HỒI KÝ PHÙNG PHÙNG
Hạnh Đoan biên dịch

 

DANH Y VÀ TÔI

Tôi quen nhiều bác sĩ, Tây lẫn Đông y, không phải do tôi hay đến bệnh viện khám mà do các bác sĩ thường xuyên đến thăm rồi trở thành bạn tôi.

Do có nhiều bác sĩ tìm đến giao lưu trò chuyện, nên tệ xá của tôi ngoài việc được xem như là “Câu lạc bộ Phật giáo” ra, còn có thêm tên gọi khác là “Câu lạc bộ bác sĩ”. Tên này nghe có vẻ khoa trương đấy, nhưng nếu tôi nói là: Các bác sĩ đến mục đích là để nhờ tôi giúp để họ có thể chẩn khám bệnh tốt hơn, thì lại càng khiến người khó tin hơn nữa.

Nhưng quả thực là thế đấy, các bác sĩ siêng năng viếng nhà tôi, một số thì gặp tôi để bàn về Y học, Khoa học hay Phật học, còn số khác thì nhờ tôi phụ chẩn đoán giúp họ những chứng bệnh lạ lẫn các bệnh linh tinh, cũng có những bác sĩ khác đến mục đích là xin tôi chẩn bệnh cho họ.

Nhà tôi bác sĩ ghé nhiều tới nỗi mỗi lần có người muốn gặp tôi đã lo gọi điện trước cho tôi và hỏi:

– Bác sĩ Phùng có nhà không ạ? Tôi có thể xin cuộc hẹn với ngài không?

Tình huống này đương nhiên không nhiều, chỉ xảy ra vài lần. Tuy bị người hiểu nhầm thân phận, nhưng tôi không phiền, trái lại, còn cảm thấy được ưu ái quá mức. Hãy nghĩ xem, tôi chưa chưa thọ qua đại học chánh quy nào, chưa trải qua bảy năm Y khoa, mà vẫn được gọi là bác sĩ, há chẳng phải là được người tôn cao quá sao? Cái kiểu hiểu nhầm này, so với việc nhầm tôi là lang băm, thầy bói hay là thuật sĩ giang hồ quả có khác xa lắm.

Tất nhiên, tôi không hề mạo nhận mình là bác sĩ. Khi bị người gọi nhầm, tôi luôn đính chính mình không phải là bác sĩ. Những lúc đó người nghe thường tỏ vẻ rất kinh ngạc, hỏi lại: Sao hả? Ngài không phải là bác sĩ ư? Nhưng ai cũng nói ngài là “Thần y ba mắt”, đến nỗi ngay cả bác sĩ cũng phải đến nhờ ngài  khám bệnh cho nữa kia mà?

Đây đúng là lời khen quá mức, tôi không học qua Y khoa cũng không hiểu Y thuật, sao dám nhận danh là Thần y?

Vâng, đúng là có một số bệnh nhân đến tìm tôi, tôi vì họ cầu Bồ Tát Quán Âm và được Bồ Tát gia hộ, khiến họ được khỏe mạnh. Những bệnh nhân được cứu này có rất nhiều, bao gồm những người bị ung thư và bệnh tim, tóm lại là những người mắc đủ các chứng bệnh. Nhưng đây không toàn là công lao của tôi, mà cũng nhờ bệnh nhân có lòng tin và kiên trì chịu  niệm cầu Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ nữa, nên họ mới được cảm ứng. Nếu không thì những lời khuyên về dinh dưỡng của tôi vẫn chưa đủ để chữa lành bệnh họ đâu.

Nhắc đến ba mắt, có người sẽ tưởng tượng rằng: Tôi giống như Nhị Lang Thần? Không phải vậy đâu! Quả thực tôi có sử dụng ba loại mắt là: Thiên nhãn, Pháp nhãn và Huệ nhãn để quan sát, nhưng đó không phải là ba con mắt giống như Nhị Lang Thần mà người ngoài có thể nhìn thấy. Đây chỉ có thể giải thích là: Siêu cảm! Siêu cảm này xuất phát từ giới định huệ nhà Phật mới có được.

Người thế tục có một số tuyên bố là: Nếu luyện tập theo thầy Khí công thì có thể khai mở thiên nhãn, một số khác thì khoe: Đạo thuật của họ có thể khai mở thiên nhãn…

Lại có người nói: Thôi miên cũng mở được thiên nhãn! Nhưng những” loại thiên nhãn ngoại đạo” này đều không phải là sở tri của tôi, bởi tôi chưa từng học gì từ nơi ngoại đạo. Con mắt thứ ba  của tôi, là xuất phát từ giới, định, huệ của nhà Phật.

Có rất nhiều người năn nỉ, yêu cầu tôi hãy truyền dạy thiên nhãn cho họ. Nhưng tôi không nghĩ thiên nhãn có thể học được! Bởi Thiên nhãn của Phật giáo tuyệt không thể truyền thọ hay học, vì Pháp nhãn, Huệ nhãn, Thiên nhãn cùng Phật nhãn tối cao của nhà Phật đều từ giới định huệ mà có.

Nhưng dẫu tôi có nói gì, mọi người cũng không chịu tin, ngược lại còn hiểu nhầm, cho rằng tôi ích kỷ giấu bí pháp nên chẳng chịu truyền dạy, tôi đành phải khuyên họ nên đọc nhiều kinh điển Phật giáo, rồi sẽ hiểu.

Còn chuyện xem bệnh cho các bác sĩ thì điều này quả là có thực.

Vào năm 1983, có một vị  bác sĩ nhãn khoa quốc tế nổi danh khắp thế giới từ Hồng Kông gởi thư qua, xin tôi khám mắt cho bản thân ông và hỏi ý tôi về cách điều trị. Vị danh y này rất khiêm tốn, không hề sợ mất thể diện khi hỏi. Lời lẽ trong thư ông viết rất nhũn nhặn, không vì mình là bác sĩ nổi danh mà tự kiêu tự mãn, ông còn xưng là fan, là độc giả trung thành của tôi. Đủ thấy ông thuộc loại người “càng học cao càng khiêm tốn”. Ông khiến tôi phải khâm phục và tự cảm thấy xấu hổ. Tôi không bao giờ tưởng được là có một vị bác sĩ nhãn khoa lừng danh quốc tế lại năn nỉ cầu xin tôi khám mắt cho ông. Tôi cũng thấy rất hổ thẹn nên cung kính viết thư hồi âm cho ông, nhiệt tình cung cấp ý kiến, mong có thể giúp ông phần nào.

Năm nọ, có ông Y là một bác sĩ người Tây phương nổi danh khác, ông ở Hồng Kông, đã tìm đến tận nhà, nhờ tôi dùng thiên nhãn để “thấu thị” giúp tình hình nội tạng của ông. Vị danh y này là Viện trưởng một bệnh viện, cũng từng hành nghề tại Canada, mặc dù chưa gặp nhau bao giờ, nhưng tôi đã nghe rất nhiều về đại danh vang dội của ông. Ông khiêm cung như thế, đã đích thân tìm đến nhờ tôi dùng khả năng thấu thị giúp cho, tôi vui vì thấy mình được ái mộ quá mức, nên đã chăm chú thấu thị giúp ông. Khi tôi đóng nhục nhãn lại, mở thiên nhãn ra thì tôi nhìn thấy cơ thể của bác sĩ Y rõ ràng giống như nhìn qua kính lưu ly, tôi không cần hỏi ông câu nào mà vẫn có thể mô tả tỉ mỉ những gì đã thấy cho ông biết.

Bác sĩ Y rất ngạc nhiên, ông im lặng lắng nghe tôi nói một hơi đến hết rồi bảo:

– Cậu định bịnh hoàn toàn chính xác, hoàn toàn giống như các báo cáo kiểm tra sức khỏe gần đây của tôi! Quả thực đáng kinh ngạc và kỳ diệu không thể nghĩ lường! Làm thế nào mà cậu học được diệu môn thần kỳ như thế?

Tôi đáp:

– Không phải học đâu ạ! Đây chỉ là khả năng bẩm sinh, nhờ vào giới định của Phật giáo mà có được.

Và tôi giới thiệu Phật pháp với ông ta.

Bác sĩ Y không phải là Phật giáo đồ, ông theo đạo Cơ Đốc và xuất thân từ một trường đại học Y khoa nổi tiếng của Mỹ. Nhưng ông không hề có thành kiến xấu và hoàn toàn chấp nhận cuộc thấu thị chẩn đoán, cũng như việc giới thiệu Phật pháp của tôi.

Sau đó, ông còn đưa vợ và ba cô con gái cùng cậu con trai đến gặp tôi, nhờ tôi thấu thị cho họ. Tôi không có thời gian để hỏi gì, chỉ nhắm mắt hành sự và miêu tả tỉ mỉ bệnh tật của từng người. Tôi không thể tiết lộ những điều riêng tư của họ nơi bài viết này, nên không ghi  bệnh trạng của họ ra đây.

Sau khi thấu thị xong. Bác sĩ Y rất hài lòng về tôi, ông tán thán không ngớt lời, thái độ hết sức chân thành, không có vẻ gì là khách sáo đầu môi. Vợ ông nói: Chồng tôi thuở giờ chưa từng khen ai, ông không phê bình hay chê trách là may lắm rồi! Nhưng hôm nay phải nhìn nhận là ông ấy quá ngưỡng mộ cậu!

Con trai bác sĩ Y là anh A, mười chín tuổi, dáng người cao, dung mạo tuấn tú khôi ngô, thuộc hạng tuổi trẻ tài ba. Lúc tôi thấu thị cho anh ta, thấy anh không có bệnh chi, nhưng tôi vừa nhìn xuyên qua lớp cổ áo sơ mi thì phát hiện phía sau gáy anh có một khối u nhỏ nằm chìm trong da. Tôi đoán là từ hồi anh chào đời đã có khối u bẩm sinh lành tính này rồi và tôi tả rõ điều đó.

Bác sĩ Y nói: Hoàn toàn chính xác! Nó sinh ra đã có khối u nhỏ này rồi, do tôi thấy lành tính nên mới không phẫu thuật cắt bỏ chi.

Anh A phát biểu: Khối u này nằm chìm trong da, không hề nhô lên vậy mà ngài cũng nhìn thấy được, quả là thần kỳ, đáng để thọ giáo đó!

Tôi trả lời: Không có gì thần kỳ cả, Trong Phật pháp, đây chỉ là một kỹ năng nhỏ bé mà thôi, còn có nhiều điều hay lớn lao hơn, rất đáng cho chúng ta học.

Tôi giới thiệu một số sách nhập môn Phật giáo cho cả nhà họ xem và đích thân nấu các món chay thết đãi. Trong tiệc chúng tôi bàn nhiều Phật lý, tôi còn mách họ là Chủ Nhật này tại chùa Phật Ân có giảng kinh.

Gia đình bác sĩ Y bèn đến chùa Phật Ân theo tôi, tôi mời họ ngồi ở hàng ghế đầu, trước lúc khai giảng, tôi trân trọng giới thiệu những vị khách quý này cùng mọi người.

Thính chúng đều vỗ tay, nhiệt liệt hoan nghênh chào đón họ!

Cả nhà bác sĩ Y liền đứng lên, đồng mỉm cười cúi đầu chào đáp lễ trước tiếng vỗ tay của hơn hai trăm người. Rồi họ ngồi đó, chăm chú nghe tôi giảng kinh A Di Đà, tôi dùng khoa học vũ trụ hiện đại để giải thích kinh điển Phật giáo, tôi cố tình chọn bản kinh này cho cả nhà bác sĩ nạp thọ đầu tiên, vì đây là một bản kinh Phật thường bị cho là rất mê tín. Nhưng bằng khả năng thiên nhãn của mình, tôi thấy rất chính xác, thực tế và hoàn toàn không có gì huyền bí.

Một số người mới biết sơ về khoa học lạc hậu thì vội võ đoán và đưa ra tuyên bố phủ định tất cả hiện tượng siêu nhiên, tùy tiện phủ nhận tất cả.

Một số Phật tử cũng hiểu sai về ý “bất chuộng thần thông” mà Phật thuyết và cho rằng không thể giảng thần thông, họ còn quan niệm rằng: Không giảng về siêu nhiên mới là hoằng dương Phật giáo…

Đây toàn là uốn thẳng thành cong. Vì mục đích Phật pháp là tế khổ độ nguy, nếu như chúng ta có thể từ giới định của Phật giáo, sở đắc chút trí huệ nhỏ rồi dùng đó chẩn đoán căn nguyên nhân quả bệnh tật cho người, giúp người thoát khổ nạn, thì rất  dễ dàng hướng dẫn họ đến với tín ngưỡng Phật giáo, thực hành từ bi, điều này có gì không đúng?

Một số người không ngừng đả kích, phê bình tôi là hạng tác yêu tác ma! Nhưng ngẫm lại họ đã đem lợi ích gì cho nhân thế? Chẳng phải họ đang tật đố với những cống hiến nhỏ nhoi của hạng tu hành thấp bé như tôi hay sao? Nếu không thì họ cần chi phải tốn nhiều nước bọt, dùng toàn lời ác ý không lành phê bình công kích tôi ?

Suốt ngày họ dựa vào học vấn và cho mình làm vậy là cứu toàn thế giới ư? Họ dựa vào những việc giảng triết luận huyền, toàn thuyết  triết học bí ẩn, mà kể cả những điều họ đang rao giảng thậm chí chính họ cũng không thể hiểu nhưng lại kết luận đó là pháp hay độ thế nhân. Thế nhưng người thời nay khó mà tiếp nhận những kiểu giáo hóa này!

Tôi sẽ không vì những người trách mắng bài xích này mà chịu khuất phục. Bởi Phật pháp có tám mươi bốn ngàn pháp môn, mỗi người có nhân duyên và phương tiện tiếp dẫn riêng, họ làm cách của họ, tôi áp dụng kiểu riêng tôi, đâu liên can nhau! Tôi không tuyên bố phương pháp giáo hóa của mình là tốt nhất và cũng không hề phản đối cách của người, tôi chỉ nêu quan điểm của riêng tôi thôi.

Giống như bác sĩ Y nói trên, khi ông nài xin tôi thấu thị, rồi thông qua việc này mà chịu nghe lời khuyên của tôi để bước vào học Phật, chăm chú nghe giảng Kinh, chịu khó nghiên cứu kinh điển Phật giáo rồi sau đó ông phát nguyện làm rất nhiều việc từ thiện khám chẩn miễn phí, bố thí giúp đỡ cho vô số bệnh nhân nghèo. Điều này, khiến tôi cảm thấy mình đã không hề làm sai.

Bác sĩ Y và vợ con ông thuộc thành phần trí thức cao cấp, nếu không nhìn thấy hiệu quả vi diệu từ giới, định, huệ của Phật pháp, thì chắc chắn sẽ không dễ dàng tiếp nhận và chịu  nghiên cứu Phật lý, cho dù các giảng sư Đại học Phật giáo có thuyết phục bằng vô số triết lý, cũng chưa chắc ông chịu nghe.

Có một nữ bác sĩ khác, đã vượt đường xa vạn dặm từ New York đến thăm tôi, trước đó tôi không hề biết cô ta là bác sĩ.

Nguyên là vào mùa hè năm 1984, Tổng biên tập Nguyệt san Nội Minh tại Hồng Kông là bác Trầm Cưu Thành đã viết thư cho tôi, kể rằng có người bạn thân là ông Frank, muốn cầu tôi giúp cho hai việc là: Một, xem giùm tình trạng bệnh của vợ và bạn thân ông ta. Cả hai bệnh nhân này đều đang sống ở Hồng Kông. Trong thư bác Trầm có ghi đủ địa chỉ và họ tên, song không kể rõ chi tiết tỉ mỉ mà cũng không hề đính kèm bức ảnh nào của họ cho tôi xem để dễ dàng làm việc.

Tôi biết bác Trầm chẳng có ý muốn thử tôi, chỉ vì bác không có ảnh hoặc tư liệu của hai bệnh nhân này. Nhưng vô tình đã làm tôi cảm thấy rất khó khăn, hầu như hoàn toàn vô phương quan sát.

Theo thông lệ, nếu ai muốn nhờ tôi xem bệnh từ xa, thì ít nhất họ phải gửi ảnh kèm theo, như vậy tôi mới dễ làm việc. Tôi sẽ nhìn tình trạng cuộc sống họ thông qua bức ảnh chụp toàn thân gần nhất, tôi không ưa họ gởi các tấm ảnh chỉ chụp cái đầu, nhất là những ảnh cũ kỹ ố vàng chụp từ mấy mươi năm trước, vì sẽ khiến tôi rất khó nhìn, khó phân biệt rõ tình trạng sống chết, do thời gian họ chụp cách hiện tại quá xa nên phán đoán sẽ khó chính xác.

Lần này họ nhờ khám bịnh từ xa mà ngay cả hình cũng không có, mà tôi đâu có rành gì Hương Cảng? Bởi tôi đã rời khỏi nơi đó hơn ba mươi năm rồi. Hiện thời Hương Cảng đã thay đổi rất nhiều, bảo tôi đi đâu mà tìm họ đây?

Bác Trầm là người lấy  bài tôi đăng đã nhiều năm, có thể nói bác chính là người đề bạt, nâng đỡ tôi; nên hễ là việc bác giao phó, tôi luôn dốc sức tận lực. Tôi biết bác không bao giờ tùy tiện giới thiệu hay gởi đại người, vì vậy bây giờ tôi chỉ còn nước đành phải thử một phen, cố lần mò quan sát từ những gì mình có được vậy.

Tôi vừa nhận được thư xong, thì tối đó từ nước ngoài bác Trầm gọi đến. Tôi và bác thuở giờ chưa từng gặp mặt, hơn mười năm nay chỉ có giao lưu qua văn thư. Đây là lần thứ hai bác nói chuyện điện thoại với tôi. Nghe qua điện thoại giọng bác hào sảng mạnh mẽ, tôi nhìn thấy thần sắc bác đang khang kiện, trong lòng tôi rất vui.

Tôi nói:  A lô! Xin chào bác Trầm!

– Bồi Đức huynh! (Bác Trầm rất lịch sự nên gọi tôi như thế). Thư tôi gửi huynh nhận được chưa?  Ông F bạn tôi muốn nhờ huynh giúp đỡ… xem giùm tình huống hai người kia.

– Dạ tôi nhận được thư rồi, hiện đang xem xét, do không có hình gởi kèm nên việc quán sát thấu thị cũng rất khó khăn…

– Vậy hả? Để tôi bảo họ gửi ảnh qua…

– Không cần nữa, vì bưu điện chậm chạp lắm. thôi thì tạm thời tôi phải cố thử xem mình có thể xuất thần tìm đến chỗ người bịnh không, có địa chỉ thì cũng đỡ rồi.

Vậy phiền anh nhé.

-Tôi chỉ thử thôi, nên không chắc chắn lắm đâu, nếu tìm ra được tôi sẽ hồi âm cho bác. A! tôi đã nhìn thấy rồi, trong lúc tôi đang điện đàm thì nhìn thấy hai bệnh nhân này.

Thế là tôi mô tả liền:

– Bệnh nhân nữ thì đang bị ung bướu, nhìn giống như bà ta đã phẫu thuật rồi và hiện thời tính mạng không còn nguy hiểm nữa. Do gia đình bà đã tích đức tạo thiện rất nhiều, chính nhờ vậy mà được chư Phật, Bồ tát gia trì bình an. Còn tiên sinh K tôi thấy ông khoảng hơn bốn mươi tuổi, chứng ung thư đã phát tán toàn thân, xâm nhập lên não rồi. tôi thấy rõ ông K này bị trả quả kiếp trước chứ không phải lãnh báo của đời này, tôi e là ông K khó qua khỏi năm nay!

Bác Trầm nói: Tôi cũng không biết họ bị bệnh gì, bởi chưa từng gặp qua họ. Nhưng theo anh xem xét thì tính mạng ông K sẽ bị nguy hiểm? Vậy có cách gì cứu được ông ấy không?

– Tôi sẽ viết thư kể chi tiết cho bác sau. Đừng tốn phí quá nhiều cho cuộc gọi ngoài nước như thế này. Tôi sẽ dốc sức làm hết những gì mình biết và góp ý để họ tham khảo.

Để phòng ngừa tôi chẩn đoán sai, bác Trầm đã yêu cầu ông F phải gửi gấp hai bức ảnh của bệnh nhân đến chỗ tôi. Tôi vừa nhìn hình, thì thấy quả đúng như vậy. Chính là hai người này! Tôi bèn viết thư hồi âm ghi rõ chi tiết.

Sau đó, ông F đánh điện tín cảm ơn tôi.

Nửa năm sau, ông từ New York đến thăm, dẫn theo vợ và con gái.

Tôi mời những vị khách sơ ngộ này dùng chay. Tuy họ là bạn thân bác Trầm, nhưng ông F và tôi vừa gặp nhau thì cùng có cảm giác như đã quen lâu.

Ông nói với tôi: Cậu chẩn đoán như thần! Hoàn toàn chính xác, bà vợ của tôi thì đã dần hồi phục, còn ông K đã chết.

Ông F lại nhờ tôi thấu thị sức khỏe của ông, tôi rất vui được phục vụ. Tôi ngạc nhiên khi thấy cơ thể của ông khang kiện, huyết áp không cao, tim khỏe, mọi thứ đều tốt.

Tôi cười nói: Ông tuyệt không có bệnh, nếu so với thanh niên thì ông còn khỏe hơn họ nữa! Đây là kết quả tốt của việc bơi lội mỗi ngày trải qua nhiều năm và cũng nhờ vào chế độ ăn uống tốt nữa đó.

Ông F ngạc nhiên hỏi: Cậu biết tôi bơi lội mỗi ngày ư?

– Vâng, tôi nhìn thấy hết! Ông hồi trẻ vốn là vận động viên bơi lội, từng tham gia hội thể thao, hiện nay ông vẫn bơi mỗi ngày, nhà ông có hồ bơi!

– Đúng là không có gì giấu được mắt cậu! Ông F cười nói.

Con gái ông là cô T cũng yêu cầu tôi thấu thị cho.

Tôi nói ngay: Thận bên phải của cô vì sao không còn?

Cô kêu lên: Ôi trời ơi! Bây giờ thì tôi tin là ông có siêu năng (khả năng siêu xuất) rồi! Đúng vậy! Thận phải của tôi bị bệnh phải cắt bỏ vào năm ngoái. Thực kỳ lạ! Làm sao ông có thể nhìn thấu cơ thể con người kia chứ?

Tôi cười đáp: Cơ thể người dày bao nhiêu chứ ạ? Chẳng lẽ dày trăm mét như một bức tường đồng?

Cô T cũng bật cười và hỏi tôi có thể đoán ra cô ấy làm nghề gì không?

Tôi không trả lời ngay, vì lúc đó tôi chưa nhìn ra. Mãi đến khi cô tiến vào bếp giúp tôi rửa chén, thì tôi đột nhiên nhìn thấy biết hết… nên tôi vội ngăn lại, bởi tôi thấy rõ cô là một nha sĩ.

– Bác sĩ T! Cô không phải đến đây để giúp tôi rửa chén đâu! Tôi cười nói: Tay cô mà rửa chén thì sẽ không tiện cho việc xử dụng các y cụ nha khoa nhé!

Ông F là Phật tử thuần thành, phát tâm rất mạnh, thường góp nhiều tiền ủng hộ cho các ấn phẩm và các việc phúc thiện Phật giáo. Ông tham gia hội nghiên cứu Phật học, là một người phúc huệ song tu chân chính. Tính tình ông hài hòa, dễ gần. Ông và tôi cùng luận bàn về Phật giáo, cảm thấy rất hợp và vui.

Năm 1986, con gái ông lại đến thăm tôi, cô T phát biểu là mỗi năm nếu qua Mỹ và Canada thì sẽ đến thăm tôi.

Các bác sĩ đến thăm tôi quả thực rất đông và nhiều, hầu như mỗi bác sĩ đến thăm, đều làm tôi căng thẳng. Vì cảm giác giống như mình đến lúc phải thi khảo nghiệm vậy!

Do các bác sĩ là chuyên gia Y khoa nên rất tinh thông về y thuật. Còn tôi ở trước họ, thì là gì đây? Tôi mà nhận công việc thấu thị thân người thay cho họ thì há chẳng phải là múa rìu qua mắt thợ hay sao?

Bác sỹ W là một trong các bác sĩ nổi danh khắp thế giới, được công nhận là bác sĩ chuyên khoa não uy tín toàn cầu, ông và vợ cùng ghé hàn xá tôi, việc họ đến nhà, đã khiến tôi băn khoăn.

Bác sĩ W vốn nổi tiếng khắp Hồng Kông và vùng viễn Đông, khi hội nghị hàng năm các chuyên gia não quốc tế trên toàn thế giới đều mời ông đến diễn giảng. Vào mùa thu năm 1985, Tiến sĩ W được mời đến dự Hội Não Khoa ở  Edinburgh (Thủ phủ nằm ở miền đông Scotland).

Sau hội nghị, ông gặp con gái tại Tô Cách Lan (cũng là bác sĩ khu vực đó), họ cùng bay qua Canada để thăm bố vợ. Rồi  ngài bố vợ lại dẫn toàn gia ông W đến gặp tôi.

Tôi tuy có chút danh, nhưng chưa đến độ ai cũng biết tiếng và cũng chẳng nổi đến mức phải làm kinh động các bác sĩ lừng danh trên thế giới. Vậy thì tại sao bác sĩ W lại biết tôi ?

Lý do dễ hiểu thôi, vì nhạc phụ của ông là cư sĩ Phùng Công Hạ, vốn là người tôi quen thân và kính trọng nên tôi thường gọi ông Phùng là bá phụ. Bác Phùng rất yêu thương quan tâm tôi, ông hiểu Phật pháp uyên thâm, thường cùng tôi luận đạo qua điện thoại, thỉnh thoảng ông hay ghé thăm. Tuy bác cao niên, đã hơn tám mươi tuổi, song trông rất khang kiện, bác bước đi như bay, có lực tu dưỡng thâm hậu, lại ăn trường trai, trình độ học vấn rất cao, bác cư xử vô cùng nhân hậu, rất sốt sắng dìu dắt người vào học Phật, có rất đông người tìm đến chùa Phật Ân thuộc Hội Phật giáo thế giới để nghe bác Phùng giảng kinh. Thường thì thính chúng đông hai, ba trăm người, nhưng vào những ngày lễ thì tăng nhiều đến hàng ngàn người.

Mười năm trước lần đầu gặp nhau, lúc đó tôi chưa quen bác Phùng nên chưa đủ duyên thỉnh giáo chi.

Vào năm 1980, khi Pháp sư Tẩy Trần từ Hồng Kông đến Vancouver, mở tiệc nhỏ tại khách sạn Peninsula để quyên góp xây dựng chùa Quan Âm, tôi cũng đến tham dự. Lúc này bác La Ngọ Đường ngồi cùng bàn đã mời bác Phùng qua để giới thiệu hai chúng tôi với nhau. Sau đó, chúng tôi  thường giao lưu, khiến tôi càng ngày càng khâm phục bác Phùng, nên đã nhận bác làm tôn thân. Bác xem tôi như cháu ruột khiến tôi trong hoàn cảnh chỉ có hai mẹ con nương nhau, cùng sống bơ vơ không có người thân nào tại nước ngoài, bỗng nhận được tình gia đình ấm áp. Trong lòng tôi, bác Phùng và bác La đều giống như bá phụ, hai vị này đối với tôi rất tốt, họ thường cổ vũ giúp đỡ tôi, khiến tôi được nhiều lợi ích. Nhưng nếu tôi mong có được được nội lực tu dưỡng và học vấn uyên thâm giống như họ, thì quả là rất khó.

Tại sao bác Phùng lại đưa bác sĩ W đến gặp tôi? Điều này phải kể sơ nguyên do.

Ngay từ năm 1980, người em út của ông Hùng (chủ một cửa hàng người Hoa ở trung tâm Vancouver)  là Phúc, đột nhiên ngã bệnh, được đưa đến Bệnh viện đa khoa. Gia đình này và tôi không hề quen biết nhau, cũng chưa gặp mặt bao giờ. Đêm đó bác Phùng gọi điện tới, bảo tôi thử dùng thiên nhãn quan sát bệnh tình của anh thanh niên tên Phúc. Bác Phùng cũng không biết anh Phúc bệnh gì, chỉ biết rằng anh được chuyển gấp tới Phòng cấp cứu của Bệnh viện, mà bác phùng cũng chưa gặp qua anh Phúc, chỉ kể là gia đình ông Hùng gọi điện tới năn nỉ xin bác nhờ tôi quan sát giùm.

Dù họ có cho địa điểm, với tôi công việc cũng không dễ dàng hơn chút nào, bởi khi tôi vận dụng khả năng thiên nhãn tìm kiếm phòng cấp cứu Bệnh viện cách xa chỗ mình hơn mười sáu cây số để kiếm anh Phúc: Đó là một thanh niên khoảng hai mươi bốn tuổi, trông rất thanh tú, có đôi mắt giống như con gái. Tôi phải mò mẫm tìm theo lời tả của bác Phùng, (mà bác thì chưa gặp chàng trai này). Nhưng Phùng bá mẫu xác nhận là tôi nói đúng.

Tôi kể họ nghe: Não anh Phúc bị bướu nước, gây nhức đầu kịch liệt dẫn đến hôn mê. Tôi thuyết phục bác Phùng bảo gia đình ông Hùng phải mau chuyển anh Phúc tới khoa cấp cứu chuyên về não ngay.

Ba tuần sau, Bệnh viện Chuyên Khoa Não sau khi kiểm tra với đủ các thiết bị, đã xác nhận Phúc  bị khối u nước (giống như tôi đã nhìn thấy) và bác sĩ liền góp ý phải phẫu thuật cắt bỏ khối u gấp, nếu không sẽ chẳng còn có hy vọng sống.

Bác Phùng liền gọi điện báo cho tôi biết là các bác sĩ đã khám và cho ra kết quả giống y như tôi chẩn đoán, nhưng cả nhà ông Hùng đều rất lo lắng. Họ hỏi tôi có nên cho bác sĩ phẫu thuật hay không?

Tôi đáp: Nếu phẫu thuật thì sẽ chết chắc không nghi, mà chưa mổ thì chưa thể chết ngay liền. Nếu như dùng cách khác, thì cũng có thể tiêu trừ bướu nước, giúp bệnh nhân sống. Tất nhiên, điều này phải tùy thuộc cha mẹ anh Phúc quyết định. Bác Phùng hỏi tôi:

– Cháu có cách nào cứu bệnh nhân không?

Tôi đáp: Cách thì có, nhưng con không chắc lắm! Con có thể đề ra phương pháp, tận lực cứu anh Phúc, vì xét thấy ác nghiệp anh không nhiều. Nhưng có cứu được hay không, điều này con không dám nói. Con nghĩ: Tốt nhất toàn gia nên khẩn cầu Bồ tát Quan Thế Âm gia hộ, như thế mới có hi vọng.

Cả nhà ông Hùng đều đến gặp tôi, các anh của bệnh nhân quỳ xuống cầu xin tôi cứu em họ. Họ đã quyết định không để bác sĩ phẫu thuật.

Tôi nói: Thế thì điều cần làm nhất là chư vị hãy đảnh lễ cầu Bồ tát Quan Thế Âm, đừng bái tôi. Tôi chỉ là một người bình thường.

Tôi đã hướng dẫn cả nhà họ quỳ xuống, bái lễ thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, tôi chúc phúc cho họ và bảo họ phải hứa và phát thệ: Sau này làm nguyện làm nhiều việc thiện để cứu tế những người hoạn nạn đói khổ. Bọn họ đồng nguyện y như vậy. Tôi cũng bảo họ hàng ngày nên chí thành lễ cầu Bồ tát  Quan Thế Âm.

Tiếp đến tôi dặn dò họ nên cho em mình dùng thức ăn nào và nói rằng khoảng sáu tháng nữa thì cậu ấy sẽ lành bệnh.

Sau đó anh Phúc được đón về nhà dưỡng bệnh và dùng chay theo cách của tôi bày. Chưa đến nửa năm, thì chứng đau đầu không còn tái phát. Khi Phúc vào bệnh viện kiểm tra lại, thì thấy khối u nước đã biến mất, anh Phúc về sau còn có thể kết hôn, sinh được một con gái.

Cả nhà ông Hùng đều đến thăm tôi, anh Phúc cũng đến. Mọi người vừa quỳ vừa bái khiến tôi lúng túng khó xử, quýnh quáng hồi lễ không kịp! Từ đó tôi trở thành bạn thân của họ. Một đêm nọ, ông Hùng đột nhiên tìm tới, kể rằng một người anh cột chèo là ông Dũng đang cấp cứu tại Bệnh viện California Hoa Kỳ, không biết có nguy hiểm gì chăng, ông Hùng nói do lúc gọi sang nước ngoài tín hiệu không rõ, nên rất lo lắng, bất đắc dĩ đành phải hỏi tôi.

Tôi liền quán sát và kể ra tình huống mà tôi thấy: Ông Dũng  bị nghẽn động mạch tim, đang nằm nơi ải quan sống chết, tôi thấy ông Dũng cần phải phẫu thuật, nếu không sẽ mất mạng.

Ông Hùng nghe xong thất kinh, vội yêu cầu tôi cứu anh rể mình.

Tôi nói: Lần này thì tôi không có cách rồi. Do ông Dũng ngày thường hay có sở thích rất ưa ăn thịt heo, tích tụ chất béo quá nhiều, khiến huyết quản chứa đầy cholesterol, bệnh đến mức này rồi, thì tôi không còn cách để cứu.

Ông Hùng xác nhận: Cậu nói đúng, anh Dũng làm cho công ty sản xuất thịt heo. Ngày nào anh cũng đem phần thịt mỡ thừa nơi công ty về ăn, nhưng anh chỉ  mới ăn có hai, ba năm; làm sao lại bị bệnh nặng như vậy?

Tôi nói: Ngày nào cũng ăn thịt béo kho chiên, lại dùng tới ba năm? Chỉ cần ba tháng thôi cũng đủ làm nghẽn tim, tắc mạch máu rồi ông ơi!

– Phùng cư sĩ! Xin hãy làm ơn cứu anh ấy!

– Tôi cứu không được! Ông Dũng bắt buộc phải nhờ bác sĩ phẫu thuật, tôi chỉ có thể cầu Bồ tát Quan Thế Âm gia trì cho ca mổ thành công bình an thôi. Nhưng này, sau khi phẫu thuật thành công rồi, thì ông ấy phải từ bỏ ăn thịt vĩnh viễn và phát thệ ăn chay trường đúng như tôi yêu cầu, thì mới giữ được mạng và sống bình an lâu dài. Nếu ông ta cố cãi lời ăn mặn, thì chứng nghẽn mạch máu sẽ tái phát và dù có tái phẫu thuật nữa thì cũng không cứu được mạng ổng đâu nghe!

Ông Hùng nói: Cầu xin Bồ tát  Quan Thế Âm và Phùng cư sĩ từ bi giúp đỡ cho.

Tôi vì họ lễ bái cầu Bồ Tát Quán Âm và bảo họ hằng ngày cũng phải niệm cầu Bồ tát Quan Thế Âm!

Ông Dũng được đưa đến phòng mổ tại California, suốt quá trình phẫu thuật, dù ở Vancouver tôi luôn theo dõi và nhìn thấy rõ hết nên có gọi điện báo cho ông Hùng hay là ca mổ đã thành công, trong khi đó ông Hùng còn mù tịt chưa hay tin là anh rể mình đã phẫu thuật.

Ông Hùng nói: Tôi vẫn chưa nhận được điện thoại báo tin gì từ bên Mỹ cả.

Vài giờ sau, bên California gọi đến, xác nhận tình hình giống như tôi đã mô tả, ông Hùng rất ngạc nhiên, ông gọi điện nói: Phùng cư sĩ! Cậu thực quá tài! Bên Mỹ vừa gọi điện xác nhận là ca mổ đã thành công!

Tôi nói: Đây không phải do tôi tài, mà là kết quả gia trì của Bồ tát  Quan Thế Âm. Các bạn nhớ từ rày phải tin sâu Phật pháp, trường trai và dứt ác hành thiện cho nhiều nhé!

Sau hai vụ này rồi, Phật giáo đoàn tại Vancouver hầu như ai cũng biết đến tôi. Quan hệ giữa bác Phùng và tôi ngày càng thân thiết, sau đó bác giới thiệu nhiều bệnh nhân đến gặp tôi, trong đây có mấy vị bác sĩ chuyên khoa não. Việc thấu thị của tôi cũng phù hợp với kết quả kiểm tra nơi bệnh viện, vì vậy bác Phùng rất tin vào khả năng thiên nhãn của tôi.

Năm 1984, bác Phùng và bác La gọi điện tới, nhờ tôi giúp đỡ cho bé Sương, đứa con gái bốn tuổi của bạn họ trong hội Phật giáo. Bởi vì các bác sĩ tuyên bố khám không ra bệnh và bảo người cha đem con bé về nhà.

Lúc này tôi đang nhập thất không tiếp khách. Tôi thường bế quan mỗi lần nửa tháng. Nếu tôi không tuyên bố bế quan, thì sẽ không có thời gian để làm việc của mình, do ngày đêm đều có khách đến tìm, mà ai muốn gặp cũng không hề hẹn trước, nên bất cứ lúc nào cũng có người đến cầu, năn nỉ tôi xem bát tự, hỏi tùm lum về hôn nhân, sự nghiệp, tình yêu, gia đình… Họ làm phiền đến tôi mất an ninh. Dù từ lâu tôi đã nói rõ, luôn tuyên bố là mình không hề xem mấy cái vụ này, toi tuyệt không xem bói hay đoán kiết hung, cũng không bàn hôn nhân, nghề nghiệp, tôi nhất quyết không nói về các chuyện liên quan thế tục. Tôi chỉ có xem bệnh cứu người khổ nạn thôi, tôi không phải là chiêm tinh gia hay thuật sĩ giang hồ… Thế nhưng rất nhiều người chẳng thèm đếm xỉa tới lời tôi, vẫn chai lì tìm hỏi toàn mấy điều vớ vẩn này, một số còn đem vàng ra nài mời…

Những hành động này khiến tôi rất bực mình không vui, vì tôi tuyệt không muốn dùng khả năng đặc biệt khó có được này để đổi lấy bạc vàng! Tôi nghĩ rằng, chư Phật, Bồ tát đã cho ban cho tôi khả năng thần thông siêu nhiên, tuy là tiểu đạo, song vẫn có thể thông qua đó giúp hoằng dương Phật pháp, từ bi độ đời. tôi không thể dùng khả năng này để kiếm ăn như các nhà bói toán hay bọn thuật sĩ giang hồ. Nếu tôi dùng khả năng này để mưu cầu tiền tài phú quý, thì rất phản bội với tôn chỉ cao khiết của Phật pháp!

Vậy mà cũng có một phụ nữ mò tới yêu cầu tôi dùng khả năng thiên nhãn để lùng tìm đối tượng ngoại tình của chồng bà, khiến tôi cảm thấy bị sỉ nhục, bị xúc phạm dữ dội. Một bà vợ tại Hồng Kông đã gọi điện tới yêu cầu như vậy và hứa chi trả rất cao. Tôi liền nghiêm khắc từ chối, thậm chí còn quở trách bà ta nặng nề!

Trong thời gian bế quan, tôi chỉ cho phép hai người là bác Phùng và bác La cùng một số ít người được gặp mình và tôi chỉ tiếp họ khi có trường hợp bệnh cấp bách.

Lúc này bác Phùng goi điện tới thông báo, còn bác La thì đích thân mang ảnh bệnh nhân đến cho tôi xem trước, bởi họ biết tôi không chịu tiếp khách.

Trong ảnh là một bé gái rất xinh đẹp, nhìn hình và sắc thái của bé Sương, khoảng chừng hai tuổi rưỡi. Bé rất khả ái, đáng thương. Thật quá tội nghiệp đi! Mắt tôi rơi lệ vì thấy xót xa.

Tôi nói với bác La: Em bé này không còn sống bao lâu nữa đâu! Não bé giờ giống như đậu hũ vì đang bị chấn thương nặng, tội nghiệp quá!

Bác La là người rất từ bi, ông cầu xin tôi: Bồi Đức! Xin hãy cứu con bé! Cha nó từ Đại Lục di cư sang đây không lâu. Hoàn cảnh rất khó khăn, ông ta đến hội Phật giáo nhờ ta năn nỉ con.

Tôi nói: Bác La! Không phải con không chịu cứu bé. Nhưng chuyện này thuộc về nhân quả, con bé này đến là để đòi nợ thôi, thu xong nợ thì đi. Bé Sương sắp đi rồi, con không thể phá nhân quả được đâu.

Bác La rất buồn, một lát sau ông nói: Phật tử chúng ta, luôn dốc sức cứu mạng người. Bồi Đức! Con xem thử có phương cách gì, chẳng hạn như kêu nhà họ tạo thêm công đức có được không?

Tôi nói: Dù bây giờ ông ta có tạo công đức thì cũng không kịp đền bù. Huống chi ông ta làm công đức là trồng nhân thiện mới, thì tương lai mới thu thiện quả, tuyệt không thể làm tiêu nhân xưa nghiệp cũ được.

– Vậy mình phải nói thế nào với gia đình này?

– Con chỉ có thể giúp bé Sương kéo dài tuổi thọ thêm thời gian ngắn thôi, chứ con không có khả năng tài giỏi để cứu mạng bé, con sẽ lựa lời mà khuyên cha bé.

Tôi gọi điện cho ông Hải cha bé và nói:

– Não con gái ông từng bị một trận va chạm gây nên chấn động lớn, khiến dịch não hỗn loạn, hiện thời bé không thể ăn uống, không thể động đậy, không thể nói, có phải thế không?

Ông Hải xác nhận: Cậu phán rất đúng. Nhưng các bác sĩ không cho tôi biết là não bé bị chấn thương, họ có rút dịch não của bé kiểm tra nhưng lại bảo là đoán không ra bệnh. Y viện cũng không chịu thu nhận bé, họ kêu tôi hãy mang nó về nhà, cho đến nay vẫn nói không biết rõ nguyên nhân.

– Này tiên sinh, ông phải chuẩn bị tinh thần, con gái ông trong vòng hai ba tháng nữa sẽ ra đi, tôi không thể dối ông, tôi rất xin lỗi vì tôi thực sự không có khả năng cứu con bé.

Ông Hải bật khóc: Phùng cư sĩ! Xin hãy cứu nó! Xin hãy từ bi cứu mạng con tôi!

– Tôi chỉ có thể giúp ông cố gắng kéo dài mạng sống con bé thêm chút thôi, tôi chỉ kéo thêm được ba tháng hoặc nhiều lắm là sáu tháng.

Ông Hải mếu máo nói: Sống thêm một ngày thì cũng là tốt mà. Tôi cũng biết con tôi không thể sống lâu, vì nó không thể ăn uống gì, bây giờ chỉ có dùng ống dẫn đưa chất lỏng dinh dưỡng vào cơ thể thôi.

Tôi chỉ ông Hải cách dinh dưỡng tốt nhất cho bé, chúng tôi nói chuyện nhiều lần, mỗi lần đều bàn rất lâu. Ông Hải không biết con gái mình đã bị chấn thương đầu vào lúc nào, ở đâu?

Ông cố nhớ rồi nói: Thuở giờ nhà chúng tôi luôn cẩn thận trông chừng con bé, nên khó thể xảy ra tai nạn này!

Nhưng tôi đã nhìn ra và mô tả rõ: Tôi thấy con bé bị thanh của xe đẩy hành lý tông vào đầu. Tôi nhìn không ra thời gian nhưng địa điểm chính là sân bay, ở lối hành khách đi ra cửa.

Ông Hải nói: Ôi chao! Vậy thì có chuyện này. Tháng giêng năm nay chúng tôi có người thân từ Hồng Kông đến, cả nhà ra sân bay để đón, có dẫn con gái theo. Nhưng tính bé Sương rất nghịch ngợm, liến thoắng, nó không chịu đứng yên, nên cứ chạy đông rảo tây. Chỗ hành khách đi ra người  đông nghịt, có một xe hành lý bất ngờ tông vào bé Sương khiến nó ngã lăn ra đất, chúng tôi vội chạy tới bế nó lên, lúc đó không thấy có thương tích gì nghiêm trọng, chỉ thầy đầu bé sưng chút ít thôi,   nên chúng tôi không chú ý. Sau khi về nhà, chưa được mấy ngày, thì bé Sương bắt đầu bỏ ăn, dần dần hết nói năng rồi bệnh ngày càng nặng!

Tôi la lên:

– Chính là cú va chạm này đã gây ra đại hoạ khiến não nó bị nát đó!

– Nhưng tại sao các bác sĩ khám lại không nhìn ra?

– Làm sao họ không nhận chứ hả? – Tôi đáp. Họ là bác sĩ có nhiều thiết bị tinh xảo, mà ông lại nói họ không nhìn ra ư? Rõ ràng là họ biết đứa bé này không còn hy vọng sống, nên chẳng muốn nói cho ông biết sự thật đó thôi, vì sợ ông đau lòng!

Ông Hải lại khóc: Thế bây giờ tôi phải làm sao đây? Tôi không có tiền để tìm bác sĩ giỏi chữa bệnh cho con, tôi chỉ là một công nhân làm ca đêm trong nhà máy.

– Dù có tìm bác sĩ giỏi cũng vô ích thôi! Chi bằng ông hãy dốc sức làm con bé vui. Hãy để bé hoan hỉ vượt qua những ngày này!

Ông Hải như sực nhớ ra, mách với tôi:

– Phùng cư sĩ! Có người vừa gởi tặng cho tôi mớ bạch dược Vân Nam và nói rằng thuốc này có công năng cứu mệnh hoàn hồn, vậy tôi có thể cho bé dùng không?

– Công hiệu bạch dược Vân Nam là giúp cầm máu cứu thương vì trúng đạn, trúng dao, trúng súng. Còn khả năng cứu mệnh hoàn hồn thì tôi chưa từng nghe. Tôi nghĩ ông không nên cho bé dùng, nếu không, sẽ hại bé ra đi sớm hơn đấy.

Nghe tôi khẳng định vậy ai cũng lo lắng gọi điện nhắc ông Hải tuyệt đối không được cho bé Sương dùng bạch dược Vân Nam.

Thật xui, dù ông Hải nghe lời nhưng do một tối nọ ông bận đi làm, người nhà đã lấy bạch dược Vân Nam rưới vào miệng con bé, đến nửa đêm thì bé tắt hơi. Ông Hải nhận được hung tin, cấp tốc chạy về đưa con đi bệnh viện, nhưng vô phương cứu sống.

Từ bệnh viện ông Hải gọi điện đến cho tôi, đau đớn khóc kể:

– Phùng cư sĩ ơi! Con gái tôi chết rồi! Tôi luôn một bề vâng theo hướng dẫn của ông, thấy con bé đã dần hồi phục sức khỏe và còn có thể gọi ba. Ai ngờ tối nay, người nhà tôi đã cho con bé dùng bạch dược Vân Nam, nên chỉ vài giờ sau, thì bé đã chết!

Bạch dược Vân Nam tất nhiên là thuốc hay nổi danh, nhưng có nhiều người quá mê tín đến thành sùng bái nó, nghĩ nó là tiên đan! Nhưng loại thuốc này chủ trị ngoại thương, chỉ dùng thoa bên ngoài, đâu thể biến thành thuốc uống, họ xài ẩu vậy là  rất nguy hiểm!

Thành phần bạch dược Vân Nam, chưa từng được công khai hay có báo cáo đầy đủ. Hơn nữa, trên đời đâu có loại thuốc tiên có thể chữa vạn bệnh? Giống như mấy mươi năm trước có những loại dầu hay cao đơn từng được nói là có thể chữa khỏi bách bệnh, nhưng khi bóc ra xem thì thấy bên trong chỉ là bạc hà, dầu đậu khấu, dầu long não mà thôi…

Người chế ra cao đơn  này cũng đã đã kiếm được một món tiền lớn, xây lên biệt thự lâu đài đình đám, đến giờ chỗ đó đã trở thành thắng cảnh du lịch, con cháu của họ cũng hưởng không hết phúc trạch tổ tiên. Song những dầu thuốc này, thành phần của nó không thể chữa bách bệnh, vậy mà mọi người vẫn mê, tin đến nổi bệnh gì cũng lấy ra dùng, thật đáng thương! Nhưng mà thuốc này thành phần của nó tương đối hiền hơn bạch dược Vân Nam. Vì nếu tôi đoán không sai thì trong bạch dược Vân Nam có một phần thạch tín, thứ này tuyệt đối không thể uống?

Tôi đã cảnh báo gia đình ông Hải, nhưng họ quá sùng bái bạch dược Vân Nam, cuối cùng hại bé Sương chết sớm. Nhưng đây cũng là số mệnh bé, dù tôi có muốn giúp cũng chỉ có thể kéo dài mạng sống bé thêm chút ít thôi.

Việc tôi thấu thị bệnh não, bác Phùng rất lưu tâm. Vì vậy bác đã dẫn con rể là bác sĩ W, vốn bác sĩ chuyên khoa não trứ danh thế giới, đến gặp tôi.

Trưởng nữ của bác Phùng là Vợ bác sĩ W, cũng làm bác sĩ, con gái đầu của họ cũng cũng làm bác sĩ. Con trai họ đang học y khoa, còn cô con gái út chưa xong trung học.

Khi cả nhà bác sĩ W vừa tiến vào cửa, tôi đã đưa cho họ xem bức tranh tôi vừa phác họa về chân dung họ trước đó. Tôithường nương theo những gì mình thấy trước vẽ ra chân dung khách sắp đến thăm. Tôi thường làm điều này, tuyệt không có ý khoe khoang, chỉ là muốn thử xem năng lực thấy trước của mình có thực sự chuẩn xác hay không mà thôi.

Thông thường khi khách vừa tiến vào cửa, thì tôi hay đem bức họa vẽ cảnh mình thấy trước về họ để biếu tặng, tất nhiên khách rất kinh ngạc. Cả nhà Bác sĩ W xem xong bức tốc họa của tôi đều tỏ vẻ thích thú.

Ngay cả bác Phùng cũng rất ngạc nhiên, ông nhận xét không ngờ tôi có thể vẽ như vậy, mọi người đều khen tôi vẽ rất giống!

Tôi mỉm cười nói: Lúc tôi học trung học, thành tích học tập bình thường, Nhưng, về mỹ thuật thì  năm nào tôi luôn cũng đứng đầu toàn trường. dù tôi vẽ tranh sơn dầu, tranh bột, hay vẽ bằng than chì hay sơn nước, loại nào cũng thành công. Tôi có mở phòng triển lãm nhỏ, nhưng mấy năm nay do quá bận, nên không còn vẽ vời chi. Còn đây chỉ là bức tốc họa, nên không thể tính là vẽ nghiêm túc đường hoàng, vì vậy mới nhìn qua sẽ thấy rất buồn cười và chưa đạt lắm.

Bác sĩ W vượt quãng đường dài từ Edinburgh đến Vancouver gặp tôi, vậy mà còn mang một theo chai mật ong Scotland nổi tiếng để biếu tặng, hành vi “vượt ngàn dặm tặng mật ong”, đã thể hiện thịnh tình rất đáng quý. Loại mật này tự nhiên, thơm mát. Điều khiến tôi cảm kích là do họ đi máy bay, phải đổi chuyến nhiều lần lại phải mang theo hành lý nặng, vậy mà họ vẫn khéo léo cất giấu để bảo toàn được chai mật ong. Bởi phong tục Canada không cho phép khách mang thực phẩm đi, do mật không bị kiểm thấy nên không bị tịch thu.

Do tôi hơi căng thẳng nên không dám nói gì, khách và chủ đều có chút bối rối.

Tôi hỏi bác sĩ W một số câu về khoa não rồi im lặng.

Bác Phùng liền bảo: Hai bên đối nhau sao quá khiêm nhường và khách sáo, không nên như vậy nữa! Bồi Đức à, bác sĩ W rất bận rộn, con rể tôi đã vượt đường xa đến đây gặp cháu, ngày mai họ sẽ bay trở lại Hồng Kông. Cháu đừng khiêm tốn khách sáo như vậy nữa, mà hãy thấu thị giúp cho cả nhà họ xem tình trạng sức khỏe thế nào!

Tôi e ngại nói:

– Bác bảo cháu thấu thị cho các bác sĩ cực kỳ nổi danh này ư? Vậy chẳng phải là múa rìu qua mắt thợ sao? Cháu không dám đâu!

– Đừng ngại, cháu cứ nói tùy thích. Hãy thấu thị cho họ đi, nếu không là đã phụ thành ý của Bác sĩ W một dạ chân thành đến đây gặp cháu. Đừng sợ, bác sĩ W rất cởi mở và không hề có ý thử thách hay khảo nghiệm gì cháu đâu, cũng không phải do hiếu kỳ, mà nó thực tâm muốn biết phương pháp của cháu.

– Nếu bác nói thế, thì cháu xin vâng lời. Giả như có gì không đúng, xin mọi ngươi vui lòng lượng thứ cho ạ.

Bác sĩ W mỉm cười: Đừng khách sáo, chúng ta  đều là nhà nghiên cứu cả, nên cậu cứ tự nhiên đi.

– Được rồi, bây giờ tôi sẽ thấu thị ai đây? Bác sĩ W nói. Xem cho mẹ tôi trước…

Con trai ông cũng tán thành: Phải rồi, xem cho Bà nội trước đi.

Bác sĩ W mỉm cười nói: Con trai chúng tôi đối với cậu rất ngưỡng mộ, trên đường nó cứ thúc hối phải mau đi gặp cậu.

Nhưng mẹ ông W nói: Tôi không bị bệnh, không cần xem cho tôi!

Mẹ ông W không muốn xem, nên tôi không ép. Thế là tôi bắt đầu từ vợ ông W, nhưng mới miêu tả mấy câu, thì có một đoàn khách bảy tám người bất ngờ đến, làm gián đoạn cuộc chẩn khám của  tôi. Do tôi bận phải rộn tiếp khách nên gia đình bác sĩ W cảm thấy bất tiện, họ vội đứng dậy cáo từ, tôi làm thế nào cũng không giữ được họ.

Lúc chia tay, tôi mời cả nhà Bác sĩ W đến một nhà hàng, vội vàng làm một cuộc thấu thị ngắn mười phút và mô tả sơ cho họ nghe, họ liên tục gật đầu và mỉm cười.

Tôi áy náy nói: Đợi tôi viết thư sẽ tả kỹ hơn. Hôm nay tôi thật ngại vì bất tiện quá.

Sau khi cả nhà Bác sĩ W đi về rồi, tôi lại bận rộn thấu thị cho khách. Hôm đó tôi rất mệt, đây là một ngày bận rộn điển hình, vì vậy nếu tôi không tuyên bố bế quan, thì mỗi ngày sẽ có rất nhiều khách tìm đến theo kiểu đó và tôi hết còn thì giờ để xem kinh và viết bài. Thực ra, do có quá đông người tìm, mà tôi lại không đủ sức để phục vụ tất cả, bởi sức khỏe tôi hữu hạn, nên tôi rất cần phải bế quan tu dưỡng, để có thời gian đọc kinh và ghi chép về các nghiên cứu khoa học.

Sau đó tôi đã viết một lá thư dài bằng tiếng Anh, tường thuật tỉ mỉ những cảm nhận thấu thị về toàn gia bác sĩ W và nhờ bác Phùng gởi đến họ. Tất nhiên, tôi gặp họ chỉ trong thời gian ngắn hơn nửa giờ, nhưng  tôi đã kịp nhìn thấu nội bộ thân thể mỗi người bọn họ.

Bác Phùng bảo tôi: Bác sĩ  W có ấn tượng rất tốt về con, nó nói cần phải quan tâm bồi dưỡng người có thiên tài xuất chúng như con, những mô tả khi con thấu thị cho cả nhà nó đều chính xác, đúng trăm phần trăm! Nó nói cách chẩn đoán siêu cảm như thế này quả là một phương pháp mới mẻ chưa từng thấy, rất đáng được nghiên cứu học hỏi, con rể bác không tiếc lời tán dương, khen rằng: Con là bậc nhân tài rất hiếm có!

Bác Phùng còn nói: Sắp tới bác sẽ đến Hồng Kông bàn chuyện cùng Sư X để mời Sư hợp sức thiết lập Viện nghiên cứu “Huyền năng tâm linh siêu Cảm”, để nuôi dưỡng và đào tạo khả năng này cho mọi người. Như vậy khoa học sẽ có một bước đột phá lớn qua sự đóng góp từ thiền định của Phật giáo, giúp mang lại khả năng siêu nhiên cho giác quan. Vì đây không phải là mê tín, việc giải phóng tiềm năng trong cơ thể con người, là điều rất đáng học tập và đào tạo.

Một số vị sư lớn không chuộng thần thông, không cho giảng thần thông, vậy là nghiêm khắc quá mức. Bác nghĩ Phật giáo cần nghiên cứu phát triển thần thông để tạo phúc cho nhân loại mới đúng.

Bây giờ khoa học tiên tiến đang nghiên cứu về “Tiềm năng siêu nhiên của giác quan”, đủ chứng minh “Khả năng ngoại cảm siêu nhiên” có tồn tại. Bác cho rằng Phật giáo nên nghiên cứu sự phát triển của thiên nhãn, huyền năng v.v… Do  Sư X có thừa kinh tế tài trợ, có thể góp phần thành lập Viện nghiên cứu nhỏ, nếu bác thuyết phục thành công, bác sẽ đề nghị mời con làm Chủ tịch Viện Nghiên Cứu, Bác sĩ  W và bạn bè thảy tuyên bố sẵn sàng ủng hộ.

– Bá phụ ơi, bác có thiện ý nhưng Sư X chẳng chấp nhận đâu. Bác đừng rủ rê chi cho uổng công!

– Bác cũng nghĩ là không dễ, nhưng bác phải thử một chuyến…

Tôi biết chắc là bác Phùng sẽ cực nhọc phí công. Đúng như tôi dự đoán, bác không được Sư X ủng hộ. Tuy Sư X có ghé hàn xá yêu cầu tôi thấu thị cho và nhiệt liệt tán dương tôi không tiếc lời, thế nhưng nếu bảo Sư chính thức ra mặt lập một “Viện nghiên cứu Tiềm năng tâm linh siêu cảm”, thì Sư rất e ngại giới Phật giáo sẽ không thuận tình.

Điều này tôi đã lường trước được. Thực tình tôi cũng rất bận rộn và cũng không biết làm sao để truyền thiên nhãn thông cho người. Vì vậy khi bác Phùng đề nghị thành lập Viện nghiên cứu, tôi không sốt sắng. Bởi năng lực siêu nhiên này là bẩm sinh, do nhiều đời tu giới định mà có. Căn bản nó không phải là một môn học. Trừ câu khuyên người giữ giới tu định ra, tôi thực sự không có gì để dạy người.

Các bác sĩ đến thăm tôi nườm nượp, trong nước lẫn ngoài nước, người Hoa lẫn người Tây phương. Người thì đến nhờ tôi thấu thị giùm bệnh nhân họ để họ dễ chẩn đoán. Một số nhờ tôi thấu thị cho bản thân họ. Tôi không làm việc chăm chỉ, cũng không dám nói mình đã cống hiến tốt cho họ. Tuy tôi giống như nhân vật, hiện tượng lạ để họ khảo nghiệm; thực tế, kẻ được lợi vẫn là tôi, bởi vì mỗi lần cùng các bác sĩ giao lưu, tôi thu nạp rất nhiều kiến thức y khoa từ họ, giúp ích nhiều cho việc thấu thị của tôi. Bởi vì, nếu bạn có khả năng thấu thị mà thiếu kiến thức y khoa, thì sẽ không xác định đúng nguyên nhân của bệnh được.

Trên thế giới này không phải chỉ mình tôi có thiên nhãn. Ngoài tôi ra, có rất nhiều người sở hữu khả năng thấu thị, huyền năng này còn mạnh hơn tôi, đặc biệt là những đứa trẻ. Thế nhưng, do chúng không hiểu gì về Giải phẫu học, cũng không rành về Y học, nên không thể biết rõ gì là nguyên nhân nguồn gốc của căn bệnh.

Do Tôi thường chịu khó tự học, bỏ công nghiên cứu y khoa, nên đã am tường và quen với Giải phẫu học, Ung thư học; cũng biết sơ về các vi khuẩn gây bệnh, nên khi thấu thị tôi dễ dàng nhận ra ung bướu và các bệnh chứng  của cơ thể, nhờ vậy có thể xác định tinh vi về khối u và các bệnh trạng.

Hơn nữa, do tôi đã giao lưu với quá nhiều bác sĩ, tìm xem nghiên cứu đủ các sách y khoa mới lẫn cũ. Điều này rất cần và quan trọng, bởi dù bạn có thiên nhãn hay khả năng huyền năng siêu cảm, bạn vẫn cần có kiến thức khoa học uyên thâm hỗ trợ. Hơn nữa, quan trọng nhất là cần phải hiểu sâu giáo Phật lý để có định huệ hướng dẫn dắt chuẩn xác. Nếu không có pháp nhãn và huệ nhãn mà chỉ có thiên nhãn thôi thì chẳng có ích gì, cao lắm là bạn chỉ dễ dàng nhìn thấy quỷ thần thôi, mà nếu không có Phật pháp hướng dẫn soi đường thì bạn sẽ rất dễ lạc vào ma.

Các bác sĩ tôi tiếp xúc nhiều vô số, kể không hết. Trong bài viết giới hạn, tôi chỉ nêu lên một ít thôi, tôi rất sợ người rảnh việc, vì hiếu kỳ mò đến hỏi chuyện. Tôi chỉ thích những vị khách đến trao đổi kiến thức giáo dục lợi ích. Các bác sĩ và những nhà khoa học đến thăm, tôi rất hoan nghênh, vì tôi luôn thu được nhiều kiến thức hay mới từ họ, mà… tri thức là nền tảng của trí tuệ!

1/3/1988

Giải thích thêm: Khả năng của Phùng Phùng rất được các bác sĩ và nhà khoa học trên thế giới tìm đến giao lưu. Ông cũng hợp tác cùng các bác sĩ danh tiếng khám bệnh cho người. Thông thường ông không bao giờ lấy tiền hay nhận thù lao, chỉ đơn thuần vì muốn giúp người giải khổ.

Tuy nhiên ông cũng có khám bệnh tại phòng mạch của bệnh viện và thu tiền như các bác sĩ và số tiền này được dùng để xây nên “Bệnh Viện Từ Tế” chuyển chẩn khám miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, do ông và đoàn bác sĩ nhân ái cùng hợp tác thực hiện.

Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 2007 tại Đài Bắc trong sự tiếc thương vô hạn của bạn bè thân hữu, chư độc giả… và những người đã thọ ân ông.

Hạnh Đoan – Dịch xong 06/8/ 2019