ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

Phụ lục 5:
Địa Tạng Bồ Tát Linh Cảm Cận Văn Lục
(Ghi chép những chuyện linh cảm gần đây của Địa Tạng Bồ Tát)
Pháp sư Tâm Nhiên biên thuật

 

1. Mộng thấy tăng tuổi thọ

Ông Tả Lý Hòa là cháu bên vợ của người anh thứ hai của tôi. Lý Hòa là chắt của Tả Văn Tương Công, rất tin Phật pháp, lại thông hiểu khoa học rất sâu. Ông ta kể mẹ ông thường ngày dốc lòng tin tưởng Phật pháp, trì kinh Địa Tạng rất kiền thành, thường đích thân chế thuốc tặng cho người khác. Khi chế thuốc, bà thầm niệm chú Đại Bi, cho nên khá thần hiệu. Lúc bà hai mươi bốn tuổi, bệnh đã nguy ngập, trong lúc gần mê man, vẫn dặn người nhà ăn chay, thỉnh Tăng kiền thành tụng kinh Địa Tạng ba ngày. Trong mơ, bà thấy Địa Tạng Vương Bồ Tát hình dáng như một vị cao tăng, khoác áo ca-sa, tay cầm tích trượng, bảo: “Tuổi thọ của bà đã hết. Do nghĩ bà chân thành, chuyên dốc, làm nhiều chuyện lành, tăng thọ mười hai năm nữa”. Bệnh liền khỏi hẳn. Về sau, quả nhiên bà mất lúc ba mươi sáu tuổi. Lý Hòa nói: “Con thường nghe mẹ ra rả răn dạy như thế”. Nhiếp Vân Đài ghi.

2. Trai giới, tụng kinh, tiêu trừ bệnh thũng

Bà Tào Tông Thanh hiệu là Tuyết Tài, là người Ngô Huyện, tự ghi như sau:

Mẹ tôi là Phan Thị, bệnh đã hơn ba năm. Sang mùa Xuân năm Mậu Thìn (1928), càng nguy ngập hơn, toàn thân sưng thũng. Thầy thuốc bảo: “Căn bệnh này gọi là Khí Hư Trung Mãn, cần phải chờ cho nước dưới da rút hết thì mới được mạng chung, đã không có cách nào chữa trị!” Khi ấy, tôi nhậm chức ở Thân Giang, mỗi tháng về thăm một lần. Tháng Tư về thăm, thấy bệnh mẹ đã mấy lần nguy ngập. Da bóng nhẫy như gương, nước trướng lên đầy ắp gần như sắp vỡ da, kêu gào đau đớn chẳng dứt bên tai. Tôi bi sầu vạn phần. Do vậy, tìm hỏi phương cách nơi các bạn tin Phật. Họ dặn tôi hãy kiền thành trì tụng kinh Địa Tạng Bổn Nguyện để cứu chữa căn bệnh của mẹ thì sẽ có thể cảm ứng nhất. Ngay hôm đó, tôi phát nguyện tụng ba mươi quyển kinh Địa Tạng, ăn chay ba tháng. Nếu mẹ già được thũng tiêu, lành bệnh, sẽ suốt đời thờ Phật, hành Địa Tạng nguyện, thề cho tới hết đời vị lai, sẽ độ chúng sanh đang khổ sở trong địa ngục.

Tới buổi sáng ngày Hai Mươi Bảy tháng Năm, tụng kinh viên mãn, mẹ tôi liền tiểu tiện, đi tả dữ dội, suốt cả nửa ngày một đêm mới dừng. Cả nhà kinh hoảng, mẹ cũng tự cho rằng ắt không qua nổi. Sau khi thầy thuốc chẩn đoán, than thở: “Lạ thật! Cớ sao cụ già bảy mươi ba tuổi bệnh tật đã lâu, lại có sức mạnh có thể đả thông đường tiểu tiện, bài tiết sạch nước dưới da. Căn bệnh này không bao lâu sẽ lành”. Quả nhiên, hai ba ngày sau, làn da trước kia bóng nhẫy như gương đã biến thành khô khan, nhăn nheo. Bệnh thũng toàn thân tiêu mất, bệnh xưa khỏi hẳn!

3. Phát nguyện cảm mộng

Bà Tào Tông Thanh lại nói: Tôi từ lúc được Địa Tạng Bồ Tát cảm ứng cứu mẹ, tâm tin Phật càng thêm kiền thành, chuyên chú. Mồng Bốn tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1929), đến yết kiến pháp sư Đại Ngu. Vừa mới gặp mặt, Sư liền nói tôi có duyên với Đại Sĩ, dặn dò hãy phát thệ như đức Địa Tạng. Ngày hôm sau liền truyền đại pháp. Tôi bèn kiền thành tu pháp, đối trước Phật sáng tối phát thệ, nguyện đến tột cùng đời vị lai, vĩnh viễn độ chúng sanh đang chịu khổ trong địa ngục. Chẳng ngờ lại vì đó mà cảm thông với chúng sanh trong địa ngục.

Đêm hôm Hai Mươi tháng ấy, tôi mơ một giấc mộng lạ, cảm  thấy một mình mờ mịt đi trên đường. Dường như có người ở bên cạnh dặn tôi đi đến chiếc cầu sắt. Đi tới trước chưa được mấy bước, liền nghe dưới cầu có tiếng khóc rền đất như là tiếng gào khóc của mấy ngàn vạn người nam, nữ, già, trẻ, lớn, bé, chen nhau rống lên. Khi đó, lòng tôi khôn ngăn đau xót! Tự nghĩ thuở bé từng nghe người ta nói: “Dựng cầu, cần phải tế bằng người sống”. Đấy có phải là tiếng khóc của những người bị hại chết đấy chăng? Tâm thật thê lương bất an, nhưng vẫn tiến lên trước. Cầu dài khoảng mấy dặm, tiếng khóc vẫn y như cũ. Đi hết cầu, thấy một cửa thành bằng sắt cực cao rộng. Đã ra khỏi, liền tỉnh mộng.

Khi ấy, tôi đã biết mình đang nằm trên giường, nhưng tiếng khóc thê thảm bất nhẫn vẫn văng vẳng bên tai, chưa hề giảm bớt, hết sức kỳ lạ! Bèn xốc lại tinh thần, dưới ánh sáng chiếu rực của ngọn đèn điện, xét khắp các vật trong phòng, quả thật không có thứ gì có thể phát ra âm thanh. Do vậy, bèn nghĩ kỹ âm thanh ấy, dường như một mực cực đau khổ, khó thể chịu nổi trong chốc lát. Tôi bất giác đau xót, nước mắt ròng ròng! Bỗng ngộ ra: Đấy ắt là tiếng khóc của chúng sanh đang chịu khổ trong địa ngục, liền mặc quần áo, ngồi xếp bằng. Tiếng ấy mới dứt.

Sáng hôm sau, tôi kể với pháp sư Đại Ngu. Theo lời thầy, đấy thật sự là tiếng khóc của chúng sanh đang chịu khổ trong địa ngục. Do tôi tâm kiền thành thệ nguyện như đức Địa Tạng, nên cảm ứng bọn họ, khiến cho tôi đích thân nghe thấy tình trạng thê thảm của họ, mong quyết tâm tu hành. Nếu tôi viên mãn công đức sớm hơn một ngày, chúng sanh trong địa ngục sẽ thoát ly khổ nạn sớm hơn một ngày. Tôi nghe thầy dạy, do vậy, phát thệ nguyện buông bỏ hết thảy, chuyên tâm tu hành, liền xin thôi dạy học, giữa tháng Năm vào núi tịnh tu.

4. Đắp tượng lành bệnh

Cố Tồn Tín là cháu ngoại của học trưởng Hứa Viên Chiếu. Khi mới lên hai, cháu bị chứng kết hạch[1], bệnh rề rề suốt ba năm. Bệnh càng thêm ngặt nghèo, các thầy thuốc đều bó tay. [Cha mẹ cháu] bèn nghe theo lời khuyên của ông Hứa, đem những vật trang sức mà đứa trẻ yêu thích nhất, vâng theo ý kinh dạy, đối trước đứa trẻ bị bệnh nói ba lượt, sau đó, đem bán được một khoản tiền là mười đồng, kính tạc một bức tượng Địa Tạng Bồ Tát, mỗi ngày kiền thành đảnh lễ. Sau đấy, căn bệnh đó như mất hẳn, tới nay đã mấy năm, ngay cả những chứng cảm mạo, bệnh vặt chưa hề phát ra chút nào! Mồng Hai tháng Ba năm Dân Quốc 16 (1927), tôi đến thăm ông Viên Chiếu tại nhà họ Cố ở đường An Nạp Kim (Rue Hennequin), Thượng Hải, đích thân thấy, nghe. Lý Viên Tịnh ghi.

5. Mẹ hiện thân sửa đường

Cư sĩ Tào Hựu Tân ở An Huy, thuở bé lắm bệnh. Mẹ là Vi Thị đến núi Cửu Hoa dâng hương, cầu Địa Tạng Bồ Tát ngầm gia hộ, bệnh rề rề được lành. Do vậy, mẹ và con đều kiền thành thờ Phật. Tháp nhục thân là chỗ thù thắng giữ thân của Bồ Tát, là nơi hương đèn chánh yếu của cả núi. Thiện nam, tín nữ lui tới dâng hương, nối gót nhau, nhưng từ điện Thập Vương trước tháp cho đến khoảng đường Bạch Mã Đình, chùa Hóa Thành, và ao phóng sanh ở phía dưới, quanh co mấy trăm trượng, đường lối gập ghềnh, người hành hương e ngại. Bà Vi bèn phát nguyện, đợi trong nhà dư dả hơn, sẽ xây bậc thang. Lúc lâm chung, bà đem chuyện này dặn dò con chớ quên.

Nay đã mười mấy năm, Hựu Tân tuy luôn ghi khắc trong tâm, rốt cuộc công trình to lớn, chưa thể tiến hành được. Tháng Hai năm Mậu Thìn (1928), nhằm ngày thánh đản đức Quán Âm, Hựu Tân vào núi dâng hương. Lễ tháp xong, ở trước thiền đường phía trên [tháp] dạo bước, ngắm cảnh núi, bỗng thấy mẹ xen lẫn trong đám phụ nữ, thân đeo đãy hương, từ Chánh Thiên Môn bước xuống, cách ông chỉ mấy chục bước. Nhìn kỹ, dung mạo thật rõ ràng, ông vội vàng chạy tới, chớp mắt đã mất dấu.  

Do vậy, ông nghĩ: “Có phải là di chí của mẹ chưa được thỏa, bèn hiện thân điểm hóa đấy chăng?” Ông bèn dốc hết sức quyên mộ để thành tựu chí mẹ, hòng thấy thắng cảnh Linh Sơn, đường sá hiện vẻ trang nghiêm. Có thể nói là dùng cái tâm hiếu thuận để trên báo ân Phật, lợi lạc khắp hữu tình vậy. Hứa Chỉ Tịnh ghi.

6. Mộng thấy Bồ Tát chỉ điểm để gặp con

Triệu Quế Hinh, người ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, cày cấy, học hành. Vợ chồng tuổi đã ngoài năm mươi, chỉ có một đứa con tên là Tồn Kim, đã vào trường huyện học hành. Mùa Thu năm Kỷ Mùi (1919), Tồn Kim mắc bệnh thời khí[2], được mấy ngày thì chết. Vợ chồng Quế Hinh đau đớn, chẳng thiết sống nữa! Một đêm, mộng thấy Địa Tạng Bồ Tát đến an ủi, bảo: “Con ông bà đã tá thi hoàn hồn tại nhà họ X… Cuối năm, ông bà lên núi sẽ gặp”. Quế Hinh tỉnh giấc, kinh hỷ chen lẫn; nhưng lại nghi mình tưởng nhớ chất chứa thành si, huyễn mộng khó tin! Chỉ có điều đã được chỉ dạy trong mộng, không thể bỏ lơ được, bèn vào tháng Chạp, vợ chồng dắt díu nhau, triều bái núi Cửu Hoa. Vừa mới tới Phật điện, một đứa trẻ chặn đường, hô to: “Cha ơi, mẹ ơi, đừng bỏ con”. Hỏi dò, mới biết tên họ, quê quán, chỗ ở, đem nhân duyên sanh ra và chết đi của đứa con họ Triệu đối chiếu [hoàn toàn khớp với giấc mộng]. Hơn nữa, diện mạo tuy khác, âm thanh chẳng đổi. Nó lại nói: “Bồ Tát cứu tế, khiến cho con được hoàn hồn”. Vợ chồng hết sức vui mừng, dẫn về làm con như trước. Nhà cha ruột của nó nghe chuyện, tranh chấp, thưa kiện, nhưng đứa trẻ nói đích xác nó là con nhà họ Triệu hoàn hồn, chẳng muốn trở về nhà cũ. Do vậy, qua sự điều giải của mọi người, hai nhà qua lại, nó làm con cả hai bên. Đấy cũng là chuyện phán quyết kiểu Trương Hợp có người nối dõi như trong Kim Sử vậy. Vào năm Dân Quốc thứ chín (1920), Quế Hinh cúng tặng bức hoành phi “Phật pháp vô biên” trên núi và ghi lại đầu đuôi chuyện ấy. Ông Tào Hựu Tân lên núi triều bái, trông thấy, chép đại lược chuyện ấy như thế đó. Hứa Chỉ Tịnh ghi.

7. Lễ bái, sanh nở an ổn

Trưởng nữ của cư sĩ Lương Bích Viên lấy người họ Trương. Mấy năm trước, chồng cô ta sang Hà Nam nhậm chức kỹ sư khai khoáng, nhằm lúc cô ta đang có thai. Cư sĩ lo cô không có người bầu bạn chăm sóc, bèn bảo cô dùng giấy vàng viết “Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát”, mỗi sáng dâng hương, lễ bái, ắt sẽ sanh nở bình yên, thuận lợi. Cô ta làm theo lời dạy. Tới khi sanh nở, làng quê không có y tá và bác sĩ, nhưng cô chẳng khổ sở mảy may. Hai năm sau, cô lại có thai, vẫn dùng cách thức trên đây. Hai đứa con, một trai, một gái, tướng mạo đoan nghiêm, đẹp đẽ, thông minh, hòa nhã, hiền lành, tôi đều trông thấy. Nhiếp Vân Đài ghi.

8. Đọc kinh, mộng thấy mẹ

Cư sĩ Ngô Khế Bi người Giang Tô. Tháng Năm năm Dân Quốc 17 (1928) mất mẹ. Hai mươi bảy ngày sau, gặp cư sĩ Triệu Vân Thiều khuyên niệm kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, bèn bắt đầu ngay từ hôm ấy, mỗi ngày dâng hương, cung kính đọc một lần tới chung thất mới thôi. Một tháng sau, cư sĩ vừa ngủ say, bỗng nghĩ như thế này: “Phàm ai chí tâm nguyện thấy, rốt cuộc ắt được thấy, bèn niệm danh hiệu A Di Đà Phật và danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, mong cậy vào oai thần, đến được chỗ mẹ”. Liền cảm thấy có cánh tay đẩy sau cổ, bèn nương theo hướng đó, bay vọt lên không trung mà đi, xuyên qua tường vách, trọn chẳng bị chướng ngại. Hai mắt hé mở, thấy cảnh vật lờ mờ. Qua một đoạn đường dài, tới một chỗ, bỗng đằng sau có người dường như cùng đi, bảo cư sĩ: “Vẫn chẳng được thấy, biết làm sao đây?”

Cư sĩ ngẩng đầu, thấy một khu rừng rậm, liền quỳ gối cầu Địa Tạng Bồ Tát, thưa bày tình trạng gần đây của mẹ. Bỗng nghe trên hư không có người đáp lời, nhưng nghe chưa rõ, hỏi người đi cùng lời đáp là như thế nào? Người ấy bảo: “Là bất thoái chuyển”. Do vậy, cư sĩ nghĩ: “Đã là bất thoái chuyển, ắt đã sanh về Tây Phương. Người trả lời ắt là Địa Tạng Bồ Tát”. Liền lễ bái, kêu lên: “Cầu Bồ Tát phát đại từ bi cho con được thấy mẹ”. Nói lời ấy xong, người cùng đi bèn chỉ lên phía trên. Cư sĩ ngẩng đầu nhìn, quả nhiên thấy lầu gác long lanh, trang nghiêm tột bậc! Lệch về phía trái là một ghềnh đá. Trên ghềnh đá có gác, mẹ của ông ta thò đầu ra ngoài cửa sổ, như đóa hoa phù dung hàm tiếu, vẫy tay. Cư sĩ gọi mẹ, liền thấy mẹ đứng dưới chỗ đất trống, màu áo hơi vàng, hướng về ông nói gì đó, nhưng ông nghe không rõ, xin mẹ nhắc lại. Mẹ lại nói: “X… (nhũ danh của em trai cư sĩ) cũng ở đây”. Đang muốn hỏi mẹ về lúc lâm chung có cảm thấy khổ sở hay không, mẹ đã xoay mình sắp đi nơi khác, bèn vội hô lên: “Mẹ tự bảo trọng”. Trong khoảnh khắc, mẹ đã lên chỗ cao, ẩn mất. Cư sĩ chắp tay, ngửa mặt lên trời, hô cảm tạ Địa Tạng Bồ Tát rồi tỉnh giấc. Nhiếp Vân Đài nghe Ngô cư sĩ đích thân thuật tình trạng trong mộng, ghi lại sự thật như vậy!

9. Thoát nạn đạo tặc

Thích Hoằng Nhất lúc còn tại gia đã tín ngưỡng Địa Tạng Bồ Tát. Năm Đinh Mão, tức năm Dân Quốc 16 (1927), Sư ở lại một ngôi chùa nhỏ thuộc vùng quê Hàng Châu. Trong phòng thờ tượng Địa Tạng Bồ Tát, và thường chí tâm trì tụng thánh hiệu. Có một buổi sáng, Sư mở cửa phòng, tới khách đường, thấy mọi vật quăng lung tung, ngổn ngang khắp đất, hỏi chư tăng cùng ở đó: “Chuyện gì vậy?” Họ đáp: “Ban đêm có nhiều gã cường đạo vào chùa, cầm dao, gậy cưỡng bức tăng chúng để cướp đi rất nhiều tiền bạc và vật dụng. Chúng từng muốn vào phòng ngủ của Hoằng Nhất, dùng dao, gậy phá cửa phòng, nhưng sau một lúc lâu, rốt cuộc chẳng vào được”. Còn Hoằng Nhất ban đêm chỉ nghe trên lầu có tiếng người qua lại, nói năng, ngỡ là tăng chúng trong chùa, chẳng để ý chút nào, yên giấc suốt đêm, chưa từng chịu cảnh kinh hãi, mà cũng chẳng bị tổn thất gì. Mọi người đều nói là do Bồ Tát linh cảm. Thích Vong Ngôn ghi.

10. Chết rồi sống lại

Hồ Trạch Phạm ở Dư Diêu, còn có tên tự là Thắng Nguyệt, từng biên soạn bộ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Bạch Thoại Giải Thích do Phật Học Thư Cục lưu thông đến một vạn mấy ngàn bộ, công đức rất lớn. Chiều ngày Ba Mươi tháng Bảy năm Nhâm Thân, tức năm Dân Quốc 21 (1932), con gái bé của ông tên là Nguyệt Chiêu, vừa tròn bốn tuổi, bỗng nhiên mắt trợn tròng, mũi nghẹt, mặc xanh tái, môi đen bầm, thở khò khè, ứa rớt dãi rồi chết ngất. Cậy răng đổ thuốc, nó chẳng thể nuốt xuống, cả nhà hoảng loạn. Lúc ấy, Hồ Trạch Phạm bỗng ngộ ra hôm ấy là thánh đản của Địa Tạng Bồ Tát, bèn vội đối trước thánh tượng, xót xa cầu gia bị. Cầu nguyện vừa xong, bỗng nghe cả nhà hoan hô, bé gái đã thở được, mừng nó sống lại. Lại cho uống thuốc, nó cũng nuốt xuống được, chẳng bao lâu liền bình phục. Thích Vong Ngôn ghi.

11. Bệnh trầm kha được lành

Tỳ-kheo-ni Quán Nguyện người xứ Hải Trừng, tỉnh Phước Kiến. Cha bà là bậc tiên liệt thời Dân Quốc, từng hy sinh vì quốc nạn tại Quảng Châu. Quán Nguyện xuất gia tại núi Cửu Hoa, về sau, sống tại Áo Môn (Macau). Năm Nhâm Thân (1932), ni sư đến Hạ Môn học tập giới luật. Năm sau, liền bị đau bao tử, ăn không nổi một bát cháo. Bệnh tật rề rề cả nửa năm, trải trọn đủ mọi nỗi thống khổ! Thuốc Bắc lẫn thuốc Tây đều vô hiệu. Một hôm do đọc bài Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Đại Quan của sa-môn Hoằng Nhất, thấy đầu cuốn sách ấy vẽ thánh tượng trang nghiêm, sanh tâm hết sức hoan hỷ. Do vậy, tùy sức sắm hương, hoa, trái cây, cúng dường thánh tượng, cung kính chiêm ngưỡng, lễ bái. Suốt bảy ngày không nói, sám hối, lấy một bình nước sạch đặt trước thánh tượng, ngày đêm thầm niệm thánh hiệu. Sáng sớm hôm sau bèn uống một chén tịnh thủy ấy. Không lâu sau, đã có thể ăn một bát cơm. Nửa tháng sau, bệnh khỏi hẳn. Thích Vong Ngôn ghi.

12. Vết thương nặng mau lành

Thích Quảng Hiệp thường ngày sùng tín Địa Tạng Bồ Tát. Tháng Sáu năm Giáp Tuất (1934), núi Cửu Hoa quyên góp để đúc đại hồng chung. Quảng Hiệp ở Hạ Môn (Amoy) tận lực bôn tẩu dưới cái nắng gay gắt của mùa Hè. Trong mấy ngày, gom được một khoản tiền sáu bảy trăm đồng. Một hôm, Sư bị ngã, mắt và trán đập vào thềm đá, tuôn máu rất nhiều, thương thế khá nặng! Quảng Hiệp nhất tâm chuyên trì thánh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, chẳng bao lâu bèn lành. Thích Vong Ngôn ghi.

13. Lành bệnh, tăng phước

Mùa Hạ năm Dân Quốc 18 (1929), tôi sang Lư Sơn dưỡng bệnh. Vừa đến núi thì trở bệnh nặng, nằm bẹp suốt bốn tháng, chẳng thể rời giường. Lúc ấy, cư sĩ Lương Bích Viên đang ở trên núi, kể với đứa con út chuyện linh cảm của đức Địa Tạng, và khuyên nó niệm kinh Địa Tạng để tiêu nghiệp cho tôi. Đứa con vâng lời, niệm mười mấy ngày, bệnh tôi chuyển biến khá hơn rất nhiều, liền xuống núi, trở về đất Hỗ (Thượng Hải). Cùng lúc, con dâu tôi có thai, sanh được một trai. Tôi bèn in một vạn quyển Địa Tạng Linh Cảm Lục tặng cho người khác để báo ân Phật. Ngày Hai Mươi Tám tháng Ba năm Dân Quốc 24 (1935), Nhiếp Vân Đài ghi.

14. Tai điếc mà nghe tiếng niệm Phật

Ông Đạn Thiết Tiều mắc bệnh đã lâu. Tôi khuyên ông ta niệm Phật, nhiều phen biện luận, vẫn chưa chịu nghe theo. Mùa Thu năm Dân Quốc 23 (1934), tôi tặng ông kinh Địa Tạng. Ông ta đọc mười mấy lần, tin tưởng, ưa thích sâu xa! Một hôm, bỗng vào lúc bốn giờ sáng, ông nghe có một tiếng khánh, kế đó là tiếng niệm Phật, từng chữ rõ ràng, nhưng ông Đạn điếc đặc mười mấy năm rồi. Dẫu hét to bên tai, ông không thể nghe tiếng. Nay nghe tiếng niệm Phật, liên tiếp mấy chục câu. Âm thanh hay đẹp lạ lùng, trước giờ chưa hề nghe. Thoạt đầu, ông ngờ là vợ đang tụng niệm công khóa, nhưng bà ta vẫn còn đang ngủ chưa dậy. Ông hết sức kinh ngạc, bất giác toàn thân run rẩy. Bốn giờ sáng hôm sau, nghe tiếng như cũ, bèn niệm theo. Chiều hôm ấy, ông ở dưới lầu, nghe tiếng như trước, đều là trước hết một tiếng khánh, sau đó niệm Phật hiệu.

Một hôm, ông ăn cua, sáng hôm sau chẳng thấy tiếng khánh và tiếng niệm Phật, bèn thầm cầu nguyện: “Nguyện từ nay về sau, suốt đời chẳng ăn cua”, thuận miệng niệm Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát bảy lần, tiếng khánh ngay lập tức vang lên, tiếng niệm Phật cũng nối theo sau. Tới nay đã gần nửa năm, ông vẫn hằng ngày đều nghe. Thoạt đầu, ông tưởng là do bệnh trạng nơi đại tiểu não, nhưng không nghe thứ tiếng nào khác, bèn biết là do Địa Tạng Bồ Tát linh cảm, hướng dẫn khiến ông niệm Phật, bèn bỏ ra hai trăm đồng, đề xướng tái bản kinh Địa Tạng, cậy tôi đứng ra in thay. Ngày Hai Mươi Tám tháng Ba năm Dân Quốc 24 (1935), Nhiếp Vân Đài ghi.

15. Khỏi hẳn bệnh cũ

Bạn tôi là ông Diêu Mặc Am, tuổi sáu mươi, suy yếu, bệnh hoạn, quỳ tụng kinh Địa Tạng hai năm, bèn trừ được căn bệnh rề rề, thân thể mạnh khỏe, càng tin tưởng, ngưỡng mộ hết sức. Ông dặn tôi ghi lại chuyện linh cảm này để truyền bảo cho người khác, ngõ hầu những ai bị tai ách, đau khổ, sẽ cùng phát khởi tín tâm, quy y Địa Tạng Bồ Tát, hoặc tụng kinh Địa Tạng, hoặc niệm thánh hiệu của Bồ Tát, tự nhiên hết thảy tội chướng đều được giải thoát, cùng được hưởng lợi lạc từ Phật pháp. Ngày Hai Mươi Tám tháng Ba năm Dân Quốc 24 (1935), Nhiếp Vân Đài ghi.

16. Mắt có tật lại được phục hồi

Cư sĩ Đào Hy Tuyền từng làm huyện trưởng huyện Hàng, nay ở đường Cự Lại Đạt (Rue Ratard) tại Thượng Hải, đã tin Phật từ xưa, thờ phụng Địa Tạng Đại Sĩ càng kiền thành. Trong nhà có điện thờ Phật. Mẹ ông họ Đoan Mộc, cũng hằng ngày trì thánh hiệu Di Đà. Người đầy tớ là Thạch Văn Khanh bị bệnh mắt đã lâu, một hôm bỗng lành. Ông Đào thấy người ấy khỏi bệnh quá nhanh, lấy làm lạ, gạn hỏi. Họ Thạch đáp: “Con mộng thấy cụ bà niệm Phật trong Phật đường. Do con bị bệnh mắt đã lâu chẳng lành, dạy con lấy nước cúng trước tượng Địa Tạng Đại Sĩ rửa mắt, cảm thấy hết sức thanh lương. Tỉnh mộng, con dụi mắt thì căn bệnh đã hết rồi”. Cư sĩ than rằng: “Bồ Tát thệ nguyện hoằng thâm, bi tâm cứu khổ, làm đấng đại y vương, tin chắc chẳng hư dối!” Đấy là chuyện trong tháng Mười Một năm Dân Quốc 22 (1933), cư sĩ đích thân kể lại với Huệ Châu, do vậy bèn ghi ngay lại.

17. Bệnh nặng trừ sạch

Tại trấn Kiều Lâm thuộc huyện Giang Phổ, có ông Ngô Tông Giám làm nghề y, tin Phật. Trong trấn có Cổ Cối Thiền Lâm, ông phát nguyện trùng tu. Do quyên mộ không đủ số, ông lo buồn, lao lực thành bệnh nặng. Con dâu trưởng của ông là Lưu Thị cũng niệm Phật. Do vậy, bèn ước hẹn các bạn đạo cùng đến Thiền Lâm ấy, đối trước Địa Tạng Bồ Tát khấu đầu, cầu đảo, cầu tăng tuổi thọ cho ông, và cầu cho việc trùng tu chùa được hoàn thành. Hai ngày sau, ông đang thiêm thiếp, bỗng tỉnh lại nói: “Trong mộng, cha thấy một hòa thượng an ủi, hỏi han. Do vậy, bệnh được lành”. Tháng Sáu năm Dân Quốc 22 (1933), Viên Truyền Kiệt ghi.

18. Tạo tượng linh cảm

Tiên mẫu là Lý Thái Phu Nhân, từ sau sáu mươi tuổi, mỗi tiết Đông, hai chân đều tê cứng, đau nhức, chẳng tiện đi lại, qua Xuân tự lành. Năm Dân Quốc 12 (1923), mẹ tôi sáu mươi chín tuổi, bắp chân đau càng nặng, rên rỉ nằm bẹp trên giường hơn một tháng, chữa trị chẳng thấy bớt. Viễn Diệu chỉ biết hằng ngày lễ tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện để xin Ngài rủ lòng từ gia hộ. Một hôm, tụng đến phẩm Như Lai Tán Thán: “Hoặc thủ bệnh nhân khả ái chi vật, hoặc y phục, bảo bối, trang viên, xá trạch, đối bệnh nhân tiền, cao thanh xướng ngôn, ngã mỗ giáp đẳng vị thị bệnh nhân đối kinh tượng tiền xả chư đẳng vật, hoặc cúng dường kinh tượng, hoặc tạo Phật, Bồ Tát hình tượng” (Hoặc lấy vật mà bệnh nhân yêu thích, hoặc là quần áo, vật báu, trang trại, vườn tược, nhà cửa, đối trước bệnh nhân, lớn tiếng xướng rằng: – Tôi tên là… vì bệnh nhân này, đối trước kinh tượng, bỏ các thứ vật để cúng dường kinh, tượng, hoặc tạo hình tượng Phật, Bồ Tát), bèn dường như vỡ lẽ! Tụng xong, đối trước Phật phát nguyện, vì mẹ tạo tượng Địa Tạng Bồ Tát, lại còn chạy đến thưa với mẹ. Mẹ vui mừng nói: “Bệnh không gì chẳng phải là nghiệp, cần phải cậy vào Phật từ gia bị. Nay con phát nguyện tạo tượng, thật hợp ý mẹ. Mẹ được bà ngoại con cho một viên châu tinh ròng, tròn trịa, tươi sáng. Mẹ vì nhớ bà ngoại, hết sức quý trọng. Nay đem châu ấy cúng dường Bồ Tát có được hay không?”

Tôi bèn cậy vị thầy tạc tượng nổi tiếng ở Bắc Bình là ông Cảnh Sơn theo đúng pháp tạc tượng bằng cốt đồng, thếp vàng. Viên châu đem khảm vào giữa hai mày để tượng trưng cho bạch hào. Hai mươi ngày sau, tượng tạc thành. Ông Cảnh đưa tới, tướng hảo trang nghiêm, từ bi hoan hỷ. Ông Cảnh nói kể từ khi tạc tượng tới nay, đã có chuyện chưa từng có. Viên Diệu vội vàng thưa với mẹ. Mẹ nghe xong, lập tức hết đau, tự bước xuống giường, vào Phật đường, đảnh lễ, quỳ lạy như kẻ chẳng bị bệnh. Đấy chính là bệnh lâu ngày mà nhanh chóng dứt hẳn. Người thấy, kẻ nghe, đều than Bồ Tát từ bi cảm ứng nhanh chóng chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, tôi trước sau cậy ông Cảnh tạo tượng Bồ Tát hơn mấy chục bức. Mẹ tôi vốn ăn chay trường niệm Phật; từ đấy, càng thêm tinh tấn, đi lại còn nhanh nhẹn hơn trước. Cho tới ngày Hai Mươi Mốt tháng Chạp năm Dân Quốc 18 (1929), lúc cụ bảy mươi lăm tuổi, bèn niệm Phật về Tây. La Viễn Diệu ở huyện Bảo Tĩnh, tỉnh Hồ Nam kính ghi.

19. Bụng trướng mau hết

Vào mùa Hạ, Văn Hoán quảy tráp sang Tô Châu, mắc chứng bệnh sốt rét khá nguy kịch. Sau khi lành bệnh, bụng bị căng trướng, thuốc thang vô hiệu. Do một mực tin tưởng Phật pháp, nghĩ Địa Tạng Bồ Tát có đại nguyện lực, có thể cứu bạt tội khổ, bèn chí tâm sám hối, đảnh lễ, và phát nguyện kiền thành tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện ba mươi bộ, in tặng một trăm quyển Địa Tạng Bồ Tát Bổn Tích Linh Cảm Lục để báo đáp từ ân trong một phần ức. Phát nguyện ấy rồi, do ngày hôm ấy tiết trời nóng bức, bèn mặc quần ngắn nằm ngủ, bỗng thấy khắp thân sảng khoái, bẻn ngủ say. Sáng sớm hôm sau, tỉnh giấc, bụng xẹp dần, lại biết đói. Chẳng đầy ba ngày, bệnh trướng hoàn toàn tiêu mất như chưa hề bị bệnh, hoan hỷ tán thán đúng là chưa từng có.

Do vậy nghĩ tới lòng từ bi của Đại Sĩ, cảm ân khôn cùng! Vì thế, gởi thư kể khắp, để chứng nghiệm sự linh dị. Chỉ mong chúng sanh trong đại thiên đều được hưởng cam lộ, cùng ngưỡng nhờ sự giáo hóa của Phật, quạt gió Từ để dứt tội nghiệp, hóa lửa bừng thành mát mẻ. Đấy là điều tôi mong mỏi. Những điều được kể trong bài này toàn là những gì tôi đích thân từng trải, tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tháng Sáu năm Dân Quốc 22 (1933), Châu Văn Hoán ở nhà số 8, ngõ Đông Ngôn Tử tại Thường Nhiệt kính thuật.

20. Nghi nan được giải trừ

Chồng bà Trần Cầm Thiền là Cáo Tịnh tuổi Tân Mùi, theo Điền quân[3] vào đất Quế. Chồng của em gái tôi cũng theo đoàn quân. Đại quân đã quay về mà chẳng thấy họ trở lại, sống chết chẳng biết thế nào! Cả nhà nóng ruột muôn bề, hỏi ý tôi. Tôi đã chẳng có thần thông, làm sao nói quyết đoán cho được? Chẳng còn cách nào, đành cậy sức oai thần của Địa Tạng Đại Sĩ, dùng pháp Chiêm Sát để cầu. Nếu chịu dốc lòng chí thành, chắc sẽ được tương ứng. Tôi bảo họ trở về, cả nhà trai giới, kiền thành tụng thánh hiệu Địa Tạng. Ba ngày sau, mọi người tụ tập tại Phật đường, lại trì thánh hiệu mấy ngàn câu, dùng pháp Chiêm Sát, chẳng được tương ứng. Tôi nói: “Đấy là do chẳng chí thành mà thành ra như vậy, mọi người hãy tĩnh tọa thầm niệm rồi sẽ xin Chiêm Sát lại”.

Trong chốc lát, hương đã cháy quá nửa, tôi đột nhiên thấy một mảnh rừng rậm, trong ấy có con đường nhỏ, trong sát-na lại ẩn mất. Do vậy, tôi xuất Định. Em gái tôi bỗng nói: “Vừa mới tĩnh tọa khi hương cháy được quá nửa, em bỗng thấy có một vị mặc áo tăng sĩ bước vào. Áo ca-sa ấy mỏng như giấy, sáng ngời trang nghiêm, khiến cho kẻ khác kính ngưỡng! Người ấy đi quanh trước bồ đoàn của anh một vòng rồi biến mất. Em bỗng thấy một mảnh rừng rậm, trong ấy có con đường nhỏ. Em đi sâu vào, bên đường có một căn nhà nhỏ, có một xác chết nằm dưới đó, em kinh hãi, tỉnh thức”. Tôi cũng thuật lại điều trông thấy, tình trạng tựa hồ chẳng tốt lành, mọi người đều buồn bã.

Địa Tạng Đại Sĩ cố nhiên hiện tướng tỳ-kheo: Đã thấy người mặc tăng phục bước vào, ắt là Đại Sĩ linh cảm chẳng ngờ! Nhưng rốt cuộc là như thế nào? Chưa đầy một ngày, có người cùng đi trong chiến dịch ấy trở về, chuyện hung hiểm được xác định! Ấy là vì họ bị địch vây bức, giết hại ở dưới một căn nhà nhỏ, đúng y như em gái tôi đã thấy. Quy Tịnh cho rằng đấy là chuyện chồng cô ta đích thân trải qua, thật là hy hữu. Kính cẩn ghi lại như trên! Phàm Đại Sĩ phát tâm nơi nhân địa là do muốn thấy chỗ mẹ mình đã sanh về mà phát khởi thệ nguyện. Nhân địa như thế, cho nên nơi quả vị cảm chúng sanh, đối với kẻ có nghi nan lại càng ân cần! Kinh Bổn Nguyện dạy: “Thị nhân năng nhất tâm chiêm lễ Địa Tạng thánh tượng, niệm kỳ danh tự mãn ư vạn biến, đương đắc Bồ Tát hiện vô biên thân, cụ cáo thị nhân quyến thuộc sanh giới; hoặc ư mộng trung, Bồ Tát hiện đại thần lực, thân lãnh thị nhân, ư chư thế giới, kiến chư quyến thuộc” (Người ấy có thể nhất tâm chiêm ngưỡng, lễ bái thánh tượng Địa Tạng, niệm danh hiệu Ngài đủ một vạn biến, sẽ được Bồ Tát hiện vô biên thân, bảo cặn kẽ nơi quyến thuộc của người ấy sanh về, hoặc ở trong mộng, Bồ Tát hiện đại thần lực đích thân dẫn người ấy thấy các quyến thuộc trong các thế giới). Than ôi! Chúng sanh nghi nan biết được đầu mối! Quy Tịnh ghi.

21. Sanh nở nguy ngập lại được giữ vẹn tánh mạng

Mùa Xuân năm Canh Ngọ (1930), vợ tôi có thai. Ba tháng trước khi sanh, thai bỗng bất động. Cầu thần, xem bói đều vô hiệu, lại chẳng dám uống thuốc. Nhưng do bụng to, đi lại khó khăn, tâm thường lo sợ. Lại vì tôi ăn chay học Phật, nếu có chuyện bất trắc, càng khiến cho người làng biếm nhẽ! Nhớ lại mười năm trước, có một vị Tăng, tiên đoán “vào lúc ba mươi sáu tuổi, phải cẩn thận đề phòng sản nạn”, vừa khéo đúng hệt như lời thầy chiêm tinh bảo “coi chừng mắc nạn”. Do vậy, nóng ruột muôn phần, kinh hoàng, sợ hãi chẳng biết cách nào! Một đêm nọ, vợ tôi hướng về tôi khóc lóc, kể lể. Nghe lời ấy, tôi càng kinh hãi, chua xót cùng cực! Bỗng nhớ đến kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện có thể bảo vệ người gặp tai ách về sanh nở. Nếu có ai hứa nguyện, chí tâm tụng kinh, trì tụng thánh hiệu, ắt được sanh nở bình an. Vừa mới dấy lên ý niệm ấy, tôi liền cảm thấy tâm thần an vui, khỏe khoắn, như băng tan rã. Sáng sớm hôm sau, đối trước Phật tâu trình cặn kẽ. Chẳng ngờ, ngay đêm ấy, vợ tôi lâm bồn. Thai nhi vẫn thuận chiều sanh ra, nhau thai cũng theo ra. Nhìn xem, thân thai nhi đã hư nát, sao lại có thể xoay đầu xuống để thuận chiều sanh ra? Nếu chẳng phải do sức từ bi cứu khổ của Bồ Tát, làm sao được như vậy? Vì thế, tôi thệ nguyện hành Địa Tạng hạnh để nguyện báo ân Bồ Tát. Những người đồng bệnh tương lân trong nước, chí thành trì tụng tôn kinh, phóng sanh, kiêng giết, ắt được sanh nở an khang, lời Phật chẳng hư huyễn. Chính tôi là một minh chứng vậy! Người đất Tương ghi.

22. Lạy kinh khỏi bệnh

Lòng Từ của Phật rộng lớn, cảm ứng chẳng sai chạy. Điều này những kẻ hơi có chút tri kiến đều công nhận. Gia mẫu là Trương Thị, pháp danh là Năng Tu, bẩm tánh hiền thục, thông thạo văn tự, về làm vợ cha tôi, tận lực trọn đạo làm vợ, xóm giềng đều khâm phục. Đảm đang việc nhà, từng có những điều bị uất ức, bận lòng, vẫn giấu kín trong lòng chẳng lộ ra ngoài, suốt ba mươi năm đều như một ngày. Đối với chú Vãng Sanh và kinh Quán Âm, cụ hết sức thuần thục, nhưng thuở ấy chưa thể lập khóa tụng, tu trì.

Vào độ tuổi năm mươi, cụ bỗng thôi ăn thịt, có kẻ đem các tà thuyết để khuyên lơn chớ nên ăn chay, cụ vẫn chẳng màng. Vài năm sau, bỗng cụ cảm thấy đi lại chẳng thoải mái. Kế đó, hai tay chẳng thể giở lên được, dần dần eo vô lực, lưng còng, hơi giống như bị gập lại, hễ động tới là đau. Do vậy, càng chẳng thể đi lại. Từ sảnh đường cho đến trong phòng, ắt phải cậy vào xe lăn để ra vào. Nhưng căn bệnh thuộc về xương khớp, sức thuốc chẳng thể thấu tới được. May là cụ được Phật từ gia bị, khiến cho Kính Am tôi gặp nhân duyên quy y Tam Bảo. Năm sau, mẹ cũng quy y; kế đó, lại thờ tượng Phật trong nhà, cũng như tạc thánh tượng hai vị Đại Sĩ Quán Âm và Địa Tạng, sáng tối kính lễ, niệm tụng.

Gia mẫu tuy bị bệnh khổ quấn thân, cũng niệm tụng suốt ngày. Mỗi ngày, cụ còn thắp hương, lễ bái, bảo Kính Am tôi ở bên cạnh nâng đỡ, dẫu kiệt sức cũng chẳng thiếu sót. Hơn một năm như thế, Kính Am tôi chưa từng thấy mẹ đau buồn vì bệnh tật. Tôi luôn đem công đức do thọ trì kinh chú thường ngày và những thiện niệm dẫu bằng mảy lông, sợi tóc hồi hướng cho mẹ tiêu tai, thoát nạn. Kế đó, tôi nghĩ Địa Tạng Đại Sĩ thần lực chẳng thể nghĩ bàn, đời trước, Ngài đã độ mẹ thoát nạn. Chuyện này được nói tường tận trong kinh. Tôi bèn phát tâm cung tụng Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh để cầu nguyện.

Xét thấy kinh văn quá dài, sanh kế bận bịu, khó thể tụng trọn, bèn thầm tưởng các sự tích trong mười ba phẩm kinh, ghi nhớ nằm lòng tựa đề của mỗi phẩm, dùng để bái kinh thay thế [cho việc tụng niệm]. Như phẩm thứ nhất là Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông, bèn trước hết quán tưởng tựa đề của phẩm ấy, sau đấy quán tưởng kinh nghĩa rồi lạy xuống. Từ phẩm thứ hai là Phân Thân Tập Hội cho đến phẩm thứ mười ba là Chúc Lụy Nhân Thiên cũng lại như thế. Lạy xong, lại niệm thánh hiệu Địa Tạng Bồ Tát mấy trăm câu rồi hồi hướng. Quyền nghi như thế, rất sợ chẳng thể khế hợp Phật tâm.

Hành như vậy mấy tháng, bỗng có một hôm, gia mẫu đang ngồi ngay ngắn chợt hôn mê, bất tỉnh nhân sự. Kính Am kinh hoảng, sợ hãi muôn phần! Chạy đến bên mẹ, chắp tay xưng niệm thánh hiệu Đại Sĩ gần mấy chục tiếng, liền thấy mẹ tỉnh lại, ói ra mấy bát nước có cặn màu đen, giống như huyết khí uất ức tích tụ nhiều năm. Tôi vội mời danh y chẩn trị, họ cho là khí huyết thiếu hụt, tổn hại, khó thể có hiệu quả, cứ kê toa uống thử xem. Kính Am lại quỳ trước Đại Sĩ, kiền thành cầu Ngài rủ lòng Từ gia hộ. Ngày đêm xưng danh, chẳng lìa trong tâm. Chỉ mới uống vào một thang thuốc, bệnh trạng dần dần  thấy  khởi  sắc. Kính  Am  dốc lòng thành khẩn cầu càng thêm khẩn thiết.

Sau đấy, mẹ dần dần có thể đi lại, ra vào chỉ cần được nâng dắt. Mấy tháng sau, hoàn toàn có thể chống gậy đi một mình. Nay thì không cần gậy, vẫn đi lại tự nhiên. Hiện thời, cụ đã sáu mươi bốn tuổi, hằng ngày lễ Phật mấy chục lạy, tự đứng lên không cần ai nâng đỡ, cũng chẳng cảm thấy khổ sở. Phàm là người bị bệnh nặng, tuổi tác đã cao, không nhờ vào công năng của thuốc men mà tự nhiên lành bệnh, là chuyện ít gặp trong cõi đời! Ấy là nhờ Địa Tạng Đại Sĩ thệ nguyện hoằng thâm, lợi ích cứu giúp hữu tình, không gì chẳng trọn. Chỉ cần có thể phát nguyện kiền thành, ai cũng có cảm ứng. Xét trong những sự tích trước đó đã ghi chép rành rành. Nhìn từ chuyện linh cảm tôi đích thân đạt được, càng thêm tin đúng như thế đó! Kính cẩn ghi lại chuyện này, hòng khuyên người đời. Tháng Sáu năm Ất Hợi (1935), nhằm mùa Hạ, Tam Bảo đệ tử Viên Kính Am ghi chép.

23 . Tầm thanh cứu khổ

Cư sĩ Hoàng Trang Huệ Châu là người ở thành phố Phước Châu. Mười chín tuổi xuất giá, hai mươi bốn tuổi bèn ăn chay, tin Phật. Năm Dân Quốc 24 (1935), nhà chồng bà thờ cúng tà thần, thường bị chúng tác quái quấy nhiễu. Cư sĩ phẫn uất, đem tượng đất của chúng vứt vào trong chum sành thường dùng để nuôi cá. Không lâu sau, cư sĩ có mang. Khi sanh nở, mắc chứng bệnh kinh phong, toàn thân nằm tê liệt trên giường, thuốc men đều vô hiệu. Tự nghĩ đấy chắc là tà quái báo thù, thế gian vô thượng chỉ có Phật, Bồ Tát, cùng với Duyên Giác, Thanh Văn là có thể nương tựa. Đại Bi Quán Âm Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Bồ Tát thường cứu độ chúng sanh trong nhân gian và địa ngục. Không gì bằng nhất tâm quy mạng, xưng niệm thánh hiệu Địa Tạng để cầu trừ khổ, lại còn nghĩ sẵn lòng lâm chung. Từ đấy, mỗi ngày tụng  trì  mấy  chục  vạn câu.

Chưa được một tuần, mộng thấy đến bên bờ biển, trông thấy sóng cả cuồn cuộn vỗ tung bọt, sắc nước đen xì như sơn. Có vô số tiếng gào đau khổ, thê thảm, thê lương lan xa chẳng dứt. Đang trong lúc bà kinh ngạc, bỗng thấy một vị tỳ-kheo sa-môn bay lướt trên mặt biển. Ngài đến nơi đâu, tiếng khổ liền im bặt. Cư sĩ mới biết đấy là đức Địa Tạng độ sanh, lập tức hoan hỷ lễ bái. Sau khi tỉnh giấc, thân đau đớn bỗng dưng khỏi hẳn. Ngày hôm sau, có thể dựa vào người khác nâng đỡ mà đi lại. Chẳng đầy nửa tháng liền bước đi như thường. Đấy chính là linh  tích  từ bi của Bồ Tát trong thời cận đại. Tâm Nhiên kính ghi.

***

[1] Chứng kết hạch là bệnh lao, có thể là lao phổi, lao hạch, hay lao xương.

[2] Bệnh thời khí: Bệnh truyền nhiễm lan truyền nhanh chóng trong một thời gian ngắn như cúm, viêm màng não, dịch tả, dịch hạch v.v… Do bệnh thường xảy ra vào lúc giao mùa, nên cổ nhân gọi chung là “bệnh thời khí”.

[3] Đây là thời loạn lạc sau khi Cách Mạng Tân Hợi (1911) thành công, nhà Thanh bị lật đổ, Trung Hoa Dân Quốc thành lập. Các tướng lãnh quân phiệt nổi lên khắp nơi, chia thành nhiều phe phái, xé nát Trung Hoa. Điền quân là phe quân phiệt ở phương Nam, chủ yếu tại các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên v.v… do Thái Ngạc, Đường Kế Nghiêu và Long Vân cầm đầu.

 


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ