ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Phụ lục 2:
Khuyên khắp các đạo lữ Tịnh Tông trì tụng thêm kinh Địa Tạng
Hoằng Nhất đại sư giảng thuật vào ngày khánh đản đức Địa Tạng
năm Canh Thìn (1940) tại Vĩnh Xuân
Vương Mộng Tỉnh ghi
Tôi đến Vĩnh Xuân tới nay đã một năm rưỡi. Mùa Hạ năm trước, cư sĩ Vương Mộng Tỉnh gởi thư đến, nói tính cùng các vị như cư sĩ Lâm Tử Kiên v.v… đến chùa Phổ Tế, thỉnh tôi giảng kinh. Khi đó, tôi từng gởi thư trả lời: “Đợi đến lúc trời sang tiết Thu mát mẻ, sẽ vào thành giảng đại ý kinh Kim Cang ba ngày”. Tới tháng Bảy mùa Thu, tôi do bế quan tu Thiền, chẳng đến được. Hôm qua, cư sĩ Mộng Tỉnh và các vị nhân giả vào núi thăm viếng, do bị mưa, ở lại tự viện vài ngày. Hôm nay nhằm đúng dịp khánh đản Địa Tạng Bồ Tát, nên tôi nương theo cái duyên thù thắng này, nói về ý chỉ trọng yếu “các đạo lữ Tịnh Tông nên trì tụng thêm kinh Địa Tạng” để làm kỷ niệm.
Pháp tu trì của các đạo lữ Tịnh Tông cố nhiên lấy ba kinh Tịnh Độ làm chủ. Ngoài ba kinh ra, có lẽ nên tụng thêm kinh Địa Tạng làm trợ hạnh, vì Địa Tạng Bồ Tát có đại nhân duyên với chúng sanh cõi này, kinh Địa Tạng Bổn Nguyện lại càng khế hợp sâu xa với căn khí của bọn thường nhân chúng ta. Do vậy, nay tôi khuyên khắp các đạo lữ Tịnh Tông hãy nên trì tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kèm thêm. Tôi kính cẩn trần thuật chỉ thú như sau để các đạo lữ Tịnh Tông chọn lựa.
1) Từ xưa tới nay, Tịnh Tông có nhân duyên sâu nhất đối với đức Địa Tạng. Vị tổ thứ tám của chúng ta là Liên Trì đại sư viết bài tựa cho kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, ca ngợi, khuyên lơn lưu thông. Đến vị tổ thứ chín là Ngẫu Ích đại sư, Ngài suốt đời phụng sự Địa Tạng Bồ Tát, càng tận lực tán thán, hoằng dương. Ngài sống tại núi Cửu Hoa rất lâu, tự xưng là “Địa Tạng chi cô thần” (bầy tôi côi cút của đức Địa Tạng), cũng như suốt cả đời siêng năng lễ Địa Tạng Sám Nghi, thường trì Địa Tạng chân ngôn hòng sám trừ nghiệp chướng, cầu sanh Cực Lạc. Hơn nữa, vị Thái Sơn Bắc Đẩu đương thời của Tịnh Độ Tông là pháp sư Ấn Quang tận lực hoằng truyền, lưu thông Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh, cho khắc in mấy vạn bản để học nhân Tịnh nghiệp chí tâm đọc tụng, y giáo hành trì. Nay tôi trộm tuân theo quy củ đã thành lập của chư Tổ Tịnh Tông, khuyên khắp các đồng nhân hãy tu tập kèm thêm. Duyên thù thắng tập hợp, vốn chẳng phải là ngẫu nhiên!
2) Pháp môn Địa Tạng lấy ba kinh làm chủ. Ba kinh là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, Địa Tạng Bồ Tát Thập Luân Kinh, và Địa Tạng Nhị Thừa Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh. Tuy kinh Bổn Nguyện chưa nói rõ nghĩa lý vãng sanh, nhưng hai kinh kia đều có. Kinh Thập Luân dạy: “Đương sanh tịnh Phật quốc, đạo sư chi sở cư” (Sẽ sanh cõi Phật tịnh, là chỗ đạo sư ngự). Kinh Chiêm Sát dạy: “Nhược nhân dục sanh tha phương hiện tại tịnh quốc giả, ưng đương tùy bỉ thế giới Phật chi danh tự, chuyên ý niệm tụng, nhất tâm bất loạn, như thượng quán sát giả, quyết định đắc sanh bỉ Phật tịnh quốc” (Nếu ai muốn sanh vào cõi tịnh trong hiện tại ở phương khác, hãy nên chuyên tâm niệm tụng danh tự của vị Phật trong thế giới ấy, nhất tâm bất loạn, quán sát như trên, chắc chắn sẽ được sanh vào Phật tịnh quốc ấy). Vì thế, vị tổ thứ chín của Liên Tông chúng ta trong bài văn phát nguyện khi lễ Địa Tạng Bồ Tát Chiêm Sát Sám đã viết: “Xả thân tha thế, sanh tại Phật tiền, diện phụng Di Đà, lịch sự chư Phật, thân mông thọ ký, hồi nhập trần lao, phổ hội quần mê, đồng quy bí tạng” (Bỏ thân sanh sang đời khác, ở trước đức Phật, tận mặt phụng sự đức Di Đà, lần lượt phụng sự chư Phật, đích thân được thọ ký, trở vào trần lao, khiến cho khắp các quần mê đều về kho tàng bí mật). Nhìn từ chỗ này, pháp môn Địa Tạng có quan hệ rất sâu với Tịnh Tông, há chỉ là khác lối nhưng cùng về một chỗ, mà còn là phát khởi và hướng đến đều nhất trí.
3) Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật coi tu ba phước là chánh nhân của Tịnh nghiệp. Điều đầu tiên trong ba phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu”, mà trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện đã trần thuật cặn kẽ lòng hiếu thảo trong đời trước của đức Địa Tạng. Vì thế, cổ đức gọi kinh Địa Tạng là “hiếu kinh của Phật môn” rất hữu lý! Phàm những vị đồng nhân với tôi, hãy nên thường đọc tụng kinh Địa Tạng Bổn Nguyện hòng tương ứng với ý chỉ hiếu dưỡng của Quán Kinh, cũng như vâng theo lời dạy tận lực thực hiện, đặc biệt tôn sùng hiếu đạo để báo ân cha mẹ, tu phước thù thắng.
4) Trong hiện thời, pháp sư Ấn Quang dạy mọi người trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương, ắt khuyên mọi người trước hết hãy tin nhân quả báo ứng, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, sau đấy mới nói: “Cậy vào từ lực của Phật, đới nghiệp vãng sanh”. Nhưng trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, đã nói rộng về nhân quả báo ứng tột bậc tường tận. Phàm những vị đồng nhân, hãy nên thường đọc kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, y giáo phụng hành để giúp cho Tịnh nghiệp. Nếu chưa thể tin sâu nhân quả báo ứng, chẳng chú trọng thiết tha giữ gìn luân thường đạo đức, há không chỉ là chưa thể sanh Tây, mà còn cũng có phần trong tam đồ! Nay tôi trộm dựa theo ý ấy, khuyên khắp những ai tu Tịnh nghiệp, ắt cần phải tin sâu nhân quả, thường kiểm điểm những chuyện đã làm trong thường nhật, chân thành sám hối, nỗ lực sửa lỗi. Lại còn tiến cao hơn là tu trì Ngũ Giới, Thập Thiện v.v… để làm trợ hạnh cho niệm Phật, hòng làm tư lương sanh Tây.
5) Người tu Tịnh nghiệp chúng ta, nếu có thể trong hoàn cảnh hiện tại, đối với khổ, vui, thuận, nghịch hết thảy đều buông xuống, chẳng vướng mắc, dùng khổ cảnh để tiêu trừ Thân Kiến, dùng nghịch duyên để kiên cố tịnh nguyện thì đúng là rất tốt. Nhưng người như thế, trong ngàn vạn người, hiếm được một, hai. Vì chúng ta thuộc địa vị phàm phu, tuy biết tùy phần tùy sức tu tập Tịnh nghiệp, nhưng vẫn chưa thể triệt để thấy thấu suốt thân, tâm, thế giới, chưa thể chẳng cần thiết áo cơm, chỗ ở v.v…, cũng chẳng thể không lo nghĩ vì thiên tai nhân họa như nước, lửa, đao binh, đói kém v.v… Nếu cuộc sống khó khăn, tai họa liên tiếp dấy lên, sẽ lập tức trở thành chướng ngại to lớn cho tu hành. Nay nếu có thể quy y, tin tưởng Địa Tạng Bồ Tát, sẽ không có những nỗi lo ấy. Dựa theo những điều ghi chép trong kinh Địa Tạng, sẽ có thể khiến cho chúng ta áo cơm sung túc, bệnh dịch không xảy đến, nhà cửa mãi mãi yên ổn, điều mong cầu được toại ý, thọ mạng gia tăng, trừ sạch hư hao, ra vào có thần minh bảo vệ, lìa khỏi các tai nạn v.v… Cổ đức nói: “Thân yên rồi đạo mới hưng thịnh” tức là nói về chuyện này! Đấy là yếu chỉ khuyên người tu Tịnh nghiệp hãy nên quy hướng, tin tưởng đức Địa Tạng vậy.
Trên đây, tôi đã lược thuật chỉ thú trì tụng kinh Địa Tạng, tuy nghĩa lý chưa thể tường tận, cũng có thể thấy được đại khái. Chỉ mong các đạo lữ Tịnh Tông hãy lưu truyền rộng rãi, chí tâm trì tụng kinh Địa Tạng, do công sức ấy, sẽ đạt được lợi ích thù thắng!
(Trích từ Hoằng Nhất Đại Sư Diễn Giảng Tập)
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ