ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

Phụ lục 3:
Địa Tạng Bồ Tát Chân Ngôn

Thông thường, trong các khóa tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đang lưu hành, khi kết kinh, sẽ có hai bài chú. Một là Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn và Địa Tạng Bồ Tát Tâm Chú. Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn vốn trích từ quyển thứ sáu của Đà La Ni Tập Kinh (thuộc tập thứ mười tám, kinh số chín trăm lẻ một của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh), tên gọi chánh yếu là Địa Tạng Bồ Tát Pháp Thân Chú.

Đà La Ni Tập Kinh (Dhāraṇī-samuccaya) được ngài A Địa Cù Đa (Atikūṭa) xứ Thiên Trúc dịch ra tiếng Hán vào đời Đường, nội dung toàn là nói về các ấn chú và nghi quỹ của nhiều vị tôn thánh như Thích Ca Mâu Ni Phật, Tỳ Lô Giá Na Phật, A Di Đà Phật, Dược Sư Phật v.v… Còn Địa Tạng Tâm Chú phát xuất từ phẩm Mật Ấn của kinh Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì (kinh Đại Nhật, tức kinh số tám trăm bốn mươi tám trong tập mười tám của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh).

* Chú Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn:
Om pramardane svāhā.
(Án, bát la mạt lân đà ninh, sa bà ha,
Hoặc: Án, ba ra mạt đà nễ, sa ha).

* Địa Tạng Bồ Tát Tâm Chú:
Om hahaha vismaye svāhā.
(Án, ha ha ha tỳ xã duệ, sa ha).

Hoặc:
Namaḥ samanta-buddhānāṃ hahaha vismaye svāhā.
(Nam mô tam mãn da bột đà nẫm, ha ha ha, vi sa ma duệ sa ha).

Đại sư Ngẫu Ích đặc biệt coi trọng chú Diệt Định Nghiệp, đã viết bài Bổ Tổng Trì Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn Sớ, mở đầu bằng lời tán thán: “Kính lễ Từ Tôn Địa Tạng Vương, thần chú khéo trừ diệt định nghiệp. Cứu khắp vô biên ngũ trược khổ, tiếp dòng Tam Bảo hưng thịnh chẳng đoạn tuyệt”. Đại sư tự nói chính mình và chúng sanh “mê cái tâm vốn tịnh, đã tạo định nghiệp” cho nên cùng chịu khổ báo. Nếu chúng sanh cung kính niệm Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn, “chắc chắn có thể dẹp trừ tam chướng khổ, thí tam đức lạc” (bài viết này đã được đưa vào Cửu Hoa Sơn Chí trong tổng tập Trung Quốc Phật Tự Sử Chí Vựng San, tập số bảy mươi hai).

Ngoại trừ kiên định và chuyên tâm trì tụng chú này, nếu mong trừ diệt định nghiệp, cần phải có chánh tri chánh kiến. Do đó, đại sư đặc biệt nhấn mạnh: Chúng sanh phải “biết rõ đúng sai, thấu đạt tà chánh, tin sâu nhân quả, hiểu Đệ Nhất Nghĩa”. Đại sư nói: “Dùng nguyện làm tròng mắt của chúng sanh, lấy thân làm tường thành cho Phật pháp”, “thường vì người khác nói cái nhân xa là Pháp Tạng, cái quả hiện tại là Di Đà, khiến cho các hữu tình đều thoát khổ luân, rốt cuộc đạt an lạc”. Đại sư dạy rõ: Người trì chú này, không chỉ vì chính mình, mà còn phải vì chúng sanh thì mới tương ứng, mới mong đạt được hiệu quả. Tức là dù Hiển hay Mật, dù tu bất cứ pháp môn nào, đều phải lấy Bồ Đề tâm làm căn bản.

Đã nói là Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn, ắt sẽ có người vặn: “Đã là định nghiệp, lẽ đâu có thể tiêu trừ? Thường nói là ‘nhân như thế nào, quả như thế ấy’, hễ có nhân tạo ác nghiệp như vậy, dĩ nhiên sẽ hứng chịu ác quả, làm sao có ngoại lệ cho được?” Hãy xem đức Phật khai thị trong phẩm Nghiệp của Ưu Bà Tắc Giới Kinh: “Hà nhân duyên cố danh quả báo định? Thường tác vô hối cố, chuyên tâm tác cố, hỷ nhạo tác cố, lập thệ nguyện cố, tác dĩ hoan hỷ cố, thị cố thị nghiệp đắc quả báo định. Trừ thị dĩ ngoại, tất danh bất định” (Do nhân duyên nào mà gọi là quả báo nhất định? Do thường làm mà chẳng hối hận, do chuyên tâm làm, do ưa thích làm, do lập thệ nguyện mà làm, do làm xong hoan hỷ. Do đó, nghiệp ấy sẽ đạt được quả báo cố định. Trừ những điều ấy ra, đều gọi là bất định). Nhìn từ đây, hành nhân tịnh nghiệp thường tu tập pháp môn Niệm Phật với năm tâm thái ấy, chắc chắn sẽ đạt được cái quả nơi Tây Phương Cực Lạc.

Trở lại với vấn đề ác nghiệp, chủng tử của những ác nghiệp đã tạo sẽ tồn trữ trong Tạng Thức. Trước khi chết, những chủng tử ấy chưa chuyển thành chủng tử Dị Thục thì vẫn còn có cơ hội để chuyển biến chúng. Chẳng hạn như phát lộ sám hối, nỗ lực gieo thiện nhân và thiện duyên, ngõ hầu chuyển biến ác quả trong tương lai. Cũng trong phẩm Nghiệp của kinh Ưu Bà Tắc Giới, đức Phật dạy: “Nhược quả báo định, ưng hậu thọ giả, thị nghiệp khả chuyển hiện tại thọ chi, hà dĩ cố? Thiện tâm trí huệ nhân duyên lực cố, ác quả định giả diệc khả chuyển khinh” (Nếu đối với quả nhất định, đáng phải hứng chịu cái quả sau này, nghiệp ấy có thể chuyển thành cái quả phải thọ trong hiện tại. Vì lẽ nào? Do sức nhân duyên của thiện tâm và trí huệ, ác quả nhất định cũng có thể chuyển thành nhẹ). Nghĩa là dùng nhân duyên của thiện tâm và trí huệ, sẽ có thể chuyển biến định nghiệp thành bất định nghiệp. Nhờ đó, cũng có thể chuyển ác quả nặng nề thành nhẹ nhàng hơn.

Trong phẩm Sư Tử Hống của kinh Đại Bát Niết Bàn, Sư Tử Hống Bồ Tát đã từng hỏi đức Phật: “Nếu quả báo trở thành định nghiệp, chẳng thể chuyển đổi, vậy thì kẻ hủy báng kinh điển Đại Thừa, phạm tội Ngũ Nghịch, cho đến kẻ Nhất Xiển Đề chẳng tin quả báo, hoàn toàn không có tâm hối hận, hổ thẹn, sẽ hoàn toàn chẳng thể chứng Bồ Đề, trọn chẳng thể thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ư?” Đức Phật đã dạy rõ: Trong quá khứ, Ngài nói định nghiệp là vì quá nhiều chúng sanh không tin vào nghiệp duyên quả báo, khinh mạn đối đãi. Vì đoạn trừ tà kiến này, đức Phật mới phương tiện nói “hết thảy các nghiệp đã làm, không gì chẳng có quả báo nhất định”. Tới hội Niết Bàn, đức Phật mới chỉ rõ nghiệp bất định và quyết định. Do vậy có thể nói: Nghiệp trở thành định nghiệp vì người tạo nghiệp không biết sửa đổi, chẳng biết sám hối, chẳng biết bổ cứu. Thật ra, ngay trong kinh Ưu Bà Tắc Giới, đức Phật đã khai thị rõ ràng: “Như hữu tu thân, tu Giới, tu tâm, tu Huệ, định tri thiện ác nghiệp đương hữu quả báo, thị nhân năng chuyển trọng nghiệp vi khinh, khinh giả bất thọ. Nhược tao phước điền, ngộ thiện tri thức, tu đạo, tu thiện, thị nhân năng chuyển hậu thế trọng tội, hiện thế khinh thọ” (Nếu có kẻ tu thân, tu Giới, tu tâm, tu Huệ, biết chắn do nghiệp thiện ác sẽ có quả báo, người ấy có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ, chẳng hứng chịu quả báo do nghiệp nhẹ. Nếu gặp phước điền, gặp thiện tri thức, tu đạo, tu thiện, người ấy có thể chuyển trọng tội trong đời sau thành quả báo nhẹ trong đời này). Đấy chẳng phải là đức Phật đã dạy rất rõ: Có thể chuyển biến định nghiệp đấy sao?

Ngoài ra, điều chủ yếu là tâm phải chân thật sám hối. Nếu chỉ trì tụng chân ngôn suông, không hề có tâm sám hối, không thực sự sửa đổi, dẫu tụng chân ngôn bao nhiêu đi nữa, hay tụng toàn bộ kinh tạng, định nghiệp vẫn chẳng thể sửa đổi được. Trong kinh Phật Vị Thủ Ca Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt, đức Phật cũng dạy rõ: “Nhược nhân tạo trọng tội, tác dĩ thâm tự trách, sám hối cánh bất tạo, năng bạt căn bản nghiệp” (Nếu ai tạo trọng tội, đã làm rồi bèn tự trách sâu xa, sám hối, chẳng làm nữa, sẽ có thể nhổ trừ nghiệp căn bản). Nghiệp căn bản chính là định nghiệp!

Ngoài ra, từ các vị tôn thánh trong Địa Tạng Viện của Thai Tạng Mạn Đồ La, ta thấy có sáu vị Địa Tạng tương ứng với lục đạo, tức là các phân thân của Địa Tạng Bồ Tát để giáo hóa chúng sanh trong sáu đường:

1) Đàn Đà Địa Tạng: Đàn Đà (Daṇḍa) còn dịch là Độc Lâu Trượng, tức là một loại gậy có hình đầu lâu. Ngài tay trái cầm trượng này, tay phải kết Cam Lộ Ấn, chuyên cứu giúp chúng sanh trong địa ngục.

2) Bảo Châu Địa Tạng: Tay trái cầm bảo châu, tay phải  kết  Cam

Lộ Ấn, chuyên cứu độ chúng sanh trong ngạ quỷ đạo.

3) Bảo Ấn Địa Tạng: Tay trái cầm tích trượng, tay phải kết Như Ý Bảo Ấn, chuyên cứu tế chúng sanh trong súc sanh đạo.

4) Trì Địa Địa Tạng: Tay trái cầm kim cang tràng, tay phải kết Thí Vô Úy Ấn, chuyên tế độ A Tu La đạo.

5) Trừ Cái Chướng Địa Tạng: Tay trái cầm tích trượng, tay phải kết Dữ Nguyện Ấn, chuyên tế độ loài người.

6) Nhật Quang Địa Tạng: Tay trái cầm Như Ý châu, tay phải Thuyết Pháp Ấn, chuyên tế độ chư thiên.

Hơn nữa, trong Mật Tông, Ngài còn có mật hiệu là Bi Nguyện Kim Cang, Dữ Nguyện Kim Cang, và Bi Phồn Kim Cang. Trong Kim Cang Giới Mạn Đà La, Ngài được biết dưới danh xưng là Tràng Bồ Tát, là thị giả của Bảo Sanh Như Lai ở phương Nam. Sách Dữ Nguyện Kim Cang Địa Bồ Tát Bí Ký trích dẫn kinh Liên Hoa Tam Muội Kinh cho biết Pháp Thân của Ngài chính là Bảo Sanh Như Lai (Ratna-sambhava, còn có các danh xưng khác là Bảo Tướng Như Lai, Bảo Thắng Như Lai. Khai Phu Hoa Vương Như Lai).

Về hình tượng của Ngài, trước thời Đường, Địa Tạng Bồ Tát thường được tạc tượng, hoặc vẽ (nhất là các tượng tạc tại Đôn Hoàng, hoặc Long Môn Thạch Quật) dưới dạng một vị Bồ Tát có dáng vóc một vị trời đoan nghiêm, đeo anh lạc, đội bảo quan như các vị Bồ Tát khác. Tiêu chí để nhận biết là tay Ngài cầm bảo châu. Các bức thangka vẽ Địa Tạng Bồ Tát trong Tạng Truyền Phật giáo cũng vẽ theo hình thức này. Từ đời Đường trở đi, sau khi hòa thượng Kim Kiều Giác viên tịch, do Ngài được coi là hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát, cũng như do căn cứ theo sự mô tả trong kinh Thập Luân, hình tượng Địa Tạng Bồ Tát từ đó trở về sau luôn được vẽ dưới hình tướng tỳ-kheo, đắp y ca-sa, đầu trần, tay cầm tích trượng và bảo châu. Đôi khi vẽ Ngài đội Ngũ Phật Bảo Quan hay mão Tỳ Lô. Càng về sau, tượng Ngài dưới hình dạng tỳ-kheo đội mão Ngũ Phật phổ biến hơn. Trong các tranh vẽ, ngoài hai vị thị giả là Đạo Minh và Mân Công, có lúc hai vị này thường được thay thế bằng Mục Liên tôn giả và Kiên Lao Địa Thần. Tại Đài Loan, có nơi vẽ thị giả là Vô Độc quỷ vương và Diện Nhiên quỷ vương, hoặc thị giả là Dẫn Hồn Bồ Tát và Mục Liên tôn giả. Có khi còn vẽ phức tạp hơn, Bồ Tát có đến sáu vị thị giả là Diễm Ma sứ giả (hóa độ địa ngục), Trì Bảo đồng tử (hóa độ ngạ quỷ), Đại Lực sứ giả (hóa độ súc sanh đạo), Đại Từ thiên nữ (hóa độ Tu La), Bảo Tạng thiên nữ (hóa độ loài người), và Nhiếp Thiên sứ giả (hóa độ thiên chúng); hoặc vẽ Địa Tạng Bồ Tát có ba mươi bốn vị quỷ vương (tức Ác Độc quỷ vương, Đa Ác quỷ vương… nói trong phẩm thứ chín) làm thị giả. Phật giáo Nhật Bản lại có hai hình tượng Địa Tạng Bồ Tát đặc biệt là:

1) Diên Mạng Bồ Tát có hình tướng tỳ-kheo, hai thị giả là Chưởng Thiện (Căng Gia La, Kiṃkara) và Chưởng Ác đồng tử (Chế Đa Ca, Ceṭaka).

2) Thiên Thai Tông Nhật Bản lại có hình tượng Thắng Quân Địa Tạng đầu đội mũ đâu mâu, mặc áo giáo, lưng giắt đao, tay cầm tràng phan và bảo kiếm, biểu thị đại nhẫn nhục và tinh tấn, đoạn trừ phiền não.

Hiện thời, các kinh điển nói về Địa Tạng Bồ Tát có các bộ sau đây:

1) Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (do ngài  Pháp  Đăng  dịch.

Một bản dịch khác của ngài Thật Xoa Nan Đà).

2) Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh (do ngài Bồ Đề Đăng xứ Thiên Trúc dịch).

3) Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân Kinh (do ngài Huyền Trang dịch)

4) Đại Phương Quảng Thập Luân Kinh (mất tên người dịch).

5) Địa Tạng Bồ Tát Nghi Quỹ (do ngài Thâu Bà Ca La dịch).

6) Phật Thuyết Địa Tạng Bồ Tát Đà La Ni Kinh (mất tên người dịch).

7) Kim Cang Tam Muội Kinh (phẩm Tổng Trì – mất tên người dịch).

8) Bách Thiên Tụng Đại Tập Kinh Địa Tạng Bồ Tát Thỉnh Vấn Pháp Thân Tán (do ngài Bất Không dịch).

9) Phật Thuyết Diên Mạng Bồ Tát Kinh (Đại Chánh Tạng ghi là “không rõ người dịch”, nhưng theo truyền thống, Phật giáo Trung Hoa ghi là bản này do ngài Bất Không dịch).

 


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ