Giảng Giải
Phẩm Phổ Môn
Sâm Hạ Đại Viên
Dịch từ Nhật văn qua Hán văn: Đại sư Tinh Vân
Dịch từ Hán văn qua Việt văn: Thích nữ Hạnh Huệ
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Phẩm Phổ Môn đã là một phẩm trong 28 phẩm kinh Pháp Hoa, do đó tên gọi tường tận phải nên gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn Phẩm.
Trước khi nghiên cứu phẩm Phổ Môn, chúng ta không thể không biết đề kinh “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Trong kinh điển Phật giáo, đề kinh là một đại cương toàn bộ kinh, vì đề kinh hay bao quát yếu chỉ một bộ kinh muốn nói. Nhất là năm chữ đề kinh “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, có thể nói bao trùm toàn bộ chân lý vũ trụ, nhiếp trọn yếu nghĩa của tám vạn bốn ngàn pháp môn, bao quát tinh túy của năm ngàn năm trăm quyển kinh. Nếu như triển khai giải thích kỹ càng thì kinh sách mênh mông của ba bộ lớn thuộc Thiên Thai cũng đều ở hết tại đây.
Nguyên tên tiếng Phạn của kinh này là Tát-đàm Phân-đà-lợi Tu-đa-la (Saddharma Pundarika Sutra). Tát-đàm dịch là Diệu Pháp, Phân-đà-lợi dịch là Liên Hoa, Tu-đa-la dịch là Kinh. Người dịch kinh này từ tiếng Phạn ra tiếng Trung Hoa chính là Tam Tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, từ nước Quy Tư đến Trung Quốc mà thành một trong bốn nhà phiên dịch lớn nổi tiếng trên lịch sử Phật giáo, Ngài đã được nói ở mặt trước.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là kinh được đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni vào lúc cuối đời đã nói tại núi Kỳ-xà-quật (còn gọi Linh Thứu) phía Đông Bắc thành Vương Xá. Ngay khi Thích Tôn tuyên giảng bộ kinh này, thính chúng tập hợp tại núi Kỳ-xà-quật có tám vạn Đại Bồ-tát mà ngài Văn-thù và Quán Âm làm thượng thủ; một vạn hai ngàn Đại A-la-hán mà Ma-ha Ca-diếp, Xá-lợi-phất… làm thượng thủ. Ngoài ra còn có Thiên (là tiếng gọi chung các thần ở cõi trời), Long (thần rồng), Dạ-xoa (thần quỷ), Càn-thát-bà (thần nhạc), A-tu-la (thần bạo ác nhất), Ca-lầu-la (kim xí điểu, vua loài chim), Khẩn-na-la (thần ca hát), Ma- hầu-la-già (một loại quỷ thần)… là tám bộ đại chúng, lại có tín chúng Phật giáo thuộc Vương gia như quốc vương, đại thần, phú hào, học giả… đều tụ họp tại hội trường núi Linh Thứu để nghe Thích Tôn thuyết pháp.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa sở dĩ cần gọi là Diệu Pháp vì giáo nghĩa (pháp) mà toàn kinh nói là điều vi diệu rất sâu. Pháp của Diệu Pháp này là chỉ cho các pháp “Thập giới, thập như, quyền – thật”. Thập giới là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tu-la, thiên, nhân, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, cõi Phật. Trong mười cõi này mỗi cõi lại có đủ mười như thị.
“Như thị” là không có phân biệt với chân như, giống như là như thật, như thường, xưa nay chính là như thế. Cái như thị này cùng chia mười loại để thuyết minh, chúng ta trước hết lấy nhân gian trong mười cõi để nói: Nhân gian nhất định có tướng của nhân gian, đây gọi là “như thị tướng”; có tướng bên ngoài rồi nhất định có tính chất hoặc bản tính tương đương với nó, đây là “Như thị tánh”; có ngoại tướng và tánh chất rồi, đây bèn là thể gọi là “Như thị thể”; thể ắt nhất định hàm chứa lực lượng do đó gọi là “Như thị lực”; có sức sẽ hướng ra ngoài làm việc hoặc tác nghiệp, đây gọi là “Như thị tác”; làm tức là hành vi, lấy tác nghiệp này làm nguyên nhân gọi là “Như thị nhân”; cái trợ giúp tăng trưởng nhân gọi là “Như thị duyên”; cái do nhân và duyên kết hợp mà có là “Như thị quả”; ví dụ như người là do nhân đời trước, chịu cái quả đời này làm người, nhưng đồng là người tại nhân gian, lại có nghèo giàu, hiền ngu, khổ vui… quả báo không đồng, đây là duyên cớ từ chỗ chịu quả báo không đồng, do đó sau như thị quả có “Như thị báo”; từ gốc như thị tướng đến ngọn như thị báo, hoàn toàn là chân lý bất biến, đây là chịu phép tắc tự nhiên chi phối, không kể thế nào đều không thể cải biến; do đó gọi là “Như thị bổn mạt cứu cánh đẳng”.
Từ cõi nhân gian có đủ đạo lý “Thập như” mà nhìn chín cõi khác mỗi cõi đủ thập như cũng có thể rõ vậy.
Thêm một bước nữa, ngay trong mười cõi, mỗi cõi đều có đủ mười cõi, vì có tánh đủ và tánh khởi quan hệ chẳng đồng. Ví như cõi địa ngục có đủ chín cõi khác, mà cõi thiện từ nhân gian trở lên, hoặc pháp giới của Tứ thánh xuất thế, đương nhiên đều có đủ. Nhưng cõi giới này mà nó có đủ, chỉ có thể nói là tánh đủ, vì sự khởi tâm động niệm của họ, đều thuộc phương diện ác, do toàn là hoạt động có tánh ác, nhân đó mới chịu quả báo địa ngục.
Ngược lại, cõi Phật cũng có đủ tánh của chín cõi khác, nhưng cũng chỉ là tánh đủ mà không phải tánh khởi, Phật sở dĩ làm Phật là chỉ có tánh khởi thiện, do đó mới có thể phóng ánh sáng cõi Phật. Lối thuyết pháp này thật là chân lý khéo léo của giáo lý Thiên Thai, chúng ta đều nên để vào lòng giờ giờ khắc khắc quán sát; vì đây chính là tu trì thiết thực, không thể xem nó là một loại thuần lý luận.
Hiện tại tạm không bàn về địa ngục và cõi Phật, chỉ theo trong cõi nhân gian có đủ đạo lý mười cõi mà nói một phen, bèn có thể thấy ra nhân gian tại trong một cõi làm sao có đủ mười cõi:
Sân giận – Địa ngục Tham dục – Ngạ quỷ Ngu si – Súc sanh Tật đố – Tu-la
Ngũ giới – Người Thập thiện – Trời Tứ đế – Thanh văn
Thập nhị nhân duyên – Duyên giác Lục độ – Bồ-tát
Cứu cánh – Phật.
Thử từ nhân loại chúng ta trong nội tâm của chính mình mà xét, bèn có thể biết trong một ngày đã có nhân sanh khởi mười cõi, rốt cuộc là sanh khởi tâm thiện từ nhân loại trở lên sánh vai với chư Phật Bồ- tát nhiều chăng? Hay là sanh khởi tâm ác từ nhân loại trở xuống địa ngục ngạ quỷ nhiều? Ngay một cá nhân từ lúc mới thức dậy đều cảm thấy trong lòng như mặt trời buổi sáng vừa lên, như bầu không khí ban mai trong lặng. Đến lúc ăn sáng, vì thức ăn uống ngon dở, liền khởi tâm bất bình. Ngay khi tâm sân giận nổi lên chính là tâm địa ngục đã sanh lên rồi. Kịp đến lúc cùng người lân cận hay gia tộc tranh chấp, bèn sanh khởi nhân đấu tranh của tu-la, sanh khởi nhân súc sanh ngu si. Hoặc cảm thấy đói bụng, bèn là sanh khởi tâm ngạ quỷ. Người ta chịu sự sai khiến khống chế của ngoại cảnh, tình hình cạn cợt của nó là như thế.
Có một câu nói: “Ta mỗi ngày xét thân mình ba lần”. Quyết tâm xét thân mình ba lần này sanh khởi, chính là chứng cứ nhân gian có đủ Phật tánh, cũng chính là cái mở đầu có trí tuệ cõi Phật. Như thế đem chín cõi kia đến thân chúng ta mà so một phen, thì nhân gian có đủ mười cõi là điều rất rõ ràng. Chín cõi kia mỗi cõi có đủ mười cõi, lấy đây làm chuẩn cũng có thể biết.
Nói về quyền thật, từ cõi địa ngục thứ mười đến Bồ-tát là chín cõi đều chỉ quyền, chỉ có cõi Phật mới là thật. Lấy mê ngộ mà chia, vì chín cõi là quyền do đó là cõi mê, vì cõi Phật là thật do đó là cõi ngộ. Nhân đây, chỗ nói Diệu Pháp chính là chỉ các pháp thập giới, thập như, quyền, thật này.
Cái gì gọi là Diệu? Nói khác đi, không thể nghĩ nghì gọi là Diệu. Bất kể là nói mười pháp giới, chẳng kể là nói mười như thị, đều là phép tắc tự nhiên trong trời đất, mà ở trên một niệm cũng có đủ. Nếu như giảng đến phép tắc tự nhiên, đó không phải là luận không nhân không quả của ngoại đạo. Thập như hoàn toàn là pháp nhân quả chiếu theo luật nhân quả mà hiển hiện. Nhân đây từ một điểm tự kỷ có thể hiển hiện mười cõi này mà xem, trừ nói nó là diệu pháp ra, lại còn có thể nói cái gì khác được? Nếu như anh tạo nhân địa ngục, thì dù anh có chán ghét nó thế nào, cũng tất nhiên cảm thọ quả báo của địa ngục ấy. Tạo nhân súc sanh, nhất định đọa trong cõi súc sanh. Đây là phép tắc tự nhiên, đã không phải cái Phật làm, cũng không phải cái phàm phu nói lìa là có thể lìa được. Do đây mà suy, thì tạo nhân thiện mà cảm thọ quả báo thiện cũng lại như thế. Đây đều là phép tắc của mười như thị, là cái không thể di động, pháp vốn như vậy; ba đời xưa nay, nghiễm nhiên trường tồn, trừ việc nói nó vi diệu không thể nghĩ nghì ra, thực không có thể nói gì khác.
Có một điểm cần thiết phải chú ý, chính là không thể nói Diệu Pháp là chân lý vũ trụ thì đó đã biến thành triết lý rồi. Ở đây chỉ có thể đem Diệu Pháp “Thập giới, thập như, quyền – thật” đặt vào tâm làm chân lý là được rồi.
Diệu Pháp như trên đã nói, nếu đem tâm của nhân loại chúng ta mà so, thì có thể biết nhân của mười cõi, hoàn toàn là do mê ngộ của một tâm mà thăng trầm, một điểm chẳng mờ luật nhân quả. Nếu như có thể nhận rõ như thế thì có thể phát hiện ý nghĩa trọng đại của Quán Âm Phổ Môn thị hiện cứu giúp, mà ý tứ của một lòng gọi tên, cũng lại là hiểu rõ thêm một tầng nữa.
Cái gì gọi là Liên Hoa?
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, danh xưng này do Tam Tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch, nguyên văn tiếng Phạn là Tát-đàm Phân-đà-lợi Tu-đa-la, Tát-đàm là gọi tắt của Tát-đạt-ma, Phân-đà-lợi vốn gọi là Phân-đà-lợi-da, nếu muốn biết kỹ thì trong quyển thứ tám của Pháp Hoa Huyền Nghĩa giải thích “Tát-đạt- ma”; “Phân-đà-lợi-da”, “Tu-đa-la” rất tường tận.
“Tát”, trước Cưu-ma-la-thập, ngài Trúc Pháp Hộ dịch là “Chính”, đến thời pháp sư La-thập mới dịch là “Diệu”, “Đạt-ma” tức là “Pháp”, do đó gọi là Diệu Pháp.
“Phân-đà-lợi-da” dịch là “Bạch Liên Hoa” so sánh chính xác, xưa nay nên gọi là “Diệu Pháp Bạch Liên Hoa”, gọi tắt là “Diệu Pháp Liên Hoa”.
Diệu Pháp kết hợp với Liên Hoa thì mang hai ý nghĩa “Đương thể Liên Hoa” và “Thí dụ Liên Hoa”. Đương thể Liên Hoa là lấy nghĩa hoa sen vào bùn nhơ mà chẳng nhiễm, chỗ nói Diệu Pháp xưa nay là thanh tịnh. Diệu Pháp thanh tịnh đó đáng sánh với hoa sen vào bùn nhơ mà không nhiễm. Thí dụ Liên Hoa là lấy nghĩa hoa và hạt đồng thời cùng có. Nói chung mọi loại thực vật đều nở hoa trước, đợi đến lúc hoa rụng, mới kết thành trái hạt. Nhưng chỉ có hoa sen ngay lúc nở, ở nhụy đã có đài quả hạt. Vì hoa sen có hoa quả đồng thời, dùng thí dụ nhân quả không hai của Diệu Pháp, chúng sanh chín cõi lấy mê làm nhân, cõi Phật lấy ngộ làm quả. Từ trong nhân có quả, từ trong quả có nhân, chúng sanh và Phật không hai, nhân quả đồng thời, thật giống hoa quả đồng thời sanh ra của hoa sen, do đó lấy nghĩa thí dụ hoa sen.
Kinh là gì?
Kinh tiếng Phạn gọi là Tu-đa-la. Dịch đúng là khế kinh, nghĩa là trên khế hợp với chân lý chư Phật nói ra, dưới có thể khế hợp căn cơ của chúng sanh, do đó gọi là Khế kinh. Đồng thời, Kinh lại có hai ý là xâu suốt và nhiếp trì. Xâu suốt là nói Như Lai thuyết pháp xưa nay có nghĩa nhất quán. Nhiếp trì là nói Như Lai nhiếp hóa chúng sanh một cách phổ biến không có sơ sót. Lại có nghĩa lời dạy từ kim khẩu của Như Lai, là hằng xưa nay không đổi, do đó gọi là Kinh.
Về xuất xứ của bốn chữ đề kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trong phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa nói: “Như thế chư Phật Như Lai, đến giờ liền nói, như hoa Ưu-đàm-bát đến thời xuất hiện”. Hoa Ưu-đàm-bát hay còn gọi là hoa Ưu-đàm-bát-la, Âu-bát-la, dịch là hoa sen xanh. Đây là một loại hoa nêu điềm lành, tuy có tên nhưng trên thế gian thông thường chưa gặp đến. Tương truyền lúc Như Lai sanh hoặc lúc Kim Luân Vương ra đời, từng xuất hiện loại hoa này. Như Lai khai hiển Diệu Pháp Liên Hoa, giống như nở bung loài hoa đẹp hi hữu này, ở phẩm Phương Tiện nói điều này rất rõ ràng.