HỌC ĐẠO TRONG ĐỜI
Nguyên Minh
Ư nhân bất cầu thuận thích
Điều tâm niệm thứ bảy trong Mười điều tâm niệm được trích từ sách Bảo Vương Tam-muội Niệm Phật Trực Chỉ (寶王三昧念佛直指) nói rằng: Ư nhân bất cầu thuận thích (於人不求順適), và đoạn sau đó giải thích: Nhân thuận thích tắc nội tâm tự căng (人順適則 內心自矜). Cả hai câu này được Hòa thượng Trí Quang gồm chung thành một ý và dịch là: “Với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất tự kiêu.”
Hai chữ thuận thích (順適) hàm nghĩa là thuận theo, làm cho vừa lòng thích ý. Trong quan hệ mà luôn được người khác thuận theo ý mình, làm vừa lòng mình thì hẳn ai cũng lấy làm thỏa mãn, hài lòng. Thế nhưng, xét trong toàn cảnh thì liệu điều ấy có thật sự mang lại lợi ích hay không, ắt còn phải cân nhắc lại. Điều bất lợi trước nhất được bản văn nêu ra chính là nuôi lớn sự kiêu ngạo trong lòng mình (tắc nội tâm tự căng). Một khi trong lòng đã kiêu ngạo thì chẳng khác nào nuôi sẵn mầm tai họa, cho dù ngay lúc đó chưa thấy điều gì bất lợi, nhưng những nguy hại tiềm ẩn trong tương lai chắc chắn không thể nào tránh được. Trọn câu này có thể tạm dịch là: “Đừng mong người khác thuận theo ý mình, vì như thế ắt trong lòng tự sinh kiêu ngạo.”
Tuy nhiên, cần phải thấy ngay rằng việc mong muốn người khác thuận theo ý mình trước hết đã là một mong muốn hoàn toàn bất hợp lý. Không cần phải xét đến những việc lớn lao, chỉ cần quan sát trong mười người chung một bàn ăn, nếu một người chọn món ăn mà có thể làm cả hài lòng chín người còn lại hẳn đã là chuyện ít có rồi. Dân gian có câu “Chín người mười ý”, nên việc mong đợi người khác luôn thuận theo ý mình là một mong cầu bất hợp lý, khó lòng đạt được. Mong cầu mà không đạt được thì ấy là tự chuốc lấy phiền não, sao bằng không mong cầu?
Như vậy, mong cầu không đạt được thì sinh phiền não, mà vạn nhất đạt được thì lại khiến sinh lòng kiêu ngạo. Cho nên, xét cả đôi đường dù được hay không được cũng đều là nguy hại cả. Đã vậy, mối nguy hại mà bản văn đề cập ở đây cũng mới chỉ là mối nguy cho tự thân, chưa xét đến toàn cục. Nếu xét đến toàn cục thì sự nguy hại hẳn còn lớn hơn thế nữa.
Hãy lấy ngay trường hợp đề xuất “cải tiến chữ quốc ngữ” của PGS Bùi Hiền vừa qua mà xét. Nếu như ông ấy vừa đưa ra đề xuất này mà tất cả mọi người đều thuận theo ý muốn của ông thì tai hại lớn lao như thế nào cho cộng đồng hẳn có thể đoán trước được. Chính nhờ có những phản biện “bất như ý” mà bất kỳ một đề xuất nào trước khi được áp dụng cho cộng đồng cũng đều được xem xét kỹ về tính khả thi và lợi ích cũng như tai hại thực sự của nó từ nhiều mặt khác nhau. Cơ chế vận hành của một nền dân chủ cũng luôn tồn tại theo cách chấp nhận nhiều ý kiến trái chiều để chọn lấy giải pháp tốt nhất cho từng trường hợp. Nếu xét trong trường hợp của một gia đình hay một nhóm người cùng làm việc cũng thế, rõ ràng không nên mong đợi sự đồng thuận của tất cả mọi người đối với ý muốn của mình, vì như thế chắc chắn sẽ vô cùng nguy hại.
Lại quay về tự thân mà xét, việc lắng nghe những ý kiến khác biệt hoặc trái chiều của người khác bao giờ cũng giúp ta thấy được vấn đề một cách toàn diện và chính xác hơn. Nếu chỉ biết chấp chặt vào ý kiến của riêng mình và luôn mong đợi mọi người khác đều thuận theo, chắc chắn sẽ không tránh được sai lầm trong rất nhiều trường hợp. Mà một khi sai lầm xảy ra, không phải chỉ riêng mình tổn hại mà còn gây tổn hại cho những ai có liên quan đến sự việc.
Thái độ độc tôn, độc quyền, buộc người khác luôn phải tuân theo ý muốn của mình không phải là điều xa lạ trong lịch sử, và ngay cả trong thời hiện đại cũng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Nói chung, nơi nào có sự lắng nghe và chấp nhận ý kiến đa chiều từ công luận thì nơi đó xã hội sẽ phát triển tốt đẹp, ít sai lầm. Ngược lại, nơi nào mà những người cầm quyền chỉ biết làm theo ý riêng, không biết lắng nghe và chấp nhận mọi sự phản đối hay góp ý trái chiều, thì nơi đó chắc chắn sẽ thường xuyên diễn ra điệp khúc “sai và sửa” từ ngày này sang ngày khác, và sợi dây “kinh nghiệm” được rút ra từ những sai lầm loại này thường sẽ luôn nối dài vô tận.
Còn về lòng kiêu ngạo thì sao? Thật ra, đó chính là một thứ “vốn tự có” mà không ai trong chúng ta không biết đến. Chỉ có điều, trong những điều kiện với sự kiểm soát của trí tuệ và lòng tự trọng, ta sẽ không bao giờ để cho lòng kiêu ngạo của tự thân mình phát triển. Chúng ta luôn tự biết đó là một tâm trạng xấu xa và đầy nguy hại cho bản thân mình. Tuy nhiên, một khi rơi vào điều kiện luôn được mọi người chung quanh tung hô ca ngợi, luôn đồng thuận làm theo bất kỳ ý muốn nào của mình, thì lúc đó sự sáng suốt cũng như lòng tự trọng sẽ dần dần mất đi, chỉ còn lại sự kiêu căng ngạo mạn ngày càng phát triển, bởi lúc đó ta luôn nghĩ rằng chỉ có bản thân mình là trung tâm vũ trụ, là người quyết định, dẫn dắt mọi người khác. Tiếc thay, không cần suy ngẫm nhiều thì mỗi người trong chúng ta cũng đều biết rằng sự kiêu căng ngạo mạn, độc tôn độc quyền đó sẽ không thể tồn tại được lâu dài. Trong dòng lịch sử, những Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa hay Adolf Hitler của Đức quốc xã đều là những ví dụ minh họa hết sức rõ ràng. Vì thế, thái độ khôn ngoan và hợp lý nhất vẫn luôn là phải biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người khác mà không bao giờ đòi hỏi mọi người đều đồng thuận theo ý mình.
Các bậc minh quân ngày xưa khi cai trị thiên hạ đều xây dựng quanh mình một đội ngũ các Gián quan, có thể nói một cách dễ hiểu là những người được giao nhiệm vụ phản biện mọi ý kiến, quyết định của nhà vua. Các vị gián quan thường được ban cho nhiều quyền hạn đặc biệt lớn lao như có thể tự do ra vào cung vua, hoặc có thể xin được gặp vua bất cứ lúc nào… Đổi lại, tiếng nói của họ luôn giúp hạn chế tối đa mọi sai lầm cho nhà vua, chỉ ra bất kỳ khiếm khuyết hay sai lầm nào có thể có trong những quyết định của nhà vua. Khi triều đình vắng bóng những gián quan, điều đó có vẻ như cũng đồng nghĩa với sự độc tài toàn trị đang bắt đầu phát triển.
Trong xã hội văn minh ngày nay, những tranh cãi, bất đồng giữa các chính khách, dân biểu… luôn được xem là dấu hiệu vận hành lành mạnh của một xã hội. Khi những cánh tay đồng loạt đưa lên biểu lộ sự đồng thuận tuyệt đối và không còn tranh cãi thì sự hoài nghi về tính chất dân chủ của một xã hội sẽ bắt đầu được nêu ra, chỉ đơn giản vì sự “đồng thuận tuyệt đối” là điều hầu như không thể có trong bất kỳ tập thể nào.
Khổng tử từng nói: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư.” (Trong ba người cùng đi ắt có người [có thể làm] thầy ta.) Ấy là vì ông biết thừa nhận trong sự khác biệt của người khác thế nào cũng sẽ có những điều mà bản thân ta có thể học lấy. Nếu ta luôn mong muốn mọi người đồng thuận theo ý mình, thì khác nào đã xóa bỏ đi mọi ý kiến khác biệt, làm sao còn có thể học hỏi được những điều hay lạ từ người khác? Bill Gates cũng từng nói: “Your most unhappy customers are your greatest source of learning.” (Những khách hàng khó tính nhất là những người dạy cho ta nhiều điều nhất.) Vì những khách hàng khó tính chính là những người đòi hỏi ta phải đáp ứng bằng những sáng kiến, những dịch vụ tốt nhất. Và điều đó giúp ta tiến bộ. Khi tôi tiến hành nâng cấp website lần thứ 11, các độc giả được hỏi ý kiến thường cho tôi rất nhiều ý tưởng mới. Trong số đó có một em sinh viên hầu như luôn… chê thiết kế của tôi ở mọi điểm. Thế nhưng, chính những chỗ không hài lòng của em sinh viên ấy là những chỗ giúp tôi cải tiến được nhiều nhất và mang lại sự thuận lợi nhiều hơn cho người dùng. Nếu tôi chỉ mong đợi những ý kiến tán thành, đồng thuận, có lẽ kết quả cuối cùng không thể nào được như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, hãy tạm gác lại những chuyện trên bình diện quốc gia đại sự hay cộng đồng xã hội. Chỉ xét trong phạm vi của mỗi gia đình thôi, nếu bạn luôn mong đợi những người khác trong gia đình phải đồng thuận với mọi ý kiến của bạn, thì chắc chắn gia đình bạn sẽ có nhiều nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ, hoặc chí ít cũng sẽ là một gia đình không hạnh phúc. Vì sao vậy? Vì nếu bạn mong đợi người khác theo ý mình, lẽ nào người khác đó (vợ hoặc chồng của bạn) lại không có cùng mong muốn? Và khi cả hai đều muốn đối phương phải đồng thuận, phải chiều theo ý riêng của mình, sự mâu thuẫn chắc chắn phải nảy sinh, mà sự nhường nhịn hay hòa giải lại không sao đạt được. Cứ như vậy thì môi trường sinh hoạt chung chắc chắn sẽ không thể nào có sự hòa hợp.
Tương tự, trong hợp tác làm ăn hoặc giao tiếp bạn bè, nếu ta luôn mong muốn những người quanh ta phải đồng thuận, chiều theo ý mình, chắc chắn bạn bè sẽ dần dần xa lánh, mà đối tác làm ăn cũng chẳng thích hợp tác với ta. Tất nhiên, để cải thiện vấn đề thì không cần phải làm gì khác hơn là ghi nhớ điều tâm niệm này: “Đừng mong người khác thuận theo ý mình.”
Điều tâm niệm này không chỉ là một kim chỉ nam trong ứng xử, nó còn giúp ta luôn nhận biết rằng bất kỳ ở đâu, môi trường sống quanh ta luôn là một trường học mở rộng với vô số những điều mà ta chưa biết. Nhưng để tiếp nhận được, học hỏi được từ đó, điều trước tiên là ta phải biết bẻ dẹp tính tự tôn độc đoán của mình; phải biết lắng nghe và chấp nhận những ý kiến khác biệt từ người khác chứ không phải lúc nào cũng mong đợi sự đồng thuận.
Luôn biết lắng nghe và tự kiềm chế lòng kiêu ngạo trong bản thân mình, đó là bài học quý giá nhất mà điều tâm niệm thứ bảy này mang lại cho chúng ta, một bài học có thể được áp dụng hầu như trong mọi trường hợp.
Mong sao những chia sẻ trên đây có thể mang lại được ít nhiều lợi lạc cho người đọc.