HỒI KÝ PHÙNG PHÙNG
Hạnh Đoan biên dịch

 

HẠC CƯƠNG HỒN VŨ

Tuy nói tùy theo tập tục, nhưng một khi đã đến  (Kamakura) Liêm Thương, lẽ nào tôi lại không tham bái  đại Phật ở nơi đây?

Rời hoang kinh Nhật Liên Tự điêu tàn, một mình tôi chậm rãi tản bộ. Nơi cố đô này, tôi không rành đường, mà trên đường cũng không thấy bóng dáng ai, nên cứ tùy hỉ mà đi dạo thôi.

Liêm Thương bây giờ đang chìm trong cơn mưa rả rích, khắp nơi đầy sương mù, lối xưa chật hẹp, cổ kính tịch nhiên, khiến tôi có cảm giác như mình đang đặt chân vào thành phố cổ thời Đường.

Mới đầu mang tâm trạng ly hương ngao du, nên tôi cảm thấy có chút cô đơn lạnh lẽo, rảo bước một hồi, dần dà lại cảm thấy ưa thích khu phố cổ u nhã yên tĩnh này.

Khắp nơi đều có những dòng suối nhỏ, có chiếc cầu nhỏ nước chảy róc rách, hoa thơm tỏa hương quê, hoa leo mọc trên hàng rào, đóa đóa sà xuống thấp, những cánh cổng gỗ cửa cây… khép hờ, không hề có xa mã huyên náo, càng không có các biển quảng cáo hay những ánh đèn rực rỡ sắc màu.

Thỉnh thoảng có vài phụ nữ mặc Kimono, tay cầm dù giấy dầu, chân mang guốc Nhật, đi thoáng qua.

Một mình tôi tản bộ trên đường, giữa cơn mưa bụi, bỗng nghe có tiếng sáo ai thổi vang lên áo não, lời nhạc sầu thương đến lạ, âm thanh day dứt… khiến người buồn đứt ruột, lệ phải tuôn sa… Hóa ra có một người hành khất mù, đang lần mò đi trong cơn mưa, tôi ngắm cây sáo trúc ngắn ngủn, tự hỏi không hiểu sao anh ta lại có thể thổi ra những thanh âm ai oán hay tuyệt, làm chấn động tâm can người nghe như thế?…

Nhớ lại trong sách sử mình đã đọc (伍 員) có Ngũ Viên thổi sáo xin ăn, không biết có phải là hình ảnh này chăng? Chỉ thấy người hành khất mù nọ vai khoác áo tơi, đội mũ rộng vành, đang thổi sáo, đi xa dần…

Đại Phật chẳng biết ở nơi nào. Tôi ngó Đông ngóng Tây, cũng không tìm ra bến xe để quay về. Xem như mình bị lạc lối tại miền dã ngoại tịch tĩnh này, nên đành bước đại trên con đường cổ đầy đá sỏi, lặng lẽ tiến lên giữa trời mưa… Do trên mình chẳng có áo mưa, nên y phục tôi bị ướt cả, cũng chẳng biết mình đi lạc tới đâu và đã đi được bao lâu rồi? Vì không tìm ra đại Phật, mà cũng chẳng quay về trạm xe được, trong lòng tôi không khỏi nôn nóng, có ai ngờ được là hoang kinh Liêm Thương lại vắng vẻ như thế này? Trên đường hiện thời không có một bóng người!

Sau này trở lại Tokyo, hỏi thăm người bạn Nhật, tôi mới biết dân số Liêm Thương chỉ có năm sáu vạn, hơn nửa vùng này không có xưởng công nghiệp sản xuất chi, nên người dân đều phải đến Hoành Tân (Yokohama) và Tokyo để làm việc, sớm đi tối về. Do vậy mà ngày thường khó thấy người đi đường. Liêm Thương tuy là Thánh địa cổ, nhưng du khách đến thăm không nhiều, lại thêm thời tiết chẳng thích hợp, nên càng thêm lạnh lẽo, hoang vắng.

Vừa nghe tôi kể bản thân mình đã đội mưa lãng du đến Liêm Thương, bạn bè đều ngạc nhiên.

Sự thực thì chuyến đi đó tôi không có gì phải hối tiếc, thời điểm này xem như là lúc xuân tàn hoa sắp tận, nhưng nơi nơi hoa vẫn còn rực rỡ, cánh anh đào rơi lả tả đầy đất, chốn chốn đỏ hồng, nên dù có đi một mình trong mưa, cũng thấy thú vị lắm lắm.

Khi đó tôi tản bộ được một lúc lâu, thì bỗng thấy trên triền núi, hiện rõ các bậc đá hàng trăm nấc, có cung điện mấy tòa, có thể nói cảnh tượng nơi đây hoàn toàn là: Cổ sắc, cổ hương, tuyệt không hề mang nét tục khí như một số đền thần Nhật Bản, cũng không hoa lệ giống như các chùa miếu Trung Quốc hiện đại, chẳng biết thuộc loại tự viện gì đây?

Tôi tiếp tục tiến lên, thấy bên đường có tấm bảng thấp, thuyết minh ghi toàn chữ Nhật, may là chữ ghi rất đẹp và rõ ràng, không hề viết thảo, nên tôi có thể đọc một nửa và phỏng đoán lõm bõm… để hiểu sơ đại ý.

Hóa ra đây là: Cung điện Tsuruoka Hachiman (Hạc Cương Bát Phiên Cung) 鶴岡八幡宮, thuộc gia tộc Mộ phủ Tướng quân Nguyên Thị, cung điện này xây ba năm mới xong (vào khoảng 1192) và được Thiên hoàng phong là 征夷大將軍 Chinh Di Đại Tướng Quân, khai điện Mộ phủ ở Liêm Thương (Kamakura), trong sử gọi là Liêm Thương Mộ Phủ.

Nguyên tướng quân đánh bại gia tộc Bình Thị, dựa thế thiên tử, sử dụng Liêm Thương như là thủ đô của nước, phụng theo Thiên Hoàng (Bạch Hà Pháp Hoàng) nên dời đô đến đây.

Nguyên Thị đầu tiên là Tướng Quân Nghĩa Triều, lúc đi chinh phạt Bình Thị thì thất bại, cho nên bị giết, còn kẻ đánh thắng trận sau này là thuộc dòng Nguyên Thị đời thứ hai.

Trước đây lúc Nguyên Nghĩa Triều đánh trận thất bại bị giết, thì đứa con trai thứ ba của ông là Nguyên Lại Triều năm đó mới 14 tuổi, cũng có mặt trong đoàn quân, trong cơn binh bại bị bắt giam, tướng quân Bình Thanh Thịnh đã truyền lịnh đem Nguyên Lại Triều đi chặt đầu để diệt cỏ tận gốc, nhưng mẹ ông là Thái quân Trì Chi Ni thấy tội nghiệp, đã đứng ra xin tha chết cho Nguyên Lại Triều, Bình Thanh Thịnh vốn là người con chí hiếu, nên đã vâng lời mẹ, ông hạ lệnh đưa thiếu niên Lại Triều ra hải đảo Izu giam cầm trọn đời.

Đồng thời Bình Thanh Thịnh cũng miễn tội chết cho con trai út Nguyên nghĩa Triều, là ấu nhi Nguyên Nghĩa Kinh, tức con vợ người thứ bại tướng Nguyên Thị. Mẹ Nguyên Nghĩa Kinh họ Bàn, nguyên trước đây là thị nữ của hoàng hậu Thiên Hoàng, do Thiên Hoàng đã ban Bàn thị cho Nghĩa Triều nạp làm thiếp, cô thiếp họ Bàn này đã sinh được ba trai, do trong cơn binh loạn, nàng phải dắt ba con đào nạn, nhưng bị Bình tướng quân truy đuổi quá gắt, nên nàng tự động chường mặt ra đầu thú và khẩn cầu Bình Thanh Thịnh tha tội chết cho. Khi đó nàng mới 23 tuổi, xinh đẹp tuyệt trần, khiến Bình Thanh Thịnh vừa nhìn thấy là điên đảo tâm thần, liền thu nạp làm thiếp và ra lịnh giết chết hai con trai đầu của nàng, chỉ đồng ý tha chết cho con trai út của nàng Nguyên Nghĩa Kinh, năm đó vừa tròn một tuổi.

Bàn Thị nhẫn nhục ráng sống để nuôi dưỡng Nghĩa Kinh thành nhân, sau đó nàng kể cho con nghe câu chuyện quốc phá gia vong đã xảy ra trong quá khứ. Nàng giải thích rõ: Vì muốn bảo tồn dòng dõi Nguyên Thị nên đành phải nuốt nhục, cắn răng chịu làm thiếp cho kẻ thù. Kể xong rồi thì nàng bảo con trai hãy mau mau trốn đi, lo tìm cách dấy binh mà phục thù.

Nghĩa Kinh đang quỳ cúi đầu nghe mẹ dạy, tâm tư chấn động rơi lệ, nhưng khi ngước nhìn lên thì thấy mẹ chàng đã quay vào trong, cắt cổ tự sát, chỉ lưu lại di ngôn ra lịnh, buộc chàng phải: Báo thù!

Nguyên Nghĩa Kinh lúc này 18 tuổi, đành gạt lệ bôn đào, vội chạy vào ẩn trong núi, lo chiêu tập các tướng cũ của Nguyên Thị, để phát binh tấn công Bình Thanh Thịnh, thề rửa mối thù giết cha.

Trong thời điểm này, thiếu niên (Yoritomo) Nguyên Lại Triều 14 tuổi thuở xưa giờ đã trưởng đại, có vị chư hầu nhìn thấy ông khôi ngô anh tuấn, tương lai tiền đồ đầy hứa hẹn, nên đã gả con cho và hỗ trợ giúp ông phát binh đánh Bình Thị. Xem như hai anh em dòng tộc Nguyên Thị kẻ Đông người Tây, cùng bắt tay nhau tổng tấn công Bình tướng quân.

Nguyên Lại Triều lớn hơn em út tới 13 tuổi, hai anh em thuở giờ chưa từng gặp mặt nhau. Bởi Lại Triều là con vợ cả, thân thế mẹ của Lại Triều là con gái nhà quý tộc, nên địa vị tương đương một nữ quận chúa. Mà theo chế độ phong kiến của Nhật Bản thời cổ, thì hai dòng con chánh thứ có giai cấp bất đồng sẽ không sống chung với nhau. Mặc dù hai anh em cùng hợp lực tổng tấn công và đánh bại Bình tướng quân, truy sát Bình Thị khiến phải Thái quân phải ôm Thiên hoàng ấu chúa mới 8 tuổi bôn đào, vẫn bị anh em Nguyên Thị truy đuổi ráo riết đến miền Tây Nhật Bản (hiện nay là Hạ Quan (chính trong trận chiến cuối cùng này, toàn bộ Hải quân Bình Thị đã chiến bại và bị tiêu diệt hoàn toàn nơi  澶之浦 cửa biển Chan. Ấu chúa Bình Thị được bà nội là Thái quân Trì Chi Ni ôm nhảy xuống biển tự sát, xem như Bình Thị diệt vong.

Trước đây Nguyên Lại Triều từng thọ ân cứu tử của bà Trì Chi Ni, nhưng bây giờ ông không chịu tha chết cho ân nhân, đủ thấy tính ông rất tàn ác, cũng chứng minh đương thời một khi ông đã ra tay thì không từ bất cứ thủ đoạn đê tiện đáng sợ nào.

Anh em Nguyên Thị đã diệt xong Bình Thị và cướp được  chính quyền, tại hoàng đô Liêm Thương họ cho xây cung điện và điện Tsuruhara Hachiman này, là một ngôi kiến trúc trong số các cung điện đó.

Vào thời điểm này anh em Nguyên Thị do không hợp tính nên khó dung nhau. Đã thế Bạch Hà Pháp Hoàng còn làm họ tăng thêm mối hiềm khích. Vì Pháp Hoàng đã cố tình không hỏi ý Lại Triều, điềm nhiên sắc phong cho em út Nghĩa Kinh của ông giữ chức Tả Vệ Môn Bài Vi Sử, (chức này tôi không biết giải thích ra sao).

Bắt đầu từ đó, giữa hai anh em phát sinh tranh giành quyền lợi, dẫn đến binh giáo tương tranh, cốt nhục tương tàn. Do vậy mà tại Liêm Thương đã nổ ra một trận đại chiến. Kết quả: Anh thắng em thua, Nghĩa Kinh do chiến bại nên phải gấp rút chạy trốn bỏ lại cả thê thiếp. Vì vậy tại (Yoshinoyama) Cát Dã Sơn, ông đã rơi nước mắt khóc biệt ly cùng ái thiếp Tĩnh Thị, rồi một mình chạy đến Oasis, nhưng cuối cùng cũng bị anh Hai bắt về chém đầu, lúc này Nghĩa Kinh mới tròn ba mươi tuổi.

Nguyên Lại Triều, trước đây từng đã giết ân nhân là Trì Chi Ni, còn giết cả thứ mẫu, huynh đệ… nên có thể nói ông là một người tàn độc ngoài sức tưởng. Nhưng theo truyền thuyết kể thì Nguyên Lại Triều có thói phong lưu, tính ưa thưởng thức âm nhạc ca vũ, lại rất ưa chuộng văn học, nên đối với văn hóa thời đó cũng có nhiều đóng góp xây dựng.

Nguyên Lại Triều chém đầu em út rồi, thì bắt ái thiếpTĩnh Thị của em nạp làm thiếp. Làm anh mà đoạt vợ của em, thì hành vi này có khác gì cầm thú? Do Tĩnh Thị nhan sắc xinh đẹp vô song, lại xuất thân là ca kỹ Geisha, từng nổi tiếng ca hay múa giỏi, khi nàng bị anh chồng bắt làm thiếp, thì thống khổ trong lòng mọi người có thể hiểu được, nhưng sức nữ nhi yếu đuối, không đủ lực phản kháng.

Tướng quân Lại Triều lúc này vô cùng đắc ý, ông ra lịnh cho Tĩnh Thị ở trong “Hạc cương Bát Phiên Cung” (chính là một tòa biệt điện trong các dãy cung điện cổ trên núi này) ông buộc nàng phải ca múa phục vụ giải trí.

Tĩnh Thị chẳng dám từ chối, nàng vâng lệnh phất tay áo múa hát, để giúp vui cho bạo quân. Ca vũ một hồi, nàng nhớ đến người chồng Nghĩa Kinh anh tuấn đa tình, càng thêm đau đớn tâm can vì phu quân mình đã bị tên bạo ác này chém đầu, càng thêm tủi hỗ cho hoàn cảnh hiện tại của mình, bất giác lệ tuôn như mưa, tiếng ca nghẹn ngào, nỗi bi thống, phẫn uất khó cầm. Vũ điệu kết thúc, nàng xoay người vào trong, tay ngọc cầm đoản đao, nhanh như cắt đưa lên đâm thẳng vào tim mình, rồi ngã xuống lìa đời.

Hóa ra “Hạc cương Bát Phiên Cung” đây chính là nơi mà giai nhân bạc mệnh ngày xưa, sau màn vũ múa bi thương, do quá thống khổ đã đâm tim mình tự sát, thực là thê thảm biết bao nhiêu!

Tôi ngước nhìn cổ cung, không ngăn được lệ rơi cảm thông, bùi ngùi bước lên hết trăm bậc thang… Tôi đứng trước cổ cung, chẳng biết nơi nào là lâu đài ca vũ của giai nhân bạc mệnh?

Có phải “Hạc cương Bát Phiên Cung” cũng giống như biệt điện mỹ nhân vang tiếng nhạc? Nơi mà ngày xưa Ngô Phù Sai từng xây lên cho Tây Thi trú ngụ? Có phải u hồn ca vũ ở Hạc Cương còn ôm mãi mối hận ngàn năm? Chẳng biết đến bây giờ, nỗi niềm ấy đã được giải hay chưa?

Nhìn khắp bốn phương, trên đồi dưới lũng, nơi nào cũng có sương khói bao phủ mịt mù, khiến cảnh trời biển khó phân. Tôi lắng nghe tiếng sóng biển vỗ xa xa tựa như tiếng khóc than, càng làm tăng thêm nét bi thảm tịch liêu của cổ cung nơi đây, khiến người ngao du tiêu hết niềm phấn chấn, ngán sợ nét ủ ê, nên khi quay bước trở về, cũng chẳng muốn quay đầu nhìn lại để chứng kiến thêm gì nữa…

Xem ra Nguyên Thị còn chưa xây Phật điện, chỉ lo dựng cung thất tông triều thôi. Nhìn hành vi ưa sát hại, thẳng tay cốt nhục tương tàn của ông, đủ để đoán được tâm địa này không phải là của người Phật tử. Nếu là đồ đệ Phật, thì nhất quyết không thể có hành vi bạo sát như thế!

Cho dù một đời Nguyên Thị là anh dũng, nhưng thực tế ông đã chiếm hữu và sở đắc được bao nhiêu? Con cháu ông sau cũng bị người tàn sát, truy cùng giết tận như thế thôi. Rốt cuộc thì vẫn là xương khô mộ hoang, nằm sau Nhật Liên Tự.

Vậy thì giang sơn, tiền vàng, mỹ nhân, quyền lợi… liệu có thể đem theo được, nhét hết vào trong… hũ cốt hay không?