợ từ xứ này qua xứ khác. Một hôm anh thức tỉnh nhớ lại cha tìm về quê hương. Cha anh lúc bấy giờ là một trưởng giả giàu có. Anh gặp được cha, cha nhận anh là con rồi trao sự nghiệp lại cho anh. Đó là vui tuyệt! Qua câu chuyện “Người cùng tử gặp cha”, người tu chúng ta hiểu như thế nào? Từ xưa đến giờ chúng ta sẵn có ông Phật ở trong nhà mà chúng ta quên nên cứ chạy theo cái bóng, tức là những vọng tưởng của mình, rồi tạo nghiệp. Nghiệp dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử từ đời này đến kiếp khác, lang thang khổ đau không cùng không tận. Nay thức tỉnh chúng ta biết đó là bóng đã dẫn mình đi trong đau khổ, chúng ta phải trở về ông Phật của mình. Trở về gặp Phật của mình gọi là cùng tử gặp cha. Lúc ấy mình giàu có sung sướng, đó gọi là cái vui của cùng tử gặp cha.

Cái vui kế là: cái vui của kẻ lạc loài trở về cố hương. Có một số người đang ở quê hương rất an lành, nhưng bất thần nghe theo sự xúi giục của ai đó (Ma vương), họ ra đi lang thang từ xứ này qua xứ khác nhiều tháng nhiều năm. Không có công ăn việc làm, họ phải chịu đói rét khổ sở. Một ngày kia chợt thức tỉnh họ muốn trở về cố hương, lại rủ nhau cùng về. Về đến cố hương tất cả đều gặp lại thân bằng quyến thuộc, sống ở quê hương rất an lành, sung túc, các khổ đau lạc loài, thiếu thốn lang thang không còn nữa. Đó là cái vui của người trở về cố hương. Nơi quê hương đã sẵn mọi tiện nghi tốt đẹp, đó là quê hương Pháp thân, quê hương này không bao giờ có khổ đau, không bao giờ có sanh tử. Vì quên quê hương nên chúng ta bị vô minh phiền não xúi giục, dẫn đi lang thang trong dòng sanh tử. Giờ đây thức tỉnh trở về quê hương, bỏ đi nếp sống lang thang. Ngược dòng trở về với Pháp thân, tức là trở về cố hương, trở về quê hương muôn đời thì hết những khổ đau vất vả của nhiều năm tháng trước. Đó mới  chính là cái vui chân thật.

Như vậy chúng ta tu là được vui hay bị khổ? Tu là vui. Vì thế chúng ta phải nôn nả gắng sức trở về chỗ vui đó, chẳng lẽ chúng ta sống mãi trong buồn khổ sao? Dù cho được phước đức sống trong gia đình đầy đủ ngũ dục tài sắc danh lợi, nhưng cũng không thoát khỏi bệnh hoạn già chết. Dù chúng ta có hưởng cái vui của sự giàu sang sung túc đến đâu, dài lắm cũng chỉ mấy mươi năm thôi, rồi ngày qua ngày cũng vô thường bại hoại. Chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi khổ sanh tử, đó mới là cái vui chân thật lâu dài.

Để kết luận chúng ta thấy người thế gian không sáng suốt nên lấy cái khổ của người làm niềm vui cho mình. Là người sáng suốt, chúng ta không bao giờ chấp nhận cái vui trên đau khổ của người khác. Người thế gian không biết nên lấy cái vui tạm bợ cho là chân thật, nhưng khi biết rồi thì cái vui tạm bợ không đáng để chúng ta mê say, mà chúng ta phải trở về tìm cái vui chân thật. Và cái vui này chỉ có nơi người biết tỉnh giác.

Thế nên chúng ta phát tâm tu là phát nguyện trở về nguồn an vui trong đời này và nhiều đời sau nữa. Muốn được như vậy chúng ta phải cố gắng tu, nghĩa là luôn tìm cái vui trong thanh tịnh, trong sự tỉnh giác, không đeo đuổi giành giật cái vui thế tục. Đạo Phật đã đưa chúng ta đến chỗ an vui, nên chúng ta nguyện tiến tu suốt đời, càng lớn tuổi càng phải tiến nhanh hơn, vì khổ sanh tử đã tới gần kề rồi. Nếu không tìm được cái vui chân thật thì khi vô thường đến làm sao chúng ta trở tay cho kịp!

Đạo Phật là đạo diệt khổ và đem lại sự an vui cho tất cả mọi người, là chỗ nương tựa để chúng ta trở về cố hương, gặp lại ông cha của mình, tức là trở về với cái thật, cái vui thường hằng vĩnh cửu.

Vậy bước sang năm mới chúng tôi chúc tất cả quí Phật tử một năm đầy an vui của người tỉnh giác.