增 壹 阿 含 經
KINH TĂNG NHẤT A-HÀM
Đông Tấn Cồ Đàm Tăng Ca Đề Bà dịch
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
PL 2541 – TL 1997

 

TẬP I

XIX. PHẨM KHUYẾN THỈNH

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Ma-kiệt, dưới cội Bồ-đề ở Ðạo tràng.

Bấy giờ Thế Tôn đắc đạo chưa bao lâu, liền sanh niệm này:

“Nay Ta đắc pháp rất sâu, khó hiểu khó rõ, khó thể hiểu biết, không thể tư duy. Trí thôi dứt vi diệu là sự hiểu biết có thể phân biệt nghĩa lý, tu tập không chán liền được hoan hỉ. Nếu Ta thuyết diệu pháp cho người, người không tin nhận cũng chẳng vâng làm; đã lao nhọc mà còn hao tổn. Nay Ta nên im lặng, đâu nên thuyết pháp”.

Bấy giờ Phạm thiên ở trên trời Phạm thiên biết Như Lai nghĩ như thế, ví như trong khoảng lực sĩ co duỗi cánh tay, liền biến mất ở trời Phạm thiên, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Phạm thiên bạch Thế Tôn:

– Cõi Diêm-phù-đề này ắt sẽ bại hoại, con mắt của ba cõi bị mất. Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, xuất hiện ở đời, nên diễn bày pháp bảo. Nhưng nay Ngài lại chẳng diễn bày pháp vị, cúi mong Như Lai khắp vì chúng sanh, rộng nói pháp thâm sâu. Hơn nữa, chúng sanh ở đây căn nguyên dễ độ. Nếu người chẳng được nghe thì trọn mất pháp nhãn. Ðây Ngài nên vì pháp mà lưu truyền lại. Ví như hoa sen Ưu-bát, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Phân-đà-lợi, tuy ra khỏi đất mà chưa ra khỏi nước, cũng chưa xòe nở. Bấy giờ, hoa kia dần dần muốn sanh mà chưa ra khỏi nước, hoặc lúc hoa này đã ra khỏi mặt nước, hoặc lúc hoa này không bị thấm nước. Chúng sanh đây cũng lại như thế, vì sanh, lão, bệnh, tử, chỗ thấy bức xúc, các căn đáng đã chín mùi. Như vậy, nếu không được nghe pháp thì sẽ tiêu mất, không khổ hay sao? Nay chính phải thời, cúi mong Thế Tôn hãy vì họ mà thuyết pháp.

Bấy giờ Thế Tôn biết tâm niệm của Phạm thiên, và từ mẫn tất cả chúng sanh nên nói kệ:

Nay Phạm thiên đến khuyên,
Như Lai mở pháp môn,
Người nghe dốc lòng tin,
Phân biệt pháp yếu sâu.
Như trên đảnh núi cao,
Xem khắp các chúng sanh,
Nay Ta có pháp này,
Thẳng đường bày pháp nhãn.

Phạm thiên liền nghĩ: “Như Lai ắt sẽ vì chúng sanh mà thuyết pháp thâm diệu”, rồi liền vui mừng hớn hở không xiết, lạy Phật rồi trở về Trời.

Bấy giờ Phạm thiên nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

2. Tôi nhe như vầy:

Một thời Phật ở nước Ba-la-nại, trong vườn Tiên nhân Lộc-uyển.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai việc này, người học đạo chẳng nên thân cận. Thế nào là hai việc? Nghĩa là tham đắm pháp dục và lạc. Ðây là pháp tầm thường ti tiện. Lại đây là trăm mối khổ não. Ðó là hai việc người học đạo chẳng nên thân cận. Như thế, bỏ hai việc này rồi, Ta tự có đạo chí yếu, được thành Chánh giác, nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả vị Sa-môn, đến Niết-bàn.

Thế nào là đạo chí yếu được thành Chánh giác khiến nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn? Nghĩa là Tám đạo phẩm này vậy, đó là Ðẳng kiến, Ðẳng tri, Ðẳng ngữ, Ðẳng nghiệp, Ðẳng mạng, Ðẳng phương tiện, Ðẳng niệm, Ðẳng định. Ðây gọi là nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học bỏ hai việc trên và tu tập đạo chí yếu. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

La-vân, Ca-diếp, Long,
Hai nạn, Ðại Ái Ðạo,
Phỉ báng, phi phạm pháp,
Hai việc ở sau cùng
.

3. Tôi nghe như vầy

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và đứng một bên rồi bạch:

– Thế nào là Tỳ-kheo cắt đứt ái dục, tâm được giải thoát, đến chỗ cứu cánh an ổn, không có các hoạn nạn. Trời Người cung kính?

Thế Tôn bảo Thích-đề-hoàn-nhân:

– Ở đây, này Câu-dực (Kiều-thi-ca), nếu các Tỳ-kheo nghe pháp “không” này, hiểu không chỗ có, thì được hiểu rõ tất cả các pháp, như thực biết; thân giác tri pháp khổ vui. Nếu pháp không khổ không vui thì ở thân này quán tất cả đều vô thường, đều qui về không. Người đó đã quán sự biến đổi của không khổ, không vui này thì không khởi tưởng, vì không có tưởng thì không sợ hãi, đã không sợ hãi thì Bát-niết-bàn; sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Ðây là, này Thích-đề-hoàn-nhân, Tỳ-kheo cắt đứt ái dục, tâm được giải thoát bèn đến chỗ cứu cánh an ổn, không có tai nạn, Trời Người cung kính.

Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân cúi lạy Thế Tôn, nhiễu ba vòng mà lui.

Ngay lúc đó, tôn giả Ðại Mục-kiền-liên cách Thế Tôn không xa, ngồi kiết-già, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước. Tôn giả Mục-kiền-liên nghĩ: “Vừa rồi Ðế Thích được đạo tích mà hỏi sự, hay chẳng được đạo tích mà hỏi nghĩa? Nay ta nên thử xem.

Bấy giờ Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên dùng thần túc, như trong khoảng co duỗi cánh tay liền đến cõi trời Ba mươi ba. Lúc đó, Thích-đề-hoàn-nhân thấy Ðại Mục-kiền-liên từ xa đến, liền đứng lên tiếp đón mà nói:

– Kính chào Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên! Ðã lâu Tôn giả ngài không đến đây! Rất mong được luận thuyết pháp nghĩa với Tôn giả. Mời Tôn giả ngồi đây.

Mục-kiền-liên hỏi Thích-đề-hoàn-nhân:

– Thế Tôn thuyết pháp đoạn ái dục cho Ông, tôi muốn được nghe. May thật đúng lúc, Ông hãy thuyết cho tôi.

Thích-đề-hoàn-nhân bạch:

– Nay tôi việc chư Thiên bận rộn, hoặc có việc của mình, hoặc có việc của chư Thiên. Tôi nghe được gì tức thời quên mất. Thưa Tôn giả Mục-kiền-liên, khi xưa tôi đánh nhau với các A-tu-la, ngay khi đánh nhau, chư Thiên đắc thắng, A-tu-la phải lui. Bấy giờ tôi cũng đích thân giao chiến, rồi dẫn chư Thiên trở về thiên cung, ngồi ở giảng đường Tối Thắng. Nhân vì đánh thắng nên gọi là giảng đường Tối Thắng, đường lối thành hàng, bờ bờ gặp nhau. Mỗi một đầu đường có bảy trăm lầu gác, trên mỗi một lầu gác có bảy ngọc nữ, mỗi một ngọc nữ có bảy người hầu. Mời Tôn giả Mục-liên đến đó ngắm xem.

Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân cùng Thiên vương Tỳ Sa-môn theo sau Tôn giả Mục-liên đến giảng đường Tối Thắng. Thích-đề-hoàn-nhân và Thiên vương Tỳ Sa-môn bạch với Ðại Mục-kiền-liên:

– Ðây là giảng đường Tối Thắng, Tôn giả đều có thể dạo xem.

Mục-kiền-liên bảo Thiên vương:

– Chỗ này hết sức vi diệu, đều do tiền thân tạo phước đức mà được đến bảo đường tự nhiên này. Ví như có ít chỗ vui ở nhân gian, mỗi chỗ tự vui thú như cung trời không khác, đều do đời trước tạo phước mà được.

Bấy giờ ngọc nữ ở chung quanh Thích-đề-hoàn-nhân đều bỏ chạy tứ tán giống như chỗ cấm kỵ nhân gian, họ đều ôm lòng hổ thẹn. Lúc này Thích-đề-hoàn-nhân cùng ngọc nữ cũng lại như thế, xa thấy Ðại Mục-kiền-liên đến đều vùng chạy tứ tán. Ðại Mục-kiền-liên liền nghĩ: “Thích-đề-hoàn-nhân này ý rất phóng dật, ta phải khiến cho sợ hãi mới được”.

Bấy giờ, Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên liền lấy ngón chân phải ấn xuống đất. Cung điện kia sáu lần chuyển động. Thích-đề-hoàn-nhân và Thiên vương Tỳ Sa-môn lòng đều kinh sợ, lông áo dựng đứng, nghĩ: “Ðại Mục-kiền-liên này có đại thần túc, có thể làm cung điện này sáu phen chấn động, hết sức lạ lùng, thật chưa từng có”.

Ðại Mục-kiền-liên nghĩ: “Nay Thích-đề-hoàn-nhân này đã kinh sợ rồi, ta nên hỏi thâm nghĩa”.

– Thế nào Câu-dực? Như Lai thuyết kinh trừ ái dục, nay chính phải lúc, xin Ông nói lại cho tôi.

Thích-đề-hoàn-nhân đáp:

– Thưa Tôn giả Mục-liên! Lúc trước tôi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Khi ấy tôi bạch Thế Tôn:

“Thế nào là Tỳ-kheo đoạn đứt ái dục, tâm được giải thoát, đến chỗ cứu cánh vô vi, không có hoạn khổ, được Trời Người cung kính?”.

Thế Tôn liền bảo tôi:

– “Ở đây, này Câu-dực! Các Tỳ-kheo nghe pháp xong, không còn chỗ dính mắc, cũng không dính sắc, hiểu hết tất cả các pháp trọn không chỗ có; đã biết tất cả các pháp rồi, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, quán rõ vô thường, diệt tận không sót, cũng không đoạn hoại. Họ đã quán như thế xong, không còn dính mắc, đã chẳng khởi tưởng thế gian, lại không sợ hãi; đã không sợ hãi, liền Bát-niết-bàn. Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Ðó là, này Thích-đề-hoàn-nhân, Tỳ-kheo đoạn dục, tâm được giải thoát, liền đến chỗ cứu cánh vô vi, không có hoạn khổ, được Trời Người cung kính”.

Bấy giờ tôi nghe lời này xong, liền cúi lạy Thế Tôn, nhiễu ba vòng, rồi lui trở về cõi Trời.

Khi ấy, Tôn giả Mục-kiền-liên đem lời pháp thâm sâu phân biệt đầy đủ cho Thích-đề-hoàn-nhân và Tỳ Sa-môn. Mục-kiền-liên thuyết pháp đầy đủ rồi, ví như trong khoảng lực sĩ co duỗi cánh tay, từ cõi trời Ba mươi ba biến mất, đến thành Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc, tới chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.

Bấy giờ Mục-kiền-liên ở ngay trên tòa ngồi, bạch Thế Tôn:

– Như Lai trước thuyết pháp trừ ái dục cho Thích-đề-hoàn-nhân. Cúi mong Thế Tôn hãy nói cho con.

Thế Tôn bảo Mục-kiền-liên:

– Thầy nên biết, Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ của Ta, cúi lạy rồi đứng một bên. Thích-đề-hoàn-nhân hỏi Ta nghĩa này:

– “Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo đoạn ái dục, tâm được giải thoát?”. Ta bảo Thích-đề-hoàn-nhân:

– “Câu-dực! Nếu có Tỳ-kheo hiểu biết tất cả các pháp “không”, không chỗ có, cũng không chỗ dính mắc, hiểu hết tất cả các pháp trọn không chỗ có. Ðã biết tất cả các pháp vô thường, diệt tận không sót, cũng không đoạn hoại; vị ấy đã quán như thế xong, không còn chỗ dính mắc, không khởi tưởng thế gian, không còn kinh sợ. Ðã không kinh sợ, vị ấy liền Bát-niết-bàn, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Ðó là, này Thích-đề-hoàn-nhân, Tỳ-kheo đoạn dục, tâm được giải thoát”.

Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân kia liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy chân Ta rồi lui về cõi trời.

Bấy giờ, Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Thế gian có hai người này, nếu có thấy sấm rền sét giật, chẳng ôm lòng sợ hãi. Thế nào là hai người? Là Sư tử, vua loài thú và bậc lậu tận A-la-hán. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai người này ở thế gian nếu thấy sấm rền sét giật, không ôm lòng hoảng sợ. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên học bậc lậu tận A-la-hán. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai pháp này khiến người không có trí tuệ. Thế nào là hai pháp? Là chẳng thích hỏi người hơn mình; chỉ tham ngủ nghỉ, không có ý tinh tấn. Ðó là, này Tỳ-kheo có hai pháp khiến người không có trí tuệ.

Lại có hai pháp khiến người thành đạt trí tuệ. Thế nào là hai pháp? Là thích hỏi nghĩa ở người khác; không tham ngủ nghỉ, có ý tinh tấn. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến người có trí tuệ, hãy học xa lìa pháp ác. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai pháp này khiến người bần tiện chẳng được tài sản. Thế nào là hai pháp? Nếu lúc thấy người khác bố thí, liền cấm chế; lại tự mình chẳng chịu bố thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến người bần tiện không có tài bảo. Tỳ-kheo, lại có hai pháp khiến người phú quý. Thế nào là hai pháp? Nếu lúc thấy người cho người khác vật, liền hoan hỉ trợ giúp; tự mình cũng thích bố thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp khiến người phú quý. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học bố thí, chớ có tâm tham!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

7. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai pháp khiến người sanh trong nhà bần tiện. Thế nào là hai pháp? Chẳng hiếu để với cha mẹ, các bậc sư trưởng, cũng không thừa sự người hơn mình. Ðó là, Tỳ-kheo, có hai pháp này, khiến người sanh trong nhà bần tiện.

Này các Tỳ-kheo, lại có hai pháp khiến người sanh trong nhà hào tộc. Thế nào là hai pháp? Cung kính cha mẹ, anh em, tông tộc, đem của cải nhà mình bố thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp này sanh trong nhà hào tộc. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

8. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, con gái Phạm chí tên là Tu-thâm đến chỗ Tôn giả Câu-hy-la, đến rồi cúi lạy, ngồi một bên.

Cô Tu-thâm con Phạm chí kia bạch Câu-hy-la:

– Ưu-đạp-lam-phất và La-lặc-ca-lam ở trong thâm pháp này trọn không được nhận sự giáo hóa, mỗi người bị mạng chung. Thế Tôn thọ ký cho hai người này; một người sanh Bất dụng xứ (Vô sở hữu xứ), một người sanh Hữu tưởng vô tưởng xứ (Phi phi tưởng xứ). Hai người ày thọ mạng hết lại mạng chung, một người sẽ làm quốc vương ở biên địa, gây hại cho nhân dân không thể tính kể, một người làm chồn ác mang cánh, các loài thú bay, đi, chạy đều không thoát khỏi được. Hai người này sau khi mạng chung lại sanh trong địa ngục. Nhưng Thế Tôn không thọ ký họ chừng nào sẽ dứt được mé khổ? Cớ sao Thế Tôn không thọ ký họ sẽ dứt mé khổ?

Bấy giờ Tôn giả Câu-hy-la bảo cô Tu-thâm:

– Sở dĩ Thế Tôn không nói, là vì không có ai hỏi nghĩa này. Thế nên Thế Tôn không thọ ký người kia bao giờ sẽ dứt mé khổ.

Cô Tu-thâm nói:

– Ở đây Thế Tôn đã nhập Niết-bàn, vì thế con không hỏi được. Nếu Ngài còn tại thế, con sẽ đến hỏi nghĩa này. Như nay Tôn giả Câu-hy-la hãy nói cho con, người kia bao giờ dứt mé khổ?

Bấy giờ Tôn giả Câu-hy-la liền nói kệ này:

Các thứ quả chẳng đồng,
Cõi chúng sanh cũng thế,
Người tự giác, giác tha,
Tôi không biện (rõ) thuyết này.
Thiền trí biện giải thoát,
Nhớ gốc Thiên nhãn thông,
Năng dứt nguồn gốc khổ,
Tôi không biện thuyết này.

Bấy giờ cô Tu-thâm liền nói kệ:

Thiện Thệ có trí này,
Chất trực không tỳ vết,
Dũng mãnh có chỗ phục,
Cầu ở hạnh Ðại thừa.

Tôn giả Câu-hy-la lại nói kệ:

Ý này rất khó được,
Hay được pháp yếu khác,
Khó vì đó biện được,
Hướng đến việc kỳ đặc.

Bấy giờ Tôn giả thuyết pháp yếu đầy đủ cho cô Tu-thâm, cô liền phát tâm vui mừng, từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy rồi lui đi.

Cô Tu-thâm nghe Tôn giả Câu-hy-la nói xong, vui vẻ vâng làm.

9. Tôi nghe như vầy:

Một thời Tôn giả Ðại Ca-chiên-diên dạo đến nước Bà-na, ở bên bờ ao sâu cùng với chúng năm trăm đại Tỳ-kheo.

Bấy giờ Tôn giả Ca-chiên-diên danh vang khắp bốn phương. Trưởng lão Bà-la-môn Gian-trà đang du hóa ở đây. Lúc ấy Bà-la-môn nghe Tôn giả Ca-chiên-diên cùng năm trăm Tỳ-kheo du hóa bên ao này, nghĩ rằng: “Tôn giả trưỡng lão công đức đầy đủ, nay ta có thể đến thăm hỏi Tôn giả”.

Bấy giờ Bà-la-môn Thượng Sắc đem năm trăm đệ tử đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên, thăm hỏi nhau xong, ngồi một bên. Lúc ấy, Bà-la-môn kia hỏi Tôn giả Ca-chiên-diên:

– Như Ca-chiên-diên đây không hành đúng pháp luật. Là Tỳ-kheo trẻ tuổi mà chẳng chịu làm lễ các bậc cao đức Bà-la-môn của chúng tôi.

Tôn giả Ca-chiên-diên nói:

– Bà-la-môn nên biết, đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác thuyết hai địa vị này. Thế nào là hai địa vị? Một là địa vị già cả, hai là địa vị trai tráng.

Bà-la-môn hỏi:

– Thế nào là địa vị già cả? Thế nào là địa vị trai tráng?

Ca-chiên-diên đáp:

– Cho dù, này Bà-la-môn, người ở tuổi tám mươi, hay chín mươi, không dừng được dâm dục, làm các hạnh ác. Này Bà-la-môn, đây là người tuy có thể bảo là già, mà nay ở địa vị trai tráng.

Bà-la-môn hỏi:

– Thế nào là tuổi trai tráng mà ở địa vị già cả?

Ca-chiên-diên đáp:

– Bà-la-môn, nếu có Tỳ-kheo độ hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi tuổi. Người ấy chẳng tập quen dâm dục, cũng chẳng tạo hạnh ác. Ðó là Bà-la-môn trai tráng mà ở địa vị già cả.

Bà-la-môn hỏi:

– Trong đại chúng này có một Tỳ-kheo không hành dâm dục, chẳng tạo ác hạnh không?

Ca-chiên-diên đáp:

– Trong đại chúng này không có một Tỳ-kheo nào tập dục, làm ác cả.

Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng lên, lạy các Tỳ-kheo mà nói:

– Nay các Ông tuổi niên thiếu mà ở địa vị già cả, còn tôi tuổi già mà ở địa vị niên thiếu.

Bấy giờ Bà-la-môn kia đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên cúi lạy và tự trình bày:

– Nay con xin quy y Tôn giả Ca-chiên-diên và Tỳ-kheo Tăng, suốt đời không sát sanh.

Tôn giả Ca-chiên-diên nói:

– Nay Ông chớ quy y tôi. Ông nên hướng về chỗ tôi quy y.

Bà-la-môn hỏi:

– Tôn giả Ca-chiên-diên quy y ai?

Tôn giả Ca-chiên-diên liền quỳ gối hướng về chỗ Như Lai nhập Niết-bàn, nói:

– Có người dòng họ Thích xuất gia học đạo, tôi hằng tự quy y Ngài. Người ấy chính là Thầy tôi.

Bà-la-môn nói:

– Nay Sa-môn Cù-đàm ở đâu? Tôi muốn gặp Ngài.

Tôn giả Ca-chiên-diên nói:

– Vị Như Lai ấy đã nhập Niết-bàn rồi.

Bà-la-môn nói:

– Nếu Như Lai ở đời, con bèn có thể đi trăm ngàn do-tuần đến thăm hỏi. Như Lai kia tuy nhập Niết-bàn, nay con một lần nữa tự quy y Ngài, làm lễ cùng Phật, Pháp và chúng Tăng, suốt đời không sát sanh nữa.

Bấy giờ Bà-la-môn Thượng Sắc nghe Tôn giả Ca-chiên-diên nói xong, vui vẻ vâng làm.

10. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai người xuất hiện ở đời, rất khó gặp được. Thế nào là hai người? Ðó là người hay thuyết pháp xuất hiện ở đời rất khó được gặp; người hay nghe pháp thọ trì vâng làm rất khó được gặp. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai người xuất hiện ở đời rất khó được gặp. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên học thuyết pháp, nên học nghe pháp. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

11. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hành ở nước Ma-kiệt cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo, dần dần đến thành Tỳ-xá-ly, bấy giờ sắp đến phía Bắc Tỳ-xá-ly, trong vườn của cô Am-bà-bà-lợi.

Lúc ấy, cô Am-bà-bà-lợi nghe Thế Tôn đến trong vườn cùng năm trăm đại Tỳ-kheo, bèn cỡi xe vũ bảo (có tràng che) ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến đầu ngõ hẹp, tự xuống xe đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn thấy cô ta từ xa đi lại, liền bảo các Tỳ-kheo:

– Tất cả hãy chuyên tinh, chớ khởi tưởng tà.

Cô ta đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp cực diệu cho cô. Thuyết pháp cực diệu rồi, cô bạch Phật:

– Cúi mong Thế Tôn, xin nhận lời mời và Tỳ-kheo Tăng.

Thế Tôn lặng thinh nhận lời cô thỉnh. Cô thấy Thế Tôn im lặng nhận lời rồi liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy, cáo từ trở về.

Bấy giờ trai gái lớn bé trong thành Tỳ-xá-ly nghe Thế Tôn đang ở trong vườn Am-bà-bà-lợi cùng năm trăm đại Tỳ-kheo. Trong thành có năm trăm đồng tử cỡi các thứ xe vũ bảo; trong đó hoặc có người cỡi xe trắng, ngựa trắng, áo dù tràng lọng, thị tùng đều trắng; có người cỡi xe đỏ, ngựa đỏ, áo dù tràng lọng, thị tùng đều đỏ; có người cỡi xe xanh, ngựa xanh, áo dù tràng lọng, thị tùng đều xanh; hoặc cỡi xe vàng, ngựa vàng, áo dù tràng lọng, thị tùng đều vàng; oai nghi dung mạo trang sức như cách của các vị vua, ra khỏi thành Tỳ-xá-ly đến chỗ Thế Tôn. Còn cách một khoảng, giữa đường họ gặp cô gái kia cỡi xe trâu về phía trong thành. Các đồng tử hỏi cô:

– Cô là đàn bà đáng lẽ phải xấu hổ. Sao lại đánh trâu chạy xe vào trong thành?

Cô gái đáp:

– Chư Hiền nên biết, ngày mai tôi thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng nên mới chạy xe.

Các đồng tử nói:

– Tôi cũng muốn mời Phật và Tỳ-kheo Tăng thọ thực. Nay cho Cô hai ngàn lạng vàng ròng, hãy để cái hẹn ngày mai cho chúng tôi cúng dường thức ăn.

Cô gái đáp:

– Không được, không được! Các Công tử! Tôi không chịu đâu!

Các đồng tử lại nói:

– Cho Cô hai ngàn lượng, ba ngàn, bốn ngàn, năm ngàn cho đến trăm ngàn lượng vàng, chịu hay không chịu cho chúng tôi ngày mai thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng thọ thực?

Cô gái đáp:

– Tôi không chịu. Bởi vì Thế Tôn thường nói: “Có hai hy vọng người đời không thể xa lìa. Hai cái gì? Là mong mỏi lợi lộc và mạng sống”. Ai có thể bảo đảm cho tôi đến ngày mai? Tôi đã thỉnh Như Lai trước, nay sẽ lo đầy đủ.

Các đồng tử giơ tay lên:

– Chúng ta bao nhiêu người như vầy mà chẳng bằng cô gái.

Nói xong mỗi người chia tay đi. Rồi các đồng tử đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ Thế Tôn thấy các đồng tử đến, bảo các Tỳ-kheo:

– Tỳ-kheo các Thầy, xem các đồng tử uy dũng, phục sức như lúc trời Ðế Thích xuất du, xem giống như nhau không khác.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các đồng tử:

– Thế gian có hai việc thật không thể được. Thế nào là hai? Người có đền đáp và người chịu ơn nhỏ thường chẳng quên, huống lớn lao. Ðó là, này các Ðồng tử, có hai việc rất khó được. Ðồng tử nên biết, hãy nhớ báo đáp và biết ơn nhỏ chẳng quên, huống là ơn lớn.

Thế Tôn liền nói kệ:

Tri ân biết báo đáp,
Hằng nhớ người dạy dỗ,
Người trí cung kính hầu,
Danh vang khắp Trời, Người.

Như thế, các Ðồng tử, nên học điều này.

Thế Tôn thuyết pháp vi diệu đầy đủ cho các đồng tử. Nghe xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy và lui đi.

Trong đêm đó, cô gái bày biện các thứ ăn uống ngon ngọt, trải các tọa cụ. Sáng sớm cô liền đến bạch Phật:

– Giờ đã đến, nay chính phải thời, cúi mong Thế Tôn hạ cố đến nhà con.

Bấy giờ Thế Tôn đắp y, ôm bát, cùng các Tỳ-kheo trước sau vây quanh đến nhà cô gái ở thành Tỳ-xá-ly.

Lúc cô thấy Thế Tôn đã ngồi yên, liền tự tay dâng thức ăn lên Phật và Tỳ-kheo Tăng. Phật và Tỳ-kheo Tăng dùng cơm xong rửa tay, cô đi lấy nước trong sạch lại, rồi lấy một ghế chạm vàng nhỏ, đến trước Thế Tôn ngồi xuống. Cô bạch Thế Tôn:

– Vườn Am-bà-bà-lợi này xin dùng dâng lên Như Lai và Tỳ-kheo Tăng để chúng Tăng tương lai, quá khứ, hiện tại được dừng nghỉ ở đây. Mong Thế Tôn nhận vườn này.

Bấy giờ Thế Tôn vì cô mà nhận vườn này. Thế Tôn bèn nói bài chú nguyện:

Vườn quả thì mát mẻ,
Cầu đò đưa nhân dân,
Gần đường làm cầu xí,
Nhân dân được nghỉ ngơi.
Ngày đêm được an ổn,
Phước đó không kể xiết,
Các pháp giới thành tựu,
Chết ắt sanh lên Trời.

Bấy giờ Thế Tôn nói lời ghi nhận này xong, liền đứng lên đi. Cô gái nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Ðoạn ái và Sư tử,
Vô trí, kém tiền của,
Nhà nghèo, cô Tu-thân,
Ca-chiên thuyết (pháp), cô gái.