Xuân Trong Cửa Thiền
(Trọn bộ 4 tập)
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Lời Đầu Sách
Nói đến Xuân là nói đến hoa nở, chim hót, lòng người nô nức đón Xuân. Nhưng Xuân đến rồi đi, hoa nở rồi tàn, Xuân thế tục lệ thuộc thời gian là như vậy… Chỉ có Xuân trong đạo mới vượt khỏi thời gian, mùa Xuân bất tận lúc nào cũng sẵn trong lòng người tỉnh giác.
Thế nên hằng năm mỗi độ Xuân về, Thầy chúng tôi, Hòa thượng Viện trưởng Thiền viện Chân Không, Thường Chiếu và Trúc Lâm, vào đêm Trừ tịch và ngày Tết Nguyên Đán, thường nhắc nhở TĂNG NI và Phật tử kiểm điểm lại việc làm trong năm qua và sách tấn tất cả nỗ lực tiến tu trong năm mới, để hằng sống mùa Xuân đạo vị:
Thương xuân bao nỗi, thương xuân ý,
Khi chợt dừng thêu, chẳng thốt lời.
(Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.)
(Thiền sư Huyền Quang)
Vì lợi ích chung, chúng tôi xin phép Hòa thượng ghi lại những buổi nói chuyện của Người tại Thiền viện Thường Chiếu trong những năm 1990-1991-1992 để tiếp theo quyển “Xuân Trong Cửa Thiền” tập I, tập II và tập III. Lời dạy của Thầy chúng tôi lúc nào cũng bình dị, nhưng tha thiết tâm lão bà, cốt sao cho hàng đệ tử nắm vững đường lối tu hành và có một nếp sống hài hòa an lạc cho đến ngày viên mãn đạo quả.
Tuy trong các bài pháp có những thơ kệ trùng lặp với những năm trước, song mỗi lần lặp lại là mỗi lần mới, mỗi lần đọc lại là mỗi lần thấm thêm ý nghĩa Xuân trong cửa Thiền.
Chúng tôi cố gắng ghi lại trung thực ý của Hòa thượng Viện trưởng để cống hiến quí bạn đọc chút quà mọn nhân buổi đầu Xuân. Chắc khó tránh khỏi những điều sơ sót, mong quí độc giả thông cảm bỏ qua cho.
Kính ghi,
Thiền sinh khu Thường Chiếu
Thuần Tịnh – Thuần Chơn
Mùa an cư 1995
***
Trọng Trách Người Tu Phật
Tất niên Kỷ Tỵ – 1990
Theo thông lệ hằng năm, vào đêm Trừ tịch, Thiền viện có tổ chức buổi lễ Tất niên. Chư Tăng Ni và Phật tử về đây chung vui và góp ý kiến xây dựng nhắc nhở nhau tinh tiến tu hành. Đây là dịp chúng ta ôn lại những việc làm trong năm qua, tìm những điểm khuyết để tu sửa và những điểm ưu để tăng tiến. Tuy chúng ta tùy thế tục nên có buổi liên hoan, nhưng vẫn đi đúng chánh pháp là sách tấn nhau tiến bước trên đường tu giải thoát.
Giờ đây chúng tôi nêu lên một câu hỏi rất thiết thực: Trọng trách người tu Phật là thế nào? Câu trả lời đầy đủ nhất là trọng trách người tu Phật gồm ba phần: một là Giải thoát, hai là Giác ngộ, ba là Từ bi. Đó là ba điều kiện người tu nào cũng phải có đủ.
Vậy tất cả Tăng Ni và Phật tử khi phát nguyện tu theo lời Phật dạy, phải thề quyết đập tan xiềng xích sanh tử đã áp đặt trên con người chúng ta từ vô lượng kiếp đến giờ. Đó là giải thoát. Giải thoát sanh tử là một việc làm quá to lớn, người thế gian không bao giờ dám nghĩ đến, vì họ cho sanh tử là một qui luật không ai thoát khỏi. Nhưng người tu chúng ta khi đã nguyện đã quyết thì thế nào chúng ta cũng làm được. Chính đức Phật khi xưa đã tìm ra con đường giải thoát khỏi sanh tử, ngày nay chúng ta ý thức được việc đó là chánh đáng, là cao thượng, thì noi gương Ngài chúng ta cũng quyết đập tan xiềng xích sanh tử cho kỳ được.
Kế đến chúng ta phải quyết thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ trong nhà đen tối vô minh từ vô lượng kiếp, đó là giác ngộ. Thật vậy người tu muốn giải thoát sanh tử thì trước phải giác ngộ. Đức Phật ngồi thiền dưới cội bồ-đề và Ngài giác ngộ chứng được Tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh. Túc mạng minh là trí tuệ biết rõ vô số kiếp về trước của mình. Thiên nhãn minh, còn gọi là sanh tử trí, là trí thấy rõ ràng nguồn gốc sanh tử của chúng sanh. Lậu tận minh là trí tuệ dứt hết các lậu hoặc để giải thoát sanh tử. Như thế chúng ta tu là phải mở sáng mắt trí tuệ để dẹp tan đen tối vô minh.
Giải thoát và giác ngộ được phần nào, chúng ta không đành lòng chỉ nhận riêng cho mình mà phải thương, phải nghĩ đến tất cả chúng sanh đang trong nhà vô minh đen tối. Chúng ta phải đem ánh sáng trí tuệ chính mình đã được Phật chỉ dạy để soi rọi khiến cho tất cả cùng thoát ra khỏi cái đen tối muôn đời và cùng tiến đến nơi an lạc. Đây là điều chủ yếu mà tất cả người tu Phật đều phải thực hiện.
Như vậy trọng trách của người tu Phật nặng hay nhẹ? Phải giải quyết sanh tử, phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ và phải có lòng từ bi truyền trao cho người những gì mình đã biết để cùng nhau thoát khỏi các khổ đau, trọng trách này quả thật không phải nhẹ. Nếu chúng ta không tu không tiến, thì dù chúng ta có thương người muốn giúp người cách mấy cũng chỉ là nói suông thôi. Nói rõ hơn nếu chúng ta không giác ngộ và giải thoát được phần nào mà chúng ta muốn giúp mọi người được giác ngộ và giải thoát, thì cái muốn đó là hão huyền không thực tế. Vậy muốn thể hiện lòng từ bi, chúng ta phải có phần nào giác ngộ và giải thoát. Chủ yếu chúng tôi nêu lên là để cho tất cả quí vị thấy rõ trọng trách người tu Phật không đơn giản mà quá to tát, chúng ta không thể xem thường.
Muốn giải thoát sanh tử, chúng ta cần phải biết gốc của sanh tử là gì? Theo pháp Mười hai nhân duyên, Phật dạy gốc của sanh tử là Vô minh. Vô minh là không sáng, tức là tối tăm. Muốn phá tối tăm chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ. Ví dụ như có một căn nhà tối cả ngàn năm, muốn nhà sáng ra chỉ có cách đốt đèn thì cái tối ngàn năm liền mất. Cũng thế ấy vô minh chỉ mất khi có ánh sáng giác ngộ. Thế nên trọng tâm tu Phật lấy giác ngộ làm bước tiến đến giải thoát. Nếu không giác ngộ thì mười hai nhân duyên cứ quay cuồng, chúng ta bị đảo lộn trong sanh tử.
Hiện nay, nương theo giác ngộ của đức Phật chúng ta biết rõ manh mối của sanh tử là vô minh. Vậy vô minh là gì? Trong kinh Tạp A-hàm có hai đoạn đức Phật giải thích như sau:
Đoạn một:
Đức Phật dạy: “Không biết rõ sắc tập khởi, sắc đoạn diệt, không biết rõ thọ tưởng hành thức tập khởi, đoạn diệt, đó gọi là vô minh.” Nói gọn hơn: Không biết sự tập khởi của năm uẩn và sự đoạn diệt của năm uẩn, đó là vô minh. Vậy năm uẩn là gì? Tức là thân này. Ngay nơi thân này Sắc uẩn thuộc về vật chất; thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tinh thần. Không biết rõ tinh thần và vật chất của thân này gọi là vô minh, không biết rõ sự nhóm họp và sự tan hoại của nó là vô minh. Thế thì tất cả quí vị ở đây có ai biết rõ thân chúng ta chưa? Vì không biết rõ nó cho nên chúng ta đang vô minh, vì vô minh nên không dừng được dòng sanh tử.
Đoạn hai:
Có một vị Tỳ-kheo hỏi ngài Xá-lợi-phất: “Thế nào là vô minh?” Ngài đáp: “Không biết khổ, không biết khổ tập, không biết khổ diệt, không biết con đường đưa đến khổ diệt, gọi là vô minh.”
Theo nghĩa ngài Xá-lợi-phất nói, người nào không biết đúng như thật pháp Tứ đế: khổ tập diệt đạo, đó là người vô minh.
Như vậy đoạn trên đức Phật giải nghĩa sự tập khởi và sự đoạn diệt của năm uẩn, tức là chỉ thẳng con người. Đoạn này, ngài Xá-lợi-phất nói về Tứ đế. Khổ đế tức là khổ sanh, già, bệnh, chết của thân… Tập đế là nguyên nhân của khổ là tham sân si v.v… Diệt đế và Đạo đế là cách giải trừ khổ để được an vui giải thoát. Đây cũng là chỉ thân tâm này vậy. Tóm lại Phật nói vô minh là không biết như thật bản thân chúng ta từ tinh thần đến vật chất, không biết rõ sự nhóm họp và sự tan hoại của nó.
Sau đây tôi dẫn đến kinh Viên Giác, chương Văn-thù, đức Phật giải thích: “Thế nào là vô minh? Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay các thứ điên đảo, ví như người nhìn bốn hướng thay đổi; vọng nhận tứ đại làm thân tướng của mình, bóng dáng sáu trần làm tâm tướng của mình, ví như bệnh mắt thấy hoa đốm trong không và mặt trăng thứ hai.” Như vậy đức Phật giải nghĩa Vô minh rất rõ. Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay do các thứ điên đảo, ví như hướng đông lầm cho là hướng tây, hướng nam lầm cho là hướng bắc, lầm bốn hướng như vậy gọi là điên đảo, tức là không thấy đúng như thật. Đức Phật chỉ thẳng điên đảo là do vọng nhận tứ đại làm thân tướng của mình, ý thức duyên theo bóng dáng sáu trần làm tâm tướng của mình. Hiện giờ ai cũng cho thân tứ đại này là thân mình, cho suy nghĩ, tức là ý thức duyên theo bóng dáng sáu trần là tâm mình. Vọng nhận như thế gọi là vô minh, đó là manh mối dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử. Thế nên chúng ta tu là phải phá tan manh mối vô minh đó.
Kế đến đức Phật ví dụ người vọng nhận như vậy chẳng khác nào người bị bệnh mắt thấy hoa đốm trong hư không. Như con mắt nhặm thấy trong hư không có đốm sáng rơi loạn tưởng là thật, nhưng đó chỉ do bệnh mắt mà thấy, vậy là thấy không đúng như thật, là tối tăm, là vô minh.
Đức Phật lại ví dụ thêm, người vọng nhận như vậy là thấy mặt trăng thứ hai, mặt trăng có cái thứ hai không? Như người nhặm mắt hoặc ấn tay vào mắt thì thấy mặt trăng có cái thứ hai lóe lên một bên. Mặt trăng thứ hai là giả tướng mà mình lầm cho nó là thật. Vì vậy chúng ta cho thân tứ đại là thân của mình, tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là tâm của mình, chấp chặt như thế gọi là vô minh.
Qua sự giải thích của đức Phật từ kinh A-hàm đến kinh Viên Giác, chúng ta tự kiểm lại xem mình còn vô minh sâu hay cạn, dày hay mỏng? Như thân của chúng ta vừa bị động đến là nổi sân si ngay, hoặc có khi chỉ bị thiếu phần bồi dưỡng cho thân cũng nổi sân rồi. Như vậy vô minh đến mức độ nào? Vì chấp lầm thân tứ đại là mình nên những gì thuộc nhu cầu của thân thì mình xem là quan trọng. Vì quan trọng thân nên vừa kém thua người là mình bực bội buồn khổ. Còn tâm là ý thức duyên theo bóng dáng sáu trần, đã là bóng thì đâu có thật, mà mình chấp làm gì? Thí dụ như mắt nhìn một cái hoa rồi ý thức đánh giá nó là đẹp, và mình khen hoa đẹp quá. Bỗng người khác nhìn hoa rồi chê hoa xấu quá có gì là đẹp. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm mình nổi sân lên và cãi lại, phải không? Như thế ý thức của chúng ta duyên theo bóng dáng của hoa rồi chấp chặt vào đó, nếu ai nói khác đi là nổi giận liền. Như vậy chứng tỏ mê lầm của chúng ta quá lớn, mê lầm đó Phật gọi là vô minh.
Do mê lầm nên chúng ta sống trong đau khổ. Phật nói thân này có sanh già bệnh và chết, nếu cho nó là mình thật, đến khi nó tan hoại tức là mất mình thì còn cái khổ nào bằng! Sở dĩ các bậc Thánh nhân và các Thiền sư ngày trước coi cái chết như trò chơi vì các ngài thấy thân là giả dối không quan trọng, nên các ngài cười trước cái chết, dù chết bằng cách nào cũng vậy. Chúng ta thì khác, vì thấy thân mình là thật nên nghe nói chết là đã hốt hoảng rồi. Giả sử khi đau nhiều mình cũng tỏ ra can đảm chịu đựng, tỏ ra hiểu đạo không sợ chết, nhưng trong lòng cũng thấy nao nao. Như vậy để thấy mình chưa thật thấy thân tứ đại là giả, mà thấy nó quả là thật nên khổ đau vì nó, và mấy ai thoát khỏi mê lầm này? Thế nên người tu chúng ta phải nhận định thật đúng để không còn mê lầm nữa. Hết mê lầm tức là giác ngộ, phá tan vô minh lầm chấp về thân và tâm. Phá hai chấp này rồi chúng ta mới giải thoát khỏi sanh tử. Đó là mục tiêu cuối cùng của người tu.
Tất cả chúng ta đang sống khoẻ mạnh tưởng chừng như mình hiểu đạo và hành đạo được, nhưng khi ngã đau hoặc có những điều bất trắc xảy đến, thì mình cuống quít lên không còn bình tĩnh nữa. Hiểu đạo mà không dùng được, không còn tự chủ nên đau khổ. Đau khổ của chúng ta không phải ai mang đến mà chính vì vô minh làm mình đau khổ. Ví như đang đi trong rừng gai góc mà không khéo lau lách nên bị gai quào xể mặt rướm máu rồi than thở cuộc đời sao quá khổ! Nếu đi trong rừng gai mà khéo lau lách ra khỏi rừng không bị trầy da chút nào mới là giỏi, là an vui.
Vậy trên đường tu chúng ta phải thấy được những điều Phật đã dạy. Có những điều thật hay, mà chúng ta lại xem thường. Nhìn lại thân tứ đại thấy nó quá rõ. Học kinh điển rồi ai cũng nói thân này là giả, tại sao? Vì mình thuộc lời Phật dạy: thân tứ đại là giả. Nếu hỏi giả như thế nào? Vì thân này ngày nay còn, nhưng thời gian sau nó hoại. Thật là đúng vì thân này vô thường nay còn, mai mất! Lại có người nói: Thân này do duyên hợp nên giả, mà không biết hợp cách nào và giả cách nào. Nghiền ngẫm cho kỹ chúng tôi thấy được lẽ này: Nói giả không phải đợi khi thân hoại mới nói là giả, mà ngay trong lúc mình đang ngồi, đang nói chuyện, biết nó là giả. Làm sao biết được? Vì Phật dạy thân này do tứ đại đất nước gió lửa họp thành. Chất cứng là đất, ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Bốn chất đó hợp lại cũng chưa đủ sức tồn tại mà phải nhờ tứ đại bên ngoài bồi bổ luôn. Có bồi bổ, nó mới tồn tại, nếu thiếu sự bồi bổ thì nó tan hoại. Vì vậy chúng tôi đặt câu hỏi: Hiện giờ quí vị đang ngồi đây, mũi quí vị đang làm gì? Đang thở phải không? Mũi đang thở, nghĩa là chúng ta đang mượn không khí bên ngoài, hít vào là mượn, thở ra là trả, mũi cứ làm việc hít vào trả ra, đều đặn như vậy. Giả sử chúng ta trả rồi không mượn lại thì sao? Thì ngay đó là tắt thở! Như vậy đời sống của mình thật ở chỗ nào? Điều này hết sức cụ thể, mà phải có lắm công phu mới nhận thấy được.
Đến mượn nước, miệng mượn một tách nước uống vào vài tiếng đồng hồ sau cũng phải trả. Rồi một lát sau mượn ít chén cơm… Mượn nước để bồi bổ nước, mượn cơm để bồi bổ đất, trong cơm có chất nóng như gừng tiêu ớt để bồi bổ lửa. Như vậy chúng ta nói sống mà thật ra sống với cái gì? Cả ngày chỉ lo bồi bổ cho tứ đại này thôi, chỉ có bao nhiêu việc mượn và trả mà than cực, nghĩa là làm cho có cơm ăn để mượn rồi trả, kiếm có nước uống để mượn rồi cũng trả. Như thế cuộc sống của chúng ta chỉ là cuộc sống mượn trả. Nếu mượn trả được êm xuôi thì vui cười, mượn trả mà trục trặc thì sao? Thì chở đi cứu cấp! Như vậy cuộc đời của mình, hạnh phúc của mình ra sao? Nó quá tầm thường và quá mỏng manh. Những người tìm thức ăn ngon, nước uống bổ, tất cả những thứ đó chẳng qua là mượn trả mà thôi. Khi thiếu nước, uống một ly nước lã hay một ly nước chanh cũng là mượn, không nên coi đó là quan trọng hay vì đó mà phiền não, nước chanh hay nước lã uống vào cũng là mượn rồi trả có ai giữ được đâu! Biết được lẽ thật như vậy thì lúc nào cũng an vui trong cuộc sống tu hành. Mượn ít chén cơm để bồi phần đất của mình. Dù được dọn cơm nóng hay cơm nguội, mượn rồi cũng phải trả có ai giữ được đâu mà quí mà tiện, mà giận hờn nhau. Biết được lý mượn trả cụ thể, biết được lẽ thật đó rồi chúng ta không còn phiền não trong cách đối xử qua lại nữa, dù cách đối xử hữu ý hay vô tình, niềm nở hay lạnh nhạt.
Vì chấp sai lầm không thấy đúng lẽ thật nên chúng ta phiền não mãi rồi than, sao ở giữa đời này thật khó tu quá. Không khí đang ở ngoài trong lành, mượn hít vào rồi trả ra nói cái đó là của tôi. Nước đang ở ngoài mượn uống vào một lát lại trả ra, nói cái đó là của mình. Quả thật là mê muội, có cái gì là của mình đâu!
Tất cả cuộc sống của chúng ta chỉ là chuyện mượn trả, cuối cùng một bộ phận nào hư mượn không được, thì ngang đó là vĩnh biệt. Thấy rõ như vậy chúng ta đã giải quyết bao nhiêu thứ phiền não, trái lại chỉ nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp thì bao nhiêu thứ phiền não sanh khởi.
Thấy được lẽ thật rồi, chúng tôi liền làm bài tụng rất đơn giản gọi là “Mạng Sống”:
Mạng sống trong hơi thở,
Trong nhịp đập quả tim.
Thế nào là mạng sống?
Sự vay mượn liên tục.
Câu kết phải công phu lắm mới thấy được lẽ đó, chớ không phải là thường. Chúng ta cứ nghĩ mình sống, chớ không ngờ sống chỉ là sự vay mượn liên tục. Còn tiếp tục vay mượn là còn sống, vay mượn ngừng lại là chết ngay. Như vậy sống bằng vay mượn, làm sao gọi là sống thật? Mà không thật thì đâu có gì quan trọng. Vì cho cuộc sống là quan trọng, nên chúng ta tranh giành nhau, trách cứ và hờn giận lẫn nhau rồi bị chướng ngại trên đường tu hành. Bài kệ này không phải ngẫu nhiên có mà do suy gẫm đúng theo lời Phật dạy, trầm ngâm rất nhiều thời giờ, khi nói lên được điều này mới thấy cuộc đời bớt khổ. Phải hằng sống và nhớ được như vậy, chúng ta cũng bớt khổ.
Đức Phật đã từng nói: “Mạng sống trong hơi thở.” Thật vậy, thở ra mà không mượn không khí trở lại thì chết ngay. Trong kinh, Phật hỏi các thầy Tỳ-kheo: Mạng sống con người là bao lâu? Có vị nói năm ba tháng, có vị nói năm bảy ngày, có vị nói ít tiếng đồng hồ, có vị thưa trong một bữa ăn. Nhưng Phật đều bảo: Các ông không thấy đạo. Cuối cùng có một vị Tỳ-kheo thưa: Mạng sống trong hơi thở. Phật nói: Ông đã thấy đạo. Như vậy đạo là gì? Là chân lý, là lẽ thật, thấy được lẽ thật gọi là thấy đạo, thấy đạo là giác ngộ. Thấy rõ thân chúng ta là vay mượn, là tạm bợ, ngắn ngủi đó là chúng ta đã tỉnh đã giác; còn thấy thân là thật, là lâu dài quí trọng, đó là chúng ta đang mê, đang vô minh.
Mạng sống trong hơi thở, trong nhịp đập quả tim. Như người bị bệnh tim, bất chợt tim ngưng đập thì sao? Tức là chết rồi, như vậy làm sao nói mạng sống là lâu dài bền bỉ được. Không mượn không khí để thở là chết, quả tim ngừng đập là chết, vậy đâu có gì là lâu dài! Còn liên tục vay mượn không khí hít vào thở ra, quả tim còn đập không dừng, đó là sống. Cho nên nói sống là động, rất là hợp lý, động là mượn trả, dừng cái động là chết. Mạng sống của mình chỉ là như vậy, thế mà chúng ta cứ tưởng nó lâu dài bền bỉ, sống đến bảy mươi, tám mươi tuổi, không ngờ cái chết lúc nào cũng chực sẵn bên cạnh mình. Đó là điều hết sức quan trọng, nhận thấy được như vậy không phải là chuyện dễ. Chúng ta thấy theo Kinh hoặc hiểu theo lời Phật mà không chiêm nghiệm thì cái thấy đó không đến được lẽ thật. Vì thế Phật dạy Văn Tư Tu, nghĩa là Phật nói mình phải nghe, rồi suy gẫm cho thấm thì việc tu mới dễ. Nếu nghe Phật dạy thân này là giả rồi mình học thuộc lòng mà rốt cuộc không biết nó giả như thế nào, chỉ nói giả ở miệng thôi chớ trong tâm trí mình không có gì dính dáng. Nếu tâm trí suy gẫm thấy được tường tận lẽ thật đó là đã giác, là đã mồi được đuốc trí tuệ của đức Phật.
Kế đến là thấy tâm mình cũng hư dối, không thật. Vì sao? Như trong kinh Lăng Nghiêm Phật hỏi: Cái gì là tâm? Ngài A-nan thưa: Cái hay suy nghĩ là tâm (Năng suy vi tâm). Ngài liền bị Phật quở đó là sai, nên Ngài mờ mịt không biết cách nào giải tỏa. Ngày nay chúng ta cũng giống như ngài A-nan cho cái suy nghĩ là tâm mình. Vậy làm sao theo kinh nghiệm bản thân chúng ta biết được cái hay suy nghĩ là giả, không phải là tâm? Khi ngồi tu chúng tôi chiêm nghiệm mới thấy được điều đó, chúng tôi chia cái giả làm bốn thứ:
1- Nếu cái suy nghĩ là tâm thì nó liên tục không dứt, nhưng có khi nó dừng nghĩ chừng một vài phút, lúc đó là có mình hay không? Như lúc ngồi thiền có khi năm, mười phút không niệm khởi, không suy nghĩ, thì lúc ấy không có mình sao? Nhưng mình lúc nào cũng hiện hữu mà! Nếu chấp cái suy nghĩ là mình thì khi không suy nghĩ tức là không có mình chớ gì, đó là cái sai lầm thứ nhất.
2- Nếu cái suy nghĩ là mình, thì mình là một hay nhiều? Ai cũng biết mình chỉ có một thôi, mà cái suy nghĩ thì quá nhiều, nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ hiền nghĩ dữ v.v… trong tất cả trăm ngàn thứ nghĩ đó cái nào là mình? Thế nên cho cái suy nghĩ là mình thì không hợp lý, đó là cái sai lầm thứ hai.
3- Nếu gọi cái suy nghĩ là tâm mình, thì sai lầm này chỉ người có tu mới biết, nếu chưa tu không bao giờ biết được. Như khi vừa dấy nghĩ mình liền tìm cái nghĩ này từ đâu ra, nhìn lại thì nó mất tăm mất dạng. Vậy cái suy nghĩ này chỉ là bóng thôi, đâu có thật, vì là bóng nên vừa nhìn lại tìm nó liền mất. Chúng tôi thường thí dụ: Như có một vị Tăng ở tại Thiền viện Thường Chiếu, có duyên cớ ra ngoài cổng gần đường. Có người hỏi: Thầy đó ở đâu? Đáp: Thầy ở trong Thiền viện. Nếu vị Tăng đó có việc trở vào Thiền viện, người khác hỏi: Thầy khi nãy đâu rồi? Đáp: Thầy đó trở vào Thiền viện. Như vậy thầy phải có nơi ở, rồi phải có chỗ trở về. Còn nếu hỏi thầy đó ở đâu, tìm lại thì thầy mất tiêu, người ta sẽ bảo đó là hồn ma bóng quế chớ đâu phải thật. Nếu là thật thì phải có mặt ở đây, rồi khi vắng mặt ở đây thì phải có chỗ trở về.
Còn cái suy nghĩ nếu là thật, khi tìm lại, nó phải trú ở một chỗ nào, nhưng khi tìm lại nó mất tiêu không bóng không hình thì làm sao thật được. Đó là cái sai lầm thứ ba.
4- Có khi chúng ta suy nghĩ một vấn đề gì, có khi chúng ta ngồi chơi một cách yên ổn tự tại không suy nghĩ gì hết. Như vậy khi suy nghĩ mình biết có suy nghĩ, khi không suy nghĩ mình biết lúc đó không suy nghĩ. Thế nên cái suy nghĩ và cái không suy nghĩ là cái bị mình biết, bị mình thấy. Tỉ dụ như tôi là chủ ngồi trong thất, có năm, bảy người khách đến, tôi biết khách đến. Một lát khách ra về, trong thất chỉ còn có mình tôi, tôi biết lúc này không khách, phải không? Tôi biết có khách tôi biết không khách, vậy tôi là chủ.
Cũng như vậy, có suy nghĩ mình biết, không suy nghĩ mình biết, thì suy nghĩ là khách, cái biết là chủ chớ gì? Thế mà lâu nay mình nhận khách làm chủ, cho suy nghĩ là mình, cho nên Phật nói chúng ta nhận giặc làm con. Vì mê lầm nhận giặc làm con cho nên bao nhiêu sự nghiệp của chúng ta đều tan hoang hết. Đó là cái sai lầm thứ tư.
Kinh nghiệm trong sự tu hành cho chúng ta thấy rõ tâm suy nghĩ của mình chẳng qua là bóng dáng tạm bợ không thật mà lâu nay mình lại chấp lầm nó là thật. Biết được cái suy nghĩ là bóng dáng không thật thì cái nghĩ phải của người này hay cái nghĩ phải của người kia cũng đều là bóng, đâu có gì quan trọng mà giận hờn mà tranh phải quấy với nhau, không có gì quan trọng thì làm gì có phiền não.
Tất cả chúng ta sở dĩ khổ đau không ngoài hai cái chấp thân và tâm. Vì mê lầm chấp sai nên chúng ta tạo không biết bao nhiêu nghiệp khổ. Phật nói đó là vô minh. Từ mê lầm là hoặc, rồi tạo thành nghiệp và thọ khổ. Hoặc, nghiệp, khổ, cứ như vậy mà trầm luân muôn kiếp. Hiện nay biết rõ thân và tâm này là giả dối chúng ta phải làm gì, chớ không thể bi quan tiêu cực rồi thả trôi cả cuộc đời. Chúng tôi cho một thí dụ: Chúng ta giống như những kẻ đi ngoài sông lớn trên một chiếc thuyền, bất thần bị sóng to gió lớn đập vỡ thuyền, chúng ta bị chìm. Bất chợt chúng ta gặp được một gốc cây mục, nổi lờ đờ trên mặt nước. Chúng ta ôm gốc cây mục thì ngay đó chúng ta phải có thái độ nào? Biết mình đang ôm gốc cây mục và đang ở giữa dòng, nếu buông gốc cây thì chết chìm, vậy gốc cây mục đối với mình rất là quí. Nhưng nó mục, đâu có bền, thì ngay bây giờ phải mượn nó bơi gấp vào bờ. Đến bờ rồi thì gốc cây mục là vô nghĩa không còn dùng nữa. Người khôn ngoan là phải như vậy, biết mình đang ôm gốc cây mục cho khỏi chết chìm thì phải cố gắng bơi cho tới bờ. Thí dụ này nói lên thân người ví như gốc cây mục, tạm bợ không bền chắc, nhưng chúng ta mượn nó để làm những điều lợi ích và cao thượng, chớ không phải bám vào nó, và bảo vệ nó mãi, đến chừng nó rã ra mình lại chết chìm lần nữa!
Biết thân là giả tạm chúng ta không hài lòng với cái giả tạm đó, mà phải cố gắng làm sao được giác ngộ và giải thoát để rồi chỉ cho mọi người cùng giác ngộ và giải thoát như mình. Đó là chỗ nhìn đúng của người tu. Còn nếu nói thân giả rồi cứ ngồi hút thuốc ca hát vui chơi, nó đã giả rồi làm gì cho phí công vô ích! Đó là quan niệm dại khờ, phải không? Hình ảnh người ôm gốc cây mục ở giữa sông to nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực tu và làm lợi ích chúng sanh, chớ không phải biết thân là giả, là vô thường rồi thở than buồn khổ hoặc ăn chơi để chờ chết. Đó là ngu dại không đúng tinh thần của người hiểu đạo. Chính bản thân tôi trong lúc tu và nghiền ngẫm đạo lý, chúng tôi thấy được lẽ thật này nên trình bày để quí vị được rõ.
Chúng ta tu là phải hằng tỉnh hằng giác biết rõ thân và cái gọi là tâm đều giả, nên trong đời sống tu hành nếu có ai lỡ lời nói nặng, chúng ta biết thân và ngôn ngữ là giả thì mọi phiền não theo đó sẽ hết; trái lại nếu thấy chúng là thật thì phiền não nổi lên, chúng ta sẽ xâu kết lại và gồng gánh cho đến suốt đời. Nếu không thấy đúng như thật thì không sao gỡ được phiền não, dù có kêu cầu cứu cũng không ai gỡ được cho mình, chính trí tuệ của mình thấy đúng như thật mới gỡ được các phiền não.
Trong kinh Viên Giác chương Phổ Hiền đức Phật nói: “Tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện. Ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ.” Nghĩa là: Biết huyễn tức là lìa. Biết thân này là giả, tâm này là giả thì mọi ràng buộc về nó chúng ta đều lìa bỏ được một cách dễ dàng, không cần tạo phương tiện gì. Thật vậy, chúng ta tu mà cứ nghĩ mà phải tạo phương tiện này hay phương tiện kia, nhưng sự thật Phật dạy: Chỉ thấy rõ thân, tâm là giả, liền lìa hết các thứ phiền não, các thứ trói buộc.
Ly huyễn tức giác: Biết đó là huyễn, mình không còn bám chặt vào nữa, đó là giác rồi. Diệc vô tiệm thứ, tức là giác không có thứ lớp, đó là giác liền, không có nói nay một phần, mai một phần chi hết.
Như vậy trên đường tu, chúng ta phải thấy thân và tâm này là hư dối, huyễn hóa, thấy rõ như vậy tức là giác, giác rồi là cái vô minh muôn đời cũng tan hết, giống như cái nhà tối bao nhiêu năm, chúng ta thắp lên ngọn đèn liền sáng. Nếu hết vô minh tức dứt dòng sanh tử. Thế nên trong kinh Phật nói: Vô minh diệt thì hành diệt… Con đường tu của chúng ta đã quá rõ ràng không có nghi ngờ gì nữa.
Người thật tu có thần thông biết quá khứ vị lai hay không? Có biết căn cốt đời trước của Phật tử chăng? Có biết đoán coi Phật tử bao giờ hết khổ? Chúng tôi thường được hỏi những câu như vậy. Ít ai nghĩ tu là phải hằng tỉnh hằng giác, thấy rõ thân tâm chúng ta là giả dối không thật, nên những việc đến với mình, mình gỡ ra dễ dàng không bị dao động, trong nhà thiền gọi là bát phong xuy bất động nghĩa là tám gió thổi không động. Tám gió là gì? Tức là lợi suy, hủy dự, xưng cơ, khổ lạc. Lợi là được tài lợi, suy là bị suy hao, hủy là bị hủy nhục, dự là được đề cao, xưng là được khen ngợi, cơ là bị chê hiềm, khổ là buồn khổ, lạc là an vui. Chúng tôi sẽ cho thí dụ hết sức dễ để quí vị thấy chúng ta bị động vì lợi và suy. Người ta thường nghĩ lợi là cái thuận hợp cho mình, được lợi thì có gì đâu mà phải động. Nhưng thật ra lợi là một cái động lớn. Giả sử như ở đây có ai mua một vé số gởi cúng cho một thầy, và vị thầy cũng hoan hỉ nhận. Rồi đến ngày xổ số có người báo tin là vé số của thầy trúng mười triệu, thì đêm đó thầy có ngủ được không? Trúng được mười triệu, chắc thầy khỏi ngủ. Gió lợi nó thổi mình bay không ngủ được. Không phải chỉ một đêm không ngủ thôi, mà khi đi lãnh tiền được mười triệu rồi, có yên lòng về chùa ngồi thiền như những ngày trước hay không? Hay là được tiền rồi, phải suy tính nên làm cái gì? Rồi bao nhiêu thứ nghĩ tính sanh ra, tính trúng cũng có, tính trật cũng có, cho đến bao giờ dùng hết số tiền đó mới hết nghĩ tính, khi ấy mới hết động! Quí vị thấy chỉ cái lợi thôi mà đã bị động chừng ấy, huống nữa là bị suy hao tài vật. Ví dụ mình có nhà cao cửa rộng hoặc chùa lớn Phật to, bất thần có việc gì xảy đến khiến cho nhà cửa mình tan nát hoặc chùa chiền mình bị hư sập, lúc ấy mình mất ngủ bao nhiêu ngày đêm? Trong suốt thời gian đôi ba năm mà chưa gầy dựng lại được, lúc nào cũng chặc lưỡi thở dài. Như vậy quí vị thấy cái động không phải nhất thời mà kéo dài cho đến bao giờ bình lại mới thôi. Chỉ có hai gió lợi, suy mà đã khó giữ cho không động, huống nữa là tám gió…
Hai gió sau cùng là khổ và vui. Thí dụ như ở Thiền viện đây cái gì là khổ nhất cho các huynh đệ? Không biết các nơi khác thì sao, chớ ở Thường Chiếu này ai mà trị nhật phải xuống bếp nấu ăn là khổ nhất. Tới phiên trị nhật hoặc làm tri khố là khổ nhất, mặt mày người nào cũng cứ nhăn nhó hoài. Gắng làm sao tới phiên tri khố hay trị nhật mà vẫn tươi cười, đứng trước bếp lửa hừng hực, mồ hôi ướt đẫm mà không có gì bực bội, đó là đã tiến lắm rồi, cái khổ nhỏ mà mình thắng được cũng là hay lắm. Phần nhiều chúng ta hay nói gần lửa thì dễ sân, nên ai vô bếp cũng dễ sân vì nóng quá, lại mệt nữa nên động tới là nổi sân liền. Quí vị thấy một chút khổ đó đã động rồi huống nữa là cái khổ đói rét hay những khổ đau rên xiết thì còn động biết là dường nào! Rồi đến cái vui cũng vậy, nếu vui quá thì tâm mình cũng lăng xăng dao động…
Thế nên người tu giá trị không phải là có thần thông, biết quá khứ vị lai, mà giá trị ở chỗ gặp lợi mình vẫn bình thản, gặp suy mình vẫn an ổn, cho đến gặp khổ hay vui mình cũng an nhiên, người đó mới là đạo nhân chân chánh. Còn nếu nói quá khứ vị lai mà bị chê liền đỏ mặt tía tai thì nói quá khứ vị lai chỉ là trò chơi thôi. Còn nói ngồi thiền tám tiếng hay mười hai tiếng đồng hồ, hoặc một ngày một đêm, mà khi động tới thì nổi sân đó cũng chưa phải là thứ thật. Người tu thật là ở trong tám gió vẫn thản nhiên, thổi mấy cũng không động, thế mới gọi là chân tu. Hôm nào quí vị thử xem còn động không, nếu không động là không còn chấp thân và tâm, không còn chấp chúng ta mới dứt hết các khổ.
Người tu là phải có thực lực, nghĩa là trước những cảnh khổ đau chúng ta vẫn xem thường. Chúng tôi thường kể câu chuyện của Tổ Sư Tử. Khi vua nước Kế-tân hỏi: Ngài xem thấy ngũ uẩn đều không, phải không? Ngài đáp: Phải. Vua nói: Ngài cho tôi cái đầu được không? Ngài trả lời: Ngũ uẩn còn không, sá gì cái đầu. Và Ngài cho Vua cắt đầu. Đó mới gọi là thấy không thật một cách triệt để. Còn chúng ta nói thân là giả, mà khi động tới thì chịu không nổi. Như vậy chúng ta chỉ thấy trên lời nói, chớ không sống được với lẽ thật. Nếu thật tu thì kết quả là tám gió thổi không động.
Đoạn trên chúng tôi đã nói về giải thoát và giác ngộ, giải thoát tức đập tan xiềng xích sanh tử, giác ngộ tức dùng kiếm trí tuệ chặt đứt sợi dây vô minh đã cột chúng ta vào vòng trầm luân. Giác ngộ và giải thoát rồi chúng ta còn phải làm gì? Chúng ta phải thể hiện lòng từ bi, tức là nguyện đem ngọn đuốc trí tuệ soi rọi cho mọi người thoát khỏi chỗ u tối vô minh. Phật dạy chúng ta từ bi là khi chúng ta đã có giác ngộ và giải thoát phần nào dù nhiều hay ít. Có nhiều người nói: Mình chưa giác ngộ như Phật làm sao có từ bi? Chúng tôi thí dụ: Như chúng ta đang cùng ở trong một căn nhà tối mù mịt, nếu người nào có được cây đèn cầy và thắp lên, tuy ánh sáng nhỏ thôi nhưng đem lại giữa nhà thì mọi người cùng được sáng. Cũng như ban đêm chúng ta đang đi trên con đường tối, nếu có ai thắp được một cái đèn dầu nhỏ thì gọi những người bạn đồng hành cùng nương theo ánh sáng đó để đi cho khỏi rơi hầm rớt hố. Ánh sáng của ngọn đèn tuy nhỏ nhưng rất cần cho những người đang đi trong đêm tối. Đó là trường hợp chúng ta tu được một chút trí tuệ và một chút giải thoát. Nếu tu khá hay giỏi hơn chúng ta sẽ được những ngọn đèn lớn sáng hơn, như đèn bấm hay đèn “măng sông” hay nếu giỏi hơn nữa như ánh sáng mặt trăng mặt trời soi khắp cả thế giới. Như vậy ánh sáng nào dù của đèn dầu hay của mặt trăng mặt trời cũng có giá trị riêng của nó. Hiện nay nếu được một chút ánh sáng nào chúng ta cũng đều chia sớt cho mọi người cùng hưởng để tránh những tai nạn có thể xảy đến. Sự chia sớt đó gọi là từ bi.
Thế nên người Phật tử tại gia hay xuất gia không có quyền thọ hưởng riêng một điều gì. Quí vị nhớ khi tụng kinh xong thì chúng ta cầu nguyện công đức tu hành hướng về không phải cho riêng mình mà cho mình và mọi người đều thành Phật đạo, đó là tâm từ bi. Phật không cho phép chúng ta làm điều gì chỉ nghĩ riêng mình mà phải nghĩ mình và mọi người cùng chung hưởng.
Điều cần yếu chúng ta phải nhớ có đèn rồi chúng ta mới soi đường cho người cùng đi, nếu chưa có đèn mà hướng dẫn người khác thì khi mình sụp hố, những người theo mình cũng đều rớt xuống hố. Nếu từ bi, thương xót người mà không chịu tu để thắp sáng đuốc trí tuệ, chỉ lo cho thiên hạ, rốt cuộc rồi mình và người đều rơi cả, đó là tai họa lớn. Hiểu đạo Phật là chúng ta phải hiểu cho thấu đáo lẽ này, lòng từ bi phát ra sau khi chúng ta có trí tuệ, được giác ngộ, hay có phần nào tự chủ khi tám gió thổi. Được như vậy chúng ta mới có thể phát tâm từ làm lợi ích cho mọi người, bằng ngược lại chúng ta phải dè dặt cẩn thận chẳng những không làm lợi cho người lại làm hại là khác.
Sau khi biết rõ trọng trách của người tu Phật, quí vị thấy trọng trách ấy có nặng không? Đó là chuyện phi thường, chớ không phải tầm thường. Nhiều khi chúng ta nghĩ mình là một vị Tăng hay một cô Ni không quan trọng gì rồi cứ lôi thôi để qua ngày hết tháng hay dể ngươi vui đùa năm này qua năm khác, thật uổng phí một đời tu. Người xưa mỗi khi chiều xuống kiểm điểm lại sự tu hành thấy chưa tiến bộ được bao nhiêu, đau khổ rơi nước mắt. Còn chúng ta ngày nay năm đã hết, chúng ta thử kiểm điểm lại xem đã tiến được bước nào chưa? Nếu tu chưa tiến, chúng ta có rơi lệ đau buồn không? Hay chúng ta cứ cười chúm chím hay cười hỉ hạ?
Ý thức được trách nhiệm hết sức quan trọng của mình, chúng ta quyết tâm giải thoát sanh tử, quyết tâm thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ và dìu dắt người ra khỏi chỗ mê lầm tăm tối. Chúng ta không thể lơ là với việc tu hành, không thể dể duôi để ngày tháng qua suông mà phải luôn luôn nỗ lực tiến tu.
Nhân ngày cuối năm, chúng tôi ôn lại những lời Phật dạy và những câu kinh câu kệ cốt để quí vị thấm nhuần, rồi chúng ta kiểm điểm lại xem trong một năm qua đã tiến được bao nhiêu, nếu chưa tiến thì ráng cố gắng đừng để mất thời giờ. Chúng ta đã là những người có ý chí siêu phàm thoát tục thì không nên để cho đời mình trôi qua như bao người phàm tục khác, uổng đi một đời tu của mình, uổng công trông chờ của cha mẹ và những người thân thuộc. Thầy Tổ cũng đang trông mong quí vị sẽ là những ngọn đuốc tương lai để tiếp nối người đi trước và soi sáng kẻ đi sau. Nếu quí vị lơ là chần chờ không làm bổn phận của mình là phụ ơn Thầy Tổ, thật là điều đáng trách. Hơn nữa chúng ta sống nhờ hạt cơm manh áo của đàn-na thí chủ và những người trong xã hội thì chúng ta phải làm sao cho xứng đáng là một người xuất gia, một người tu theo Phật. Chúng tôi mong rằng quí vị sẽ xứng đáng nhiều hơn nữa trong năm mới sắp đến.