Xuân Trong Cửa Thiền
(Trọn bộ 4 tập)
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Hòa Quang Đồng Trần
Tất niên Đinh Mão – 1988
Hôm nay là ngày hai mươi chín tháng chạp, ngày tất niên của Thiền viện chúng ta. Trong buổi tất niên này, chúng tôi có bổn phận phải nhắc nhở những ưu khuyết điểm trên đường tu của chúng ta. Đặc biệt những khuyết điểm thường được nhắc nhiều hơn để chúng ta tu sửa, làm sao mỗi một năm qua ta dứt sạch những bệnh hoạn, chuẩn bị cho năm tới có sức mạnh tiến tu, không còn bệnh hoạn nữa.
Đề tài chúng tôi giảng hôm nay là Hoà quang đồng trần. “Hoà quang” là hoà ánh sáng, “đồng trần” là đồng với bụi bặm, tức là trộn lẫn ánh sáng vào với bụi bặm. Tại sao chúng tôi giảng đề tài này? Gần đây một số Tăng Ni cũng như Phật tử có bệnh: Thấy mình trong sạch, thấy mình tu nhiều, thấy mình tốt hơn mọi người. Vì thấy như vậy nên trở thành bệnh hoạn. Trong cách thấy đó chia ra hai thứ bệnh:
Bệnh thứ nhất, chính mình không trong sạch mà tưởng mình trong sạch, rồi cho mọi người là bẩn thỉu nhơ nhớp, chỉ có ta trong sạch thôi. Nếu không trong sạch mà tưởng mình trong sạch, đó là bệnh quá lớn. Tại sao vậy? Bởi vì mình không biết điểm khuyết điểm dở của mình, mà chấp điểm khuyết điểm dở của bạn bè huynh đệ. Như vậy tự mình không sửa được, lại còn oán trách những người chung quanh. Người mang bệnh này, bản thân đã không tu tiến được, còn làm cho huynh đệ phiền não. Đó là bệnh rất nặng, rất đáng chê trách. Kinh Phật và chư Tổ thường dạy chúng ta, người tu tại gia hay xuất gia, phải thấy được lỗi của mình và quên lỗi của người khác. Nếu chúng ta không trong sạch mà tự thấy mình trong sạch, đó là không thấy lỗi mình. Đừng thấy lỗi người, mà chúng ta cứ thấy người này xấu người kia dở, đó là chúng ta trái hẳn với lời Phật Tổ dạy. Ai mang bệnh này là một bệnh trầm trọng nhất, khó tiến trên đường tu. Người mang bệnh này có bằng lòng ai đâu! Vì thấy mình trong sạch, mọi người đều xấu dở, cho nên không bằng lòng ai hết.
Bệnh thứ hai, mình thật sự trong sạch rồi chê mọi người nhơ nhớp xấu xa. Lẽ ra mình trong sạch biết mình trong sạch, người khác nhơ nhớp xấu xa thấy họ nhơ nhớp, xấu xa, đó là thấy đúng lẽ thật, vì sao lại nói là bệnh? Vì khi chúng ta trong sạch, thấy mình trong sạch rồi cho mọi người nhơ nhớp xấu xa thì chúng ta muốn gần họ hay không? Mình sạch quá mà gần người dơ xấu thì bị nhiễm làm sao! Vì vậy không muốn gần ai. Nếu không muốn gần ai thì làm sao sống được với người chung quanh. Đó là bệnh. Trên đường tu, chúng ta cố gắng trong sạch bản thân rồi, thấy mọi người đều nhơ xấu nên muốn tránh. Muốn tránh mọi người thì đi đâu đây? Vô núi chăng? Vô núi không ở được thì đi đâu nữa? Vô rừng. Vô rừng không ở được thì đi đâu nữa? Chẳng lẽ lên mây xanh? Chính vì nhìn thấy người xấu xa nhơ nhớp mà chúng ta không thể hoà được, rồi tự khu biệt mình. Sống giữa rừng người mà giống như ở trong sa mạc. Trong nhà Phật gọi đó là bệnh thanh tịnh.
Vào đầu thế kỷ thứ ba ở Trung Hoa có ông Khuất Nguyên là quan Tam lư, Đại phu nước Sở, học rộng có tài nhưng vì thấy mình trong sạch quá nên không hoà được với mọi người, khinh rẻ mọi người. Vì vậy ông làm mất lòng vua Sở, bị vua Sở đày xuống Giang Nam. Ở Giang Nam, ông có quen với một ngư phủ là một ẩn sĩ có tài. Khi hai người nói chuyện với nhau, ngư phủ phục Khuất Nguyên về văn học, Khuất Nguyên nể ngư phủ là người thấu đáo việc đời. Một hôm thấy Khuất Nguyên tỏ vẻ buồn bực khổ não, ngư phủ mới hỏi: “Ngài vì sao đến nông nỗi như vậy?” Khuất Nguyên trả lời: “Người đời đục cả chỉ mình ta trong, người đời say cả, chỉ mình ta tỉnh, vì thế mà ta bị đày tới đây.” Khuất Nguyên thấy người đời đục cả chỉ mình ông trong, người đời say cả chỉ mình ông tỉnh. Bởi ông trong, ông tỉnh nên ông bị đày! Khi đó ngư phủ mới nói: “Người đời đục thì Ngài cũng không nên giữ mình trong sạch, người đời say thì Ngài cũng nên uống vài chén cho say luôn thể.” Nghe nói thế Khuất Nguyên bực bội: “Ông nói sao vậy? Không thể nói trắng thành đen hay đen thành trắng được, đá không thể nói là ngọc, ngọc không thể là đá được. Cho đến người trượng phu không thể là kẻ tiểu nhân, kẻ tiểu nhân không thể là trượng phu. Ông nói như vậy thật là lộn lạo!” Ngư phủ mới nói: “Ngài đã một lòng cứu nước, cứu dân, lẽ ra phải trà trộn vào đám tiểu nhân, dần dần cảm hóa họ. Ngài định thay đổi cuộc đời, phải dấn thân vào chỗ tối tăm làm cho sáng. Cớ sao lại cho cuộc đời là bẩn thỉu, người đời là nhơ nhớp?” Khuất Nguyên đáp lại: “Kẻ đã tắm gội thay quần áo, không thể lại nhảy xuống bùn.” Ông cho rằng mình như người tắm gội sạch rồi, mà bắt nhảy xuống bùn, ông không thể làm được. Khi ấy ngư phủ thấy không thể khuyên được nên than bằng những câu hát:
Nước sông Thương Lang trong thay!
Nước sông Thương Lang đục thay!
Nước trong thì ta giặt giải mũ,
Nước đục thì ta rửa chân.
Hát xong, ông chèo thuyền đi. Khuất Nguyên vì quá trong sạch, không chịu đựng nổi, phải ôm viên đá gieo mình xuống sông Mịch La tự tử, nhằm ngày mùng năm tháng năm. Người dân Trung Hoa ăn Tết ngày mùng năm tháng năm để tưởng nhớ ngày Khuất Nguyên trầm mình chết.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Khuất Nguyên bị bệnh gì? Bệnh thanh tịnh. Vì ông trong sạch nên không muốn hoà với những người nhơ nhớp xấu xa. Nếu không hoà thì mình sống được không? Cuối cùng phải đi tự tử! Như vậy Khuất Nguyên và ngư phủ, ai là người biết sống hơn? Ông ngư phủ là người biết sống. Nếu nước trong thì mình giặt giải mũ, nếu nước đục thì mình rửa chân. Đòi hỏi nước trong, khi nước đục, mình sẽ không dùng được việc gì.
Trở lại việc đạo, đức Phật đã dạy, nếu chúng ta tu hành được thanh tịnh sáng suốt, thì phải thương và nghĩ tới những chúng sanh đang mê lầm, chìm đắm trong biển khổ, lao mình vào đó để cứu độ chúng sanh. Được như vậy mới là người thật tình vì Phật pháp. Nếu cứ nghĩ mình trong sạch, còn thiên hạ xấu xa nhơ bẩn, rồi không muốn gần họ. Không gần với họ thì chính mình tự cô lập mình, không làm lợi gì cho ai được. Trong chúng ta nếu ai đã lỡ bị “bệnh trong sạch”, phải sửa bỏ để vui vẻ hoà nhịp với mọi người.
Chúng tôi vừa chỉ thuốc trị bệnh, nhưng không khéo thuốc cũng thành bệnh. Tại sao? Hoà mình với người là khi mình trong sạch, đem trong sạch ra hoà với những người nhơ nhớp để giáo hóa, chuyển hướng họ trở thành trong sạch như mình. Đó là dùng thuốc trị bệnh. Nếu mình chưa trong sạch mà muốn hoà với người thì kết quả sẽ ra sao? Hoà quang đồng trần, “quang” là ánh sáng, là trong sạch, “trần” là bụi bặm, là nhơ nhớp. Mình sáng, mới đem ánh sáng lại chỗ nhơ nhớp để chuyển nó thành sáng. Nếu mình đang là bụi, đang là nhơ nhớp mà hoà với nhơ nhớp nữa thì kết quả sẽ như thế nào? Thuốc trở thành bệnh. Vì vậy khi dùng thuốc trị bệnh chúng ta phải dè dặt. Nếu mình thật thanh tịnh, phải thương người chưa thanh tịnh, hoà với họ để giáo hóa họ. Chớ thở than rằng mọi người xấu quá làm sao giáo hóa được, mọi người mê quá làm sao cho họ tỉnh được. Mình đã tỉnh, phải tìm mọi cách làm cho người mê được tỉnh; mình đã sạch, phải tìm mọi cách làm cho người nhơ được sạch. Như vậy mới đúng tinh thần của người học đạo, mà cũng chính là nghĩa tự giác giác tha trong nhà Phật.
Nếu thấy người quá xấu xa, chúng ta thở dài chán nản, không bằng lòng ai hết, đó là bệnh. Để trị bệnh này, chúng ta không học gương ông ngư phủ mà phải học gương ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh. Bồ-tát gặp ai cũng bái và nói: “Tôi không dám khinh các ngài vì các ngài đều sẽ thành Phật.” Dưới mắt của Bồ-tát Thường Bất Khinh, ai cũng có thể thành Phật. Như vậy có người nào đáng để mình khinh chê đâu. Đáng chê chăng là tự chê mình không có tài, không có phương tiện chuyển hóa người từ mê thành giác. Bồ-tát Thường Bất Khinh lúc nào cũng lạc quan, vì Ngài thấy mọi người đều sẽ thành Phật. Noi gương Ngài, chúng ta gặp ai cũng phải kính nể vì tin rằng ai rồi cũng sẽ thành Phật. Với niềm tin đó, chúng ta cố gắng chuyển hóa mọi người để cùng thành Phật với mình. Dù người không bằng lòng, có đánh mắng, chúng ta vẫn cam chịu và giữ vững niềm tin. Chúng ta cố gắng làm lợi mình, lợi người trong mọi hoàn cảnh. Đó mới đúng tinh thần của người học đạo.
Tranh Thiền tông “Thập mục ngưu đồ” hay “Mười bức tranh chăn trâu”, bức thứ tám là không còn người không còn trâu, bức thứ chín là lá rụng về cội, chim bay về tổ, nước chảy về nguồn, danh từ nhà thiền gọi là nhập Phật giới. Từ chỗ không ngã không pháp (bức tranh thứ tám) bước qua một chặng nữa mới thể nhập được Pháp thân thanh tịnh tràn đầy của chúng ta, gọi là nhập Phật giới (bức tranh thứ chín). Khi chúng ta thể nhập được Pháp thân thanh tịnh rồi, nếu hài lòng ẩn trú trong cảnh tịnh đó là chưa đủ công đức giáo hóa lợi tha. Vì vậy sau khi nhập Phật giới rồi liền phải bước vào ma giới (bức tranh thứ mười). Trong mười bức tranh chăn trâu, bức thứ mười vẽ một Thiền sư đóng cửa am trên núi, tay cầm gậy, tay xách xâu cá chép với bầu rượu đi xuống chợ, gọi là “Nhập triền thùy thủ” tức là buông thõng tay vào chợ. Chính chỗ đó trong nhà thiền gọi là vào ma giới. Khi được thanh tịnh rồi, chúng ta phải lăn mình vào trong chợ đời để cảm hóa chúng sanh, hoà mình với mọi người còn đang mê muội, còn đang xấu xa mà không bị lầm lẫn, không bị hoen ố. Trong nhà thiền còn dùng danh từ là “đầu tro mặt đất”, tức là chúng ta bị bụi bặm nhem nhuốc vì làm lợi ích chúng sanh, chớ không phải chính mình bị bụi bặm làm nhơ nhớp. Giai đoạn này gọi là “hoà quang đồng trần”, tức trộn lẫn ánh sáng trong bụi bặm. Ánh sáng và bụi bặm tuy hoà lẫn, nhưng là một hay là hai? Ánh sáng không là bụi bặm được, ánh sáng bao giờ cũng là ánh sáng. Như vậy chúng ta phải thể nhập được Phật giới rồi mới đi vào ma giới. Nếu chưa vào Phật giới mà đi vào ma giới sớm quá, kết quả sẽ ra sao? Vì vậy sau khi ngộ đạo rồi, ngài Huệ Khả mới đi vào chợ đời, đến quán rượu, nhà hát v.v… Các Phật tử thấy vậy hỏi Ngài: “Hoà thượng tu hành, sao lại đến nơi này?” Ngài đáp: “Ta thử tâm ta, có liên hệ gì đến ông!” Đây là lúc Ngài vào ma giới.
Chúng ta phải thấy rõ là khi nào nên vào ma giới, khi nào không nên. Như chúng ta hiện nay chưa thấy đạo mà vào ma giới là bệnh. Khi chúng ta nhập được Phật giới rồi mới nói đến việc vào ma giới. Nhiều người chưa biết Phật giới, muốn vào ma giới sớm quá, bắt chước các bậc đạt đạo vào chợ đời, ngồi quán rượu và nói “tôi đây vào ma giới, buông thõng tay vào chợ”. Đó là những người dùng ngôn ngữ nhà thiền, ngôn ngữ Phật Tổ để che đậy lòng tham dục của chính mình, chớ không phải người tu chân thật.
Rõ được bệnh, chúng ta phải biết dùng những loại thuốc nào đúng lúc đúng lượng mới mong hết bệnh. Nếu không biết cách dùng thuốc, bệnh không hết mà lại tăng thêm. Trên đường tu hành chúng ta phải biết nên làm gì ở mỗi giai đoạn. Đang lúc nỗ lực tiến tu, buông bỏ các phiền não xấu xa, dù có ai rủ vào ma giới, chúng ta cũng không dám vào, vì việc tu chưa xong. Khi nào chúng ta thật tình thanh tịnh, hoàn toàn không còn nhiễm ô nữa, lúc ấy nếu có ai rủ vào ma giới, chính là lúc mình vào. Phải biết mình cho thật rõ, việc làm mới có lợi ích.
Chúng tôi vừa chỉ cho quí vị biết đâu là thuốc, đâu là bệnh, dùng thuốc đúng thời thì có lợi, nếu sai thời có hại. Vì vậy người tu phải rất thận trọng. Có nhiều người ban đầu tu hành rất hay, sau trở thành dở, vì sử dụng thuốc không đúng thời.
Nói vào ma giới, chúng tôi xin dẫn bài kệ “Nhập Trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ như sau:
Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai,
Hoàng sắc mi đầu đỉnh đỉnh khai.
Bắc lí ưu du đầu mã phúc,
Đông gia tán đản nhập lư thai.
Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu,
Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi.
Tự đắc nhất triêu phong giải đống,
Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.
Dịch:
Vào vòng cát bụi
Vào vòng cát bụi nhịp chân đưa,
Vàng óng đầu mi rực rỡ đùa.
Xóm bắc rong chơi gieo bụng ngựa,
Nhà đông vui bước nhập thai lừa.
Roi vàng đánh đuổi trâu bùn chạy,
Dây sắt lôi về cọp đá thua.
Bỗng được một hôm băng giá hết,
Trăm hoa như cũ rộn xuân xưa.
Trúc Thiên dịch.
Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ tại gia, mà đã nói được những câu siêu thoát như vậy! Sau đây là ý nghĩa của bài kệ:
Vào vòng cát bụi là vào ma giới.
Vào vòng cát bụi nhịp chân đưa: là chỉ hình ảnh vị Hoà thượng tay xách xâu cá chép đi vào chợ (Tranh Thiền tông thứ 10).
Vàng óng đầu mi rực rỡ đùa: tuy đi vào cát bụi nhưng đầu mi đầu mày của ngài vẫn rực rỡ, óng ánh chớ không nhem nhuốc đen tối. Câu này nói lên nghĩa “hoà quang đồng trần”, đem ánh sáng đến chỗ tối tăm (chớ không phải đem cái tối vào bóng tối).
Xóm bắc rong chơi gieo bụng ngựa: đến xóm bắc để nhập vào trong bụng ngựa thọ thai.
Nhà đông vui bước nhập thai lừa: nhập vào thai lừa ở bên nhà đông.
Hai câu này ý nói: Khi vào trong vòng cát bụi, không chọn nơi tốt, không tránh nơi xấu, nơi đâu cần làm lợi ích chúng sanh, các ngài cũng đến được. Không chọn lựa, không chê nơi xấu dở, các ngài vào những chỗ ấy để làm gì?
Roi vàng đánh đuổi trâu bùn chạy, dây sắt lôi về cọp đá thua: cầm roi vàng đánh con trâu đất, nó cũng chạy mịt. Nắm dây sắt kéo con cọp đá, cọp đá cũng phải đầu hàng. Trâu đất có biết chạy không? Cọp đá có phục ai không? Tại sao ở đây lại nói đánh trâu đất chạy, lôi cọp đá thua? Ý nói khi đến được thể thanh tịnh sáng suốt tròn đầy, chúng ta lăn mình vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh. Lúc ấy chúng ta diệu dụng, không phải là tầm thường, cho nên trong nhà thiền thường nói nắm đất hóa thành vàng, khuấy nước biển thành đề-hồ, tô-lạc. Khi con người đạt đến mức đó rồi, dù ở trong cảnh xấu xa bẩn thỉu cũng không bị vướng mắc, hay bị che lấp mờ lối đi. Hình ảnh đánh trâu đất chạy, lôi cọp đá thua là để chỉ diệu dụng không thể lường được của người đạt đạo.
Đến hai câu kết:
Bỗng được một hôm băng giá hết: công dụng giáo hóa được viên mãn (tức là băng giá đã hết).
Trăm hoa như cũ rộn xuân xưa: lúc đó là một mùa Xuân đầy đủ trăm hoa như thuở nào.
Đại ý bài kệ nói khi chúng ta lao mình trong cát bụi tuy làm những việc rất tầm thường, rất xấu xa mà đầy đủ diệu dụng, chớ không bị nhiễm, không bị ô uế. Làm tròn những việc ấy rồi, chúng ta cũng trở về với thể thanh tịnh sáng suốt như thuở nào, tức là trở về chỗ mùa Xuân ngàn đời, đầy đủ trăm hoa không thiếu loại nào.
Trên đường tu nếu ai cũng thể hiện được tinh thần đạt đạo thì cuộc đời đẹp biết dường nào! Đâu còn phải than vắn thở dài, thiên hạ xấu quá tôi không thể giúp gì cho họ được, trái lại ta thấy mỗi chúng sanh đều có thể giáo hóa được. Chúng ta nỗ lực tiến tu để đến chỗ viên mãn thanh tịnh. Được thanh tịnh rồi, chính trong chỗ ô uế, xấu xa chúng ta dùng những diệu dụng không lường cảm hóa họ. Được như vậy, chúng ta an nhiên tự tại an trú Niết-bàn, thể nhập Pháp thân, trở về mùa Xuân tràn đầy hoa thơm cỏ lạ.
Để kết luận, tất cả quí vị nên nhớ: Chúng ta có hai bệnh. Một là bệnh chưa thanh tịnh mà tưởng mình thanh tịnh, rồi chê hết mọi người, đó là bệnh nan y. Ai bị bệnh này, phải sám hối một ngày bốn lần, chớ một hay hai lần cũng chưa hết bệnh được. Hai là nếu thật tình tu hành chín chắn, giữ giới trong sạch, ngôn ngữ hành động đều thanh tịnh, tâm niệm rất sáng suốt, rồi nhìn thấy mọi người còn dở, còn xấu quá nên muốn tách rời họ, muốn tránh xa họ để sự thanh tịnh của mình được trọn vẹn, đó cũng là bệnh. Vì sao? Vì trên cuộc đời này, chúng ta đều có sự liên hệ với nhau. Nếu chúng ta chỉ thấy riêng có một mình, không chịu kết chung với mọi người để chuyển hóa họ, đó là chúng ta tách rời mình ra khỏi nhân loại, ra khỏi chúng sanh. Tách riêng ra như vậy, e rồi chúng ta rơi xuống biển sâu, không đứng trên thế gian, không đứng trên mặt đất được. Vì vậy chúng ta ráng đừng bị bệnh thanh tịnh này. Còn một bệnh nữa là bệnh chưa thanh tịnh mà xưng là thanh tịnh rồi xông pha mọi nơi. Càng xông pha càng nhiễm ô, rốt cuộc một ngày nào đó mình làm kẻ tệ hơn tất cả thiên hạ, không phương cứu chữa.
Chúng tôi mong rằng tất cả Tăng Ni và Phật tử biết tu phải ráng tỉnh sáng, biết đúng thời, đúng lúc dùng thuốc trị tâm bệnh của mình. Sạch được những bệnh trong tâm rồi, một ngày kia chúng ta mới có thể làm tròn bổn phận của người xuất gia, của người tu theo đạo giác ngộ giải thoát. Đó là điều mong mỏi cuối năm của chúng tôi. Mong tất cả quí vị nỗ lực cố gắng.