增 壹 阿 含 經
KINH TĂNG NHẤT A-HÀM
Đông Tấn Cồ Đàm Tăng Ca Đề Bà dịch
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
PL 2541 – TL 1997

 

TẬP I

XVII. PHẨM AN-BAN (1)

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn đến giờ đắp y ôm bát dẫn La-vân vào cổng thành Xá-vệ. Khi ấy Phật quay nhìn phía hữu bảo La-vân:

– Nay Thầy nên quán sắc là vô thường.

La-vân đáp:

– Thưa vâng, Thế Tôn. Sắc là vô thường.

Thế Tôn bảo:

– La-vân! Thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường.

La-vân đáp:

– Thưa vâng, Thế Tôn. Thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường.

Lúc này, Tôn giả La-vân lại nghĩ:

– Ðây có duyên cớ gì, mà nay mới đến cổng (phần vệ) thành khất thực đang ở giữa đường. Cớ sao Thế Tôn lại đối diện dạy dỗ ta? Nay ta hãy trở về chỗ mình, chẳng nên vào thành khất thực.

Bấy giờ Tôn giả La-vân giữa đường trở về Tịnh xá Kỳ Hoàn, đem y bát đến dưới gốc cây, chính thân, chính ý, ngồi kiết-già, chuyên chú nhất tâm, niệm sắc là vô thường; niệm thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.

Bấy giờ Thế Tôn ở thành Xá-vệ khất thực xong, sau khi ăn, đi hành kinh ở Tịnh xá Kỳ Hoàn, dần dần đến chỗ La-vân. Ðến rồi, Thế Tôn bảo La-vân rằng:

– Thầy nên tu hành pháp An-ban. Tu hành pháp này, hễ có ý tưởng sầu lo đều sẽ trừ hết. Nay ông lại nên tu hành tưởng nhơ nhớp bất tịnh, nếu có tham dục nên diệt trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên tu hành tâm từ, đã hành tâm từ thì hễ có sân giận đều sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm bi, đã hành tâm bi thì hễ có tâm hại ắt sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm hỉ, đã hành tâm hỉ thì hễ có tâm tật đố đều sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm hộ (xả). Ðã hành tâm xả thì hễ có kiêu mạn ắt sẽ trừ diệt hết.

Bấy giờ Thế Tôn hướng về La-vân mà nói kệ:

Chớ khởi tưởng nghĩ luôn,
Hằng nên tự thuận pháp,
Như thế người có trí,
Tên tuổi được lan truyền.
Cầm đuốc sáng cho người,
Khổ ở tối tăm lớn,
Trời, Rồng cung kính thờ,
Kính thờ bậc Sư trưởng
.

Lúc này Tỳ-kheo La-vân lại dùng kệ đáp Thế Tôn:

Con không khởi trước tưởng,
Lại hằng thuận với pháp,
Như thế người có trí,
Thì hay thờ Sư trưởng.

Bấy giờ Thế Tôn dạy bảo xong, liền trở về tịnh thất. Lúc này Tôn giả La-vân lại nghĩ: “Nay làm sao ta hành An ban trừ bỏ được buồn lo, không có các tưởng?”. Bấy giờ La-vân liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Thế Tôn, đến rồi cúi lạy và ngồi một bên. Chốc lát ngồi lui bạch Phật:

– Thế nào là tu hành An-ban trừ khử sầu lo không có các tưởng? Thu hoạch quả báo lớn, được vị cam lồ?

Thế Tôn bảo:

– Lành thay, lành thay, La-vân! Thầy có thể ở trước Như Lai rống tiếng sư tử mà hỏi nghĩa này. Thế nào là tu hành An-ban trừ bỏ sầu lo không có các tưởng, được đại quả báo, được vị cam lồ? La-vân! Nay Thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì Thầy phân biệt đầy đủ.

– Xin vâng, Thế Tôn!

Bấy giờ Tôn giả La-vân nhận lời Phật dạy, rồi Thế Tôn bảo:

– La-vân! Ở đây nếu có Tỳ-kheo vui ở chỗ vắng vẻ không người, rồi chánh thân, chánh ý, ngồi kiết-già, không có niệm khác, buộc niệm ở chót mũi, hơi thở ra dài biết thở ra dài, thở vào dài biết thở vào dài; thở ra ngắn biết thở ra ngắn, thở vào ngắn cũng biết thở vào ngắn; thở ra lạnh cũng biết thở ra lạnh, thở vào lạnh cũng biết thở vào lạnh; thở ra ấm cũng biết thở ra ấm, thở vào ấm cũng biết thở vào ấm. Quán khắp thân thể thở vào, thở ra thảy đều biết hết. Lúc có thở cũng lại biết có, còn lúc không thở cũng lại biết không. Nếu hơi thở từ tâm ra, cũng lại biết từ tâm ra. Nếu hơi thở từ tâm vào cũng lại biết từ tâm vào. Như vậy, này La-vân! Người hay tu hành An-ban, thì không có tưởng sầu lo não loạn, thu hoạch quả báo lớn, được vị cam lồ.

Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu đầy đủ cho La-vân rồi, La-vân liền từ chỗ ngồi đứng lên, lạy Phật, nhiễu ba vòng rồi đi; đến dưới gốc cây tại vườn An-đà, chính thân, chính ý, ngồi kiết-già, không có niệm khác, buộc niệm ở chót mũi, thở ra dài cũng biết thở ra dài, thở vào dài cũng biết thở vào dài; thở ra ngắn cũng biết thở ra ngắn, thở vào ngắn cũng biết thở vào ngắn; thở ra lạnh cũng biết thở ra lạnh, thở vào lạnh cũng biết thở vào lạnh; thở ra ấm cũng biết thở ra ấm, thở vào ấm cũng biết thở vào ấm. Quán khắp thân thể, hơi thở ra thở vào thảy đều biết cả; lúc có hơi thở cũng lại biết có, lúc không hơi thở cũng lại biết không; nếu hơi thở từ tâm ra cũng lại biết từ tâm ra, nếu hơi thở từ tâm vào cũng lại biết từ tâm vào.

Bấy giờ La-vân tư duy như thế, dục tâm liền được giải thoát, không còn các điều ác, có giác, có quán niệm hoan hỉ khinh an lạc ở Sơ thiền. Có giác, có quán, trong tự quán hỷ, chuyên chú nhất tâm, nhập tam muội không giác, không quán, niệm hỷ, lạc ở Nhị thiền. Không còn niệm hỉ, tự giữ giác tri thân lạc, chỗ chư Thánh thường cầu, xả niệm hỉ, dạo ở Tam thiền. Khổ vui kia đã diệt lại không sầu lo, không khổ không vui, xả (hộ) niệm thanh tịnh, lạc ở Tứ thiền. Do tam-muội này, tâm thanh tịnh không bụi dơ, thân thể nhu nhuyến; biết từ đâu đến, nhớ việc mình đã làm, tự biết việc túc mạng vô số kiếp, cũng biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, mấy ngàn vạn đời; kiếp thành, kiếp hoại; vô số kiếp thành, vô số kiếp hoại, ức năm không thể kể: “Ta từng sanh chỗ kia, tên gì, họ gì, ăn món ăn thế này, thọ khổ vui thế này; thọ mạng dài ngắn, ở kia chết, sanh ở đây, đây chết sanh kia”. Ngài dùng tam-muội này tâm thanh tịnh không vết nhơ, cũng không có kiết sử, cũng biết chỗ khởi tâm của chúng sanh. Ngài lại dùng thiên nhãn thanh tịnh không vết nhơ quán chúng sanh, người sống, người chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường thiện, đường ác, hoặc tốt hoặc xấu, điều làm, điều tạo; như thật rõ biết. Hoặc có chúng sanh thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, phỉ báng Hiền Thánh, thường hành tà kiến, tạo hành tà kiến, thân hoại mạng chung vào trong địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, chẳng phỉ báng Hiền Thánh, chẳng hằng hành chánh kiến, tạo hạnh chánh kiến, thân hoại mạng chung sanh chỗ, thiện lên Trời. Ðó là thiên nhãn thanh tịnh không vết nhơ, quán chúng sanh người sanh, người chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường ác, hoặc tốt, hoặc xấu, điều làm, điều tạo, như thật rõ biết, lại thêm bỏ ý, thành tựu tâm hết lậu hoặc.

Ngài quán sự khổ này, như thật mà biết. Ngài lại quán khổ tập, cũng biết khổ tận, cũng biết khổ xuất yếu, như thật rõ biết. Ngài do quán như thế, tâm dục lậu được giải thoát; liền được trí giải thoát, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, lại không còn thọ thân sau, như thật rõ biết. Lúc này Tôn giả La-vân liền thành A-la-hán. Tôn giả La-vân đã thành La-hán, liền từ chỗ ngồi đứng lên, sửa sang y phục đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên, bạch Thế Tôn:

– Ðiều con cầu đã được, các lậu đã trừ sạch.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các vị đắc A-la-hán, không ai bằng La-vân. Các hữu lậu dứt hết cũng là Tỳ-kheo La-vân; luận về người trì cấm giới cũng là Tỳ-kheo La-vân. Vì sao thế? Vì chư Như Lai Ðẳng Chánh Giác đời quá khứ cũng có Tỳ-kheo La-vân này. Ta muốn nói là con Phật cũng là Tỳ-kheo La-vân, thân chính từ Phật sanh, là bậc thượng của Pháp.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ tử bậc nhất trì cấm giới là Tỳ-kheo La-vân.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Ðầy đủ pháp cấm giới,
Các căn cũng thành tựu,
Dần dần sẽ đắc được,
Tất cả kiết sử hết
.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Trang: 1 2