Đ a n g t i d l i u . . .
16. Phẩm thứ mười hai: Lợi ích do thấy nghe -01

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.3.1.2. Kiến văn lợi ích lưu thông (phần lưu thông nói về lợi ích do thấy, nghe)

Thấy tượng đức Địa Tạng, nghe danh hiệu đức Địa Tạng, không ai chẳng đạt được lợi ích to lớn. Cũng giống như đức Quán Âm, nghe danh hiệu Ngài, thấy thân tướng của Ngài, trong tâm niệm Ngài, đều có thể diệt khổ. Thấy thân kính lễ, tức là cơ duyên nơi thân nghiệp. Nghe danh hiệu bèn xưng niệm, tức là cơ duyên nơi khẩu nghiệp. Thân và miệng do tâm, tức là cơ duyên nơi ý nghiệp. Cơ cảm đã thành, sẽ tự ứng ngấm ngầm hay rõ rệt. Như thảo mộc trên đất, một trận mưa cùng tưới, không gì chẳng được thấm nhuần. Lợi ích do lưu thông, công năng há thể lường!

3.3.1.2.1. Phẩm đề (tựa đề của phẩm kinh này)

(Kinh) Kiến văn lợi ích, phẩm đệ thập nhị.

()見聞利益品第十二

(Kinh: Phẩm thứ mười hai: Lợi ích do thấy nghe).

3.3.1.2.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)

3.3.1.2.2.1. Thích Ca hiện tướng thán đức sự (đức Thích Ca hiện tướng để tán thán những chuyện công đức)

3.3.1.2.2.1.1. Đảnh môn phóng quang chứng sự (đức Phật phóng quang từ đỉnh đầu để ấn chứng những sự ấy)

(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn tùng đảnh môn thượng, phóng bách thiên vạn ức đại hào tướng quang.

()爾時世尊從頂門上放百千萬億大毫相光。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ trên đỉnh đầu, phóng ra  trăm ngàn vạn ức đại hào tướng quang).

Từ chữ “nhĩ thời” (lúc bấy giờ) cho đến “cáo chư đại chúng” (bảo các đại chúng) đều là những lời văn trần thuật của người trùng tuyên kinh ở ngay sau phẩm Địa Thần Hộ Pháp. “Phóng quang” nhằm chứng minh phần trước, phát khởi phần sau, khiến cho các chúng sanh thấy tướng, ngộ tâm, ai nấy đều tự biết thường quang chẳng thể nghĩ bàn vốn sẵn có [của đức Phật]. Hai câu từ chữ “tùng đảnh” (từ đỉnh đầu) trở đi là lời nêu chung [các thứ quang minh].

Danh từ Ô Sắt Nị Sa (Uṣṇīṣa) trong tiếng Phạn, được cõi này dịch là Phật Đảnh (佛頂). Đỉnh đầu được nói là Môn (門) thì như kinh Thiền Bí Yếu dạy: “Nhân thân tam phần, tễ vi trung nguyên, đầu vi điện đường, đảnh vi thiên môn, cố viết đảnh môn” (Thân người có ba phần, rốn là cội nguồn ở chính giữa. Đầu là điện đường, đỉnh đầu là cổng trời. Cho nên gọi là “đảnh môn”). Vì đầu làm chủ cả thân, đỉnh đầu là chỗ tôn quý nhất trên đầu. Do vậy, trong Đại Luận, A Tư tiên nhân nói: “Tướng đỉnh đầu [của Phật] không ai có thể thấy được. Dù trời hay người, chẳng có ai hơn được”, biểu thị Nhất Thiết Chủng Trí, tức là cái nhân siêu việt, là cái quả tột bậc. “Môn” có hai ý nghĩa “có thể thông suốt” và “bản thể”. Do vậy, đối với hình tượng và danh hiệu mầu nhiệm của đức Địa Tạng mà chiêm ngưỡng, lễ bái, xưng niệm, sẽ có công năng tiến hướng, thông đến cực quả. Mỗi người sẵn có cái “đảnh” ấy, trọn chẳng phải vay mượn, vậy thì sáu đường và đức Địa Tạng, nói chung là một thân. Chúng sanh và Như Lai vốn chẳng phải là hai Thể, lập tức chính là lẫn nhau, há còn phải nhờ vào cửa để vào ư? Đó là ý nghĩa của bản thể!

“Thượng”: Từ đỉnh đầu phóng quang, biểu thị từ nơi cái Thể của cực trí, khởi lên tác dụng đại quang minh ấy. Thể vốn là một, chúng sanh và Phật cùng sẵn có, nhưng Dụng thì khác biệt, do tùy theo căn cơ mà lập bày. Đấy tức là lý tột bậc “một niệm trọn đủ tam thiên, tam thiên gồm trong một niệm, một niệm biến thành tam thiên, tam thiên biến thành một niệm”. Vì thế, có trăm ngàn vạn ức.

“Đại hào tướng quang” biểu thị tam đức: Đại chính là Pháp Thân, do trọn khắp. “Hào tướng” (tướng bạch hào) tức là Giải Thoát; do bề ngoài [bạch hào] là chắc thật, nhưng bên trong là Không. “Quang” chính là Bát Nhã, do chiếu thấu suốt vạn pháp. Do thân to, hào quang cũng to. Do bạch hào là Không, cho nên đại quang cũng là Không. Vì quang minh chiếu soi, cho nên đại hào cũng chiếu soi. “Ba” và “một” chẳng tách lìa, “một” và “ba” chẳng thể lẫn lộn, chẳng hề có tương đồng, khác biệt, ngang, dọc, chúng sanh và Phật cùng chứng trọn vẹn. Đã nêu chung xong, dưới đây, sẽ nói riêng từng loại.

(Kinh) Sở vị bạch hào tướng quang, đại bạch hào tướng quang.

()所謂白毫相光大白毫相光。

(Kinh: Như là hào quang màu trắng, hào quang màu trắng lớn).

“Hào tướng” (Ūrna-laksana) là một, tức là Thể (bản thể) của Dụng. Màu sắc của quang minh khác nhau, tức là Dụng của Thể. Sách Pháp Hoa Văn Cú dùng ngũ sắc để sánh ví năm đường. Màu xanh ví như nhân quả của địa ngục. Màu vàng ví như ngạ quỷ. Màu đỏ ví như súc sanh. Màu trắng ví như trời, người (Tu La được gộp chung vào bốn đường, vẫn thiếu màu đen). Màu sắc và hình dạng nhỏ ví như Nhị Thừa. Màu sắc và hình tượng lớn ví như Bồ Tát thuộc Thông Giáo. Hình sắc ngắn ví như Bồ Tát thuộc Biệt Giáo. Hình sắc dài ví như nhân quả của Phật. Các kinh văn tách ra hay gộp vào tùy ý. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ còn thêm tướng trường đoản (dài, ngắn) v.v… Nay do trong hội Pháp Hoa, chín pháp giới đồng quy, tam thừa đều được gom thành một, cho nên sách Văn Cú trích dẫn để sử dụng như thế.

Nay đức Địa Tạng đặc biệt thương xót tam đồ trong lục đạo, cho nên lại sánh ví năm đường, và có sự chuyên biệt về mặt Sự. “Bạch hào tướng quang” là một trong ba mươi hai tướng. Từ ngữ Thúc Ly (Śukriṇi) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Bạch Sắc (màu trắng), là chánh sắc của phương Tây. Về bản chất, màu trắng đứng đầu các màu. Những thứ màu trắng có thể nhuốm màu, khởi hiện màu của các quang minh. Những gì để có thể dựa vào đó mà nhận biết thì gọi là Tướng, chói rực như ngọn lửa thì gọi là Quang.

Đại Luận viết: “Tướng bạch hào ngự chót vót giữa hai mày, tỏa ánh sáng trắng vượt xa lưu ly. Trong lúc tu nhân đã hành bố thí thỏa ý người nhận, dấy lên nghiệp nhân duyên tự tại. Lại còn nắc nỏm ca tụng đức hạnh nhàn cư, cho nên có tướng bạch hào giữa hai mày, phía ngoài đủ tám cạnh, chính giữa rỗng, xoay theo chiều phải. Công đức của ba mươi hai tướng tăng lên gấp ngàn lần thì mới thành tướng bạch hào trên trán. Công đức của một ngàn tướng bạch hào tăng gấp lên trăm lần mới thành một tướng đảnh cốt (tướng nhục kế)”. Vì thế, đức Như Lai tôn thắng bậc nhất. Nay từ trên đỉnh đầu cao tột, phóng hào tướng quang, phô bày toàn vẹn sự chẳng thể nghĩ bàn. Nói là “đại” vì so với những điều trước đó, sẽ càng thù thắng, nhiệm mầu hơn! Những điều sau đây đều phỏng theo cách giải thích này.

(Kinh) Thụy hào tướng quang, đại thụy hào tướng quang.

()瑞毫相光大瑞毫相光。

(Kinh: Hào quang tốt lành, hào quang tốt lành lớn).

“Thụy hào tướng quang”: Dùng ngọc làm tín vật thì gọi là Thụy (瑞). “Thụy” lại có nghĩa là điềm lành. Do vua trong nhân gian có đức, trời bèn ban điềm lành trải nhiều năm. Ban thưởng ngũ phước, trước hết, đưa ra vật này làm tin. Ở đây, [hai loại quang minh này] biểu thị sáu đường đều nương theo sức của đức Địa Tạng, tam đồ đều thanh thản siêu thăng, trời, người đều cùng thành Phật đạo. Vì thế, hiện hào tướng quang minh tốt lành này.

(Kinh) Ngọc hào tướng quang, đại ngọc hào tướng quang.

()玉毫相光大玉毫相光。

(Kinh: Hào quang ngọc, hào quang ngọc lớn).

“Ngọc hào tướng quang”: Ngọc chính là tinh anh của trời đất, có phẩm đức ôn nhuận (Văn Phú[1] có câu: “Sơn hữu ngọc nhi tăng nhuận” (núi có ngọc càng thêm tươi đẹp). Ngọc mài giũa có thể chế thành vật dụng, biểu thị năm đường đều lìa khỏi nỗi nóng bức trong nhà lửa, tăng trưởng sự tươi nhuận của núi Tánh. Chẳng phải là khí cụ để thoát khỏi tam đồ, thì cũng là vật dụng tôn quý[2] để dự vào tứ thánh.

(Kinh) Tử hào tướng quang, đại tử hào tướng quang.

()玉毫相光大玉毫相光。

(Kinh: Hào quang màu tím, hào quang màu tím lớn).

“Tử hào tướng quang”: Tiếng Phạn là La Sai, hoặc còn phiên âm là Lặc Xoa (Lakṣā), cõi này dịch là Tử Sắc (màu tím), tức là màu xen kẽ giữa đỏ và đen, biểu thị các loài chúng sanh khác nhau đều đạt được lợi ích. Sách Ma Ha Chỉ Quán viết: “Chúng sanh được lợi ích khác nhau, hoặc là nhiều thứ lợi ích khác loại, hay là các thứ lợi ích thuần một loại” chính là nói đến điều này.

(Kinh) Thanh hào tướng quang, đại thanh hào tướng quang.

()青毫相光大青毫相光。

(Kinh: Hào quang màu xanh, hào quang màu xanh lớn).

“Thanh hào tướng quang”: Từ ngữ Ni La (Nila) trong tiếng Phạn, cõi này dịch là Thanh (màu xanh da trời đậm, xanh dương). Phương Đông thuộc Mộc, sanh từ Thủy. [Màu xanh] giống như đen mà nhạt hơn, màu sắc tươi hơn. Dùng điều này biểu thị hắc nghiệp trong địa ngục, do sanh khí tràn trề mà phát khởi cành nhánh của cội Bồ Đề.

(Kinh) Bích hào tướng quang, đại bích hào tướng quang.

()碧毫相光大碧毫相光。

(Kinh: Hào quang màu biếc, hào quang màu biếc lớn).

“Bích hào tướng quang”: Thuyết Văn Giải Tự giảng [Bích] là sắc xanh đẹp của đá. Sách Tăng Vận[3] giảng “Bích là màu xanh đậm”. Điều này biểu thị hàng lợi căn trong địa ngục, tức là những người như Điều Đạt (Đề Bà Đạt Đa) ở trong địa ngục mà vui sướng như trong Đệ Tam Thiền Thiên, vua A Xà Thế vào địa ngục Phách Cúc, tạm vào liền thoát ra.

(Kinh) Hồng hào tướng quang, đại hồng hào tướng quang.

()紅毫相光大紅毫相光。

(Kinh: Hào quang màu đỏ, hào quang màu đỏ lớn).

“Hồng hào tướng quang”: Từ ngữ A Lô Na (Aruna) trong tiếng Phạn, được cõi này dịch là Xích Sắc (màu đỏ). Phương Nam thuộc Hỏa, khí thịnh sáng tỏ, xuất phát từ ý nghĩa của “lửa lớn”. Thế nhưng Hồng thì trông hơi tối [so với Xích]; vì thế, đặc biệt nói là Hồng. Chữ Hồng (紅) do bộ Mịch (糸, sợi tơ) và Công (工) ghép lại, tức là công sức “kéo guồng, xe tơ, dệt cửi” thuộc về nữ công. Điều này biểu thị súc sanh, do nghe danh hiệu, thấy tượng [của Địa Tạng Bồ Tát] liền phát tâm, gia hạnh, chánh nhân đã mê do vậy mà được hiển lộ, giống như chuyện đổ công dốc sức [trong hàm nghĩa] của chữ Hồng.

(Kinh) Lục hào tướng quang, đại lục hào tướng quang.

()綠毫相光大綠毫相光。

(Kinh: Hào quang màu xanh lá cây, hào quang màu xanh lá cây lớn).

“Lục hào tướng quang”: “Lục” (綠) là trong xanh. Nhìn phía trên, nước suối trong trẻo, có sắc xanh, tức là màu pha lẫn giữa xanh dương và vàng, biểu thị địa ngục cùng đổ vào dòng pháp.

(Kinh) Kim hào tướng quang, đại kim hào tướng quang.

()金毫相光大金毫相光。

(Kinh: Hào quang màu vàng, hào quang màu vàng lớn).

“Kim hào tướng quang”: Tiếng Phạn là Y Ni Diên (Aiṇeya), cõi này là “kim sắc”. Kim loại có năm màu, hoàng kim đứng đầu, do chôn lâu ngày chẳng biến đổi, trăm lần nung luyện chẳng bị nhẹ bớt. Dùng điều này biểu thị ngạ quỷ, tuy mai một trong đường ác lâu ngày, nhưng Phật tánh chẳng mất. Kho tàng Trung Đạo vừa mở, nhanh chóng lìa khỏi cảnh bụng rỗng.

(Kinh) Khánh vân hào tướng quang, đại khánh vân hào tướng quang.

()慶雲毫相光大慶雲毫相光。

(Kinh: Hào quang mây lành, hào quang mây lành lớn).

“Khánh vân hào tướng quang”: Sách Tây Kinh Tạp Ký[4] chép: “Mây lành gọi là khánh vân, hoặc cảnh vân (景雲). Mây năm màu gọi là Khánh (慶), hoặc là Khanh (卿). Điều này biểu thị lìa ngũ trụ phiền não, hiển thị điềm lành Ngũ Phần Pháp Thân.

(Kinh) Thiên luân hào quang, đại thiên luân hào quang.

()千輪毫光大千輪毫光。

(Kinh: Hào quang ngàn vầng, hào quang ngàn vầng lớn).

“Thiên luân hào quang”: Những loại luân quang (輪光, quang minh kết thành vầng) kể từ đây trở đi càng thù thắng hơn các loại tán quang (散光, quang minh túa bốn phía). Ấy là vì [luân quang] biểu thị viên pháp, thích hợp viên căn, nhập viên môn, đạt được lợi ích viên mãn. Do vậy, kinh Thập Luân dạy: “Luân giả, như mãn nguyệt quang, thanh lương vô ngại, biến chư hư không, chiếu xúc nhất thiết vô chướng cảnh giới” (Luân là như ánh sáng của trăng tròn, thanh lương vô ngại, trọn khắp hư không, chiếu chạm hết thảy cảnh giới chẳng chướng ngại). Sách Dật Nhã giảng Luân là “giáp vòng trọn khắp”. Sách Tinh Uẩn viết: “Sở dĩ xe có thể vận chuyển là do bánh của nó có hình tròn, điểm kỳ diệu nhất là ở giữa bánh xe lại trống rỗng”. Nói “ngàn” tức là “bánh xe ngàn căm”, biểu thị lục đạo nhất niệm thiên như, đến đây càng tỏ rõ: Chuyển biến viên mãn vô ngại!

(Kinh) Bảo luân hào quang, đại bảo luân hào quang.

()寶輪毫光大寶輪毫光。

(Kinh: Hào quang vầng báu, hào quang vầng báu lớn).

“Bảo luân hào quang” giống như trong phần trên, ở đây chú trọng chữ Bảo (寶). Như Khế Kinh dạy: “Nhược Sát-đế-lợi chủng, thiệu quán đảnh vị, ư thập ngũ nhật, trai mộc thăng điện. Đông phương hốt hữu kim luân bảo hiện. Kỳ luân thiên bức, cụ túc cốc võng, thư diệu quang minh, lai ứng vương sở, định thị Kim Luân Vương” (Nếu ai thuộc dòng dõi Sát-đế-lợi, nối ngôi quán đảnh, vào ngày Rằm, trai giới, tắm gội, lên điện. Phương Đông bỗng có bánh xe báu bằng vàng hiện ra. Bánh xe ấy có ngàn căm, vành, niềng trọn đủ, tỏa quang minh mầu nhiệm chiếu đến chỗ nhà vua, thì vị vua ấy chắc chắn là Kim Luân Vương). Điều này biểu thị người căn cơ viên mãn trong năm đường, do được đức Địa Tạng dùng nước pháp quán đảnh, sẽ vượt lên, dự vào Viên Giáo, hướng đến kim luân, kế tục ngôi vị của đấng Pháp Vương. Trong đó, hoặc là dự vào địa vị Thiết Luân, cho đến Ma Ni Luân, chẳng thể phán quyết nhất định được!

(Kinh) Nhật luân hào quang, đại nhật luân hào quang.

()日輪毫光大日輪毫光。

(Kinh: Hào quang vầng mặt trời, hào quang vầng mặt trời lớn).

 “Nhật luân hào quang”: Hiện ra cung điện của Nhật thiên tử. “Nhật” là đầy ắp, [bởi lẽ, mặt trời có] quang minh tràn trề, biểu thị trí quang của Bồ Tát chiếu soi vô tư. Đại Luận chép: “Như nhật thiên tử thương xót chúng sanh, có cung điện bảy báu đi theo, đi vòng quanh tứ thiên hạ từ đầu tới cuối, thường chẳng biếng nhác, ngưng dứt. Ánh sáng mặt trời chiếu trọn khắp, không ghét, không yêu, dù cao, dù thấp, dù sâu, dù cạn đều chiếu tới. Bồ Tát cũng giống như thế, từ sơ phát tâm, vì độ chúng sanh, chẳng hề lười nhác, ngưng nghỉ, xuất hiện trong thế gian, trụ trong năm thần thông, ở trên hư không, tỏa quang minh trí huệ, diệt tà kiến và hý luận. Ví như sương mai thấy mặt trời bèn tiêu mất” là nói đến chuyện này.

(Kinh) Nguyệt luân hào quang, đại nguyệt luân hào quang.

()月輪毫光大月輪毫光。

(Kinh: Hào quang vầng trăng, hào quang vầng trăng lớn).

“Nguyệt luân hào quang”: Hiện cung điện của Nguyệt thiên tử. “Nguyệt” là khuyết, [ý nói] trăng tròn rồi khuyết. Điều này biểu thị Đại Sĩ trọn đủ Trí Đức và Đoạn Đức; vì thế, có thể trừ khử sự nhiệt não trong năm đường, tăng thêm sự thanh lương cho tứ chúng. Nhưng hai luân ấy (nhật luân và nguyệt luân) biểu thị Quyền Trí và Thật Trí của Đại Sĩ, chiếu theo Lý mà soi xét các căn cơ.

(Kinh) Cung điện hào quang, đại cung điện hào quang.

()宮殿毫光大宮殿毫光。

(Kinh: Hào quang cung điện, hào quang đại cung điện).

“Cung điện hào quang”: Trong quang minh, hiện bóng cung điện. Chữ Cung đã được giải thích trong phần giảng về tựa đề [của phẩm Đao Lợi Thiên Cung]. “Điện” (殿) là tòa nhà cao, to, có dáng vẻ lạ lùng chót vót, cao tột, đẹp đẽ rạng ngời, rỡ ràng, biểu thị từ tam đồ vượt thoát lên nhân thiên, hiển thị năm đường cùng quy vào Phật quả; cho nên có tướng trạng cao rạng.

(Kinh) Hải vân hào quang, đại hải vân hào quang.

 ()海雲毫光大海雲毫光。

(Kinh: Hào quang mây biển, hào quang mây biển lớn).

“Hải vân hào quang”: Do mây quang minh phủ trọn khắp như biển, chẳng có ngằn hạn. Điều này biểu thị chúng sanh và Phật như một, y báo và chánh báo như một, nhiễm và tịnh cùng một nguồn, khổ và lạc chẳng khác. Như biển khó lường bờ mé, như mây chẳng phân biệt nguồn. Do vậy biết: Tình sanh phân biệt, mỗi pháp rành rành, Trí nhập “nhất, vô”, chuyện nào cũng đều bình đẳng. [Các thứ quang minh được] kết thúc bằng hải vân là có duyên do vậy.

3.3.1.2.2.1.2. Khẩu luân xuất âm thán sự (miệng phát ra âm thanh tán thán)

(Kinh) Ư đảnh môn thượng, phóng như thị đẳng hào tướng quang dĩ, xuất vi diệu âm, cáo chư đại chúng, thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng: “Thính ngã kim nhật, ư Đao Lợi thiên cung, xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ Tát”.

()於頂門上放如是等毫相光已出微妙音告諸大眾天龍八部人非人等聽我今日於忉利天宮稱揚讚 歎地藏菩薩。

(Kinh: Từ trên đảnh môn, phóng các hào tướng quang như thế xong, phát ra âm thanh vi diệu, bảo các đại chúng, trời rồng tám bộ, nhân, phi nhân v.v… rằng: “Hãy lắng nghe ta ngày nay ở trên cung trời Đao Lợi, xưng dương, khen ngợi Địa Tạng Bồ Tát”).

Hai câu đầu nhằm tiểu kết phần trước. Từ chữ “xuất vi diệu” (thốt ra [âm thanh] vi diệu) trở đi, trần thuật lời bảo ban. Chữ “như thị” (như thế) là từ ngữ dùng để chỉ bày hòng khen ngợi, [tức là] do hào quang từ đỉnh đầu đức Phật thù thắng, nhiệm mầu bậc nhất, cho nên bèn chỉ ra [sự vi diệu, thù thắng ấy] để tán thán: “Có phải là [tuyệt diệu] như thế đấy chăng?” Nhưng Như là “chẳng khác”, Thị là “chẳng sai”, tức là chúng sanh và Phật đều cùng do Thật Tướng, đúng hay sai đều khế hợp Chân Như. Đấy chính là bổn tâm phó chúc của đức Phật, cũng là tâm ý Đại Sĩ vâng lãnh lời dạy, tịnh và uế cùng nhập vào một ánh sáng, y báo và chánh báo đều thành một sắc. Vì thế, người trùng tuyên kinh trần thuật cảnh chẳng thể nghĩ bàn, thốt lời tán thán như thế.

Do vậy biết: Thoạt tiên, [mở đầu pháp hội] bèn phóng quang, biểu thị Tam Mật của bậc cực thánh, trong đó thuyết pháp là trọng yếu, cho nên quang minh từ miệng phát ra. Đến đây, nhằm biểu thị “lục đạo chắc chắn đạt được cái nhân viên mãn, sẽ tiến hướng cực quả”, mà chứng nhập là điều trọng yếu, cho nên quang minh phóng ra từ đỉnh đầu. Quang tướng dường như giống nhau, nhưng dụng ý mỗi quang minh mỗi khác. Đại chúng là Tổng, “trời, rồng” là Biệt, đều là những căn cơ để đức Phật bảo ban. “Thính ngã” (nghe ta): Không chỉ là liên quan sâu xa nơi mặt Sự, mà còn liên quan đến sự hóa độ từ đầu đến cuối. Đức Phật lại còn căn dặn chúng trời người trong đời vị lai: Tuyệt đối chẳng phải là chuyện vặt vãnh, tầm thường, ắt cần phải chuyên tâm lắng nghe, mới hiểu oai thần [của Địa Tạng Bồ Tát] chẳng thể suy lường!

(Kinh) Ư nhân thiên trung lợi ích đẳng sự, bất tư nghị sự, siêu thánh nhân sự, chứng Thập Địa sự, tất cánh bất thoái A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề sự.

()於人天中利益等事不思議事超聖因事證十地事畢竟不退阿耨多羅三藐三菩提事。

(Kinh: Những chuyện lợi ích trời, người, chuyện chẳng thể nghĩ bàn, chuyện thuộc về cái nhân siêu lên bậc thánh, chuyện chứng Thập Địa, chuyện rốt ráo chẳng thoái chuyển Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

Từ “ư nhân thiên” (trong trời người) trở đi, là lời tán thán tổng kết bao gồm bốn phương diện:

1) “Lợi ích đẳng sự” (những chuyện lợi ích) nhằm tổng kết về việc xưng danh. Do xưng danh, đọc kinh, trời người đều được giải thoát.

2) “Bất tư nghị sự” (chuyện chẳng thể nghĩ bàn): Tổng kết về Thể, nhưng Thể thuộc về Lý, nay cớ sao lại nói là Sự? Hãy nên biết: [Lý là cái để Sự] nương vào từ đầu đến cuối. Dù mê hay ngộ, đều có sẵn Lý, [cho nên] Lý chính là Sự. Vì thế, phải là “bất tư nghị sự”.

3) Hai câu từ “siêu thánh nhân” (cái nhân siêu lên bậc thánh) trở đi nhằm tổng kết về Tông. Tông ắt phải là nhân và quả cùng thành.

4) “Bất thoái Bồ Đề”: Tổng kết về Dụng.

Đức Địa Tạng khéo thực hiện phương tiện, khiến cho [chúng sanh] thành tựu Bồ Đề. Nếu xét theo Tứ Nhất của kinh Pháp Hoa:

1) Câu đầu tiên nhằm tán thán “giáo nhất” vì trời người đều được lợi ích.

2) Câu kế tiếp nhằm tán thán “lý nhất” vì Lý sẵn đủ thì Sự mới khởi tác dụng được.

3) Hai câu ba và bốn tán thán “hạnh nhất”, do hạnh ắt vượt thoát cái nhân, sẽ có thể chứng quả.

4) Câu thứ năm nhằm tán thán “nhân nhất”: Do đã đắc rốt ráo Bồ Đề, là người bậc nhất trong thế gian và xuất thế gian.

Đều nói là Sự vì giống như “Như Lai do một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong thế gian” của kinh Pháp Hoa. Bởi lẽ, thế gian, xuất thế gian, trong, ngoài, thiện, ác, lớn, nhỏ, thánh, phàm, không điều gì chẳng phải là các sự, chỉ là tác dụng khác nhau. Ví như đàn cầm, đàn sắt, không hầu, âm vận như nhau, nhưng thổi hoặc khảy khác nhau. Xét theo ý của phần tổng kết tán thán, dường như đều nhằm nói đến những điều sau đó. Vì lẽ nào vậy? Ấy là vì những điều ngài Quán Âm thưa hỏi rất khác với những điều trước đó, đặc biệt nêu tỏ sự mầu nhiệm của bốn phương diện trên đây, xuyên suốt nhất quán trước lẫn sau. Dùng phần sau để nêu bày cụ thể phần trước, càng phô bày sâu xa hơn. Chớ nên nghĩ phần trước là kém cỏi, phần sau thù thắng, để rồi lạc mất trong mạch văn, đánh mất ý chỉ vậy!

3.3.1.2.2.2. Quán Âm thỉnh thuyết vị lưu thông (đức Quán Âm xin Phật nói [những chuyện ấy] để lưu thông)

3.3.1.2.2.2.1. Đương cơ thuật thỉnh (bậc đương cơ trần thuật, cầu thỉnh)

3.3.1.2.2.2.1.1. Kinh gia đề danh tự nghi (người trùng tuyên kinh trần thuật danh tự và lễ nghi thỉnh pháp của bậc đương cơ)

(Kinh) Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất Bồ Tát Ma Ha Tát, danh Quán Thế Âm, tùng tòa nhi khởi, hồ quỳ, hiệp chưởng.

()說是語時會中有一菩薩摩訶薩名觀世音從座而起胡跪合掌

(Kinh: Nói lời ấy xong, trong hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát tên là Quán Thế Âm, từ chỗ ngồi đứng dậy, hồ quỳ, chắp tay).

Điều này cho thấy sự khế hợp mầu nhiệm trong việc phát khởi, tuyên dương giữa chủ và khách, sự xướng họa tương ứng giữa thầy và trò. Đức Thế Tôn sở dĩ đối trước đại chúng tổng kết những lời tán thán, dụng ý nhằm khơi gợi ngài Quán Âm hãy thừa dịp đức Phật tán thán để níu lấy ngay ý ấy mà thưa hỏi. Vì thế, ngay sau khi đức Phật nói lời ấy xong, đức Quán Âm liền đứng dậy bạch Phật. “Thối trác đồng thời” (gà con trong trứng cựa quậy cho vỏ trứng vỡ, gà mẹ bèn cùng lúc mổ vỡ vỏ trứng cho gà con thoát ra) chính là nói đến chuyện này đấy!

Tiếng Tây Trúc là A Na Bà Lâu Cát Đê Thâu (Avalokiteśvara), cõi này dịch là Quán Thế Âm. “Quán” là trí năng quán, dùng Tam Trí[5] chiếu chánh tánh, xem xét từ nguyên nhân đến kết quả. “Thế Âm” (âm thanh của thế gian) là cảnh được quán. Muôn hình tượng khác biệt, đủ mọi âm thanh xướng lên sai khác, Bồ Tát do lòng Từ rộng lớn, đều khiến cho họ thoát khổ. Nêu gộp chung cảnh và trí, nên có tên là Quán Thế Âm (nước Mạt La Củ Trá (Malakūta)[6] ở bờ biển cực Nam của Ấn Độ. Trong đại hải ở phương Nam nước ấy, có quả núi tên là Bổ Đà Lạc Ca Potalaka)[7], [trong núi] có cung trời bằng đá, là nơi chốn thường ngự của Quán Tự Tại Bồ Tát).

3.3.1.2.2.2.1.2. Đại Sĩ thuật tán, thỉnh thuyết (Đại Sĩ trần thuật, tán thán, xin đức Phật hãy nói)

3.3.1.2.2.2.1.2.1. Thuật tiền sở thán công đức (trần thuật lời tán thán công đức đã nói trước đó)

3.3.1.2.2.2.1.2.1.1. Thuật Địa Tạng oai thần (trần thuật oai thần của đức Địa Tạng)

(Kinh) Bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, cụ đại từ bi, lân mẫn tội khổ chúng sanh, ư thiên vạn ức thế giới, hóa thiên vạn ức thân, sở hữu công đức, cập bất tư nghị oai thần chi lực”.

()白佛言世尊是地藏菩薩摩訶薩具大慈悲憐愍罪苦眾生於千萬億世界化千萬億身所有功德及不思議威神之力。

(Kinh: Bạch cùng đức Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Vị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát này sẵn lòng đại từ bi, xót thương chúng sanh tội khổ, trong ngàn vạn ức thế giới, hóa hiện ngàn vạn ức thân, có công đức và sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn).

Đức Thế Tôn muốn xưng dương các sự, ngài Quán Âm bèn hỏi ngay duyên do. Vì thế, chúng ta biết những gì được hỏi đáp sẽ đều chẳng ra ngoài những điều ấy. Thế nhưng, ắt phải nhờ Quán Âm [thưa thỉnh] là vì [Ngài và đức Địa Tạng] chí đồng đạo hợp, đều có đại nhân duyên với Diêm Phù Đề. Như Ngài tán dương đức Địa Tạng sẵn lòng đại từ bi, cho đến thần lực chẳng thể nghĩ bàn; đấy cũng là những điều đức Quán Âm vốn có. Theo kinh Bi Hoa, trong quá khứ, Ngài là thái tử thứ nhất của vua Vô Tránh Niệm (無諍念, không có ý niệm tranh cãi), tên là Bất Thuấn (不眴). Do được phạm-chí Bảo Hải khuyên bảo, bèn phát hoằng thệ. Vì thế, đức Phật Bảo Tạng dạy: “Nhữ quán thiên nhân cập tam ác đạo nhất thiết chúng sanh, sanh đại bi tâm, dục đoạn chúng sanh chư khổ não cố, dục đoạn chúng sanh chư phiền não cố, dục linh chúng sanh trụ an lạc cố, kim đương tự nhữ vi Quán Thế Âm. Nhữ hành Bồ Tát đạo thời, dĩ hữu bách thiên vô lượng ức na-do-tha chúng sanh đắc ly khổ não. Nhữ vi Bồ Tát thời, dĩ năng đại tác Phật sự” (Ông thấy trời, người và hết thảy chúng sanh trong ba đường ác bèn sanh tâm đại bi, vì muốn đoạn các khổ não của chúng sanh, vì muốn đoạn các phiền não của chúng sanh, vì muốn khiến cho chúng sanh trụ trong an lạc, nay ta sẽ đặt tên cho ông là Quán Thế Âm. Khi ông hành đạo Bồ Tát, đã có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chúng sanh được lìa khổ não. Lúc ông làm Bồ Tát, đã có thể làm Phật sự lớn lao). Do đức nghiệp ngang nhau thì mới có thể phát khởi; vì thế, nhờ Đại Sĩ thừa dịp thỉnh vấn.

***

[1] Văn Phú (文賦) là tác phẩm lý luận về văn nghệ của Lục Cơ (陸機) đời Tấn. Qua tác phẩm này, Lục Cơ chủ yếu đề xuất những cơ sở triết học và các biện pháp tu từ trong thi ca và các thể loại văn học thường dùng của Trung Hoa như phú, bi, minh, châm, tụng, luận, thuyết v.v… Tác phẩm này đã được dịch nhiều lần sang tiếng Anh với tựa đề Essay on Literature, Rhymeprose on Literature, The Art of Writing…

[2] Nguyên văn là “hô liễn” (瑚璉). Hô và Liễn vốn là hai thứ dụng cụ dùng trong tế lễ để chứa các loại ngũ cốc, chỉ có tông miếu của thiên tử và chư hầu mới được phép sử dụng. Chúng thường được trang trí, điêu khắc tinh xảo, hoa lệ. Cổ nhân dùng chữ Hô Liễn để chỉ nhân tài, hoặc những phương tiện siêu việt. Điển tích này phát xuất từ một đoạn vấn đáp giữa Khổng Tử và Tử Cống được chép trong thiên Công Dã Trưởng của sách Luận Ngữ: “Tử Cống vấn viết: Tứ dã hà như? Tử viết: Nhữ, khí dã. Viết: Hà khí dã? Viết: Hô liễn dã” (Tử Cống hỏi: “Thầy thấy Tứ là người như thế nào? (Tử Cống tên thật là Đoan Mộc Tứ). Khổng Tử đáp: “Ngươi là vật dụng”. Thưa: “Vật dụng gì ạ?” Đáp: “Hô liễn”). Các nhà chú giải giảng: Do hô liễn là vật dụng tôn quý, nên lời đánh giá của Khổng Tử cho thấy Ngài rất coi trọng Tử Cống, coi ông ta là người có tài năng to lớn đối với quốc gia.

[3] Tăng Vận có tên gọi đầy đủ là Tăng Tu Hỗ Chú Lễ Bộ Vận Lược, là tác phẩm chú giải, bổ sung cho tác phẩm Lễ Bộ Vận Lược của Mao Hoảng đời Tống. Sau đó, tác phẩm này lại được con ông là Mao Cư Chánh hiệu đính, tăng bổ lần nữa. Đây là một loại từ điển giải thích các chữ Hán, cách viết chánh xác, âm đọc và giải thích ý nghĩa.

[4] Tây Kinh Tạp Ký là tác phẩm ghi chép những câu chuyện được lưu truyền từ thời Tây Hán, tác giả không rõ là ai, có thuyết nói là Cát Hồng, hoặc Lưu Hâm. Tây Kinh chính là kinh đô Trường An. Trong tác phẩm này có những câu chuyện nổi tiếng như Chiêu Quân cống Hồ, cô gái góa Trác Văn Quân nghe khúc nhạc Phụng Cầu Hoàng do Tư Mã Tương Như gảy đàn bèn trốn theo anh ta v.v…

[5] Tam Trí: Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, Nhất Thiết Chủng Trí. Nếu chỉ xét theo địa vị Bồ Tát thì Tam Trí là thanh tịnh trí, nhất thiết trí, và vô ngại trí.

[6] Malakūta là một quốc gia cổ của Ấn Độ, nằm ở cực Nam bán đảo Ấn Độ, là lãnh thổ của cổ vương triều Pāndya, thuộc địa bàn hai thành phố Madura và Tinnevelly hiện thời. Vương quốc này rộng hơn năm ngàn dặm, đất đai cằn cỗi, gập ghềnh, nhưng vùng biển này có rất nhiều báu vật. Tánh tình dân chúng cứng cỏi, mạnh bạo, tà chánh xen lẫn, thích trục lợi. Ngoại đạo rất đông, đa phần là tu sĩ khổ hạnh lõa thể. Nơi bờ biển phía Nam nước này có núi cao Mạt Lạt Da (Malaya) sanh ra các loại Bạch Đàn Hương và Chiên Đàn rất nổi tiếng.

[7] Bổ Đà Lạc Ca còn được phiên âm là Bố Đát Lạc Ca, Bổ Đà Lạc Già, Phổ Đà Lạc Ca, Phổ Đà Lạc Già, Bộ Đa La, Bố Đạt Lạp v.v… thường gọi là Phổ Đà Sơn, hoặc dịch nghĩa thành Quang Minh Sơn, Hải Đảo Sơn, Tiểu Hoa Thụ Sơn, Tiểu Bạch Hoa Thụ Sơn. Thông thường, các nhà nghiên cứu cho rằng Bổ Đà Lạc Ca nay chính là núi Bạc Bạc Nạp Tát Mẫu (Papanasam) thuộc huyện Tirunelveli, tiểu bang Tamil Nadu của Ấn Độ. Có thuyết nói núi Bổ Đà Lạc Ca phải thuộc đảo Sri Lanka (xét ra, thuyết sau hợp lý hơn vì kinh thường nói Phổ Đà Sơn ở ngoài biển).


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ