Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh

 

B.2.2.15. TỊCH GIÁO GIỚI (giới không được dạy giáo lý)

Kinh văn:

Nếu là Phật tử đối với những hạng người từ đệ tử Phật, lục thân, tất cả thiện tri thức, đến ngoại đạo, ác nhân, đều phải khuyên bảo họ thọ trì kinh luận Ðại Thừa, nên giảng cho họ hiểu nghĩa lý, khiến họ phát Bồ Ðề tâm, Thập Phát Thu Tâm, Thập Trưởng Dưỡng Tâm, Thập Kim Cương Tâm. Trong ba mươi tâm ấy, giảng cho họ hiểu rõ pháp dụng và tuần thứ của mỗi món. Nếu Phật tử vì ác tâm, sân tâm, đem kinh luật của Thanh Văn, Nhị Thừa cùng các bộ luận của ngoại đạo, tà kiến để dạy cho người một cách thiếu cân nhắc, Phật tử này phạm khinh cấu tội.

Lời giảng:

Giới “phóng hỏa thiêu đốt” ở trước là để phòng ngừa sự tổn hại ở bên ngoài. Giới cấm giảng dạy “tà tịch” này khuyên Phật tử phải nên đem Phật pháp giáo hóa, làm lợi ích, ủng hộ bên trong nội tâm của hành giả tu học Phật pháp, tránh được những sự độc hại của các tư tưởng khác, có thể sanh ra những hành vi chống trái. Ðây là một việc vô cùng trọng yếu.

Bồ Tát là người tu học theo Ðại Thừa, đã là một hành giả Ðại Thừa, đáng lẽ phải đem giáo pháp Ðại Thừa truyền dạy cho chúng sanh, khiến cho chúng sanh noi theo pháp Ðại Thừa mà tu học, để được sự lợi ích rốt ráo thì mới phù hợp với tôn chỉ của Bồ Tát, và xứng đáng được gọi là Bồ Tát. Cho nên trong kinh Duy Ma Cật, phẩm Phương Tiện nói: “Khi vào những địa phương để diễn giảng, luận nghị, phải đem giáo pháp Ðại Thừa mà dẫn dắt chúng sanh” là để biểu lộ tinh thần này.

Kinh Pháp Hoa cũng dạy: “Nếu đem giáo pháp Tiểu Thừa giáo hóa chúng sanh thì ta bị lỗi xan tham, việc này là không thể được”.

Lời dạy trong kinh là khuôn thước gương mẫu mà Phật tử Ðại Thừa cần phải học tập.

Kinh Duy Ma Cật, phẩm đệ tứ nói thêm: “Dùng tâm Ðại Bi tán thán pháp Ðại Thừa, nghĩ nhớ đền đáp thâm ân của Phật, cần phải làm cho ngôi Tam Bảo không đoạn tuyệt, rồi sau mới giảng nói chánh pháp”.

Bồ Tát không thể không nói pháp, mà đã nói pháp thì phải tán thán công đức thù thắng của Ðại Thừa, khiến cho người nghe pháp phát tâm tín phụng pháp Ðại Thừa để đạt đến kết quả cứu cánh thành Phật.

Nếu người nào có thể thuyết pháp như vậy, chẳng những có thể đền trả thâm ân của Phật, lại còn làm cho ngôi Tam Bảo không đoạn tuyệt.

Bằng cách nào khiến cho ngôi Tam Bảo không đoạn tuyệt?

Thường thuyết pháp chính là làm cho ngôi Tam Bảo không đoạn tuyệt vậy!

Người nghe pháp rồi, phát tâm xuất gia, hành Bồ Tát đạo, chính là làm cho Tăng Bảo không đoạn tuyệt. Hành giả xuất gia hành Bồ Tát đạo kia, tương lai quyết sẽ thành Phật, là làm cho Phật Bảo không đoạn tuyệt. Chúng ta thấy Bồ Tát đem chánh pháp giáo hóa chúng sanh, cần phải tuyên nói pháp Ðại Thừa là một điều hết sức trọng yếu. Nếu không thực hành như thế, mà trái lại, đem giáo pháp Tiểu Thừa vì chúng sanh thuyết pháp, điều đó, chẳng những trái với chân lý của Phật pháp, mà cũng trái với bổn nguyện của chính mình.

Nên bất luận thế nào, đều không thể làm như vậy được. Vì người nghe pháp, nghe bạn tuyên thuyết giáo pháp Tiểu Thừa, sẽ hình thành một thứ thành kiến chủ yếu trước tiên, gây chướng ngại cho việc tiến bước trên con đường Bồ Ðề của họ; thậm chí còn làm cho họ khởi tâm hủy báng pháp Ðại Thừa.

Sự di hại này không có pháp gì đánh giá được, nên kinh Ðại Tập nói: “Khuyên dạy chúng sanh tu học pháp Tiểu Thừa, đấy là ma nghiệp”. Ðối với giáo pháp Tiểu Thừa, còn không nên vì chúng sanh giảng nói, huống chi giảng nói các luận ngoại đạo, tà kiến ư?

Người giảng nói pháp Tiểu Thừa và các bộ luận ngoại đạo, tà kiến phải mắc tội khinh, trọng như thế nào?

Việc này cần phải xem xét động cơ thúc đẩy bạn như thế nào mới quyết định được.

Nếu động cơ phát xuất từ sự hiểu lầm mà giảng nói, thì tội này rất nhẹ. Vì bạn không phải cố ý giảng nói những lý luận ấy cho mọi người. Chỉ vì bạn lầm cho rằng những pháp Tiểu Thừa hoặc lý luận ngoại đạo ấy đối với chúng sanh không gây tổn hại chi.

Nếu do ác tâm mà giảng nói cho người, thì tội có phần nặng hơn:

– Như trường hợp nếu bạn biết rõ pháp Tiểu Thừa là không rốt ráo, các bộ luận của ngoại đạo, tà kiến sẽ đoạn tuyệt huệ mạng của chúng sanh, nhưng vì tâm tật đố xui giục, bạn cho rằng nếu người khác tu học Phật pháp Ðại Thừa, sự tu hành sẽ siêu thắng hơn mình. Vì thế, bạn chỉ giảng nói pháp Tiểu Thừa để cho người ấy vĩnh viễn không thể tu học Phật pháp Ðại Thừa, vĩnh viễn phải thua sút bạn.

– Hoặc do tâm sân hận sai khiến, vì người kia có nhiều lỗi lầm đối với bạn, nhưng bạn lại phải giảng nói chánh pháp cho người ấy, nên nội tâm bạn không thích giảng nói pháp môn rốt ráo Ðại Thừa. Bạn bèn giảng nói pháp Tiểu Thừa hay các bộ luận ngoại đạo, tà kiến để cho người ấy không thể tiến lên con đường thành Phật.

Những loại thuyết pháp như vậy, tội lỗi đương nhiên sẽ rất lớn.

Ðức Phật đối với đại chúng dạy rằng: “Nếu là một Phật tử thọ Bồ Tát giới, khi muốn giáo hóa chúng sanh, từ bậc đệ tử Phật nội chúng, đến ngoại đạo, người ác, ngoại chúng, hoặc lục thân gồm cả nội ngoại chúng, và tất cả thiện tri thức có quan hệ với mình đều phải mỗi mỗi khuyên bảo thọ trì kinh luật Ðại Thừa nên giảng dạy cho hiểu nghĩa lý.

Vì sao gọi Phật tử là nội chúng? Vì Phật tử học nội giáo của Phật pháp, chuyên nghiên cứu nội tâm của chính mình, không theo ngoại cảnh mà dong ruổi tìm cầu.

Vì sao gọi ngoại đạo là ngoại chúng? Vì một phần trong bộ phận tư tưởng ngoại đạo không tin hệ thống nhân quả do trước sau sanh nhau, không thừa nhận lý nhân quả thiện ác, dụ dẫn chúng sanh vào con đường sai lầm. Cho nên, nếu không bị trượt té vào hố sâu thường kiến cũng sa vào ao bùn đoạn kiến. Không thể dùng cáchh gì có thể từ hố sâu ao bùn ấy mà thoát ra ngoài, đến nỗi đoạn mất hạt giống Như Lai, vĩnh viễn bị trầm luân không bao giờ siêu thoát được.

Vì thế, trong kinh Ðức Phật từng dạy chúng ta rằng: “Tất cả chúng sanh vốn rất thuần thiện, không có gì gọi là Tà. Sở dĩ đi vào con đường tà, hoàn toàn do sự dẫn dắt sai lầm của của Thầy mà không biết, không hay nên bị đọa vào tam ác đạo. Thật là đáng thương xót biết bao!”

Lục thân vì sao bao gồm cả nội ngoại chúng? Vì lục thân có sự tín ngưỡng tôn giáo không đồng nhau. Người thì tin theo giáo lý của Phật pháp, người lại tín ngưỡng giáo lý của ngoại đạo. Không phải bản chất tín ngưỡng tôn giáo bất đồng, nhưng do cơ duyên gặp gỡ của mỗi người một khác nên mới có sự tín ngưỡng sai khác.

Thiện tri thức là những người có quan hệ với mình, như lương bằng, thiện hữu quen biết nhau, nhưng chưa tiến vào trong Phật pháp, không phải là các vị sư phạm trong pháp môn hay các vị pháp lữ đồng tu, hoặc các giáo thọ thiện tri thức.

Ðối với tất cả mọi người, hoặc nội ngoại chúng, hoặc lương bằng, thiện hữu như thế khi đem Phật pháp giáo hóa, tuyệt đối không nên đem giáo pháp Tiểu Thừa giảng dạy, dẫn dắt mà phải tuần tự giáo hóa dẫn dắt họ tu học từng bước một.

Trước tiên, phải khuyên bảo họ thọ trì, đọc tụng kinh luật Ðại Thừa, kế đó giảng dạy cho họ hiểu rõ nghĩa lý trong kinh luật.

Kinh luật thuộc về năng thuyên, nghĩa thuộc về sở thuyên.

Kinh luật Ðại Thừa khi họ chưa đọc tụng, dĩ nhiên phải dạy họ đọc từng chữ, từng câu. Khi họ đọc tụng được rồi, phải vì họ giảng nói nghĩa lý trong ấy, giúp họ hiểu rõ một cách minh bạch nội dung những vấn đề hàm chứa trong kinh luật một cách rốt ráo.

Nếu chỉ đọc tụng mà không minh bạch thì không thể thu hoạch được lợi ích lớn lao. Thông thường, hiện nay các nhân sĩ tu học Phật pháp, chỉ thọ trì, đọc tụng văn cú trong kinh luật, còn phần tư tưởng, nội dung thì không cần tìm hiểu cho thấu đáo. Việc này không được kiện toàn cho lắm!

Tín giải và thông đạt ý nghĩa kinh luật cũng chưa đủ, cần phải tiến thêm một bước nữa là giúp người y theo nghĩa lý Ðại Thừa phát khởi tâm vô thượng Bồ Ðề. Từ đó, có thể tiến mãi lên từng địa vị và giai cấp khác nhau.

Ở đây nói phát tâm Bồ Ðề, đối với lập trường tu học Ðại Thừa Phật pháp là một sự kiện rất trọng yếu. Vì thế bạn thực sự có trở thành một hành giả Ðại Thừa hay không, hoàn toàn do bạn đã phát tâm Bồ Ðề hay chưa? Nếu chưa thì dù bạn có thọ trì kinh luật Ðại Thừa như thế nào, hoặc bạn thông hiểu nghĩa lý Ðại Thừa rõ ràng như thế nào, cũng đều không thể gọi bạn là một hành giả Ðại Thừa.

Do đây, chúng ta có thể nhận thấy rõ sự trọng yếu của vấn đề phát Bồ Ðề tâm. Nhưng phát Bồ Ðề tâm cần phải hiểu rõ nghĩa lý Ðại Thừa mới là thực sự phát Bồ Ðề tâm. Nếu chưa chân thật hiểu rõ, thì không thể nói là phát Bồ Ðề tâm. Mà dù có phát Bồ Ðề tâm thì cũng không thể gọi là chân chính. Vì thế, hiểu rõ phát Bồ Ðề tâm là một sự kiện hết sức trọng yếu.

Cổ đức còn giải thích như sau:

– Nếu chỉ hiểu rõ nghĩa lý Ðại Thừa của kinh luật mà không phát khởi tâm đại Bồ Ðề, thì dù có trí huệ, chẳng qua là cuồng huệ mà thôi.

– Nếu chỉ biết phát Bồ Ðề tâm, mà không hiểu rõ nghĩa lý kinh luật Ðại Thừa, thì dù có phát đại tâm Bồ Ðề cũng chỉ làm tăng trưởng thêm vô minh.

Vô minh tăng trưởng thì không đi lên con đường lớn Bồ Ðề. Cuồng huệ thì có thể bị đọa lạc trong tam ác đạo.

Vì thế, hai vấn đề hiểu rõ nghĩa lý và phát tâm đại Bồ Ðề cần phải trợ giúp lẫn nhau, không được thiên lệch hay bỏ sót một bên nào.

Khi đã phát tâm đại Bồ Ðề, cần phải tu theo hạnh Bồ Ðề, hướng về Phật quả tối cao, và theo thứ tự mà đi lên:

– Ðầu tiên, hành giả quy hướng về Thập Phát Thú tâm.

– Kế đó, bước vào Thập Trưởng Dưỡng tâm.

– Cuối cùng, tiến lên bực Thập Kim Cương Tâm.

Ðối với sự tu học trong ba mươi tâm này, cần phải giải thích pháp dụng và tuần thứ của mỗi thứ, tức là giảng dạy cho hành giả hiểu rõ:

– Ở địa vị bực hiền hạ phẩm (thập Phát Thu tâm), phải tu tập quán hạnh như thế nào?

– Ở địa vị bực hiền trung phẩm (thập trưởng dưỡng tâm), phải tu tập quán hạnh như thế nào?

– Ở địa vị bực hiền thượng phẩm (thập kim cương tâm), phải tu tập quán hạnh như thế nào?

Giảng dạy rành rẽ như thế mới có thể gọi là Bồ Tát lợi mình, lợi người.

Vì sao? Vì ba mươi tâm này là những thứ bậc tu hành đầu tiên để bước vào địa vị thánh nên mang tính chất trọng yếu phi thường. Ở giai đoạn này, nếu tu hành sai lệch một chút, chẳng những không thể chứng đắc quả vô thượng Bồ Ðề, mà còn không thể bước lên bậc Thập Ðịa. Việc tu tập của hành giả mới phát tâm đúng theo pháp hay không, đều tùy thuộc nơi vị đại tâm Bồ Tát giảng giải rõ ràng tuần thứ của mỗi loại tâm hay không, để cho hành giả mới phát tâm tuần tự tiến bước khỏi phải lầm lộn.

Nếu vị đại tâm Bồ Tát không giải thích rành rẽ mỗi tâm để cho hành giả mới phát tâm cứ tiến bước một cách lầm đường lạc ngõ, thì sẽ gặp những trở lực không thể khắc phục, cũng như không thể tránh khỏi những hiểm nguy.

Vì thế, bổn phận của một vị Bồ Tát có đại tâm là phải giải thích cặn kẽ để hàng sơ học hiểu thấu đáo, tuần tự tu hành theo thứ lớp, tránh khỏi sự lộn xộn, sai lầm.

Ðúng nguyên tắc, một vị Bồ Tát tu học Ðại Thừa phải đem phương pháp tu thành Phật dạy bảo, dẫn dắt chúng sanh thì mới đúng là cương vị là Bồ Tát chân chánh. Nhưng trái lại, nếu vị Bồ Tát lại vì ác tâm, sân tâm, đem kinh luật của Thanh Văn, Nhị Thừa và các bộ luận của ngoại đạo, tà kiến dạy cho người, đương nhiên Phật tử này phạm khinh cấu tội.

Giảng giải như vậy là vì đối với người sở giáo, bạn có tâm bất mãn, hoặc không xứng đáng cho bạn dạy bảo, dẫn dắt, hoặc họ có thể làm giảm sự lợi ích của bạn trong tương lai. (Năng giáo là người giảng dạy kinh pháp, sở giáo là người nghe học kinh pháp).

Nếu vì người mà giảng nói pháp Tiểu Thừa, hoặc các bộ luận tà kiến, ngoại đạo không hợp với căn cơ của họ, sẽ khiến căn tánh của họ phát triển theo chiều hướng sai lầm, như thế sẽ rất luống uổng.

Nếu do sân tâm mà giảng nói những giáo pháp không mang tính chất ứng theo bệnh mà phát thuốc, khác nào như cây gỗ thẳng tốt mà làm cho cong hư, đồ đẹp quý mà dùng chứa những vật dơ xấu. Nói một cách nghiêm khắc hơn, người có căn tánh Ðại Thừa mà bạn đem giáo pháp Tiểu Thừa giảng nói còn không thể được, huống chi lại đem các bộ luận ngoại đạo, tà kiến giảng dạy cho người.

Bồ Tát cần phải thực hành hạnh tự lợi, lợi tha mà trái lại, đi giảng nói pháp tà tịch, làm cho người tu học đi vào chỗ sai lầm như thế là đoạn huệ mạng của Phật, cả mình và người đều bị tổn hại, nên không thể tránh khỏi tội lỗi. Vì thế, trường hợp này kết thành tội khinh cấu.

Ở đây có người hỏi: Nếu nói như thế vì sao trong luận Du Già dạy rằng:

“Có người đến cầu pháp, trước tiên phải hỏi chủng tánh của họ:

Nếu người ấy có trí huệ nói rõ căn tánh của mình, thì tùy theo căn tánh người ấy mà chọn lấy một trong ba thừa thích hợp để giảng nói.

Nếu người ấy không tự biết chủng tánh của mình, Bồ Tát nên vì người ấy nói rõ pháp Tam Thừa. Người ấy nghe xong, sẽ tùy theo căn tánh của họ, tùy theo chỗ phát tâm mà giảng nói các giáo pháp, hoặc Thanh Văn, hoặc Duyên Giác hay Bồ Tát. Tùy theo chỗ thích hợp với căn tánh của mỗi người mà giúp họ tu học”.

Xin giải đáp:

Chỗ cấm chế của giới này là việc sanh khởi ác tâm chứ không phải là hoàn toàn không nên giảng nói pháp Thanh Văn. Nhưng trong lúc giảng nói pháp Thanh Văn, nen nhận định đó chỉ là phương tiện tiếp dẫn mà thôi, không nên xem đó là phát rốt ráo chân thật. Sau này cần phải tiến thêm bước nữa là đem pháp Ðại Thừa giảng dạy cho chúng sanh để cùng tiến lên con đường lớn vô thượng Bồ Ðề, để cuối cùng đạt đến cứu cánh thành Phật. Cho nên lời kinh này đối với luận Du Già hoàn toàn không trái nghĩa nhau.

Lại có trường hợp vì cần phá trừ vọng chấp của học giả Tiểu Thừa, nên cần phải giảng nói pháp Tiểu Thừa để họ thấy rõ tôn chỉ của Tiểu Thừa và không còn định kiến chấp chặt: cho cương vị Tiểu Thừa là mãn túc. Trường hợp này không trái phạm giới.

Hoặc trong trường hợp vì thiện ý, muốn cho những hành giả sơ tâm tu học Phật pháp có nhận thức toàn bộ đối với thánh giáo trong thời đại của Ðức Phật. Nhưng phải hết sức khéo léo, tránh cho những người nghe pháp có chỗ đắm nhiễm. Trường hợp này giảng nói pháp Thanh Văn không bị trái phạm giới luật.

Ðầu tiên, Bồ Tát phát tâm Bồ Ðề chính vì thấy Pháp tạng của Bồ Tát sắp tiêu diệt. Trong tình huống nghiêm trọng phi thường này, bổn phận người Phật tử phải đứng ra hộ trì để pháp tạng khỏi bị tiêu diệt trên thế gian.

Vì pháp tạng của Bồ Tát có lợi ích rất lớn đối với chúng sanh, có thể trừ diệt vô lượng đại thống khổ cho chúng sanh, nếu không phát tâm đứng ra hộ trì, để cho pháp tạng của Bồ Tát bị mai một, thì thật là một đại bất hạnh. Vì thế Phật tử phải mạnh mẽ nhận thức rằng: nếu mình không hộ trì pháp tạng của Bồ Tát thì ai hộ trì!

Do tự mình đã vì hộ trì pháp tạng của Bồ Tát mà phát tâm Bồ Ðề, giáo hóa tất cả chúng sanh, như vậy có thể nào lại đem pháp Tiểu Thừa mà hóa độ?

Giới này thất chúng Phật tử đều phải vâng giữ, nhưng Ðại, Tiểu Thừa không hoàn toàn giống nhau. Phái Tiểu Thừa vì học tập theo Tiểu Thừa nên giảng nói pháp Tiểu Thừa. Trường hợp này không phạm giới luật. Nhưng nếu đem luận ngoại đạo, tà kiến mà giảng dạy người thì đồng phạm tội như Ðại Thừa.