ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.3.1.3.2.2.1.1. Kinh gia đề danh (người trùng tuyên kinh nêu ra danh hiệu của vị thỉnh vấn)

(Kinh) Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất Bồ Tát, danh Hư Không Tạng.

()說是語時會中有一菩薩名虛空藏。

(Kinh: Khi nói lời ấy, trong hội có một vị Bồ Tát tên là Hư Không Tạng).

Tiếng Phạn là Nga Nga Nẵng Hiến Nhạ (Gaganagañja)[1], phương này dịch là Hư Không Tạng. Kinh này khởi đầu bằng lời thưa hỏi của đức Văn Thù, hàm ý: Chẳng phải là bậc đại trí, sẽ chẳng thể biết nổi đầu mối của đức Địa Tạng. Kết thúc bằng ngài Hư Không Tạng tổng kết kinh, hàm ý: Chẳng phải là thái hư, sao có thể ẩn mất dấu tích hóa hiện của Đại Sĩ! Đấy chính là ý nghĩa “gom Hữu về Không, toàn thể Giả chính là Không” vậy. Ngài Hư Không Tạng hỏi về phước lợi, tức là ý nghĩa “từ Không mà bàn luận Hữu, toàn thể Không chính là Giả”. Không và Giả bất nhị, bản thể của chúng là Trung, viên dung diệu hạnh, đồng quy bí tạng. Vì thế, kết thúc bằng ngài Hư Không Tạng.

Theo kinh Hư Không Tạng Bồ Tát, ở phía Tây của Sa Bà, qua khỏi tám mươi Hằng hà sa thế giới, có cõi Phật tên là Nhất Thiết Hương Tập Y, chúng sanh trong ấy thành tựu Ngũ Trược. Đức Phật tên là Thắng Hoa Phu Tạng Như Lai. Cõi ấy có Bồ Tát tên là Hư Không Tạng; trên đỉnh đầu có bảo châu Như Ý, vô lượng báu Thích Ca Tỳ Lăng Già vây quanh. Quang minh của châu ấy che lấp những quang minh khác, khiến chúng đều ẩn mất chẳng sót. Tất cả công đức của Ngài, chỉ trừ Như Lai, không ai sánh bằng. Theo Mật Bộ, Ngài chính là một trong bốn vị Bồ Tát thân cận Tỳ Lô Như Lai, từ Bảo Ba La Mật lưu xuất Nam phương Bảo Sanh Bộ. Đấy chính là vị Bồ Tát đang được nói trong kinh này.

3.3.1.3.2.2.1.2. Đương cơ phát vấn (bậc đương cơ thưa hỏi)

3.3.1.3.2.2.1.2.1. Văn thán trí thỉnh (nghe tán thán bèn thưa hỏi)

3.3.1.3.2.2.1.2.1.1. Thuật văn thần lực phả tư (trần thuật chuyện nghe thần lực chẳng thể nghĩ [của Địa Tạng Bồ Tát])

(Kinh) Bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Ngã tự chí Đao Lợi, văn ư Như Lai tán thán Địa Tạng Bồ Tát oai thần thế lực bất khả tư nghị.

()白佛言世尊我自至忉利聞於如來讚歎地藏菩薩威神勢力不可思議。

(Kinh: Bạch cùng đức Phật rằng: – Bạch đức Thế Tôn! Con từ lúc tới trời Đao Lợi, được nghe đức Như Lai tán thán oai thần và thế lực chẳng thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát).

Mở đầu kinh, khi [đức  Phật] phóng  quang  minh  và  phát  ra  âm

thanh trọn khắp, ngài Hư Không Tạng liền đến thiên cung. Do vậy, nghe trọn vẹn từ đầu đến cuối những chuyện Như Lai tán thán ngài Địa Tạng. “Thế lực” là như kinh Tư Ích nói: “Ngã đầu túc chi xứ, chấn động tam thiên đại thiên thế giới cập ma cung điện” (Chỗ ta đặt chân chấn động tam thiên đại thiên thế giới và cung điện của ma). Quán Kinh nói: “Dĩ trí huệ quang, phổ chiếu nhất thiết, linh ly tam đồ, đắc vô thượng lực” (Dùng quang minh trí huệ chiếu trọn khắp hết thảy, khiến cho họ lìa tam đồ, đạt được sức vô thượng). Vì thế nói là “thế lực”. “Bất khả tư nghị” (Chẳng thể nghĩ bàn): Đấy là hành xứ rất sâu của Bồ Tát. Tuy thí cho vạn hữu,  khiến cho chúng sanh được lợi ích, đều đạt được cái vốn sẵn có, nhưng chẳng có thật pháp, giống như hóa nhân hóa hiện các sự biến hóa, bất quá khiến cho người khác được vui sướng. Ngài Hư Không Tạng kết thúc kinh là do dụng ý này.

3.3.1.3.2.2.1.2.1.2. Nhân vấn phước lợi kỷ chủng (nhân đó, hỏi có mấy loại phước lợi)

(Kinh) Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, nãi cập nhất thiết thiên long, văn thử kinh điển, cập Địa Tạng danh tự, hoặc chiêm lễ hình tượng, đắc kỷ chủng phước lợi?

()未來世中若有善男子善女人乃及一切天龍聞此經典及地藏名字或瞻禮形像得幾種福利

(Kinh: Trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, và hết thảy trời, rồng nghe kinh điển này và danh tự Địa Tạng, hoặc chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng, sẽ được mấy loại phước lợi?)

Theo kinh Địa Trì, phước chính là bố thí, trì giới, và nhẫn nhục. Nương theo Thiền và Tinh Tấn để tu hành bốn thứ vô lượng như Thí, Giới… thì gọi là “phước phần”. Bởi lẽ, điều thiện được gọi là “phước lợi”, cảm báo vui sướng. Nay đã đọc kinh, nghe danh hiệu, chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng, ắt đạt được phước lợi, chẳng biết có mấy loại? Cần biết: Phước lợi do tâm, tâm có thể tạo phước, nhưng tâm còn chẳng thể được, phước lợi há còn? Nhưng trong phương tiện giáo hóa, nhằm dẫn dắt chúng sanh mong cầu, hướng về, thì phước lợi là điều trọng yếu! Huống hồ trong Mật Bộ, phàm các pháp cúng dường đều thuộc về Hư Không Khố Tạng, cho nên chuyện phước lợi càng là chuyện ngài Hư Không Tạng chuyên trách, đáng nên thưa hỏi.

3.3.1.3.2.2.1.2.2. Nguyện vị chúng lược thuyết (mong hãy vì đại chúng nói đại lược)

(Kinh) Duy nguyện Thế Tôn, vị vị lai, hiện tại nhất thiết chúng đẳng, lược nhi thuyết chi.

()唯願世尊為未來現在一切眾等略而說之。

(Kinh: Kính mong đức Thế Tôn hãy vì hết thảy chúng sanh trong vị lai và hiện tại, nói đại lược cho).

Ắt cầu [đức Phật] nói đại lược, hướng dẫn cửa nẻo trọng yếu để sanh ra những điều tốt lành cho chúng sanh. Kinh Thư có lời giáo huấn “tác thiện giáng tường” (làm lành thì cát tường sẽ giáng xuống), kinh Dịch dạy rõ “tích thiện dư khánh” (chất chứa điều lành thì niềm vui có thừa). Nếu chẳng trần thuật cặn kẽ phước lợi, chẳng khỏi ngăn trở, cách tuyệt thiện môn, cho nên mong [đức Phật] dạy đại lược. Còn như nghiêm ngặt cầu khẩn, cúng bái để mong quỷ thần giáng phước; theo lẽ nhân quả, sợ rằng sẽ phải chịu quả báo trong chốn âm ty. Đấy chính là cái tâm cầu lợi, mong cầu tà vạy, há có thể nói là cùng một loại [với những điều phước lợi ở đây] ư?

3.3.1.3.2.2.2. Hứa thuyết thị lợi ích (hứa sẽ nói, dạy lợi ích)

3.3.1.3.2.2.2.1. Giới thính, hứa thuyết (răn dạy lắng nghe, hứa sẽ nói)

(Kinh) Phật cáo Hư Không Tạng Bồ Tát: – Đế thính! Đế thính! Ngô đương vị nhữ, phân biệt thuyết chi.

()佛告虛空藏菩薩諦聽諦聽吾當為汝分別說之。

(Kinh: Đức Phật bảo Hư Không Tạng Bồ Tát: – Lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà phân biệt nói).

Phàm là người khéo thuyết pháp, sẽ là “không nói, không dạy”; người khéo nghe pháp sẽ là “không đạt được, không nghe”. Há có phân biệt dạy riêng “hãy lắng nghe” ư? Nhưng nếu cứ một mực ngầm ứng hợp lẽ Chân, sợ sẽ trở thành Đoạn Kiến. Nếu luôn luôn thuận theo Hữu, sợ sẽ thành Thường Kiến! Đoạn lẫn Thường đều là lệch lạc, tà vạy, cách xa Trung Đạo! Phải ngay trong lúc nêu ra Không mà Phi Không, nhằm lúc bàn Hữu mà Bất Hữu, chẳng dính dáng đến ngôn từ diễn tả mà lưỡi thường chuyển, chẳng lìa âm hưởng tánh Nghe vốn là Không! Đó gọi là “khéo có thể phân biệt các pháp tướng, bất động nơi Đệ Nhất Nghĩa Đế”. Đấy chính là ý chỉ phân biệt của Như Lai, và là dụng ý lắng nghe của ngài Hư Không Tạng.

3.3.1.3.2.2.2.2. Biệt phân lợi ích (phân chia từng loại lợi ích riêng biệt)

3.3.1.3.2.2.2.2.1. Kiến tượng văn kinh cung tán lợi ích (lợi ích do thấy tượng, nghe kinh, cúng dường, tán thán)   

3.3.1.3.2.2.2.2.1.1. Tổng thị tu nhân (dạy chung về cách tu nhân)

(Kinh) Nhược vị lai thế, hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, kiến Địa Tạng hình tượng, cập văn thử kinh, nãi chí độc tụng, hương, hoa, ẩm thực, y phục, trân bảo, bố thí, cúng dường, tán thán, chiêm lễ.

()若未來世有善男子善女人見地藏形像及聞此經乃至讀誦香華飲食衣服珍寶布施供養讚歎瞻禮。

(Kinh: Nếu trong đời vị lai, có thiện nam tử, thiện nữ nhân thấy hình tượng Địa Tạng và nghe kinh này, cho đến đọc tụng, dùng hương, hoa, thức ăn, y phục, những vật quý báu để bố thí, cúng dường, tán thán, chiêm ngưỡng, lễ bái).

Ý nghĩa dễ hiểu.

3.3.1.3.2.2.2.2.1.2. Biệt liệt ích số (kể riêng từng loại lợi ích)

(Kinh) Đắc nhị thập bát chủng lợi ích: Nhất giả, thiên long hộ niệm.

()得二十八種利益一者天龍護念。

(Kinh: Đạt được hai mươi tám thứ lợi ích: Một là trời rồng hộ niệm).

Câu đầu tiên là nêu tổng quát, sau đó, liệt kê từng điều riêng biệt.
“Thiên long” nắm cán cân tạo hóa, cai quản âm dương. Nước nhà nhờ ân đức bảo vệ bình an của họ, lê dân ngưỡng mộ công sức chở che. Nay đã đọc kinh, trì danh, chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường, cho nên cảm trời rồng che chở, nghĩ nhớ, khiến cho thiện quả, thánh nhân (cái nhân của thánh quả) do đấy  mà  tăng  trưởng. Gia  duyên, thế  sự, do  vậy  mà được hài hòa. Vì thế, nêu ra đầu tiên nhằm chỉ bày cái gốc của phước lợi.

(Kinh) Nhị giả, thiện quả nhật tăng. Tam giả, tập thánh thượng nhân. Tứ giả, Bồ Đề bất thoái.

()二者善果日增。三者集聖上因。四者菩提不退。

(Kinh: Hai là thiện quả ngày một tăng. Ba là nhóm họp cái nhân bậc thượng của thánh nhân. Bốn là chẳng thoái thất Bồ Đề).

Các sự lợi ích hai, ba, và bốn có liên quan với nhau nơi dấu tích thuộc về Sự. Quả do nhân mà tăng tấn, nhân nhờ quả mà tích tập. Nhân quả giúp đỡ lẫn nhau, tự nhiên chẳng lui sụt Bồ Đề. Như trong kinh Thập Luân, Địa Tạng bạch Phật rằng: “Ngô đương tế độ thử tứ châu chử Thế Tôn đệ tử, nhất thiết bật-sô, cập bật-sô-ni, ổ-ba-sách-ca, ổ-ba-tư-ca, linh kỳ tăng trưởng giác phần, Thánh Đế quang minh, tăng trưởng thú nhập Đại Thừa thánh đạo, tăng trưởng thành thục hữu tình đại từ đại bi, tăng trưởng ngũ nhãn, quán đảnh, sanh thiên, Niết Bàn. Như thị thiện quả, nhật nhật tăng trưởng” (Con sẽ tế độ các đệ tử của đức Thế Tôn trong bốn châu lục này, hết thảy các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, khiến cho họ tăng trưởng giác phần và quang minh của Tứ Thánh Đế, tăng trưởng tiến nhập Đại Thừa thánh đạo, tăng trưởng thành thục đại từ đại bi cho hữu tình, tăng trưởng ngũ nhãn, quán đảnh, sanh lên trời, chứng Niết Bàn. Thiện quả như vậy tăng trưởng hằng ngày).

“Tập” (集) là tụ tập. Đại Luận viết: “Gặp gỡ kinh pháp, tu thiện, trì giới, bố thí, lễ kính v.v… chính là gieo nhân duyên Niết Bàn”. Cái nhân thánh thượng như thế, ai cũng tích tập. Cái nhân thuộc về thánh đạo thiện quả, đã tăng trưởng mỗi ngày, tự nhiên đạo tâm kiên cường, thệ lực mạnh mẽ. Tự nhiên chẳng thoái chuyển Vị, Hạnh, Niệm. “Tăng” là từ nhỏ nhiệm đạt tới hiển nhiên, mong sao trọn đủ. “Tập” là từ ít đến nhiều, những điều mong mỏi được thành tựu. Trong khoảng giữa ấy (trong lúc còn đang tu nhân), chẳng thoái thất Bồ Đề.

(Kinh) Ngũ giả, y thực phong túc. Lục giả, tật dịch bất lâm.

()五者衣食豐足。六者疾疫不臨。

(Kinh: Năm là cơm áo dư dật. Sáu là chẳng bị bệnh dịch).

Điều thứ năm là cơm áo dư dật, pháp trợ đạo được trọn  đủ. Áo  để che thân, thức ăn để duy trì tánh mạng. Thân được yên, đạo sẽ hưng thịnh, nhờ vào cơm áo! Điều này tuy là tiểu duyên, nhưng có thể thành tựu đại sự. Đói rét bất an, làm sao duy trì đạo pháp cho nổi? Vì thế, kinh Thập Luân dạy: “Nhất thiết giai đắc như pháp sở cầu, y phục, bảo bối, y dược, sàng phu, cập chư tư cụ, vô bất bị túc” (Hết thảy đều đạt được như lòng mong cầu đúng pháp: Quần áo, vật báu, thuốc men, giường nệm, và các thứ vật cần dùng cho cuộc sống, không gì chẳng đầy đủ).

Điều thứ sáu “chẳng mắc bệnh dịch” chính là chuyện trọng yếu trong tu đạo. Bệnh chính là cái duyên khiến cho đạo bị tụt lùi, có thể khiến cho sắc lực tổn giảm. Theo kinh Trường A Hàm, [tật dịch] là do từ thế giới ở phương khác có quỷ thần đến nơi đây. Quỷ thần ở trong cõi này buông lung, dâm loạn, chẳng thể bảo vệ con người. Quỷ thần từ phương khác xâm lấn, quấy nhiễu người trong thế gian này, đánh đấm, đập quất, cướp lấy tinh khí [của con người], khiến cho lòng người rối loạn. Vì thế, có tai họa dịch bệnh. Kinh Thập Luân dạy: “Nhược chư hữu tình, ác quỷ sở trì, thành chư bệnh giả, hữu năng cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, nhất thiết giai đắc giải thoát vô úy, thân tâm an thích” (Nếu các hữu tình bị ác quỷ khống chế, thành ra các thứ bệnh, mà nếu có người cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, thì hết thảy đều được giải thoát, không sợ hãi, thân tâm an ổn, thoải mái). Vì thế, ắt cần phải “chẳng mắc bệnh dịch”.

(Kinh) Thất giả, ly thủy hỏa tai. Bát giả, vô đạo tặc ách.

()七者離水火災。八者無盜賊厄

(Kinh: Bảy là lìa khỏi tai nạn nước lửa. Tám là không bị tai ác trộm cướp).

Điều thứ bảy là lìa khỏi tai nạn nước và lửa. Bệnh tật là nội chướng, tai họa là ngoại chướng. Tả Truyện coi “nhân hỏa” (lửa do con người đốt) là Hỏa, coi “thiên hỏa” (lửa do thiên nhiên gây ra) là Tai (trong cách viết theo lối chữ Triện, chữ Xuyên (巛) thêm chữ Nhất ở dưới, Xuyên (巛) và Xuyên (川) giống nhau), [hàm ý] sông bị úng tắc là Tai (tai họa). Sách Thuyết Văn Giải Tự ghép chữ Miên (宀), có nghĩa là nhà với Hỏa (火) tạo thành chữ Tai (灾), [hàm ý] lửa gây tai họa cho nhà cửa. Ở đây là nói nước bất ngờ tràn ngập, lửa đốt rực cánh đồng, tổn hại muôn vật, thương vong chúng sanh, đều là thiên tai. Kinh Thập Luân dạy: “Nhược chư hữu tình, vị hỏa sở phần, vị thủy sở nịch, hữu năng cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, nhất thiết giai đắc ly chư nguy nạn, an ổn vô tổn” (Nếu các hữu tình bị lửa thiêu đốt, bị nước nhấn chìm, mà có thể cúng dường Địa Tạng Bồ Tát thì hết thảy đều được lìa các nỗi nguy hiểm, tai nạn, an ổn, chẳng bị tổn hại). Ở đây, chẳng cần phải nói đến nước lửa trong Đại Tam Tai.

 Điều thứ tám là không bị tai ách vì đạo tặc, [tức là] lìa khỏi chuyện oán đối đời trước. Kinh Thập Luân dạy: “Nhược chư hữu tình vị chư oán tặc, quân trận, cập dư chủng chủng chư bố úy sự chi sở triền nhiễu, thân tâm chương hoàng, cụ thất thân mạng, hữu năng cúng dường, cung kính Địa Tạng Bồ Tát, nhất thiết giai đắc ly chư bố úy, bảo toàn thân mạng” (Nếu các hữu tình bị các thứ oán tặc, chiến tranh, và đủ mọi sự sợ hãi vây quấn, thân tâm hoảng hốt, kinh hãi, sợ mất thân mạng, mà có thể cúng dường, cung kính Địa Tạng Bồ Tát, hết thảy sẽ đều được lìa các nỗi sợ hãi, giữ toàn vẹn thân mạng).

(Kinh) Cửu giả, nhân kiến khâm kính. Thập giả, thần quỷ trợ trì.

()九者人見欽敬。十者神鬼助持。

(Kinh: Chín là người khác trông thấy sẽ kính trọng. Mười là thần, quỷ đều giúp đỡ, bảo vệ).

Điều thứ chín là người khác trông thấy khâm phục, kính trọng. Kinh Địa Trì dạy: “Bồ Tát chủng tánh cụ túc cố, chúng sở kính trọng, cúng dường, tán thán, ngôn tất thọ hành, vô sở vi phạm” (Do chủng tánh của Bồ Tát trọn đủ, nên được mọi người kính trọng, cúng dường, tán thán. Lời lẽ nói ra họ đều tiếp nhận, làm theo, chẳng trái phạm). Nay đã cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, cho nên đạt được phước lợi ấy.

Điều thứ mười là “thần, quỷ giúp đỡ, hộ trì”; càng là điều lợi tốt đẹp cho việc tu hành trong đời Mạt Pháp. Kinh Trường A Hàm, quyển thứ hai mươi chép: “Nhược hữu tu hành thiện pháp, kiến chánh tín hạnh, tu Thập Thiện nghiệp. Như thị nhất nhân, hữu bách thiên thần hộ” (Nếu có người tu hành thiện pháp, kiến giải [chân chánh], có hạnh chánh tín, tu Thập Thiện nghiệp, thì người như thế sẽ có trăm ngàn vị thần hộ trì). Nay đã cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, cho nên được quỷ thần giúp đỡ, hộ trì, tu hành chẳng bị chướng ngại!

(Kinh) Thập nhất giả, nữ chuyển nam thân. Thập nhị giả, vi vương thần nữ. Thập tam giả, đoan chánh tướng hảo.

()十一者女轉男身。十二者為王臣女。十三者端正相好。

(Kinh: Mười một là nữ chuyển thành nam. Mười hai là làm con gái của vua hay quan. Mười ba là tướng hảo đoan chánh).

Điều thứ mười một là nữ chuyển thành nam, điều thứ mười hai là làm con gái của vua, quan; điều thứ mười ba là tướng hảo đoan chánh, ý nghĩa đều như trong các phần trước (tức là như đã giảng cặn kẽ trong phẩm thứ sáu, tức phẩm Như Lai Tán Thán).

(Kinh) Thập tứ giả, đa sanh thiên thượng. Thập ngũ giả, hoặc vi đế vương. Thập lục giả, túc trí mạng thông.

()十四者多生天上。十五者或為帝王。十六者宿智命通。

(Kinh: Mười bốn là phần nhiều sanh lên trời. Mười lăm là hoặc làm đế vương. Mười sáu là túc trí mạng thông).

Điều thứ mười bốn là phần nhiều sanh lên trời. Theo kinh Biện Ý, có năm sự sanh thiên (tức Ngũ Giới). Kinh Thập Luân dạy: “Tùy kỳ sở ưng, an trí sanh thiên, Niết Bàn chi đạo” (Tùy theo căn cơ thích đáng, mà xếp đặt cho họ được sanh lên trời, hay an trụ trong đạo Niết Bàn). Điều thứ mười lăm là làm đế vương (Ở Tây Vực thì như Thắng Quân (tức vua Ba Tư Nặc, Prasenajit), Ưu Điền (Udayana) v.v… Đông Độ thì như ngũ đế, tam vương v.v…) Điều thứ mười sáu là Túc Trí Mạng Thông, tức là thấu đạt nguyên do của vận mạng. Kẻ sĩ có trăm hạnh, trí này làm đầu. Do đọc kinh và xưng danh làm sức liễu nhân vậy!

(Kinh) Thập thất giả, hữu cầu giai tùng. Thập bát giả, quyến thuộc hoan lạc.

()十七者有求皆從。十八者眷屬歡樂。

(Kinh: Mười bảy là có điều gì nguyện cầu cũng đều được thỏa. Mười tám là quyến thuộc vui sướng).

Điều thứ mười bảy là có điều gì  mong  cầu  đều  được  thỏa. Kinh

Thập Luân dạy: “Nhược chư hữu tình hoặc vị chủng chủng thế xuất thế gian chư lợi lạc sự, ư tấn cầu thời, nhược năng cung kính, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, ý nguyện mãn túc” (Nếu các hữu tình vì muốn làm các thứ chuyện lợi lạc thuộc thế gian hay xuất thế gian, khi sắp làm mà nếu có thể cung kính, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, ý nguyện sẽ được thỏa mãn). Điều thứ mười tám “quyến thuộc vui sướng” tức là tri thức ngoại hộ trong sự tu hành. Kinh Thập Luân dạy: “Nhược chư hữu tình, ái nhạo biệt ly, oán tắng hợp hội, hữu năng cung kính, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, nhất thiết giai đắc ái nhạo hợp hội, oán tắng biệt ly” (Nếu các hữu tình [gặp cảnh] người yêu thích phải biệt ly, kẻ oán ghét cứ tụ họp, mà có thể cung kính, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, thì hết thảy đều được người yêu thích sẽ tụ họp, xa lìa kẻ oán ghét).

(Kinh) Thập cửu giả, chư hoạnh tiêu diệt. Nhị thập giả, nghiệp đạo vĩnh trừ.

()十九者諸橫消滅。二十者業道永除。

(Kinh: Mười chín là các sự ngang trái tiêu diệt. Hai mươi là nghiệp đạo vĩnh viễn trừ diệt).

Điều thứ mười chín là “các sự ngang trái tiêu diệt” như đã giải thích trong những phần trước. Điều thứ hai mươi, “nghiệp đạo vĩnh viễn trừ diệt”, do tu tập các nghiệp vô lậu như đọc kinh v.v… cho nên các nghiệp đạo hữu lậu trong tam giới đều nhất loạt trừ diệt.

(Kinh) Nhị thập nhất giả, khứ xứ tận thông. Nhị thập nhị giả, dạ mộng an lạc.

()二十一者去處盡通。二十二者夜夢安樂。

(Kinh: Hai mươi mốt là đi đến đâu đều thông suốt. Hai mươi hai là đêm mộng yên vui).

Điều thứ hai mươi mốt là đi đến đâu đều thông suốt. Kinh Địa Trì dạy: “Nhân cụ túc cố, nam tướng thành tựu, kham vi nhất thiết công đức pháp khí, ư nhất thiết thời, tự tại du hý, nhất thiết chúng sanh, vãng lai đồng sự. Nhân gian khoáng dã, tùy ý vô ngại” (Do con người trọn đủ, thành tựu tướng nam tử, kham làm pháp khí cho hết thảy công đức. Trong hết thảy thời, vui chơi tự tại. Lui tới đồng sự với hết thảy chúng sanh. Nơi đồng trống trong nhân gian, tùy ý vô ngại). Nay đã tu cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, cho nên được đi lại, ra vào, đến khắp nơi đều thông đạt. Điều thứ hai mươi là “đêm ngủ, nằm mộng an lạc” đã được giải thích trong phần trước. Những điều trên dây đều là phước lợi đối với bản thân.

(Kinh) Nhị thập tam giả, tiên vong ly khổ. Nhị thập tứ giả, túc phước thọ sanh.

 ()二十三者先亡離苦。二十四者宿福受生。

(Kinh: Hai mươi ba là người đã mất thoát khổ. Hai mươi bốn là do túc phước mà thọ sanh).

Điều thứ hai mươi ba là người đã khuất thoát khổ, chính là có thể giúp tổ tiên như đã nói trong phần trước. Điều kế đó là phước lợi trong tương lai. Điều thứ hai mươi bốn là “túc phước thọ sanh”. Kinh Tư Ích dạy: “Bồ Tát hữu tứ pháp, đắc tiên nhân lực, bất thất thiện căn, nhất kiến tha nhân khuyết, bất dĩ vi quá. Nhị, ư nộ nhân thường tu từ tâm. Tam, đương thuyết chư pháp nhân duyên. Tứ, thường niệm Bồ Đề” (Bồ Tát có bốn pháp khiến cho túc nhân đắc lực, chẳng mất thiện căn: Một là thấy khuyết điểm của kẻ khác, chẳng coi đó là lầm lỗi. Hai, đối với kẻ nóng giận, thường tu từ tâm. Ba, sẽ nói các pháp nhân duyên. Bốn, thường niệm Bồ Đề). Nay nhờ phước trì tụng, cúng dường đức Địa Tạng từ đời trước, sẽ thọ sanh trên cõi trời, hay trong nhân gian, lại còn hưởng phước lạc như ý.

(Kinh) Nhị thập ngũ giả, chư thánh tán thán. Nhị thập lục giả, thông minh, lợi căn.

()二十五者諸聖讚歎。二十六者聰明利根。

(Kinh: Hai mươi lăm, chư thánh tán thán. Hai mươi sáu, thông minh, căn tánh nhạy bén).

Điều thứ hai mươi lăm là “chư thánh tán thán”. Do tu phước thù thắng, tiếng thơm truyền xa. Đại Luận viết: “Bồ Tát nghe Phật pháp rất sâu chẳng thể nghĩ bàn, có thể định tâm tin ưa, chẳng sanh nghi ngờ, hối hận. Vị Bồ Tát như thế được chư Phật ca ngợi”. Nay đã tin nhận chuyện chẳng thể nghĩ bàn của đức Địa Tạng, cho nên cảm vời chư thánh tán thán. Điều thứ hai mươi sáu là “thông minh, căn tánh nhạy bén”: Như Tuân Tử nói: “Mắt chẳng nhìn hai lần mà biết rõ, tai chẳng nghe hai lượt mà thông suốt”. Nay do nhất tâm đọc kinh, thành tựu căn cơ hành pháp (tu tập giáo pháp). Do vậy, nghĩa lý lọt vào tai, chẳng cần nghe lần nữa! Kinh sách lướt qua mắt, há phải đọc thêm một lần! Tâm ngầm hiểu biết, thông suốt, căn tánh hơn hẳn người khác!

(Kinh) Nhị thập thất giả, nhiêu từ mẫn tâm. Nhị thập bát giả, tất cánh thành Phật.

 ()二十七者饒慈愍心。二十八者畢竟成佛。

(Kinh: Hai mươi bảy, giàu lòng từ mẫn. Hai mươi tám, rốt ráo thành Phật).

Điều thứ hai mươi bảy “giàu lòng từ mẫn”; đây chính là hạnh trọng yếu để lợi sanh. Do lòng Từ có năm điều lợi: Đao chẳng gây thương tổn được, độc chẳng hại được, lửa chẳng đốt được, nước không nhấn chìm được, kẻ sân ác trông thấy bèn vui mừng. Kinh Địa Trì dạy: “Bồ Tát dĩ an ổn lạc, nhiêu ích chúng sanh. Phi an ổn lạc, giáo linh trừ đoạn” (Bồ Tát dùng sự vui an ổn để lợi ích chúng sanh. Dạy họ đoạn trừ những sự vui nếu chúng chẳng an ổn) là nói về chuyện này.

Điều thứ hai mươi tám “rốt ráo thành Phật”; đây là lợi ích rốt ráo. Gom Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Thủy, Tế Thủy đều đổ vào biển, cùng có một vị mặn, cùng nung chảy bình, mâm, thoa, xuyến trong lò, đều thành vàng ròng cả! Đấy chính là cái tâm phó chúc của đức Phật, là ý chỉ ngài Địa Tạng vâng mạng. Đó gọi là “chỉ có một sự thật này, những thứ khác hễ có hai thì đều chẳng thật”. Vì thế, hai đoạn văn [lưu thông] trước đó đều được kết thúc bằng phần này.

3.3.1.3.2.2.2.2.2. Văn kinh, lễ hình, tán thán lợi ích (lợi ích do nghe kinh, lễ hình tượng, tán thán)

3.3.1.3.2.2.2.2.2.1. Tổng thị tu nhân (dạy chung về cái nhân tu tập)       

(Kinh) Phục thứ Hư Không Tạng Bồ Tát! Nhược hiện tại, vị lai, thiên, long, quỷ, thần, văn Địa Tạng danh, lễ Địa Tạng hình, hoặc văn Địa Tạng bổn nguyện sự hạnh, tán thán, chiêm lễ.

 ()復次虛空藏菩薩若現在未來天龍鬼神聞地藏名禮地藏形或聞地藏本願事行讚歎瞻禮。

 (Kinh: Lại này Hư Không Tạng Bồ Tát! Nếu trời, rồng, quỷ, thần trong hiện tại và vị lai, nghe danh hiệu Địa Tạng, lễ hình tượng Địa Tạng, hoặc nghe bổn nguyện và sự hạnh của Địa Tạng mà tán thán, chiêm ngưỡng, lễ bái).

 Tu nhân ở đây gần tương tự với phần trên, vì sao tách ra thành hai phần kinh văn? Cần biết: Trong phần trên còn có thêm cúng dường các thứ, tức là duyên nhân và liễu nhân đều cùng tu. Phần này chỉ là nghe danh hiệu, lễ bái, tán thán, [tức là] chỉ thực hiện liễu nhân. Do chỗ sai khác đôi chút này, cho nên liệt kê riêng biệt, nhằm nêu rõ: Do nghe danh hiệu mà còn được lợi ích như thế, huống hồ kèm thêm tu duy, tu tập ư?

3.3.1.3.2.2.2.2.2.2. Biệt liệt ích số (liệt kê từng điều lợi ích riêng biệt)

(Kinh) Đắc thất chủng lợi ích: Nhất giả, tốc siêu thánh địa.

()得七種利益一者速超聖地。

(Kinh: Được bảy thứ lợi ích: Một là mau vượt lên địa vị thánh).

Lợi ích trước sau đều luận theo Viên giáo. Một là mau vượt lên địa vị thánh, tức là thánh chủng tánh của Thập Địa trong Viên Giáo. Do người căn cơ viên đốn nhạy bén, mạnh mẽ, cho nên từ các địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, sẽ mau chóng vượt lên, dự vào địa vị thánh (Thập Địa).

(Kinh) Nhị giả, ác nghiệp tiêu diệt.

()二者惡業消滅。

(Kinh: Hai là ác nghiệp tiêu diệt).

Điều thứ hai là ác nghiệp tiêu diệt; ác nghiệp là nói đối ứng với thiện nghiệp. Đã nghe chuyện chẳng thể nghĩ bàn của đức Địa Tạng, sẽ hiểu rõ “tu nhiễm, tu ác, toàn thể chính là tánh nhiễm, tánh ác”. Vì thế, trong Ngũ Phẩm Quán Hạnh, chế phục trọn vẹn Ngũ Trụ, tiến nhập Tín vị, Kiến Tư Hoặc mất trước, sẽ là từ đấy vĩnh viễn lìa khỏi Phần Đoạn sanh tử. Vì thế biết: Tuy nói là [tiêu diệt] ác nghiệp, nhưng [thật ra], tự đạt được cả ba chướng đều tiêu trừ trọn vẹn.

(Kinh) Tam giả, chư Phật hộ lâm.

()三者諸佛護臨。

(Kinh: Ba là chư Phật đến hộ trì).

Điều thứ ba là chư Phật đến hộ trì. Đã thuộc địa vị Tương Tự, đã gần với cái nhân chân thật, đã có khí phận của Phật pháp, bèn cảm chư Phật đến hộ trì. “Lâm” là đến, có cùng nghĩa với “Thượng Đế lâm nhữ” (Thượng Đế giáng lâm chỗ của ngươi). Chữ Lâm (臨) ghép bởi chữ Phẩm (品), [ngụ ý] “đông nhiều” và chữ Ngọa (臥), [hàm ý] vô vi. Từ trên giáng lâm, chẳng tự vận dụng mà dùng người khác. Vì thế, có thể cho phép đối tượng thực hiện, còn chính mình chẳng làm. Nay chư Phật giáng lâm, đúng như vầng trăng in bóng trên sông, cố nhiên chẳng phải nhọc lòng trong ấy.

(Kinh) Tứ giả, Bồ Đề bất thoái.

()四者菩提不退。

(Kinh: Bốn là chẳng thoái thất Bồ Đề).

Điều thứ tư là chẳng thoái thất Bồ Đề như đã giải thích trong phần trên.

(Kinh) Ngũ giả, tăng trưởng bổn lực.

()五者增長本力。

(Kinh: Năm là tăng trưởng sức mình).

Điều thứ năm, “tăng trưởng bổn lực” tức là ngoài tu nhân ra, còn huân tập, tăng trưởng Chân Như bổn lực, do hàng Bồ Tát hạnh sâu đều được tăng trưởng trọn đủ cả Bi lẫn Trí, cho nên bổn lực càng được tăng nhiều.

(Kinh) Lục giả, túc mạng giai thông.

()六者宿命皆通。

 (Kinh: Sáu là đều biết túc mạng).

Điều thứ sáu là đối với Túc Mạng đều thông hiểu. Theo các bộ luận, điều đó có nghĩa là đối với chỗ đã sanh về, tự tánh có thể biết quá khứ, Túc Mạng và Tha Tâm. Nếu các hữu tình thí cho người ấy các thứ thức ăn ngon quý, do nghiệp lực đó, có thể dẫn khởi trí này. Như kinh A Ma Trú dạy:  

“Vô minh vĩnh diệt, đại minh pháp sanh. Ám minh tiêu diệt, quang diệu pháp sanh” (Vô minh vĩnh viễn diệt, pháp đại minh sanh ra. Tối tăm tiêu diệt, pháp sáng ngời sanh ra). Vì thế có thể biết chuyện thuộc túc mạng trong vô số kiếp.

(Kinh) Thất giả, tất cánh thành Phật.

 ()七者畢竟成佛。

(Kinh: Bảy là rốt ráo thành Phật).

Điều thứ bảy là “rốt ráo thành Phật”. Kinh Địa Trì nói: “Bồ Tát y trí cố, nhiếp thọ chánh phước chủng chủng xảo tiện, vị chư chúng sanh, nãi chí Vô Thượng Bồ Đề. Nhược báo, nhược báo nhân, nhược báo quả, nhất thiết y phước khởi, phước y trí khởi. Thử nhị cụ túc, tối thắng vô thượng, đắc Vô Thượng Bồ Đề. Nhược phước trí bất cụ, chung bất năng đắc” (Do Bồ Tát nương vào trí mà nhiếp thọ các thứ phương tiện thiện xảo thuộc về chánh phước, vì các chúng sanh cho đến Vô Thượng Bồ Đề. Dù là quả báo, dù là báo nhân hay báo quả, hết thảy đều nương vào phước mà dấy lên, phước nương vào trí mà dấy lên. Hai thứ đó trọn đủ, tối thắng vô thượng, đắc Vô Thượng Bồ Đề. Nếu phước và trí chẳng đủ, sẽ trọn chẳng thể đạt được). Nay do tu tập cái trí bằng cách đọc kinh và trì danh, cũng như do phước chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng, cho nên được thành Phật. Đây gọi là lợi ích bao gồm nhân, quả, tự, tha. Phần Biệt Lưu Thông đã xong.

3.3.2. Tổng Lưu Thông (phần lưu thông chung)

3.3.2.1. Nhân quả thánh phàm văn tán trí thán (nhân, quả, thánh phàm, nghe xưng dương đều tán thán)

(Kinh) Nhĩ thời, thập phương nhất thiết chư lai bất khả thuyết bất khả thuyết chư Phật Như Lai cập đại Bồ Tát, thiên long bát bộ, văn Thích Ca Mâu Ni Phật, xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ Tát, đại oai thần lực bất khả tư nghị, thán vị tằng hữu.

()爾時十方一切諸來不可說不可說諸佛如來及大菩薩天龍八部聞釋迦牟尼佛稱揚讚歎地藏菩薩大威神力不可思議歎未曾有。

(Kinh: Lúc bấy giờ, mười phương hết thảy bất khả thuyết bất khả thuyết chư Phật Như Lai và đại Bồ Tát, thiên long bát bộ đến dự hội, nghe Thích Ca Mâu Ni Phật xưng dương tán thán sức oai thần to lớn chẳng thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát, đều khen là chưa từng có).

Từ “mười phương” cho đến “bát bộ”, tổng kết đại chúng vân tập trên đây. Chư Phật, Bồ Tát đã nhóm họp trước khi Phật Thích Ca phóng quang, đó chính là căn nguyên phát khởi. Trời rồng tám bộ nhóm họp sau khi Phật Thích Ca phóng quang, là đại chúng chánh yếu để phát khởi. Từ “nghe Phật Thích Ca” trở đi, tổng kết những chuyện chẳng thể nghĩ bàn đã được tán thán trước đó. Nhưng người khác cũng tán thán, mà nay chỉ nói mình đức Phật Thích Ca tán thán là do có hai ý:

– Một, nêu ra chủ để gồm thâu bạn, như lời lẽ của quần thần đều phát xuất từ mạng lệnh của vua, đều nói là “vương luân” (王綸, ý chỉ của vua).

– Hai là quy công đức về bậc hóa chủ, như tam công mưu tính sách lược. Sau khi thành công, sẽ quy kết những điều tốt đẹp về thiên tử.

Những điều khác dễ hiểu.

3.3.2.2. Thiên chúa, chúng hội cúng dường, lễ thoái (các vị chúa trời, đại chúng trong hội cúng dường, làm lễ, lui ra)

(Kinh) Thị thời, Đao Lợi Thiên vũ vô lượng hương, hoa, thiên y, châu anh, cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật, cập Địa Tạng Bồ Tát dĩ.

()是時忉利天雨無量香華天衣珠瓔供養釋迦牟尼佛及地藏菩薩已。

(Kinh: Khi ấy, Đao Lợi Thiên mưa vô lượng hương, hoa, áo trời, chuỗi bảo châu, cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật và Địa Tạng Bồ Tát xong).

Riêng mình Đao Lợi thiên vương cúng dường là vì ông ta đã là đàn-việt (thí chủ), pháp hội lại ở trong cung của ông ta, cho nên được chuyên trách. Hương biểu thị “nhân thông thấu biển quả, thành tựu Ngũ Phần Pháp Thân”. Hoa biểu thị “cái nhân viên mãn, ắt đạt được quả, trọn đủ bốn mươi mốt địa vị”. Áo trời từ cây sanh ra, nhẹ, mịn tự nhiên, biểu thị “chứng Tịch Diệt Nhẫn”. Đối với “châu anh”, Biệt Hành Sớ giảng: “Hoặc là các chuỗi báu, hoặc là chuỗi bảo châu”. Nay chuỗi ở đây do bảo châu kết thành, nên gọi là “châu anh” (珠瓔), biểu thị “đắc bốn pháp thù thắng”. Kinh Đại Tập nói “Giới, Định, Huệ, Đà La Ni, dĩ vi anh lạc, trang nghiêm Pháp Thân” (dùng Giới, Định, Huệ, Đà La Ni làm chuỗi anh lạc để trang nghiêm Pháp Thân) là nói tới chuyện này. Nhưng chuỗi bảo châu đeo ở cổ, cổ là chỗ được trang nghiêm, biểu thị tánh đức Trung Đạo. Hạnh này xứng tánh, như chuỗi anh lạc đeo ở cổ mà có thể trang nghiêm. Đều nói là “vũ” (mưa, tuôn xuống) tức là từ chánh không Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Thiên mà phấp phới rơi xuống.

“Vô lượng”: Pháp nhân quả hoàn toàn do nhất tâm. Liễu đạt cái tâm ấy vốn trọn đủ Hằng sa pháp tánh công đức, há có hạn lượng! Dùng vô lượng các pháp ấy để cúng dường Phật Thích Ca là đấng giáo chủ thuyết pháp, và ngài Địa Tạng là bậc nguyện vương có thể hành. Do tâm có điều chuyên chú, cho nên không nói đến những vị khác. “Dĩ” (đã), ý nói: Những vật có thể cúng dường đều ngầm hợp Thật Tế, đấng được cúng dường vốn trụ trong Tam-ma-địa (chánh định). Năng và Sở đã là không, cảm ứng do vậy cũng mất. Chủ và khách hòa quyện với nhau thành một, tài và pháp đều dứt bặt tung tích, chẳng còn dấu vết, cho nên nói là “dĩ”. Trên đây là nói về chuyện cúng dường.

(Kinh) Nhất thiết chúng hội, câu phục chiêm lễ, hiệp chưởng nhi thoái.

()一切眾會俱復瞻禮合掌而退。

(Kinh: Hết thảy đại chúng trong hội đều chiêm ngưỡng, lễ bái lần nữa, chắp tay, lui ra).

Sau đấy là “lễ thoái” (lễ tạ, lui ra). “Nhất thiết chúng hội” (hết thảy đại chúng trong hội) tức là các đại chúng đã nhóm họp trước đó, nay ai nấy đều trở về chỗ mình cư trụ. “Câu phục chiêm ngưỡng” (lại đều chiêm ngưỡng): Tôn sư trọng đạo, quyến luyến chẳng quên. Lễ bái lần nữa, tấm lòng tôn kính pháp chẳng hề gián đoạn. “Hiệp chưởng” (chắp tay) biểu thị mười pháp giới đều có cùng một Thể. “Nhi thoái” (liền lui ra) hiển lộ vạn loại đồng quy, nhưng chẳng giống những kinh khác kết thúc bằng câu “giai đại hoan hỷ” (đều hoan hỷ to lớn), vì từ đại chúng trong đại hội, ta thấy họ từ đây tăng thêm cái tâm thù thắng phỏng theo hoằng thệ của đức Địa Tạng cứu vớt tam đồ chẳng ngơi, tuân theo lời chúc lụy của đức Thích Ca Văn Phật, hoằng dương kinh này vô cùng. Trên là đã có cùng nỗi ưu sầu với thánh mẫu, hoặc buồn bã than thở như thiên vương, nay nghe pháp bèn hết sức hoan hỷ, cho nên trong tâm uẩn tàng hoài bão, càng lo cứu thế ân cần. Do những điều này đã bộc lộ rõ ràng, vị trùng tuyên kinh chẳng cần phải trần thuật những lời ấy để biểu lộ ý kiến thông qua ngôn ngữ nữa.

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú
Chung

***

[1] Đúng ra, Hư Không Tạng phải là Ākāśagarbha, còn dịch là Hư Không Dựng, hay Không Tạng Kim Cang, còn Gaganagañja nên dịch là Hư Không Bảo.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ