BÁT THỨC QUY CỦ TỤNG
(Những bài Tụng khuôn mẫu giảng về tám Thức Tâm Vương)
Tác giả: HUYỀN TRANG
Người toát yếu: KHUY CƠ
Người dịch và giảng giải: THẮNG HOAN

 

ĐỆ NHỊ CHƯƠNG
(Chương thứ hai)

ĐỆ LỤC THỨC TỤNG

DỊCH: Bài Tụng giảng về Tâm Thức thứ sáu.

11.- TAM TÁNH, TAM LƯỢNG THÔNG TAM CẢNH:

DỊCH: Đầy đủ ba Tánh, ba Lượng và thông cả ba Cảnh.

GIẢI:

A.- BA TÁNH: là thiện tánh, ác tánh và vô ký tánh.

1.- THIỆN TÁNH: nghĩa là bản tánh hoàn toàn lương thiện và không có một chút nào xấu ác cả. Nói cách khác, những sự việc đều hoàn toàn mang tính chất thuần nhất theo nguyên lý chân chánh, có lợi ích cho mọi người và cho mọi loài chúng sanh ở hiện tại cũng như tương lai, nên gọi là Thiện.

2.- ÁC TÁNH: nghĩa là những sự việc đều mang tính chất hoàn toàn xấu ác và không có chút nào Thiện cả. Nói cách khác, những sự việc đều ngược lại tính chất Thiện đã được nêu trên, nên gọi là Ác.

3.- VÔ KÝ TÁNH: là những sự việc mang tính chất không phải Thiện và cũng không phải Ác, nghĩa là những sự việc không thể cho là Thiện và cũng không thể cho là Ác, nên gọi là Vô Ký.

B.- BA LƯỢNG: là hiện tượng, tỷ lượng và phi lượng.

1.- HIỆN LƯỢNG: nghĩa là sự hiểu biết trực tiếp đầu tiên những hình ảnh của các cảnh vật hiện bày ra trước mặt mà trong đó không có suy luận và diễn dịch. Đây là sự hiểu biết của năm Tâm Thức trước. Năm Tâm Thức ấy trước khi hiểu biết trực tiếp những cảnh vật bằng hiện lượng là khi nào không có Ý Thức thứ sáu hợp tác. Sự hiểu biết năm Trần Cảnh bên ngoài của năm Tâm Thức, khi không có Ý Thức thứ sáu hợp táp chính là sự hiểu biết trung thực, trong đó không có tính chất phân biệt. Sự hiểu biết này của năm Tâm Thức trước được gọi là Hiện Lượng.

Thí dụ: Anh A trong lúc đọc sách không để ý vào, nghĩa là anh đọc sách bằng Nhãn Thức mà trong lúc đó không có Ý Thức thứ sáu hợp tác để nhận định. Anh đọc chữ vẫn trúng và đọc không sai một chữ nào trong sách. Đây là hiện tượng anh A đọc sách bằng Hiện Lượng.

2.- TỶ LƯỢNG: nghĩa là sự hiểu biết của Tâm Thức có sự so sánh phân biệt trong đó. Đây là sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu. Ý Thức thứ sáu hiểu biết những sự vật bằng cách xét đoán, tính toán theo sự so sánh đúng sai, cân nhắc lợi hại, phân biệt phải quấy, hơn kém v.v… Sự hiểu biết này của Ý Thức thứ sáu được gọi là Tỷ lượng.

3.- PHI LƯỢNG: nghĩa là sự xét đoán của Tỷ Lượng nói trên bị sai lầm và không đúng với sự thật, nên gọi là Phi Lượng. Đây là sự hiểu biết của Thích Mạt Na thứ bảy Thức Mạt Na thứ bảy hiểu biết sự vật bằng cách tưởng tượng và mang tính chất so đo chấp trước. Nói cách khác, Thức Mạt Na thứ bảy căn cứ theo những dữ kiện của Ý Thức thứ sáu xét đoán so lường, liền đặt lên quan niệm thương ghét, khen chê, tốt xấu, phải quấy v.v… của mình để suy luận. Sự suy luận này của Thức Mạt Na thứ bảy đều hoàn toàn sai lầm và không đúng chân giá trị của thực tại, nên gọi là Phi Lượng.

C.- BA CẢNH: là những cảnh giới đối diện của Căn và đối tượng của Tâm Thức. Căn ở đây chỉ cho những giác quan gồm có: Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỷ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn và Ý Căn, còn Tâm Thức thì gồm có tám Thức Tâm Vương. Cảnh ở đây thì gồm có ba loại: Tánh Cảnh, Đới Chất Cảnh và Độc Ảnh Cảnh.

1- TÁNH CẢNH: là những cảnh giới có thể chất chân thật do Duy Thức biến hiện để làm đối tượng cho Tâm Thức hiểu biết. Tánh Cảnh ở đây tức là chỉ cho vạn sự vạn vật có sức sống trong đó và chúng hiện có mặt trong thế gian để làm đối tượng cho Tâm Thức nương tựa sinh hoạt phân biệt hiểu biết.

2- ĐỚI CHẤT CẢNH: là những cảnh giới do Tâm Thức mê vọng chấp trước, nương theo thế giới tánh Cảnh xây dựng thành. Thế giới Đới Chất Cảnh so sánh chỉ giống tương tợ nơi thế giới Tánh Cảnh, nó không phải giống nhau trăm phần trăm so với thế giới tánh Cảnh. Đây là chỉ cho những cảnh vật do Ý Thức thứ sáu sáng tạo như là thành phố, lâu đài, nhà lầu, xe hơi, bông ni lông v.v… Chúng nó hoàn toàn không có sức sống trong đó, nên gọi là Đới Chất Cảnh.

3- ĐỘC ẢNH CẢNH: là những cảnh tượng chỉ có trong tư tưởng của con người, và trên thực tế chúng không bao giờ có trong thế gian. Độc Ảnh Cảnh chính là những hình ảnh thuộc Phi Lượng so Ý Thức thứ sáu vọng tưởng điên đảo sáng tạo nên, đều gọi là Độc Ảnh Cảnh. Những hình ảnh này như là Thiên Đường, Địa Ngục, Thổ Địa, Táo Quân v.v… tất cả đều là Độc Ảnh Cảnh.

D- Ý THỨC:  là Tâm Thức thuộc hàng thứ sáu trong tám Tâm Thức. Sự hiểu biết của Tâm Thức này được phân làm hai loại: một loại là Minh Liễu Ý Thức và một loại là Độc Đầu Ý Thức.

1- MINH LIỄU Ý THỨC: nghĩa là Ý Thức thứ sáu có khả năng minh định sự vật một cách rõ ràng chính xác và không có chút lầm lẫn qua sự phân biệt nhận thức. Đây cũng gọi là Ngũ Câu Ý Thức, nghĩa là Ý Thức thứ sáu hợp tác với năm Tâm Thức ở trước để cùng nhau hiểu biết năm Trần Cảnh của một sự vật bên ngoài. Minh Liễu Ý Thức thường tác dụng sinh hoạt nằm trong ba Lượng. Trong ba Lượng, Minh Liễu Ý Thức thường tác dụng sinh hoạt trong lãnh vực Hiện Lượng nhiều hơn, còn lãnh vực Tỷ Lượng và Phi Lượng, Tâm Thức này ít khi tác dụng sinh hoạt liên hệ.

2- ĐỘC ĐẦU Ý THỨC: nghĩa là Ý Thức thứ sáu tự đông sinh hoạt với những cảnh giới riêng biệt của mình mà lúc đó không cần đến năm Tâm Thức ở trước hợp tác. Độc Đầu Ý Thức gồm có:

a/- BẢN VỊ Ý THỨC: nghĩa là Ý Thức thứ sáu chỉ duyên với các giả tưởng (những hình tướng giả tạo) và so sánh các giả danh (những danh từ giả tạo do tưởng tượng đặt ra để xưng hô) của vạn pháp hiện còn nguyên bản vị mà lúc đó chúng nó chưa bị tác dụng biến tướng. Ý Thức thứ sáu phân biệt suy luận cho những giả tướng và cho những giả danh của vạn pháp chính là cảnh vật chân thật và tồn tại ngoài Tâm Thức. Thí dụ như, Ý Thức thứ sáu của con người thường hồi tưởng (nhớ lại) những hình ảnh (giả tướng), những danh xưng và ý nghĩa (giả danh) của quá trình sinh hoạt hiện đang nằm nguyên vẹn (nguyên bản vị) trong Tiềm Năng (Memories) mà chúng nó chưa bị tác dụng biến thể. Ý Thức thứ sáu hồi tưởng và phân biệt những hình ảnh trong Tiềm Năng này qua sự so sánh bởi Tỷ Lượng và Phi Lượng.

b/- SUY TRUNG Ý THỨC: nghĩa là Ý Thức thứ sáu suy xét các hiện tượng của sự vật qua suy luận và tưởng tượng. Nói cách khác, Ý Thức thứ sáu thường dựa theo các dữ kiện đã có sẵn rồi bắt đầu suy luận để tìm kiếm kết luận cho sự việc. Thí dụ như khi nhìn thấy khói phát lên, Ý Thức thứ sáu liền xét đoán cho rằng có lửa cháy đâu đó. Dựa theo những dữ kiện như đã trình bày ở trên. Ý Thức thứ sáu sinh hoạt suy luận và diễn dịch bằng sự tưởng tượng thường nằm trong lãnh vực Tỷ Lượng và Phi Lượng. (Phi Lượng là lượng xét sai lầm).

c/- ĐỊNH TRUNG Ý THỨC: nghĩa là Ý Thức thứ sáu chỉ riêng một mình sinh hoạt trong Thiền Định để duyên những cảnh giới sở quán (những cảnh giới làm đối tượng cho Ý Thức thứ sáu quán chiếu). Trường hợp này, Ý Thức thứ sáu sinh hoạt duyên cảnh bằng cách trực giác (hiểu biết trực tiếp nơi cảnh vật) qua Hiện Lượng, gọi là Định Trung Ý Thức.

d/- MỘNG TRUNG Ý THỨC: nghĩa là Ý Thức thứ sáu sinh hoạt nhận thức những cảnh vật trong mộng (Dream).

e/- CUỒNG LOẠN Ý THỨC: nghĩa là Ý Thức thứ sáu sinh hoạt trong trạng thái điên cuồng, rối loạn. Trường hợp này, Ý Thức thứ sáu nhận thức những cảnh vật một cách sai lạc, hiểu biết không đúng như thật của sự vật. Sự sinh hoạt hiểu biết này của Ý Thức thứ sáu trong tình trạng điên loạn thì hoàn toàn Phi Lượng.

Ý Thức thứ sáu sở dĩ có nhiều tên khác nhau là do nó tác dụng sinh hoạt trong nhiều lãnh vực không giống nhau mà định danh (đặt tên). Trên thực tế, căn cứ nơi tính chất của mỗi Tâm Thức, Tâm Thức thứ sáu chỉ có một tên thường gọi là Ý Thức, một trong tám Thức Tâm Vương.

Đứng trên lập trường ba Cảnh mà khảo sát, chúng ta nhận thấy: Khi thiền định, Ý Thức thứ sáu tự mình trực tiếp duyên lấy hiện cảnh bằng phương pháp quán chiếu. Ý Thức thứ sáu nhận thức những cảnh vật thiền quán thì không có vấn đề so đo chấp trước. Những cảnh vật trong thiền quán mà Ý Thức thứ sáu nhận thức đều thuộc về Tánh Cảnh.

Những cảnh tượng mà Ý Thức thứ sáu cùng hợp tác với các Tâm Vương và những Tâm Sở khác để duyên lấy đều là Cảnh Đới Chất (Cause’s Images of Illusions) và những cảnh tượng Đới Chất này lại được phát sanh từ nơi cảnh vật đối tượng có thật chất hiện đang có mặt bên ngoài.

Nhữn hình tướng thuộc về quá khứ và những hình tướng thuộc về vị lai, cho đến những hình tướng thuộc loại tưởng tượng mà Ý Thức thứ sáu duyên đến đều hoàn toàn là Độc Ảnh Cảnh.

Ngoài ba Cảnh, ba Lượng vừa nêu trên, Ý Thức thứ sáu còn có khả năng liên hệ chặt chẽ với ba Tánh là: Thiện Tánh, Ác Tánh, và Vô Ký Tánh. Trong ba Tánh đó, Ý Thức thứ sáu không bỏ sót một Tánh nào.

12.- TAM GIỚI LUÂN THỜI DỊ KHẢ TRI:

DỊCH: Khi luân hồi trong ba cõi (Tam giới), Tâm Thức thứ sáu này cũng dễ hiểu được.

GIẢI: Các loài chúng sanh hữu tình trong ba cõi đều có Ý Thức thứ sáu và Ý Thức thứ sáu sinh hoạt thì cũng dễ hiểu biết. Nguyên do hành tướng của Tâm Thức này mỗi khi tác dụng đều hiện bày rõ ràng dễ nhận định. Sự sinh hoạt của Ý Thức thứ sáu thì không mờ ảo như Thức Mạt na thứ bảy và không thầm kín như Thức Alaya thứ tám. Tất cả chúng sanh hữu tình nếu như không có Ý Thức thứ sáu hiện hữu thì cuộc sống của họ nhất định không có ý nghĩa. Những chúng sanh không có Ý Thức thứ sáu trong đó thì không được gọi là hữu tình và chúng nó được gọi là Chúng Sanh Vô Tình. Chúng Sanh Hữu Tình nghĩa là chúng sanh có tình cảm và hiểu biết, biết phân biệt, biết thương ghét v.v… Đây là chỉ cho loài người và các loài động vật khác. Chúng Sanh Vô Tình nghĩa là chúng sanh không có tình cảm và hiểu biết, chỉ sống the bản năng tự nhiên. Đây là chỉ chó các loài thực vật như cỏ cây sông núi v.v… Những chúng sanh hữu tình dù lớn như loài người cho đến dù nhỏ như vi trùng đều có Ý Thức thứ sáu sinh hoạt trong đó, nên gọi là Hữu Tình.

13.- TƯƠNG ƯNG TÂM SỞ NGŨ THẬP NHỨT:

DỊCH: Ý Thức thứ sáu thường tương ưng (thường kết hợp) với 51 Tâm Sở.

GIẢI:  Trong tám Thức Tâm Vương, đặc biệt nhất chỉ Ý Thức thứ sáu mới có thể kết hợp (tương ưng) được với tất cả 51 Tâm Sở, nghĩa là Ý Thức thứ sáu có khả năng quan hệ mật thiết được tất cả 51 Tâm Sở. Các Tâm Thức khác thì không có khả năng này, nghĩa là các Tâm Thức khác chỉ kết hợp được một số Tâm Sở thích hợp với mình mà thôi. Tương Ưng nghĩa là cùng nhau ưng thuận kết hợp trong sự hợp tác để cùng nhau duyên cảnh. Nói cách khác, Tương Ưng nghĩa là Tâm Vương kết hợp những loại Tâm Sở đồng tánh với nhau, cùng nhau sinh hoạt một chỗ, cùng nhau phát khởi tác dụng một lúc (cùng một thời) và tất cả cùng nhau duyên một cảnh, nên gọi là Tương Ưng.

14.- THIỆN ÁC LÂM THỜI BIỆT PHỐI CHI:

DỊCH: Ý Thức thứ sáu gặp lúc tự mình tương ưng riêng biệt với Tâm Sở Thiện hoặc tương ưng riêng biệt với tâm Sở Ác.

GIẢI: Ý Thức thứ sáu thì đầy đủ ba Tánh, ba Lượng và ba Cảnh. Ý Thức thứ sáu nguyên do sinh hoạt hiện bày tướng trạng rõ ràng qua hành động thô thiển, cho nên có thể kết hợp (tương ưng) với tất cả 51 Tâm Sở, nhưng tính chất của các Tâm Sở thì không đồng nhất với nhau và thường trái nghịch lẫn nhau. Do đó Ý Thức thứ sáu không thể kết hợp cùng một lúc với tất cả 51 Tâm Sở và cũng không thể cùng 51 Tâm Sở tác dụng duyên cảnh một lượt, nghĩa là Ý Thức thứ sáu không thể có Đức Tín (Tâm Sở Tín) xuất hiện một khi còn bị Nghi Ngờ (Tâm Sở Nghi) lôi cuốn. Thế nên, Ý Thức thứ sáu mỗi khi gặp những hoàn cảnh mang tính chất lương thiện làm đối tượng thì ngay lúc đó liền kết hợp và nhờ các Tâm Sở Thiện hỗ trợ. Ý Thức thứ sáu mỗi khi gặp những hoàn cảnh mang tính chất hung ác làm đối tượng thì ngay lúc đó liền kết hợp và nhờ các Tâm Sở Ác hỗ trợ. Ý Thức thứ sáu không thể kết hợp (tương ưng) cùng một lúc với tất cả Tâm Sở không đồng tính chất.

15.- TÁNH GIỚI THỌ TAM HẰNG CHUYỂN DỊCH:

DỊCH: Đối với ba loại: Tánh, Giới, Thọ, Ý Thức thứ sáu thường thay đổi tùy theo từng trường hợp.

GIẢI: Ý Thức thứ sáu thường thay đổi theo ba Tánh (Thiện tánh, Ác tánh, Vô ký tánh), thường thay đổi theo ba Giới (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới) và cũng thường thay đổi theo ba Thọ (Khổ thọ, Lạc thọ, Xả, thọ), nghĩa là Ý Thức thứ sáu có khi lương thiện, có khi hung dữ, có khi ở trong Định và lắm lúc Ý Thức thứ sáu có khi đi đến những cảnh giới Tứ Thiền (Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền) đi đến những cảnh giới Tứ Không (Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ) v.v… Nhưng khi xuất Định (ra khỏi Thiền Định), Ý Thức thứ sáu vẫn là Ý Thức của Dục Giới không hề thay đổi, ngoại trừ trường hợp Ý Thức thứ sáu này được chuyển thành Trí Diệu Quan Sát. Ý Thức thứ sáu cũng có khi lãnh thọ những điều vui sướng, có khi lãnh thọ những điều khổ đau và có khi lãnh thọ những điều bình thường (không có trạng thái vui sướng hay khổ đau). Cho nên bài Tụng nói rằng: Ý Thức thứ sáu tùy trường hợp đổi thay theo ba Tánh, ba Giới và ba Thọ.

16.- CĂN TÙY TÍN ĐẲNG TỔNG TƯƠNG LIÊN:

DỊCH: Căn bản Phiền Não, Tùy Phiền Não, Thiện v.v… cùng liên hệ và thay đổi theo Ý Thức thứ sáu.

GIẢI: 51 tâm Sở như là: Căn Bản Phiền Não, tùy Phiền Não và Tâm Sở Thiện v.v… cnùg nhau liên tiếp thay đổi theo Ý Thức thứ sáu. Nói cách khác, Ý Thức thứ sáu đã thường thay đổi theo tính chất của sự việc thì lúc đó các tâm Sở cũng thay đổi theo tính chất của Ý Thức thứ sáu. Ý Thức thứ sáu trở nên lương thiện thì các Tâm Sở Thiện cũng theo đó hiện khởi để kết hợp (tương ưng). Ngược lại, Ý Thức thứ sáu trở nên hung ác thì các tâm Sở Bất Thiện cũng theo đó hiện khởi để kết hợp (tương ưng).

17.- ĐỘNG THÂN PHÁT NGỮ ĐỘC VI TỐI:

DỊCH: Ý Thức thứ sáu độc nhứt làm chủ hành động cho việc phát động Thân Nghiệp hay Ngữ Nghiệp.

GIẢI: Điộng thân là chỉ cho thân nghiệp. Phát ngữ là chỉ cho khẩu nghiệp. Động thân nghĩa là thân thể hành động tạo thành nghiệp báo. Phát ngữ nghĩa là miệng lưỡi phát ra lời nói tạo thành nghiệp báo. Những nghiệp lành và những nghiệp dữ thường phát sanh từ nơi thân thể hành động hoặc từ nơi miệng lưỡi nói năng. Nghiệp lành là những hành vi làm lợi ích cho mình và cho mọi người được kết thành năng lực. Ngược lại, nghiệp dữ là những hành vi thường làm tổn hại cho mình và cho mọi người cũng được kết thành năng lực. Theo luật Nhân Quả, Nghiệp ở đây được gọi là nghiệp nhân và nghiệp quả, nghĩa là thân thể và miệng lưỡi của chúng sanh đã gây tạo nên nghiệp nhân thì nhất định sau này tùy theo nghiệp nhân đó họ phải hưởng thọ những nghiệp quả khổ đau hoặc vui sướng. Nhân nào thì quả như thế đó, nhân xấu ác thì quả nhất định phải khổ đau, và nhân phước thiện thì quả phải an vui. Sự thành hình nhân quả nói trên là do Nghiệp quyết định vận mệnh cả.

Thật ra, thân thể tự nó không thể hành động tạo nghiệp và miệng lưỡi cũng không thể nói năng tạo nghiệp nếu như không có Ý Thức thứ sáu đứng sau lưng điều khiển. Thân thể và miệng lưỡi ở đây chỉ là những bộ máy sinh hoạt theo Ý Thức thứ sáu điều khiển. Ý Thức thứ sáu, khi đối diện với cảnh vật bên ngoài, trước hết liền phát khởi phân biệt, xét nghĩ, so đo về mặt lợi hại của sự vật để lãnh thọ những điều được thua từ nơi sự vật đó. Đồng thời Ý Thức thứ sáu suy lường, tính toán thiết lập kế hoạch hành động để làm thế nào đi đến kết quả gặt hái được những điều tốt đẹp và lợi ích. Sau khi Ý Thức quyết định xong, các tâm Sở thừa lệnh điều khiển miệng lưỡi và thân thể sinh hoạt tạo nghiệp theo sự chỉ đạo của Ý Thức thứ sáu. Một khi đối diện với hoàn cảnh, Ý Thức thứ sáu sai khiến các Tâm Sở hoạt động, có lúc thân cận, có khi xa xách, có lúc hỗ trợ, có khi đánh phá, có lúc chê bai, có khi khen ngợi v.v… khiến gây nên những điều lợi ích hoặc những việc tổn hại giữa mình và mọi người chung quanh. Đây là những hành động của Ý Thức thứ sáu gây nên và những hành động đó được gọi là Ý nghiệp, còn Tâm Thức thứ tám và Tâm Thức thứ bảy thì không lanh lợi như Ý Thức thứ sáu và chúng chỉ bị lôi cuốn xoay vần theo nghiệp hiện tại thúc đẩy. Thế nên, Tâm Thức thứ tám và Tâm Thức thứ bảy không thể tự mình riêng tạo lấy nghiệp mà ở đây hai Tâm Thức thứ tám và thứ bảy chỉ có thể hỗ trợ cho Ý Thức thứ sáu sinh hoạt tạo nghiệp.

Riêng năm Tâm Thức ở trước, tuy là hiểu biết ngoại cảnh, nhưng không có khả năng suy xét, cũng không thể nhận định một cách rõ ràng về tính chất, về giá trị và về ý nghĩa của sự vật giống như Ý Thức thứ sáu, vì thế năm Tâm Thức  đây cũng không thể tự mình tạo nghiệp và chúng nó chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ cho Ý Thức thứ sáu tạo nghiệp. Như vậy, về phần tạo nghiệp, Ý Thức thứ sáu mới chính là thủ phạm trực tiếp chủ mưu hành động tạo nghiệp.

Vấn đề Động thân và Phát ngữ ở đây là căn cứ nơi Nghiệp của loài người mà định nghĩa, nhưng trong các cõi Vô Sắc, chúng sanh hữu tình không có Thân Thể vật chất giống như loài người. Họ chỉ lấy Tâm Thức làm thân thể và Thân Thức của họ chính là Kiến Phần Thức Alaya làm thân. Nơi đấy, họ chỉ còn Ý Thức thứ sáu hoạt động tạo nghiệp mà thôi. Ý Thức thứ sáu của họ có thể một mình phát khởi tạo nghiệp mà không cần phải động thân và cũng không cần phải phát ngữ giống như các chúng sanh ở cõi người, nguyên vì họ không có thân thể vật chất.

18.- DẪN MĂNG NĂNG CHIÊU NGHIỆP LỰC KHIÊN:

DỊCH: Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp là do Ý Thức thứ sáu phát động. Chúng sanh tùy theo nghiệp lực nói trên để cảm nhận lấy quả báo cho kiếp sau.

GIẢI: Nghiệp gồm có Nghiệp Nhân và Nghiệp Quả. Nghiệp Nhân là nguyên nhân của Nghiệp lực, tức là chỉ cho hạt giống của Nghiep lực được kết thành tiềm năng nằm yên trong Thức Thể Alaya. Nghiệp Quả là kết quả của Nghiệp Nhân, nghĩa là Nghiệp Nhân (hạt giống) của tiềm năng trong Thức Thể Alaya đã nảy mầm và kết thành Nghiệp Quả. Con người hành động tạo nên Nghiệp Nhân thì nhất định phải hưởng lấy quả báo của Nghiệp đó mang lại, gọi là Nghiệp Quả. Nghiệp có hai loại: Dẫn Nghiệp và Mãn Nghiệp.

a/- DẪN NGHIỆP: nghĩa là nghiệp lực dẫn dắt chúng sanh đi đầu thai vào cõi này hay cõi khác của kiếp sau. Nghiệp Thiện thì dẫn dắt con người sau khi chết đi vào những cõi Thiện và Nghiệp Ác thì dẫn dắt con người sau khi chết đi vào những cõi Ác tùy theo tính chất của Nghiệp đó lôi cuốn.

Thí dụ: Chúng sanh hữu tình nào trong kiếp này nếu như lỡ lầm gây tạo những Nghiệp Thập Ác thì kiếp sau họ sẽ bị đọa vào thế giới Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh, còn như chúng sanh hữu tình nào trong này nếu như gây tạo những Nghiệp Thập Thiện thì kiếp sau họ sẽ vào các cõi trời. Với những trường hợp này, tất cả chúng sanh hữu tình đều do Nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai, nên gọi là Dẫn Nghiệp.

b/- MÃN NGHIỆP: là Nghiệp đã đầy đủ, đã chấm dứt. Nghĩa là Nghiệp Nhân đó được kết quả đầy đủ, đã được hoàn thành trọn vẹn, đã được kết thúc nghiệp báo, tức là Nghiệp Quả đã chấm dứt và không còn tái sanh lần thứ hai nữa. Mãn Nghiệp cũng có hai loại:

1.- CHẤM DỨT NGHIỆP QUẢ: nghĩa là Nghiệp Quả hiện trong đời này mà con người đang hưởng thụ chính là kết quả của Nghiệp Nhân ở kiếp trước do họ gây tạo. Giờ đây Nghiệp Nhân đó bắt đầu chấm dứt hẳn và không còn tái diễn Nghiệp Quả trở lại lần thứ hai nữa một khi con người chuyển sang kiếp sau, nên gọi là Mãn Nghiệp.

Thí dụ; Anh A đã gây tạo Nghiệp nhân giết heo quá nhiều ở đời này. Sau khi chết, anh bỏ kiếp người lại chuyển sang kiếp heo ở đời sau theo luật Nhân quả nghiệp báo quyết định. Trường hợp này kiếp người của anh A giờ đây đã chấm dứt, được  gọi là Mãn Nghiệp con người.

2.- HƯỞNG THỤ NGHIỆP QUẢ: nghĩa là Nghiệp Quả của Nghiệp nhân nơi kiếp trước, hiện nay đã tròn đầy ở kiếp này để cho con người hưởng thụ một cách trọn vẹn và họ hưởng thụ Nghiệp Quả không thiếu sót một mảy may, nên cũng gọi là Mãn Nghiệp.

Thí dụ: Chúng sanh nào ở kiếp này ưa thích làm phước bố thí thì đến kiếp sau, họ sẽ được hưởng quả báo giàu sang sung sướng. Chúng sanh nào ở kiếp này ưa thích bỏn xẻn keo kiết thì đến kiếp sau, họ phải bị nghèo cực, khổ sở. Người nào ở kiếp này sống cuộc sống chân chánh thì đến kiếp sau, họ sẽ được diện mạo đoan trang và người nào ở kiếp này sống cuộc sống tà vạy bất chánh thì đến kiếp sau, họ sẽ bị hưởng lấy quả báo là thân thể xấu xí, ngu đần. Những quả báo vừa nêu ở trên đều được gọi là Mãn Nghiệp cả.

Trong hai loại Nghiệp vừa trình bày, Dẫn Nghiệp mới chính là chủ yếu trong sự dẫn dắt chúng sanh hữu tình đi đến thọ lấy quả báo kiếp sau, còn Mãn Nghiệp thì chỉ trợ giúp cho chúng sanh hữu tình hưởng thụ những Nghiệp báo đó thôi. Cũng vì Dẫn Nghiệp và Mãn Nghiệp lôi kéo, các loài chúng sanh hữu tình phải bị luân hồi trong sáu cõi, nhưng Dẫn Nghiệp và Mãn Nghiệp phần nhiều là do Ý Thức thứ sáu sanh ra. Ý Thức thứ sáu tạo thành Nghiệp nhân qua hành động, qua lời nói và qua ý tưởng để chịu Nghiệp quả. Bao nhiêu sự cảm thọ quả báo khổ vui thiện ác của chúng sanh hữu tình ở kiếp này đều là do Nghiệp lực quyết định tất cả mà trong đây không một ai có quyền thưởng phạt đến. Các Nghiệp thiện ác được huân tập (kết tụ) lâu ngày trở thành tập quán và chỉ Ý Thức thứ sáu mới có khả năng cảm thọ những quả báo khổ vui do các Nghiệp Thiện Ác nói trên dẫn dắt.

19.- PHÁT KHỞI SƠ TÂM HOAN HỶ ĐỊA:

DỊCH: Đến Địa Vị Hoan Hỷ mới phát khởi được Sơ Tâm.

GIẢI: Hoan Hỷ Địa là bậc Sơ Địa của Bồ Tát. Hoan Hỷ Địa là một trong Thập Địa của Bồ Tát. Ngôi vị này đã diệt được Phân Biệt Ngã Chấp và pháp Chấp, nghĩa là người tu đến ngôi vị này không còn chấp Ngã và chấp Pháp do bởi sự phân biệt của Ý Thức thứ sáu nữa. Cho nên người tu tập mỗi khi đạt đến ngôi vị này thì sung sướng không gì bằng. Bởi thế, ngôi vị Sơ Địa Bồ Tát được gọi là Hoan Hỷ Địa. Ở ngôi vị Hoan Hỷ Địa, Ý Thức thứ sáu đã bắt đầu thể hiện được Trí Diệu Quan Sát và thường gọi là Diệu Quan Sát Trí. Trí Diệu Quan Sát là trí tuệ sáng suốt có khả năng quán chiếu và hiểu biết nguyên lý thâm sâu của vạn pháp một cách mầu nhiệm. Trí Diệu Quan Sát tức là tên riêng của Ý Thức thứ sáu sau khi Ý Thức này được chuyển thành Trí Tuệ.

20.- CÂU SANH DO TỰ HIỆN TRIỀN MIÊN:

DỊCH: Bây giờ các thứ Câu sanh còn đương dây dưa chưa nhiếp phục được.

GIẢI: Câu Sanh nghĩa là cùng sanh một lượt với chúng sanh. Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp nghĩa là hạt giống Ngã Chấp và Pháp Chấp cùng ra một thời gian với chúng sanh. Chúng sanh được sanh ra từ vô lượng kiếp về trước thì hạt giống Ngã Chấp và Pháp chấp cũng được sanh ra từ vô lượng kiếp về trước, nên gọi là Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp. Đây là chỉ cho bản chất Ngã Chấp và Pháp Chấp đã được tàng trữ trong Thức Thể Alaya với tính cách hạt giống, còn vấn đề Phân Biệt Ngã Chấp và Pháp Chấp nghĩa là sự chấp ngã và chấp pháp ở đây sở dĩ được thành hình là do bởi Ý Thức thứ sáu phân biệt chấp trước vạn pháp tạo nên, do đó sự chấp ngã và chấp pháp nói trên được gọi là Phân Biệt Ngã Chấp và Pháp Chấp.

Hai thứ Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp ở ngôi vị Sơ Địa Bồ Tát vẫn còn hiện khởi tác dụng, nên gọi là TRIỀN. Hạt giống (chủng tử) Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp vẫn còn nằm yên trong Tạng Thức thứ tám. Người tu tập ở ngôi vị Sơ Địa Bồ Tát vẫn chưa có thể chinh phục được và cũng chưa có thể đoạn diệt hết tận gốc rễ của những hạt giống Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp vừa trình bày, nên gọi là MIÊN. Đây là chỉ cho giá trị sự tu tập của ngôi vị Sơ Địa Bồ Tát, một trong Thập Địa. Ngôi vị Sơ Địa Bồ Tát vẫn chưa đạt đến trạng thái thường an trụ nơi cảnh giới Nhị Không Chân Như (Chân thật của Ngã Không và Pháp Không). Họ tuy đã đoạn diệt được các vọng chấp về phần thô thiển bên ngoài của sự Phân Biệt Ngã Chấp và Pháp Chấp, nhưng họ vẫn chưa có thể chinh phục và cũng chưa có thể điều khiển được tính chất căn nguyên phiền não về phần gốc rễ của Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp. Do đó ở ngôi vị này, họ vẫn chưa hoàn toàn tự tại giải thoát, nên gọi là Triền Miên.

21.- VIỄN HÀNH ĐỊA HẬU THUẦN VÔ LẬU:

DỊCH: Sau khi chứng đến ngôi vị Viễn Hành Địa, Ý Thức thứ sáu trở nên thuần chất vô lậu (không còn sa rớt trong vòng luân hồi sinh tử trong ba cõi nữa).

GIẢI: Viễn Hành Địa tức là chỉ cho ngôi vị Bồ Tát Địa thứ bảy. Trong mười Địa (Thập Điạ), Sơ Địa Bồ Tát là ngôi vị Bồ Tát Địa thứ ban đầu, tức là Bồ Tát Địa thứ nhất, Ly Cấu Địa là Địa thứ hai, Phát Quang Địa là Địa thứ ba, Diệm Huệ Địa là Địa thứ tư, Cực Nan Thắng Địa là Địa thứ năm, Hiện Tiền Địa là Địa thứ sáu, Viễn Hành Địa là Địa thứ bảy, Bất Động Địa là Địa Thứ tám, Thiện Huệ Địa là thứ chín và Pháp Vân Địa là Địa thứ mười. Riêng ở ngôi vị Viễn Hành Địa là Bồ Tát Địa thứ bảy, các chướng ngại về Phiền Não (Phiền Não Chướng) và các chướng ngại về chỗ Hiểu Biết (Sở Tri Chướng) trong ba cõi (Tam Giới) không còn hiện khởi nữa. Thế nên ở ngôi vị này, Ý Thức thứ sáu thường kết hợp (tương ưng ) với Diệu Quan Sát Trí, nghĩa là Ý Thức thứ sáu thường thể hiện được Trí Diệu Quan Sát, Ý Thức thứ sáu mặc dù thể hiện được Trí Diệu Quan Sát ở ngôi vị Bồ Tát Địa thứ bảy, nhưng sử dụng Trí Tuệ Diệu Quan Sát vô lậu nói trên chưa được thuần thục. Đến khi chứng được ngôi vị Bất Động Địa ở bậc thứ tám Ý Thức thứ sáu mới thật sự an trú nơi cảnh giới Nhị Không Chân Như (Cảnh giới chân thật của Ngã Không và Pháp Không). Chừng đó Ý Thức thứ sáu đạt đến đạo hạnh thuần thục và không cần phải dụng công trong việc quán chiếu nữa. Thế là Ý Thức thứ sáu đã thật sự chứng được Trí Tuệ thanh tịnh vô lậu, tức là Trí Diệu Quan Sát viên mãn.

22.- QUÁN SÁT VIÊN MINH CHIẾU ĐẠI THIÊN:

DỊCH: Trí Quán Sát viên mãn sáng soi khắp Đại Thiên Pháp Giới.

GIẢI: Trí Quán Sát tức là Trí Diệu Quan Sát. Trí Tuệ này viên mãn thanh tịnh có khả năng soi sáng và chiếu khắp thật tướng của các pháp, thấu rõ vô lượng pháp môn, đầy đủ diệu dụng thần thông vô ngại, biện tài như ý, thuyết pháp tự tại, Trí Tuệ này tùy theo trình độ của chúng sanh khéo hiện bày các phương tiện diệu dụng nhằm mục đích phá tan các điều nghi hoặc và khiến cho tất cả chúng sanh đều được lợi ích trên con đường tu tập. Trí Diệu Quan Sát thì rất rộng lớn bao dung, chẳng những có khả năng độ sanh trong một thế giới này và còn diệu dụng độ sanh khắp cả Đại Thiên Thế Giới, nghĩa là Trí Diệu Quan Sát đủ quyền năng hóa độ chúng sanh trong tất cả thế giới nhiều như hằng Tỷ Thái Dương Hệ (SolarSystems). Trí Diệu Quan Sát có thể soi sáng khắp mọi nơi để hóa độ chúng sanh tùy theo trình độ giao cảm của mỗi loài. Mặc dù sử dụng đức hạnh không còn dụng công (Vô công dụng trụ) của chư Phật để hóa độ chúng sanh, nhưng Trí Diệu Quan Sát vẫn không rời khỏi cảnh giới Nhị Không Chân Như một cách tự tại của ngôi vị Bồ Tát Bất Động Địa thứ tám.