HƯ HƯ LỤC GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Bình Đẳng Sám Hối
Dịch
Pháp tánh như như, không có niệm lự chừng mảy tóc. Chân nguyên trong lặng, xưa nay bặt cả bụi nhơ. Bởi chợt khởi vọng duyên, hiện thành thân huyễn. Chạy theo nghiệp thức, quên mất hạt minh châu, tan hết gia tài, sáu căn ham mê tham dục. Nếu có thu nhận tịnh pháp, ắt hay tẩy sạch vọng trần. Phát tâm bình đẳng nhất chân, lễ Thể pháp thân vô tướng. Tiến vào trong ấy thì tự thọ dụng và tha thọ dụng lẫn nhau. Nhằm bên kia cầu thì diện mục mập mờ liền tự hiện.
Tuy nhiên như thế, kiếm chưa rút ra khỏi hộp ngọc thì chỗ loạn khó yên; thuốc ra khỏi bình vàng thì gốc bệnh mới lành. Trẫm khi muôn việc rảnh rỗi, xem thấu chỗ sâu xa của ba tạng, gặp được pháp môn này, chỉ thẳng trong người có khả năng thành Phật. Dù là người mắt sáng, ngại gì trên gấm thêm hoa. Nếu là tri âm, hãy nên tiến bước.
Giảng
Có quyển sách nói về Bình Đẳng Sám Hối, nhưng quyển sách đó đã mất chỉ còn lại bài tựa. Đây tôi giảng bài “Tựa Bình Đẳng Sám Hối”.
Pháp tánh như như, không có niệm lự chừng mảy tóc.
Mở đầu quí vị thấy Ngài dùng những chữ “Pháp tánh như như”, “không có niệm lự chừng mảy tóc”. Vì Pháp tánh như như nên những từ “Pháp tánh, chân nguyên” đều là để chỉ cho cái Thể tâm trong sạch sáng suốt sẵn có của mọi người, nó như như, bất động. Thể của nó không có một niệm lự chừng mảy tóc, nhưng vì quên nó nên niệm dấy loạn không dừng.
Chân nguyên trong lặng, xưa nay bặt cả bụi nhơ.
Tức là Thể chân nguyên vốn trong sạch lặng lẽ, không có một tí bụi nhơ. Bụi nhơ tức là niệm, niệm là trần. Những niệm khởi đó là bụi nhơ. Hai câu này nói rõ cho chúng ta thấy Pháp thân thanh tịnh của chúng ta không có một mảy niệm, không có một mảy phiền não dính được. Nó là một thể trong sáng, lặng lẽ, thủy chung như nhất không đổi thay, không dấy động. Đó là nói Thể pháp thân trong sạch. Bây giờ nói đến lý do chúng ta có thân này.
Bởi chợt khởi vọng duyên hiện thành thân huyễn.
Khởi vọng duyên tức là khởi niệm chạy theo ngoại trần. “Hiện thành thân huyễn”: như tôi đã nói, chúng ta vừa nhắm mắt, bỏ thân này sang thân khác, thì lúc hôn mê mình khởi niệm hướng về điều gì thì thân huyễn sẽ theo đó mà cấu tạo.
Chạy theo nghiệp thức, quên mất hạt minh châu.
Nghiệp thức là những cái biết của thói quen, thói quen làm thiện, thói quen làm ác. Cái biết đó dẫn mình đi theo nó nên quên mất hạt minh châu. Hạt minh châu tức là Thể pháp tánh chân nguyên như như trong lặng.
Tan hết gia tài.
Gia tài tức là của báu trong nhà. Khi đã dấy niệm chạy theo nghiệp thức thì lúc đó Thể pháp tánh chân thật của chúng ta bị mất đi, nên nói “quên mất hạt minh châu, tan hết gia tài” tức là của báu, còn gọi là pháp bảo hay tài bảo. Vì lúc đó đã có thân cho nên:
Sáu căn ham mê tham dục.
Khi có thân huyễn này rồi, nên nhớ thân này là thân huyễn chớ không phải thân thật. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì từ bảy mươi trở lên sẽ biết thân huyễn chắc chắn không nghi. Nếu ôn lại mấy mươi năm qua rồi như giấc mộng, thân này không bao lâu sẽ trở thành bụi đất. Như vậy ngày nay có, ngày mai trở thành bụi đất thì có thật không? Quí vị còn dài nên khó thấy, còn tôi hơi ngắn nên dễ thấy. Vì vậy nên nói thân này là thân huyễn, tạm có rồi tan hoại. Nhưng khi đã có thì trong thân có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bên ngoài cảnh có sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Căn mê theo trần, sanh ra tham dục tức ham muốn, đắm say ham muốn theo sáu trần cả ngày. Sáng vừa mở mắt đã lo kiếm ăn cho thỏa mãn cái lưỡi, ăn rồi lo đi chơi ngắm cái này đẹp, cái kia đẹp cho thỏa mãn con mắt. Tối đến nghe âm nhạc cho vui tai. Suốt ngày cứ lo cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý được thỏa mãn. Ngày này qua tháng nọ mê mải trong việc làm cho sáu căn thỏa mãn với sáu trần. Cứ lo như vậy nhưng có ai được thỏa mãn chăng? Gần nhất là cái lưỡi như hôm nay được ăn ngon, chưa chắc ngày mai cũng được ăn ngon. Như vậy lâu lâu mới được một bữa thỏa mãn cho cái lưỡi, vậy mà phải làm đổ mồ hôi xót con mắt chưa biết thỏa mãn được cái lưỡi hay không, huống nữa là thỏa mãn mũi, tai, mắt và thân này. Thật là khó mà cũng thật vô lý, vì đem thân làm để thỏa mãn cái thân, mà thân này có rồi cũng hoại thành không, trần cũng hoại thành không. Lấy cái không thỏa mãn cái không, như vậy mình có khôn chăng? Thế nên tôi thường nói, chúng ta như những con dã tràng xe cát ngoài biển, làm một lúc đắp lên hơi cao, rồi một đợt sóng biển ùa đến cuốn trôi mất. Cứ như thế mãi hết ngày này đến ngày khác, chừng nào ngã ra chết mới thôi. Cũng vậy, làm sao chúng ta thỏa mãn được cái thân, không biết chừng nào mới xong. Chưa thỏa mãn kịp thì nó đã hoại và những cái để cho nó thỏa mãn cũng hoại theo. Rốt cuộc chúng ta đã dồn sức để làm một việc phí công vô ích. Vậy mà có lắm người làm được chút việc gì đó, đã vội cho mình khôn, mình thông minh hơn người mà không biết rằng mình đang chạy theo nghiệp thức, quên mất của báu tức là Pháp tánh, chân nguyên của chính mình.
Nếu có thu nhận tịnh pháp, ắt hay tẩy sạch vọng trần.
Bây giờ nếu chúng ta thức tỉnh, học hỏi được chút ít tịnh pháp tức là pháp thanh tịnh của Phật, “ắt hay tẩy sạch vọng trần” là chúng ta tẩy sạch được những vọng trần, những tâm tưởng hư dối như những hạt bụi làm che mờ gương sáng của mình vậy.
Phát tâm bình đẳng nhất chân, lễ Thể pháp thân vô tướng.
Nay chúng ta sám hối bằng tâm bình đẳng nhất chân. Như tôi vừa nói, quí vị biết mình có Phật tánh, biết mọi người cũng có Phật tánh, ai ai cũng có Phật tánh thì mọi người đều bình đẳng như nhau, gọi là bình đẳng nhất chân. Như vậy chúng ta lễ Phật là Phật nào? Tức là hướng về Phật pháp thân vô tướng, là Pháp tánh, là Chân nguyên vậy. Nghĩa là lúc nào chúng ta cũng xoay lại, cũng nhớ mãi nơi ta có tánh giác, tánh giác là bình đẳng. Nhớ mãi, hứa mãi như vậy là chúng ta theo pháp“bình đẳng sám hối”.
Tiến vào trong ấy thì tự thọ dụng và tha thọ dụng lẫn nhau.
Nếu chúng ta tiến vào trong Thể pháp thân vô tướng đó, mà đã nói vô tướng thì làm sao tiến vào? Nghĩa là chúng ta hằng nhớ hằng sống với Thể pháp thân thanh tịnh bình đẳng ấy lâu ngày sẽ được tự thọ dụng, tức là cái thọ dụng của chính mình được thanh tịnh sáng suốt. Còn tha thọ dụng là cái thọ dụng cho người. Từ mình thanh tịnh sáng suốt, người gần mình cũng hưởng được thanh tịnh phần nào. Như vậy tự thọ dụng, tha thọ dụng cả hai đều có lợi ích. Được thế tức là chúng ta biết trở về với Pháp thân thanh tịnh của chính mình.
Nhằm bên kia cầu thì diện mục mập mờ liền tự hiện.
“Nhằm bên kia cầu” tức nhằm bên Thể pháp thân bình đẳng mà cầu. Cầu có nghĩa là trở về, sống lại với Thể pháp thân bình đẳng đó thì Bản lai diện mục của mình từ xưa mờ mờ, nay lần lần hiện sáng ra. Đây đi thẳng vào lý chỉ cho Pháp thân thanh tịnh. Chúng ta sám hối bằng cách hướng về Pháp thân thanh tịnh của mình và nhận chân Pháp thân đó không riêng mình có mà tất cả chúng sanh đều có, nên là bình đẳng.
Tuy nhiên như thế, kiếm chưa rút ra khỏi hộp ngọc thì chỗ loạn khó yên; thuốc ra khỏi bình vàng thì gốc bệnh mới lành.
Nghĩa là chúng ta tuy biết mình có sẵn Pháp thân thanh tịnh hay có tánh giác trong sáng, nhưng “kiếm chưa rút ra khỏi hộp ngọc thì chỗ loạn khó yên”. Người đi dẹp giặc loạn, nếu chưa rút kiếm ra để trừ giặc loạn thì giặc loạn chưa yên. Tuy đã có kiếm sẵn ở trong hộp, mà phải dụng công rút kiếm ra khỏi hộp mới có thể trị được giặc, dứt được loạn. Chúng ta cũng vậy, tuy có sẵn tánh giác, có sẵn Pháp thân mà nếu không dụng công thì cũng không có diệu dụng. “Thuốc ra khỏi bình vàng, thì gốc bệnh mới lành.” Linh đơn thần dược trị bệnh gì cũng khỏi, nhưng nếu nó còn nằm trong bình thì đâu trị lành bệnh được cho người. Vậy phải trút ra khỏi bình vàng thì gốc bệnh mới lành. Hai hình ảnh này nói lên cho chúng ta nhớ, chúng ta sẵn có Pháp thân, sẵn có tánh giác giống như trong hộp ngọc chúng ta sẵn có cây kiếm dẹp được tất cả kẻ thù, kẻ loạn. Tuy có mà chúng ta chưa rút kiếm ra thì kẻ loạn vẫn còn. Cũng như chúng ta có thuốc hay thuốc quí có thể chữa lành tất cả bệnh, nhưng thuốc còn để trong bình thì bệnh thiên hạ vẫn chưa lành. Vì vậy thuốc cần phải trút ra khỏi bình mới có hiệu dụng. Tóm lại hai câu này ý nói tuy chúng ta có Pháp thân, có tánh giác sẵn, nhưng phải dụng công tu mới được diệu dụng, được lợi ích cho mình, cho người. Nếu không tu thì tuy nói là hay rốt cuộc không được lợi ích gì cả. Đó là lời Ngài nhắc chúng ta phải ứng dụng.
Trẫm khi muôn việc rảnh rỗi, xem thấu chỗ sâu xa của ba tạng, gặp được pháp môn này, chỉ thẳng trong người có khả năng thành Phật.
Khi đang làm vua cai trị muôn dân mà những lúc rảnh rỗi Ngài xem Tam tạng kinh để tìm những cái hay rút ra chỉ dạy cho người. Như vậy Ngài là một ông vua thật siêng năng, còn chúng ta hiện nay việc làm chút chút mà than thở bận rộn quá không xem kinh được, không đi chùa được… thật quá dở. Sở dĩ Ngài nhận được pháp sám hối bình đẳng này là vì biết ai cũng có khả năng thành Phật. Điểm này chúng ta thấy ở Bồ-tát Thường Bất Khinh đã nói: “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật.” “Sẽ thành” tức là có khả năng mới thành được. Do đó mỗi người chúng ta đều có thể thành Phật được.
Dù là người mắt sáng, ngại gì trên gấm thêm hoa. Nếu là tri âm, hãy nên tiến bước.
Hai câu này Ngài khuyến khích rất hay. “Dù là người mắt sáng, ngại gì trên gấm thêm hoa.”Người mắt sáng là người nào? Trong nhà thiền thường hay nói ai tu thấy được đạo, ngộ được đạo gọi là người mắt sáng. Nếu người ngộ đạo thì đối với pháp Bình đẳng sám hối chẳng khác nào như một tấm gấm mà còn thêu thêm hoa nữa, lại càng đẹp hơn. “Nếu là tri âm, hãy nên tiến bước.” Tri âm là người tri kỷ với Ngài, hiểu được Ngài, nghe được pháp này hãy ráng tinh tấn tu, không nên chần chờ, không thể lơ là.
Qua những lời nhắc nhở của Ngài, chúng ta thấy rất là thiết yếu. Chẳng những mình biết mà muốn cho tất cả mọi người cùng biết, chẳng những mình hành mà muốn cho tất cả mọi người cùng hành. Được như vậy mới gọi là tự, tha đều hữu ích. Ở đây tôi không dẫn những vị Bồ-tát, A-la-hán hay những vị Thiền sư đắc đạo ở các nơi, mà tôi dẫn một vì vua Việt Nam đang ở ngôi vị quân vương, cai trị muôn dân, giữ nước, dẹp giặc mà có được cái nhìn thông suốt, thấu đáo như vậy để quí vị lấy đó làm tấm gương sáng noi theo tu học. Đối với hàng cư sĩ, nhìn gương của Ngài sẽ không còn lười biếng, không còn than thở nhiều việc bận rộn không tu được, không học hiểu được. Đối với người xuất gia chúng ta lại càng hổ thẹn hơn. Hổ thẹn vì mình là người được rảnh rỗi mà tu chưa chắc đã hơn người cư sĩ đang làm vua. Như vậy thật xấu hổ, thật tủi nhục! Nên càng đọc, càng nghe những lời giảng dạy của Ngài càng thấm thía, càng hổ thẹn thì chúng ta càng phải nỗ lực tiến hơn, tu nhiều hơn, để mai sau khỏi bị người chê trách: Một người đã vì chúng sanh đi tu, nhưng rốt cuộc không làm được gì có lợi ích, uổng đi một kiếp người, một đời tu.
Đó là lời tôi nhắc nhở chung cho tất cả.