ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.3.1.2. Khuyến bố thí kết duyên (khuyên bố thí kết duyên)

(Kinh) Thị quốc vương đẳng, hoặc tự doanh biện, hoặc khuyến tha nhân, nãi chí bách thiên nhân đẳng, bố thí kết duyên.

()是國王等或自營辦或勸他人乃至百千人等布施結緣。

(Kinh: Các vị quốc vương ấy, hoặc tự lo liệu thực hiện, hoặc khuyên người khác, cho đến trăm ngàn người cùng bố thí kết duyên).

 Quốc vương tự tu, khuyên người khác, có thể nói là “biết tội phước sâu xa”. Như trong Phật Thuyết Tự Ái Kinh, đức Phật bảo vua nước Xá Vệ rằng: “Phù vi quốc vương, nghi hữu minh đạo, suất dân dĩ đạo, thỉnh cầu lai phước” (Phàm là quốc vương, hãy nên có cách hướng dẫn sáng suốt, dùng đạo dễ hướng dẫn dân, thỉnh cầu phước cho mai sau). Vua bạch: “Thành như Phật giáo, phù bất chủng tài, vô duyên hoạch kỳ quả” (Đúng như đức Phật đã dạy, nếu chẳng gieo bồi, chẳng có duyên để đạt được cái quả). Vì thế, kinh Chánh Pháp Niệm Xứ dạy: “Nhược hữu chúng sanh thức ư phước điền, kiến hữu Phật tháp phong vũ sở hoại, nhược tăng phòng xá, dĩ phước đức tâm, đồ sức trị bổ. Phục giáo tha nhân, linh trị cố tháp. Mạng chung sanh Bạch Thân Thiên. Kỳ thân tiễn bạch, nhập san hô lâm, dữ chư thiên nữ ngũ dục tự ngu. Nghiệp tận thoái hoàn, nhược sanh nhân trung, kỳ thân tiễn bạch” (Nếu có chúng sanh biết phước điền, thấy có tháp Phật bị gió mưa hư hoại, hoặc phòng ốc của Tăng [bị hư hoại], do cái tâm phước đức, bèn tô đắp, sửa sang. Lại dạy người khác sửa sang tháp cũ. Mạng chung sanh lên Bạch Thân Thiên, sắc thân trắng tươi, vào rừng san hô, cùng với các thiên nữ tự hưởng niềm vui ngũ dục. Nghiệp hết, lui xuống, nếu sanh trong loài người, sắc thân sẽ trắng tươi). Thành Thật Luận nói giống như vậy. Sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa, quyển thứ tư chép: “Tầng trời thứ tư là Không Hầu Thiên, có mười trụ xứ, trụ xứ thứ năm là Bạch Thân”. Sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Thiêm viết: “Phước [xây dựng, tu bổ] tháp nhiều nhất”. Màu trắng là màu gốc. Nay các vị như quốc vương v.v… là người bề trên tu hành thiện nghiệp, gió đức thổi khiến cỏ [phàm dân] đều rạp theo. Vua và dân cùng tu Thập Thiện, ta và người cùng cảm báo trong ngàn đời. Vì thế biết phước báo do bố thí giống như cầm bằng khoán nhận vật, chẳng sai lệch chừng bằng mảy tóc!

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.3.2. Hiển thí phước (nêu rõ phước do bố thí)

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.3.2.1. Tự tha thiên sanh vi vương (ta và người đều làm vua trong ngàn đời)

(Kinh) Thị quốc vương đẳng, bách thiên sanh trung thường vi Chuyển Luân Vương thân. Như thị tha nhân đồng bố thí giả, bách thiên sanh trung, thường vi tiểu quốc vương thân.

()是國王等百千生中常為轉輪王身。如是他人同布施者百千生中常為小國王身。

(Kinh: Hàng quốc vương ấy trong trăm ngàn đời thường làm thân Chuyển Luân Vương. Những người khác cùng bố thí như thế, trong trăm ngàn đời thường làm thân tiểu vương).

 Những người như quốc vương v.v… hành bố thí, đáng lẽ phải tiến cao hơn, cớ sao lại cảm báo làm nhân vương? Như kinh Ngũ Đạo Tội Phước dạy: “Nhân nhi hào quý, quốc vương, trưởng giả, tùng lễ sự Tam Bảo trung lai. Vi nhân đại phú, tài vật vô hạn, tùng bố thí trung lai. Cố tri nhược bất ư Phật pháp trung tu hành bố thí, chung bất năng hoạch tư thắng báo” (Người tôn quý hiển hách, quốc vương, trưởng giả là do lễ kính, phụng sự Tam Bảo mà ra. Làm người giàu to, tài vật vô hạn là do bố thí mà ra. Vì thế biết: Nếu chẳng tu hành bố thí trong Phật pháp, sẽ trọn chẳng thể đạt được quả báo thù thắng ấy). Nay từ [thân phận] tiểu vương [trong hiện tại] mà cảm báo Chuyển Luân Thánh Vương [trong tương lai], từ thần dân chuyển thành thân tiểu quốc vương, địa vị đã cao sâu, phước cũng sâu dầy vậy.

Sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa chép: “Đều là do tán tâm trì giới, và do Từ tâm khuyên người khác làm phước. Vì thế, cảm báo làm bậc nhân chúa (vua, đế vương), phi hành hoàng đế[1], bốn phương ngưỡng mộ đức, thần bảo (các báu vật của Chuyển Luân Vương) tự nhiên ứng hiện”. Sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Thiêm viết: “Luân Vương trước hết hành bảy pháp: Một là bố thí kẻ nghèo thiếu, hai là kính trọng những người dân hiếu thảo, nuôi nấng cha mẹ, ba là tứ thời bát tiết[2] đều tế lễ khắp bốn biển, bốn là luôn tu nhẫn nhục. Điều năm, sáu, bảy là trừ tam độc. Sau đó là tắm gội, trai giới, phát thệ thì thần bảo sẽ tự ứng hiện”. Đại Luận chép: “Trong hết thảy mọi người, Chuyển Luân Thánh Vương cao quý bậc nhất”. Tiểu quốc vương như gạo rải khắp bốn phương, đều thuộc quyền thống trị của Kim Luân Vương. Vì thế, người có thể khuyên bảo người khác sẽ làm đại vương, những người được khuyên bảo sẽ làm tiểu vương. Hạnh xưa theo thân, phước báo như hình bóng, tiếng vang.

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.3.2.2. Hồi hướng tận thành Phật đạo (hồi hướng trọn hết đều thành Phật đạo)   

(Kinh) Cánh năng ư tháp miếu tiền, phát hồi hướng tâm, như thị quốc vương, nãi cập chư nhân, tận thành Phật đạo, dĩ thử quả báo vô lượng, vô biên.

 ()更能於塔廟前發迴向心如是國王乃及諸人盡成佛道以此果報無量無邊。

(Kinh: Lại có thể đối trước tháp, miếu, phát tâm hồi hướng thì quốc vương và những người như thế đều trọn Phật  đạo, do  quả  báo  ấy vô lượng vô biên).

Quyên tặng tài vật để tu bổ tháp, chùa, lại nên hồi hướng là vì lẽ nào? Cần biết những việc đã làm trên đây đều là Sự Thí (bố thí về mặt Sự), cảm vời quả báo nhân thiên, chẳng phải là cái nhân của Niết Bàn. Như Đạt Ma đại sư lúc đầu tới Đại Lương, Lương Vũ Đế hỏi: “Trẫm từ khi tức vị (lên ngôi) đến nay, đã dựng chùa, độ tăng, có công đức như thế nào?” Tổ Đạt Ma đáp: “Thật sự chẳng có công đức gì! Đấy là tiểu quả trong cõi trời, cõi người, là cái nhân hữu lậu”. Vua hỏi: “Như thế nào mới là công đức chân thật?” Tổ Đạt Ma đáp: “Tịnh trí diệu viên, Thể tự không tịch, công đức như thế, chẳng cầu nơi thế gian”. Theo thâm ý ấy, ắt cần phải hồi Sự hướng Lý thì mới tương ứng với Thật Trí Bát Nhã. Vì thế biết tu bổ tháp, chùa, lại còn hồi hướng, cảm quả vượt thoát tam hữu (ba cõi), thành trọn ngũ trí. Do hồi hướng sẽ cảm quả báo chẳng thể lường, chẳng có ngằn mé. Hồi hướng là đại lợi chính vì lẽ này vậy!

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.4. Thí lão, bệnh, sản phụ phước (phước do bố thí người già, bệnh, và sản phụ)

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.4.1. Năng sở thí nhân (người bố thí và người nhận bố thí)   

(Kinh) Phục thứ Địa Tạng! Vị lai thế trung, hữu chư quốc vương, cập Bà-la-môn đẳng, kiến chư lão bệnh, cập sanh sản phụ nữ.

()復次地藏未來世中有諸國王及婆羅門等見諸老病及生產婦女。

(Kinh: Lại này Địa Tạng! Trong đời vị lai, có các quốc vương và hàng Bà-la-môn thấy những người già bệnh và phụ nữ sanh sản).

Trong kinh Vô Thường, đức Phật bảo các bật-sô (tỳ-kheo): “Hữu tam chủng pháp, ư chư thế gian thị bất khả ái, thị bất quang trạch, thị bất khả niệm, thị bất xứng ý. Hà giả vi tam? Vị lão, bệnh, tử. Nhược lão, bệnh, tử thế gian vô giả, Như Lai bất xuất ư thế, vị chư chúng sanh, thuyết sở chứng pháp, cập điều phục sự” (Đối với các thế gian, có ba thứ pháp chẳng đáng yêu mến, chẳng tươi nhuận, chẳng đáng nghĩ tưởng, chẳng vừa ý. Những gì là ba? Chính là già, bệnh, chết. Nếu thế gian chẳng có già, bệnh, chết, Như Lai sẽ chẳng xuất thế vì các chúng sanh nói pháp đã chứng và thực hiện những chuyện điều phục). Vì thế, người già, bệnh, người sanh nở là bi điền đáng để gieo phước nhất. Già thì các căn đã rệu rã, hơi thở khò khè, ăn uống cần phải có người giúp. Già mà không con thì gọi là “độc phu” (獨夫, người đàn ông trơ trọi). Cõi Tây Thiên, ông [A Na] Bân Kỳ (Anāthapiṇḍada, trưởng giả Cấp Cô Độc) châu cấp họ trước tiên, Đông Độ thì Văn Vương thương xót họ trước hết, do họ không có chỗ nương tựa. Bệnh thì trăm lóng đốt đau buốt, mạng như chỉ mành treo chuông. Nếu không có người chăm sóc, tránh sao khỏi cái chết? Vì thế, đức Phật răn truyền: “Khán bệnh vi đệ nhất phước điền” (Chăm sóc người bệnh là phước điền bậc nhất). Lúc tại thế, Ngài cũng tự tuần hành các liêu phòng của Tăng chúng để chăm sóc người bệnh vì họ đáng thương xót. Sản phụ vừa mới sanh nở, chất bẩn đầy thân; nếu chẳng đúng thời cho họ ăn uống, mẹ lẫn con đều chết, khổ sở cùng cực! Vì vậy, đối với ba loại này, người có lòng nhân càng phải nên dấy lòng châu cấp.

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.4.2. Sở thí nhân quả (nhân quả của sự bố thí)

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.4.2.1. Tu nhân

(Kinh) Nhược nhất niệm gian, cụ đại từ tâm, bố thí y dược, ẩm thực, ngọa cụ, sử linh an lạc.

()若一念間具大慈心布施醫藥飲食臥具使令安樂。

(Kinh: Nếu trong một niệm trọn đủ lòng đại từ, bố thí thuốc men, thức ăn, đồ trải nằm, khiến cho họ yên vui).

A Tỳ Đàm Luận giảng về thời khắc, bèn nói có mười hai tầng: Thứ nhất là sát-na (Kṣana), dịch sang tiếng Hán là “nhất niệm”, có thể gọi là thời gian ngắn nhất. “Ư thử cụ đại từ” (trọn đủ lòng đại từ đối với những người ấy): Nếu luận định theo phương diện ban vui, thì lạc là điều hết thảy chúng sanh yêu mến, coi trọng, nhưng đã gặp bi điền, hãy nên sanh lòng đại bi, cớ sao nói là “đại từ”? Như Đại Luận nói: “Nếu nói đến Từ là đã nói đến bi, hỷ, và xả”. Hơn nữa, Từ là vô lượng thật sự. Từ giống như vua, những điều còn lại như nhân dân. Vì sao vậy? Trước hết, do từ tâm, muốn cho chúng sanh được vui sướng. Thấy người khác chẳng được vui sướng, cho nên sanh bi tâm. Do Từ mà có thể trọn lòng bi, cho nên nói là Đại. Đã nói là “nhất niệm”, tức là “đồng thể Từ”. “Y dược đẳng” (thuốc men v.v…) là bốn thứ cần thiết trong cuộc sống của nhân dân, là nhu cầu cấp bách hằng ngày. Kẻ bệnh không có thuốc men, sẽ chẳng thể lành. Thân mạng mà không có thức ăn, sẽ chẳng thể duy trì được. “Ngọa cụ” là như mền, khăn trải giường, gối, đệm v.v… càng là những thứ người già bệnh hoặc sản phụ cần thiết. Y phục nên gộp trong ngọa cụ. Bố thí như thế mới có thể khiến cho [những người ấy] thân an tâm vui. Do đó, Đại Luận nói: “Nếu có ai đói khát, cho thức ăn đầy đủ, họ sẽ cảm ơn sâu đậm”. Đức Phật nói bố thí cho người đi đường xa, hoặc người từ xa đến, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân. Bố thí đúng lúc [người khác] gặp các nạn trúng gió, cảm lạnh thì là “thời thí” (bố thí đúng thời). Thí thuốc cho người bệnh, thí thức ăn cho người đói khát, sẽ dấy lên nhân duyên ít bị bệnh nghiệp. Vì thế, đạt được tướng “lưỡng dịch hạ mãn” (dưới hai nách đều vun đầy), được tướng “tối thượng vị” (ăn gì cũng trở thành vị ngon lành nhất). Do thí quần áo đẹp, ngọa cụ, vàng, bạc, trân bảo mà được thân tướng kim sắc, tướng da mỏng. Vì thế biết tướng nghiệp của Như Lai đều do bố thí mà đạt được.

3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.4.2.2. Hoạch quả (đạt được cái quả)

(Kinh) Như thị phước lợi, tối bất tư nghị. Nhất bách kiếp trung, thường vi Tịnh Cư thiên chúa, nhị bách kiếp trung, thường vi Lục Dục thiên chúa, tất cánh thành Phật, vĩnh bất đọa ác đạo, nãi chí bách thiên sanh trung, nhĩ bất văn khổ thanh.

()如是福利最不思議。一百劫中常為淨居天主二百劫中常為六欲天主畢竟成佛永不墮惡道乃至百千生中耳不聞苦聲。

(Kinh: Phước lợi như thế chẳng nghĩ bàn nhất. Trong một trăm kiếp, thường làm Tịnh Cư thiên chúa, trong hai trăm kiếp thường làm Lục Dục thiên chúa, rốt ráo thành Phật, vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo, cho đến trong trăm ngàn đời, tai chẳng nghe tiếng khổ).

Bố thí là phước, ắt đạt được ba điều lợi; vì thế nói là “phước lợi”. “Tối bất tư nghị” (chẳng nghĩ bàn nhất): Quân binh đi đầu là Tối, tức là người đầu tiên của tiền quân. Đấy là nói trong những điều chẳng thể nghĩ bàn, điều này chẳng thể nghĩ bàn nhất. Nhưng Tát Bà Đa Luận[3] viết: “Nhà cửa, ngọa cụ, thứ ăn, thuốc thang là pháp thế gian, chẳng phải là pháp lìa thế gian khó đạt được”. Nay vì sao là chẳng thể nghĩ bàn nhất? Chính là do ngay trong lúc bố thí, một niệm trọn đủ tâm đại từ, sẽ là căn bản để thành Phật, biết là sanh vào Dục Giới Thiên hay Sắc Giới Thiên, trước hết là hưởng báo vui sướng trong thế gian, rốt cuộc thành Phật thì phước do bố thí mới kết thúc. Vì thế biết là chẳng thể nghĩ bàn nhất. Điều chánh yếu chính là câu “tất cánh thành Phật” (rốt ráo thành Phật). “Trăm kiếp làm Tịnh Cư Thiên”: Đại Luận nói: “Từ tâm, tu tốt đẹp, khéo tu, phước tột bậc là Biến Tịnh Thiên”. Trong tam giới, trời Biến Tịnh là nơi vui sướng nhất, nên nói “cực Biến Tịnh” (Biến Tịnh Thiên là tột bậc). Theo đó, đáng phải nên sanh trong ba cõi trời có chữ Tịnh (Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh, và Biến Tịnh) trong Sắc Giới Thiên, nay làm chúa trời cõi Tịnh Cư là vì lẽ nào? Do từ tâm, do thanh tịnh tâm mà bố thí. Một trăm kiếp ở đây là nói đến đại kiếp.

“Nhị bách kiếp vi Lục Dục thiên chúa” (Hai trăm kiếp làm chúa trời Lục Dục): Theo Đại Luận, Chúng Sanh Duyên Từ là hữu lậu, chỉ duyên theo Dục Giới, cho nên cảm báo sanh trong Lục Dục Thiên. Nói “hai trăm kiếp” là nói theo tiểu kiếp.

Hỏi: Dục Giới Thiên nhiều lần gặp phải kiếp hỏa, sao có thể vĩnh viễn hưởng phước trong Lục Thiên cho được?

Đáp: Theo kinh Trường A Hàm, tam tai hoại thế giới, nhưng chẳng hoại người. Theo thứ tự tu Thiền, sẽ sanh lên Sắc Giới. Khi Dục Giới Thiên đã hình thành, bèn trở lại lần lượt hưởng vui sướng trong ấy.   

Hỏi: Cùng là một Từ tâm hành bố thí, vì sao cảm báo khác biệt vời vợi như thế?

Đáp: Khi hành bố thí, lòng Từ có thù thắng và chẳng thù thắng, tâm có tịnh và bất tịnh. Vì thế, cảm Dục Giới hay Sắc Giới khác nhau, thọ mạng dài hay ngắn khác biệt! Như Đại Luận quyển ba mươi ba chép: “Chưa lìa dục mà bố thí, sanh làm kẻ phú quý trong loài người và trong Lục Dục Thiên. Nếu lìa dục tâm mà bố thí, sanh lên Phạm Thế Thiên, cho đến trời Quảng Quả. Nếu lìa sắc tâm mà bố thí, sanh trong Vô Sắc Thiên. Lìa tam giới để bố thí, do vì Niết Bàn, bèn đắc Thanh Văn đạo. Khi bố thí, chán ghét ồn ào, náo nhiệt, ưa chuộng nhàn tĩnh, sẽ đắc Bích Chi Phật. Khi bố thí, khởi tâm đại bi, muốn độ hết thảy, trí huệ rất sâu, rốt ráo thanh tịnh bậc nhất, sẽ được thành Phật đạo”. Pháp của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn, tùy theo chúng sanh đáng độ [như thế nào] mà nói như thế ấy. Như thế núi [hùng vĩ] của ngàn quả núi chẳng sánh bằng ngũ nhạc, tiếng của muôn dòng chảy đều khuất lấp trong tiếng sóng biển. Chánh ý là “rốt ráo thành Phật” mà thôi! Trong khi bố thí, chưa thành Phật, vĩnh viễn chẳng đọa trong tam ác đạo, thường hưởng phước trong đường trời, người. Trong trăm ngàn năm, tai chẳng nghe tiếng khổ, huống hồ thân phải trải qua ác đạo hay sao?

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Nhược kiến bệnh khổn, dư mạng vị tận, thí kỳ tương ẩm, hoặc thí kỳ tài, dĩ tục bỉ mạng. Mạng chung, sanh Thâm Thủy Thiên, như Đế Thích khoái lạc. Tùng thiên mạng chung, bất đọa tam đồ, đắc thọ nhân thân. Tùng sanh chí sanh, bất tao bệnh khổ, vô hữu não loạn” (Nếu thấy người khốn khổ vì bệnh, mà mạng hãy còn chưa hết, bèn bố thí nước trái cây, thức uống, hoặc bố thí tiền bạc để duy trì tánh mạng kẻ đó. [Người bố thí] mạng chung, sẽ sanh vào Thâm Thủy Thiên, vui sướng như Đế Thích. Từ cõi trời mạng chung, chẳng đọa vào tam đồ, được làm thân người. Từ đời này sang đời khác, chẳng mắc bệnh khổ, chẳng bị não loạn).

3.2.4.2.2.2.3.1.1.2. Kết hướng thành Phật (tổng kết chuyện hồi hướng thành Phật)

3.2.4.2.2.2.3.1.1.2.1. Kết hồi thí báo (tổng kết quả báo do hồi hướng bố thí)     

(Kinh) Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu chư quốc vương, cập Bà-la-môn đẳng, năng tác như thị bố thí, hoạch phước vô lượng. Cánh năng hồi hướng, bất vấn đa thiểu, tất cánh thành Phật, hà huống Thích, Phạm, Chuyển Luân chi báo!

()復次地藏若未來世中有諸國及婆羅門等能作如是布施獲福無量。更能迴向不問多少畢竟成佛何況釋梵轉輪之報

(Kinh: Lại này Địa Tạng! Nếu trong đời vị lai, có các quốc vương và Bà-la-môn v.v… có thể bố thí như thế, sẽ được phước vô lượng. Lại còn có thể hồi hướng, bất luận nhiều hay ít, sẽ đều rốt ráo thành Phật, huống hồ quả báo làm Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân Vương!)

Kinh văn chia làm hai phần. Phần đầu tổng kết phước bố thí trên đây; từ chữ “cánh năng” (lại còn có thể) trở đi, tổng kết phần hồi hướng trước đó. “Năng tác” (có thể làm) ngụ ý: Chẳng thể không hành bố thí. Như trong kinh Hiền Ngu, trưởng giả Tu Đạt cùng ngài Thân Tử (Xá Lợi Phất) giăng dây đo đất để kiến tạo tinh xá, ngài Thân Tử hoan hỷ mỉm cười. Tu Đạt hỏi cười vì lẽ gì? Đáp: “Nay ông mới bắt đầu đo đất ở đây, cung điện của ông trên Lục Dục Thiên đã hoàn thành”. Ngài liền cho ông ta mượn đạo nhãn, liền thấy rành rành cung điện nghiêm tịnh trên Lục Dục Thiên. Lúc chuyển dây đo sang nơi khác, ngài Thân Tử lộ vẻ buồn thảm, ưu sầu. Hỏi: “Vì sao lộ vẻ ưu sầu?” Đáp: “Ông có thấy những con kiến nơi đất này hay chăng?” Thưa: “Đã thấy”. Ngài Thân Tử nói: “Trong thời quá khứ, thuở Tỳ Bà Thi Phật, ông cũng tạo dựng tinh xá ở nơi đây, những con kiến ấy cũng sanh ở đây. Cho đến bảy vị Phật đã qua, ông đều vì mỗi vị Phật tạo dựng tinh xá, mà những con kiến ấy cũng sanh trong đó. Tới nay là chín mươi mốt kiếp, chúng nó cứ thọ một loại thân, chẳng được giải thoát!” Sanh tử dài lâu, chỉ có phước là trọng yếu, chẳng thể không gieo! Đây chỉ là phước nhân thiên, vẫn ở trong vòng sanh tử. Nếu chẳng vì cầu phước báo nhân thiên cho chính mình, mà đều hồi hướng hết cho pháp giới chúng sanh, sẽ chẳng cần biết thí nhiều hay ít, đều rốt ráo thành Phật!

Câu “hà huống” nhằm nói rõ sự tương phản, tức là: Quả Phật mà còn có thể chắc chắn được thành, huống hồ những quả nhỏ nhặt trong đường trời người như Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân mà chẳng thành tựu ư? Trong phần hạ của quyển bốn sách Diệu Pháp Liên Hoa Huyền Nghĩa có viết: “Luân Vương là địa vị chúa tể của loài người, Đế Thích, Phạm Vương là địa vị thiên chúa, đều ước theo quả báo để nói rõ địa vị. Mỗi quả đã mang ý nghĩa hơn kém, tức là tu nhân ắt có cạn hay sâu!”  

Kinh Ngũ Đạo Tội Phước nói: “Hiền giả hiếu bố thí, thiên thần tự phù tương. Thí nhất đắc vạn bội, an lạc thọ mạng trường. Kim nhật đại bố thí, kỳ phước bất khả lượng, giai đương đắc Phật đạo, độ thoát ư thập phương” (Người hiền chuộng bố thí, thiên thần ắt giúp cho. Thí một, báo vạn lần, an vui, thọ mạng dài. Nay bố thí rộng lớn, phước ấy chẳng thể lường, sẽ đều thành Phật đạo, độ thoát khắp mười phương). Quả báo chẳng thể nghĩ bàn!

3.2.4.2.2.2.3.1.1.2.2. Sắc phổ khuyến học (sắc truyền khuyên rộng khắp mọi người hãy học theo)

(Kinh) Thị cố, Địa Tạng! Phổ khuyến chúng sanh, đương như thị học.

()是故地藏普勸眾生當如是學。

(Kinh: Vì thế, này Địa Tạng! Khuyên khắp chúng sanh hãy nên học như thế).

 “Đương như thị học” (hãy nên học như thế) mang ý nghĩa răn dạy, khích lệ, khuyên răn, ý nói: Ắt phải nên khuyên trọn khắp chúng sanh hãy nên học theo cách bố thí hồi hướng trên đây. Như trong kinh Kiên Ý, đức Phật bảo ngài A Nan: “Quảng vị thuyết bố thí, chủng sanh tử lương. Thí như chủng cốc, tùy chủng nhi sanh. Vị hữu bất chủng nhi hoạch quả thật, chủng thiện đắc phước, phước tự quy thân” (Hãy vì mọi người mà rộng nói bố thí, hòng gieo tư lương cho sanh tử. Ví như trồng lúa, do gieo mà sanh ra gạo. Chưa hề có chuyện không gieo trồng mà thâu hoạch quả hạt. Gieo thiện được phước, phước tự họp về thân). Vì thế, đức Phật sắc truyền ngài Địa Tạng hãy khuyên trọn khắp chúng sanh: “Hãy nên học theo như thế”. Phần so sánh phước bố thí của vua, quan đã xong.

3.2.4.2.2.2.3.1.2. Nam nữ thí phuớc (phước bố thí của nam nữ)     

3.2.4.2.2.2.3.1.2.1. Tiêu Phật pháp trung phước lợi (nêu ra phước lợi trong Phật pháp)

(Kinh) Phục thứ Địa Tạng! Vị lai thế trung, nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung, chủng thiểu thiện căn, mao, phát, sa, trần đẳng hứa, sở thọ phước lợi, bất khả vi dụ.

()復次地藏未來世中若善男子善女人於佛法中種少善根毛髮沙塵等許所受福利不可為喻。

(Kinh: Lại này Địa Tạng! Trong đời vị lai, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân gieo chút thiện căn trong Phật pháp, dẫu bằng mảy lông, mảy tóc, hạt cát, hạt bụi v.v… sẽ hưởng phước lợi chẳng thể sánh ví được).

Vì sao trong Phật pháp, gieo [thiện căn] ít mà phước nhiều? Đại Luận nói: “Tuy có các thứ phước điền, Phật là phước điền bậc nhất, do vô lượng Phật pháp trọn đủ. Vì thế chỉ nói gieo [thiện căn] nơi Phật điền”. Do Phật điền mà có thể đạt được vô lượng quả báo, những ruộng phước khác tuy nói là vô lượng, nhưng đều kém hơn. Trong kinh Trường A Hàm, đức Phật bảo Bà-la-môn Cứu La Đàn Đầu (Kūṭadanta): “Thiên cập thế gian nhân, duy Phật vi tối thượng, dục cầu đại phước giả, đương cúng dường Tam Phật” (Trong trời, người, thế gian, chỉ Phật là tối thượng, muốn cầu phước to lớn, nên cúng dường Chánh Giác). Ấy là vì chúng sanh trong vô thỉ thế giới, chẳng biết bố thí Tam Bảo; vì thế, đều tận diệt. Tam Bảo có vô lượng pháp, cho nên bố thí cũng bất tận, ắt đạt được Niết Bàn. Do vậy, kinh Đại Thừa nói: “Nhược ư Phật, Pháp, Tăng, cúng dường nhất hương đăng, nãi chí hiến nhất hoa, tắc sanh Bất Động quốc” (Nếu nơi Phật, Pháp, Tăng, cúng dường một đèn, hương, thậm chí dâng một hoa, liền sanh cõi Bất Động). Cõi ấy thường trang nghiêm, không bị tam tai lay động. Ngài Diệu Lạc (tổ Kinh Khê Trạm Nhiên) nói: “Điều lành trong trời người đều có thể tạo thành nhân duyên”. Nay kinh này muốn thâu nhiếp những điều thiện bé tí từ vô thỉ đều hướng đến Bồ Đề. Nếu đã phát tâm, hễ có mảy may điều thiện, không gì chẳng phải là duyên nhân (緣因). Nay bổn nguyện của đức Địa Tạng nhằm khơi mở “điều thiện dẫu nhỏ nhoi cũng đều được phước” cho đời vị lai. “Bất khả dụ” (chẳng thể sánh ví): Chư Phật thành tựu vô tận công đức, cho nên gieo phước nơi các Ngài, phước cũng vô tận. Đại Luận viết: “Phật điền thanh tịnh, nhổ trừ những cỏ xấu phiền não như Ái v.v… Tịnh giới là đất bằng, đại từ bi là gạo tốt, trừ bỏ các cuộc đất mặn ác tà, ba mươi bảy phẩm là mương ngòi. Thập Lực, Tứ Vô Sở Úy, Tứ Vô Ngại Trí là tường vây quanh, có thể sanh ra quả báo tam thừa Niết Bàn, gieo trồng nơi ruộng vô thượng khôn sánh ấy, phước sẽ vô tận”. Vì thế, hưởng dụng phước lợi chẳng thể sánh ví được!

3.2.4.2.2.2.3.1.2.2. Giảo Phật pháp trung phước lợi (so sánh phước lợi trong Phật pháp)

3.2.4.2.2.2.3.1.2.2.1. Thí cúng thánh tượng phước (phước do bố thí cúng dường thánh tượng)

3.2.4.2.2.2.3.1.2.2.1.1. Trực minh thí phước (dạy thẳng về phước do bố thí)

(Kinh) Phục thứ Địa Tạng! Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ngộ Phật hình tượng, Bồ Tát hình tượng, Bích Chi Phật hình tượng, Chuyển Luân Vương hình tượng, bố thí cúng dường, đắc vô lượng phước, thường tại nhân thiên, thọ thắng diệu lạc.

()復次地藏未來世中若有善男子善女人遇佛形像菩薩形像辟支佛形像轉輪王形像布施供養得無量福常在人天受勝妙樂。

(Kinh: Lại này Địa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ Tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng Chuyển Luân Vương, bèn bố thí, cúng dường, sẽ được vô lượng phước, thường  sanh  làm  trời, người, hưởng  sự  vui  thù thắng mầu nhiệm).

Trước hết, nêu ra người bố thí; kế đó, nói đến thí điền. Bố thí, cúng dường là tu cái nhân thù thắng. “Thường tại nhân thiên” là cái quả vi diệu. Do Phật, Bồ Tát, Thanh Văn v.v… dạy mọi người thoát khổ, là kính điền của chúng sanh. Luân Vương tuy chưa thoát sanh tử, nhưng dùng Thập Thiện giáo hóa cõi đời, lại còn [bảo vệ] đất nước, chính là ân điền của lê dân. Vì thế, bố thí, cúng dường [Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật, Chuyển Luân Vương], đều được phước vô lượng. Đại Luận nói: “Tài vật là nhân duyên của ác tâm, hãy thường nên thí xả. Huống chi bố thí sẽ được đại phước, sao chẳng bố thí? Keo kiệt là tướng hung, suy, là điều lo âu, kinh sợ của chúng sanh. Dùng nước bố thí để rửa, ắt sẽ tạo phước lợi cho chúng sanh”. Vì thế, đạt được phước vô lượng. “Thường tại nhân thiên” chính là chỗ được phước. Vì sao kinh văn trước sau cứ nhắc mãi chuyện hưởng vui trong cõi trời và nhân gian? Theo Đại Luận, do trong cõi người kết sử nhẹ mỏng, tâm chán nhàm dễ sanh; trong thiên giới thì trí huệ nhạy bén. Vì thế, ở hai nơi ấy dễ đắc đạo, những đường khác không được như vậy!

Hơn nữa, nói đến Thiên thì bao gồm hết thảy các cõi trời, nói “người” thì bao gồm hết thảy những chúng sanh trên mặt đất. Vì sao vậy? Trên trời thì chư thiên là lớn, dưới đất thì con người là lớn. Do vậy, trước sau chỉ nói đến trời, người. “Một mực ở trong cõi trời, cõi người hưởng vui” rốt cuộc là nói đến niềm vui tịch diệt của giác pháp Bồ Đề Niết Bàn. Vì thế, Kim Quang Minh Kinh Sớ viết: “Dùng Nhân (người) để biểu thị ba mươi hiền vị (Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng), dùng Thiên để biểu thị địa vị thánh nhân Thập Địa, hưởng niềm vui của Đệ Nhất Nghĩa Thiên”. Đại Luận nói: “Người tu bố thí, tiếng tăm vang dội mười phương, được người trí kính yêu, mọi người chẳng sợ hãi, mạng chung sanh lên trời, lâu sau ắt đắc Niết Bàn” là nói đến chuyện này!

3.2.4.2.2.2.3.1.2.2.1.2. Hồi hướng phả dụ (hồi hướng có phước đức chẳng thể thí dụ được)

(Kinh) Nhược năng hồi hướng pháp giới, thị nhân phước lợi bất khả vi dụ.

()若能迴向法界是人福利不可為喻。

(Kinh: Nếu có thể hồi hướng pháp giới thì người ấy phước lợi chẳng thể thí dụ được).

Đại Luận viết: “Đức Phật dạy trong hai loại bố thí, Pháp Thí là bậc nhất. Do quả báo của Tài Thí có hạn lượng, còn quả báo của Pháp Thí thì vô lượng. Quả báo của Tài Thí là Dục Giới, Quả báo của Pháp Thí là trong tam giới, mà cũng là quả báo xuất tam giới. Nếu chẳng cầu tiếng tăm, tài lợi, thế lực, chỉ vì học Phật đạo, tâm từ bi rộng lớn, độ chúng sanh thoát khỏi nỗi khổ già, bệnh, chết, thì gọi là Pháp Thí thanh tịnh. Nếu chẳng phải như vậy thì là cách đổi chác ngoài chợ. Lại nữa, Bồ Tát biết Thật Tướng của các pháp như Niết Bàn bất tận, phước đức nhập vào Thật Tướng của các pháp, cho nên cũng bất tận”. Vì thế, phước lợi chẳng thể thí dụ được!

3.2.4.2.2.2.3.1.2.2.2. Thí cúng Đại Thừa phước (phước do bố thí, cúng dường Đại Thừa)

3.2.4.2.2.2.3.1.2.2.2.1. Trực minh thí phước (giảng ngay vào phước do bố thí)

(Kinh) Phục thứ Địa Tạng! Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ngộ Đại Thừa kinh điển, hoặc thính văn nhất kệ, nhất cú, phát ân trọng tâm, tán thán, cung kính, bố thí, cúng dường; thị nhân hoạch đại quả báo, vô lượng, vô biên.

()復次地藏未來世中若有善男子善女人遇大乘經典或聽聞一偈一句發殷重心讚歎恭敬布施供養是人獲大果報無量無邊。

(Kinh: Lại này Địa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân gặp kinh điển Đại Thừa, hoặc nghe một bài kệ, một câu, phát tâm trân trọng, tán thán, bố thí, cúng dường; người ấy đạt được phước báo vô lượng, vô biên).

“Ngộ” (遇) là gặp gỡ, là lời lẽ diễn tả sự vui mừng. Do Phật pháp khó nghe, khó ngộ, nay có dịp gặp gỡ, như kẻ đói gặp cỗ vua, vỗ bụng mà ca hát. Lúa sớm gặp mưa ngọt, bừng bừng mọc vót cao hơn! Nỗi vui mừng ấy làm sao diễn tả cho nổi! Đại Thừa tức là các kinh Phương Đẳng. Theo Khởi Tín Luận, có ba điều:

1. Một là Thể đại, tức là hết thảy các pháp Chân Như bình đẳng vì chẳng tăng giảm.

2. Hai là Tướng đại, tức là Như Lai Tạng trọn đủ vô lượng công đức nơi tánh.

3. Ba là Dụng đại, có thể sanh ra hết thảy các thiện nhân quả thế gian và xuất thế gian.

[Đại Thừa] vốn được hết thảy chư Phật ngự dụng; hết thảy các vị Bồ Tát đều ngồi xe pháp này để đạt đến địa vị Như Lai. Do là cỗ xe của bậc đại nhân xuất thế, nên gọi là Đại Thừa. “Người lắng nghe”: Kinh Đại Bát Niết Bàn dạy: “Thính pháp nhân duyên, tắc đắc cận ư Đại Bát Niết Bàn, dĩ khai pháp nhãn cố” (Do nhân duyên nghe pháp, sẽ được gần với Đại Bát Niết Bàn, do pháp nhãn đã được mở mang). Cõi đời có ba hạng người:

– Một là không có mắt. Ví như kẻ phàm phu thường chẳng nghe pháp.

– Hai là một mắt. Ví như Thanh Văn, tuy tạm thời nghe pháp, nhưng tâm chẳng trụ.

– Ba là hai mắt. Ví như Bồ Tát, chuyên tâm nghe pháp, hành đúng như pháp được nghe.

Do nghe pháp mà biết thế gian có ba hạng người như thế. Nay đã nghe chương cú ấy, tín tâm thanh tịnh, bèn sanh Thật Tướng pháp nhãn. Dẫu chỉ một kệ, một câu, vẫn tăng tấn Bồ Đề. Vì thế, cần phải phát tâm ân cần, tôn trọng, tán thán “nhân (người giảng nói, trùng tuyên), pháp”, cung kính, cúng dường, bố thí “nhân, pháp”. Vì thế, khéo cung kính kinh.

Đức Phật bảo ngài A Nan: “Nhược hữu tùng tha văn nhất tứ cú kệ, hoặc thư chi trúc bạch, sở hữu danh tự, ư nhược can kiếp, thủ bỉ hòa thượng, a-xà-lê đẳng, hà đảm kiên thượng, hoặc bối phụ, đảnh đới, thường tương nhất thiết âm nhạc chi cụ, cúng dường thị sư, thượng bất năng cụ báo sư ân. Nhược ư hòa thượng sở, khởi bất kính tâm, hằng thuyết ư quá, ngã thuyết ngu si, cực thọ đa khổ. Ư đương lai thế, tất đọa ác đạo. Thị cố, ngã giáo nhữ đẳng, thường hành cung kính tôn trọng chi tâm, ái trọng Tam Bảo thậm thâm chi pháp, tất hoạch vô lượng vô biên chi đại quả hỹ” (Nếu có người từ kẻ khác nghe một bài kệ bốn câu, hoặc viết trên tre, lụa, tất cả danh tự trong bao nhiêu kiếp đó, gánh vác hòa thượng, a-xà-lê v.v… của họ trên vai, hoặc cõng, đội trên đầu, thường dùng hết thảy các nhạc cụ cúng dường những vị thầy ấy, vẫn chẳng thể báo trọn ân thầy. Nếu đối với hòa thượng dấy lòng bất kính, thường nói lỗi của các vị đó, ta nói kẻ ấy ngu si, sẽ hứng chịu nhiều nỗi khổ tột cùng. Trong đời tương lai, ắt đọa ác đạo. Vì thế, ta dạy các ông hãy thường hành cái tâm cung kính, tôn trọng, yêu mến, trân trọng pháp rất sâu của Tam Bảo, ắt sẽ đạt được vô lượng vô biên đại quả).

***

[1] “Phi hành hoàng đế”: Theo Đinh Phước Bảo, Phi Hành Hoàng Đế là danh xưng khác của Chuyển Luân Thánh Vương, do nhà vua có thể dùng Luân Bảo để bay trên hư không.

[2] Tứ thời là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bát tiết là tám tiết khí trong Âm Lịch tức Lập Xuân, Xuân Phân, Lập Hạ, Hạ Chí, Lập Thu, Thu Phân, Lập Đông, và Đông Chí.

[3] Tát Bà Đa Luận có tên gọi đầy đủ là Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa (Sarvāstivāda-Vinayavibhāṣā) là tác phẩm chú giải Thập Tụng Luận theo quan điểm của phái Nhất Thiết Hữu Bộ. Tác phẩm này dịch sang tiếng Hán thành chín quyển, đã mất tên người dịch.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ