HƯ HƯ LỤC GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

Niêm Tụng Kệ

Dịch

1. – Cử: Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng vương cung, chưa ra thai mẹ độ người đã xong.

Niêm: 

Gươm báu chưa vung, tướng quân đã lộ.

Tụng:

Đứa bé không hình chửa rời quê,
Sớm tối đưa người qua bến mê.
Cất bước ngao du không xen cách,
Chẳng cần thuyền gỗ với phao bè.

2.- Cử: Thế Tôn mới sanh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói: Trên trời dưới đất chỉ ta tôn quí.

Niêm:       

Một áng mây trắng che cửa động,
Đàn chim về tổ thảy quên đường.

Tụng:        

Đạt-đa mới giáng Tịnh Vương cung,
Muốn hóa quần sanh tự hiển tung.
Bảy bước đi quanh chỉ trời đất,
Bao người con Phật mất gia phong.

3.- Cử: Thế Tôn đưa cành hoa, Ca-diếp mặt rạng rỡ mỉm cười.

Niêm:       

Vén đứng lông mày để mắt xem,
Tiến lên suy nghĩ cách ngàn non.

Tụng:

Thế Tôn nắm dựng một cành hoa,
Ca-diếp sáng nay được đến nhà.
Nếu bảo đây là truyền pháp yếu,
Về Nam xe Bắc lối càng xa.

4.- Cử: Ngoại đạo hỏi Phật: Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời?

Niêm:       

Trừ người quả thật con ta đó,
Ai kẻ bạo chân vào đường này.

Tụng:       

Lao quan khó buộc có ai tri,
Ngôn ngữ đều quên không chỗ y.
Chẳng phải trong đời con ngựa giỏi,
Do đâu bất chợt được tiện nghi.

5.- Cử: Thế Tôn lên pháp tòa, Văn-thù bạch chúng rằng: Quán kỹ pháp Pháp vương, pháp Pháp vương như thế.

Niêm:       

Khảy khúc Dương Xuân đàn không dây,
Muôn năm ngàn thuở tiếng nào dứt.

Tụng:

Tuy nói câu câu chẳng vết tỳ,
Giấu sừng, đuôi vẫn hiện như ri.
Nào như một ống sáo không lỗ,
Vì anh thổi khúc Thái bình thi.

6.- Cử: Vua nước Kế-tân cầm kiếm, bảo Tổ thứ hai mươi bốn (Sư Tử) rằng: Thầy được năm uẩn không chăng? Tổ đáp: Đã được. Vua hỏi: Lìa sanh tử chăng? Tổ đáp: Đã lìa. Vua hỏi: Có thể thí cái đầu cho tôi được không? Tổ đáp: Thân còn không phải của ta, huống nữa là đầu! Vua liền chém. Sữa trắng vọt ra, tay Vua tự rơi.

Niêm:       

Đem đầu kề gươm bén,
Dường như chém gió xuân.

Tụng:       

Đao bén chém nước, lửa thổi (ánh) sáng,
Việc này nên biết nào ngại gì.
Báo tin sáng ấy xa khói sóng,
Ai biết riêng có nghĩ suy lành.

7.- Cử: Đại sư Đạt-ma đến chùa Thiếu Lâm ở Lạc Dương, chín năm ngồi xây mặt vào vách.

Niêm:       

Để mắt xem, thôi ngủ gật.

Tụng:       

Chim bằng vỗ cánh đến Nam Minh (Nam Hải),
Nối gót luống công muôn dặm trình.
Đêm trước chỉ tham vui yến tiệc,
Sáng nay bất giác say men nồng.

8.- Cử: Nhị Tổ xin Sơ Tổ pháp an tâm. Sơ Tổ bảo: Đem tâm ra ta an cho ông. Nhị Tổ thưa: Con tìm tâm không thể được. Sơ Tổ bảo: Ta an tâm cho ông rồi.

Niêm:  

Em bé lên ba ôm trống giấy,
Ông già tám chục mặc áo cầu.

Tụng:

Tâm đã không tâm nói với ai,
Người câm thức mộng mắt tròn xoe.
Lão tăng dối bảo an tâm đấy,
Cười ngất bàng quan chẳng tự hay.

9.- Cử: Ngài Văn-thù thấy cô gái nhập định gần Phật, Ngài đến xuất định không được. Phật sai Bồ-tát Võng Minh đến xuất định được.

Niêm:   

Đứa con oan gia, mất gia phong ta.

Tụng:

Đều cùng xuất định có sơ thân,
Định ấy nên là chửa chánh chân.
Nếu thật Hóa công không hậu bạc,
Xoay vần xuân đến khắp mọi phần.

10.- Cử: Mã Tổ nói: Từ sau loạn Hồ ba mươi năm, chưa từng thiếu tương muối.

Niêm:    

Dù cho chẳng phạm mảy may,
Vẫn là cầm bánh dính tay.

Tụng:

Trước kia làm bạn khách rượu trà,
Quán rượu thường nằm bên cạnh nhà.
Giả thử khoe khoang người lanh lợi,
Giữa đường mất áo chịu thôi mà.

11.- Cử: Bá Trượng tái tham Mã Tổ, Mã Tổ hét một tiếng. Bá Trượng đại ngộ.

Niêm:    

Ngàn mũi nhọn, không bằng một nhát mai cùn.

Tụng:

Ngày trước thiên hạ chẳng chung đồng,
Bốn bên dấy loạn tợ đàn ong.
Mã Tổ một phen vung kiếm bén,
Từ đây đường nẻo tin tức thông.

12.- Cử: Một hôm Quốc sư gọi Thị giả ba lần. Thị giả ba lần dạ. Quốc sư nói: Ngỡ là ta phụ ngươi, ngược lại ngươi phụ ta.

Niêm:   

Như người uống nước, lạnh nóng tự biết.

Tụng:

Dưới trên xướng họa xứng cùng hai,
Ý ấy so đâu biết ngắn dài.
Nhằm trước phơi bày gan ruột sạch,
Trong đây chỉ hứa tự mình hay.

13.- Cử: Đại Qui nói: Câu có câu không như bìm leo cây. Sơ Sơn hỏi: Cây ngã bìm khô câu về chỗ nào? Đại Qui cười to ha hả!

Niêm:    

Nước chảy ắt về biển, trăng lặn chẳng rời trời.

Tụng:

Sóng lặng yên rồi, trận gió thâu,
Uổng công hướng ngoại khổ tìm cầu.
Cười nát khối nghi thành trăm mảnh,
Từ đó mới phân đá với châu.

14.- Cử: Bá Trượng bảo: Thế nào là pháp không vì người nói? Nam Tuyền đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.

Niêm:     

Ngàn Thánh tìm dấu y chẳng được, toàn thân ẩn tại đại hư không.

Tụng:

Trước đây công án không lệch nghiêng,
Đối diện nhìn xem hội được chăng?
Trong ngôi Phật pháp mời chẳng ở,
Đêm về như trước ngủ bờ lau.

15.- Cử: Nam Tuyền nói: Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo.

Niêm:    

Uống cạn huyền vi lý, đường về dưới trăng đi.

Tụng:

Muôn tiếng lặng yên sao Đẩu dời,
Bầu trời trong suốt chẳng gợn mây.
Nương tựa gậy lê lên gác ngắm,
Yên yên lặng lặng thật thảnh thơi.

16.- Cử: Sau khi Lâm Tế khai hóa chỉ dùng gậy hét dạy đồ chúng. Vừa thấy Tăng vào cửa liền hét.

Niêm: 

Mùng năm tháng năm giờ ngọ viết,
Miệng đỏ lưỡi độc tận tiêu trừ.

Tụng:

Vào nhà liền hét muốn làm chi?
Dẫn được cháu con tỉnh giấc mê.
Chẳng phải sấm xuân vang một tiếng,
Làm sao vỏ hạt được nảy mầm.

17.- Cử: Nam Tuyền nói: Tâm bình thường là đạo.

Niêm:   

Lạnh nói là lạnh, nóng nói là nóng.

Tụng:

Rìu búa không cần, ngọc trắng tinh,
Đâu do mài giũa để cầu tân.
Đường về chẳng bước nhà vẫn tới,
Trao kẻ đầu non buông thõng tay.

18.- Cử: Triệu Châu nói: Mọi người bị mười hai thời sai khiến, Lão tăng sai khiến được mười hai thời.

Niêm:     

Cậy thế dối người, không nơi căn cứ.

Tụng: 

Lão này hay khiển mười hai thời,
Rồng dữ cọp hung thảy được thuần.
Cần phương chỉ sắt thành vàng thật,
Chẳng để cho người có việc nghe.

19.- Cử: Tăng hỏi Lâm Tế: Thế nào là vô vị chân nhân?

Lâm Tế đáp: Cục cứt khô.

Niêm:

Bắn sẻ mất châu, ném chuột nhơ đồ.

Tụng:

Vô vị chân nhân, cục cứt khô,
Do người Thích tử mất gia phong.
Nhìn xuống xem xem, biết chẳng biết,
Con trâu vào biển dấu vết không.

20.- Cử: Triệu Châu nói: Khám phá bà già ở Ngũ Đài Sơn xong.

Niêm:    

Ngũ nghịch nghe sấm, chẳng cho bịt tai.

Tụng:

Khảy móng Đài Sơn hết nói ngoa,
Chẳng phiền bước tới được về nhà.
Can qua chẳng động lòng người phục,
Gươm bén đâu cần ra hộp ngà.

21.- Cử: Triệu Châu nói: Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi trong nhà.

Niêm:     

Núi là núi nước là nước, Phật ở chỗ nào?

Tụng:

Trên đồ Võng Xuyên xếp thành hình,
Ngày trước Vương Duy được nổi danh.
Uổng phí mực son nơi khó vẽ,
Trong không trăng sáng cùng gió lành.

22.- Cử: Triệu Châu nói: Tôi ở Thanh Châu may một chiếc áo vải nặng bảy cân.

Niêm:     

Trấn Châu củ cải còn thể được,
Thanh Châu áo vải lại phiền người.

Tụng:

Một manh áo vải thật lạ thường,
Tùng Thẩm không màng chẳng cất rương.
Trong đây nghĩ nghị chia cân lượng,
Cười ngất nhà đông, Mạnh Bát Lang.

23.- Cử: Vị Tăng hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không?

Triệu Châu đáp: Không. Tăng lại hỏi, Triệu Châu đáp: Có.

Niêm:    

Lấy hai so một.

Tụng:

Hỏi ngay ở trước, đáp có không.
Cho dù ngay đó dứt nhóm ngông.
Một đời tự phụ người tài giỏi,
Thế ấy vẫn là chẳng trượng phu.

24.- Cử: Triệu Châu nói: Chỗ có Phật chẳng trụ, chỗ không Phật chạy qua gấp.

Niêm:     

Nước đến thành ao, roi quất nổi lằn.

Tụng:

Chỗ Phật có không cả hai quên,
Lời này xem lại chưa được toàn.
Sau rốt cầm hoa nhằm chỉ lại,
Chẳng rời tấc bước đến Tây thiên.

25.- Cử: Thủ Sơn đưa trúc bề nói: Bảo là trúc bề tức chạm, chẳng gọi trúc bề tức trái, hãy gọi là cái gì?

Niêm:    

Chớ động đến, động đến ăn ba mươi gậy.

Tụng:

Trúc bề chạm, trái thật khó phân,
Ngay đó rõ ràng nhắc với người.
Tuy vốn đường bằng bụi không dấy,
Một trường bày hiện gai góc đầy.

26.- Cử: Tăng hỏi Động Sơn (Thủ Sơ): Thế nào là Phật? Sơn đáp: Trên vách ba cân gai.

Niêm:     

Gọi một vật lại chẳng trúng.

Tụng:

Hỏi Phật thế nào, nói đáp anh,
Động Sơn trên vách gai mấy cân.
Tuy nhiên không có phong trần dính,
Cũng vẫn còn đem cảnh chỉ người.

27.- Cử: Tăng hỏi Hòa thượng Hiện Tử: Thế nào là ý Tây sang? Hiện Tử đáp: Mâm rượu trước bàn thần.

Niêm:     

Nếu chẳng phải sư tử con, đâu khỏi chạy theo khối đất lăn.

Tụng:

Chặt đứt cội nguồn không chỗ nương,
Ở đây nhắc lại để anh tường.
Nếu bảo trước thần là ý Tổ,
Khác nào kẻ gọi khố là quần.

28.- Cử: Quốc sư Vô Nghiệp nói: Nếu niệm phàm thánh bằng đầu sợi lông chưa hết, chưa khỏi vào bụng ngựa thai lừa. Hòa thượng Bạch Vân Đoan nói: Giả sử niệm phàm thánh bằng đầu sợi lông hết, cũng chưa khỏi vào bụng ngựa thai lừa.

Niêm:     

Đốt non cần cọp chạy, đập cỏ cốt rắn kinh.

Tụng:

Lời này xét lại chí khí khinh,
Đập cỏ cốt là bọn rắn kinh.
Nếu người rành lối Trường An ấy,
Buông thõng tay đi khỏi hỏi trình.

29.- Cử: Huyền Sa dạy chúng nói: Các bậc Lão túc khắp nơi đều bảo: “Tiếp vật lợi sanh.” Chợt gặp ba hạng người bệnh lại, làm sao tiếp? Người bệnh mù, giơ chùy dựng phất họ chẳng thấy. Người bệnh điếc, nói năng tam-muội họ không nghe. Người bệnh câm, dạy họ nói, nói không được.

Niêm:     

Khát uống đói ăn, lạnh mặc nóng quạt.

Tụng:

Buồn thì ủ rũ vui tươi cười,
Mũi dọc mày ngang chẳng khác người.
Đói khát lạnh nồng tùy chỗ được,
Đâu nên bất chợt lại sanh nghi.

30.- Cử: Thụy Nham thường gọi: Ông chủ nhân, tỉnh tỉnh đi, về sau chớ bị người lừa gạt.

Niêm:     

Khóc đến máu tuôn không chỗ dụng,
Chi bằng ngậm miệng qua xuân tàn.

Tụng: 

Thụy Nham thường gọi chủ nhân ông,
Lược giỏi cơ sâu cũng chẳng hùng.
Nếu quả thế gian tướng vô địch,
Đợi gì gươm giáo mới là hưng.

31.- Cử: Tam Thánh nói: Tôi gặp người liền ra, ra thì chẳng vì người. Hưng Hóa nói: Tôi gặp người thì chẳng ra, ra thì vì người.

Niêm:     

Một con rùa mù, nửa cặp trạnh què.

Tụng:

Gặp khát tức thì uống nước ngay,
Nói ăn bụng đói trọn cả ngày.
Hai bên gươm bén thôi niêm kín,
Khi khác trẻ con miệng họa này.

32.- Cử: Nam Tuyền thấy Đặng Ẩn Phong đến, chỉ tịnh bình nói: Tịnh bình là cảnh, ông không được động đến cảnh.

Niêm: 

Nói có, nhằm chỗ nào để.

Tụng: 

Trong gương không nhớp luống tự chùi,
Dụng hết công phu uổng phí thôi.
Lặng lặng im im tùy chỗ thích,
Cơm xong liền đó uống chung trà.

33.- Cử: Thạch Đầu nói: Thế ấy chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, thế ấy chẳng thế ấy thảy chẳng được.

Niêm:     

Các hạnh vô thường, tất cả đều khổ.

Tụng:

Câu nói hay khéo đem đến ông,
Tạm làm mây trắng che cửa động.
Dù cho toàn được mười phần đúng,
Vẫn ở giữa đường muôn dặm trông.

34.- Cử: Tăng hỏi: Thế nào là cảnh Giáp Sơn? Sơn đáp: Vượn ẵm con về sau núi biếc, chim tha hoa đậu trước non xanh.

Niêm:     

Cây gậy tùy thân, gặp trường thì đùa.

Tụng:

Giáp Sơn cảnh vắng không người đến,
Ngay đó phải nên làm những gì?
Nếu người thật được đôi mắt sáng,
Giờ ngọ mặc tình trống canh ba.

35.- Cử: Tăng hỏi Mục Châu: Một hơi thở tụng hết một tạng kinh không? Châu đáp: Có bao nhiêu bánh đem hết lại đây.

Niêm:      

Buông tay đến nhà, chẳng nhọc tiến bước.

Tụng:

Một hơi tự khéo tụng tạng kinh,
Chẳng nhọc vạch lá với tìm cành.
Vô biên huyền nghĩa đều hiện rõ,
Hỏi đến Sơn tăng thảy chẳng rành.

36.- Cử: Trong hội Lâm Tế, hai vị Thủ tọa nhà Đông nhà Tây gặp nhau đồng thời hét. Tăng hỏi: Lại có chủ khách hay không? Lâm Tế đáp: Chủ khách rõ ràng.

Niêm:    

Cũng là vượn trắng nói lăng xăng.

Tụng:

Thánh chúa ngày nay cổ hóa phong,
Bản đồ văn phạm trọn tương đồng.
Vẫn còn xa gần chia bờ cõi,
An dân tế thế đâu (được) kể công.

37.- Cử: Huyền Sa nói: Nếu luận việc này, ví như người chủ một thửa ruộng, đến phần ranh giới đã bán cho các ông rồi, chỉ còn cái cây ở trung tâm vẫn thuộc về Lão tăng.

Niêm:    

Biển cả chẳng nạp tử thi.

Tụng:

Dù người liễu ngộ ngời ngời tỏ,
Muôn lự đầu tâm hết lăng xăng;
Trong đây còn có tơ hào dấy,
Vào mắt mạt vàng lại xốn xang.

38.- Cử: Tăng hỏi Hòa thượng Tư (Hành Tư) về đại ý Phật pháp.

Hòa thượng Tư đáp: Ở Lô Lăng giá gạo bao nhiêu?

Niêm:

Bóng trúc quét thềm trần chẳng dấy,
Vầng trăng xuyên biển nước không tỳ.

Tụng:

Lời này quả thật bậc anh linh,
Gồm hết căn cơ tiếp hữu tình.
Một hỏi, Lô Lăng gạo giá mấy,
Hoàn toàn trọn chẳng dính đồ trình.

39.- Cử: Tăng hỏi Thiền sư Văn-thù: Muôn pháp về một, một về chỗ nào? Văn-thù đáp: Sông Hoàng Hà chín khúc.

Niêm:     

Nhân khi có trăng đẹp, bất thần qua Thương Châu.

Tụng: 

Hoàng Hà chín khúc vì nêu ra,
Chẳng dính đồ trình tự đến nhà.
Nhiều kẻ ban ngày mở mắt ngóng,
Đâu hay chim trĩ đến Tân La.

40.- Cử: Nam Tuyền hỏi Triệu Châu: Ngươi là Sa-di có chủ hay Sa-di không chủ? Triệu Châu đáp: Có chủ. Nam Tuyền hỏi: Thế nào là chủ? Triệu Châu khoanh tay thưa: Hôm nay kính chúc Hòa thượng luôn được muôn phước.

Niêm:     

Co tay chuyển chùy chẳng đổi gươm,
Người khéo sử dụng đều được tiện.

Tụng:

Khoanh tay Tùng Thẩm chỉ cho người,
Chẳng kẹt hai bên chủ tự phân.
Đâu phải Hoa Lam Hàn lệnh thuật,
Nào hay khéo nấu rượu Tuân tuần.

41.- Cử: Tăng hỏi Mộc Am: Thế nào là việc của Nạp y (tăng sĩ). Mộc Am đáp: Dùi châm chẳng vào.

Niêm:    

Ngồi yên dứt mảy trần, hư không chẳng lối thông.

Tụng:

Cầm thì mịn mượt, ấn thì mềm,
Trán sắt đầu đồng đụng chẳng xuyên.
Vốn thật hư không, không gián cách,
Đêm về như cũ hoa quế thu.

42.- Cử: Bàng cư sĩ nói: Đây là trường thi Phật, tâm không được đậu về.

Niêm:    

Tháp nhạn đề tên, không dung giấy trắng.

Tụng:

Áo may trăm mảnh giày cỏ xuyên,
Thi Phật trong trường đã có tên.
Nếu bảo tâm không đến ứng cử,
Chẳng ăn roi vọt cũng ăn thoi.

43.- Cử: Từ Minh hỏi Chân Điểm Hung về đại ý Phật pháp. Chân đáp: Không mây sanh đỉnh núi, có trăng rơi lòng sông. Minh hét, nói: Đầu bạc răng vàng vẫn khởi kiến giải này. Chân rơi lệ, giây lâu nói: Không biết thế nào là đại ý Phật pháp? Minh đáp: Không mây sanh đỉnh núi, có trăng rơi lòng sông. Chân đại ngộ.

Niêm:     

Người nhân thấy thì gọi là nhân, người trí thấy thì gọi là trí.

Tụng: 

Kia đây đồng khảy một cung đàn,
Cần phải trao cho bạn tri âm.
Không mây, trăng có tuy đồng đấy,
Nào khác núi cao cùng nước sâu.
Chao! Trọn ngày theo hồng trần,
Chẳng biết báu nhà mình.
Ôi! Buông tay không tựa toàn thể hiện,
Lão chài thuyền nhỏ đậu hoa lau.