ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.3. Lưu thông phần
3.3.1. Biệt lưu thông (các phần lưu thông chuyên biệt)
3.3.1.1. Địa thần hộ pháp lưu thông
“Lưu” (流) là tuôn chảy. “Thông” (通) là chẳng bị ngưng trệ. [Lưu thông là] muốn cho nước chánh pháp từ hiện thời chảy đến mai sau, [ngõ hầu] khuôn phép để lãnh hội thánh giáo chẳng bị úng tắc trong đời sau. Bởi lẽ, đức Như Lai thuyết pháp chỉ lợi ích cho các căn cơ đang hiện diện, ắt phải nhờ vào kết tập, lưu truyền, khiến cho quần sanh [trong đời mai sau] nắm được khuôn phép tu hành như chính tai nghe, mắt thấy, chứng quả chẳng sót. Do lòng Từ của đức Phật nồng hậu trong cõi đời hiện tại, xót thương đến tận những kiếp mai sau, cho nên cần phải lưu thông. Nay trước hết bàn về chuyện hộ pháp lưu thông.
3.3.1.1.1. Phẩm đề (tựa đề của phẩm này)
(Kinh) Địa thần hộ pháp, phẩm đệ thập nhất.
(經)地神護法,品第十一。
(Kinh: Phẩm thứ mười một: Địa thần hộ pháp).
3.3.1.1.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)
3.3.1.1.2.1. Kiên Lao thán đức (Kiên Lao tán thán công đức)
3.3.1.1.2.1.1. Thông minh tích ngộ (nói tổng quát về những vị đại Bồ Tát mà chính mình đã được gặp gỡ xưa kia)
(Kinh) Nhĩ thời, Kiên Lao địa thần bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Ngã tùng tích lai, chiêm thị đảnh lễ vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát, giai thị đại bất khả tư nghị thần thông, trí huệ, quảng độ chúng sanh.
(經)爾時,堅牢地神白佛言:世尊!我從昔來,瞻視頂禮無量菩薩摩訶薩,皆是大不可思議神通智慧,廣度眾生。
(Kinh: Lúc bấy giờ, Kiên Lao địa thần bạch cùng đức Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Con từ xưa tới nay đã chiêm ngưỡng, đảnh lễ vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát, đều là những bậc thần thông và trí huệ to lớn chẳng thể nghĩ bàn, rộng độ chúng sanh).
“Nhĩ thời” (lúc bấy giờ) là lúc vừa nói xong bốn chương. Từ ngữ Niết Rị Sừ (涅哩鋤, Drdhā-prthivī-devatā) trong tiếng Phạn, cõi này dịch là Kiên Lao, có hai nghĩa:
– Xét theo Sự, tức là xét theo phương diện “có năng lực chuyên chở, phát sanh, làm cho đất đai phì nhiêu, nuôi nấng muôn dân, khiến cho muôn loài được an định”.
– Xét theo pháp, do pháp môn Trí Độ thường hằng chẳng biến đổi; đó là Thường. Có thể chuyên chở núi sông, đó là Lạc. Có thể sanh ra muôn vật, đó là Tịnh. Sức đất tự tại, đó là Ngã. Có đủ bốn đức ấy, nên gọi là Thần (thiên sách Vũ Cống[1] viết: “Để tích giả giai địa nhĩ” (Vùng Để Tích toàn là đất), tức là nói đến vùng đất thấp (Để Tích) ở Đàm Hoài).
Do có đủ hai ý nghĩa Sự và Pháp, cho nên có tên là Kiên Lao địa thần.
Hỏi: Địa thần là nam hay nữ?
Đáp: Là nữ. Trong quyển hai mươi của kinh Trường A Hàm, đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Hữu tứ đại thiên thần, nhất, địa thần, nhị, thủy thần, tam, phong thần, tứ, hỏa thần. Tích giả, địa thần ác kiến, ngôn ‘địa trung vô thủy, hỏa, phong’. Phật ngôn: ‘Địa trung hữu thủy, hỏa, phong, đản địa đại đa cố, địa đại đắc danh’. Thứ đệ thuyết pháp, địa thần hoan hỷ. Phật vị thuyết Tứ Đế, địa thần tức viễn trần, ly cấu, đắc pháp nhãn tịnh, bạch ngôn: ‘Ngã kim quy y Phật, Pháp, Tăng, tận hình thọ bất sát, nãi chí bất ẩm tửu, thính ngã ư chánh pháp trung vi ưu-bà-di’. Thủy, hỏa, phong thần diệc nhiên” (Có bốn đại thiên thần, một là thần đất, hai là thần nước, ba là thần gió, bốn là thần lửa. Xưa kia, thần đất ác kiến, nói “trong đất chẳng có nước, lửa, gió”. Đức Phật dạy: “Trong nước có nước, lửa, gió, chỉ vì địa đại nhiều, nên địa đại được xếp đứng đầu”. Đức Phật theo thứ tự nói pháp, thần đất hoan hỷ. Đức Phật vì vị thần ấy nói Tứ Đế. Thần đất bèn xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, bạch rằng: “Con nay quy y Phật, Pháp, Tăng, cho đến hết thọ mạng chẳng giết, cho đến chẳng uống rượu, xin cho con làm ưu-bà-di trong chánh pháp”. Các thần nước, lửa, gió cũng thế). Do vậy, biết [địa thần] là nữ thần. Trong phần giải thích tựa đề, đã đem Khôn là mẹ phối ứng với vua trời là Càn, tức là cha, chẳng phải là nói đoán mò đâu nhé!
“Bạch Phật”, ý nói: “Hoằng dương kinh Phật, ắt phải cậy vào đất; để chuyển pháp, phải nhờ đến cái ăn. Đất cố nhiên do con (Kiên Lao địa thần) làm chủ, thức ăn cũng do con sanh ra. Nếu con chẳng hộ trì, dùng điều gì để lưu thông vậy thay?” Do đó, đối trước đại hội trên cung trời, trong số vô lượng địa thần, vị này quả quyết đảm nhiệm trọng trách hộ pháp. Vì vậy, Ngài bước ra khỏi chỗ ngồi để thưa trình. Trước hết, Ngài nói “ngã tùng tích lai” (con từ xưa tới nay), nêu rõ: “Con đã phát tâm, chẳng phải là trong một sáng, một chiều”.
“Chiêm thị đảnh lễ” (chiêm ngưỡng, đảnh lễ): Nêu rõ Ngài đã gặp nhiều bậc thánh, [các vị ấy] đều chẳng phải là hạng vặt vãnh. “Đại bất khả tư nghị” (to lớn chẳng thể nghĩ bàn): Ca ngợi sự tốt đẹp về thần thông, trí huệ [của các vị thánh ấy]. Thần thông và trí huệ chính là phương tiện để độ sanh, tức là tam mật diệu luân. Như đại tướng Tán Chi[2] nói: “Ngã hiện kiến bất khả tư nghị trí cảnh” (nay ta thấy cảnh trí huệ chẳng thể nghĩ bàn). Kim Quang Minh Kinh Sớ viết: “Nếu cảnh mà có thể dùng trí để biết, có thể dùng miệng để diễn tả, cảnh sẽ chẳng phải là bí mật. Chẳng thể dùng trí để biết, chẳng thể dùng thức để nhận biết, chẳng thể gọi tên, chẳng thể nói, thì gọi là cảnh bí mật chẳng thể nghĩ bàn!” Nay các vị Bồ Tát đều dùng Tam Mật (thân mật, ngữ mật, ý mật) để rộng độ chúng sanh, cho nên đều là thần thông và trí huệ to lớn chẳng thể nghĩ bàn!
3.3.1.1.2.1.2. Biệt tán kim văn (riêng tán thán vị được nghe nói trong hiện thời)
3.3.1.1.2.1.2.1. Tán Địa Tạng đức (tán dương công đức của ngài Địa Tạng)
3.3.1.1.2.1.2.1.1. Thán thệ nguyện thâm trọng (tán thán thệ nguyện sâu nặng)
(Kinh) Thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư chư Bồ Tát, thệ nguyện thâm trọng. Thế Tôn! Thị Địa Tạng Bồ Tát ư Diêm Phù Đề hữu đại nhân duyên.
(經)是地藏菩薩摩訶薩,於諸菩薩,誓願深重。世尊!是地藏菩薩於閻浮提有大因緣。
(Kinh: Trong các vị Bồ Tát, vị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát này thệ nguyện sâu nặng. Bạch Thế Tôn! Vị Địa Tạng Bồ Tát này có đại nhân duyên với Diêm Phù Đề).
Nêu chung thệ nguyện của đức Địa Tạng, Ngài đặc biệt hữu duyên với Diêm Phù. [Những điều này đều được nói rõ] trong đoạn kinh văn kế tiếp.
3.3.1.1.2.1.2.1.2. Cử Đại Sĩ lệ hiển (nêu ra một vài vị Đại Sĩ để chỉ rõ)
(Kinh) Như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc, diệc hóa bách thiên thân hình, độ ư lục đạo, kỳ nguyện thượng hữu tất cánh.
(經)如文殊,普賢,觀音,彌勒,亦化百千身形,度於六道,其願尚有畢竟。
(Kinh: Như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc cũng hóa hiện trăm ngàn thân hình độ thoát lục đạo, nguyện của các vị ấy còn có lúc hoàn mãn).
Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc như đã giải thích trong các phần trước. Quán Âm sẽ được giải thích trong phần sau. Theo kinh Thập Luân, ngoại trừ Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm v.v… các vị đại Bồ Tát đều chẳng sánh bằng ngài Địa Tạng. Nay địa thần còn nói các vị như Văn Thù v.v… vẫn thua kém một bậc, chẳng phải là nói “công đức có hơn, kém”, mà là do thệ nguyện có hoàn mãn hay không!
“Diệc hóa” (cũng hóa hiện): Như Đại Luận viết: “Mỗi lỗ chân lông của Biến Cát Bồ Tát thường hiện ra các thế giới Phật và chư Phật, Bồ Tát trọn khắp mười phương để hóa độ chúng sanh”. Ngài Văn Thù phân thân biến hóa vào trong năm đường, hoặc làm Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc hiện thân Phật. Như kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội có nói: Ngài Văn Thù trong quá khứ là Long Chủng Tôn Phật (Nagesvara-raja). Bảy mươi hai ức đời làm Bích Chi Ca Phật (Bích Chi Phật, Pratyekabuddha).
Trong kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn, đức Phật bảo ngài Bạt Đà La: “Thử Văn Thù Sư Lợi hữu đại từ bi, sanh ư thử quốc Đa La tụ lạc, Phạm Đức Bà-la-môn gia. Sanh thời, trạch hóa liên hoa. Tùng mẫu hữu hiếp xuất, thân tử kim sắc, đọa địa năng ngữ, bảo cái tùy phú. Ư Phật sở xuất gia, trụ Thủ Lăng Nghiêm Định. Phật Niết Bàn hậu, tứ bách ngũ thập tuế, đương chí Tuyết Sơn, vị ngũ bách tiên nhân, tuyên dương thập nhị bộ kinh, hóa linh trụ Bất Thoái dĩ, chí Bổn Sanh không dã trạch, Ni Câu Lâu Đà thụ hạ, nhập Thủ Lăng Nghiêm tam-muội, mao khổng xuất kim sắc quang, biến chiếu thập phương thế giới, độ hữu duyên giả. Thân như tử kim sơn, chánh trường trượng lục, viên quang nghiêm hiển, diện các nhất tầm. Viên quang nội, ngũ bách hóa Phật. Nhất nhất hóa Phật, hữu ngũ Bồ Tát, dĩ vi thị giả. Thị Văn Thù Sư Lợi, hữu vô lượng thần thông biến hiện, bất khả cụ thuyết” (Ông Văn Thù Sư Lợi có tâm đại từ bi, sanh trong nhà Bà-la-môn Phạm Đức thuộc thôn làng Đa La của nước này. Khi ông ta sanh ra, nhà hóa sanh hoa sen. Từ hông phải của mẹ xuất sanh, thân sắc tử kim. Vừa rơi xuống đất, đã biết nói, lọng báu theo che phủ. Ông xuất gia nơi Phật, trụ trong Thủ Lăng Nghiêm Định. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn bốn trăm năm mươi năm, ông ta sẽ tới Tuyết Sơn, vì năm trăm tiên nhân tuyên dương mười hai bộ kinh, hóa độ họ trụ Bất Thoái xong, bèn tới vùng đầm nước nơi đồng trống Bổn Sanh, ở dưới cội Ni Câu Lâu Đà, nhập Thủ Lăng Nghiêm tam-muội. Lỗ chân lông tỏa quang minh kim sắc, chiếu trọn khắp mười phương thế giới, độ kẻ hữu duyên. Thân như núi vàng tía, cao đúng một trượng sáu thước. Viên quang trang nghiêm, rõ rệt, chiếu mỗi phía xa một tầm. Trong viên quang, có năm trăm hóa Phật. Mỗi vị hóa Phật, có năm vị hóa Bồ Tát làm thị giả. Ông Văn Thù Sư Lợi này có vô lượng thần thông biến hiện, chẳng thể nói trọn).
Lại nữa, sư Biện Thông từ Ngũ Đài lên kinh đô, có vị lão tăng nhờ tìm Bột Hà ở phía Bắc kinh thành để đưa giùm thư. Sư tới bên sông Quảng Từ, nghe trẻ nhỏ gọi [một con lợn] là Bột Hà, bèn đưa thư cho nó. Lợn vội ăn ngay, bỗng đứng thẳng như người mà thác. Mới biết vị lão tăng chính là Văn Thù, còn Bột Hà chính là Phổ Hiền. Gã đồ tể họ Triệu đã nuôi con lợn ấy mười lăm năm. Do nó chỉ ăn cây bột hà (bạc hà), nên gọi tên như vậy. Hàn Sơn, Thập Đắc cũng [do hai vị Bồ Tát này hóa hiện] tương tự như vậy.
Quán Âm thì như phẩm Phổ Môn đã nói ba mươi hai ứng thân, và các truyện ký ghi chép càng nhiều. Di Lặc [hóa thân] thì như Phó Đại Sĩ, Bố Đại tăng v.v… Đó là nói theo chuyện gần đây, kinh Huệ Thượng Bồ Tát chép: “Tích Câu Lâu Tần Phật thời, hữu tỳ-kheo danh Vô Cấu, nhàn cư sơn quật, cận hữu ngũ thần tiên. Hữu nhất nữ nhân, ngộ vũ nhập quật, vũ tình xuất khứ. Ngũ tiên kiến chi, các ngôn bỉ tỳ-kheo gian uế. Vô Cấu văn chi, tức dũng thân hư không, ngũ tiên đầu địa phục tội, tức thị Từ Thị” (Xưa kia, vào thời Câu Lâu Tần Phật (Câu Lưu Tôn Phật), có một tỳ-kheo tên là Vô Cấu, ẩn cư trong hang núi. Gần đó, có năm vị thần tiên. Có một nữ nhân gặp mưa, bèn lánh vào hang; mưa tạnh liền đi ra. Năm vị tiên trông thấy, đều nói tỳ-kheo ấy gian dâm, bẩn thỉu. Vô Cấu nghe nói, liền tung mình lên hư không, năm vị tiên gieo mình xuống đất chịu tội. Đấy chính là ngài Từ Thị). Do các vị Đại Sĩ ứng hiện chẳng có ngằn mé, cho nên nói tổng quát là “diệc hóa bách thiên thân hình” (cũng hóa hiện trăm ngàn thân hình). Nhưng các nguyện niệm ấy đều có lúc cùng tận, chẳng phải là không hoàn mãn!
3.3.1.1.2.1.2.1.3. Hiển giáo hóa nan lượng (chỉ rõ Bồ Tát giáo hóa khó lường)
(Kinh) Thị Địa Tạng Bồ Tát, giáo hóa lục đạo nhất thiết chúng sanh, sở phát thệ nguyện kiếp số như thiên bách ức Hằng hà sa.
(經)是地藏菩薩,教化六道一切眾生,所發誓願劫數,如千百億恆河沙。
(Kinh: Vị Địa Tạng Bồ Tát này giáo hóa hết thảy chúng sanh trong sáu đường, đã phát ra thệ nguyện trong số kiếp nhiều như số cát trong trăm ngàn sông Hằng).
Như đã giải thích trong các phần trước.
3.3.1.1.2.1.2.2. Hộ cúng dường nhân (hộ trì người cúng dường)
3.3.1.1.2.1.2.2.1. Tố tượng, cúng tán đắc lợi ích (đắp tượng, cúng dường, tán thán, sẽ đạt được lợi ích)
3.3.1.1.2.1.2.2.1.1. Tu nhân
(Kinh) Thế Tôn! Ngã quán vị lai cập hiện tại chúng sanh, ư sở trụ xứ, ư Nam phương thanh khiết chi địa, dĩ thổ, thạch, trúc, mộc, tác kỳ khám thất. Thị trung năng tố, họa, nãi chí kim, ngân, đồng, thiết, tác Địa Tạng hình tượng, thiêu hương, cúng dường, chiêm lễ, tán thán.
(經)世尊!我觀未來及現在眾生,於所住處,於南方清潔之地,以土石竹木‧作其龕室。是中能塑畫,乃至金銀銅鐵,作地藏形像,燒香供養,瞻禮讚歎。
(Kinh: Bạch Thế Tôn! Con thấy chúng sanh trong vị lai và hiện tại, tại chỗ họ ở, nơi cuộc đất thanh khiết ở phương Nam, dùng đất, đá, tre, gỗ, làm thành cái khám thờ. Trong ấy có thể đắp, vẽ, cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt, tạo hình tượng Địa Tạng, thắp hương, cúng dường, chiêm lễ, tán thán).
Chân trí không ngằn mé, chẳng hạn cuộc Đông, Tây, Nam, Bắc; Pháp Thân không có hình tượng, há phải cậy vào đồng, sắt, vàng, bạc? Nhưng đất chính là chỗ để thờ tượng, tượng là cửa ngõ để khởi lòng cung kính. Do thuận theo cơ nghi thế tục, chẳng hoại giả danh để luận đàm Thật Tướng. Pháp để xiển dương Tánh, ắt nhờ vào giả tướng để ngộ chân dung (dung mạo thật sự). Vì thế, nương theo nơi chốn để tạo hình tướng. Nhưng nói “ư sở trụ xứ” (tại chỗ họ ở) cũng là địa thần nói theo phương diện hình tích. Nếu luận theo Bổn, há có nơi nào để luận? Tứ Trí chẳng thể biện định đầu mối này, Ngũ Nhãn sao có thể thấy chỗ sâu thẳm ấy? Như trong kinh Thập Luân, Hảo Nghi Vấn Bồ Tát bạch cùng đức Phật rằng: “Thử thiện nam tử tùng hà nhi lai? Sở cư Phật quốc khứ thử viễn cận?” (Vị thiện nam tử này từ đâu mà đến? Ở trong cõi Phật cách đây gần hay xa?) Đức Phật dạy: “Như thị Đại Sĩ, tùy sở chỉ trụ, chư Phật quốc độ, tùy sở an trụ, chư tam-ma-địa” (vị Đại Sĩ như thế tùy ý cư trụ trong các cõi Phật, tùy ý an trụ trong các chánh định). Theo đó, há Ngài hạn cuộc trong một phương, một chỗ ư?
Nay nói làm cái thất ở phương Nam, xét theo kinh Khởi Thế, sẽ là phía Nam của châu Diêm Phù, ở ngoài hai núi Thiết Vi, có trụ xứ của cung điện vua Diêm Ma. Ngài Địa Tạng đặc biệt hiện thân trong địa ngục, làm U Minh giáo chủ; do vậy, thuận theo chỗ Ngài hiện thân mà làm cái thất ở phía Nam. Đấy chính là ý nghĩa trong pháp hội Đại Tập, Ngài đã hiện mưa hương, mây hoa từ thế giới phương Nam đến dự. Đấy là vì coi Ngọ là Trung Đạo, quẻ Ly ở phía Nam là chánh, là mặt trời, là sáng rực. Do quẻ Ly rỗng rang ở giữa[3], cho nên sáng ngời, giống như “do các pháp là Không”, cho nên mặt trời trí huệ rạng ngời nơi Dương, chiếu trọn khắp thiên hạ. Vì thế, xét theo nơi chốn thuộc về Tích mà tạo tác cái thất thờ tượng, chính là vì muốn cho ai nấy đều thoát khỏi con đường tối tăm đầy hầm bẫy, thăng lên cuộc đất thuộc về Dương, nơi quẻ Ly sáng ngời. Bởi lẽ, Âm chủ tử, mà Dương chủ sanh vậy.
“Thanh khiết chi địa” (cuộc đất thanh khiết): Theo cách tạo đàn tràng trong Mật Bộ, ắt cần phải đào bỏ đất dơ, thay bằng đất sạch. Phải làm đàn tràng ở chỗ rừng sâu thanh vắng, hoặc chỗ đất sạch bên sông, thì mới gọi là “đúng pháp”. Vì thế, nay cũng nói “ư thanh khiết địa” (ở chỗ đất thanh khiết).
“Khám” (龕) [theo nghĩa gốc] có nghĩa là “hang rồng”. Chữ Khám ghép từ chữ Hợp (合) [và Long (龍)], [chữ Hợp] hàm nghĩa [khi khí hậu chuyển sang giữa Thu, trời bắt đầu lạnh], các loài sâu bọ bèn phong kín hang hốc của chúng, tức là ý nghĩa “tĩnh đến cùng cực”. Long là tinh túy của thuần dương, trọn đủ sự biến hóa của thiên đạo. Dương (quẻ Càn) được khởi đầu bằng Tiềm Long (rồng ẩn)[4], chính là vì chưa thấy đức thành tựu. Vì sao vậy? Chính là vì thấy thiên đạo còn mờ mịt, không tiếng động, không mùi. Rồng ẩn mà chẳng ẩn, xuyên qua hỗn độn, mọi người sẽ thấy nó hiện mà chẳng hiện, ẩn mà chẳng ẩn. Hội tụ Âm Dương nhất trí, dứt bặt Tánh và Tu cùng nguồn. Đây chính là Đế và Quán chẳng khác biệt, là pháp môn tuyệt học vậy[5]. Những điều khác dễ hiểu!
3.3.1.1.2.1.2.2.1.2. Đắc ích (đạt được lợi ích)
3.3.1.1.2.1.2.2.1.2.1. Tiêu thị thập lợi (nêu bày mười điều lợi)
(Kinh) Thị nhân cư xứ, tức đắc thập chủng lợi ích.
(經)是人居處,即得十種利益。
(Kinh: Nơi người ấy ở, liền được mười thứ lợi ích). \
Điều này hiển thị “người tôn quý, nơi chốn thù thắng”. Đấy là do đã nghe thệ nguyện và oai thần chẳng thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát, bèn có thể tin hiểu, lại còn tạo thất, tạc tượng, cúng dường, lễ bái, tán thán. Thoạt đầu là một niệm tín giải; sau đó, kiêm hành Lục Độ. Do đã là chốn cư ngụ của một đệ tử tôn trọng [Bồ Tát nói riêng và Tam Bảo nói chung], dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều là cát tường. Vì vậy, điềm lành thường chen nhau đưa tới, [cho nên] có mười thứ lợi ích.
3.3.1.1.2.1.2.2.1.2.2. Trưng liệt thập danh (liệt kê mười thứ)
(Kinh) Hà đẳng vi thập? Nhất giả, thổ địa phong nhưỡng. Nhị giả, gia trạch vĩnh an.
(經)何等為十?一者,土地豐壤。二者,家宅永安。
(Kinh: Những gì là mười? Một là đất đai phì nhiêu. Hai là nhà cửa mãi mãi an ổn).
Câu đầu tiên là gạn hỏi, từ chữ “nhất giả” (một là) trở đi, liệt kê. [Các thứ lợi ích] theo thứ tự sanh ra nhau, có mười điều lợi. Trước hết, nêu ra đất đai, do kiến lập chỗ ở. Kế đó, nói đến nhà cửa để an thân, cho đến “quỷ thần bảo vệ, giúp đỡ”; kết thúc bằng “[tạo thành cái] nhân gặp gỡ thánh hiền”.
“Phong nhưỡng” (豐壤): “Phong” (豐) là thịnh vượng, to lớn. Hễ sung túc thì cúng tế sẽ trọn đủ các món vật, cho nên dùng chữ Đậu (豆) to mập để tạo chữ Phong. Phía trên của chữ Phong (豐), có ba chữ Phong (丰, lợi lộc tràn đầy), ngụ ý: Đã thịnh vượng lại càng thịnh vượng hơn. Thiên sách Vũ Cống có câu: “Quyết thổ duy bạch nhưỡng” (cuộc đất này chỉ là đất mịn màu trắng). Câu này được chú giải như sau: “Đất mềm mịn, không vón cục, gọi là Nhưỡng. Nói là Bạch (trắng) vì thấy màu sắc của nó tinh thuần. Nói là Nhưỡng vì thấy đặc tánh đẹp đẽ của nó”. Quan Đại Tư Đồ đời Châu biện định có mười hai loại Nhưỡng (壤) để nhận biết các loại đất, hòng dạy [dân chúng] canh tác, trồng trọt. Nhưng biện định về đất đai, hãy nên xét theo hai khía cạnh, tức là màu sắc và tánh chất. Đại khái, đất tốt năm màu, đều là loại đất tốt phì nhiêu để trồng trọt; như nói “quyết thổ hắc phần, quyết thổ xích phần” (cuộc đất này là loại đất gò màu đen, cuộc đất kia là loại đất gò màu đỏ) v.v… Do vậy, trong phần chú giải về chương Địa Quan trong sách Châu Lễ, có chép: “Nhưỡng xích thổ, dĩ vạn vật tự sanh, tắc ngôn Thổ. Dĩ nhân sở canh nghệ, tắc viết Nhưỡng” (“Nhưỡng xích thổ”: Để vạn vật tự sanh trưởng thì gọi là Thổ. Để cho mọi người cày cấy, trồng trọt, thì gọi là Nhưỡng).
“Nhưỡng” (壤) là hài hòa. Sách Dật Nhã giảng Nhưỡng có nghĩa
là “phì nhiêu, không khô khan”. Kinh Thế Ký dạy: “Diêm Phù Đề sở hữu quốc, danh viết Ốc Nhưỡng Phong Lạc, đa xuất trân bảo, lâm thủy thanh tịnh” (Diêm Phù Đề có quốc gia tên là Ốc Nhưỡng Phong Lạc, sanh ra nhiều thứ quý báu, rừng và nước thanh tịnh) là nói đến chuyện này. Theo kinh Trường A Hàm, cuộc đất Diêm Phù Đề phía Nam hẹp, phía Bắc rộng, kích thước mỗi bề là bảy ngàn do-tuần. Mặt con người
[trong châu ấy] giống như hình thế của đất.
Đã có được cuộc đất phì nhiêu, ắt nhà cửa sẽ mãi mãi an ổn. Chữ Gia (家) do Miên (宀) và Chúng (乑) ghép lại, tức là cha con, anh em, vợ chồng, ở chung với nhau hòa hợp, vui vẻ. Chữ Trạch (宅) do Miên (宀) và Thác (乇) ghép lại, hàm nghĩa: Chọn chỗ tốt lành để gởi thân, [ngõ hầu] điềm lành đưa tới, tai ương diệt mất.
(Kinh) Tam giả, tiên vong sanh thiên. Tứ giả, hiện tồn ích thọ.
(經)三者,先亡生天。四者,現存益壽。
(Kinh: Ba là người đã khuất sanh lên trời. Bốn là người còn sống tăng thêm tuổi thọ).
Người sống đã yên ổn, tổ tiên cũng được phước, cũng được hưởng thiện nghiệp, và được sanh lên trời. Người đã mất còn như thế, huống hồ là [người tự tay] tạo thất, trang nghiêm tượng ư? Ví như kinh Kim Quang Minh có dạy: “Nhược hữu chúng sanh, vị cúng dường kinh điển cố, trang nghiêm ốc trạch. Nãi chí trương huyền nhất phan, nhất cái, cập dĩ nhất y, Dục Giới Lục Thiên dĩ hữu tự nhiên thất bảo cung điện. Thị nhân mạng chung, tức đắc sanh bỉ, các các tự nhiên hữu thất thiên nữ, cộng tương ngu lạc. Nhật dạ thường thọ bất khả tư nghị vi diệu khoái lạc” (Nếu có chúng sanh vì cúng dường kinh điển mà trang nghiêm nhà cửa, cho đến căng, treo một lá phan, một cái lọng, và dùng một cái y [để cúng dường]. Trên tầng trời thứ sáu của Dục Giới tự nhiên đã có cung điện bảy báu [chờ sẵn người ấy]. Người ấy mạng chung, liền được sanh về đó, ai nấy đều tự nhiên có bảy thiên nữ cùng nhau vui sướng. Ngày đêm thường hưởng sự vui sướng vi diệu chẳng thể nghĩ bàn). Nay kinh này cũng nói như thế, không chỉ là người đã khuất sanh thiên, mà cũng khiến cho người đang còn sống tăng thêm tuổi thọ. Kinh Kim Quang Minh dạy: “Diêm Phù Đề nội, dược thảo thụ mộc, căn, hành, chi, diệp, hoa, quả tư mậu, mỹ sắc, hương vị, giai tất cụ túc. Chúng sanh thực dĩ, tăng trưởng thọ, sắc, lực, biện, an, lục tình chư căn, cụ túc thông lợi” (Trong Diêm Phù Đề, cỏ thuốc, cây cối, rễ, thân, cành, lá, hoa, quả sum xuê, đẹp đẽ, thơm, ngon, thảy đều trọn đủ. Chúng sanh ăn xong, sẽ tăng trưởng tuổi thọ, sắc diện, thể lực, biện tài, an ổn, sáu căn trọn đủ, nhạy bén) là nói về ý này.
(Kinh) Ngũ giả, sở cầu toại ý. Lục giả, vô thủy hỏa tai.
(經)五者,所求遂意。六者,無水火災。
(Kinh: Năm là điều mong cầu được vừa ý. Sáu là không có tai nạn nước, lửa).
Đã sống thọ mà mọi việc chẳng hài hòa, há đáng quý ư? Nay phàm mọi chuyện mong cầu, không gì chẳng toại nguyện. Thuận theo chí mình là Toại (遂), cũng là Xứng (稱, vừa ý), thường gọi là “tùy ý sử dụng, hưởng thụ vui sướng”. Các thứ thức ăn, quần áo, ngọa cụ (đồ trải nằm như chiếu, mền, đệm…), cung điện, nhà cửa, cây cối, rừng, vườn, sông, ao, giếng, suối, thảy đều trọn đủ, không gì chẳng toại ý. Toại ý ở bên trong, còn tai nạn hay cát tường ở bên ngoài. Nếu nói đến nước, lửa thì đời người chẳng thể nào thiếu chúng một ngày. Vì nước chảy làm ẩm ướt, nhuần thấm vạn vật; do vậy, nó ở vào vị trí của quẻ Khảm ở phương Bắc. Lửa thì khô nóng, khiến cho vạn vật khô khan, cho nên nó ở vị trí của quẻ Ly thuộc phương Nam. “Thủy hỏa ký tế” (nước lửa giúp sức cho nhau)[6] thì vạn vật sanh thành. Nếu nước và lửa chẳng đúng thời, vạn vật sẽ cháy khô, hoặc hư nát, huống hồ chim Thương Dương[7] hiện ra nhảy múa, Hồi Lộc ngầm đến, ắt tai họa chẳng cạn! (Theo Bạch Trạch Đồ, tinh linh của lửa tên là Tất Phương (必方), hình dáng như chim, một chân. Gọi tên nó, nó sẽ bỏ đi. Tinh linh của nước tên là Võng Tượng (罔象), hình dạng như đứa bé, mắt đỏ, da đen, tai to, móng vuốt dài. Dùng thừng trói nó thì sẽ bắt được. Đem nấu, sẽ tốt lành).
(Kinh) Thất giả, hư hao tịch trừ. Bát giả, đỗ tuyệt ác mộng.
(經)七者,虛耗辟除。八者,杜絕惡夢。
(Kinh: Bảy là trừ sạch hư hao. Tám là dứt bặt ác mộng).
Trong lẫn ngoài tuy đạt được an ninh, lại cần phải trừ khử hư hao. Sách Thuyết Văn Giải Tự giảng Hao (耗) là một loại lúa. Sách Lữ Thị Xuân Thu[8] chép: “Phạn chi mỹ giả, Huyền Sơn chi hòa, Nam Hải chi hao” (cơm ngon là giống lúa ở Huyền Sơn, là gạo hao ở Nam Hải) là nói về điều này. Như Tuân Tử nói: “Nhiều mà rối loạn thì gọi là Hao”, tức là [Hao hiểu theo nghĩa] “giảm tổn, hư hao”. Trong bài Đối Sách[9] của Đổng Trọng Thư có câu: “Sát thiên hạ nhi tức hao” (xét sao cho thiên hạ sanh điều thiện, giảm bớt điều ác) là nói đến chuyện này (Chú thích: “Tức” (息) là sanh trưởng. “Hao” (耗) là hư rỗng. Thế tục gọi ngày Mười Sáu tháng Giêng là Hao Ma Nhật (耗磨日), các cơ quan công quyền chẳng mở kho thóc trong ngày ấy).
Kinh Kim Quang Minh dạy: “Nhược thử quốc độ, hữu chư suy hao, chủng chủng gian nan, dĩ ngã đẳng lực cố, linh như thị chủng chủng bách thiên suy hao chi sự, tất giai diệt tận” (Nếu cõi nước này có các thứ suy bại, hao tổn, đủ mọi thứ gian nan, do sức của chúng tôi, sẽ khiến cho trăm ngàn chuyện suy hao như vậy đều bị diệt sạch) là nói về chuyện này. Ban ngày các duyên đã thuận thảo, thích đáng, đêm thì cần phải ngủ nghỉ, nằm mộng an tường. Nay trăm thứ ác mộng bình phàm giống như vỏ rễ cây bị vùi kín chẳng lộ ra được, như đầu mối của bó sợi gai bị cắt đứt, không thể nối tiếp được nữa!
(Kinh) Cửu giả, xuất nhập thần hộ. Thập giả, đa ngộ thánh nhân.
(經)九者,出入神護。十者,多遇聖因。
(Kinh: Chín là ra vào có thần bảo vệ. Mười là, thường gặp gỡ những cái nhân giúp tăng tấn thánh đạo).
Ngày qua, tháng lại, ngồi hưởng sự tốt lành thuần mỹ. Ngày ra, đêm vào, càng mong được yên ổn. Nay do tu phước thiện, ra vào có thần bảo vệ. Kinh Kim Quang Minh chép: “Ngã đẳng tứ vương, nhị thập bát bộ chư quỷ thần đẳng, cập vô lượng bách thiên quỷ thần, dĩ tịnh thiên nhãn, quá ư nhân nhãn, thường quán ủng hộ thử Diêm Phù Đề” (Bốn vua chúng con, hai mươi tám bộ các quỷ thần, và vô lượng trăm ngàn quỷ thần, dùng thiên nhãn trong sạch hơn hẳn mắt của loài người để thường nhìn xem, ủng hộ cõi Diêm Phù Đề này) là nói về chuyện này. Chín loại trước đều là lợi ích thế gian. Loại thứ mười là cái nhân của quả thánh, chính là lợi ích xuất thế. “Thánh” (聖) là chánh đáng, tức là cái nhân tu tập của bậc thánh chân chánh xuất thế. Như nghe pháp, ngộ đạo, trai tăng, bố thí, tạo tượng, sửa tháp, tu bổ kinh điển và thánh tượng [bị hư hoại] v.v… Kinh Niết Bàn dạy: “Thiện tri thức giả, linh nhân tiệm viễn ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, bổn vị hữu Định, Huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, tức tiện hữu chi. Vị cụ túc giả, tức đắc tăng quảng” (Thiện tri thức là bậc khiến cho mọi người dần dần xa lìa pháp ác, tăng trưởng pháp lành. Kẻ vốn chưa có Định, Huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, sẽ liền có. Kẻ chưa đầy đủ, sẽ được tăng trưởng rộng hơn). Thường được nhiều lượt gặp gỡ cái nhân của thánh đạo như thế! Nếu chẳng do tu cúng dường Đại Sĩ, sao có thể đạt được mười thứ lợi ích ấy?
3.3.1.1.2.1.2.2.1.3. Kết thành (kết lại phần thành tựu)
(Kinh) Thế Tôn! Vị lai thế trung, cập hiện tại chúng sanh, nhược năng ư sở trụ xứ phương diện, tác như thị cúng dường, đắc như thị lợi ích.
(經)世尊!未來世中,及現在眾生,若能於所住處方面,作如是供養,得如是利益。
(Kinh: Bạch Thế Tôn! Chúng sanh trong đời vị lai và hiện tại, nếu có thể ở nơi cư trụ của chính mình, thực hiện sự cúng dường như thế, sẽ đạt được lợi ích như vậy).
Tổng kết chung cả hai phần kinh văn nói về tu nhân và đạt được lợi ích. Kinh Thập Luân dạy: “Thiện nam tử! Giả sử hữu nhân, ư kỳ Di Lặc, cập Diệu Cát Tường, tịnh Quán Tự Tại, Phổ Hiền chi loại, nhi vi thượng thủ, Căng-già sa đẳng, chư đại Bồ Tát sở, ư bách kiếp trung, chí tâm quy y, xưng danh, niệm tụng, lễ bái, cúng dường, cầu chư sở nguyện, bất như hữu nhân ư nhất thực khoảnh, chí tâm quy y Địa Tạng Bồ Tát, linh chư hữu tình sở nguyện mãn túc. Như như ý bảo, diệc như phục tạng. Như thị Đại Sĩ, vị dục thành thục chư hữu tình cố, cửu tu kiên cố đại nguyện, đại bi, dũng mãnh tinh tấn, quá chư Bồ Tát. Thị cố nhữ đẳng, ưng đương cúng dường” (Này thiện nam tử! Giả sử có người đối với các bậc thượng thủ của hàng đại Bồ Tát như Di Lặc, Diệu Cát Tường, cùng Quán Tự Tại, Phổ Hiền, số lượng nhiều như cát sông Hằng, trong trăm kiếp chí tâm quy y, xưng danh, niệm tụng, lễ bái, cúng dường, cầu thỏa các điều nguyện, chẳng bằng người trong khoảng một bữa ăn, chí tâm quy y Địa Tạng Bồ Tát, khiến cho các hữu tình được thỏa mãn điều nguyện, như báu như ý, cũng như kho tàng. Vị Đại Sĩ như thế, vì muốn thành thục các hữu tình, đã tu đại nguyện, đại bi kiên cố từ lâu, dũng mãnh, tinh tấn vượt xa các vị Bồ Tát. Vì thế, các ông hãy nên cúng dường). Kệ rằng: “Giả sử bách kiếp trung, tán thuyết kỳ công đức, do thượng bất năng tận, cố giai đương cúng dường” (Giả sử trong trăm kiếp, khen nói công đức Ngài, vẫn còn chẳng thể hết, hãy đều nên cúng dường). Sở dĩ cúng dường là vì đạt được lợi ích như thế đó!
***
[1] Vũ Cống (禹貢) là một thiên sách trong Thượng Thư, nói về địa lý, sản vật, và thuế khóa của cổ Trung Hoa. Thiên sách này thường được coi là do chính vua Đại Vũ biên soạn, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng thiên sách này được viết vào thời sau, sớm nhất là vào thời Chiến Quốc, không rõ ai là tác giả. Sách chia vùng Trung Nguyên (lưu vực giữa sông Hoàng Hà và Trường Giang) thành chín châu, ghi chép giản yếu về cương vực mỗi châu, các mạch núi, lưu vực các sông, đất đai, sản vật, thuế khóa, các dân tộc thiểu số, và các hiện tượng địa lý tự nhiên. Thiên sách này được coi là mẫu mực cho cách ghi chép về địa lý (hoặc thể loại phương chí) về sau này. Đàm Hoài là nay thuộc vùng Ôn Huyện tỉnh Hà Nam, tức là quận Hà Nội đời Tần, đời Đường đổi thành Hoài Châu. Để Tích là vùng đất thấp nhất của Đàm Hoài, tức là thôn Bình Cao của Ôn Huyện hiện thời.
[2] Tán Chi (Pañcika), còn phiên âm là Tán Chi Ca, hay Tán Chi Tu Ma (có nghĩa là Mật Thần). Sau thời ngài Huyền Trang, tên vị này được phiên âm là Bán Chỉ Ca, hoặc Bán Chi Ca. Có thuyết nói vị này chính là con của Quỷ Tử Mẫu; nhưng theo kinh Ha Rị Đế Mẫu thì Bán Chỉ Ca phải là chồng. Vị này là một trong tám vị đại tướng dưới quyền cai quản của Bắc Phương Tỳ Sa Môn thiên vương. Ngài quản lãnh hai mươi tám bộ chúng quỷ thần tuần hành thế gian, thưởng thiện, phạt ác. Trong kinh Kim Quang Minh có riêng một phẩm, tức phẩm Tán Chi Quỷ Thần trần thuật lời phát nguyện của vị này.
[3] Quẻ Ly có gồm hai hào Dương (hai vạch liền) bên ngoài và một hào Âm (vạch đứt) ở giữa.
[4] Đây là cách giải thích trong Châu Dịch về quẻ Càn. Quẻ Càn có ba vạch, mỗi vạch được gọi là Cửu. Sách lại giải thích về ý nghĩa của vạch đầu tiên (sơ cửu) là “tiềm long vật dụng” (rồng ẩn chưa dùng được), và giải thích điều này giống như dương khí còn tiềm tàng, chưa thể hiện công năng to lớn của nó.
[5] Thoạt nhìn, cả một đoạn dài này nhằm giải thích chữ Long trong chữ Khám, dường như chẳng ăn nhập gì với đoạn kinh văn này. Theo ngu ý, pháp sư Linh Thừa dùng những lời lẽ để giải thích chữ Long nhằm nói lên ý nghĩa ẩn tàng trong Khám Thất. Cái khám thờ có đặt hình tượng của Bồ Tát bên trong, ví như “tiềm long” nhằm nhắc nhở chúng sanh ai nấy sẵn có Như Lai Tạng Tánh ẩn tàng trong vọng tâm, giống như rồng tiềm ẩn chưa phát khởi công năng bay lượn, tuôn mưa. Khi rồng hiện, khó thể thấy được toàn thân nó, nên nói là “hiện mà chẳng phải hiện, ẩn mà chẳng phải ẩn”. Cũng thế, Pháp Thân chẳng phải là Có, chẳng phải là Không, khởi tác dụng vô biên, nhưng chẳng thể chấp trước là Pháp Thân khởi tác dụng hay không.
[6] Thủy hỏa ký tế (水火既濟) là quẻ thứ sáu mươi ba trong sáu mươi tư quẻ Dịch, biểu thị Âm Dương điều hòa, bình an, hài hòa an lạc.
[7] Thương Dương (商羊) là một loại chim thần trong thần thoại Trung Hoa. Hễ nó xuất hiện, sẽ có mưa. Trước khi mưa to, nó sẽ nhảy múa trên một chân. Do đó, khi chim này xuất hiện, thường sẽ có lũ lụt. Hồi Lộc là thần lửa. Theo Đạo Giáo, Hồi Lộc (回祿) là tên gọi khác của thần lửa Chúc Dung (祝融). Có người nói Hồi Lộc thật ra là tên của Ngô Hồi và Lộc Chung ghép lại. Cả hai đều là thần lửa. Dân gian hay dùng chữ Hồi Lộc để chỉ hỏa tai. Chúc Dung hiệu là Xích Đế, cũng là thần mùa Hạ, vốn là vị thần phù tá của Thần Nông Thị, tên thật là Trọng Lê, là cháu nội của Chuyên Húc. Theo các nhà nghiên cứu, Chúc Dung vốn là tên một bộ lạc khéo sử dụng và duy trì lửa, cho nên có hẳn một chức quan trông coi về lửa, gọi là Chúc Dung.
[8] Lữ Thị Xuân Thu còn gọi là Lữ Lãm, là một bộ sách tập hợp những bài văn xuôi luận định về chính trị thời Xuân Thu Chiến Quốc, gồm hai mươi sáu quyển, chia thành một trăm sáu mươi thiên, do tể tướng Lữ Bất Vi và các môn hạ biên soạn. Sách hoàn tất vào năm thứ sáu đời Tân Vương Chánh (tức Tần Thủy Hoàng trước khi xưng đế, Tần Thủy Hoàng tên thật là Doanh Chánh).
[9] Đối sách (對策) là những bài viết của thí sinh nhằm trả lời những câu hỏi trong các trường thi thuở trước. Thường là vị chủ khảo sẽ lấy một câu trong kinh điển của Nho gia để ra đề thi, hoặc nêu một vấn đề, các thí sinh sẽ viết một bài văn trình bày kiến giải và cách giải quyết vấn đề. Bài viết ấy được gọi là Đối Sách. Câu trích dẫn trên đây trích từ bài Hiền Lương Sách (đối sách về cách chọn lựa bậc hiền lương) của Đổng Trọng Thư.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ