ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
* Hậu bạt (lời bạt cuối sách)
Vốn do bi nguyện mà Đại Sĩ phân thân trong vô lượng kiếp chẳng thể lường, Nay Cửu Hoa chính là một hạt thóc trong kho lương to lớn[1], tôi thường lo nghĩ vì những chỗ chưa được tra cứu, khảo chứng trong bộ [Cửu Hoa] Sơn Chí khiến cho những chuyện ứng tích của Bồ Tát chưa được truyền tụng. Ngài vốn là Thái Tử của vua nước Tân La. Lúc hai mươi bốn tuổi, dẫn theo con chó trắng Thiện Thính, vượt biển đến đây, trụ trong thạch động của núi Cửu Tử nhiều năm. Khi ấy, có vị các lão[2] là Mẫn Công, luôn ôm ấp thiện niệm. Mỗi lần trai tăng, đều thỉnh một trăm vị, [lần ấy cúng trai tăng], bị thiếu một vị. Do vậy bèn thỉnh vị Tăng ở trong động tham dự cho đủ số. Sư bèn xin một mảnh đất rộng bằng tấm áo ca-sa, ông chấp thuận. Y phủ khắp chín ngọn núi, ông hoan hỷ thí hết. Con trai ông xin xuất gia, tức là hòa thượng Đạo Minh. Về sau, ông cũng xả tục, lại thỉnh con trai làm thầy của mình. Do vậy, nay đắp tượng [Địa Tạng Bồ Tát], bên trái là Đạo Minh, bên phải là Mẫn Công để nêu rõ nguyên do. Chẳng rõ quê quán, dòng họ, tên húy của Mẫn Công. Trong bộ Đường Thi Tuyển Danh Anh Hoa Tập được lưu hành trong cõi đời, có bài thơ Kim Địa Tạng Tống Đồng Tử Hoàn Gia (Kim Địa Tạng tiễn đứa trẻ về nhà) như sau:
Ái hướng trúc lan kỵ trúc mã,
Lãn ư kim địa bố kim sa.
Thiêm bình giản để hưu chiêu nguyệt,
Chử mính âu trung bãi lộng hoa.
Hảo khứ, bất tu tần hạ lệ,
Lão tăng tương bạn hữu yên hà.
(Cửa không vắng lặng, con nhớ nhà,
Giã biệt phòng mây, rời Cửu Hoa.
Con chuộng cưỡi tre[3] bên rào trúc,
Đất vàng lười nhác rải kim sa.
Đáy suối quăng vò[4] mặc trăng rọi,
Nấu trà bỏ đó, giỡn cùng hoa.
Hãy chóng về nhà, đừng nhỏ lệ,
Bạn cùng khói ráng lão quen rồi).
Chép thêm vào đây để tặng cho những người cùng yêu thích.
* Ghi thêm những bài kệ tán thán kinh này
Quyển thứ nhất:
Phật thăng Đao Lợi, vị báo từ thân, phóng quang Địa Tạng tập phân thân, duyên cảm nghiệp tuyên trần, quảng thuyết hoằng nhân, lịch kiếp độ trầm luân.
佛升忉利。為報慈親。放光地藏集分身。緣感業宣陳。廣說弘因。歷劫度沈淪。
(Phật lên trời Đao Lợi, nhằm báo đáp từ ân, phóng quang Địa Tạng hội phân thân, duyên cảm nghiệp tuyên bày, rộng nói nhân sâu, bao kiếp độ trầm luân).
Quyển thứ hai:
Ngục danh khải vấn, khổ sở kham ai, Như Lai tán thán phước môn khai, quỷ chủ tất giai lai, Phật hiệu kỳ tai, tồn một ly trần ai.
獄名啟問。苦楚堪哀。如來讚歎福門開。鬼主悉皆來。佛號奇哉。存沒離塵埃。
(Thưa hỏi tên địa ngục, khổ sở buồn khôn kham, Như Lai tán thán mở cửa phước, chúa quỷ đều đến ngay, Phật hiệu kỳ diệu thay, sống thác lìa trần ai).
Quyển thứ ba:
Địa Tạng thỉnh giảo, bố thí nhân duyên, Kiên Lao hộ pháp tán công huyền, văn kiến lợi vô biên, chúc lụy nhân thiên, thế thế quảng lưu truyền.
地藏請較。布施因緣。堅牢護法歎功玄。聞見利無邊。囑累人天。世世廣流傳。
(Địa Tạng thỉnh so lường, phước nhân duyên bố thí, Kiên Lao hộ pháp tán công mầu, thấy nghe lợi vô biên, chúc lụy khắp trời người, đời đời rộng lưu truyền).
* Lời bạt
Bậc thiền đức là Bảo Trì Chân Thường ngẫu nhiên có được bản Khoa Chú này, hoan hỷ, hớn hở, liền muốn truyền bá rộng rãi trong cõi đời, chẳng ngại nỗi nguy hiểm nơi sóng cả, rừng sâu, nhanh chóng từ Khi Dương (Nagasaki)[5] vượt đường xa đến kinh thành. Khi ấy, Sư vừa mới khỏi cơn bệnh trầm kha, thân thể vẫn chưa khỏe hẳn, nhưng dũng mãnh phát khởi quyết chí như thế, có thể gọi là “hoằng pháp lợi sanh, sẵn sàng hy sinh thân mạng”. Do vậy, Sư sai tôi lo việc chấm câu, chú thích, ấn hành. Tôi vốn trọn một bề quy hướng Địa Tạng Bồ Tát, hễ rảnh rang lại đọc tụng kinh này, thường buồn lo vì kinh này thiếu chú sớ đã lâu, nay may mắn gặp duyên thù thắng hy hữu này. Đúng là như trong tối tăm có đèn, như kẻ nghèo được của báu, vui mừng cảm kích chen lẫn, bất giác tay múa, chân nhảy, chỉ mong bản chú giải này sớm được lưu hành, hòng thành tựu chí nguyện của ngài Chân Thường, khiến cho khắp chúng sanh cùng được lợi lạc. Do vậy, chẳng nài bản thân nông cạn, thô lậu, ngông cuồng khuyên điểm bản này rồi đem khắc in.
Năm Nguyên Lộc[6] thứ ba (1690), tức năm Canh Ngọ, đầu tháng Mười Hai, sa-môn Diệu Tràng Tịnh Huệ kính cẩn viết lời Bạt
***
[1] Nguyên văn là Thái Thương (太倉). Thái Thương là kho trữ lúa tại các quận huyện để lúc thóc cao gạo kém sẽ phát ra, nhằm bình ổn giá gạo, hay để phát chẩn, hoặc dùng trong trường hợp cần thiết khi quân lương thiếu hụt. Quy chế này đã có từ đời Hán.
[2] Các lão (閣老): Đời Đường, các vị quan như Trung Thư Xá Nhân và Môn Hạ Thị Lang được gọi là Các Lão. Từ đời Minh – Thanh trở đi, các vị đại học sĩ cũng thường gọi là Các Lão. Do ngài Kim Kiều Giác là vương tử xứ Tân La (Silla), mà vương quốc Tân La tồn tại từ năm 57 trước Công Nguyên cho đến năm 935 công nguyên (tương ứng với thời gian nhà Đường trị vì Trung Hoa), nên Các Lão chỉ có thể hiểu là tiếng tôn xưng một vị quan từng giữ chức Xá Nhân của Trung Thư Tỉnh hoặc Môn Hạ Thị Lang.
[3] “Kỵ trúc mã” (cưỡi ngựa bằng cành tre) là trò chơi đùa của trẻ con. Ý nói: Đứa bé còn ham chơi không thích hợp cho việc tu hành. Đây là trò chơi phổ biến của trẻ nhỏ thời đó, cho nên có thành ngữ “thanh mai trúc mã” để chỉ bạn chơi với nhau từ thời tóc còn để chỏm.
[4] Vò ở đây là “thiêm bình” (添瓶) tức cái vò có eo cổ thắt, miệng loe, hoặc loại vò có quai để tiện xách ra suối lấy nước về dùng. Đứa trẻ ham chơi đến nỗi bỏ luôn cái vò lấy nước chìm xuống đáy dòng suối.
[5] Khi Dương (Kiyo) là tên gọi cổ của Nagasaki (Trường Khi, 長崎) dưới thời Giang Hộ (Edo).
[6] Nguyên Lộc (Genroku) là niên hiệu của Đông Sơn Thiên Hoàng (Higashiyama-tenno) từ năm 1688 đến năm 1704. Đây là thời kỳ được coi là văn hóa đạt đến đỉnh cao nhất trong thời đại Edo (Giang Hộ thời đại), dưới quyền cai trị của tướng quân Đức Xuyên (Tokugawa) trước thời cải cách Minh Trị Duy Tân. Edo chính là tên cũ của Tokyo. Đông Sơn Thiên Hoàng (tên thật là Asahito, Triều Nhân) là tổ tiên tám đời của Minh Trị (Meiji) Thiên Hoàng. Tướng quân (Shogun, tên gọi đầy đủ là Chinh Di Đại Tướng Quân, tức Sei-I Taishogun) là lãnh chúa quân sự được bổ nhiệm bởi Thiên Hoàng (thật ra, họ mới là lãnh tụ thật sự của vương triều, Thiên Hoàng bổ nhiệm chỉ là hình thức vì vua không có quyền lực thật sự), giống như kiểu chúa Trịnh vua Lê ở Việt Nam. Hệ thống quản trị của Tướng Quân được gọi là Mạc Phủ (Bakufu) và các quan lại thuộc Mạc Phủ mới là nhân viên điều hành đất nước thật sự thời đó, các quan của Thiên Hoàng chỉ là bù nhìn.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ