Đ a n g t i d l i u . . .
17. Phẩm thứ mười ba: Dặn dò trời người -01

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.3.1.3. Chúc lụy nhân thiên lưu thông (phần lưu thông Dặn Dò trời người)

Những phần [Lưu Thông] trên đây được gọi là Biệt vì dành riêng cho kinh này. Ở đây, [phần lưu thông này] được gọi là Thông, vì kinh nào cũng chúc lụy. Tuy vậy, do nó thuộc vào kinh này, nên tuy thông mà vẫn là biệt. Phần này lại được chia thành hai phần:

3.3.1.3.1 Phẩm đề (tựa đề của phẩm này)

(Kinh) Chúc lụy nhân thiên, phẩm đệ thập tam.

()囑累人天品第十三

(Kinh: Phẩm thứ mười ba: Dặn dò trời người).

3.3.1.3.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)

3.3.1.3.2.1. Hóa chủ ưu thiên nhân chúc lụy (đấng hóa chủ lo lắng cho trời người nên căn dặn)

3.3.1.3.2.1.1. Thế Tôn ma đảnh phó chúc (đức Thế Tôn xoa đầu, căn dặn)

3.3.1.3.2.1.1.1. Hô danh đại tán công đức (gọi tên, nồng nhiệt khen ngợi công đức)

3.3.1.3.2.1.1.1.1. Tự cử tý ma đảnh (trần thuật chuyện đức Phật giơ tay xoa đầu [Địa Tạng Bồ Tát])       

(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn cử kim sắc tý, hựu ma Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.

()爾時世尊舉金色臂又摩地藏菩薩摩訶薩頂。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn lại giơ cánh tay sắc vàng xoa đỉnh đầu Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát).

“Nhĩ” (爾) ở đây có nghĩa là “tức” (ngay lập tức); tức là ngay sau khi đức Phật giảng cho ngài Quán Âm về lợi ích do thấy nghe [Địa Tạng Bồ Tát] đã xong, chính là lúc sẽ đem trời, người giao phó cho Địa Tạng (đấy chính là Thế Giới Tất Đàn). Hơn nữa, đại hội đã nghe hai lượt lưu thông của địa thần và Quán Âm, đã được hoan hỷ rồi, đúng là lúc hãy nên nghe [đức Phật] dặn dò [Bồ Tát giúp cho] trời người sanh trưởng điều lành (đấy chính là Vị Nhân Tất Đàn). Lại nghe những chuyện lợi ích chẳng thể nghĩ bàn trên đây, chính là cái duyên để phá trừ các pháp ác đọa khổ; khi ấy, chính là lúc đại chúng càng muốn nghe [đức Phật] dặn dò ngài Địa Tạng cứu bạt, hòng vĩnh viễn đối trị các điều ác (đấy là Đối Trị Tất Đàn). Lại do đã nghe hai phen nói về những chuyện chẳng thể nghĩ bàn trên đây mà đắc đạo đã xong, nay là lúc nên nghe phó chúc giúp cho đại chúng trong pháp hội không ai chẳng ngộ lý (đấy là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn). Do có bốn nhân duyên Tất Đàn để tuyên nói sự phó chúc lần nữa, cho nên nói là “nhĩ thời” (lúc bấy giờ).

“Cử kim sắc tý” (giơ cánh tay sắc vàng): Kim sắc vốn có màu vàng, biểu thị Trung Đạo. Cánh tay có công năng nâng đỡ, biểu thị dìu dắt lục đạo đều cùng về Trung Đạo nhất tánh, cho nên lại giơ lên. Trong những phần trước, [đức Phật] xoa đỉnh đầu nhằm ủy lạo Bồ Tát độ sanh vất vả; nay xoa đỉnh đầu [với dụng ý]: Chúc lụy Bồ Tát hãy nhọc công cứu bạt. Một tay xoa đầu của vô lượng Bồ Tát trong phần trước biểu thị “một, nhiều tự tại”. Nay tay xoa một đỉnh đầu, biểu thị “vốn cùng một đạo”, tức là lục đạo và chín pháp giới trọn chẳng phải là hai đạo!

3.3.1.3.2.1.1.1.2. Thán chúng đức phả tư (tán thán các công đức chẳng thể nghĩ)     

(Kinh) Nhi tác thị ngôn: – Địa Tạng! Địa Tạng! Nhữ chi thần lực bất khả tư nghị. Nhữ chi từ bi bất khả tư nghị. Nhữ chi trí huệ bất khả tư nghị. Nhữ chi biện tài bất khả tư nghị.

()而作是言地藏地藏汝之神力不可思議。汝之慈悲不可思議。汝之智慧不可思議。汝之辯才不可思議。

(Kinh: Mà nói như thế này: – Địa Tạng! Địa Tạng! Thần lực của ông chẳng thể nghĩ bàn. Lòng từ bi của ông chẳng thể nghĩ bàn. Trí huệ của ông chẳng thể nghĩ bàn. Biện tài của ông chẳng thể nghĩ bàn).

Đức Thế Tôn đặc biệt đối trước đại hội trời, người, liên tiếp gọi tên của đức Địa Tạng, đúng là yêu mến sâu đậm, gởi gấm sâu nặng. Như đại vương của một nước sắp băng hà, trữ quân (儲君, người nối ngôi, tức Thái Tử) non nớt, ngu hèn, muốn ký thác con côi cho bậc đại thần phù tá, ắt nắm tay, nhiều lần gọi “ái khanh”. Do con thơ ấu mà đất nước to rộng, ngày tháng dài lâu, tâm vời vợi, đầy ắp trong dạ nỗi niềm chẳng thể nói trọn hết được. Vì thế, đức Phật giơ cánh tay xoa đầu, gọi tên Bồ Tát hai lượt. Từ “nhữ chi thần lực” (thần lực của ông) trở đi, đức Phật tự tán thán công đức của Bồ Tát. Như quốc vương phó thác sự việc, trước hết cũng tán thán phẩm đức của vị lão thần. Nay chúng sanh trong cõi Diêm Phù chí tánh vô định, nếu không cậy vào bậc tài năng siêu quần, sao có thể cứu cõi âm lẫn cõi dương trong các quốc độ số nhiều như cát?

Vì thế, các đức được tán thán tiếp đó, chẳng ra ngoài “năng hóa tam luân”[1]. Câu đầu tiên, tán thán thân luân hiện thần thông. Các thánh chẳng thể lường được thì gọi là Thần. Bát tự tại ngã[2] thì gọi là Lực. “Bất khả tư nghị” (chẳng thể nghĩ bàn): Theo Đại Luận, có năm sự chẳng thể nghĩ bàn, tức là: Chúng sanh số lượng nhiều hay ít, quả báo của nghiệp, sức của người tọa Thiền, sức của các con rồng, và sức của chư Phật. Phật lực chẳng thể nghĩ bàn nhất! Bồ Tát nhập Thiền Định, sanh ra thần thông chẳng thể nghĩ bàn (tức thần thông nhanh chóng trọn khắp như ý). Vì thế, trong một niệm, đều có thể đến các thế giới Phật trong mười phương, hiện vô lượng thân. Hết thảy hiền thánh chẳng thể hành, chẳng thể đạt đến, cho nên chẳng thể nghĩ bàn!

Nhưng thân luân hiện thần thông, ắt do ý luân soi xét căn cơ mà khởi. Ý luân chính là từ bi ban vui, dẹp khổ. Nếu muốn ban vui và dẹp khổ, ắt phải hiện thần thông, cho nên nói “thân luân do ý”. Đấy chính là Địa Tạng đại từ, đại bi, thật sự có thể trong cùng một lúc mà thực hiện ban vui và dẹp khổ trọn khắp, cho nên chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng tuy nói là “nội giám, ngoại hiện” (trong tâm xét soi, ngoài hiện thần thông), mà nếu chẳng có trí huệ, biện tài, sao có thể thuyết pháp phù hợp căn cơ? Vì thế biết: “Trí huệ biện tài” chính là tán thán khẩu luân. Bởi lẽ, thần thông nơi thân nếu chẳng phải do trí huệ thì sẽ chẳng thể chuyển!

Vì vậy, Long Thọ Bồ Tát nói: “Do vì sức trí huệ, có thể chuyển hết thảy các pháp. Tức là nhỏ có thể biến thành lớn, lớn có thể biến thành nhỏ. Có thể coi ngàn vạn vô lượng kiếp như một ngày, lại có thể biến một ngày thành ngàn vạn kiếp. Vị Bồ Tát ấy là chủ của thế gian, mong muốn tự tại, có nguyện nào chẳng thỏa. Do nhân duyên ấy, Bồ Tát nương vào sức thần thông, có thể nhanh chóng vượt thoát mười phương thế giới”. Há chẳng phải trí huệ chính là cội gốc của thần thông ư? Kinh Thập Luân dạy: “Trí huệ thâm quảng, do như đại hải, biện tài vô trệ, như thủy khích luân, cố bất khả tư nghị” (Trí huệ sâu rộng, ví như biển cả; biện tài không úng trệ, như nước đẩy guồng quay nước. Cho nên chẳng thể nghĩ bàn). Đấy là do Đại Sĩ trọn đủ tam luân bí mật, cho nên có thể hiện thân trong các cõi nhiều như cát. Đức Phật tán thán công đức của Địa Tạng, há có phải là uổng công ư?

(Kinh) Chánh sử thập phương chư Phật, tán thán tuyên thuyết nhữ chi bất tư nghị sự, thiên vạn kiếp trung bất năng đắc tận.

()正使十方諸佛讚歎宣說汝之不思議事千萬劫中不能得盡。

(Kinh: Dẫu mười phương chư Phật tán thán, tuyên nói những chuyện chẳng thể nghĩ bàn của ông trong ngàn kiếp, vẫn chẳng thể trọn hết được).

Từ chữ “chánh sử” (dẫu cho, giả sử) trở đi, tuyên thuyết chư Phật cũng [tán thán] giống như thế. “Chánh” là nói đối ứng với “giả”. Nếu nói là “giả sử” thì vẫn có phần nào mang ý nghĩa phù phiếm, cho nên nói “chánh sử” thì mới là lời lẽ biểu lộ sự chân thật; nhưng vì sao Địa Tạng Đại Sĩ lại có thể khiến cho mười phương chư Phật tán thán? Như Đại Luận có nói: “Nếu có vị Bồ Tát nào trọn đủ vô lượng Phật pháp thanh tịnh như Lục Ba La Mật, Thập Lực, Tứ Vô Sở Úy, Tứ Vô Ngại Trí, Thập Bát Bất Cộng v.v… nơi Thập Địa, do vì chúng sanh mà trụ dài lâu trong sanh tử, chẳng giữ lấy A Nậu Bồ Đề để rộng độ chúng sanh, thì vị Bồ Tát như thế sẽ được chư Phật tán thán”. Chính vì lẽ này, chư Phật đồng thanh tán thán. Nhưng lại vì lẽ nào mà tán thán, diễn nói chuyện ấy trong ngàn vạn kiếp vẫn chẳng thể trọn hết? Cũng như luận đã nói: “Bồ Tát thoát khỏi tam giới, biến hóa vô ương số[3] thân, vào trong sanh tử giáo hóa chúng sanh. Chuyện hy hữu như thế đều sanh từ trí huệ Bát Nhã Ba La Mật rất sâu”. Đấy chính là ý nghĩa tán thán chẳng thể trọn hết ở đây!

3.3.1.3.2.1.1.2. Hô danh tái chúc nhân thiên (gọi tên, phó chúc nhân thiên lần nữa)

3.3.1.3.2.1.1.2.1. Trường Hàng

3.3.1.3.2.1.1.2.1.1. Hỏa trạch chúng sanh vật linh đọa khổ (đừng để chúng sanh trong nhà lửa đọa khổ)

3.3.1.3.2.1.1.2.1.1.1. Chánh dĩ tam giới thiên nhân phó chúc (phó chúc trời, người trong tam giới)

(Kinh) Địa Tạng! Địa Tạng! Ký ngô kim nhật tại Đao Lợi thiên trung, ư bách thiên vạn ức bất khả thuyết bất khả thuyết nhất thiết chư Phật, Bồ Tát, thiên, long bát bộ, đại hội chi trung.

()地藏地藏記吾今日在忉利天中於百千萬億不可說不可說一切諸佛菩薩天龍八部大會之中。

(Kinh: Địa Tạng! Địa Tạng! Hãy nhớ ta hôm nay, ở trên trời Đao Lợi, giữa đại hội của trăm ngàn vạn ức bất khả thuyết bất khả thuyết hết thảy chư Phật, Bồ Tát, trời rồng tám bộ).

Gọi tên lần trước là tiếng vui mừng ái ngữ; còn gọi tên trong đoạn này là tiếng buồn thương, đau khổ. Trong phần trên là tán thán công đức, còn nay là phó chúc sự việc. Từ chữ “ký ngô” (hãy nhớ ta) trở đi là lời dặn dò mai sau đừng quên; như di mạng của cha, hiếu tử hãy khắc cốt chớ quên! Nói “đại hội” là nhờ đại chúng chứng minh, nêu rõ đây là đại sự, chẳng phải là chuyện vặt vãnh! Chuyện này khác với chuyện trong hội Pháp Hoa, ông trưởng giả tụ tập thân tộc để tuyên bố giao gia nghiệp cho con. Vì sao? [Trong hội Pháp Hoa, đứa con] là căn cơ đã được [ông trưởng giả] giáo hóa lâu ngày. Tới lúc ấy, đại công đã thành tựu, tụ tập đại chúng giao phó gia nghiệp là chuyện thuận theo tình thế đã đi vào khuôn khổ, có khó khăn gì? Trong hội này, giao phó những chúng sanh chưa được điều phục, ngõ hầu Phật chủng chẳng bị gián đoạn, giống như cứu con rơi vào nước lửa, trọn chẳng biết kết cục sẽ như thế nào? Vì thế khác nhau!

(Kinh) Tái dĩ nhân thiên chư chúng sanh đẳng, vị xuất tam giới, tại hỏa trạch trung giả, phó chúc ư nhữ, vô linh thị chư chúng sanh đọa ác thú trung, nhất nhật, nhất dạ, hà huống cánh lạc Ngũ Vô Gián, cập A Tỳ địa ngục động kinh thiên vạn ức kiếp, vô hữu xuất kỳ.

()再以人天諸眾生等未出三界在火宅中者付囑於汝無令是諸眾生墮惡趣中一日一夜何況更落五無間及阿鼻地獄動經千萬億劫無有出期。

(Kinh: Lại đem trời, người, các chúng sanh v.v… là những kẻ chưa thoát khỏi ba cõi, đang ở trong nhà lửa, giao phó cho ông, đừng để cho các chúng sanh ấy đọa vào đường ác dẫu chỉ một ngày một đêm, huống hồ còn rơi vào Ngũ Vô Gián và địa ngục A Tỳ trải qua ngàn vạn ức kiếp, chẳng có thuở thoát ra!)

Nói “tái dĩ” (再以, lại đem), “dĩ” (以) hàm nghĩa “sẽ”. Trước đó, [đức Phật] đã đem trời, người giao phó, nay lại đem những người ấy làm phiền [Bồ Tát] lần nữa. “Vị xuất” (chưa thoát khỏi): Kể từ sau khi đức Phật nhập diệt cho tới khi ngài Di Lặc thành đạo, trong khoảng thời gian đó, phàm những ai đang ở trong nhà lửa ngũ dục nơi tam giới, nay ta đều dặn dò, phó thác cho ông, đừng để cho những kẻ ấy đọa vào ba ác đạo, dẫu chỉ tối thiểu trong thời gian một ngày một đêm, huống hồ chẳng vội vã cứu giúp, khiến cho họ lại đọa lạc vào đại địa ngục Vô Gián A Tỳ đau khổ cùng cực ngàn vạn ức kiếp, khó có lúc thoát khỏi! Mong sao các vị hiền nhân, đừng cô phụ ơn Phật, hãy sớm cầu thoát khổ, gấp vượt lên bờ yên vui, hãy gắng lên!

3.3.1.3.2.1.1.2.1.1.2. Phục minh sanh tánh vô định phân hình (lại nói rõ chúng sanh chí tánh vô định, Phật phải phân thân hóa độ)

(Kinh) Địa Tạng! Thị Nam Diêm Phù Đề chúng sanh, chí tánh vô định, tập ác giả đa. Túng phát thiện tâm, tu du tức thoái. Nhược ngộ ác duyên, niệm niệm tăng trưởng. Dĩ thị chi cố, ngô phân thị hình, bách thiên ức hóa độ, tùy kỳ căn tánh nhi độ thoát chi.

()地藏是南閻浮提眾生志性無定習惡者多。縱發善心須臾即退。若遇惡緣念念增長。以是之故吾分是形百千億化度隨其根性而度脫之。

(Kinh: Này Địa Tạng! Chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề này chí tánh vô định, phần nhiều quen theo thói ác. Dẫu phát khởi thiện tâm, trong khoảnh khắc liền lui sụt. Nếu gặp ác duyên, sẽ niệm niệm tăng trưởng. Do bởi cớ ấy, ta phân thân hình, trăm ngàn ức hóa độ, tùy theo căn tánh của họ để độ thoát).

Đoạn kinh văn này bất quá nhắc lại chuyện trong phần trước, nhằm nói rõ dụng ý phó chúc của đức Phật. “Thị Nam Diêm” (cõi Nam Diêm này): Xa là nhắc đến đoạn kinh văn nói “hết thảy chúng sanh chưa giải thoát, tánh thức vô định” trong phẩm Diêm Phù Chúng Sanh Nghiệp Cảm, gần là như trong phẩm Lợi Ích Tồn Vong, ngài Địa Tạng đã bạch: “Ngã quán thị Diêm Phù chúng sanh” (Con quán chúng sanh trong cõi Diêm Phù này).

Từ chữ “dĩ thị” (do vì cớ ấy) trở đi, nói rõ đức Phật tự phân thân, ngầm phản ánh hai đoạn kinh văn nói về chuyện ngài Địa Tạng hóa thân. Chuyện này giống như kinh Phó Pháp Tạng đã nói: “Nhất thiết chúng sanh, chí tánh vô định, tùy sở nhiễm tập. Nhược cận ác hữu, tiện tạo ác nghiệp, lưu chuyển sanh tử, vô hữu biên tế. Nhược cận thiện hữu, kính tâm thính pháp, tất ly tam đồ, thọ tối thắng lạc” (Hết thảy chúng sanh chí tánh vô định, tùy theo tập khí tiêm nhiễm [mà làm lành hay làm ác]. Nếu thân cận bạn ác, sẽ tạo ác nghiệp, lưu chuyển sanh tử, chẳng có ngằn mé. Nếu gần gũi bạn lành, tâm cung kính nghe pháp, ắt lìa tam đồ, hưởng sự vui tối thắng). Như con voi trắng ở nước Hoa Thị, nghe pháp bèn sanh lòng Từ, thấy giết chóc bèn tăng thêm sự họa hại. Huống chi con người mà chẳng bị ảnh hưởng bởi tập khí tiêm nhiễm ư? Nhưng làm lành giống như trèo núi, đương nhiên là khó thể lên cao hơn. Ác giống như sụp lở, rất dễ chuyển dời! Đấy chính là cung trời rộng mênh mông, ít kẻ đạt tới; lồng giam địa ngục, người ta cứ tranh nhau chen vào. Do vậy, hãy nhận biết nguyên do vì sao ta phân thân hóa độ!

3.3.1.3.2.1.1.2.1.2. Thiểu thiện chúng sanh vật linh thoái thất (đừng để cho chúng sanh ít điều thiện bị lui sụt)

3.3.1.3.2.1.1.2.1.2.1. Chủng thiểu thiện ủng hộ vật thoái (hãy ủng hộ khiến cho những người ít gieo thiện căn đừng lui sụt)

(Kinh) Địa Tạng! Ngô kim ân cần dĩ thiên nhân chúng, phó chúc ư nhữ.      

()地藏吾今殷勤以天人眾付囑於汝。

(Kinh: Này Địa Tạng! Ta nay ân cần phó chúc chúng trời người cho ông).

Hai câu đầu nhắc lại chuyện trên đây, nhưng thấy hai chữ “ân cần”, bất giác tuôn lệ! “Ân” (殷) là tràn trề. “Cần” (勤) là nhọc nhằn, tâm phải khéo léo suy xét sao cho thích ứng căn cơ, tức là cái tâm lo lắng cho những chuyện được kể sau đó. Thân hết sức vất vả, tâm phải xét suy cặn kẽ, khăng khăng vâng giữ chu toàn, chẳng dám lơi lỏng chút nào! Nay đức Phật vì chúng sanh trong đời vị lai, khuất thân cao quý, [thị hiện] kém cỏi [giống như chúng sanh], khuất phần cao thượng để hòa đồng với những căn cơ bậc hạ, chẳng biết phải diễn tả như thế nào [lòng cảm kích của ta]?

(Kinh) Vị lai chi thế, nhược hữu thiên nhân, cập thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung chủng thiểu thiện căn, nhất mao, nhất trần, nhất sa, nhất đế, nhữ dĩ đạo lực, ủng hộ thị nhân, tiệm tu vô

thượng, vật linh thoái thất.

()未來之世若有天人及善男子善女人於佛法中種少善根一毛一塵一沙一渧汝以道力擁護是人漸修無上勿令退失。

(Kinh: Trong đời vị lai, nếu có trời, người, và thiện nam tử, thiện nữ nhân, gieo chút ít thiện căn trong Phật pháp, dẫu chỉ bằng một sợi lông, một hạt bụi, một hạt cát, một giọt nước, ông hãy dùng đạo lực ủng hộ người ấy, dần dần tu đạo vô thượng, đừng để lui sụt).

Từ “vị lai” trở đi, nêu rõ ý phó chúc, tức là: Hết thảy chúng sanh đều cùng có Phật tánh. Xiển Đề tuy ác, tánh thiện vẫn trọn đủ. Nếu trong đời vị lai, có các vị trời, thiện nam nữ v.v… chẳng mê muội ý niệm nguyên sơ, có thể gieo chút ít duyên nhỏ nhặt nơi ruộng phước vô thượng trong Phật pháp để tạo lập thiện căn, bất luận nhỏ nhặt chừng bằng sợi lông, hạt bụi, hạt cát, giọt nước, ông hãy nên dùng Quyền Trí đạo lực, ủng hộ những người ít thiện sự ấy, khiến cho họ dần dần tu tập A Nậu Bồ Đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Như kinh Bồ Tát Bổn Hạnh đã dạy: “Nhược hữu nhân năng ư Phật pháp, thiểu tác vi thiện như mao phát hứa, sở sanh chi xứ, thọ báo hoằng đại, vô hữu cùng tận” (nếu có người có thể làm điều thiện nhỏ nhặt trong Phật pháp chừng bằng sợi lông, mảy tóc, sẽ thọ báo to rộng nơi chỗ thọ sanh, chẳng có cùng tận). Vì thế biết: Phước bố thí do cái tâm, há liên quan vật dùng để bố thí là lớn hay nhỏ! Do vậy, ta dặn dò ông hãy ủng hộ, chớ để họ thoái thất giữa chừng.  

Như kinh Xử Thai đã dạy: “Manh quy phù mộc khổng, thời thời do khả trị. Nhân nhất thất mạng căn, ức kiếp phục nan thị. Hải thủy thâm quảng đại, tam bách tam thập lục, nhất châm đầu hải trung, cầu chi thượng khả đắc. Nhất thất nhân thân mạng, nan đắc quá ư thị” (Con rùa mù gặp được bộng cây nổi, vẫn là chuyện có thể thường gặp, chứ người một khi đã đánh mất mạng căn, ức kiếp khó có lại được. Nước biển sâu rộng lớn cả ba trăm ba mươi sáu dặm, gieo một cái kim vào biển, vẫn còn có thể tìm được. Vừa đánh mất thân người, tìm lại khó hơn thế!) Vì thế biết: Hễ lui sụt, sẽ mất mát chẳng nhỏ. Nay nguyện Địa Tạng hãy như mẹ hiền nuôi nấng con thơ, ắt khiến cho con được trưởng thành, chẳng lười nhác tí nào để đến nỗi con chết yểu! Do vậy, đó là nỗi khổ tâm ta nay trong đại hội trên cung trời Đao Lợi, ân cần đem đại chúng trời người phó chúc cho ông.

3.3.1.3.2.1.1.2.1.2.2. Niệm  Phật  kinh  toái  ngục  sanh  thiên (do  niệm

kinh Phật mà địa ngục tan vỡ, sanh lên trời)

3.3.1.3.2.1.1.2.1.2.2.1. Tùy nghiệp đọa lạc ác thú (theo nghiệp mà phải đọa lạc trong đường ác)  

(Kinh) Phục thứ Địa Tạng! Vị lai thế trung, nhược thiên, nhược nhân, tùy nghiệp báo ứng, lạc tại ác thú.

()復次地藏未來世中若天若人隨業報應落在惡趣。

(Kinh: Lại này Địa Tạng! Trong đời vị lai, dù trời hay người, theo nghiệp báo ứng rơi vào trong đường ác).

Kinh dạy: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ” (Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo chẳng mất, khi nhân duyên hội ngộ, vẫn tự chịu quả báo). Vì thế biết: Như bóng theo hình, ai có thể trốn tránh? Xưa kia có người chết đi, tới chỗ Diêm Vương, tra xét tội ác của kẻ đó, đáng đọa vào thiết thành. Chị của người ấy chính là chánh phi của vua, bèn năn nỉ vua: “Hãy nghĩ tưởng tôi là em vua, chớ trị tội ấy”. Vua dặn người ấy: “Hãy ở trong cung của ta, đừng ra ngoài, kẻo bị ngục lại (獄吏, những kẻ chấp pháp trong địa ngục) bắt đi. Kẻ đó bất giác tự đến thiết thành, vua chẳng thể cứu được! Theo nghiệp thọ báo, chẳng hề miễn cưỡng mảy may! Theo kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, đọa vào bốn đường ác, mỗi đường có mười nghiệp.

3.3.1.3.2.1.1.2.1.2.2.2. Thần lực phương tiện cứu bạt (dùng thần lực để tạo phương tiện cứu vớt)

(Kinh) Lâm đọa thú trung, hoặc chí môn thủ, thị chư chúng sanh nhược năng niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, nhất cú, nhất kệ Đại Thừa kinh điển. Thị chư chúng sanh, nhữ dĩ thần lực phương tiện cứu bạt. Ư thị nhân sở, hiện vô biên thân, vị toái địa ngục, khiển linh sanh thiên, thọ thắng diệu lạc.

()臨墮趣中或至門首是諸眾生若能念得一佛名一菩薩名一句一偈大乘經典。是諸眾生汝以神力方便救拔。於是人所現無邊身為碎地獄遣令生天受勝妙樂

(Kinh: Ở trong đường ác, hoặc đến cửa ngõ, các chúng sanh ấy nếu có thể niệm một danh hiệu Phật, một danh hiệu Bồ Tát, một câu một kệ kinh điển Đại Thừa, ông hãy dùng thần lực tạo phương tiện cứu bạt các chúng sanh ấy. Ở chỗ người ấy, hiện vô biên thân, vì họ phá nát địa ngục, khiến cho người ấy sanh lên trời, hưởng vui sướng thù thắng, nhiệm mầu).

“Lâm đọa, chí môn thủ” (đã bị đọa, đến cửa ngõ): Nếu đã đến địa ngục, rất khó thoát ra. Vì thế, lúc sắp vào đó, liền dạy họ niệm Phật để tránh khổ. Như kinh Thí Dụ có dạy: “Tích hữu quốc vương, thí phụ tự lập. Hữu A La Hán, tri vương dư mạng, bất quá thất nhật. Mạng chung, tất đọa A Tỳ nhất kiếp thọ khổ, tầm vãng hóa chi, giáo chí tâm xưng nam-mô Phật, thất nhật mạc tuyệt. Lâm khứ, trùng cáo: ‘Thận vật vong thử’. Vương tiện xoa thủ, nhất tâm xưng thuyết, trú dạ bất phế. Chí thất nhật mạng chung, hồn thần cánh chí A Tỳ. Thừa tiền niệm Phật, tri thị địa ngục, tức tiện đại thanh xưng Nam-mô Phật. Ngục trung tội nhân, văn xưng Phật thanh, nhất thời đồng xưng, mãnh hỏa tức diệt, giai đắc giải thoát, xuất sanh nhân trung. Hậu A La Hán trùng vị thuyết pháp, đắc Tu Đà Hoàn” (Xưa kia có quốc vương, giết cha để tự làm vua. Có một vị A La Hán biết vua còn sống chẳng quá bảy ngày; sau khi chết, ắt đọa vào A Tỳ chịu khổ một kiếp, liền đến giáo hóa. Dạy vua hãy chí tâm xưng “nam-mô Phật” trong suốt bảy ngày, đừng để dứt tuyệt. Lúc sắp ra đi, Ngài lại căn dặn: “Hãy cẩn thận, đừng quên chuyện này”. Vua bèn chắp tay, nhất tâm xưng nói, ngày đêm chẳng bỏ. Tới hết ngày thứ bảy, vua mạng chung, hồn thần bèn đến A Tỳ. Do sức niệm Phật trước kia, biết đó là địa ngục, liền lớn tiếng xưng Nam-mô Phật. Tội nhân trong ngục nghe tiếng niệm Phật, đồng thời cùng xưng. Lửa dữ liền tắt, họ đều được sanh trong loài người. Về sau, họ lại được A La Hán thuyết pháp, đắc quả Tu Đà Hoàn).

Kinh Quán Phật Tam Muội lại chép: Đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Ngã diệt độ hậu, nhược xưng ngã danh, nam-mô chư Phật, sở hoạch phước đức, vô lượng vô biên” (Sau khi ta diệt độ, nếu xưng danh ta, hoặc Nam-mô chư Phật, sẽ đạt được phước đức vô lượng vô biên). Trong kinh Đại Từ, đức Phật bảo A Nan: “Nam-mô Phật giả, thử thị quyết định chư Phật Thế Tôn danh hiệu âm thanh. Cố xưng ngôn nam-mô chư Phật” (Nam-mô Phật, đấy chính là âm thanh danh hiệu quyết định của chư Phật Thế Tôn. Vì thế, xưng “nam-mô chư Phật”). Kinh Tăng Nhất A Hàm dạy: “Chúng sanh tam nghiệp tạo ác, lâm chung ức niệm Như Lai công đức giả, tất ly ác đạo thú, đắc sanh thiên thượng. Chánh sử cực ác chi nhân, dĩ niệm Phật cố, diệc đắc sanh thiên” (Chúng sanh ba nghiệp làm ác, lâm chung nghĩ nhớ công đức của Như Lai, ắt lìa khỏi đường ác, được sanh lên trời. Dẫu là kẻ cực ác, nhưng do niệm Phật, cũng được sanh lên trời).

“Nhất Bồ Tát danh” (danh hiệu của một vị Bồ Tát) như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí v.v… liền được độ thoát, chẳng thể nêu trọn. “Nhất cú, nhất kệ” (một câu, một bài kệ): Phổ Hiền Quán Kinh dạy: “Nhược tụng Đại Thừa kinh, tư Đệ Nhất Nghĩa, thậm thâm không pháp. Ư nhất đàn chỉ khoảnh, trừ bách vạn ức na-do-tha Hằng hà sa kiếp sanh tử chi tội” (Nếu tụng kinh Đại Thừa, nghĩ pháp Không rất sâu thuộc Đệ Nhất Nghĩa, trong khoảng khảy ngón tay, trừ tội trong trăm vạn ức na-do-tha Hằng hà sa kiếp sanh tử). Minh Báo Ký chép: Một người họ Vương sắp đọa địa ngục, bỗng gặp một vị Tăng, xưng là Địa Tạng Bồ Tát, dạy ông ta tụng thuộc bài kệ “nhược nhân dục liễu tri” (nếu ai muốn biết rõ), sẽ có thể tránh khỏi địa ngục. Trong chốc lát, ông ta bị gọi đến trước Diêm Vương. Vua hỏi: “Có công đức gì không?” Thưa: “Tôi chỉ trì một bài kệ”. Vua bảo tụng ra, tiếng tụng vang khắp địa ngục. Tội nhân nghe tiếng, đều được giải thoát. Vua liền sai thả về. Chàng họ Vương bèn gắng sức tu thiện. Đấy chẳng phải là điều chứng nghiệm đức Địa Tạng hiện thần lực làm tan địa ngục, sanh thiên, hưởng vui ư? Vì thế biết: Niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ Tát, và tụng kinh kệ, đều được siêu thoát, hưởng niềm vui nhiệm mầu, thù thắng!

3.3.1.3.2.1.1.2.2. Kệ tụng

(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn: “Hiện tại, vị lai thiên nhân chúng, ngô kim ân cần phó chúc nhữ. Dĩ đại thần thông phương tiện độ, vật linh đọa tại chư ác thú”.

()爾時世尊而說偈言現在未來天人眾吾今慇勤付囑汝。以大神通方便度勿令墮在諸惡趣。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ như sau: “Chúng trời người hiện tại, vị lai, ta nay ân cần phó chúc ông. Dùng đại thần thông, phương tiện độ, đừng để đọa vào các đường ác”).

Trời người trong hiện tại và vị lai tánh đã vô định, có thể sẽ tạo  ác

nghiệp, lại rơi vào tam đồ, đều trông cậy ngài Địa Tạng thi triển thần thông to lớn, dùng phương tiện lạ, khiến cho họ đều được độ thoát, chẳng bị lưu chuyển nữa!

3.3.1.3.2.1.2. Địa Tạng hỗ quỳ[4] thừa chỉ (ngài Địa Tạng quỳ lạy, vâng lãnh chỉ dụ)

3.3.1.3.2.1.2.1. Kinh sơ tự nghi (người trùng tuyên trần thuật)

(Kinh) Nhĩ thời, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát hồ quỳ, hiệp chưởng.

()爾時地藏菩薩摩訶薩胡跪合掌。

(Kinh: Lúc bấy giờ, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát hồ quỳ, chắp tay).

3.3.1.3.2.1.2.2. Đại Sĩ lãnh mạng (Đại Sĩ nhận lệnh)

3.3.1.3.2.1.2.2.1. An ủy Thế Tôn (an ủi đức Thế Tôn)

(Kinh) Bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Duy nguyện Thế Tôn, bất dĩ vi lự”.

()白佛言世尊唯願世尊不以為慮。

(Kinh: Bạch cùng Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Kính xin đức Thế Tôn đừng lo lắng”).

Những câu này đều dễ hiểu.

3.3.1.3.2.1.2.2.2. Độ thoát chúng sanh

3.3.1.3.2.1.2.2.2.1. Thiểu thiện giải thoát sanh tử ([hứa sẽ] giải thoát sanh tử cho những kẻ ít thiện căn)

(Kinh) Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung, nhất niệm cung kính, ngã diệc bách thiên phương tiện độ thoát thị nhân, ư sanh tử trung, tốc đắc giải thoát.

()未來世中若有善男子善女人於佛法中一念恭敬我亦百千方便度脫是人於生死中速得解脫。

(Kinh: Trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với Phật pháp một niệm cung kính, con cũng dùng trăm ngàn phương tiện độ thoát người ấy, khiến cho họ trong đường sanh tử mau được giải thoát).

Cái tâm nhỏ bé trong hiện tiền, quá nhỏ, quá mỏng manh; vì thế nói là “nhất niệm”. Phật Thuyết Tứ Tự Xâm Kinh chép: “Vị kiến quần loại, cẩu hoài nhất giới, chí bất chuyển dịch. Giả sử hữu nhân, chí tâm dục độ, đương đế tư kế, nhất tâm hành đạo, đương tri vô thường. Giả tá thị thân, vạn vật quy không, giai phi ngã sở. Hiểu tri vô giả, tắc độ thiên hạ thập phương nhân dân. Cố tri thiên niệm, vạn niệm, thỉ hồ sơ niệm” (Chưa thấy các loài, nếu ôm ấp một niệm nhỏ nhoi, chí chẳng chuyển đổi. Giả sử có người, chí tâm muốn cứu độ, hãy nên suy tính kỹ càng, nhất tâm hành đạo. Hãy nên biết là vô thường. Hư giả cậy vào tấm thân này, vạn vật đều là Không, chẳng phải là cái thuộc về ta. Đã hiểu biết là Không, bèn độ nhân dân trong mười phương khắp thiên hạ. Vì thế biết: Ngàn niệm hay vạn niệm, đều bắt nguồn từ một niệm ban đầu). Chỉ do một niệm ấy liền cảm lòng từ bi thích che chở của đức Địa Tạng và xót thương muôn loài quần sanh, Ngài sẽ khiến cho họ mau chóng được giải thoát khỏi sanh tử, há còn ngờ chi!

3.3.1.3.2.1.2.2.2.2. Thâm tu bất thoái đạo quả (tu đạo quả bất thoái sâu xa)   

(Kinh) Hà huống văn chư thiện sự, niệm niệm tu hành, tự nhiên ư vô thượng đạo, vĩnh bất thoái chuyển.

()何況聞諸善事念念修行自然於無上道永不退轉。

(Kinh: Hà huống những người nghe nói các thiện sự, niệm niệm tu hành, tự nhiên sẽ vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi vô thượng đạo).

“Hà huống” trong đoạn kinh văn này có  nghĩa  là: Do  một  niệm

cung kính rất bé còn được giải thoát sanh tử, huống hồ những ai nghe các điều thiện, niệm niệm tu hành chẳng gián đoạn ư? Kinh Tứ Tự Xâm dạy: “Đạo nhân quán sát khả phủ chi sự. Nội tự tỉnh thân, thí như mộng huyễn. Dụ như quân chinh, bách vạn chi chúng, thị hỗ danh tướng, dĩ khước oán địch. Đạo nhân phục tâm chế ý, tu pháp, phụng đạo, thuận hành giới cấm, thân ý thanh bạch, bố ân, thí đức, trừ khí phẫn nộ, kiêu, xa, tránh tụng, chuyên tinh hành đạo, vô đắc, vô ngại, chí tại quỹ tích. Nhược tướng soái chúng dã, tiên tự chánh tâm, nhĩ nãi thân hành. Thân tâm câu chánh, tắc vô sở thất. Dĩ vô sở thất, đắc đạo tuyệt khứ” (Người tu đạo xem xét chuyện có thể thực hiện hay không. Trong là tự xét lại bản thân ví như mộng huyễn. Giống như đi đánh trận, trăm vạn người cậy nhờ vị danh tướng để chống lại oán địch. Người tu đạo chế phục tâm ý, tu pháp, vâng theo đạo, vâng giữ giới cấm, thân ý trong sạch, ban ân, thí đức, trừ bỏ phẫn nộ, kiêu căng, xa xỉ, tranh cãi, chuyên ròng hành đạo, không thấy có gì để đạt được, không có gì trở ngại, dốc chí noi theo đường lối tu tập. Như vị tướng thống lãnh đại chúng, trước hết tự chánh cái tâm của mình. Do vậy, cái thân sẽ tuân theo. Thân lẫn tâm đều chánh, cho nên chẳng có lầm lỗi. Do không có lầm lỗi, chắc chắn đạt đạo). Do vậy, kinh Thập Luân dạy: “Chiếu hành thiện giả, do như lãng nhật” (Chiếu soi người làm lành giống như mặt trời rạng rỡ). Vì thế, có thể khiến cho hành nhân vĩnh viễn chẳng thoái chuyển vô thượng đạo!

3.3.1.3.2.2. Không Tạng vấn chiêm lễ phước lợi (ngài Hư Không Tạng hỏi về phước lợi do chiêm ngưỡng, lễ bái)

3.3.1.3.2.2.1. Thuật tán vấn phước lợi (trần thuật chuyện tán thán, thưa hỏi phước lợi)

[1] “Năng hóa tam luân” tức là thân luân, khẩu luân, và ý luân, dùng ba luân ấy để giáo hóa.

[2] Ngã là một trong Tứ Đức của Niết Bàn (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh) hàm nghĩa tự tại vô ngại. Đại Ngã chính là Pháp Thân của Như Lai, có tám loại đại tự tại, nên gọi là Bát Đại Tự Tại Ngã:

1. Có thể thị hiện một thân thành nhiều thân.

2. Có thể thị hiện một thân nhỏ như vi trần đầy khắp cõi đại thiên.

3. Thân to lớn mà nhẹ nhàng nâng thân lên đến tận những nơi xa nhất.

4. Hiện vô lượng loại thân để thường cư trụ trong thế giới.

5. Các căn có thể sử dụng lẫn cho nhau, chẳng hạn như có thể dùng mắt để nghe hay ngửi.

6. Đạt được hết thảy pháp nhưng chẳng có ý tưởng là đã đạt được.

7.Nói ý nghĩa của một bài kệ trong vô lượng kiếp.

8.Thân trọn khắp các nơi ví như hư không.

[3] Vô Ương số (無央數) là từ ngữ dịch nghĩa của chữ A-tăng-kỳ.

[4] Ở đây, ngài Linh Thừa dùng chữ Hỗ Quỳ (互跪) vì cho rằng viết “hồ quỳ” (胡跪) là không chính xác. Theo Ngài, Hỗ Quỳ là cách quỳ một gối áp sát đất, gối kia dựng thẳng, lưng và cổ giữ thẳng, thể hiện ý sẵn sàng đứng lên ngay nếu được sai phái, còn Hồ Quỳ là cách quỳ của người Hồ (nhưng chữ Hồ là danh từ để chỉ chung các sắc dân ở phía Tây Trung Hoa, như người Khương, người An Tức, Đại Hạ v…. không phải chỉ riêng người Ấn), trong khi Hỗ Quỳ là cách quỳ lạy riêng biệt của Thiên Trúc.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ