ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.3.1.1.2.1.2.2.2. Độc kinh, cúng tượng, tiêu hoạnh sự (đọc kinh, thờ phụng tượng, sẽ tiêu trừ các chuyện ngang trái)

(Kinh) Phục bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư sở trụ xứ, hữu thử kinh điển, cập Bồ Tát tượng, thị nhân cánh năng chuyển độc kinh điển, cúng dường Bồ Tát, ngã thường nhật dạ, dĩ bổn thần lực vệ hộ thị nhân, nãi chí thủy, hỏa, đạo tặc, đại hoạnh, tiểu hoạnh, nhất thiết ác sự, tất giai tiêu diệt.

()復白佛言世尊未來世中若有善男子善女人於所住處有此經典及菩薩像是人更能轉讀經典供養菩薩我常日夜以本神力衛護是人乃至水火盜賊大橫小橫一切惡事悉皆銷滅。

(Kinh: Lại bạch cùng đức Phật rằng: – Bạch Thế  Tôn! Trong  đời

vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nơi chỗ mình ở, có kinh điển này và tượng Bồ Tát, người ấy lại có thể chuyển đọc kinh điển, cúng dường Bồ Tát, con sẽ thường suốt ngày đêm dùng thần lực của mình bảo vệ người ấy, cho đến các tai nạn nước, lửa, giặc cướp, chuyện ngang trái lớn, nhỏ, hết thảy các chuyện ác, thảy đều tiêu diệt).

Trước hết, nói đến kinh, tượng ở chỗ cư trú. Tiếp đó, nói đến thần lực hộ trì, diệt ác. Ta thấy tâm hộ pháp của địa thần trong kinh này giống như khi Ngài phát nguyện hộ trì kinh trong hội Kim Quang Minh. Ngài nói: “Nhược tùy thị kinh điển sở lưu bố xứ, ngã đương tại trung, thường tác túc vệ” (Nếu kinh điển này được lưu truyền đến chỗ nào, tôi sẽ thường canh giữ, bảo vệ nơi đó). Tiêu diệt nạn nước lửa, tức là chuyện thuộc các điều lợi ích sáu, bảy, và tám trên đây. “Đại hoạnh” là như chín thứ “hoạnh tử” (chết ngang xương) trong kinh Dược Sư. “Tiểu hoạnh” là như các chuyện ngang trái nói trong kinh Cửu Hoạnh.

“Nhất thiết ác sự” (hết thảy chuyện ác) là như kinh Kim Quang Minh dạy: “Dĩ thị kinh cố, ác mộng, cổ đạo, ngũ tinh, chư tú, biến dị tai họa, nhất thiết ác sự, tiêu diệt vô dư. Vô lượng quỷ thần, cập chư Đại Sĩ, trú dạ tinh cần, ủng hộ tứ phương, linh vô tai họa, vĩnh ly chư khổ. Ứng tâm thích ý, tùy kỳ sở nhạo” (Do vì kinh này, ác mộng, cổ thuật, ngũ tinh[1], các ngôi sao, tai họa biến đổi lạ lùng, hết thảy chuyện ác tiêu diệt chẳng còn sót. Vô lượng quỷ thần và các Đại Sĩ ngày đêm chuyên ròng, siêng năng ủng hộ bốn phương, khiến cho chẳng có tai họa, vĩnh viễn lìa khỏi các khổ. Vừa lòng thích ý, tùy theo lòng ưa thích). Há chẳng phải là ác sự tiêu diệt, điều thiện đông đầy, tai họa ngang trái tiêu diệt, điềm lành tụ tập ư?

Trong đời có kẻ chẳng tin tưởng, cho đó là những lời lẽ dẫn dụ tiến nhập Phật môn, há chẳng nghe: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà chất chứa điều thiện, vui mừng có thừa. Nhà chứa điều bất thiện, tai ương có thừa). Lại chẳng nghe “xuất ngôn thiện, thiên lý chi ngoại ứng chi. Xuất bất thiện ngôn, thiên lý chi ngoại vi chi” (thốt lời tốt lành, ngoài ngàn dặm hưởng ứng. Thốt lời bất thiện, ngoài ngàn dặm chống đối). Lời nói và việc làm chính là then chốt của bậc quân tử, động thiên địa, cảm  quỷ  thần, há  có nên chẳng tôn kính, thận trọng ư?

3.3.1.1.2.2. Giáo chủ thuật thành (đấng giáo chủ kể lại những thành tựu của địa thần)

3.3.1.1.2.2.1. Tán đức (khen ngợi đức)

3.3.1.1.2.2.1.1. Trực tán thần lực (trực tiếp tán dương thần lực)

(Kinh) Phật cáo Kiên Lao địa thần: “Nhữ đại thần lực, chư thần thiểu cập”.

()佛告堅牢地神汝大神力諸神少及。

(Kinh: Đức Phật bảo Kiên Lao địa thần: “Thần lực to lớn của bà, các vị thần khác ít có ai bằng”).

“Đại thần lực” là những điều sẽ được nói trong phần sau. “Chư thần” là những người đồng loại [với địa thần], như khi Thiện Tài tham học với địa thần An Trụ, có trăm vạn địa thần, mỗi vị đều tỏa ra quang minh. Ý nói: Những vị thần như thế, hiếm có vị nào có thần lực sánh bằng bà ta!

3.3.1.1.2.2.1.2. Chuyển thích chủ vật (nói đến những vật do địa thần cai quản)

(Kinh) Hà dĩ cố? Diêm Phù thổ địa, tất mông nhữ hộ. Nãi chí thảo, mộc, sa, thạch, đạo, ma, trúc, vi, cốc, mễ, bảo bối, tùng địa nhi hữu, giai nhân nhữ lực.       

()何以故閻浮土地悉蒙汝護。乃至草木沙石稻麻竹葦穀米寶貝從地而有皆因汝力。

(Kinh: Vì sao vậy? Đất đai trong Diêm Phù Đều nhờ bà hộ trì. Cho đến cỏ cây, cát, đá, lúa, mè, tre, lau, gạo, thóc, bảo bối, đều từ đất mà có, đều do sức của bà).

Hai câu đầu là giải thích chung. Từ chữ “nãi chí” (cho đến) trở đi, giải thích từng điều riêng biệt. Trong hội Kim Quang Minh, địa thần tự nói:  

“Nhi thử đại địa, thâm thập lục vạn bát thiên do-tuần, tùng Kim Cang tế, chí hải địa thượng, tất đắc chúng vị, tăng trưởng cụ túc, phong nhưỡng phì nùng, quá ư kim nhật” (Nhưng đại địa này sâu mười sáu vạn tám ngàn do-tuần từ Kim Cang Tế[2] cho đến đất trên mặt biển, đều có được các thứ vị, tăng trưởng trọn đủ. Đất đai phì nhiêu, phong phú hơn hẳn ngày nay).

“Thảo, mộc” (cỏ cây): Sau khi thế giới mới thành lập, các hạt giống cỏ, cây, lúa, mè, tre, lau v.v… do đâu mà có? Theo kinh Trường A Hàm, có đại loạn phong từ thế giới Bất Bại thổi các hạt giống đến sanh trưởng trong thế gian này: Một là hạt cây có rễ, hai là hạt cây có củ, ba là hạt các loài cây có đốt, bốn là hạt cây có trái, năm là hạt của loại thực vật sanh ra hạt, tức là năm loại hạt. Cố nhiên là do oai lực của địa thần, mà cũng do nghiệp cảm của chúng sanh. Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt dạy: “Phục hữu thập nghiệp, năng linh chúng sanh đắc ngoại ác báo. Nhược hữu chúng sanh ư thập bất thiện nghiệp đa tu tập cố, cảm chư ngoại vật tất bất cụ túc” (Lại có mười nghiệp có thể khiến cho chúng sanh bị ác báo bên ngoài. Nếu có chúng sanh thường hay tu tập mười nghiệp chẳng lành, sẽ cảm các vật bên ngoài thảy đều chẳng đầy đủ). Nếu tu Thập Thiện nghiệp, sẽ tương phản với tình hình trên đây. Đấy là do chúng sanh ác nghiệp lừng lẫy, đến nỗi địa thần chẳng bảo vệ, muôn vật tổn giảm. Nếu tu đức nhiều, sẽ tăng thêm oai lực của địa thần, vạn vật tốt đẹp hơn.

Vì thế, địa thần nói: “Thị Kim Quang Minh, nhược quảng thuyết thời, ngã cập quyến thuộc sở đắc công đức, bội quá ư thường, tăng trưởng thân lực, tâm tấn, dũng nhuệ. Thế Tôn! Ngã phục cam lộ vô thượng pháp vị dĩ, Diêm Phù Đề địa phong nhưỡng bội thường. Như thử đại địa, chúng sanh sở y, tất năng tăng trưởng nhất thiết sở tu chi vật, linh chư chúng sanh tùy ý sở dụng, thọ ư khoái lạc” (Nếu lúc kinh Kim Quang Minh này được rộng nói, con và quyến thuộc sẽ đạt được công đức gấp bội lúc thường, tăng trưởng thân lực, tâm tinh tấn, dũng mãnh, nhạy bén. Bạch Thế Tôn! Con uống cam lộ pháp vị vô thượng xong, đất Diêm Phù Đề sẽ phì nhiêu gấp mấy lần bình thường. Đại địa như thế là chỗ nương tựa của chúng sanh, luôn có thể tăng trưởng hết thảy những vật cần thiết, khiến cho các chúng sanh tùy ý sử dụng, hưởng vui sướng”).

Do vậy, nay khen ngợi rằng: “Đất đai trong Diêm Phù, cho đến các thứ bảo bối, phàm những gì có từ đất đều do sức của bà mà ra”. “Bối” (貝, sò, ốc biển), là loài có vỏ cứng trong biển. Vật này có nhiều nếp xoắn cuộn, thể chất tự nhiên có đường vân. Lưng khum khum, tượng trưng cho trời thuộc Dương. Bụng nó phẳng, mở ra (miệng ốc), tức là đất thuộc Âm, giống như bò đi bằng bụng. Dân chúng thời cổ chất phác, dùng vỏ sò, ốc để đổi lấy rùa báu, cho nên chế thành chữ (tức “bảo bối”). Từ nguyên mẫu là vỏ sò, ốc, nhằm thuận tiện cho dân, đời sau mới bắt đầu đúc tiền. Tiền được lưu hành thì vỏ sò, ốc bị bỏ đi, quyền đúc tiền gom về vua chúa. Nhưng tiện lợi cho dân chúng sử dụng, đức ngay thẳng lại bị suy đồi; tạo tiền giấy để ép uổng dân[3], trọn chẳng thể thực hiện đuợc!

3.3.1.1.2.2.2. Thuật sự (trần thuật những chuyện lợi ích)

3.3.1.1.2.2.2.1. Thuật thành xưng dương lợi ích sự (trần thuật những thành tựu do xưng dương lợi ích của đức Địa Tạng)

(Kinh) Hựu thường xưng dương Địa Tạng Bồ Tát lợi ích chi sự, nhữ chi công đức, cập dĩ thần thông, bách thiên bội ư thường phần địa thần.

()又常稱揚地藏菩薩利益之事汝之功德及以神通百千倍於常分地神。

(Kinh: Lại thường xưng tụng, tán dương những chuyện lợi ích của Địa Tạng Bồ Tát, công đức và thần thông của bà gấp trăm ngàn lần những địa thần thông thường).   

“Xưng dương, tán thán” chính là môn thứ hai trong mười nguyện của đức Phật; bởi một niệm xưng dương, vạn đức tự trọn đủ. Vì thế, các Phật tử hễ đến pháp hội, vừa mới thấy, hoặc nghe đã lâu, đều tuyên dương phạm bái. Nay địa thần không chỉ có thể làm chủ mọi vật trong Diêm Phù Đề, lại còn tán dương những chuyện lợi ích của đức Địa Tạng, cho nên vị địa thần làm hộ pháp này có phước nghiệp và huệ nghiệp tự nhiên sâu rộng, công đức và thần thông cũng chẳng nghĩ bàn! So sánh với các vị địa thần khác, bà ta vượt xa vạn lần, vì lẽ nào? Ấy là do oai đức và thần thông chẳng thể nghĩ bàn của Đại Sĩ. Ví như cam lộ của chư thiên, bất luận sang, hèn, lớn, bé, nếu ai đã nếm, không ai  chẳng  trường sanh bất tử!

3.3.1.1.2.2.2.2. Thuật thành độc cúng ủng hộ sự (trần thuật thành tựu do việc đọc tụng, cúng dường, ủng hộ)

3.3.1.1.2.2.2.2.1. Nam nữ cúng tượng, độc kinh (nam nữ thờ phụng tượng, đọc kinh)

(Kinh) Nhược vị lai thế trung, hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, cúng dường Bồ Tát, cập chuyển độc thị kinh, đản y Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh, nhất sự tu hành giả.

()若未來世中有善男子善女人供養菩薩及轉讀是經但依地藏本願經一事修行者。

(Kinh: Nếu trong đời vị lai, có thiện nam tử, thiện nữ nhân, cúng dường Bồ Tát, và chuyển đọc kinh này, chỉ nương theo một chuyện được nói trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh để tu hành).

Trước hết, nói về nhân và pháp. Từ chữ “đản y” (chỉ nương theo) trở đi, chính là dạy hãy chuyên tu, tức là “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (chế ngự tâm tại một chỗ, không chuyện gì chẳng hoàn thành). Nị Địa (Nidhi) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Y (依), tức là nương dựa. Dựa theo công năng của kinh này để thoát lìa biển khổ! Kinh Niết Bàn nói Tứ Y[4], tức là ý chỉ “y kinh liễu nghĩa, chẳng y kinh bất liễu nghĩa”. Cổ nhân bảo: “Thiên dương chi bì, bất như nhất hồ chi dịch” (da của ngàn con dê chẳng bằng cái nách của một con cáo). Vì thế biết, các kinh khác chẳng sánh bằng kinh này! Do người thì có thể nghĩ bàn và chẳng thể nghĩ bàn, kinh thì có khai hiển và chưa khai hiển. Nay chuyên đọc kinh khai hiển chẳng thể nghĩ bàn, tội nhanh chóng tiêu trừ, mà công cũng mau thành, cần gì phải cầu nhiều, tạp loạn tâm chí! Đấy tức là hạnh hữu tướng an lạc của ngài Nam Nhạc [Huệ Tư] vậy. Nói “tu hành” tức là “tu hành đúng như lời dạy”. Nếu nghe mà chẳng hành, sẽ như “kể chuyện ăn, đếm của báu”, sao khỏi đói, nghèo? Ngạn ngữ nói: “Thuyết đắc nhất trượng, bất như hành đắc nhất thốn” (Nói một trượng, chẳng bẳng làm được một tấc); đấy chính là lời răn dạy chân thật dành cho cõi đời vậy!

3.3.1.1.2.2.2.2.2. Ủng hộ trừ tai chứng quả (ủng hộ [hành giả] trừ tai ương, chứng quả)

3.3.1.1.2.2.2.2.2.1. Địa thần ủng hộ trừ tai (địa thần ủng hộ trừ tai chướng)

(Kinh) Nhữ dĩ bổn thần lực nhi ủng hộ chi, vật linh nhất thiết tai hại, cập bất như ý sự, triếp văn ư nhĩ, hà huống linh thọ.

()汝以本神力而擁護之勿令一切災害及不如意事輒聞於耳何況令受。

 (Kinh: Bà hãy dùng thần lực của chính mình để ủng hộ, đừng để cho hết thảy các tai hại, và chuyện chẳng như ý lọt vào tai kẻ đó, huống hồ là phải hứng chịu).

[Đức Phật] sắc truyền địa thần ủng hộ là vì lòng tin tốt lành ấy nếu Phật còn đang tại thế, sẽ đáng gọi là [địa vị] Tứ Tín. Nay sau khi đức Phật diệt độ, có thể coi là Ngũ Phẩm, bởi đọc kinh chính là phẩm thứ hai, cúng dường chính là phẩm thứ tư, tức Kiêm Hành Lục Độ Phẩm. Khởi đầu do một niệm tín giải cho đến khi thâm tín đã quán thành. Hãy nên biết Ngũ Phẩm Quán Hạnh giống như Phật, cho nên [đức Phật] dạy [địa thần] hãy ủng hộ.

“Bổn thần lực”: Xét theo Sự, [địa thần] chủ quản đất đai là Bổn. Xét theo pháp, Tứ Đức (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh) là Bổn. Do vì cái Bổn như thế, thần lực bội phần vượt hơn những vị ủng hộ khác. Như trong kinh Kim Quang Minh, Kiên Lao bạch cùng đức Phật rằng: “Thuyết pháp tỳ-kheo tọa pháp tòa thời, ngã thường trú dạ vệ hộ bất ly, ẩn tế kỳ hình, tại pháp tòa hạ, đảnh đới kỳ túc. Nhất thiết tai hại đẳng, sở vị ngã đẳng chư vương, cập chư quỷ thần, ký xả ly dĩ, kỳ quốc đương hữu chủng chủng tai dị, tuệ tinh hiện quái, lưu tinh băng lạc, ngũ tinh thất độ, lưỡng nhật tịnh hiện, nhật nguyệt bạc thực, ác hồng sổ hiện, đại địa chấn động, bạo phong, ác vũ. Thử tai ký khởi, xâm hại nhân dân, cố vân tai hại” (Khi vị tỳ-kheo thuyết pháp ngồi nơi pháp tòa, con thường ngày đêm hộ vệ chẳng lìa, ẩn giấu thân hình, ở dưới pháp tòa, đầu đội chân người ấy. “Hết thảy các tai hại” như là các vua và các quỷ thần chúng con đã lìa bỏ thì nước ấy sẽ có các thứ tai họa khác lạ: Sao chổi biến hiện quái dị, sao băng rơi rụng, ngũ tinh không vận hành đúng mực, hai mặt trời cùng hiện ra, nhật thực, nguyệt thực, cầu vồng xấu nhiều lần hiện ra, đại địa chấn động, gió lốc, mưa  cuồng. Các  tai  nạn  ấy  đã  dấy lên, xâm hại nhân dân, cho nên nói là “tai hại”).

Lại nói: “Cốc mễ dũng quý, cơ cẩn đống ngạ, oán tặc xâm lược, nhân dân đa khổ, kỳ địa vô hữu khả ái nhạo xứ. Thử bất như ý sự dã” (Gạo thóc đắt đỏ tăng vọt, đói kém, rét lạnh, oán tặc xâm lược, nhân dân chịu nhiều nỗi khổ, cõi đất ấy không có nơi nào đáng yêu mến. Đấy là những chuyện chẳng như ý). Nay đã thờ phụng tượng, đọc kinh, chỉ nên nương theo bổn nguyện [của Địa Tạng Bồ Tát] để tu hành, những thứ tai hại và chuyện chẳng như ý ấy còn chẳng lọt vào tai, huống hồ là mắt thấy, thân hứng chịu ư?

3.3.1.1.2.2.2.2.2.2. Chư thiên ủng hộ chứng lạc (chư thiên ủng hộ, chứng yên vui)

3.3.1.1.2.2.2.2.2.2.1. Thị ủng hộ nhân (chỉ ra người ủng hộ)

(Kinh) Phi đản nhữ độc hộ thị nhân cố, diệc hữu Thích Phạm quyến thuộc, chư thiên quyến thuộc, ủng hộ thị nhân.

()非但汝獨護是人故亦有釋梵眷屬諸天眷屬擁護是人

(Kinh: Không chỉ có mình bà ủng hộ người ấy, mà còn có quyến thuộc của Đế Thích, Phạm Vương, và quyến thuộc của chư thiên ủng hộ người ấy).

Câu đầu tiên ý nói: Không chỉ riêng mình Kiên Lao địa thần ủng hộ. Nếu có ai thật sự tu hành như vừa nói trên đây, cũng có Phạm Vương, Đế Thích, chư thiên quyến thuộc đều tới ủng hộ. Như tứ thiên vương bạch với đức Phật rằng: “Thị nhân nhược đắc văn thị kinh điển, năng đắc vị lai, hiện tại chủng chủng vô lượng công đức, ngã đương ẩn tế, bất hiện kỳ thân. Vị thính pháp cố, đương chí sở chỉ giảng pháp chi xứ. Đại Phạm thiên vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Đại Biện Thiên Thần, Công Đức Tôn Thiên, Tán Chi quỷ thần, đại tướng quân đẳng, nhị thập bát bộ quỷ thần đại tướng, Ma Hê Thủ La, Ma Ni Bạt Đà quỷ thần đại tướng, Quỷ Mẫu, cập ngũ bách quỷ tử, vô lượng bách thiên vạn ức na-do-tha quỷ thần chư thiên, như thị đẳng chúng, vị thính pháp cố, tất tự ẩn tế, bất hiện kỳ thân, chí thị nhân sở chỉ giảng pháp chi xứ” (Người ấy nếu được nghe kinh điển này, sẽ có thể đạt được vô lượng công đức trong hiện tại và vị lai. Chúng con sẽ ẩn giấu, chẳng hiện thân mình, vì nghe pháp mà sẽ đến chỗ giảng pháp. Đại Phạm thiên vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Đại Biện Thiên Thần[5], Công Đức Tôn Thiên[6], Tán Chi quỷ thần, đại tướng quân v.v… các đại tướng thuộc hai mươi tám bộ quỷ thần[7], Ma Hê Thủ La, Ma Ni Bạt Đà[8] quỷ thần đại tướng, Quỷ Tử Mẫu và năm trăm quỷ con, vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha quỷ thần, chư thiên, đại chúng như thế, vì nghe pháp đều tự ẩn mình, chẳng hiện thân hình, đến chỗ giảng pháp). Các kinh viên mãn như Kim Quang Minh, Phương Đẳng v.v… đều được trời, rồng, thần, quỷ ủng hộ như thế đó. Huống hồ đối với kinh điển khai hiển tối thượng này thì sức ủng hộ của Phạm Vương, Đế Thích há có thể diễn tả nổi ư?

3.3.1.1.2.2.2.2.2.2.2. Thích ủng hộ ý (giải thích ý nghĩa vì sao ủng hộ)

(Kinh) Hà cố đắc như thị thánh hiền ủng hộ? Giai do chiêm lễ Địa Tạng hình tượng, cập chuyển độc thị Bổn Nguyện kinh cố, tự nhiên tất cánh xuất ly khổ hải, chứng Niết Bàn lạc. Dĩ thị chi cố, đắc đại ủng hộ.

()何故得如是聖賢擁護皆由瞻禮地藏形像及轉讀是本願經故自然畢竟出離苦海證涅槃樂。以是之故得大擁護。

(Kinh: Vì sao được thánh hiền ủng hộ như thế? Đều do chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng đức Địa Tạng và chuyển đọc kinh Bổn Nguyện này, tự nhiên được rốt ráo thoát lìa biển khổ, chứng niềm vui Niết Bàn. Do bởi lẽ ấy, được ủng hộ to lớn).

Câu đầu tiên là gạn hỏi. “Thánh” có nghĩa là chân chánh, “hiền” là tốt lành, ngay thẳng. Thêm nữa, vị chủ yếu thì gọi là Thánh, quyến thuộc [của vị chủ ấy] gọi là Hiền, do bậc chánh trực là thiên hay thần. Từ “giai do” (đều do) trở đi là phần giải thích. Trong phần giải thích, có ba ý:

1) Hai câu đầu là phần giải thích chánh yếu.

2) Hai câu kể từ chữ “tự nhiên” trở đi, nêu ra lợi ích sẽ đạt được. Nói đến “khổ hải” (biển khổ) thì theo kinh Trường A Hàm, nước trong bốn đại hải “hàm khổ” (鹹苦, mặn chát) do ba nhân duyên:

a. Một là tự nhiên có mây phủ đầy khắp hư không cho đến tận trời Quang Âm, thảy đều tuôn mưa trọn khắp, gột rửa cung trời, gột sạch thiên hạ. Từ cung trời Phạm Ca Di (Brahma-kāyika) cho đến tám vạn các núi dưới gầm trời, núi chúa Tu Di, thảy đều được gột rửa. Những thứ mặn chát nhơ ác trong đó, các thứ dịch bất tịnh đều tuôn chảy xuống biển, hợp thành một vị.

b. Hai là xưa kia có đại tiên nhân cấm chú nước biển, khiến cho nó luôn mặn chát, con người không uống được.

c. Ba là đủ loại chúng sanh khác nhau sống trong ấy. Thân thể của chúng to lớn, hoặc một trăm do-tuần cho đến bảy trăm do-tuần, hô hấp, phun ra, hít vào, đại tiểu tiện trong đó, cho nên nước biển mặn chát.

Nay nói tới “nghiệp hải” khổ sở muôn mối. Đã do lễ bái, đọc tụng, sẽ thoát ly chẳng khó. Nói “tự nhiên”, tức là chẳng miễn cưỡng. Nói “tất cánh” (rốt ráo) tức là rốt cuộc chẳng hư dối. Do vậy, hành giả hãy nên chí tâm. Nếu chí tâm, sẽ đạt được điều mong cầu, thoát khổ, chứng vui. Đấy chính là tâm ý phó chúc trên cung trời của đấng giáo chủ, mà cũng là ý niệm hóa độ mọi người trong u đồ của đức Địa Tạng. Điều thiết yếu là hạnh chuyên ròng. Nhân quả chẳng sai chạy, dẫu chừng mbằng lông tóc!

***

3) Hai câu từ chữ “thị dĩ” (do vậy) trở đi, nhằm tổng kết ý nghĩa ủng hộ, lời văn dễ hiểu.

[1] Ngũ Tinh là năm ngôi sao chính tương ứng với Ngũ Hành, tức Thủy Tinh, Kim Tinh, Hỏa Tinh, Mộc Tinh, và Thổ Tinh, thường được biết đến dưới các danh xưng Thần Tinh, Thái Bạch, Huỳnh Hoặc, Tuế Tinh, và Trấn Tinh.

[2] Kim Cang Tế: Theo luận Câu Xá, thế giới được hình thành dựa trên ngũ luân, lớp dưới cùng là hư không luân, trên đó là phong luân, rồi đến thủy luân. Trên thủy luân là kim cang luân, tức kim cang tế, là nền tảng của đại địa.

[3] Đây là nói về thời cổ, khi triều đình phát hành tiền giấy, do chất liệu kém, dễ bị giả mạo, lại in tùy tiện không có quý kim để bảo chứng giá trị, cho nên đồng tiền giấy nhiều khi hoàn toàn vô giá trị, gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống của nhân dân.

[4] Tứ Y (Catvāri Pratisaranāni) là: Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, và y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.

[5] Đại Biện Thiên Thần chính là Biện Tài Thiên Nữ (Sarasvatī), còn gọi là Diệu Âm Thiên Nữ, hay Mỹ Âm Thiên. Vị thiên nữ này có công năng tăng trưởng trí huệ và phước đức, có biện tài lưu loát nhất. Bà được coi là một trong mười tám vị tôn thần chủ trì tài bảo trong Tạng Truyền Phật giáo, và là một trong bảy vị phước thần của Phật giáo Nhật Bản. Bà thường được tạc tượng có hình nữ Bồ Tát, tám tay, trong đó sáu tay cầm pháp khí lần lượt là hỏa luân, kiếm, cung, mũi tên, búa, dây thừng. Hai tay còn lại chắp trước ngực.

[6] Công Đức Tôn Thiên (Mahāśrī, Sridevi), còn gọi là Cát Tường Thiên Nữ, hoặc Bảo Tạng Thiên Nữ. Có thuyết nói bà là con gái của long vương Đức Xoa Ca (Takṣaka, Đa Thiệt, Thị Độc) và Quỷ Tử Mẫu, và là vợ của Tỳ Sa Môn thiên vương. Trong kinh Niết Bàn có nói Công Đức Thiên có một người em gái là Hắc Ám Thiên. Hai chị em luôn đi chung với nhau, chưa hề tách rời. Công Đức Thiên đem lại tốt lành, may mắn, tài sản, danh vọng cho mọi người, còn Hắc Ám Thiên đem lại suy hao, tai nạn, chết chóc, tiếng xấu… Do đó, người trí chẳng tham trước tài sản, vật chất thế gian, vì biết những điều ấy luôn chứa đựng suy hao, tai nạn… Công Đức Tôn Thiên đặc biệt được tôn sùng trong Tạng Truyền Phật giáo và được coi là thần bảo hộ riêng của Đại Lai Lạt Ma.

[7] Hai mươi tám bộ quỷ thần tức là các vị quỷ thần trong bốn phương chính, phương trên và dưới (mỗi phương có bốn bộ) và bốn phương bàng (mỗi phương có một bộ), cộng thành hai mươi tám bộ. Có người cho rằng hai mươi tám vị quỷ thần đại tướng chính là hai mươi tám vị quỷ thần được nói trong kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đà La Ni khi Quán Thế Âm Bồ Tát nói kệ sắc truyền các vị quỷ thần đại tướng ủng hộ người thọ trì chú Đại Bi, tức là Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, Ô Sô Quân Trà Uyên Câu Thi, Ma Hê Na La Diên, Kim Cang La Đà Ca Tỳ La…

[8] Ma Ni Bạt Đà (Maṇibhadra) là một trong tám vị đại tướng Dạ Xoa, dịch nghĩa là Bảo Hiền, hoặc Mãn Hiền, là thuộc hạ của Tỳ Sa Môn thiên vương (Đa Văn thiên vương). Tám vị đại tướng Dạ Xoa là Bảo Hiền Dạ Xoa (tức Ma Ni Bạt Đà), Mãn Nguyện Dạ Xoa (Bố Rô Na Bạt Đả La, Pūrnabhadra), Tán Chi Dạ Xoa (Bán Chỉ Ca, Pāñcika), Chúng Đức Dạ Xoa (Sa Đa Kỳ Lý, Śatagiri), Ứng Niệm Dạ Xoa (Hê Ma Phạ Đa, Himavanta), Đại Mãn Dạ Xoa (Tỳ Sái Ca, Viśakha), Vô Tỷ Lực Dạ Xoa (A Trá Phạ Ca, Ātavaka), và Mật Nghiêm Dạ Xoa (Bán Giá La, Pañcala). Các vị này đều là hộ pháp thần.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ