HỌC ĐẠO TRONG ĐỜI
Nguyên Minh
Cứu tâm bất cầu vô chướng
Chủ đề chia sẻ của lá thư tuần này là điều tâm niệm thứ ba trong Mười điều tâm niệm được trích từ sách Bảo Vương Tam-muội Niệm Phật Trực Chỉ (寶王三昧念佛直指). Đó là: “Cứu tâm bất cầu vô chướng” (究心不求無障), được nguyên tác giải thích là: “Tâm vô chướng tất sở học liệp đẳng” (心無障則 所學躐等). Hòa thượng Trí Quang gồm chung hai ý này (ở hai đoạn văn khác nhau) để dịch trọn vẹn thành một câu là: “Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu triệt.”
Động từ “cứu” (究) ở đây mang nghĩa là “tìm tòi, tìm kiếm”, do đó hai chữ “cứu tâm” (究心) nghĩa là “tìm kiếm trong tâm”, và tâm ở đây không phải tâm nào khác mà là tâm của chính mình. Thuật ngữ Phật học quen thuộc hơn có thể được dùng thay cho “cứu tâm” trong trường hợp này là “quán tâm”, bởi “cứu tâm” không phải gì khác hơn mà chính là “quán xét tâm ý của chính mình”, hay nói đơn giản hơn là quán xét tự tâm.
Chướng (障) hàm nghĩa chướng ngại, tức là những gì khó khăn, vướng mắc, ngăn cản chúng ta đạt đến mục đích của mình. Mục đích của “cứu tâm” hay quán xét tự tâm là để thấu hiểu những gì đang diễn ra trong tâm ta, từ đó dần dần đạt đến sự thấu hiểu và thể nhập vào bản thể thanh tịnh tuyệt đối xưa nay vốn có của tự tâm, tức là chứng đắc các quả vị giải thoát.
Hai chữ liệp đẳng (躐等) mang nghĩa “vượt cấp, vượt bậc”, tức là bỏ qua một số tầng bậc vốn có trên một lộ trình nào đó, chẳng hạn như một học sinh từ lớp 10 vượt bậc lên lớp 12, bỏ qua không học lớp 11… Trong bối cảnh tu tập mà nói, một người tu học bỏ qua các tầng bậc thông thường theo ý nghĩa trong câu này không có nghĩa là vị ấy có đủ năng lực chứng ngộ thực sự, mà là do vị ấy nhận thức sai về chỗ thực chứng hay năng lực của chính mình, cũng giống như trường hợp một học sinh lớp 10 nhảy thẳng lên lớp 12 chỉ vì ngộ nhận năng lực thực sự của bản thân thì kết quả chắc chắn là không thể đủ sức hoàn thành tốt chương trình học của lớp 12.
Do những ngữ nghĩa như trên, chúng ta có thể chuyển dịch điều tâm niệm thứ ba này là: “Quán xét tự tâm chẳng cầu không chướng ngại, vì tâm không chướng ngại thì chỗ học không có thực chứng.”
Thật ra, lời khuyên này nói lên một thực tế của đa số những người học Phật, đó là sự vội vàng hấp tấp hay quá nôn nóng trên lộ trình tu tập, luôn muốn sao cho có thể nhanh chóng đạt đến những thành tựu mong muốn. Do sự nôn nóng hấp tấp này mà những gì nhận hiểu được đôi khi không phải là sự thực chứng, chỉ là kết quả tưởng tượng của một tâm thức vọng cầu. Trong trường hợp này, lộ trình tu tập của hành giả có vẻ như được rút ngắn rất nhiều và hành giả tự cảm thấy mình đã tiến rất xa trên đường tu tập, nhưng trong thực tế đó lại là một sự bỏ qua những trình tự tu chứng cần thiết (liệp đẳng), do đó mà những gì họ đạt được không phải là một sự thực chứng.
Việc quán xét tự tâm vừa là bước khởi đầu của tất cả những người học Phật, vừa là lộ trình xuyên suốt cho cả một đời tu. Không ai có thể bước vào con đường tu tập theo Phật pháp mà không bắt đầu bằng việc quán xét tâm ý của chính mình, cũng như không ai có thể đạt đến một giai đoạn tu tập nào đó trong cuộc đời mà không còn cần đến sự quán xét tâm ý. Nói cách khác, cho dù là đối với hàng phàm phu sơ cơ học đạo hay các vị đại sư đã trải qua nhiều năm tu tập hành trì, thì việc quán xét tự tâm vẫn luôn là một điều thiết yếu phải được duy trì.
Từ góc độ hành xử trong đời sống thế tục, Khổng tử cũng từng khuyên các môn đồ của mình “tiên trách kỷ” (trước tiên hãy tự trách lỗi mình), mà muốn biết lỗi mình để tự trách thì không thể không có việc quán xét tự tâm. Nếu bản thân ta là một người nóng nảy, nhiều sân hận, hiếm khi có người nói cho ta biết điều đó, và cho dù có người nói thì ta cũng khó lòng chấp nhận. Vì thế, để thực sự biết được mình là người đang có những thói hư tật xấu nào, cách tốt nhất vẫn là phải quay về quán xét tự tâm. Người thường xuyên quán xét tự tâm thì tự biết được những chỗ lỗi lầm, khiếm khuyết của bản thân, và đó chính là tiền đề tất yếu để tiến bước trên con đường hoàn thiện chính mình.
Việc quán xét tự tâm thường gặp phải những khó khăn chướng ngại, không đơn giản như khi ta quan sát một đối tượng khách quan bên ngoài. Khó khăn chướng ngại trước tiên là những định kiến và tập khí lâu đời đã ăn sâu trong tâm thức của chính ta. Lấy ví dụ, nếu bản thân ta là người được nhiều người kính trọng, ngợi khen, việc quán xét tự tâm và phát hiện mình có một ý tưởng nhỏ nhen ích kỷ nào đó chẳng hạn, chắc chắn sẽ gặp phải sự phản kháng từ chính trong nội tâm: “Không có lý nào, mình là người luôn được mọi người kính trọng, ngợi khen; có lẽ nào lại có những ý tưởng nhỏ nhen ích kỷ thế này?” Và ngay khi đó chắc chắn sẽ có hàng loạt lý do được ta đưa ra trong một cuộc độc thoại nội tâm để hợp lý hóa và biện minh cho lập luận “ta không hề có sự nhỏ nhen ích kỷ”. Không cần giải thích nhiều cũng có thể thấy ngay rằng sự phản kháng nội tâm như thế là một chướng ngại ngăn cản ta tiếp tục truy tìm đến tận nguyên nhân phát sinh của ý tưởng nhỏ nhen ích kỷ kia, bởi vì nó thôi thúc ta bỏ qua đi và chấp nhận định kiến sẵn có rằng ta là một con người cao quý, đáng kính trọng, không thể có thói xấu như thế…
Để có thể thực sự tiến lên trên đường tu tập, ta nhất định phải vượt qua những khó khăn chướng ngại đại loại như thế. Trong trường hợp này, nếu ta vượt qua được sự phản kháng của định kiến để tiếp tục quán xét sâu hơn, kỹ hơn, ta sẽ thấy được đến tận những ngóc ngách sâu kín, vi tế trong tâm thức mình, nơi những thói hư tập xấu đang ẩn chứa và chờ dịp khởi sinh. Thấu triệt được như thế, ta mới có thể dứt trừ đến tận gốc rễ của thói hư tật xấu hay những tư tưởng si mê tà kiến, khiến cho chúng không còn cơ hội phát sinh trở lại trong tâm ta.
Hãy thử hình dung điều ngược lại là chúng ta đầu hàng trước những phản kháng từ nội tâm khi quán chiếu và chấp nhận rằng một ý tưởng sai trái hay nhỏ nhen nào đó đã khởi sinh trong tâm thức ta là “hoàn toàn hợp lý” và không cần thiết phải bận tâm, thì điều tất yếu xảy ra sau đó là ta sẽ lặp lại chính những ý tưởng sai trái hoặc nhỏ nhen này một hay nhiều lần khác trong tương lai.
Và trong trường hợp tồi tệ hơn, nếu ta không nhận ra bất kỳ sự phản kháng nào của những định kiến hay tập khí lâu đời trong tâm thức, thì đó chính là dấu hiệu của một sự quán xét tự tâm chưa đủ sâu rộng, và do đó đã bỏ qua không phát hiện được những ý tưởng sai lầm hay thói hư tật xấu được tích lũy và ẩn chứa trong tâm ta. Không phát hiện được chúng thì người học dễ rơi vào ảo tưởng rằng mình đã vượt qua hay chế ngự được chúng. Đây chính là ý nghĩa của lời cảnh báo: “Tâm không chướng ngại thì chỗ học không có thực chứng.”
Và một khi những gì ta học được không có sự thực chứng, thì chắc chắn đó chỉ là những lý thuyết suông chưa có sự trải nghiệm. Do thiếu sự trải nghiệm tự thân, người tu tập sẽ dễ dàng tự đánh giá sai về chính bản thân mình, đi đến chỗ nhầm tưởng rằng mình đã có những thành tựu cao trong sự tu tập, trong khi thực tế không phải vậy. Đây chính là lý do mà phần sau đó của nguyên bản Hán văn đã đưa ra nhận xét: Học liệp đẳng tất vị đắc vị đắc (學躐等必未得謂得). Tạm dịch: “Chỗ học không có thực chứng thì chưa chứng đắc mà cho rằng đã chứng đắc.”
Thật không khó để hình dung về những hệ quả nguy hiểm của người tu tập một khi “chưa chứng đắc mà cho rằng đã được chứng đắc”. Trong thực tế, không ít người tu hành đã gánh chịu những hệ quả nguy hiểm này mà thậm chí còn không tự biết được nguyên nhân khởi sinh là từ chỗ “chưa chứng đắc mà cho rằng đã được chứng đắc”. Điều đó đơn giản chỉ là vì nếu họ thực sự biết được thì sẽ không bao giờ dám để cho điều đó xảy ra, và nếu đã rơi vào ảnh hưởng của những hệ quả xấu này thì hầu hết trường hợp chính là vì thiếu sự nhận thức đúng đắn ngay từ ban đầu. Sự thiếu nhận thức dẫn đến hành xử sai lầm như thế có thể được diễn đạt một cách nôm na và dễ hiểu hơn là “điếc không sợ súng”.
Hệ quả trước tiên và rõ rệt nhất là sự tự mãn, kiêu ngạo vì tin vào những kết quả “chứng đắc” hay thành tựu tu tập của mình. Hệ quả này khiến cho người tu tập đánh mất đi đức khiêm cung cần thiết, luôn khinh thường người khác vì cho rằng họ không có được những thành tựu nhanh chóng và vượt bậc như mình. Tuy nhiên, vì dựa trên ảo tưởng về những thành tựu tu tập vốn không thật có cũng như những hiểu biết về Giáo pháp mà hoàn toàn không thực chứng, nên điều tất yếu là không bao lâu người này sẽ rơi vào sự khống chế của vô minh và phiền não, và những biểu hiện cụ thể của si mê, tà kiến sẽ dễ dàng phát triển, bộc lộ thành những tư tưởng và hành vi ngông cuồng của họ.
Hệ quả thứ hai của nhận thức sai lầm này là người tu tập đánh mất đi cơ hội tiếp cận và học hỏi Giáo pháp chân chánh. Do ảo tưởng về sự chứng đắc của mình, người tu tập không còn quan tâm đến những tiến trình tu tập mà họ tự cho rằng mình đã vượt qua. Và một khi đã không quan tâm hoặc không có sự khao khát học hỏi thì chắc chắn ta sẽ không bao giờ có thể lãnh hội được những tinh yếu của phần Giáo pháp đó.
Hệ quả thứ ba cũng không kém phần nguy hiểm là người tu tập phải hoang phí thời gian quý báu của đời người vào những nỗ lực vô ích, do sự tu tập sai lệch với những trình tự hợp lý trên lộ trình tu tập. Một khi có đủ tỉnh táo để nhận ra sai lầm của mình, hoặc tỉnh ngộ sau một thời gian đã gánh chịu những tác hại từ ảo tưởng chứng đắc, thì cho dù người tu tập có quay lại tu tập đúng Chánh pháp cũng đã mất đi nhiều thời gian quý báu cùng rất nhiều những cơ hội tu tập trước đó.
Hệ quả thứ tư và cũng là hệ quả thường gặp nhất, đó là người tu tập gục ngã trước sự kiêu mạn được nuôi lớn bởi nhận thức sai lầm, bởi ảo tưởng chứng đắc, và do đó dần dần đi vào con đường tà kiến mà không tự biết, đánh mất hoàn toàn khả năng tu tập Chánh pháp. Đây chính là trường hợp của rất nhiều các vị “giáo chủ”, “tổ sư”, “đạo sư” tự xưng gần đây, bởi họ ảo tưởng rằng mình đã “hoàn toàn giác ngộ” được chân lý vô thượng. Những người này sẽ sống trong ảo tưởng “giác ngộ” với sự tôn sùng mê muội của những kẻ tà kiến si mê luôn tụ tập quanh họ, và do đó sẽ không còn cơ hội để phát khởi chánh kiến và quay về Chánh đạo.
Tuy nhiên, cũng xin lưu ý rằng ý nghĩa của điều tâm niệm thứ ba này không chỉ được nhận biết đối với người tu tập theo cách như được mô tả trên, mà nó còn thiết thực hơn nhiều khi chúng ta biết vận dụng vào chính cuộc sống hằng ngày để luôn có một nhận thức đúng đắn về bản thân mình.
Trong cuộc sống, khi chúng ta học hỏi bất kỳ môn học nào, điều quan trọng nhất vẫn luôn là phải cứu xét tìm cầu cho thật cặn kẽ, cho thật “đến nơi đến chốn”, thì khi áp dụng vào cuộc sống mới thực sự mang lại lợi ích, phụng sự được cho xã hội và đem lại lợi ích cho chính bản thân mình. Nhưng muốn học hỏi được như thế, rõ ràng chúng ta không thể mong cầu có những khóa học thật dễ dàng không có khó khăn, hoặc thậm chí là những giai đoạn thực tập hoàn toàn chỉ mang tính lý thuyết mà không có những khó khăn phải vượt qua. Nếu việc học tập quá dễ dàng, suôn sẻ, thì kết quả của việc học tập đó sẽ không mang lại cho chúng ta những kiến thức hay kỹ năng cần thiết đủ để vận dụng vào thực tế.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta thực sự chưa am tường, chưa có đủ những kỹ năng về một vấn đề nhưng lại ảo tưởng rằng mình đã có được những điều đó? Chắc chắn sẽ là những thất bại đau đớn hay những nỗ lực vô ích khi phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe của thực tế, và tệ hại hơn nữa là những sự lừa dối, gạt gẫm người khác.
Và những ảo tưởng nguy hiểm thuộc loại này luôn được phát sinh từ chính những quy trình đào tạo – hoặc không đào tạo – hết sức dễ dãi nhưng mang đến cho người học những danh hiệu ảo thật lớn lao to tát như Giáo sư, Tiến sĩ, Cử nhân… Tất nhiên là những giáo sư, tiến sĩ hay bất kỳ chức danh, học vị nào đã được đào tạo một cách dễ dãi – không có khó khăn – thì sẽ chẳng bao giờ có được thực tài để đóng góp cho xã hội. Nhưng điều đáng buồn ở đây là hệ quả của những mảnh bằng được cấp phát dễ dàng theo cách đó sẽ tạo ra nơi người có được chúng ảo tưởng rằng họ đã là những giáo sư, tiến sĩ v.v… Kết quả cuối cùng là bản thân họ chẳng những không thực sự trở thành người có ích cho xã hội mà còn nuôi lớn lòng tự cao tự đại đối với người khác…
Thực tế này không phải gì khác hơn mà chính là những trường hợp “chưa chứng đắc mà cho rằng đã chứng đắc” như chúng ta vừa đề cập bên trên. Vận dụng điều này vào thực tế, chúng ta sẽ còn thấy được rất nhiều những trường hợp nhận thức sai lầm tự ảo tưởng như thế. Tất cả đều mang lại tai hại cho chính tự thân người mang ảo tưởng cũng như những người khác có liên quan đến họ.
Nói tóm lại, khi nhận thức không đúng về năng lực trình độ của bản thân theo cách đánh giá quá cao hơn thực tế, chúng ta sẽ rất dễ dàng rơi vào tình trạng ảo tưởng rằng mình đã đạt được những thành tựu, những giá trị mà thực ra chưa hề đạt được. Điều đó đẩy ta đi lệch ra khỏi quy trình phát triển đúng đắn của bất kỳ hệ thống giá trị nào mà ta đang theo đuổi, dễ dàng trở thành những người hoang tưởng và tự cao tự đại, trừ phi ta có thể ý thức được điều đó để tỉnh giác trừ bỏ mọi nhận thức sai lầm ngay khi nó vừa sinh khởi.
Hiểu được điều này, tất nhiên đây sẽ là một lời cảnh báo hết sức quý giá giúp chúng ta sớm né tránh được sự lầm đường lạc lối. Và cũng do đó, chúng ta sẽ không bao giờ ảo vọng mong cầu sự dễ dàng trong bất kỳ quy trình phát triển nào, cho dù đó là sự tu tập theo Phật pháp hay trau dồi học hỏi những kiến thức trong đời thường. Chúng ta hiểu được rằng, mọi khó khăn chính là điều kiện tất yếu để giúp ta rèn luyện được năng lực thực sự của bản thân, cũng giống như con ngựa đua khi rèn luyện phải vất vả vượt qua nhiều chướng ngại vật thì mới có hy vọng đoạt giải khi tham gia đường đua thực sự.
Cho dù được nhận hiểu từ góc độ sâu xa đối với người tu học Phật pháp hay vận dụng vào cuộc sống thường ngày của người cư sĩ thế tục, ý nghĩa của điều tâm niệm thứ ba này chắc chắn vẫn sẽ luôn mang lại lợi ích lớn lao cho những ai có thể hiểu và thực hành theo đó. Một khi chúng ta biết “quán xét tự tâm” hay tìm cầu học hỏi tri thức mà “chẳng cầu không chướng ngại” thì điều tất yếu là ta sẽ luôn sẵn sàng chấp nhận và vượt qua khó khăn chướng ngại. Nhờ vượt qua khó khăn chướng ngại như thế, ta sẽ có được những trải nghiệm hay kỹ năng thực tế hữu ích, có thể vận dụng vào tiến trình tu tập hoặc cuộc sống đời thường. Hơn thế nữa, do sẵn sàng chấp nhận những khó khăn chướng ngại, chúng ta sẽ không dễ dãi chấp nhận những môi trường tu tập hay học hỏi mà “không có chướng ngại”, bởi chúng ta hiểu được rằng một khi “không có chướng ngại” thì sẽ dẫn đến những kết quả học tập không có sự thực chứng, hay nói cách khác thì đó chỉ là những kiến thức lý thuyết suông. Cuối cùng, nhờ có được sự cảnh giác với những “lý thuyết suông” như thế, chúng ta sẽ không dễ rơi vào trường hợp nguy hiểm của những kẻ ngông cuồng “chưa chứng đắc mà cho rằng đã chứng đắc”.
Mong sao những chia sẻ trên đây có thể mang lại được ít nhiều lợi lạc cho người đọc.