TẤM LÒNG CỦA MẸ
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Cô ni nhỏ mang thức ăn gì đó cho tôi, lúng túng đứng ngoài cổng, do cái tô bự quá không thể đưa vào khe (song cửa sắt cổng) mà để trên bàn được. Tôi tình cờ bắt gặp và tiến ra giúp em. Chúng Viên Chiếu bây giờ ngày càng đông và đa số đều lạ lẫm với tôi. Cô ni này còn rất trẻ, khoảng trên dưới hai mươi, má đỏ môi hồng, đường đường hảo tướng, tôi nhìn em một thoáng… bỗng niệm lo âu dấy lên, và tự dưng tôi cảm thông câu nói ngày xưa nhiều người hay ném cho tôi:

– Còn trẻ, dễ coi quá… biết tu có bền không đây? Mỗi lần nghe người thân thuật lại những câu thiên hạ nói sau lưng (đại loại như thế) tôi thường bất bình thầm, “rủa” lén… họ… ăn nói dô dziên! Nhưng bây giờ ở cái tuổi trên ngũ tuần tôi lại thấm thìa, đồng cảm với những nỗi lo này, mỗi khi nhìn vị Tăng, Ni nào quá trẻ, quá… dễ coi. Và tự dưng tôi cảm thông tận cùng cho bà năm, thân mẫu thầy trụ trì Thường Chiếu, tôi hiểu bà đã ưu tư, lo lắng vất vả dường nào khi dốc sức bảo vệ, hộ cho con mình tu “đáo bỉ ngạn”

Đọc bài viết “Những Người Xưa Năm Cũ” của chị Thủy trong cuốn “Kỷ Yếu Thường Chiếu 40 Năm”, chị hai tôi đã cười lăn lộn, phun nước miếng tùm lum làm ướt cả sách. Tôi hỏi chị mắc cười đoạn nào, chị nói chỗ nào cũng mắc cười và thích nhất là chuyện nữ Phật tử nào đó tặng thầy và chị Thủy cái mền mà bà Năm lo lắng, tra vấn gạn hỏi chị Thủy mãi…

Có lẽ chuyện bà Năm bảo vệ con luôn quen thuộc với chúng tôi. Đủ để mọi người cười nghiêng ngã và cảm thông cho “tâm lão bà”. Tôi nhớ hồi Hạnh Huyền sắp xuất gia, khi ấy em còn là cư sĩ chỉ khoảng 22-23 tuổi, lần đầu vào Thường Chiếu bái kiến sư phụ, tất nhiên đã tình cờ gặp phải thầy trụ trì NQ, sau đó em vào Viên Chiếu kể cho cả chúng nghe:

– Hê hê! Con ra ngoài đó, đâu để ý gì, tự dưng thấy bà Năm nguýt con, con mới tiến tới thêm vài bước nữa… thì “bả” liền phun nước miếng “phẹt phẹt” rồi mắng: “Đồ con gái mất nết!”… làm con không hiểu gì hết…

Còn đang ngơ ngác thì có người nhắc nhỏ; “Tại em không biết lễ nghi, đứng sát gần… thầy trụ trì quá!”…

Nhắc đến chuyện hộ pháp của bà Năm, thầy Thông Thiền còn vui vẻ kể tôi nghe:

– Giờ là nhẹ đó, hồi thầy NQ còn ở chùa Vạn Đức, ông trẻ và tuấn tú cực kỳ nên thường có mấy cô gái “đu đeo” bu… cửa sổ dòm, bị bà Năm lấy roi quất đuổi đi…!

Tôi nghe, cười tủm tỉm… nhưng giây phút này đây tôi vô cùng cảm thông cho trái tim người mẹ tha thiết thương con, tận sức bảo vệ con an toàn theo cách riêng của bà.

Hồi đó, có lần tình cờ nghe tôi ca ngợi và khen ai đó hiền, một pháp lữ đã bảo tôi:

– Người hiền luôn yếu đuối và cần có người bảo vệ…

Hồi đó tôi chỉ mười bảy, chưa nghiệm ra câu tuyên bố này đúng sai, nhưng ngẫm lại thấy cũng chí lý.

Tôi nhớ trong các ngôi chùa xưa luôn có thờ hai vị thần, ông ác và ông thiện. Ông thiện mặt hiền lành, còn ông ác mắt trợn tròn, lưỡi le dài, tỏa ánh nhìn nộ khí xung thiên…con nít thường rất sợ. Nhưng phải nói là ông ác rất cần thiết, sự hiện diện của một vị “mặt ma tâm Phật” như ông quá cần cho cuộc đời nên người ta mới thờ.

Giờ đây khi bất chợt nhìn thấy một ni cô trẻ, mỹ miều, tôi thầm cầu cho em tu yên lành đến cuối đời, và tôi cũng thấy dường như mình đang muốn hóa thành ông ác, muốn cầm búa rìu để bửa…, dẹp cho hết những chướng ngại cản trở các em…

Thầy trụ trì Thường Chiếu nổi tiếng hiền lành (danh này vang xa), tất nhiên rất cần có một bà mẹ hộ pháp dũng mãnh, núp dưới gương mặt ông ác để hộ pháp bảo vệ con tu an lành tới nơi tới chốn (vì người hiền luôn cần có người bảo vệ mà!)

Bà năm đã từng trải qua những lò luyện cay đắng vất vả gian nan của dòng đời, nên đôi mắt bà không đơn thuần là của một phụ nữ hay bà mẹ thường tình, mà ánh nhìn đó chất chứa cả… biển giác ngộ, vì quá hiểu khổ đau cuộc đời và biết là con mình đang đi đúng hướng vượt tam giới thoát khổ đau… cho nên tất cả ngôn ngữ, hành vi “đặc biệt’ của bà chỉ nhằm tạo nên vòng đai an ninh chắc chắn cho con. Tôi thường nói: “Có một người mẹ như vậy là phúc phận của người con, ai có mẹ hộ pháp “cỡ đó” cũng sẽ tu giỏi, vì được bảo vệ bảo đảm an toàn… và những người mẹ hộ pháp “đại tướng” như vậy quả rất khó kiếm, bởi thói thường “người có tâm từ, lòng thương mênh mông “giữ mặt thiện dễ hơn là phải diễn mặt ác”…

Những bà mẹ lưu danh trong dân gian, dưới trướng thường xuất vĩ nhân, còn những bà mẹ làm “ông ác”? – Dưới trướng sẽ xuất Tăng bảo! Cho nên tôi dám đoan chắc là: chưa kể tới công đức có con tu chân chánh mẹ cha được sinh thiên, nội công đức hộ pháp chu toàn, gian nan bảo vệ cho vị Tăng bảo tu đến viên mãn (đặc biệt như bà năm) đủ để đưa bà lên cõi cao, nghĩa là chưa có lực hỗ trợ từ bên ngoài, thì công đức tự bản thân bà cũng đủ đầy bà “bay” lên xa tít rồi… huống nữa là được chư sư cầu cho thêm…

Cũng có những vị Tăng tài, ham tu, giỏi giang, nửa đường đứt đoạn do vì có mẹ quá hiền, không may mắn có được người bảo vệ xuất sắc…. nên chẳng đẩy được “địch quân” đang bao vây trùng trùng… Dù cốt yếu là ngay bản thân cũng phải có chí nguyện mạnh, lực tự vệ thâm hậu, nhưng nếu có thêm được sự hộ vệ sắt thép từ bên ngoài thì sẽ phối hợp, hỗ trợ tốt hơn…

Không riêng gì người mẹ, mà các sư tỷ, sư huynh, sư phụ… đôi lúc vì tâm lão bà thôi thúc, mà bất đắc dĩ phải dùng ngôn ngữ khó nghe, hành vi thô bạo… tất cả chỉ vì quá thương, quá lo và muốn hộ vệ cho hậu sinh tu an ổn đến nơi đến chốn…

Hèn gì những tấm lòng đó luôn được gọi là “tâm lão bà tha thiết”.

Xin được vinh danh những trái tim người mẹ, những “tâm lão bà từ bi tha thiết” núp dưới lớp mặt nạ hung ác… vì nếu không có các ngài, thì sẽ không cống hiến được cho đời những bậc thánh Tăng, cao Ni… để những người con Phật này đươc yên ổn tu, tiếp tục hoằng dương đạo pháp, đem lai lợi ích rộng lớn cho chúng sinh?

12/2006

GỞI MẸ

Con quỳ hôn ánh tà dương
Kính dâng lên mẹ nén hương ướp trầm
Vô thường thoáng đã mười năm
Chân hoang cùng tử về thăm quê nhà
Chim con bạt gió trời xa
Cành khô đổ bóng gốc già ngẩn ngơ
Vườn xưa đá sỏi thẩn thờ
Bát hương cỏ mọc giường thờ nhện giăng
Trĩu buôn dăm đóa bâng khuâng
Gầy trơ trụi lá nép chân cỏ dày
Trông bàn tay vẫn trắng tay
Mẹ ơi! Con khóc như ngày còn thơ
Như Thủy-1975