ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.3.1.2.2.2.2.4.1.1.6.2.2. Phát huệ (phát sanh trí huệ)
(Kinh) Thị thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư thụy mộng trung, cụ kiến Địa Tạng Bồ Tát hiện vô biên thân, ư thị nhân xứ, thọ quán đảnh thủy.
(經)是善男子,善女人,於睡夢中,具見地藏菩薩現無邊身,於是人處,授灌頂水。
(Kinh: Người thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, trong khi ngủ mộng thấy rõ ràng Địa Tạng Bồ Tát hiện vô biên thân, ở chỗ người ấy dùng nước rưới lên đỉnh đầu).
Tướng phát huệ chẳng dễ dàng xảy tới. Nếu không có lòng tinh thành để cảm, sẽ do đâu mà ngầm ứng với căn cơ? Nói đến “thụy mộng” (trong khi ngủ mộng thấy) là vì có khi ngủ mà chẳng mộng. Ngủ mà nằm mộng thì như trong bài luận của ngài Ca Chiên Diên có nói: “Tâm chẳng ô nhiễm mà ngủ nằm mộng, tức là ngủ mà chẳng mê mệt. Tâm nhiễm ô ngủ nằm mộng, tức là ngủ mê mệt”. “Cụ kiến” (thấy trọn vẹn): Biểu thị thân thù thắng ứng với căn cơ viên mãn. Nếu chẳng có thành tựu quán hạnh sâu, sao có thể thấy vô biên thân? Do vậy, đại sư (Trí Giả đại sư) nói: “Nhập quán như mộng, xuất quán như tỉnh giấc”. Ngài Tứ Minh phán định chuyện này thuộc địa vị Tương Tự, hoặc là tương tự như đã gần với cực quả. Nay dùng quán hạnh để thấy vô biên thân, tức là địa vị tương tự gần với chân quả, biểu thị tám tướng thành đạo của Sơ Trụ, phân thân trong trăm cõi v.v…
“Thọ quán đảnh thủy” (dùng nước rưới đảnh) chính là địa vị tương tự gần với cực thánh (Phật quả). Dùng nước pháp để rưới lên đỉnh đầu, kế thừa ngôi vị của đấng Pháp Vương. Điều này tuy là do cái tâm mà cảm quả, từ sơ tâm ắt đạt đến rốt cùng, trong mộng được thọ ký, quyết chứng chẳng khó, cho nên là tương tự gần với địa vị cực quả. Chữ Tỳ Sái Ca (Abhişeka) trong tiếng Phạn, cõi này dịch là Quán Đảnh (灌頂): Dùng nước Ngũ Trí Như Lai để rưới lên đỉnh đầu người ấy, như Sát-đế-lợi vẩy nước lên đầu vương tử, [vương tử] ấy ắt nối ngôi đại bảo. Đây là nói về thụy tướng trong mộng vậy.
(Kinh) Kỳ nhân mộng giác, tức hoạch thông minh. Ưng thị kinh điển, nhất lịch nhĩ căn, tức đương vĩnh ký, cánh bất vong thất nhất cú, nhất kệ.
(經)其人夢覺,即獲聰明。應是經典,一歷耳根,即當永記,更不忘失一句一偈。
(Kinh: Người ấy tỉnh mộng, liền được thông minh. Đối với các kinh điển ấy, hễ một phen thoảng qua tai, sẽ liền nhớ mãi, lại chẳng quên mất một câu, một kệ).
Tiếp đó, nói về sự phát huệ. “Kỳ nhân” (người đó) là người nam hoặc kẻ nữ độn căn cầu huệ đã nói trên đây sau khi tỉnh mộng. Mộng là pháp vô minh, điên đảo. Quán là pháp giác trí ngộ lý, nơi mê có thể hiểu, vì thế nói là “mộng giác”. Cần biết danh hiệu Phật như đại mộng giác (tỉnh giấc mộng lớn). Nay quán hạnh như Phật, nói theo ý nghĩa sẽ là “mộng giác”. Hoặc là phát khởi tự giải (sự hiểu biết tương tự), hoặc “nhập Phần Chân”, đều có ý nghĩa “mộng giác”.
“Tức hoạch thông minh” (liền được thông minh): Chẳng giống như sự thông minh của người đời, chẳng hạn như Vương Sung qua chợ đọc sách, nhớ ngay nội dung[1], Dương Hùng vừa đọc liền thông suốt, mà là sau khi đã cảm Bồ Tát hiện thân, tỉnh giấc mộng, sẽ do cái tai thịt do cha mẹ sanh ra mà nghe thấu suốt các thứ âm thanh trong tam thiên đại thiên thế giới, từ ngay nơi con mắt thịt do cha mẹ sanh ra, mà thấy thấu suốt các thứ hình sắc trong tam thiên đại thiên thế giới. Do lòng tin sâu đậm, quán thành tựu, cho nên phát sanh huệ thù thắng, thuộc ngay vào địa vị “sáu căn thanh tịnh”. Đại Luận viết: “Như kinh dạy hết thảy chúng sanh không có ai biết Phật tâm. Nếu đức Phật dùng thần lực khiến cho họ biết thì thậm chí côn trùng cũng có thể biết”. Nay Địa Tạng Đại Sĩ dùng thần lực khiến cho người ấy biết, lẽ nào chẳng hiểu biết? Bởi thế, hết thảy kinh điển thoảng qua tai bèn nhớ mãi, lại còn chẳng quên mất một câu, một kệ. Đấy chính là chuyển biến túc chướng “vừa mới thuộc bèn quên ngay”.
Hỏi: Kinh do một đức Phật thuyết đã có tám vạn bốn ngàn quyển, làm sao có thể nhớ trọn hết chẳng quên mất được?
Đáp: Bồ Tát ban cho sức Văn Trì Đà La Ni, cho nên có thể tiếp nhận. Do sức ức niệm đà-la-ni kiên cố cho nên chẳng quên. Đại Luận viết: “Mưa thuyết pháp của đức Phật phát xuất từ miệng Phật. Trừ hàng Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật ra, chẳng ai có thể tiếp nhận!” Nay đã có thể tiếp nhận, há chẳng phải là do sức Bát Nhã của Đại Sĩ ư?
3.3.1.2.2.2.2.4.1.1.7. Chuyển ác tướng toại cầu (chuyển tướng ác, mong cầu được toại nguyện)
3.3.1.2.2.2.2.4.1.1.7.1. Thuật kỳ trú dạ ác sự (thuật chuyện ác trong ngày đêm)
(Kinh) Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế, hữu chư nhân đẳng, y thực bất túc, cầu giả quai nguyện, hoặc đa bệnh tật, hoặc đa hung suy, gia trạch bất an, quyến thuộc phân tán, hoặc chư hoạnh sự, đa lai ngỗ thân, thụy mộng chi gian, đa hữu kinh bố.
(經)復次觀世音菩薩!若未來世,有諸人等,衣食不足,求者乖願,或多病疾,或多凶衰,家宅不安,眷屬分散。或諸橫事,多來忤身,睡夢之間,多有驚怖。
(Kinh: Lại này Quán Thế Âm Bồ Tát! Nếu trong đời vị lai có những kẻ áo cơm chẳng đủ, cầu mong chẳng được toại nguyện, hoặc lắm bệnh tật, hoặc nhiều chuyện hung hiểm, suy bại, nhà cửa chẳng yên, quyến thuộc chia lìa, hoặc các sự ngang trái thường đến quấy nhiễu, trong khi ngủ nghỉ hay bị kinh sợ).
“Y thực bất túc” (áo cơm chẳng đủ) là chuyện khổ sở nhất trong đời người. Như trưởng giả Đăng Chỉ ở thành Vương Xá (ông này lúc sanh ra ngón tay tỏa sáng như đèn, nên đặt tên như vậy. Do xưa kia dùng vàng thếp một ngón tay của tượng đất trong tháp mà được quả báo ấy), nhà giàu to như Tỳ Sa Môn. Về sau, do bị lũ giặc cướp bóc, tài vật khánh tận. Vợ con vứt bỏ, tôi tớ bỏ trốn. Người vốn thân thiết nhất, trở mặt như oán thù. Cực chẳng đã, phải đi khất thực, liền chuốc lấy sự khinh miệt. Do vậy, ông ta than thở: “Những kẻ bần cùng đến, đi, lui, tới, nói năng, cúi, ngửa, đều là lầm lỗi! Kẻ bần cùng như quỷ nhập tràng, như người mắc bệnh sẽ phải chết, khó thể chữa lành. Nghèo cũng như thế, lắm nỗi gian nan”. Nghèo lại còn có thể sanh ra đói rét, oán ghét, khật khùng, hẹp hòi, ưu sầu, thê thảm, dằn vặt, bị chê trách, đổ tội. Các nỗi khổ như thế đều do bần cùng sanh ra. Than ôi! Lạ lùng thay! Nghèo có sức mạnh to lớn, có thể khiến cho người thân lìa bỏ ta cực nhanh. Vì thế, Lục Cơ nói: “Người thân rơi rụng, ngày một hiếm hoi, bạn bè thưa thớt càng khó tìm”. Từ Văn Trường[2] nói: “Hết của, người nhà bỏ. Nhà nghèo, ít bạn chơi!” Vì thế, so sánh giữa khi giàu và lúc nghèo, có thể thấy được tình bạn. Do kiếp trước keo kiệt, tham lam, đến nỗi tạo thành họa hoạn trong đời này.
“Hoạnh sự ngỗ thân” (chuyện ngang trái (tai vạ bất ngờ) quấy nhiễu cái thân): Ngỗ (忤) là trái nghịch, chống đối ngang ngược, tức là “hoạnh lỵ kỳ ương” (bỗng dưng mắc phải ương họa) như kinh Pháp Hoa đã dạy. “Thụy mộng kinh bố” (ngủ nghê có nhiều nỗi sợ hãi): Như giấc mộng kỳ quái được nói trong Châu Lễ, như giấc mộng đáng sợ của Liệt Tử. Kinh Kim Quang Minh dạy: “Ác tinh tai dị, chúng tà cổ đạo, biến quái tương tục, ngọa kiến ác mộng, trú tắc ưu sầu” (Sao xấu báo tai ương lạ lùng, các thứ cổ độc tà vạy, biến hiện quái lạ liên tiếp, đêm nằm thấy ác mộng, ngày thì lo rầu). Sách Pháp Hoa Văn Cú viết: “Ác mộng là điều ngấm ngầm, ẩn kín trong tâm linh, nghiệp hiện trong đó, mộng thấy những chuyện chẳng vừa ý”. Vì thế, có nhiều nỗi kinh hãi!
3.3.1.2.2.2.2.4.1.1.7.2. Tu thiện tiêu diệt an lạc (do tu thiện mà tiêu diệt các điều xấu, được yên vui)
(Kinh) Như thị nhân đẳng, văn Địa Tạng danh, kiến Địa Tạng hình, chí tâm cung kính, niệm mãn vạn biến. Thị chư bất như ý sự, tiệm tiệm tiêu diệt, tức đắc an lạc, y thực phong dật, nãi chí ư thụy mộng trung, tất giai an lạc.
(經)如是人等,聞地藏名,見地藏形,至心恭敬,念滿
萬遍。是諸不如意事,漸漸消滅,即得安樂,衣食豐溢,乃至於睡夢中,悉皆安樂。
(Kinh: Những người như thế nghe danh hiệu của ngài Địa Tạng, thấy hình tượng đức Địa Tạng, chí tâm cung kính, niệm trọn một vạn lần. Các chuyện chẳng như ý ấy dần dần tiêu diệt, liền được an vui, áo cơm dư dật, cho đến trong khi ngủ nghê, đều được yên vui).
Chí tâm cung kính, thấu triệt nguồn cội. Nghe danh mà chẳng bị danh mê hoặc, thấy tướng mà chẳng chấp tướng, ngầm khế hợp nền tảng chân thật thì mới nói là “chí tâm”. Nếu dùng cái tâm như thế để niệm trọn một vạn lần, thì muôn Hoặc (phiền não) bị trừ khử toàn bộ, vạn đức hiển lộ trọn vẹn. Vì thế, phàm những chuyện chẳng như ý sẽ dần dần tiêu diệt, liền đạt được an ổn, vui sướng. Xưa kia áo cơm chẳng đủ, nay ngược lại dư dật, sung túc. Cho đến những nỗi kinh sợ trong giấc mộng [cũng đều chẳng còn], cũng đều được thân tâm an khang, vui sướng. Chuyển họa hại thành tốt lành như dùi vừa gõ xuống, trống liền kêu vang, đúng là chẳng thể nghĩ bàn!
3.3.1.2.2.2.2.4.1.1.8. An thủy lục hiểm đạo (đi đường hiểm dù bộ hay thủy đều an toàn)
Phàm mọi người ra vào, đi lại, chẳng thể nào không vướng phải nỗi gian nan, hiểm trở. Đường bộ thì ngồi xe, cưỡi ngựa, đường thủy thì ngồi thuyền, đáp bè, chẳng thoát khỏi các nạn cá, rồng, hổ, báo, há ngăn được nỗi lo vào chốn rừng sâu, bước trên băng mỏng? Nếu có thể xưng danh đức Địa Tạng, sẽ có thể tránh khỏi tai nạn bất ngờ hoặc chìm đắm. Kinh văn chia thành hai phần.
3.3.1.2.2.2.2.4.1.1.8.1. Thuật kinh lịch ác sự (thuật những chuyện ác phải trải qua)
(Kinh) Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế, hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc nhân trị sanh, hoặc nhân công tư, hoặc nhân sanh tử, hoặc nhân cấp sự, nhập sơn lâm trung, quá độ hà hải, nãi cập đại thủy, hoặc kinh hiểm đạo.
(經)復次觀世音菩薩!若未來世,有善男子,善女人,或因治生,或因公私,或因生死,或因急事,入山林中,過 渡河海,乃及大水,或經險道。
(Kinh: Lại này Quán Thế Âm Bồ Tát! Nếu trong đời vị lai, có thiện nam tử, thiện nữ nhân hoặc do kiếm sống, hoặc do chuyện công, việc tư, hoặc vì sanh tử, hoặc vì chuyện gấp mà vào rừng núi, vượt sông, vượt biển, và chỗ nước lớn, hoặc đi qua đường hiểm).
Thoạt đầu nêu ra những người từng trải những chuyện này. Kế đó, nói về những cảnh phải trải qua. “Trị sanh”: Tuân Tử nói: “Thiểu nhi lý viết trị” (nói là Thiểu tức là nêu ra những chỗ trọng yếu, những điều ấy hợp lý, rành mạch thì gọi là Trị). Kinh Dịch nói: “Đức to lớn của trời gọi là Sanh”. [Trị sanh] nghĩa là những chuyện cần phải lo liệu hòng kiếm sống. “Công tư”: Hoặc làm cho các cơ quan công quyền, hay là tư doanh. “Công” là ngay thẳng. “Tư” (私) là tự bươn chải kiếm sống; nhưng xét ra đều giống như cầm thú đuổi theo sự ham muốn. Chữ Công (公) do Bát (八) và Khư (厶, tức chữ Tư (私) thời cổ) ghép lại, [hàm nghĩa] “bỏ đi sự khác biệt, vạn vật trong trời đất mênh mông có cùng một Thể”. “Khư” là tự lo toan. Cổ nhân thấy rõ điều kín nhiệm nơi tâm thuật, cho nên đã đặc biệt dùng hình dạng chẳng tròn hay vuông với dụng ý chỉ dạy mọi người.
Hình tròn (○) là thiên đạo, hình vuông là địa đạo. Nay [chữ Tư] tương phản, [ngụ ý]: Đấy chẳng phải là tình kiến chánh đáng, to lớn của trời đất, nó bắt nguồn từ chính bản thân ta. “Doanh” (營) là ta lo liệu sắp đặt. Trừ bỏ [những toan tính riêng tư] thì phải do chính mình trừ bỏ. [Vun bồi] lòng nhân là do chính mình [thực hiện], có phải là do ai khác ư? “Hoặc nhân sanh tử” (hoặc vì sanh tử): Hoặc phải báo đáp chuyện sanh nở, tử vong, chẳng thể không dấn thân vào những chốn ấy! “Cấp sự” là chuyện nguy nan, cấp bách, hoặc bị quan phủ truy nã, hoặc bị đạo tặc cướp đoạt, hoặc do tai ương nước lửa bất ngờ xảy tới, hoặc bỗng dưng gặp phải kẻ oán. Phàm những chuyện thảng thốt cấp bách, hoặc hoạn nạn xảy đến bất ngờ đều là “cấp sự”. Ngay trong lúc ấy, bắt buộc phải lên núi cao, vào rừng rậm, ắt cần phải vượt sông sâu biển cả, hoặc vào đại dương mênh mông, hoặc do vâng theo việc công sai khiến, hoặc vì cầu chuyện kinh doanh riêng tư, chẳng tránh khỏi đi qua những con đường hiểm nạn. Nếu luận theo tư doanh, thì chính là làm kinh thương, buôn bán, vượt biển tìm những thứ quý giá. Như kinh Hiền Ngu nói: “Điền thực bách bội, thương cổ thiên bội, sĩ hoạn vạn bội, nhập hải cát hoàn đắc vô lượng bội” (Cày cấy, trồng trọt được lời trăm lần, buôn bán được lời ngàn lần, làm quan được lợi vạn lần. Vào biển mà thành công trở về thì được lời gấp vô lượng lần). Do vậy bèn vào biển.
3.3.1.2.2.2.2.4.1.1.8.2. Xưng danh lợi ích
(Kinh) Thị nhân tiên đương niệm Địa Tạng Bồ Tát danh vạn biến, sở quá thổ địa, quỷ thần vệ hộ, hành, trụ, tọa, ngọa, vĩnh bảo an lạc, nãi chí phùng ư hổ, lang, sư tử, nhất thiết độc hại, bất năng tổn chi.
(經)是人先當念地藏菩薩名萬遍,所過土地,鬼神衛護,行住坐臥,永保安樂,乃至逢於虎狼師子,一切毒害,不能損之。
(Kinh: Người ấy trước hết hãy niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát một vạn lần thì nơi các cuộc đất đi qua, quỷ thần bảo vệ, đi, đứng, ngồi, nằm, vĩnh viễn đảm bảo yên vui, thậm chí dẫu gặp cọp, sói, sư tử, hết thảy các loài độc hại, đều chẳng thể tổn hại).
Đoạn này hiển thị lợi ích do xưng danh. “Thị nhân” (người ấy) chỉ chung chín pháp giới. Do Sơ Địa Bồ Tát còn chẳng tránh khỏi nạn cọp, sói, huống hồ những người thuộc các địa vị thấp hơn ư? Ắt phải niệm đủ một vạn lần là nêu ra con số tột cùng hòng biểu thị lòng chí thành. Vì thế, nơi những cuộc đất người ấy đi qua, sẽ tự được vô lượng đại quỷ, thiện thần ủng hộ, bảo vệ, trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, vĩnh viễn đảm bảo yên vui, không lo lắng gì. Gặp phải cọp, sói v.v… như kinh Thập Luân nói: “Nhược chư hữu tình, vị chư độc xà, độc trùng sở thích, hoặc bị chủng chủng độc dược sở trúng, cập chư hổ, lang, sư tử, hữu năng chí tâm xưng danh, nhất thiết giai đắc ly chư bố úy, bảo toàn thân mạng” (Nếu các hữu tình bị các thứ rắn độc, trùng độc cắn, hoặc bị trúng phải các thứ thuốc độc, và các loài cọp, sói, sư tử, mà có kẻ có thể chí tâm xưng danh, hết thảy đều được lìa khỏi các sự kinh sợ, bảo toàn thân mạng). Đấy là do Địa Tạng Bồ Tát khéo nhập sức Đăng Cự Minh Định của chư Phật, khiến cho hết thảy các thứ tà vạy, cổ độc, các ác trùng, ác thú trong các cõi Phật thảy đều tiêu diệt. Vì thế gọi là “chuyện chẳng thể nghĩ bàn”.
3.3.1.2.2.2.2.4.1.2. Tổng thuyết lợi ích vô tận (nói chung là lợi ích vô tận)
(Kinh) Phật cáo Quán Thế Âm Bồ Tát: “Thị Địa Tạng Bồ Tát ư Diêm Phù Đề hữu đại nhân duyên. Nhược thuyết ư chư chúng sanh kiến văn lợi ích đẳng sự, bách thiên kiếp trung, thuyết bất năng tận”.
(經)佛告觀世音菩薩:是地藏菩薩於閻浮提有大因緣。若說於諸眾生見聞利益等事,百千劫中,說不能盡。
(Kinh: Đức Phật bảo Quán Thế Âm Bồ Tát: – Vị Địa Tạng Bồ Tát này có nhân duyên lớn với Diêm Phù Đề. Nếu nói những chuyện lợi ích đối với các chúng sanh do thấy, nghe Ngài thì trong trăm ngàn kiếp, vẫn chẳng thể nói hết được).
Đoạn này tổng kết ý nghĩa ngài Địa Tạng đặc biệt thiên trọng Diêm Phù Đề. Kinh Thập Luân dạy: “Quy kính Địa Tạng giả, sở cầu giai mãn túc, cụ túc thí công đức, bi mẫn chư chúng sanh. Giả sử bách kiếp trung, tán thuyết kỳ công đức, do thượng bất năng tận. Cố giai đương cúng dường” (Quy kính đức Địa Tạng, sở cầu đều thỏa mãn, trọn đủ công đức thí, thương xót các chúng sanh. Giả sử trong trăm kiếp, khen nói công đức Ngài, vẫn chẳng thể trọn hết. Vì thế, nên cúng dường), [có ý nghĩa] hoàn toàn giống như đoạn kinh văn này. Do vậy, nói đại lược thì có tám loại bất khả tư nghị sự!
3.3.1.2.2.2.2.4.1.3. Kết khuyến Đại Sĩ lưu bố
(Kinh) Thị cố Quán Thế Âm! Nhữ dĩ thần lực lưu bố thị kinh, linh Sa Bà thế giới chúng sanh, bách thiên vạn kiếp, vĩnh thọ an lạc.
(經)是故觀世音!汝以神力流布是經,令娑婆世界眾生,百千萬劫,永受安樂。
(Kinh: Vì thế, này Quán Thế Âm! Ông hãy dùng thần lực lưu thông, truyền bá kinh này, khiến cho chúng sanh nơi thế giới Sa Bà trong trăm ngàn vạn kiếp vĩnh viễn hưởng yên vui).
Hai vị Đại Sĩ này đều cùng có đại nhân duyên với Nam châu, cho nên nhờ đức Quán Âm lưu thông. Có thể nói là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cho nên chúng sanh trong sáu đường nơi Diêm Phù Đề lo gì tội chướng chẳng tiêu, công đức, phước lợi chẳng tràn trề? Tự nhiên trong trăm ngàn vạn kiếp, vĩnh viễn hưởng sự yên vui nơi tam thừa trong đường trời, người. Kinh Thập Luân có bài kệ: “Địa Tạng chân Đại Sĩ, thí chư chúng sanh lạc, cứu thoát tam hữu khổ, vũ vô lượng chủng vũ” (Địa Tạng chân Đại Sĩ, thí chúng sanh an lạc, cứu thoát khổ ba cõi, tuôn vô lượng loại mưa). Chân kinh vô thượng như thế, đúng là tròng mắt của chúng sanh, là đèn sáng trong nhà tối, là kho báu cho kẻ nghèo cùng, là lương y cho kẻ bệnh tật. Há chẳng gấp lưu thông ư? Phần Trường Hàng đã xong.
3.3.1.2.2.2.2.4.2. Trùng Tụng
Vì sao có phần kệ tụng? Luận Tỳ Bà Sa của ngài Long Thọ có đoạn văn [giải thích tác dụng của Kệ Tụng] như sau: “Một là thuận theo quốc độ. Thiên Trúc có cách nói rải hoa và xâu hoa. Như nơi đây, sau phần Tự bèn có bài minh. Hai là thuận theo sự ưa thích: Có kẻ thích nghe nói theo lối văn xuôi, có kẻ thích nghe chương cú (kệ tụng). Ba là thuận theo sự hiểu biết của chúng sanh, có kẻ do nói theo lối văn xuôi mà hiểu, hoặc có kẻ nhờ kệ tụng mà hiểu. Bốn là thuận theo căn tánh lợi căn hay độn căn. Kẻ lợi căn vừa nghe liền ngộ; phường độn căn phải nghe nói lần nữa mới ngộ”. Đấy là thuận theo bốn thứ lợi ích Tất Đàn, cho nên có phần Trùng Tụng. Phần này được chia thành ba tiểu đoạn:
3.3.1.2.2.2.2.4.2.1. Tổng thuyết thần lực nan tận (nói tổng quát thần lực khó thể trọn hết)
(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn: – Ngô quán Địa Tạng oai thần lực, Hằng hà sa kiếp thuyết nan tận. Kiến, văn, chiêm lễ nhất niệm gian, lợi ích nhân thiên vô lượng sự.
(經)爾時,世尊而說偈言:吾觀地藏威神力,恆河沙劫說難盡。見聞瞻禮一念間,利益人天無量事。
(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng: – Ta quán Địa Tạng sức oai thần, Hằng hà sa kiếp nói khó tận. Thấy, nghe, chiêm lễ trong một niệm, vô lượng sự lợi ích trời, người).
Mắt của Như Lai như một ngàn mặt trời, soi thấu suốt xưa nay, giống như nhìn vào một trái cây đặt trong lòng bàn tay. Vì thế nói là “ngô quán” (ta thấy). Như đức Phật bảo Thiên Đế Thích rằng: “Thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát hữu vô lượng vô số bất khả tư nghị thù thắng công đức chi sở trang nghiêm, nhất thiết thế gian Thanh Văn, Độc Giác sở bất năng trắc. Thử đại Bồ Tát như Như Ý Châu, vũ chúng tài bảo, tùy sở hy cầu, giai linh mãn túc” (Vị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát này có vô lượng vô số công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn để trang nghiêm, hết thảy Thanh Văn và Độc Giác trong thế gian chẳng thể lường được. Vị đại Bồ Tát này như Như Ý Châu tuôn ra các thứ của cải, báu vật, tùy theo lòng mong cầu mà đều khiến cho chúng sanh được thỏa mãn). Vì thế, thấy, nghe, chiêm ngưỡng, lễ bái, tạm sanh một niệm, có vô lượng chuyện lợi ích trời, người. Do đó, dẫu nói trong hằng sa kiếp, cũng khó trọn hết sức oai thần của Ngài được.
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2. Biệt tụng bất tư nghị sự (trùng tụng riêng từng chuyện chẳng thể nghĩ bàn)
Phần Trường Hàng gồm tám chương, nay lược đi phần thứ hai và thứ năm, nên [Trùng Tụng] chỉ có sáu chương.
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.1. Tụng chuyển suy tướng (trùng tụng về chuyển suy tướng)
(Kinh) Nhược nam, nhược nữ, nhược long, thần. Báo tận ưng đương đọa ác đạo. Chí tâm quy y Đại Sĩ thân, thọ mạng chuyển tăng, trừ tội chướng.
(經)若男若女若龍神。報盡應當墮惡道。至心歸依大士身,壽命轉增,除罪障。
(Kinh: Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc rồng, thần. Báo hết đáng đọa vào đường ác. Chí tâm quy y tượng Đại Sĩ, thọ mạng tăng thêm, trừ tội chướng).
Kinh Thích Đề Hoàn Nhân Vấn chép: “Thích Đề Hoàn Nhân cập Đao Lợi chư thiên, khiển nhạc thần Bàn Giá Dực vấn tấn Thế Tôn. Phật báo ngôn: “Sử nhữ Đế Thích cập Đao Lợi Thiên thọ mạng diên trường, khoái lạc vô hoạn. Sở dĩ nhiên giả? Chư thiên thế nhân, cập A-tu-luân chư chúng sanh đẳng, giai tham thọ mạng, an lạc, vô hoạn” (Thích Đề Hoàn Nhân và chư thiên trời Đao Lợi sai nhạc thần Bàn Giá Dực đến thăm hỏi đức Thế Tôn. Đức Phật bảo: “Khiến cho Đế Thích của ông và chư thiên Đao Lợi thọ mạng tăng thêm, vui sướng, không họa hoạn. Vì lẽ nào vậy? Chư thiên, người đời, A-tu-luân (A Tu La), và các chúng sanh v.v… đều tham thọ mạng, an vui, không họa hoạn”). Vì thế nay
cũng nói thọ mạng tăng thêm và trừ tội chướng.
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.2. Tụng thị sanh giới (trùng tụng về chuyện dạy cho biết chỗ người đã mất sanh về)
(Kinh) Thiếu thất phụ mẫu ân ái giả, vị tri hồn thần tại hà thú? Huynh, đệ, tỷ, muội, cập chư thân, sanh trưởng dĩ lai giai bất thức. Hoặc tố, hoặc họa Đại Sĩ thân, bi luyến chiêm lễ bất tạm xả. Tam thất nhật trung niệm kỳ danh. Bồ Tát đương hiện vô biên thể, thị kỳ quyến thuộc sở sanh giới. Túng đọa ác thú tầm xuất ly. Nhược năng bất thoái thị sơ tâm, tức hoạch ma đảnh, thọ thánh ký.
(經)少失父母恩愛者,未知魂神在何趣?兄弟姊妹及諸親,生長以來皆不識。或塑或畫大士身,悲戀瞻禮不暫捨。三七日中念其名。菩薩當現無邊體,示其眷屬所生界。縱墮惡趣尋出離。若能不退是初心,即獲摩頂,受聖記。
(Kinh: Tuổi thơ đã mất mẹ cùng cha, chẳng biết hồn thần tại đường nào? Anh, chị, em ruột cùng quyến thuộc, đến nay khôn lớn đều chẳng biết. Hoặc tạc, hoặc vẽ hình Đại Sĩ, xót, luyến, chiêm lễ, chẳng tạm rời. Hai mươi mốt ngày niệm danh hiệu. Bồ Tát sẽ hiện vô biên thân, dạy nơi quyến thuộc đã sanh về. Dẫu đọa đường ác liền thoát lìa. Nếu chẳng lui sụt tâm thuở đầu, liền được xoa đầu, thọ thánh ký).
Đoạn kinh văn này gồm ba tiểu đoạn: Hai hàng đầu, trùng tụng chuyện nghĩ nhớ. Ba hàng kế đó, trùng tụng chuyện bảo ban chỗ sẽ sanh về, ý nghĩa đều dễ hiểu. Tiểu đoạn thứ ba gồm hàng cuối cùng, trùng tụng chuyện đạt được quả báo trong hiện tại, được thọ ký. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, có bốn loại thọ ký, tức là chưa phát tâm, vừa mới phát tâm, hiện tiền và vô sanh, đều được thọ ký. Ở đây là phát tâm ký (thọ ký cho hành nhân phát tâm). Đấy là nói theo Thế Đế. Nếu nói theo kinh Tịnh Danh: “Tùng như sanh đắc ký, tùng như diệt đắc ký, như vô sanh diệt, tắc tri vô ký” (Từ như sanh mà được thọ ký, từ như diệt mà được thọ ký. Nếu không có sanh diệt, thì biết là vô ký). Kinh Tư Ích dạy: “Nguyện bất văn ký danh” (nguyện chẳng nghe danh tự thọ ký). Đại Phẩm Bát Nhã dạy: “Thọ ký thị hý luận” (thọ ký là hý luận). Đấy đều là nói theo Đệ Nhất Nghĩa Đế. Nhưng những kinh khác thọ ký thiện, chẳng thọ ký ác, thọ ký nam, chẳng thọ ký nữ, còn kinh này đều thọ ký cả, giống như kinh Pháp Hoa khai hiển vậy.
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.3. Tụng thành độ sanh (trùng tụng thành tựu chuyện độ sanh)
(Kinh) Dục tu Vô Thượng Bồ Đề giả, nãi chí xuất ly tam giới khổ. Thị nhân ký phát đại bi tâm, tiên đương chiêm lễ Đại Sĩ tượng, nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu. Vĩnh vô nghiệp chướng năng giá chỉ.
(經)欲修無上菩提者,乃至出離三界苦。是人既發大悲心,先當瞻禮大士像,一切諸願速成就。永無業障能遮止。
(Kinh: Ai muốn tu Vô Thượng Bồ Đề, cho đến thoát lìa khổ tam giới. Người ấy đã phát tâm đại bi, trước nên chiêm lễ tượng Đại Sĩ, hết thảy các nguyện mau thành tựu. Nghiệp chướng vĩnh viễn chẳng ngăn trở).
“Chư nguyện thành tựu” (các nguyện thành tựu) giống như trong phần trước [đã giải thích]. Nếu bị nghiệp chướng ngăn trở tức là các địa vị xuất Giả thuộc Biệt Giáo và Viên Giáo, giáo hóa chúng sanh, chẳng bị Trần Sa Hoặc và vô lậu nghiệp chướng ngại sự giáo hóa, chỉ dạy.
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.4. Tụng phát hiện trí (trùng tụng về chuyện phát hiện trí huệ)
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.4.1. Tụng túc chướng căn độn (trùng tụng túc chướng độn căn)
(Kinh) Hữu nhân phát tâm niệm kinh điển, dục độ quần mê siêu bỉ ngạn. Tuy lập thị nguyện bất tư nghị, toàn độc, toàn vong đa phế thất. Tư nhân hữu nghiệp chướng hoặc cố, ư Đại Thừa kinh bất năng ký.
(經)有人發心念經典,欲度群迷超彼岸。雖立是願不思議,旋讀旋忘多廢失。斯人有業障惑故,於大乘經不能記。
(Kinh: Có người phát tâm niệm kinh điển, muốn độ quần mê vượt bờ kia. Tuy lập nguyện ấy chẳng nghĩ bàn, vừa đọc liền quên, nhiều mất mát. Người ấy do có nghiệp chướng hoặc, chẳng thể ghi nhớ kinh Đại Thừa).
Từ ngữ Đa La (Tāla) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Ngạn (岸, bờ). Đại Luận viết: “Nếu nghe nhiều chữ, liền biết hết thảy các pháp bờ này hay bờ kia đều chẳng thể được, tức là đã đạt đến bờ kia Ba La Mật”. “Nghiệp, chướng, hoặc” chính là tam đạo. Căn tánh có lợi hay độn, hạnh có tinh tấn hay giải đãi. Nay đã phát tâm niệm kinh hòng độ quần mê cùng lên bờ kia; người ấy cũng thuộc loại tinh tấn, cố nhiên chẳng phải là hạng giải đãi. Nhưng lập nguyện tuy hay khéo, nếu như căn tánh của người ấy thật sự chậm lụt, sẽ vừa học được liền quên ngay, lại còn nhiều lần bị bỏ lửng, quên mất. Đấy là do cái nhân tu tập chẳng sâu, túc nghiệp chướng nặng nề, thiếu công năng đa văn tụng tập. Vì thế, chẳng có trí nhớ mạnh mẽ được.
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.4.2. Tụng tu nhân phát huệ (trùng tụng về cái nhân tu tập để phát huệ)
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.4.2.1. Tụng tu nhân (trùng tụng về tu nhân)
(Kinh) Cúng dường Địa Tạng dĩ hương hoa, y phục, ẩm thực, chư ngoạn cụ.
(經)供養地藏以香華,衣服飲食諸玩具。
(Kinh: Cúng dường Địa Tạng bằng hương, hoa, y phục, thức ăn, các trân ngoạn).
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.4.2.2. Tụng phục thủy (trùng tụng về chuyện uống nước)
(Kinh) Dĩ tịnh thủy an Đại Sĩ tiền, nhất nhật nhất dạ cầu phục chi.
(經)以淨水安大士前,一日一夜求服之。
(Kinh: Đặt nước sạch trước tượng Đại Sĩ, cách một ngày đêm xin uống lấy).
Ý nghĩa đều rõ ràng.
3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.4.2.3. Tụng giới thận (trùng tụng về những thứ cần kiêng tránh)
(Kinh) Phát ân trọng tâm, thận ngũ tân. Tửu, nhục, tà dâm, cập vọng ngữ. Tam thất nhật nội vật sát hại, chí tâm tư niệm Đại Sĩ danh.
(經)發殷重心,慎五辛。酒肉邪婬及妄語。三七日內勿 殺害,至心思念大士名。
(Kinh: Phát tâm trân trọng, kiêng ngũ tân. Rượu, thịt, tà dâm, và nói dối. Hai mươi mốt ngày đừng sát hại, chí tâm nghĩ nhớ Đại Sĩ danh).
Hỏi: Ngũ Tân tuy hôi thối, nhưng chẳng tổn hại sanh mạng loài vật, vì sao ăn vào có thể chướng ngại thánh đạo, liền đọa vào Vô Gián?
Đáp: Chúng có tánh chất đặc biệt uế trược, có thể sanh ra nhiều lầm lỗi. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Thục thực phát dâm, sanh đạm tăng khuể. Thập phương thiên tiên hiềm xú viễn ly. Ngạ quỷ thỉ vẫn, thường dữ quỷ trụ. Phước đức nhật tiêu, trường vô lợi ích” (Ăn chín sẽ sanh khởi dâm, ăn sống tăng thêm nóng giận. Mười phương thiên tiên ghét hôi thối bèn tránh xa, ngạ quỷ liếm mép, thường ở chung với quỷ. Phước đức ngày một tiêu, trọn chẳng có lợi ích). Vì thế, kinh Tạp A Hàm dạy: “Thực ngũ tân nhân, xúc uế Tam Bảo, tử đọa Phẩn Thỉ địa ngục, xuất tác dã can, trư, cẩu. Nhược đắc nhân thân, kỳ thể tinh xú” (Kẻ ăn ngũ tân làm ô uế Tam Bảo, chết đọa vào địa ngục Phẩn Thỉ. Thoát ra, sẽ làm linh cẩu, lợn, chó. Nếu được làm thân người, thân thể hôi tanh). Vì thế, vị sa-môn ở Thiên Trúc là Giác Xưng bảo: “Ở nước ta, kẻ ăn thịt và ngũ tân bị đuổi ra khỏi thành”. Sách Tăng Kính Lục chép: “Ngài Đàm Du xứ Thiên Trúc đến lễ thạch lương tại Thiên Thai, gặp một vị thánh tăng bảo: – Khi mẹ ông hoài thai, đã đi qua vườn hành, thai khí bị phạm uế, không thể ở trong chùa được”. Tiên Truyện chép: “Lạc Tử Trường cả nhà uống rượu tiên đều thăng thiên, chỉ riêng có một đứa con rơi xuống đất. Thiên thần nói: – Gã này ăn tỏi, cho nên không đến [cõi tiên] được”. Do đó, Đạo Tạng có nói: “Tụng kinh Hoàng Đình, kiêng ăn ngũ tân. Đạo sĩ thọ pháp, kỵ lấm bẩn bởi ngũ tân”. Nay các vị sư phần nhiều coi thường chuyện này, cho nên tôi phải chép ra tường tận.
***
[1] Vương Sung tự là Trọng Nhậm, người xứ Thượng Ngu, huyện Cối Kê, là một văn gia nổi tiếng thời Đông Hán. Thuở bé, nhà nghèo không có tiền mua sách, ông ra chợ sách, đọc lướt qua quyển nào bèn nhớ như in nội dung cuốn sách ấy.
[2] Từ Văn Trường tức là Từ Vị (1521-1593), tên tự là Văn Trường, hiệu Thanh Đằng Lão Nhân, là người huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang. Ông là một nhà văn học, thư họa, quân sự nổi tiếng đời Minh, được tôn xưng là Tam Đại Tài Tử đời Minh. Ông thông minh, văn chương trác tuyệt, nhưng suốt hai mươi mốt năm, thi Hương tám lần vẫn không đậu. Ông trở thành mạc liêu của Hồ Tông Hiến, chuyên làm mưu sĩ, có công giúp Hồ Tông Hiến dẹp tan giặc lùn (cướp biển Nhật Bản), nhưng rồi quan trường lận đận, suốt đời nghèo khổ. Ông là một nhân vật đặc biệt vì nổi danh trên cả bốn lãnh vực thư pháp, thơ ca, văn chương và hội họa.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ