ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Lời cuối sách
Gia đình mạt nhân tuy tin Phật, theo lời bố mẹ kể, nhà ông bà nội ngoài quê dành riêng một gian nhà thờ Phật, nhưng không hiểu sao, hai cụ thân sinh của mạt nhân lại không thờ Phật. Ngoài hình đức Phật Thích Ca mà bà ngoại thờ tại nhà cụ và hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại nhà một người bạn, thuở bé, mạt nhân trọn chẳng biết có vị Phật, Bồ Tát nào khác, chỉ biết tên những vị thần tiên từ các bộ truyện Tàu như Phong Thần, Tây Du Ký v.v… Mãi đến năm học lớp Tám, khi bà ngoại của một người bạn thân mất, lần đầu tiên được thấy tôn dung của đức Địa Tạng trong đám tang, cứ ngỡ đấy là hình tượng Đường Tam Tạng trong Tây Du Ký. Khi biết đó là Địa Tạng Bồ Tát, tự nhiên hoan hỷ vô cùng, ao ước có được một bức hình như thế, nhưng vẫn chưa thỏa nguyện. Sau đấy, như một cơ duyên, được thấy quyển kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nơi nhà một người bạn, nhưng vẫn không được phép mượn về đọc trọn bộ. Vài năm sau, vô tình được đọc kinh Diên Mạng Địa Tạng, vẫn ước ao được đọc toàn bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát do Hòa Thượng Trí Tịnh dịch. Thuở ấy, sau năm 1975, kinh sách hiếm hoi, những người có kinh, sách đều sợ bị mượn rồi không trả, hầu như không ai chia sẻ, rất khó tìm đọc kinh sách. Tại chợ sách cũ, mạt nhân tìm được một bản kinh Địa Tạng Bổn Nguyện do hội Phật Giáo Bắc Kỳ dịch, thích thú đọc từng dòng. Sau đó, lại có cơ duyên đọc bản dịch của Hòa Thượng Trí Tịnh có đối chiếu phần âm đọc Hán Việt và phần Việt Văn từ nhà một người bạn, năn nỉ mượn về, chép lại, lâu lâu lôi ra thầm tụng, cảm thấy rất thích thú, tuy chất lượng giấy tập học trò thuở ấy rất xấu, chữ viết lại nguệch ngoạc, xộc xệch vì chép vội cho xong để kịp thời trả kinh lại, kẻo người cho mượn phiền lòng.
Sau này, khi một người bạn của anh mạt nhân do dọn dẹp nhà cửa, tình cờ tìm thấy ba bức hình Bổn Sư, Địa Tạng và Quán Âm in trước năm 1975 đem cho, mạt nhân mới có cơ hội trân trọng thờ phụng mãi cho đến khi rời khỏi Việt Nam. Lúc ra đi, chỉ mang theo được một bức tượng Di Đà bằng gốm đỏ do chùa Trúc Lâm (Bà Chiểu) tặng, vì người nhà yêu cầu để lại ba bức hình trên. Sang hải ngoại, hết sức cảm thương những người tin Phật bên nhà, vì bên này kinh tượng quá sẵn, nhất là Tịnh Tông Học Hội thí tặng rất nhiều tranh tượng Tây Phương Tam Thánh và hình Địa Tạng, cũng như các kinh sách khác. Đã thế, trên các phương tiện truyền thông như Internet, đủ loại kinh sách, tha hồ mà tham khảo. Thế nhưng, có lẽ vì quá sẵn, quá dễ dàng, các đạo hữu dường như không trân trọng cho lắm, số người thật sự trân quý kinh sách, ảnh tượng như bên nhà hầu như hiếm thấy tại hải ngoại! Ngay chính mạt nhân, do kinh sẵn quá nhiều, đã quen thói tham lam “đọc ngốn ngấu” kinh sách, ít có dịp lắng lòng suy ngẫm ý nghĩa sâu xa. Nhưng sâu thẳm trong lòng, mạt nhân vẫn một mực kính tin đức Địa Tạng, vẫn đọc tụng kinh Địa Tạng mỗi khi tiện dịp.
Năm 1998, từ kho sách tại Tịnh Tông Học Hội Dallas, mạt nhân tìm được hai quyển Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú và Địa Tạng Kinh Lược Thuyết của pháp sư Thánh Nhất. Tiếc là do kiến thức lam nham, trình độ chữ Hán nhấp nhem, mạt nhân đành bỏ dở không thể đọc trọn bộ Khoa Chú vì ngài Linh Thừa dùng nhiều điển tích, thành ngữ và chữ viết theo lối cổ, khó thể tra cứu (thuở đó chưa có Unicode, nên việc tra cứu chữ Hán trên Internet khá phức tạp). Đọc bộ Lược Thuyết của ngài Thánh Nhất thì hơi thất vọng vì hầu như lời giảng chỉ là diễn giải chánh kinh thành văn Bạch Thoại, không phơi bày ý nghĩa sâu xa trong kinh văn. Gần đây, do xem một video của một vị hòa thượng tại châu Âu, mạt nhân kinh ngạc khi vị hòa thượng ấy khẳng định kinh Địa Tạng là ngụy kinh, cũng như đọc một số bài viết của một vị thượng tọa nổi danh trong nước, mạt nhân sững sờ khi vị ấy hô hào phải loại bỏ các kinh Dược Sư và Địa Tạng khỏi Đại Tạng Kinh Việt Nam vì các kinh đó mang tính chất van vái, cần xin, quỵ lụy!
Hết sức ngỡ ngàng, mạt nhân thỉnh ý một vị pháp sư trong Tịnh Tông Học Hội. Pháp sư cười bảo: “Anh có tin nhân quả hay không? Nếu tin, kinh Địa Tạng có nói điều gì chẳng phải là nhân quả hay không? Có điều gì sai với nhân quả hay không? Tự nghĩ đi! Đạo Phật mà không có nhân quả, chúng sanh không sợ địa ngục thì ai còn tu hành làm chi nữa cho nó mệt?” Thầy cười nói thêm: “Mấy thầy đó ăn cơm của đức Địa Tạng và Phật Di Đà, lại chửi Địa Tạng và Phật Di Đà, không biết họ nghĩ sao?” Mạt nhân thắc mắc: “Ăn cơm đức Địa Tạng và Phật Di Đà là sao ạ?” Thầy bảo: “Khi nào có tang sự, có phải là tại Việt Nam, Hoa Lục, và Đài Loan, người nhà thường thỉnh tăng sĩ hay đại chúng tụng kinh Địa Tạng cầu siêu hay không? Trong đám tang, thường niệm vị Phật nào? Cầu cho người chết sanh về đâu? Hiện thời, Tăng sĩ phải sống nhờ sự cúng dường của tín chúng. Khi nào, tín đồ sẵn lòng cúng dường? Có phải là khi có tang ma, giỗ chạp hay không? Anh nói mấy thầy đó chỉ trích đức Địa Tạng, vậy chùa mấy vị ấy có thờ đức Địa Tạng hay không? Có đeo tràng hạt hay không?” Quả nhiên, sau này, vị thầy lớn tiếng đòi bỏ kinh Địa Tạng ấy lại vận động quyên góp xây điện thờ Địa Tạng khang trang tại ngôi chùa của chính mình!
Do vậy, mạt nhân vẫn thầm mong có cơ duyên dịch quyển Khoa Chú sang tiếng Việt để phần nào giúp cho các đồng tu Tịnh Độ không bị chao đảo khi nghe những lời phỉ báng kinh Địa Tạng, đồng thời hiểu sâu hơn những lời giảng kinh Địa Tạng của lão pháp sư Tịnh Không, vì khi giảng giải, hòa thượng đã trích rất nhiều ý từ bản chú giải này. Ngay như Hoằng Nhất đại sư cũng đánh giá tác phẩm này rất cao. Đến nay, do sẵn các có các tài liệu tra cứu, tâm nguyện xưa được thỏa, thâm cảm sự gia hộ của Tam Bảo nói chung và sức từ bi phổ độ của đức Địa Tạng nói riêng. Dẫu cố gắng hết sức, nhưng do không được học Phật đến nơi đến chốn, chắc chắn phần chuyển ngữ này sẽ không thể tránh khỏi những sai sót ấu trĩ khó thể tha thứ được. Chỉ mong mai sau sẽ có bậc thức giả từ bi dịch lại hoàn chỉnh để những người con Phật có thể hiểu đúng tâm ý của pháp sư Linh Thừa, cảm nhận sâu xa lòng đại từ bi của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và tâm cứu độ đau đáu của đức Địa Tạng.
Nếu việc làm liều lĩnh này có chút công đức nào, xin hồi hướng trọn khắp tông thân, quyến thuộc, phụ mẫu, sư trưởng, thiện ác tri thức lịch đại oán thân trái chủ, mười phương pháp giới hữu tình đều ân triêm lợi lạc, cùng sanh về Tịnh Độ. Đặc biệt cảm tạ đạo hữu Huệ Trang và Đức Phong đã bỏ nhiều thời gian duyệt bản chuyển ngữ và góp ý sửa chữa, luôn sách tấn mạt nhân cố gắng. Đặc biệt cảm ân những Tịnh tông đạo hữu vô danh đã góp sức in bộ Khoa Chú bằng tiếng Hán, để mạt nhân có dịp được xem đọc, cũng như in nhiều bản kinh Địa Tạng và in tặng rất nhiều tranh ảnh đức Địa Tạng để mọi người đều cùng được thờ phụng, không phải khổ sở tìm kiếm như mạt nhân khi xưa. Do đọc chuyện cảm ứng của Bồ Tát trừ bệnh dịch lưu hành, mong rằng nhờ chút thiện duyên này, bệnh dịch Corona sẽ mau chóng chấm dứt để các đạo hữu lại có dịp cùng nhau cộng tu, sách tấn lẫn nhau dốc chí tu niệm, vãng sanh Tịnh Độ.
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính bạch.
Nguyện dĩ thử công đức
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ
Thượng báo tứ trọng ân
Hạ tế tam đồ khổ
Nhược hữu kiến văn giả
Tức phát Bồ Đề tâm
Tận thử nhất báo thân
Đồng sanh Cực Lạc quốc
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ