CHÙA THỜ CỐT
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Tốt nghiệp trưởng cao cấp Phật học, chị về Trụ trì một ngôi chùa ven đô. Bạn tu và các nữ sinh viên trẻ cần chỗ ở để học tiếp tục, thế là chị cho tá túc.

Chị chưa đến 30 tuổi nên chưa già, là thủ lĩnh trong đám khách tạm trú sáu – bảy người. Chùa cổ, tuy nhỏ nhưng thờ cốt đầy, hai bàn thờ vong (nam nữ) chật ních hũ cốt, đây là “gia sản” được truyền thừa, chị phải tôn trọng và “giữ nguyên bản sắc”. Nếu đem so, tính ra người chết ở trong chùa nhiều hơn người sống.

Bởi vậy, sợ ma là chuyện thường – khi mà “âm thịnh dương suy” – tất cả nhân khẩu trong chùa bỗng tinh tấn một cách đáng khen, không cần ai thúc. Chùa sớm tối rộn tiếng mõ chuông, hương trầm nghi ngút. Hai thời công phu bao giờ cũng đầy đủ người. Chú Lăng Nghiêm, Đại Bi được trì suốt. Cho dù cô Trụ trì trẻ có vừa tụng chú, vừa đưa tay… rà soát, bóp xem các trái cây chưng trên bệ thờ đã chín chưa?… Phật vẫn ngồi trên cao mỉm cười cực kỳ bao dung, chẳng “ma” nào bắt bẻ tu không chú tâm. Thậm chí chùa chẳng lo mất mát hay sợ trộm. Vì có lần trộm vào quơ đồ chùa bỏ vào bao xong thì không tìm được lối ra, cứ đi vòng vòng, đi mãi cho đến mệt lã… phải nằm gục xuống, để rồi sáng mai ngơ ngẩn tra tay vào còng, theo công an về bót – vì chủ nhà thức hết trơn rồi mà trộm vẫn còn ngáy pho pho – Phật chẳng giữ của, chẳng màng được mất, hộ pháp cũng chẳng cần ra tay, đã có hai bàn vong sốt sắng giữ giùm, giữ của chùa cũng là giữ cho mình (?), vì họ náu nương ở đó. Bởi vậy người ta thường kháo nhau: – “Chùa thờ vong nhiều, trộm khó lấy đồ”.

Phi, cô bé sinh viên khoa kinh tế năm hai, được xem như nhẹ bóng vía nhất, có lần phàn nàn:

– Chùa thờ xương cốt nhiều quá, con ngủ thấy ma hoài…

– Một cô ni nổi tiếng dạn dĩ, so đo:

– Cưng thấy có ghê bằng cô không mà than?

– Cô thấy sao?

– Đang ngủ mê ly tự dưng thấy bộ xương hiện trước mặt, cổ sắp xỉu thì “nó” lên tiếng:

– Đừng sợ! Cô đừng sợ! Xin hãy giúp con được mang hình hài đàng hoàng.

– Giúp làm sao?

– Cô chỉ cần niệm một câu Phật thôi… nhờ uy đức Ngài con sẽ có được hình hài đầy đủ. Con rất muốn xin quý cô tụng niệm để con nhờ nghe kinh mà được siêu thoát nhưng sợ hiện ra thỉnh cầu thì quý cô xỉu, mà làm người sống xỉu thì con càng tốn phước, tội nặng thêm…

– Rồi… cô có niệm không?

– Sao lại không? Vừa xướng danh Phật xong thỉ thấy bộ xương có da thịt đầy đủ liền… cô giật mình thức dậy, sợ… muốn chết! .

– Hèn gì mà cô tinh tấn hết biết…

Đó là một vài chuyện tôi được nghe kể khi tình cờ ghé chùa. Vong ở trong chùa được nghe kinh kệ, được ăn no ở ấm, song vong bên ngoài thì thế nào? Phật thường tả về cảnh ngạ quỷ, nhưng tôi khó mà tưởng tượng, nếu không nói là khó tin – bởi vì tối không thấy! Song, oái oăm thay, tôi là vua sợ ma. Có lần chị tôi nói: -“Trước khi là người em đã là ma”! Câu này khiến tôi “lai tỉnh” và bớt nhút nhát phần nào.

Theo giáo lý Phật thì trước khi nhập thai, ta phải mang thân trung ấm, mà thân trung ấm tức là ma tôi đã từng là ma? Vậy… lẽ nào tôi lại sợ mình? Điều khiến tôi sáng thêm là khi nhìn cảnh vợ chồng người bạn trò chuyện với con khi nó còn là bào thai. Anh chị là Bác sĩ, là Phật tử thuần thành và rất tin vào việc thai giáo. Hễ người mẹ nói chuyện thì thai máy động nhẹ, nhưng khi người cha trò chuyện thì thai đạp nhiều, chứng tỏ nó rất khoái chí, hân hoan.

Khi đứa con họ sinh ra, nó biểu lộ sự thông minh khác thường. Có lẽ nhờ cha mẹ giàu đạo tâm, và nhờ nó được giáo hóa sớm từ trong thai (?), nên có hiểu biết nhiều hơn trẻ bình thường – tuy chưa đầy năm bé đã biết thưởng thức nhạc, biết tán thưởng, cười nắc nẻ khi thấy MC truyền hình làm hề, biết chắp tay nhìn hình Phật chăm chú…

Gần đây, Bích, bạn thân tôi mất. Thuở đôi mươi Bích đẹp như thiên thần. Vậy mà lúc chết thân xác rệu rã xơ xác đến không ngờ. Bình sinh Bích không tin Phật nhưng lúc bệnh và phút lâm chung được Tăng chúng chí thiết tụng kinh chú nguyện cho, Bích cảm nhận được sự mầu nhiệm của pháp Phật và hồi tâm quy hướng đạo, xin cúng dường những gì đang có cho Tam bảo, phát nguyện đời sau sẽ hoằng dương Phật pháp hết mình.

Có lẽ nhờ niệm lành lúc lâm chung, cho dù tống táng xong người thân chẳng ai thấy Bích lảng vảng về. Chỉ có duy nhất mình tôi mơ thấy Bích xinh đẹp cao lớn, đến chào từ biệt với gương mặt hoan hỉ khôn tả.

Điều này khiến tôi không cảm thấy tiếc vì Bích chết trẻ. Thân Bích quá rệu rồi, khó thể trú an, đúng giờ thì ra đi, bích chỉ đổi chiếc vỏ ngoài, cởi bỏ cái vỏ mục nát để khoác vào cái vỏ mới tốt hơn – nhờ vào niệm lành hướng về Tam bảo phút cận tử.

Chứng kiến những cảnh này, tôi cảm giác khoảng cách giữa sống và chết không xa nhau lắm Sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên của mọi người Thuận tự nhiên thì tốt trái tự nhiên thi xấu Gì là trái tự nhiên? – Là đang sống mà làm cho chết! Nói đúng hơn là tự tử!

Trời tháng 7 trút những trận mưa dầm tầm tã. Hình như con người cũng không được vui nhiều. Tôi nhận nhiều cú điện thoại choáng người… Đầu tiên là nhỏ Phật tử:

– Cô ơi! Con muốn chết quá!

Kế đến là người bạn:

– Mình không muốn sống nữa!…

Sau đó là con trai cưng của một đại gia:

– Sao cháu cứ muốn tự tử hoài cô ơi!

Cái gì làm con người ta chán sống? – Thiếu nợ, thi rớt, làm ăn thua lỗ, tình phụ (?)… Hình như có rất nhiều lý do khác nhau, song nỗi khổ chỉ là một – Đó là nỗi khổ rất tày đình – rất khó kham, đến nỗi người ta muốn cắt đứt mạng sống, vì tưởng làm vậy có thể trốn được khổ. Bởi vì chưa ai nghe người tự tử chết diễn tả cảm giác sau khi họ vong thân. Khi có thân họ thường nghĩ là tại thân nên mới khổ, song họ không biết tự hủy hoại thân rồi lại càng khổ hơn – Cái khổ không bao giờ mất mà càng hành hạ chất chồng, không gián đoạn… những người lỡ uống thuốc tự tử đều có chung một hậu niệm giống nhau, mong được cứu chữa trong giây phút sắp lìa đời, họ đau đớn tột cùng, bị thuốc hành oằn oại, có một số ít người may mắn thoát chết, song những ai không may bị vong thân thì kể như từ đó phải sống kiếp quỷ – cô độc đói khát triền miên, không có ngày siêu thoát – phải sống với niệm khổ thiên thu mà không cách chi trốn tránh, để trả giá, trả báo cho tội không biết quý sự sống, tội tự giết mình, tội làm đau lòng thân quyến…

Có một chàng trai trẻ buồn vì cha người thương chê nghèo không cho cưới, nên anh đã uống thuốc rầy để kết liễu đời mình. Gia đình giận anh không cúng thờ gì. Hai mươi năm sau, có một vị sư già đi ngang nấm mồ hoang lạnh, thắp cho anh nén hương và lâm râm chú nguyện. Đêm ấy nhà sư nằm ngủ bỗng nghe mùi thuốc rầy sặc sụa và mộng thấy chàng trai hình dáng thảm hại đến xin quy y, anh buồn bã kể: “Uống thuốc xong toàn thân con như bị đốt cháy, nóng như có lửa, con cảm giác như ruột mình đang đứt thành khúc. Con hối hận muốn được cứu chữa. Nhưng đã quá muộn và con chết trong cảm giác đau đớn tột cùng. Niệm đau đớn hành con từ thuở ấy đến giờ không gián đoạn, vì tội tự tử nên con không được đầu thai và phải sống vất vưởng trong cảnh đói khát lạnh lẽo mãi. Hạt cơm mà người dương thế coi rẻ phung phí thì ở cõi con nó là hạt ngọc, con sống nhờ vào những buổi thí thực chiều của chùa, được ăn no đủ vào những ngày rằm, ngày lễ lớn. Ngày Vu lan – ngày Xá tội vong nhân – con được giảm khổ nhiều nhờ sự chú nguyện của các tu sĩ… song cảm giác nóng như thiêu, đau đớn (do uống thuốc rầy lúc chết) không ngớt hành hạ dày dò thân xác con… lúc nào con cũng đau oằn oại và sống kiếp bất như ý… do vậy mà con rất dễ sân hận… Cảm tạ thầy đã từ bi đọc kinh chú nguyện, khiến con bớt khổ, hồi tâm hướng về Phật pháp…

Lời tâm sự này xin gởi đến những ai từng muốn hủy diệt cuộc sống. Tự tử hoàn toàn không giải quyết được thống khổ và còn được xếp vào tội Thập ác trong nhà Phật. Khi những niệm khổ đang khởi lên trong tâm, nếu ta đồng hóa, hòa nhập với nó thì ta giúp ác niệm ấy có thêm sức mạnh khó công phá. Nếu đã có can đảm dùng phương tiện đau đớn để giết mình (?) thì hãy dùng lòng can đảm ấy để sống và – chấp nhận đối diện với niệm khổ đang hoành hành – Nếu ta chịu đựng được cảm giác khó kham của buồn đau và thống khổ tày đình – mà không cố xua đẩy hay nuôi niệm khổ ấy lớn thêm – chỉ cần hít thở thật đều và dõi xem niệm khổ ấy diễn hành bao lâu, diễn hành như thế nào mà tuyệt không cố trục xuất hay nuôi dưỡng nó… thì ta sẽ vượt qua khổ, khổ sẽ thành khói sương. Khổ tuy có hành ta thật đấy nhưng sẽ trôi qua như giấc mộng. Bởi không có vọng niệm nào hiện diện thiên thu trong tâm ta, vì bản chất vọng niệm luôn thay đổi, sinh rồi diệt như bọt sóng (chỉ có ta tưởng là niệm khổ đó kiên cố khó phá, ở mãi không đi mà thôi. Không chỉ vậy, ta còn nuôi dưỡng, dệt cho nó khổng lồ thêm, để rồi càng lún lầy trong biển khổ tưởng tượng khó thoát).

Giáo lý Phật luôn giúp con người bạt khổ, song bản thân ta phải thực hiện. Việc hành pháp Phật, nhìn ra sai trái và tự điều chỉnh lỗi lầm mình để thoát khổ – Không ai có thể làm thay – Phật chỉ là người dẫn đường và chính ta phải bước đi, tự tạo cuộc sống an vui cho chính mình.

14/8/1987