NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Quý Quốc Hương
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời cư sĩ Quý Quốc Hương
(thư thứ nhất)
Nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Quang là ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, đối với Thiền lẫn Giáo đều chẳng theo đuổi được, chỉ nương nhờ, quy hướng pháp Niệm Phật. Đối với chuyện làm thầy người khác, thật chẳng dám chấp nhận bừa bãi! Cũng có người do lầm nghe theo kẻ khác xin đặt pháp danh, Quang cũng ngượng ngùng đáp ứng là vì mong họ sanh lòng tin đối với Phật pháp, gieo thiện căn, chứ không phải là Quang có thể làm thầy người khác được! Còn như các hạ, Thiền – Giáo đều thông, giới hạnh tinh nghiêm, giữ vững tám giới, thường chỉ ăn ngọ. Quang còn chưa thể giữ lệ ăn ngọ được; nếu lúc này mạo muội nhận lời, mai sau chắc ông chẳng tận mặt thóa mạ, ắt cũng sẽ hối hận thuở trước không xét kỹ, đến nỗi đối với chuyện cầu phước điền lại đâm ra trở thành hành động khinh Tăng mạn pháp! Vì thế, chẳng thể không nói duyên do. Mong ông hãy chuyển sang lễ bái bậc cao nhân ngõ hầu được lợi ích lớn lao!
Lại do ông mong được một lời nói để minh tâm, cũng chẳng dám khinh suất dễ dàng nói ra. Nếu đối với người chưa hiểu Phật pháp mà giảng đại lược lý tánh chắc cũng còn [tạm] nói được. Chứ nói đúng theo sự thật thì minh tâm nhưng chưa đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ, nào ai dám tự phụ? Do vậy, mong các hạ hãy tự xét. Nếu quả thật đạt đến chỗ như Lục Tổ nghe câu “không nên trụ vào đâu mà sanh tâm”, Bàng cư sĩ nghe câu “đợi ông một hơi uống sạch nước Tây Giang, ta sẽ nói cho ông”[1], sư Đại Huệ nghe câu “gió Nồm thổi từ phía Nam đến, điện gác thành mát mẻ”[2] thì mới được. Nếu không, nào dám nói bừa chuyện minh tâm? Quang vốn là một ông Tăng kém hèn, chẳng dám nói lời quá lố, cũng chẳng dám tâng bốc người khác quá mức. Vì thế, mới nói ra câu đụng chạm này! Còn như sáu bài Bút Ký như ông đã nói thì đều hay cả, chỉ có hai câu của Lục Tổ và Thần Tú[3] thì chưa nêu ra điều hại, lẽ tệ, xin viết thêm vào. Lời của Tú đại sư tuy về mặt ngộ thì chưa ngộ, nhưng nếu y theo đều có ích. Lời của Lục Tổ nếu chưa thực chứng mà y theo sẽ bị họa chẳng cạn. Mong hãy rủ lòng xét rõ! (Viết vào đêm Trừ Tịch (30 Tết) dưới đèn)
(thư thứ hai)
Cung kính tượng Phật bằng đất nặn hay gỗ chạm như đức Phật thật, chắc chắn sẽ có thể thành Phật, huống là [mong thành tựu] những điều khác ư? Quang chỉ là một bức tượng bằng đất, bằng gỗ mà thôi! Ông cứ muốn kính trọng như một vị Phật thì cũng chỉ tùy ông, chứ hình hài đất gỗ vẫn chẳng thay đổi! Sở dĩ [ông được] tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ là do lòng kính của ông cảm nên. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Tu, nghĩa là dùng trí huệ tu tập pháp tự lợi lợi tha. Chớ nên nghĩ pháp tự lợi lợi tha vừa nói đó là quá lớn, quá cao, quá sâu, nó chính là “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương” mà thôi! Nguyên do của nỗi loạn lạc cùng cực hiện thời là vì chẳng nói đến nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình mà nên nỗi! Giáo dục trong gia đình càng phải chú trọng nhân quả báo ứng và dạy dỗ con cái. Ông hãy nên tùy phần tùy sức bảo hết thảy mọi người các sự lý này thì đối với Phật pháp, đối với Nho giáo đều được hữu ích.
Ngộ đạo dễ dàng, chứng đạo thật khó! Người đời nay phần nhiều đều chưa ngộ thật sự, chỉ lờ mờ, phảng phất, biết được chút phần liền tưởng “không có sanh tử để thoát, chẳng có Phật đạo để thành”, mặc sức phóng túng, tương lai đều nằm tù Diêm La. Đến lúc ấy mới biết cái ngộ (悟: giác ngộ) thuở trước chính là ngộ (誤: lầm lạc) vậy! Ông sau khi đã ngộ được câu “vốn không có một vật” bèn xét kỹ tập khí Tam Độc chẳng dễ tiêu trừ, quy tâm Tịnh Độ để cầu liễu thoát trong đời này, có thể nói là đã có thiện căn từ xưa. Những kẻ thông minh tự phụ chẳng chịu đổ công phu thật sự, rốt cuộc tự thành lừa mình dối người, nào có hạn lượng? Nguyện ông từ đầu đến cuối giữ mãi chí này, cùng với lệnh từ[4] và vợ con cùng niệm Di Đà, cùng sanh Tịnh Độ, ngõ hầu chẳng uổng phí cuộc đời này và dịp gặp gỡ này.
Ông trên có mẹ già, dưới có vợ con, ngàn muôn phần chớ nên khởi ý tưởng đoạn diệt. Nếu gặp tai họa bất trắc, không tìm được cách nào thì cũng nên chí thành cầu Phật gia bị để mong miễn thoát. Dẫu cho định nghiệp khó tránh, cũng nên một niệm dốc lòng thành, liền được tiếp dẫn, chứ đâu phải do bảy ngày không ăn mới đạt được! Đã mang sẵn ý tưởng ấy chính là đã có căn cội ma, cho nên tôi phải nói toạc ra. Hai mươi đồng ông đã gởi sẽ viết thư cho hòa thượng Chân Đạt chùa Thái Bình tại Thượng Hải, nhờ Sư thay tôi gởi cho ông bốn gói Quán Âm Tụng, ba gói Gia Ngôn Lục, ba gói Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú. Đợi tới năm sau, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng được in ra, sẽ gởi cho ông một hai gói để giúp dạy dỗ con cái, giáo hóa xóm làng. Tháng Ba năm sau Quang sẽ sang Thượng Hải để hoàn tất việc in sách. Trong mùa Thu sẽ làm một kẻ đi khắp Đông – Tây – Nam – Bắc, trọn chẳng có chỗ nhất định để tiện chuyên tâm niệm Phật, khỏi phải thù tiếp thư từ, kẻo hỏng đại sự của tôi! Sau này, có muốn thỉnh kinh sách, xin hãy gởi thẳng khoản tiền ấy cho hòa thượng Chân Đạt chùa Thái Bình bến Trần Gia, Thượng Hải thâu nhận, Sư nhận được sẽ gởi biên nhận về cho ông, hễ có sách liền gởi ngay. Nếu không có thì phải đợi có sách rồi mới gởi. Đừng gởi tiền sang Định Hải, Ninh Ba khiến mệt trí đến cùng cực! (Ngày Hai Mươi Mốt tháng Mười Hai).
***
[1] Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Bàng Long Uẩn sang Tây Giang tham yết Mã Tổ nói: “Người chẳng cùng với vạn pháp làm bạn là ai?” Mã Tổ Đạo Nhất bảo: “Đợi ông uống một hơi cạn hết nước Tây Giang, ta sẽ nói cho ông nghe”.
[2] Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên, ngài Đại Huệ được nói ở đây chính là ngài Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163). Thời bấy giờ, ngài Viên Ngộ Khắc Cần là bậc Tông tượng trong nhà Thiền thấy Tông Cảo là pháp khí muốn tiếp độ, bèn nói: “Tăng hỏi ngài Vân Môn: ‘Chỗ xuất thân của chư Phật là như thế nào?’ Đáp: Nước chảy trên Đông Sơn”. Ngài Tông Cảo không đáp được; tham thiền trọn một năm vẫn chưa thấu triệt. Đến một bữa, ngài Viên Ngộ Khắc Cần được một vị quan nhân thỉnh đến dự cỗ chay. Ngài lại giảng: “Tăng hỏi ngài Vân Môn: ‘Chỗ xuất thân của chư Phật là như thế nào?’ Đáp: Nước chảy trên Đông Sơn. Như vậy là Thiên Ninh không nói cặn kẽ. Nếu có ai hỏi: ‘Chỗ xuất thân của chư Phật là như thế nào?’ Chỉ trả lời: ‘Gió Nồm từ Nam thổi, điện gác thành mát mẻ!” Ngay khi ấy ngài Đại Huệ Tông Cảo liền triệt ngộ.
[3] Thần Tú (605-706) là Thiền Tăng đời Đường, người Úy Thị, Biện Châu (nay thuộc Khai Phong, tỉnh Hà Nam). Thông thạo kinh sử từ bé, học rộng, nghe nhiều, nhưng chán sớm trần thế, tầm sư học đạo. Sư đến chùa Đông Sơn ở Song Phong, Ngạc Châu, tham yết Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, cam chịu nhọc nhằn, làm việc tạp dịch để cầu đạo. Tổ Hoằng Nhẫn cũng rất coi trọng, cử làm thầy Giáo Thọ cho đại chúng. Do vậy được đại chúng coi là người bậc nhất trong thường trụ, thường gọi là Tú Thượng Tọa. Năm Thượng Nguyên thứ hai (675) đời Đường Cao Tông, Tổ Hoằng Nhẫn thị tịch vào tháng Mười, Sư sang Giang Lăng truyền pháp tại Đương Dương Sơn, rất được tăng chúng miền Bắc trọng vọng. Võ Tắc Thiên nghe tiếng, triệu vào trụ trì chùa của hoàng cung, xuống chiếu xây chùa Độ Môn ở Đương Dương để làm đạo tràng cho sư hoằng pháp. Sư cũng tâu lên Võ Tắc Thiên xuống chiếu triệu Lục Tổ Huệ Năng vào chầu, nhưng ngài Huệ Năng cố từ, viện cớ chỉ có duyên với Lãnh Nam. Khi Sư mất, được triều đình phong tặng thụy hiệu Đại Thông Thiền Sư, trở thành vị thiền sư đầu tiên được triều đình sắc phong. Đạo pháp của Sư rất thịnh ở Trường An, Lạc Dương, Sư chủ trương thuyết Tiệm Ngộ, nên thường có câu “Nam Đốn Bắc Tiệm”. Môn nhân của Sư là Đạo Duệ đã truyền Thiền Học sang Nhật Bản sớm nhất. Thế nhưng dòng Thiền của Sư chỉ truyền được vài đời rồi suy.
[4] Lệnh Từ: Tiếng gọi mẹ người khác nhằm tỏ ý kính trọng.