NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Châu Bá Tù
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Châu Bá Tù

(thư thứ nhất)

Sáng nay cả hai lá thư đều cùng nhận được đầy đủ. Văn Sao đã chia ra gần hết, nay lại gởi [cho ông] bốn gói. Sau này nếu có ai muốn đọc, hãy thỉnh từ Thương Vụ Ấn Thư Quán. Từ Bi Kính[1] đã gởi đi rồi. Do ông sai Quang viết lời tựa, Quang chẳng ngại gì nói leo. Tuy [lời tựa Quang viết] chẳng liên quan sát sao với đầu đề, miễn sao chẳng ra ngoài việc đề xướng kiêng giết, ăn chay mà thôi. Châu Tử Tú thiên tư khá tốt, tiếc là chưa biết Phật pháp, lầm lạc bảo “luyện đan vận khí chính là Phật pháp”, thật đáng cảm khái sâu đậm! Tuy các hạ đã đem lá thư hủ bại và Văn Sao đưa cho [Tử Tú] xem, sợ ông ta vẫn cho Quang là gã đứng ngoài cửa, Tấn Tô mới là bậc cao nhân đã đăng đường nhập thất[2], càng sanh lòng ngưỡng mộ. Cố nhiên Quang chẳng mang ý niệm hủy báng hay khen ngợi người khác, nhưng vì quý hội[3] đã gởi thư cho Quang trước, nên chẳng thể không trọn hết tấm lòng ngu thành của tôi để đáp tạ lòng thương tưởng ban tặng [sách] của quý hội. Ngoài ra đều mặc cho người khác làm sao thì làm, tôi nào dám vọng động mong cầu ư?

(thư thứ hai)

Nhận được thư đầy đủ. Hương châu[4] đã nhận được, cám ơn lắm. Ngày Hai Mươi Sáu tháng trước tôi đã bảo [người chịu trách nhiệm phát hành kinh sách ở] Thượng Hải gởi đi hai mươi gói Văn Sao, chắc ông đã nhận được rồi. Hãy ước lượng mà tặng những bộ Văn Sao ấy cho người khác và lưu lại [vài bộ] ở phòng đọc kinh sách. Trước đây, Tử Tú gởi thư đến, nói tiên sinh Tấn Tô là bậc đại triệt ngộ, chỉ dùng phép luyện đan làm phương tiện để dẫn dắt kẻ sơ cơ, Quang đã phê phán đại lược, chẳng biết Tử Tú có chấp nhận là đúng hay không? [Chắc ông ta] cũng từng đưa [thư ấy] cho các hạ xem rồi phải không? Hai mươi gói Văn Sao nếu nhận được, xin hãy gởi thư cho biết để tôi khỏi đến nỗi tưởng lầm [đã bị thất lạc].

Chương trình của Cực Lạc Đoàn nên chú trọng trợ niệm vào lúc người ta sắp mất và phải dạy người nhà [của người sắp mất ấy] nương theo pháp môn Tịnh Độ, chớ nên chiếu theo thông lệ của tục nhân vào lúc người ta sắp chết liền tắm rửa, thay quần áo sẵn v.v… [Làm như vậy] còn tệ hơn đã té giếng còn bị quăng đá! Cách thức ấy trong Văn Sao đã nói đầy đủ, ở đây tôi chỉ nêu điều quan trọng nhất. Nếu chết rồi thì những chuyện tống táng, ma chay v.v… đều chẳng phải là chuyện quan hệ khẩn yếu, đừng nên bày vẽ phô trương mong sao cho dễ coi, biến Phật sự thành trò đùa! Hơn nữa, [trong chương trình của Cực Lạc Đoàn quy định]: “Liên hữu góp sẵn mười đồng. Nếu trong vòng một năm mà mất thì [người nhà sẽ] nhận được đúng số tiền ấy. Nếu hơn một năm mới mất thì [người nhà] sẽ được lãnh món tiền giúp đỡ chi phí ma chay là ba mươi đồng”. Khoản tiền ấy lấy đâu ra? Hơn nữa, mỗi nhà giàu – nghèo khác nhau, sao lại nhất loạt giúp đỡ chi phí ma chay? Nhưng chuyện ấy đã được đại chúng bàn bạc thông qua, chắc đã áp dụng rồi. Quang sợ một khi cách này được áp dụng, về sau sẽ khó thể duy trì vĩnh viễn được nên chẳng thể không nhắc nhở trước!

Lại nữa, đang trong lúc này, muốn chuyển biến lòng người mà chẳng chú trọng sự lý nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi thì không thể được! Lại còn phải khuyên các liên hữu ai nấy khéo dạy dỗ con cái, đấy chính là “gốc chánh, nguồn trong”, là nhiệm vụ cấp bách để cầu nhân dân yên vui, thế đạo thái bình. Phật pháp tuy là pháp xuất thế gian, nhưng thực sự thực hiện nơi pháp thế gian. Phàm ai là liên hữu hãy đều nên khuyên họ tận lực giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành. Nếu được như thế sẽ đáng gọi là đệ tử thật sự của đức Phật.

Hiện nay phong trào cầu cơ rất thịnh hành, phàm là đệ tử Phật chớ nên ngả theo thói ấy, bởi tất cả [những kẻ tự xưng là] tiên hay chân nhân [giáng cơ] phần nhiều đều là linh quỷ giả mạo. Nếu chuyện gì cũng tin, ắt sẽ có khi hỏng việc. Huống chi “Phật pháp” do bọn chúng giảng đa số đều là chẳng biết gì mà cứ nói bừa! [Cứ tin mê muội vào cơ bút thì] muốn chẳng hoại loạn Phật pháp, chẳng khiến cho chúng sanh bị lầm lạc, nghi ngờ, há có được chăng?

Ông đã chẳng nghĩ Quang là hạng vô tri, cứ muốn tôn làm thầy, bèn thuận theo ý hiện thời của ông. Nếu sau này muốn bái vị cao minh nào khác làm thầy, cứ thủ tiêu danh nghĩa giả tạm này chẳng sao cả! Nay đặt pháp danh cho ông là Trí Tù; do ai nấy đều có chánh trí, nhưng bị vật dục lôi kéo, chánh trí ấy liền biến thành nhân dục (lòng ham muốn của con người), như nước do gió đùa bèn mất tánh trong lặng, biến thành sóng trào. Trí ấy chẳng thể gọi là Tù (遒), vì Tù nghĩa là mạnh mẽ, cứng cỏi. Mạnh mẽ, cứng cỏi chính là tên gọi khác của chữ Cương (剛: cứng rắn). Khổng Tử than thở vì chưa thấy được người nào cương nghị, có kẻ thưa Thân Tranh [là người được như vậy]. Khổng Tử bảo: “Tranh dã dục, yên đắc cương” (Tranh cũng là người tham dục, làm sao là người cương nghị cho được)[5]. Nếu niệm niệm đều nghĩ ngợi, suy lường thuận theo thiên lý và Phật tâm thì là chánh trí, phù hợp với ý nghĩa của cái tên Trí Tù. Hễ có thiên lệch, riêng tư sẽ thành “cương nghị theo kiểu Thân Tranh”, chẳng thể gọi là Trí, mà trở thành “nhu ác” (mềm mỏng, hòa hoãn với điều ác[6])! Ông hãy gắng lên.

Vợ ông pháp danh là Trí Giác. Giác (覺) là trong hết thảy thời, hết thảy chỗ đều rành rẽ phân minh, chẳng bị chuyển theo tình, chẳng bị ái ràng buộc, nghiêm túc trọn hết bổn phận giúp chồng dạy con, chẳng nuông chiều mù quáng, khiến con cái đều thành hạng không ra gì. Dùng điều này để tự giác, lại còn dùng điều này để giác người nhà và các thân hữu. Đấy gọi là đệ tử thật sự của đức Phật, là thiện nữ nhân, sống làm gương mẫu cho hàng khuê các, khi mất dự vào Liên Trì, ngõ hầu chẳng phụ bạc Phật tánh chính mình sẵn có và lòng thành phát tâm quy y Tam Bảo ngày nay. Những điều khác như pháp niệm Phật v.v… trong Văn Sao đã nói đầy đủ, không viết cặn kẽ ở đây.

Ông Trương Chuyết Tiên ở Vân Nam gởi thư đến nói cháu ngoại ông ta sống được một năm lẻ tám tháng, trong tháng Tư đã niệm Phật qua đời. Lúc bình thường, hễ nó đến Phật đường lạy Phật xong liền đi nhiễu niệm Phật, chẳng đoái hoài đến chuyện gì khác. Thêm nữa, khi đứa con gái thứ của ông ta đi lấy chồng, nhà chàng rể biếu một cặp ngỗng để làm lễ Điện Nhạn[7], ông ta bèn đem chúng phóng sanh tại chùa Vân Thê trong núi Hoa Đình, đã được ba năm rồi. Cặp ngỗng của ông ta mỗi sáng tối khi [đại chúng] lên chánh điện tụng kinh, chúng đều đứng ngoài chánh điện, vươn cổ ngắm Phật. Tháng Tư năm nay, con trống chết trước, người ta cũng không để ý. Sau đấy, con ngỗng mái bỏ ăn mấy ngày. Nó đến nhìn Phật, thầy Duy Na khai thị, dạy nó cầu vãng sanh đừng luyến tiếc cõi đời. Thầy ấy bèn niệm Phật mấy chục tiếng, ngỗng bèn đi nhiễu ba vòng, vỗ hai cánh một cái rồi chết ngay. Do vậy, ông Chuyết Tiên bèn viết bài ký về sự vãng sanh của cặp ngỗng trắng. Ôi, lạ lùng thay! Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều kham làm Phật. Ngỗng còn như thế, há lẽ người chẳng bằng chim ư?

(thư thứ ba)

Ngày Hai Mươi Sáu tháng Tám, Quang xuống núi đến đất Thân (Thượng Hải), đã nhận được thư ông từ núi chuyển tới, nhưng do bận rộn với chuyện của người khác nên chẳng trả lời được. Nay lại nhận được thư ông, kèm theo bưu phiếu mười đồng, tôi sẽ dùng [món tiền này] để làm chi phí in cuốn Quán Âm Tụng. Quang xuống núi lần này chính là vì lo liệu ấn hành cuốn tụng văn ấy. Nay tôi sẽ gởi cho ông mấy tờ nói rõ biện pháp, một là để ông biết cặn kẽ nguyên do, lại còn mong ông sẽ thừa cơ khuyên người khác đứng ra in. Sách này đối với thế đạo, nhân tâm lẫn Phật pháp đều có mối quan hệ [mật thiết]. Hiện thời đã có người chịu đứng ra in năm vạn bộ, Quang muốn in mấy chục vạn cuốn để lưu hành khắp trong ngoài nước, sợ chẳng thể cảm ứng được như vậy! Sáu vạn bộ thì có thể in được.

Con người sống trong thế gian trước hết phải có tâm lợi người. Người dì góa, người em dâu góa, đứa cháu mồ côi v.v… của ông đáng thương, đáng xót, họ chính là chỗ ông để vun bồi ruộng phước, chớ nên giữ ý niệm phiền oán thì chính là hành Bồ Tát đạo! Nếu tâm có phiền oán thì chẳng những không hợp với Bồ Tát đạo, mà còn chẳng hợp với thiên chức, tánh phận của chính mình. Đối với chuyện chị em dâu bất hòa, hãy nên đối xử bằng [thái độ] hết sức công bằng, hết sức độ lượng, hãy thương họ thấy biết hẹp hòi mà chỉ dạy, để họ đều cùng được thấm nhuần pháp trạch; đấy chính là thực hành Phật pháp. Nếu coi đó là oán nghiệp, sẽ phải tiếc đau, oán hận. Đối với chuyện không thể ngăn dứt được, hễ có lòng đau tiếc, oán hận thì công đức sẽ thuận theo tâm lượng mà nhỏ bé đi. Trước đây, Tử Tú cũng có gởi thư đến, tôi phúc đáp sau đó không lâu. Ông ta biết chính mình chẳng thể rốt ráo nương cậy, quy hướng Tịnh nghiệp để tu trì được!

Thương Vụ Ấn Thư Quán in Văn Sao bằng loại giấy có độ bóng, bán ở ngoài phố, chẳng in phần Thư Căn[8]. Đợi đến khi sắp chữ xong cuốn Quán Âm Tụng, tôi sẽ bảo Trung Hoa Thư Cục sắp chữ thành bản khác, dùng loại giấy nội địa để lưu hành. Trí Khánh đã quy y Phật pháp, bọn anh ta nhờ ông nuôi nấng, ông hãy trọn chớ nên tỏ ra vẻ [mình đã làm] chuyện nhân đức trước mặt bọn anh ta. Hễ làm ra vẻ nhân đức thì người ta tuy chịu ân, nhưng cái tâm cảm ân mỏng nhẹ lắm! “Có mà giống như không, thực mà giống như giả, vô cớ bị xúc phạm mà chẳng báo thù”[9], đấy chính là bí quyết mầu nhiệm để cư xử trong gia đình đấy! Ta đãi người bằng thái độ khiêm tốn, ắt họ sẽ đối xử hòa hoãn với ta. Phần lớn những gia đình bất hòa đều là do so đo những chuyện nhỏ nhặt không quan trọng mà ra. Buông được cái tâm ta – người xuống thì bất hòa sẽ tự hòa vậy!

(thư thứ tư)

Thư ngày Hai Mươi Chín tháng trước chắc ông đã nhận được rồi. Nói đến nạn hút sách nghiện ngập thì không chỉ có nha phiến, thuốc lá cũng gây hại thật dữ dội! Trong lúc đại chúng tụ tập, hãy nên đề xướng, khuyên họ đừng hút hay dùng những thứ ấy. Người hút lâu ngày ắt sẽ đoản thọ. Phụ nữ hút thuốc nhiều sẽ không thể sanh nở được. Điều này do một đệ tử của tôi (Triệu Nguyệt Tu vốn là một quan võ đã sớm đổi nghề, trở thành thương nhân) đích thân nghe thấy cô giáo ngoại quốc bảo với các nữ học sinh [như vậy]. Hiện thời, Văn Sao đã sắp chữ bản khác, thêm vào mấy chục bài nữa, khoảng Xuân – Hè năm sau sẽ in ra sách. Bản này sẽ để cho Thư Cục vĩnh viễn lưu thông. Bản đầu tiên sẽ in một vạn cuốn, ngoại trừ ba bốn ngàn bộ Quang cần thiết, số còn lại đều để cho họ định giá bán ra.

Trong lá thư hồi tháng Chín, ông đã nói đến chuyện con gà, hơi giống như chuyện Dương Bảo cứu chim sẻ thời Hán[10]. Chúng ta chỉ nên giữ tấm lòng phóng sanh, đừng vương vấn ý niệm mong được hưởng quả báo Tam Công[11]. Dẫu có quả báo Tam Công, cũng nên đem hết công đức ấy hồi hướng chín phẩm [vãng sanh] thì mới là chân chánh lợi mình lợi vật vậy!

Tăng Bính bị mắc bệnh là do túc nghiệp, khi lâm chung chịu niệm Phật là do túc thiện (điều thiện đã làm trong đời trước). Đã có thể tự niệm, lại được mọi người trợ niệm, chết rồi sắc mặt rạng rỡ. Có được ba điều ấy chắc được vãng sanh Tây Phương, sao lại nói là sẽ đọa vào chỗ nào? Đời người gặp phải các cảnh thiện – ác, mỗi mỗi đều có túc nhân. Đời trước có oán thù, thấy nhau liền ôm lòng giận. Đời trước có ân, thấy nhau liền sanh lòng yêu mến. Phụ nữ vô tri quen tánh buông lung đến nỗi chẳng thể chuyển oán thành thân để tiêu trừ túc nghiệp. Người hiểu rõ lý đã biết “[kẻ] vừa trông thấy liền nổi nóng [là do đời trước có oán thù]” sẽ đối trị sự sân hận này, càng ra sức đối đãi bằng lòng từ ái thì túc nghiệp sẽ được tiêu trừ bởi hiện nghiệp (nghiệp trong hiện tại) (Thiện tâm cũng gọi là nghiệp).

Nếu có thể chí thành khẩn thiết trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì không chỉ được lành bệnh mà thôi! Nếu có thể chí thành đến cùng cực thì còn có thể liễu sanh thoát tử, cho đến thành Phật. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Cầu vợ được vợ (cầu vợ là mong có được vợ hiền thục, trí huệ), cầu con được con, cầu trường thọ được trường thọ, cầu tam-muội được tam-muội, như thế cho đến cầu Đại Niết Bàn đắc Đại Niết Bàn”. Đại Niết Bàn chính là cực quả rốt ráo được chứng bởi đức Phật. Nhưng người đời do lòng tin lẫn sự chí thành trì tụng đều chưa thể đạt tới mức cùng cực nên tùy theo lòng Thành của kẻ ấy mà được các thứ lợi ích nhỏ nhoi, đừng nói là [lợi ích] chỉ có thế mà thôi! Hãy nên với trong là người thân trong nhà, ngoài là hết thảy mọi người, đều đem những chuyện chính mình chứng nghiệm và những chuyện cảm ứng được thuật trong bộ Quán Âm Tụng để khuyên bảo, ngõ hầu ai nấy đều được Bồ Tát từ bi che chở, gia bị trong lúc tình thế hoạn nạn này. Đấy chính là cách dự phòng mầu nhiệm nhất!

 (thư thứ năm)

Hai lượt thư gởi đến tôi đều nhận được đầy đủ. Lệnh tổ đáng gọi là người đọc sách thật sự, chẳng phụ sở học. Người đời nay đọc sách thánh hiền nhưng làm chuyện cầm thú nhiều khôn xiết! Đấy đáng gọi là thái độ của kép hát, đáng xót, đáng than! Tờ truyền đơn [khuyên mến] tiếc [kính trọng sách vở hay giấy viết] chữ nên đưa tặng những người có nhiệt tâm thông hiểu văn lý để họ sẽ thúc đẩy, khuyên chỉ [người khác]. Văn Sao, [Thọ Khang] Bảo Giám nay đã gởi đến rồi. Đêm Hai Mươi Bốn tháng Chạp năm ngoái, công ty ấn loát bị chập điện, đồ đạc, phòng ốc thuộc căn nhà chánh ở phía trước đều cháy sạch trơn, sổ sách đều chưa thể đem ra được, may là không có ai bị thương. Quang bị tổn thất đến hơn hai ngàn đồng do họ ôm lòng gian dối, chỉ in năm ngàn cuốn (ấn định một vạn) Văn Sao, hai ngàn cuốn Bảo Giám (ấn định ba ngàn), nhưng họ nói đã in hết cho Quang rồi, đã giao được một nửa. Giá thành lớn quá, phải trả thêm tiền, đợi cho tiền vào tay họ rồi mới gởi hóa đơn tới, họ chỉ giao ra ba ngàn mấy cuốn Văn Sao, một vạn ba ngàn mấy cuốn Bảo Giám[12]. Tiền đã xài hơn một ngàn mấy, họ nói mùa Xuân năm sau sẽ in. Nào ngờ thiên địa quỷ thần chẳng dung, hôm trước họ gởi hóa đơn tới, hôm sau liền bị hỏa tai.

Chuyện này phó mặc cho lương tâm của họ. Sách của Quang có cuốn để ở chỗ đóng bìa, có cuốn được cất trong căn nhà nhỏ ở phía sau, đều không bị cháy, nhưng bọn họ ôm lòng gian trá, há không thể nào chẳng mượn cớ bị tai nạn để lươn lẹo, chỉ đành mặc cho họ làm sao thì làm! Trong tháng nhuận, tôi sẽ qua Thượng Hải tiếp tục in. Phàm những ai đã bỏ tiền in sẽ chiếu theo số tiền mà giao đủ, chẳng thiếu một đồng nào. Chuyện kết duyên chỉ đành giảm bớt khả năng mà thôi! Xin hãy khuyên mẹ và vợ ông phải sốt sắng niệm Phật cầu sanh Tây Phương ngõ hầu “thoát được thế giới khổ sở này, trở thành con người tự tại”.

 (thư thứ sáu)

Thư ngày Hai Mươi Mốt đã nhận được rồi. Trong tờ truyền đơn [khuyên mến] tiếc [kính trọng sách vở, giấy viết] chữ, [đối với câu văn] trước câu“Hiếu – đễ – trung – tín – lễ – nghĩa – liêm – sỉ, nếu chẳng ra sức tận tụy thực hiện tức là đã quên mất tám chữ”; há nên đem sửa chữ “Tự”[13] (字: chữ) thành “tiểu tử” thì lời lẽ ấy đã trở thành giọng điệu đầu đường xó chợ chửi người khác rồi, mà tám chữ tiếp theo (tức tám chữ “hiếu – đễ – trung – tín – lễ – nghĩa – liêm – sỉ”) cũng đã chẳng phù hợp, nối tiếp [ý câu trên] được nữa! Phàm văn tự trong Phật pháp có liên quan đến thế đạo và đại thể, quyết chớ nên tùy ý [sửa đổi] mà cũng chớ nên hoàn toàn đăng y chang theo bản thảo gởi đến. Ngay như [bài tường thuật buổi] khai thị [của Ấn Quang] ở Nam Viên, toàn là những [lời lẽ] không hiểu sự việc của am chủ Vô Úy, thật giống như báng Tăng vậy; thế mà quý báo, Tịnh Nghiệp Nguyệt San và tờ Lâm San của Thiên Tân Cư Sĩ Lâm đều cứ đăng y nguyên như vậy, đáng than quá sức!

Tác giả bài viết ấy nói Quang lễ Phật xong bèn hướng về hai phía Đông -Tây hòa-nam. “Hòa-nam” (Vandanam) chính là dập đầu [đảnh lễ]. Há có vị pháp sư nào sắp nói khai thị mà trước hết lại hướng về kẻ nam người nữ ở phía Đông, phía Tây rập đầu lễ bái ư? Do Quang lễ Phật xong bèn hướng về phía Đông, phía Tây chắp tay [tỏ vẻ chào hỏi], người ấy liền nói là Quang hòa-nam! Thêm nữa, lúc lên tòa ngồi rồi, do [người nghe] ở phía dưới đang lễ bái, còn chưa ngồi xếp bằng, Quang liền khom mình chắp tay tỏ vẻ cung kính, tác giả bài viết ấy bèn nói là Quang đứng cạnh tòa rạp mình lạy trả! Nói như vậy tuy không quá đáng, nhưng cũng rất mất thể thống. Lại còn nói Quang đeo kính lão, chuyện này không ghi cũng đâu có ảnh hưởng gì? Nếu không có chuyện gì [cần thiết], Quang một mực chẳng đeo kính lão. Lần này do giảng đoạn thứ nhất và đoạn thứ ba trong Mộng Đông Ngữ Lục cho đại chúng nên không thể chẳng đeo kính lão vì mắt quáng chẳng đọc được chữ.

Vị am chủ Vô Úy này (e rằng người này là Tạ Ngâm Tuyết, vốn là nữ nhân mới xuất gia, ngày hôm ấy bà ta cũng đến dự pháp hội) quá chuộng thể diện, chỉ sợ người khác chẳng biết bà ta viết bài văn ấy, chứ chẳng biết bài văn ấy có khuyết điểm sai lầm! Giống như bài Ấn Quang Pháp Sư Truyện do Mã Khế Tây soạn, đúng là bịa chuyện mù quáng, đem phàm lạm thánh. Báo Hải Triều Âm vừa đăng tải, ông Phan Đối Phù bèn cho in một ngàn bản chữ son. Tờ báo của Phật Quang Xã ở An Huy cũng tính đăng tải, do họ đem bản cảo gởi tới cho Quang, mới chấm dứt được chuyện ấy, nhưng tờ Phật Giáo Tuần San của Thiểm Tây cũng đã đăng rồi! Những loại văn chương vừa chẳng ăn nhập gì, lại vừa phá hoại đại thể ấy, đăng tải có ích gì đâu? Hãy nên xem hai lá thư gởi cho Phan Đối Phù và Mã Khế Tây trong Văn Sao quyển một sẽ tự biết. Không phải là Quang quá phiền phức, chỉ là mong sao chẳng bị người khác chê cười mà thôi!

(thư thứ bảy)

Nhận được thư và hương châu, cảm ơn. Loại châu này để lâu sẽ nứt vỡ. Năm Quang Tự 30 (1904), Quang đã từng mua rồi, chưa được hơn một tháng đã nứt. Thương nhân chỉ cầu lợi, há nên để bị họ lừa gạt! Năm ngoái ông đã gởi [hương châu cho tôi] rồi và những chuỗi ông nhờ gởi cho người khác tôi cũng đã chuyển giao rồi, lại còn nói chuỗi để lâu sẽ bị nứt vỡ để người ta khỏi bực mình. Người cháu dâu là Thuần Cô đáng gọi bậc trượng phu trong nữ giới. Nếu có thể tận hết lòng hiếu, uyển chuyển khuyên ông nội, bố mẹ chồng khiến cho họ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sẽ đáng gọi là đệ tử thật sự của đức Phật. Nay tôi đặt pháp danh cho cô ta là Huệ Thuần. Nếu có thể làm được như tôi đã nói (đã viết tường tận trong Văn Sao) thì sẽ là khách quý cõi Cực Lạc, là đạo sư trong cõi Sa Bà, nhưng do tôi đang ở chỗ tạm ngụ, bận bịu, chẳng thể nói tường tận được. Hãy bảo cô ta đọc kỹ Văn Sao thì sẽ chẳng khác gì tôi đã nói chi tiết với cô ta. Hãy noi theo pháp tắc của hai bà phi thuở Đường Ngu, ba bà Thái đời Châu và bà mạng phụ Thái Cô (chữ 大家 phải đọc là Thái Cô 太姑), xin hãy đưa thư này cho cô ta đọc.

(thư thứ tám)

Đã nhận được hai lá thư, nhưng do bận việc bên ngoài chẳng được rảnh rỗi, nên chưa trả lời. Sách Từ Bi Kính đã gởi đến Phổ Đà, chưa từng chuyển đi, đừng lo. Nay lại nhận được thư của hãng Càn Mậu ở Ninh Ba cho biết ông đã gởi món tiền mười sáu đồng. Từ nay về sau, hễ gởi tiền nên gởi thẳng cho hòa thượng Chân Đạt ở chùa Thái Bình, bến Trần Gia, Thượng Hải, thì không phải qua thủ tục chuyển đi nữa, sao không làm theo cách đã nói trước đây? Nay tôi gởi cho ông mười gói Văn Sao. Sách Thọ Khang Bảo Giám ở Thượng Hải không có nhiều, đợi khi nào sách ở Hàng Châu in xong sẽ lại gởi. Lệnh chánh, lệnh lang[14] đã có thiện căn từ đời trước, hãy nên làm cho họ phát tâm dài lâu, ngõ hầu đích thân được hưởng lợi ích thật sự. Thế đạo hiện thời nguy hiểm đến cùng cực, nếu chẳng niệm Phật và niệm Quán Âm sẽ không nương tựa vào đâu được!

(thư thứ chín)

Do sách Quán Âm Tụng ấn loát chậm trễ, tôi đã sang đất Thân (Thượng Hải) vào mồng Một tháng Tám để đốc thúc ấn hành. Quang chẳng mong muốn hết thảy điều gì, chỉ mong các vị nhất tâm niệm Phật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện mà thôi! Hôm Hai Mươi Ba trở về núi, do nhọc nhằn bên ngoài, mắt hơi bị bốc hỏa, nhưng vì mọi việc dồn lại, mỗi ngày vẫn gắng gượng trả lời dăm ba bức thư. Muốn cho mắt mau lành bèn bôi thuốc ba bốn lượt, gần như suốt hai mươi ngày chẳng thể xem văn tự được! Bản sắp chữ thử của bộ Văn Sao dồn lại hơn một trăm trang [phải giảo duyệt], đủ mọi thứ bận bịu, hằng ngày không được rảnh rỗi, tuy đã nhận được thư ông nhưng không trả lời. Mẹ và chị dâu ông (đối với mẹ ông lại càng nên uyển chuyển khuyên cụ sanh lòng tin, phát nguyện thì cách thể hiện lòng hiếu trong thế gian chẳng thể nào sánh bằng được) đã đều phát lòng tin; hãy nên thường dựa theo những gì Văn Sao đã nói để kể với họ. Lần này tôi không rảnh rỗi để khai thị. Văn Sao chính là một bộ khai thị lớn đấy!

Quán Âm Tụng in sáu vạn bộ trong năm nay, phàm [sách của] những người bỏ tiền ra in và [sách] cần cho chính mình, đều giao sạch hết rồi. Lại có một người bảo Quang muốn kết duyên một vạn sáu bảy ngàn bộ, năm sau sẽ in ra để kết duyên từ từ. Văn Sao năm sau mới có thể in được. Lại còn in sách Bất Khả Lục cùng một lúc. Quán Âm Tụng đã cho khắc ván, ước chừng mùa Thu năm sau sẽ xong. Phí tổn khoảng năm trăm đồng do chỉ riêng một cư sĩ phát tâm để đáp ứng [nhu cầu của những ai] thỉnh sách lặt vặt về đọc sau này.

Thế đạo hiện thời đúng là thế đạo hoạn nạn, mọi người đều ở trong cảnh hoạn nạn, may mắn được nghe Phật pháp hãy nên sốt sắng niệm Phật, ngõ hầu cậy vào Phật từ lực để hễ sống nếu gặp nguy sẽ thành an, nếu chết sẽ vượt thẳng khỏi biển khổ, về ngay Liên Trì. Sự tích [được ông kể] trong lá thư trước, tôi cũng không rảnh rỗi để bàn cặn kẽ. Nay viết thẳng pháp danh đã đặt vào đơn xin quy y, đem gởi lại. Hãy dạy họ ai nấy đều nỗ lực giác ngộ, phản tỉnh. Bảo Cô càng phải nên nỗ lực, vì chúng sanh đang mê thì phải thường giác chiếu, ngõ hầu chẳng đến nỗi bị trần tình (những tình niệm trong cõi trần) phá hoại tiết tháo trong sạch. Ngày nào còn chưa chết, ngày ấy chớ nên buông lung, thì mới có thể nhận lãnh trọn vẹn, trở về trọn vẹn. Vì thế, khi lâm chung Tăng Tử bảo các đệ tử: “Kinh Thi viết: Dè dặt kinh sợ như vào vực sâu, đi trên băng mỏng, từ nay trở đi, ta biết thoát khỏi”. Hết thảy mọi người đều nên như thế, mà quả phụ, trinh nữ càng phải nên gắng sức ngõ hầu trở thành bậc thầy gương mẫu cho nữ giới, giữ vững khuê khổn (chốn khuê các) vậy!

(thư thứ mười)

Sách Tân Sanh Cơ Hiệt Yếu (Trích yếu cơ hội sống mới) cũng có thể dùng để dứt trừ giết chóc dần dần, nhưng há nên sao lục những lời phê bình nếp sống cũ vào đấy? Tác giả chỉ thấy cái xấu của lối sống cũ, [chẳng thấy] nam nữ theo lối mới tự do luyến ái, đả đảo luân thường, đả đảo liêm sỉ, con giết cha vẫn được khen thưởng! Trường học Mỹ Thuật bảo mấy đứa con gái trần truồng, mấy chục thằng học trò xúm quanh, tùy theo nhìn từ góc độ nào mà vẽ vời, coi như một môn học. Những phụ nữ vô liêm sỉ ấy còn được coi như giáo viên, mỗi tháng được trả lương bao nhiêu đó. Mới mẻ kiểu đó há có ích gì cho thế đạo nhân tâm? Muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm há nên đăng tải những thứ ngôn luận ấy, cũng chẳng đoái hoài đến tông chỉ của mình. Sau này, phàm những lời lẽ ma mị, mù quáng, nhiễu loạn chớ nên đăng tải, để khỏi bị người sáng mắt chê cười.

[Tác giả bài viết] Tịnh Nghiệp Xã Ký chẳng hiểu sự vụ, nói bừa đạo lý, [người ta] chắp tay mà bảo là “hòa-nam”, ngồi xuống chưa xếp bằng liền bảo đứng trước tòa. Quang chán nhất là văn tự ghi chép của người khác, bởi kẻ ghi chép quá nửa chẳng đúng pháp. Thư hôm trước chưa gởi tới, cũng chẳng cần phải gởi nữa. Quang bận rộn quá sức, không rảnh rỗi để xem. Ông yêu cầu gởi năm gói Văn Sao và ba gói Thọ Khang Bảo Giám, đóng sách cẩn thận xong liền gởi đi ngay.

(thư thứ mười một)

Mồng Năm tháng nhuận Quang xuống núi, mồng Bảy tới đất Thân. Khoản tiền mua cá ở Tây Hồ như đã nói thì lúc này không cần chi ra nữa. Lúc này, khoản tiền cần gấp nhất là tiền [mua thức ăn để] nuôi chó, do chánh quyền thành phố Hàng Châu sai người đi bắt chó hoang trên đường phố rồi giết bằng cách quăng xuống sông Tiền Đường. Đã dìm chết một trăm mấy chục con rồi! Hội Phật Giáo xin họ giao cho hội Phật Giáo, nay đã gần đến hai ngàn con. Mỗi ngày tiền thức ăn cho một con chó ăn là một xu năm chinh[15], hai ngàn con thì mỗi ngày cần đến ba chục đồng; lại còn phải cử người trông nom, [những con chết rồi] còn phải tốn tiền hỏa thiêu v.v… Quang cũng quyên tặng một trăm đồng, lại kêu gọi bạn bè quyên tặng được bốn năm trăm đồng. Quý hội muốn giúp đỡ khoản này, hãy nên gởi về Công Đức Lâm ở cầu Long Tường, Chợ Mới, Hàng Châu, giao cho cư sĩ Chung Khang Hầu. Ông ta nhận được tiền sẽ gởi biên lai thông báo.

Hiện thời gió mây biến huyễn, sáng – tối khác nhau, không có chuyện gì cần thiết đừng đến. Nếu có chuyện gì cần đến, xin hãy sang chùa Thái Bình ở bến Trần Gia, Thượng Hải hỏi thăm; nếu Quang chưa về núi sẽ có thể gặp mặt ở đất Thân. Năm ngoái, công ty ấn loát Chiết Giang bị cháy, nay đã giao cho Đại Trung Thư Cục ở Thượng Hải in năm ngàn bộ Văn Sao (mỗi bộ bảy cắc), sáu ngàn bộ An Sĩ Toàn Thư (mỗi bộ năm cắc chín xu), [xưởng in] Hàng Châu bồi thường chi phí một ngàn sáu trăm đồng, [tôi đem khoản tiền ấy] in hai vạn cuốn Thọ Khang Bảo Giám. [Xưởng in thuộc] nhà giam Tào Hà Kính in Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải hai vạn cuốn (mỗi cuốn một cắc năm xu), hai vạn cuốn Gia Ngôn Lục (mỗi cuốn một cắc bảy xu năm chinh), in một vạn cuốn Cảm Ứng Thiên Trực Giảng (mới cho sắp chữ, ước chừng năm chục trang). Nếu các sách này xong xuôi, năm sau Quang sẽ ẩn lánh ở nơi không có đường bưu điện để chuyên tu Tịnh nghiệp, ngõ hầu khỏi đến nỗi lúc lâm chung chân tay cuống quýt, gây nhục cho pháp môn!

(thư thứ mười hai)

Món tiền quyên tặng bốn trăm đồng gởi đến chùa Thái Bình hôm trước, ngày hôm sau tôi giao cho cư sĩ Ngụy Mai Tôn làm chi phí cứu trợ đất Lỗ (Sơn Đông). Ngày hôm sau nữa, ông Mai Tôn liền đưa biên nhận đến. Do ông nói là đến cuối tháng mới trở về; lúc về còn muốn ghé qua nên tôi giữ [biên nhận ở đây] để chờ ông. Đến nay ông chưa tới nên tôi nghĩ ông đã về rồi. Vì thế, đem [biên nhận] gởi đi để trong hội khỏi có chuyện hiềm nghi. Ước chừng đến Rằm Quang sẽ về núi, tháng Bảy lại sang đất Hỗ (Thượng Hải) để lo chuyện thỉnh sách, in sách. Di Đà Kinh Bạch Thoại, Gia Ngôn Lục lần này chẳng còn được mấy, đợi đến đợt in lần sau sẽ gởi cho ông. Lần này nếu Văn Sao còn dư sẽ gởi cho ông mấy gói. Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú, Gia Ngôn Lục gởi nhiều lắm là một gói.

(thư thứ mười ba)

Nhận được thư vào ngày Rằm tháng Năm, biết ông do qua lại mệt nhọc, hư hỏa bốc lên, chắc là bệnh mắt đã lành từ lâu rồi. Nếu vẫn còn chưa lành, hãy nên chí tâm niệm thánh hiệu Quán Âm, ắt sẽ có công hiệu ngay. Biên nhận khoản tiền quyên tặng bốn trăm đồng tôi đã gởi qua bưu điện hôm mồng Bảy tháng Năm, chắc đã nhận được rồi. Thoạt đầu vì ông nói sẽ trở lại nên tôi đợi. Đến hôm mồng Bảy, biết đã [đến lúc Quang] phải về rồi, nên [đem biên nhận] gởi qua bưu điện. Những người nắm quyền hiện thời giống hệt như đổ từ một khuôn, đối với việc uốn nắn nhân tâm, uốn nắn phong tục v.v… đều bỏ mặc không hỏi tới, phàm những biện pháp chuẩn bị sẵn để đuổi Tăng, đoạt tài sản đều coi như nhiệm vụ quan trọng, không chi lớn bằng, phải thiết thực tiến hành. Đang trong lúc chớ nên thõng tay thờ ơ đứng nhìn này, pháp sư Viên Anh vẫn còn đang ở Tuyền Châu chắc đang tính toán cứu vãn, có lẽ chẳng đến nỗi khốc liệt quá đáng!

 (thư thứ mười bốn)

Thư tôi viết hôm mồng Năm tháng Sáu chắc ông đã nhận được rồi. Nay nhận được thư ông đề ngày Hai Mươi Mốt tháng Năm, cho biết bệnh mắt vẫn chưa lành, nhưng khí trời nóng bức không chỗ nào tránh né được, lại còn bị dịch thời khí[16]. Đấy là do ác nghiệp đồng phận của chúng sanh chiêu cảm, xin hãy bảo khắp người làng cùng kiêng sát sanh, niệm thánh hiệu Quán Thế Âm, để mong tật dịch tiêu diệt. Nếu có thể khẩn thiết chí thành, chắc chắn có hiệu nghiệm lớn lao. Ngay như bệnh mắt của ông cũng sẽ do tuyên nói rộng rãi lời này mà được lành bệnh. Biển khổ rộng mênh mông, Quán Âm là bậc cứu độ. Nếu ai nấy chí thành trì tụng mà bị chết vì tật dịch thì trời đất cũng sẽ đổi ngôi, mặt trời, mặt trăng cũng sẽ xoay ngược! Nếu hời hợt, hờ hững niệm thầm một hai câu mà muốn được hiệu quả khởi tử hồi sanh ngay, tuy Bồ Tát đại từ [cũng chẳng làm sao được]! Chẳng phải là Ngài không chịu cứu tế, nhưng vì tâm kẻ ấy chẳng chân thật, thiết tha, quyết khó thể cảm thông được! Mong hãy nói cặn kẽ [những điều này] với người làng thì may mắn lắm thay!

(thư thứ mười lăm)

[Qua thư ông], biết ông đã nhận được biên lai lần trước rồi, nay lại nhận được đầy đủ cả nguyệt san lẫn báo cáo phóng sanh. Thánh hiệu Quán Âm chính là chỗ nương tựa lớn lao cho hiện thời, hãy nên khuyên hết thảy mọi người cùng niệm. Nếu là người tu Tịnh nghiệp, hãy nên chuyên niệm [thánh hiệu Quán Thế Âm] ngoài những lúc niệm Phật. Đối với kẻ chưa phát tâm hãy dạy họ chuyên niệm vì họ dốc chí mong được Đại Sĩ che chở, gia bị ngõ hầu tiêu diệt tai họa. Đợi cho đến khi họ đã sanh được lòng tin, lại dạy họ lấy niệm Phật làm chuyện chánh, niệm Quán Âm để phụ trợ; nhưng niệm Quán Âm để cầu sanh Tây Phương thì cũng được như nguyện.

(thư thứ mười sáu)

Năm ngoái đã hai lần nhận được thư của ông, nhưng vì bận bịu chưa trả lời được. Hạ tuần tháng Hai năm nay, tôi sẽ sang Thượng Hải lo toan việc in sách, tháng Sáu vẫn trở về núi. Tháng Bảy xuống núi sẽ chẳng quay về nữa. Tháng Tám, tháng Chín, in sách xong xuôi, sẽ giấu kín tung tích, ẩn lánh ở nơi không một ai biết đến để mong sống hết những năm còn sót lại này ngõ hầu chuyên tu Tịnh nghiệp. Nếu không, cứ suốt ngày bận bịu vì người khác, ắt sẽ hỏng đại sự vãng sanh Tây Phương của chính mình. Gần đây, tinh thần ngày một giảm, chuyện thù tiếp ngày càng nhiều. Nếu chẳng lánh đi, sau này sẽ càng khó thể chống chọi được nữa! Người trong Phật pháp đều cùng mơ màng, chẳng xét đến đại thể, chỉ mong thuận tiện cho chính mình, đến nỗi pháp đạo ngày một suy, kẻ lấn hiếp bên ngoài ngày một đông. May là có những vị cư sĩ hộ vệ, nên còn chưa bị diệt ngay. Nếu không, danh xưng Phật pháp đã sớm chẳng còn được nghe trong cõi đời hiện tại rồi! Gần đây, lòng người bại hoại, bại hoại đến tột cùng, nhưng người có tu trì được cảm ứng khá nhiều, nên vẫn còn duy trì được phần nào. Nếu không, Phật pháp sẽ bị mất tích từ nay, buồn thay!

(thư thứ mười bảy)

Thư nhận được đầy đủ. Phong trào hủy Phật chỗ nào cũng có. Nếu không có người chống đỡ, Phật pháp sẽ bị đoạn diệt. Với mười đồng ông đã gởi, tôi sẽ gởi mười bộ Khuê Phạm, mỗi bộ [cộng chung] tiền giấy và tiền công in là tám cắc tám xu. Kèm thêm trong gói sách là hai cuốn Âm Chất Văn Đồ Chứng và hai gói Quán Âm Tụng để kết duyên. Trường nữ sinh Nam Hoa nếu có được sách này để làm khuôn mẫu tốt đẹp thì tất cả nữ sinh sẽ đều có thể trở thành những tấm gương đẹp đẽ trong chốn khuê các, tạo điển hình cho nữ giới. Năm ngoái đã in ba ngàn bộ, năm nay vốn muốn in nhiều hơn, nhưng do thời cuộc không yên, chỉ in được hai ngàn năm trăm cuốn.

Trong tháng Chín, Quang nhất định ẩn kín tung tích, tất cả những sách có Chỉ Bản đều giao cho Cư Sĩ Lâm trông coi. Hễ có ai phát tâm đứng ra in với số lượng lớn thì chẳng ngại gì trao đổi với họ. Khuê Phạm được in bằng lối Thạch Bản, chẳng tiện ấn loát. Nếu có ai in với số lượng lớn như hai ba ngàn cuốn thì phải hỏi Cư Sĩ Lâm xem họ có đảm nhiệm được hay không? Thơ ông Uông và thơ của ông đều hay, nhưng Quang trọn chẳng hiểu thơ, lại còn bận bịu cùng cực, nay đem gởi trả lại kèm theo thư. Không có chuyện gì quan trọng, đừng nên gởi thư đến. Nếu đến tháng Chín thì muôn phần đừng gởi thư tới nữa để khỏi bị hỏng việc.

(thư thứ mười tám)

Ông nói lúc Quang sắp ẩn dật hãy ban cho ông một lá thư để làm khuôn phép, vậy thì một bộ Văn Sao đều là lời lẽ thừa thãi ư? Ông Trình nói: “Tuân sở văn, hành sở tri, hà tất cập môn cầu ngô tai?” (Tuân theo những điều đã nghe, hành theo những điều đã biết, cần gì phải đến trước cửa cầu ta nữa?) Nay tôi chỉ nói “đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, chân vị sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dĩ thâm tín nguyện, trì danh hiệu Phật” (giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận; dứt lòng tà, giữ lòng thành; đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật). Nếu có thể y theo tám câu ấy mà hành thì làm bậc hiền thánh, liễu sanh thoát tử đều có dư!

Điều quan trọng mầu nhiệm trong Phật pháp chỉ là ở lòng Thành! Ông giữ được lòng Thành từ đầu đến cuối thì không có gì để nói nữa. Hãy nên vứt ra ngoài Đông Dương đại hải [những thói] bàn luận điều huyền lẽ diệu, khua môi múa mép, cầu thần thông, thì mới có thể đích thân đạt được lợi ích thật sự, huống hồ những kẻ vẫn coi luyện đan vận khí là đạo ư? Ba bà thủ tiết ấy đều có thể ăn chay, niệm Phật, hãy nên dạy họ quyết định cầu sanh Tây Phương, đừng nên cầu phước báo trời người, ngõ hầu chẳng phụ mấy chục năm giữ tiết tháo băng khiết. Trần Đức Phương pháp danh là Trí Đức, Trương Phổ Đường pháp danh là Trí Phổ, Châu Duyệt Thiền pháp danh là Trí Thiền. Bọn họ đã đều sống trong chùa miếu, hãy nên chí thành cung kính, lễ bái, trì tụng, đừng xen tạp luyện đan, vận khí, hoặc nhập thần phụ quỷ (lên đồng, hầu bóng) v.v… để chèo kéo kẻ vô tri cung kính, cúng dường. Nếu được như thế sẽ đúng là đệ tử Phật thật sự, quyết định sẽ có thể thoát khỏi cõi Sa Bà này, sanh sang cõi Cực Lạc kia ngay trong đời này. Tôi sợ bọn họ không thông hiểu văn lý cho lắm, xin ông hãy phương tiện diễn nói với họ, khiến cho họ hiểu Phật pháp vốn tự sẵn có đạo lý chân thật. Trí Giác hành trì đáng gọi là khó có. Đấy gọi là “bầu bạn trong pháp môn, bạn bè xuất thế, tại gia học đạo”. Những người này có thể thay đổi phong tục, may mắn chi hơn?

(thư thứ mười chín)

Đã nhận được mười sáu đồng rồi, đừng lo, sẽ dùng làm chi phí gởi sách. Đã nhận được Khai Sĩ Truyện rồi. Hiện thời đang trong tình thế hoạn nạn, trừ Đại Sĩ ra, còn biết nương tựa vào đâu? Nếu có thể chí thành khẩn thiết, quyết định được Ngài ngầm gia bị. Do vậy biết tâm Bồ Tát và tâm chúng sanh về bản thể giống hệt nhau không khác. Chỉ vì chúng sanh mê trái nên đến nỗi cách ngăn; nếu vì gặp lúc hoạn nạn, chuyên tâm ức niệm, sẽ tự có thể lập tức thấy cảm ứng. Ví như kẻ đội chậu úp thường chẳng thấy được mặt trời. Nếu bỏ [cái chậu] che úp ấy đi, cố nhiên mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu. Xin hãy nói với hết thảy mọi người về sự linh cảm của Bồ Tát để ai nấy thường niệm. So với những kẻ bàn huyền luận diệu có ích hơn rất nhiều!

(thư thứ hai mươi)

Quang vốn tính đến cuối tháng Chín sẽ ẩn mình, nhưng vì nhân duyên ấn hành bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ mà chần chừ. [Các đệ tử ở] Hương Cảng đã sớm gởi thư, đánh điện thôi thúc, tháng Giêng năm sau sẽ đi. Chuyện sang sống nhờ ở Hạ Môn thôi đừng bàn tới nữa! Mấy bữa nữa sẽ gởi cho ông mấy gói Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ. Sách này có thể dùng làm căn cứ để vãn hồi thế đạo nhân tâm. Lần này tôi bảo họ làm thành hai bộ Chỉ Bản để mỗi bản sẽ in được hai vạn bộ.

 (thư thứ hai mươi mốt)

Lệnh từ[17] và Trí Giác khốn khổ bởi Tỳ Ngược[18] đã lâu, may đã lành bệnh. Nay tôi gởi cho một toa thuốc thần diệu chữa bệnh sốt rét, xin hãy ấn tống để mọi người cùng hàng đều được thoát khỏi nỗi khổ này.

* Toa thuốc thần diệu trị bệnh sốt rét

Ô mai (hai quả), hồng táo (hai quả), hồ đậu (một tuổi là một hạt, như người một tuổi liền viết một hạt, mười tuổi liền viết mười hạt, chiếu theo đây mà suy)

Dùng một tờ giấy trắng viết ba thứ này. [Số lượng] ô mai và hồng táo đều cố định, chỉ có hồ đậu là dựa theo số tuổi [của bệnh nhân] mà viết. Viết xong, gấp lại, xếp thành lớp; trước khi lên cơn một tiếng đồng hồ, buộc chặt vào cổ tay (tức khoảng giữa phần trên bàn tay, phía dưới khủy tay), bệnh sẽ không phát ra nữa. Cũng chẳng cần phải mua ba thứ ấy, chỉ cần viết những chữ ấy là được rồi. Toa thuốc này linh nghiệm chẳng thể nghĩ bàn. Lúc buộc đừng nói cho ai biết, chỉ cần phân biệt nam [buộc] bên trái, nữ [buộc] bên phải.

Ông Tào Tung Kiều ở Tô Châu năm ngoái đã đem toa thuốc này in ra rất nhiều. Ông ta xuống làng thu tô đã bảo họ chia nhau đem tặng. Dân quê dốt nát không biết chữ bèn đem tờ giấy đã in [toa thuốc] ấy quấn vào tay chứ chẳng viết gì khác thì bệnh cũng không phát. Ông chẳng chú ý, bài thuốc này đã chép ở cuối bộ An Sĩ Toàn Thư, hiềm rằng chữ quá nhỏ, người ta không để ý. Hãy nên in ra để biếu tặng rộng rãi thì thật là lợi ích không chi lớn bằng. Tụng kinh Pháp Hoa cũng cần phải đem công đức ấy hồi hướng vãng sanh Tây Phương thì mới chẳng khác gì công đức niệm Phật. Nếu chẳng hồi hướng Tây Phương thì chính là tự phân tâm, niệm chẳng quy nhất, lâm chung sẽ khó chắc chắn được vãng sanh. Đây quả thật là điều trọng yếu nhất!

 (thư thứ hai mươi hai)

Nhận được thư, biết mấy năm gần đây cả nhà yên vui, khôn ngăn vui mừng, an ủi. Mười đồng ông đã tặng sẽ dùng làm chi phí in sách. Gần đây, Quang mục lực lẫn tinh thần đều không đủ. Mười mấy ngày gần đây bận bịu giảo chánh đối chiếu cho người khác, thư từ chất lại hai mươi mấy bức đều chưa trả lời. Đã cự tuyệt thư từ vào mùa Đông năm ngoái, phàm hễ ai gởi thư đến đều nói “từ nay về sau đừng gởi thư đến nữa. Gởi đến quyết không trả lời”, nhưng thư vẫn cứ cuồn cuộn gởi tới y như cũ do giao thông quá thuận tiện.

(thư thứ hai mươi ba)

Thư nhận được đầy đủ. Kinh tế khó khăn, hãy nên sống đơn giản, chất phác, chớ nên gắng gượng chống giữ thể diện. Xin hãy bỏ chuyện sang Nam Dương (Indonesia) đi. Từ năm Dân Quốc 17 (1928), quá nửa số thương gia ở Nam Dương bị phá sản. Có người sang Nam Dương quyên mộ, đều chẳng xin được đủ lộ phí [để trở về]! Nam Dương coi mủ cao-su là sản phẩm xuất cảng bậc nhất, chánh phủ Anh nghiêm cấm bán rẻ [sản phẩm này]. Mỗi gánh [mủ cao-su] giá một trăm sáu mươi mấy đồng. Năm Dân Quốc 17 (1928) bị người nước nọ lừa gạt, nói: “Nếu không bán rẻ thì chưa đầy hai năm, cây [cao-su] trong nước tôi đủ lớn sẽ không ai mua hàng hóa của các ông nữa đâu!” Họ bèn lén lút bán, một nhà bán rồi cả thành phố bán, chưa đầy một tháng có tới mấy chục đại thương gia vỡ nợ, hiện thời giá [mủ cao-su] càng rẻ không thể tưởng tượng được. Một đệ tử của Quang đã kể với Quang tình cảnh ấy.

Vì thế, thầy Tu Viên, đệ tử hòa thượng Hư Vân chùa Vân Thê ở Vân Nam, thấy chùa Vân Thê thiếu hụt, muốn sang Nam Dương hóa duyên, Quang khuyên đừng đi, [thầy ấy] không nghe. Về sau, Vân Nam phải gởi tiền sang, [thầy ấy] mới về nước được! Tiền hóa duyên được ở Nam Dương còn chưa đủ trả tiền tàu xe! Quang gần đây mục lực quá yếu, không có chuyện gì mười phần quan trọng đừng gởi thư tới nhé!

***

[1] Từ Bi Kính là một tập sách do các cư sĩ thuộc Đại Đồng Phóng Sanh Hội ở Tuyền Châu biên soạn, tập hợp những lời lẽ khuyên răn và những chuyện kiêng giết phóng sanh của cổ nhân. Tổ Ấn Quang có viết bài tựa phát ẩn cho tập sách này, xin xem bài “Nêu bày ý nghĩa ẩn kín của bộ sách Từ Bi Kính” trong Ấn Quang Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 4, phần Tạp Trước.

[2] “Đăng đường nhập thất”: Thành ngữ chỉ người đã nắm vững, thông hiểu sâu xa một học thuyết hay một giáo nghĩa nào đó.

[3] Tức Đại Đồng Phóng Sanh Hội ở Tuyền Châu.

[4] Hương châu: Xâu chuỗi niệm Phật làm bằng gỗ thơm hay những loại bột thơm nắn lại.

[5] Đây là câu văn trích từ thiên Công Trị Trưởng (thiên thứ năm) sách Luận Ngữ. Nguyên văn như sau: “Tử viết: ‘Ngô vị kiến cương giả’, hoặc đối viết: ‘Thân Tranh’. Tử viết: ‘Tranh dã dục, yên đắc cương?” Theo cách diễn giải của cụ Lý Bỉnh Nam trong Luận Ngữ Giảng Yếu, đoạn này nên hiểu như sau: “Khổng Tử nói: ‘Ta chưa từng thấy một người cương nghị nào!’ Có người thưa: ‘Thân Tranh là người được như vậy’. Khổng Tử nói: ‘Thân Tranh tham dục, làm sao có thể cương nghị cho được!”

[6] Cụ Lý Bỉnh Nam giảng rõ: Theo sách Khổng Chú, Cương là kiên quyết, trí huệ, thuận theo điều thiện, nhất quyết không để bị dục vọng sai khiến. Do ông Thân Tranh vẫn thuận theo tham dục nên chẳng thể gọi là Cương được. Ở đây, Tổ dựa theo ý ấy, mới gọi sự “cương nghị” của ông Thân Tranh là “nhu ác”, do không kiên quyết chế ngự tập khí xấu ác trong tâm.

[7] Điện Nhạn Lễ là từ ngữ chỉ chung những lễ phải có trong một cuộc hôn nhân. Theo quy định từ thời Châu đến đời Thanh, kể từ khi nhà trai cậy người mai mối đến khi rước dâu phải có đủ sáu lễ. Ngoại trừ lễ Nạp Chinh (lễ giạm) ra, trong năm lễ kia nhà trai phải mang lễ vật đến biếu nhà gái, trong các món lễ vật luôn có chim bồ câu hay chim nhạn. Nhạn là thứ chim thiên di theo mùa; hễ thấy chim Nhạn bay về Nam là biết trời chuyển sang Đông, chim Nhạn lại chung thủy (khi một con chết, con kia không kết đôi với con khác nữa). Do vậy, cổ nhân cho rằng Nhạn tượng trưng cho lòng trung thực, thủ tín, trung trinh. Bởi thế, lễ vật dành cho đám cưới phải có Nhạn. Về sau, do Nhạn ngày càng hiếm nên người ta thay bằng các loài gia cầm khác có tập tánh sống thành đôi như bồ câu, ngỗng, vịt, gà v.v…

[8] Thư Căn là một bộ phận phải có của những loại sách in theo lối cổ, tức phần thường được viết vào chỗ giáp mí của hai trang sách, ghi rõ tên sách, quyển mấy, trang mấy, thiên mấy v.v… tương ứng với phần header của bản in hiện thời. Đến thời tổ Ấn Quang, Thư Căn đã giống như lối in sách chữ Hán hiện thời, Thư Căn ở phía bên phải trang sách (nếu trang số chẵn) và bên trái trang sách (nếu là trang số lẻ).

[9] Đây là câu nói của Tăng Tử (Tăng Sâm) trong thiên Thái Bá sách Luận Ngữ: “Dĩ năng vấn ư bất năng, dĩ đa vấn ư quả, hữu nhược vô, thực nhược hư, phạm nhi bất giảo”. Sách Luận Ngữ Giảng Yếu giảng câu nói ấy có nghĩa là: “Tự mình có tài năng nhưng vẫn học hỏi với kẻ không có tài năng, mình biết nhiều mà vẫn học hỏi với kẻ biết ít. Có tài năng thật sự mà cảm thấy như mình không có tài năng thật sự gì. Ai vô cớ xúc phạm đến mình cũng không mưu tính báo thù”.

[10] Dương Bảo là người huyện Hoa Âm, sống vào thời Hậu Hán. Lúc bé, Dương Bảo ra ngoài đồng chơi thấy một con sẻ bị cú mèo đuổi đánh bị thương rớt xuống đất. Dương Bảo liền cứu đem về, nuôi đến khi chim lành vết thương bèn thả đi. Đêm ấy, Dương Bảo nằm mộng thấy có một đứa bé trai mặc áo vàng đến biếu bốn chiếc vòng ngọc, tạ ơn, cho biết: “Con cháu ông ta sẽ được vinh hiển đến bốn đời như bốn vòng ngọc này”. Về sau, con Dương Bảo là Dương Chấn, cháu là Dương Bỉnh, chắt là Dương Tứ, chút là Dương Bưu, lần lượt kế tiếp nhau làm đến chức Tam Công, được cõi đời xưng tụng là “tứ thế tam công, đức nghiệp tương kế” (bốn đời làm Tam Công, kế thừa đức nghiệp).

Theo Tả Truyện, tướng nước Tấn là Ngụy Khỏa đang đánh nhau với tướng Tần là Đỗ Hồi, sắp bị Đỗ Hồi giết, chợt thấy tướng giặc vấp chân, nhìn ra thì thấy có một ông già đang kết cỏ thành khoanh để giật cho tướng giặc vấp ngã. Đến đêm, Ngụy Khỏa nằm mộng thấy ông già kết cỏ hồi sáng cho biết lúc cha Ngụy Khỏa là Ngụy Vũ Tử sắp chết đã bảo con chôn theo người thiếp yêu, nhưng Ngụy Khỏa cho đó là lời mê sảng của kẻ sắp chết nên không làm. Do vậy, cha người thiếp ấy đã theo cứu mạng Ngụy Khỏa. Từ hai câu chuyện này mới có thành ngữ “kết thảo, hàm hoàn” (kết cỏ, ngậm vành).

[11] Tam Công là ba chức quan cao nhất thời xưa. Vào thời Tây Châu, Tam Công là Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Đời Bắc Ngụy thay Tam Công bằng danh xưng Tam Sư. Đời Tây Hán coi Thừa Tướng (sau đổi thành Đại Tư Đồ), Thái Úy (sau đổi thành Đại Tư Mã), Ngự Sử Đại Phu (sau đổi thành Đại Tư Không) là Tam Công. Đời Đông Hán, lấy Thái Úy, Tư Đồ, Tư Không làm Tam Công.

[12] Có lẽ ở đây người sao chép viết nhầm, vì phần trên Tổ nói chỉ ước định in ba ngàn cuốn Bảo Giám. Chẳng lẽ ấn quán lại in đến một vạn ba ngàn cuốn Bảo Giám!

[13] Tờ truyền đơn này được đăng tải trong Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ. Đoạn văn ấy như sau: “Hơn nữa, không chỉ chẳng nên khinh nhờn, làm dơ, vứt bỏ chữ hữu hình mà đối với chữ vô hình lại càng chẳng nên khinh nhờn, làm bẩn, vứt bỏ! “Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” nếu chẳng tận lực thực hiện, tức là đã quên mất tám chữ vậy. Đã quên tám chữ ấy thì sống là loài cầm thú đội mũ mặc áo, chết đọa trong tam đồ ác đạo, chẳng đáng buồn ư?”

[14] Lệnh chánh: Tiếng gọi tỏ vẻ tôn trọng vợ cả (chánh thất) của người khác.

Lệnh lang: Tiếng gọi tỏ vẻ tôn trọng con trai người khác.

[15] Nguyên văn “nhất phân ngũ ly”. Thời ấy, một Nguyên (đồng) là mười Giác, mỗi Giác là mười Phân, mỗi Phân là mười Ly. Ta có những chữ tương ứng như Cắc (hào) và Xu để dịch Giác và Phân, nhưng không có chữ để dịch chữ Ly. Chúng tôi tạm mượn chữ Chinh là một đơn vị tiền cổ (tức đồng Bảo Đại) chỉ thông dụng trong một thời gian ngắn. Một Xu trị giá chừng ba hoặc năm Chinh. Do vậy, dùng chữ Chinh để dịch chữ Ly cũng rất gượng ép!

[16] Dịch thời khí là những bệnh dịch thường xảy ra ồ ạt vào mùa Hè như dịch tả, dịch hạch…

[17] Tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng mẹ người khác.

[18] Tỳ Ngược là bệnh sốt rét cách nhật, do người bệnh cách ngày nổi cơn sốt rét, hoặc vài ngày nổi cơn sốt rét, bụng đầy, ăn uống khó khăn. Cổ nhân cho rằng nguồn gốc bệnh này là do trong tháng nóng bệnh nhân ăn quá nhiều chất lạnh khiến tỳ vị bị tổn thương, nên gọi là Tỳ Ngược.