ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú
Quyển Hạ
“Nêu rõ trợ đạo để thành Phật”: Đã xưng niệm danh hiệu Phật, chánh hạnh đã thành, cần gì lại phải nói bố thí là trợ đạo? Theo Đại Luận, nghiệp tạo lợi ích để chuyển biến sanh tử luân chuyển không gì hơn bố thí! Vì lẽ nào vậy? Người thích bố thí tiếng thơm lưu truyền, tám phương tin yêu, không ai chẳng yêu kính. Ở trong đại chúng, chẳng sợ hãi, hay gặp khó khăn. Khi chết không hối tiếc: “Ta đã dùng tài vật để gieo trồng ruộng phước tốt lành, ta nhất định sẽ đạt được niềm vui sướng trong cõi trời người, ta ắt đạt được Niết Bàn môn”. Không chỉ là có thể mở ra ba niềm vui mà thôi, lại còn là chỗ để có thể mở ra vô lượng Phật đạo.
Do Lục Ba La Mật là Phật đạo, Đàn (Bố Thí) là môn đầu tiên, các hạnh khác đều tùy thuận. Bố thí như thế có vô lượng công đức; vì thế, đức Phật bảo: “Bố thí là nhân duyên trợ đạo đầu tiên”. Bởi lẽ, mạng người vô thường, tài vật như ánh chớp. Nếu kẻ khác chẳng xin, còn nên cho họ, huống hồ đã xin mà chẳng thí! Dùng sự ứng thí (bố thí thuận theo lời thỉnh cầu) ấy làm nhân duyên trợ đạo; do vậy, cần phải so sánh cái duyên bố thí, hòng giúp khơi mở Phật đạo.
3.2.4.2. Hiển trợ đạo thành Phật (nêu rõ trợ đạo để thành Phật)
3.2.4.2.1. Phẩm đề (tựa đề của phẩm kinh này)
(Kinh) Giảo lượng bố thí công đức duyên, phẩm đệ thập.
(經)較量布施功德緣,品第十。
(Kinh: Phẩm thứ mười: So sánh duyên công đức bố thí).
3.2.4.2.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)
3.2.4.2.2.1. Địa Tạng thỉnh giảo thí phước (ngài Địa Tạng thỉnh Phật so sánh phước bố thí)
3.2.4.2.2.1.1. Kinh gia tự nghi (người trùng tuyên kinh trần thuật)
(Kinh) Nhĩ thời, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, thừa Phật oai thần, tùng tòa nhi khởi, hồ quỳ, hiệp chưởng.
(經)爾時,地藏菩薩摩訶薩,承佛威神,從座而起,胡跪合掌。
(Kinh: Lúc bấy giờ, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nương vào oai thần của đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, hồ quỳ, chắp tay).
Ý nghĩa dễ hiểu.
3.2.4.2.2.1.2. Địa Tạng nghi thỉnh (ngài Địa Tạng thưa hỏi điều nghi)
(Kinh) Bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Ngã quán nghiệp đạo chúng sanh, giảo lượng bố thí, hữu khinh, hữu trọng, hữu nhất sanh thọ phước, hữu thập sanh thọ phước, hữu bách sanh, thiên sanh thọ đại phước lợi giả, thị sự vân hà? Duy nguyện Thế Tôn, vị ngã thuyết chi”.
(經)白佛言:世尊!我觀業道眾生,校量布施,有輕有重,有一生受福,有十生受福,有百生千生受大福利者,是事云何?唯願世尊,為我說之。
(Kinh: Bạch cùng đức Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Con quán nghiệp đạo chúng sanh, so sánh sự bố thí thì có nhẹ, có nặng, có người một đời hưởng phước, có người mười đời hưởng phước, có người trăm đời, ngàn đời hưởng đại phước lợi, chuyện ấy là như thế nào? Kính mong đức Phật hãy nói cho con).
“Nghiệp đạo”: Các hạnh gây tội như sát sanh v.v… được gọi là Hắc Hắc Nghiệp (黑黑業) và Bất Thiện Nghiệp. Các hạnh tạo phước như bố thí v.v… được gọi là Bạch Bạch Nghiệp (白白業) và Thiện Nghiệp. Nay trong các thiện nghiệp, giảng rõ chuyện “thí phước” (phước do bố thí), cho nên nói “ngã quán” (con thấy). Bố Thí có nhiều loại: Tài Thí, Pháp Thí, Tục Thí, Đạo Thí. “Khinh trọng giảo lượng” (so sánh nặng nhẹ) như đã giải thích trong phần Luân Quán. Hai chữ “thọ phước” (受福, hưởng phước) chính là chuyện trọng yếu nhất trong thế gian và xuất thế gian, đều do bố thí mà đạt được. Lời hỏi này của Đại Sĩ thật là toa thuốc hay để thoát khổ, là pháp căn để thành Phật. Câu “thị sự vân hà” (chuyện ấy là như thế nào) chính là nghi vấn: Cái nhân bố thí như nhau, cớ sao hưởng phước khác nhau?
Hỏi: Ngài Địa Tạng thật sự không hiểu ư? Hay là vì chúng sanh [mà thưa hỏi]?
Đáp: Ngài thật sự biết, hay thật sự chẳng biết, phàm tình chẳng thể suy lường được! Nếu xét theo kinh Tạp Tạng, xưa kia có người đến chùa Ba La Đề Mộc Xoa, nhặt được hoa của cây Am La (Āmra, còn gọi là Am Ba La, tức hoa xoài), có màu như chất vàng. Cầm hoa ấy vào tháp Phật, thấy tướng hảo của tượng Thích Ca Mâu Ni Phật, liên tục nghĩ đến công đức của Phật, tâm sốt sắng, rởn cả lông tóc, liền đem hoa dâng lên Phật. Người ấy bước ra, hỏi một đạo nhân: “Dùng một đóa hoa rải lên Phật, được phước cỡ nào?” Đáp: “Chuyện sâu thẳm như vậy, tôi chẳng thể biết. Hãy nên hỏi người đọc kinh”. Người ấy liền đi hỏi, được trả lời: “Tôi không có thần thông Thiên Nhãn, chẳng thể thấy biết quả báo. Ông hãy nên hỏi bậc La Hán tọa Thiền có sáu môn thần thông”. Người ấy liền đến hỏi, A La Hán bèn vì người ấy quán tưởng, thấy người ấy xả thân này, sẽ lần lượt thọ thân phước đức trên trời và trong loài người, cho đến tám vạn đại kiếp, phước vẫn chưa hết. Qua khỏi số ấy, lại chẳng thể biết. Liền sai hóa nhân đến chỗ đức Di Lặc, hỏi người ấy đắc quả báo cỡ nào? Đức Di Lặc bảo: “Không thể biết! Dẫu hàng Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát nhiều như cát sông Hằng còn chẳng thể biết, huống hồ một mình ta! Đức Phật có vô lượng công đức, phước điền hết sức tốt lành, đủ mọi quả báo vô tận. Đợi cho đến khi ta thành Phật trong tương lai thì mới có thể biết được!” Theo đó, dẫu đức Địa Tạng thật sự chẳng biết, ai dám nói “chẳng phải vậy”. Vì thế, Ngài ngưỡng mong đức Thế Tôn hãy vì Ngài nói ra, khiến cho đời sau biết phước bố thí là như thế nào!
3.2.4.2.2.2. Như Lai đối chúng giảo lượng (Như Lai đối trước đại chúng so sánh)
3.2.4.2.2.2.1. Giới thính hứa thuyết (răn dạy hãy nghe, hứa nói)
(Kinh) Nhĩ thời, Phật cáo Địa Tạng Bồ Tát: – Ngô kim ư Đao Lợi thiên cung, nhất thiết chúng hội, thuyết Diêm Phù Đề bố thí, giảo lượng công đức khinh trọng. Nhữ đương đế thính, ngô vị nhữ thuyết.
(經)爾時佛告地藏菩薩:吾今於忉利天宮,一切眾會,說閻浮提布施,較量功德輕重。汝當諦聽,吾為汝說。
(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Địa Tạng Bồ Tát: – Ta nay ở trong hết thảy đại chúng tụ hội trên cung trời Đao Lợi, nói so sánh công đức nặng nhẹ của bố thí trong Diêm Phù Đề. Ông nên lắng nghe, ta sẽ vì ông nói).
Đây là đáp thẳng vào lời hỏi. Do người Diêm Phù Đề có thể hành bố thí, ắt được quả báo sanh lên trời, cho nên đức Phật đối trước đại chúng nơi thiên cung, nói công đức bố thí nặng hay nhẹ. “Đương đế thính” (hãy nên lắng nghe): Nghiệp bố thí chính là nguồn cội của các hạnh. Hơn nữa, tài vật vô thường, năm nhà[1] tranh đoạt. Phàm ngu keo tiếc, chẳng có tâm xả, khiến cho vợ con trừng mắt, anh em bất hòa, quyến thuộc chống đối, xa lìa, thân bằng xa cách, tuyệt giao. Tội khiên dường ấy quả thật là do keo tham làm gốc. Vì thế, cần phải chắc thật nghe ta tuyên nói phước bố thí.
3.2.4.2.2.2.2. Nhân nghi nguyện văn (do nghi mà mong nghe nói)
(Kinh) Địa Tạng bạch Phật ngôn: “Ngã nghi thị sự, nguyện nhạo dục văn”.
(經)地藏白佛言:我疑是事,願樂欲聞。
(Kinh: Ngài Địa Tạng bạch cùng đức Phật: “Con nghi chuyện ấy, mong thích được nghe”).
3.2.4.2.2.2.3. Chánh thân giảo lượng (giảng rõ sự so lường)
3.2.4.2.2.2.3.1. Chánh giảo (phần so lường)
3.2.4.2.2.2.3.1.1. Vương thần thí phước (phước bố thí của vua quan)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1. Chánh giảo đa thiểu (so sánh nhiều ít)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.1. Thí ty liệt căn khuyết phước (phước do thí cho kẻ hèn kém, tàn tật)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.1.1. Minh thí nhân tôn (nói rõ sự tôn quý của người thí)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.1.1.1. Năng thí chủ (vị thí chủ có thể bố thí)
(Kinh) Phật cáo Địa Tạng Bồ Tát: – Nam Diêm Phù Đề, hữu chư quốc vương, tể phụ, đại thần, đại trưởng giả, đại Sát-lợi, đại Bà-la-môn đẳng.
(經)佛告地藏菩薩:南閻浮提,有諸國王,宰輔大臣,大長者,大剎利,大婆羅門等。
(Kinh: Đức Phật bảo Địa Tạng Bồ Tát: – Nam Diêm Phù Đề có các quốc vương, tể phụ, đại thần, đại trưởng giả, đại Sát-lợi, đại Bà-la-môn v.v…)
“Đẳng” là nói đến các cư sĩ. Đại Luận, quyển ba mươi hai chép: “Nếu có người do bố thí và trì giới, sẽ sanh trong nhà Sát-lợi. Nếu tuân theo kinh sách trí huệ, chẳng não hại chúng sanh, do bố thí và trì giới, sẽ sanh trong gia đình Bà-la-môn”. “Cư sĩ” (Gṛhapati): Còn trẻ mà đã giàu to. Đấy là do phước bố thí xưa kia, nay cảm quả báo phú quý.
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.1.1.1. Sở thí điền (ruộng bố thí, tức đối tượng nhận bố thí)
(Kinh) Nhược ngộ tối hạ bần cùng, nãi chí lung, tàn, ấm, á, lung, si, vô mục, như thị chủng chủng bất hoàn cụ giả.
(經)若遇最下貧窮,乃至癃殘瘖瘂,聾癡無目,如是種種不完具者。
(Kinh: Nếu gặp kẻ bần cùng hèn hạ nhất, cho đến những kẻ già nua bệnh hoạn, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngây, không có mắt, đủ loại những người chẳng trọn vẹn như thế).
Đấy chính là bi điền (悲田, ruộng phước do từ bi), càng đáng nên gieo phước. “Tối hạ bần cùng” (kẻ bần cùng hèn kém nhất): Nêu ra kẻ hèn kém nhất trong loài người. Đấy chính là thân đời sau của kẻ làm ác, không bố thí. Vì thế, kinh Đại Ái Đạo dạy: “Hữu tài bất thí, thế thế thọ bần. Dĩ tiền thế hoặc hứa thí bần giả, linh tha hoan hỷ, hậu hối bất dữ. Cố chiêu tối hạ bần cùng chi báo” (Có của cải mà chẳng bố thí, đời đời nghèo khó. Do đời trước hứa bố thí người nghèo khiến cho họ hoan hỷ; sau đó hối hận không cho. Vì thế, chuốc lấy quả báo bần cùng hèn kém nhất). “Lung tàn”: “Lung” (癃): Bệnh tật vì già cả. Bình Nguyên Truyện[2] chép: “Thần bất hạnh, hữu bì lung chi tật” (Thần không may, suy nhược, già bệnh). Lại nữa, lưng gù là Lung, như Châu Công gù lưng. Lại nữa, bàng quang chẳng hoạt động đúng cách (bí tiểu), cũng gọi là Lung. “Tàn” (殘) là các chi thể chẳng đầy đủ. “Ấm á” (瘖瘂, rụt lưỡi, câm) là miệng chẳng thể nói. “Lung” (聾, điếc) là chẳng nghe được. “Si” (癡) thì chẳng phân biệt. “Vô mục” (không có mắt) sẽ chẳng thấy vật. Họ là những kẻ đáng thương nhất trong loài người. Đấy là do đời trước thấy người đến xin bèn nhăn nhó, cau có, ác khẩu chửi bới, hoặc có lúc roi, vọt, hoặc tự mình chẳng tin bố thí, thấy người khác bố thí chẳng thể tùy hỷ, ngược ngạo sanh lòng hủy báng, chê gièm, khiến cho kẻ ấy chẳng tin vào bố thí. Hoặc tài vật trong nhà là do vợ con cùng cảm vời, nhiều người có phần, chính mình phạm lỗi keo kiệt, độc chiếm để sử dụng, chẳng chịu bố thí rộng rãi, chướng ngại người khác tu phước, ác sâu, tội nặng, cho nên cảm quả báo này. Kinh dạy: “Yếu quán tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Yếu tri hậu thế quả, kim sanh tác giả thị” (Muốn thấy cái nhân trong đời trước thì những gì phải hứng chịu trong đời này chính là nó. Muốn biết cái quả trong đời sau, những gì đã làm trong đời này chính là nó). Phước báo như ảnh [theo hình], như tiếng vang [ứng theo âm thanh], chớ nên không biết!
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.1.2. Hiển thí phước thắng (nêu rõ phước thù thắng do bố thí)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.1.2.1. Chánh minh năng thí từ bi (nói rõ do lòng từ bi có thể bố thí)
(Kinh) Thị đại quốc vương đẳng, dục bố thí thời, nhược năng cụ đại từ bi, hạ tâm hàm tiếu, thân thủ biến bố thí, hoặc sử nhân thí, nhuyễn ngôn ủy dụ. Thị quốc vương đẳng sở hoạch phước lợi, như bố thí bách Hằng hà sa Phật công đức chi lợi.
(經)是大國王等,欲布施時,若能具大慈悲,下心含笑,親手徧布施,或使人施,輭言慰喻。是國王等所獲福利,如布施百恆河沙佛功德之利。
(Kinh: Hàng đại quốc vương, đại thần v.v… ấy khi muốn bố thí, nếu có lòng đại từ bi, rủ lòng mỉm cười, tự tay bố thí trọn khắp, hoặc sai người khác thí, dùng lời mềm mỏng an ủi, phủ dụ, thì hàng quốc vương, đại thần v.v… ấy đạt được phước lợi như lợi ích do công đức bố thí một trăm Hằng hà sa Phật).
“Cụ đại từ bi” (có lòng đại từ bi): Nêu ra cái gốc của bố thí. Dùng cái vốn sẵn có để ban vui, dẹp khổ thì là Cụ (具, sẵn đủ). Hướng đến chuyện làm lành, bố thí là Năng (能, có thể). Chẳng chọn lựa cao, thấp là Đại. Kinh Tu Đạt Đa dạy: “Nãi chí ư nhất chúng sanh hành ư từ bi, chí cấu ngưu khoảnh, thử đắc phước đa” (Cho đến đối với một chúng sanh mà thể hiện lòng từ bi, dẫu chỉ trong khoảng thời gian chừng bằng vắt sữa bò, sẽ đạt được nhiều phước). Đấy là có thể điều phục cái tâm, từ bi xót thương chúng sanh, làm bất cứ điều gì cũng đều thành đại thiện. Nếu chấp tướng để tu phước thì trong tâm thô tháp, bề ngoài vi tế, chỉ thành tạp nghiệp (các nghiệp xen tạp, chẳng phải là thuần thiện nghiệp)!
Từ chữ “hạ tâm” (rủ lòng) trở đi hiển thị chỗ thể hiện lòng từ bi. “Hạ tâm” tức là chẳng màng thân phận tôn quý đến chỗ kẻ kém hèn. “Hàm tiếu” (mỉm cười): Thể hiện hỷ xả, không có lòng keo tiếc. Kinh Địa Trì nói: “Nhược thí hạ lưu, bất khởi khinh tưởng” (Nếu thí cho kẻ thấp kém, chẳng dấy lên ý tưởng khinh thường) là nói đến chuyện này. “Thân thủ” (tự tay trao cho): Quên mình phú quý, thương xót những kẻ bần tiện mà bố thí. Như đức Phật bảo ông Tu Đạt: “Ưng chí tâm thí, tín tâm thí, tùy thời thí, tự thủ thí, như pháp thí” (Hãy nên chí tâm bố thí, do tín tâm mà bố thí, thí bất cứ lúc nào, đích thân bố thí, thí đúng pháp).
“Nhuyễn ngôn ủy dụ” (dùng lời lẽ mềm mỏng an ủi, phủ dụ) bao gồm hai ý:
– Một là khi sai kẻ khác thay mình bố thí, bèn dùng lời lẽ mềm mỏng an ủi, khuyên dụ: “Hãy vì ta mà bố thí cho khéo, đừng khinh mạn”. Hai là tự mình thí, hay sai người khác thí, đều dùng lời lẽ mềm mỏng để an ủi, khuyên dụ người trước. Đó gọi là “chỉ mong nhân giả, đừng sanh tâm oán hận”.
Kinh Xử Thai dạy: “Cúng dường chư phước điền, bất tuyển tất hiền thánh, hành thí tác phước nghiệp, bất tuyển trạch cao hạ. Thử phước thánh sở thí, tối tôn vi đệ nhất” (Cúng dường các phước điền, chẳng cần phải chọn đối tượng được thí phải là bậc hiền thánh. Bố thí, tạo phước nghiệp, chẳng lựa chọn cao, thấp. Phước ấy ví như bố thí cho bậc thánh, là tôn quý bậc nhất). Vì thế, đạt được lợi ích giống như công đức bố thí một trăm Hằng hà sa Phật, do cái tâm bình đẳng không phân biệt. Như cư sĩ Duy Ma bảo trưởng giả Thiện Đức: “Nhược thí chủ đẳng tâm thí nhất tối hạ khất nhân, do như Như Lai phước điền chi tướng, vô sở phân biệt, đẳng ư đại bi, bất cầu quả báo. Thị tắc danh viết cụ túc pháp thí” (Nếu thí chủ dùng cái tâm bình đẳng thí cho một kẻ ăn mày hèn kém nhất giống hệt như tướng phước điền của Như Lai, chẳng hề phân biệt, đại bi bình đẳng, chẳng cầu quả báo. Đó gọi là “trọn đủ pháp thí”), phù hợp khít khao với đoạn kinh văn này.
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.1.2.2. Chuyển thích sở thí ty liệt (giải thích sự hèn kém của người được thí)
(Kinh) Hà dĩ cố? Duyên thị quốc vương đẳng, ư thị tối bần tiện bối, cập bất hoàn cụ giả, phát đại từ tâm. Thị cố phước lợi hữu như thử báo, bách thiên sanh trung, thường đắc thất bảo cụ túc, hà huống y thực, thọ dụng?
(經)何以故?緣是國王等,於是最貧賤輩,及不完具者,發大慈心。是故福利有如此報,百千生中,常得七寶具足,何況衣食受用?
(Kinh: Vì sao vậy? Vì những vị quốc vương ấy, đối với kẻ bần tiện nhất, và những người tàn khuyết, đã phát tâm đại từ. Vì thế, có phước lợi báo ứng như thế, trong trăm ngàn đời, thường được bảy báu trọn đủ, huống hồ là áo cơm, các sự hưởng thụ ư?)
Phần đầu của đoạn kinh văn này chỉ rõ: Bố thí đúng pháp. Từ chữ “thị cố” (vì thế) trở đi, chỉ rõ: Đạt được quả báo thù thắng. Kinh Địa Trì nói: “Bồ Tát tự lượng tài vật đa thiểu, tùy kỳ sở ưng, nhi hành huệ thí. Kiến lai cầu giả, hữu nhị chủng nhân: Nhất giả, phi thị bần hạ, cô độc, vô sở y hỗ. Nhị giả, bần khổ, cô quỳnh, hạ tiện, vô sở y hỗ. Tác thị niệm ngôn, nhược ngã tài đa, đương linh câu túc. Nhược tài thiểu giả, tiên đương châu cấp bần khổ hạ tiện vô y thị giả” (Bồ Tát tự cân nhắc tài vật nhiều hay ít, thuận theo lẽ thích đáng để bố thí rộng rãi. Thấy những người đến xin có hai hạng người: Một, chẳng phải là kẻ nghèo túng, hèn kém, cô độc, không nơi nương tựa. Hai là kẻ nghèo khổ, trơ trọi, hèn kém, không nơi nương tựa. Nghĩ như thế này: “Nếu ta có nhiều tài vật, sẽ làm cho ai nấy đều được trọn đủ. Nếu tài vật ít, trước hết hãy nên châu cấp cho kẻ nghèo khổ, hèn kém, không nơi nương tựa”). Đấy là lòng Từ riêng hướng về chúng sanh khổ não để bố thí, châu cấp. Vì thế, đạt được phước báo trong trăm ngàn đời, bảy báu tôn quý còn có thể thường được trọn đủ, huống hồ những thứ thọ dụng cơm áo tầm thường ư?
Ấy là vì người hành bố thí có trí hay ngu sai khác, cảnh bố thí có bi và kính khác biệt. “Bi” là nghèo khổ, “kính” là Tam Bảo. Bi thì ruộng phước kém, nhưng tâm thù thắng. Kính thì ruộng phước thù thắng, nhưng tâm kém hơn. Nếu xét theo tâm thù thắng, thì thí Phật (cúng dường Phật) không bằng thí cho người nghèo. Vì thế, kinh Tượng Pháp Quyết Nghi nói: “Hữu chư chúng sanh, kiến tha tụ tập, tác chư phước nghiệp, đản cầu danh văn, khuynh gia tài vật, dĩ dụng bố thí, cập kiến bần khổ, cô cùng, ha mạ, khu xuất, bất tế nhất hào, danh vi điên đảo tác thiện, bất chánh tác phước. Như thử nhân đẳng, thậm khả lân mẫn, dụng tài thậm đa, hoạch phước thậm thiểu” (Có các chúng sanh, thấy họ tụ tập, làm các phước nghiệp, chỉ mong được tiếng, dốc sạch tài vật trong nhà để bố thí, và thấy kẻ nghèo, khổ, cô độc, cùng quẫn, bèn chửi mắng, xua đuổi, chẳng giúp đỡ mảy may. Đó gọi là làm lành điên đảo, làm phước bất chánh. Những kẻ như thế, rất đáng thương xót, dùng tài vật thật nhiều, được phước cực ít). Nay đã sanh lòng thương xót đối với bi điền, tự nhiên phước báo do bố thí sẽ kéo dài trong nhiều đời sau!
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.2. Thí tháp tự, thánh tượng phước (phước do bố thí nơi chùa tháp, thánh tượng)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.2.1. Năng sở thí (người thí và đối tượng được thí)
(Kinh) Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế, hữu chư quốc vương chí Bà-la-môn đẳng, ngộ Phật tháp tự, hoặc Phật hình tượng, nãi chí Bồ Tát, thanh văn, Bích Chi Phật tượng, cung tự doanh biện, cúng dường, bố thí.
(經)復次地藏!若未來世,有諸國王至婆羅門等,遇佛塔寺,或佛形像,乃至菩薩,聲聞,辟支佛像,躬自營辦,供養布施。
(Kinh: Lại này Địa Tạng! Nếu trong đời vị lai, có các quốc vương cho đến Bà-la-môn v.v… gặp tháp, chùa thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến tượng Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật, cung kính tự lo liệu cúng dường, bố thí).
Trước tiên, [kinh văn nói về] người hành bố thí. Từ “ngộ Phật tháp” (gặp tháp thờ Phật) trở đi, chính là “thí điền” (ruộng thí, tức đối tượng để bố thí). Tháp chứa xá-lợi, chùa thờ thánh tượng. Phước báo do trang hoàng hay tạc tượng đã được nói cặn kẽ trong các kinh luận. Nay gặp tượng bèn cúng dường, vun bồi phước nơi kính điền (đời Đông Tấn, một viên quan nổi danh là Đào Khản, tự Sĩ Hành, trấn nhậm Nam Hải. Có người đánh cá mỗi tối thấy bãi biển tỏa sáng; do vậy, bèn bẩm báo với Đào Khản, xin cho người đi tìm. Bỗng thấy tượng vàng dập dềnh bên bờ. Kiểm bài minh khắc trên lưng tượng, thì ra là tượng Văn Thù Bồ Tát do A Dục Vương tạo. Xưa kia, vua A Dục thống lãnh châu này, học theo Quỷ Vương đặt ra tù ngục, tàn khốc quá sức. Ngài Văn Thù bèn hiện thân trong vạc, lửa bốc bừng bừng, nước trong vắt, sanh ra hoa sen xanh. Tâm vua lãnh ngộ, ngay hôm ấy, hủy các ngục, tạo tám vạn bốn ngàn tháp, tạo lập hình tượng. Đó là lần thứ nhất [Bồ Tát ứng hiện]. Sa-môn Huệ Viễn cung thỉnh tượng về thờ trên gác tại chùa Đông Lâm. Cuối đời Tùy, giặc giã nổi lên. Một vị lão tăng [tính đi lánh nạn], đến bái biệt tượng, tượng nói: “Ông tuổi đã già, cứ ở lại”. Khi ấy, giặc vào núi sục sạo tìm vàng. Ông Tăng nói: “Không có”. Giặc bèn lấy lửa nướng. Ông Tăng nói: “Tăng bị nướng chết, hôi thối bẩn thỉu chốn già-lam, sao bằng lôi ra ngoài chùa?” Giặc lôi ra ngoài, toan giết, ông Tăng nói: “Tuổi đã bảy mươi, chẳng phụ lời Phật dạy”, bèn giữ chánh niệm, duỗi cổ, chờ chúng xuống đao. Giặc thấy sư duỗi cổ, liền chém xuống. Đao văng ngược lên, đâm vào tim thằng giặc, mũi đao ló ra đằng lưng. Bọn giặc rùng rùng bỏ chạy, tới chỗ mộ ngài Huệ Viễn, khi ấy, trời đang sáng sủa, bỗng có mây đen kịt phủ xuống, sấm sét bủa bốn bề, đánh trúng sáu thằng giặc. Do vậy, bọn giặc chẳng dám vào núi. Thụy tượng linh ứng, sao mà vòi vọi đến thế).
Theo Đại Trí Độ Luận chép, một vị tỳ-kheo hỏi đức Phật về chuyện xuất gia chứng quả của ngài Tôn Đà La Nan Đà (Sundara-nanda)[3]. Đức Phật bảo tỳ-kheo: “Sau khi Tỳ Bà Thi Phật nhập Niết Bàn, khi đó, Nan Đà làm một vị đại trưởng giả. Ở trong tháp miếu của một vị Bích Chi Phật, đã dùng màu xanh và phấn đen tô tường, vẽ hình tượng Bích Chi Phật. Do vậy, phát nguyện đời đời sanh trong nhà tôn quý, thân tướng kim sắc, gặp Phật, đắc đạo. Từ đấy, suốt chín mươi mốt kiếp, chẳng đọa ác đạo. Ở trên cõi trời, hay trong loài người, thân thể đoan chánh, có ba mươi tướng, tôn quý, quyền thế, phú quý. Ngày nay, sanh cùng thời với ta, xuất gia, đắc đạo”. Cúng thí Bích Chi Phật như thế, công đức còn được như vậy, huống hồ [cúng dường] tượng Bồ Tát ư? Huống hồ [cúng dường] tượng Như Lai ư? Sừng tê giác được ánh trăng chiếu vào còn sanh ra hoa văn, voi bị tiếng sấm kinh động, ngà sẽ nổi đốm. Đạo cảm ứng lẽ thường như thế, nếu gặp phước điền, há chịu để luống qua.
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.2.2. Hiển sở thí phước (nêu rõ phước do bố thí)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.2.2.1. Tam kiếp thọ Đế Thích lạc (ba kiếp hưởng niềm vui làm Đế Thích)
(Kinh) Thị quốc vương đẳng, đương đắc tam kiếp vi Đế Thích thân, thọ thắng diệu lạc.
(經)是國王等,當得三劫為帝釋身,受勝妙樂。
(Kinh: Hàng quốc vương, đại thần v.v… ấy sẽ ba kiếp làm thân Đế Thích, hưởng sự vui sướng mầu nhiệm thù thắng).
“Các hàng quốc vương, đại thần v.v… gặp chùa, tháp, tượng Phật v.v… bèn cúng dường, cảm phước báo sanh làm Đế Thích, Phạm Vương”: Như đối với câu kinh văn Pháp Hoa “nhược nhân ư tháp miếu, họa tượng” (nếu có ai đối với tháp, miếu, tượng vẽ), [Trí Giả] đại sư đã dựa theo chuyện dùng các trần cúng dường để giảng rõ nghiệp sanh thiên. Vì thế, cảm báo sanh làm Đế Thích, Phạm Vương. Theo kinh Trung A Hàm, tỳ-kheo bạch Phật: “Do nhân duyên gì mà tên là Thích Đề Hoàn Nhân?” Đức Phật bảo tỳ-kheo: “Bổn vi nhân thời, Sa-môn, Bà-la-môn bần cùng khốn khổ, thí dĩ ẩm thực, tiền tài, đăng minh đẳng. Dĩ kham năng cố, danh Thích Đế Hoàn Nhân” (Do lúc ông ta làm người, đối với các Sa-môn và Bà-la-môn nghèo túng, khốn khổ, đã thí thức ăn, tiền tài, đèn chiếu sáng v.v… Do có thể kham làm chuyện ấy, nên tên là Thích Đề Hoàn Nhân). Nay đã cúng thí hình tượng Phật v.v… ắt sẽ cảm báo sanh [làm Đế Thích] chẳng nghi!
“Tam kiếp” là ba tiểu kiếp. Dựa theo nhân để cảm, chỉ có đức Phật có thể biết! “Thọ thắng diệu lạc” được chép tường tận trong phẩm Đao Lợi Thiên của kinh Thế Ký. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Tam thập tam thiên thọ ngũ dục lạc, dụ như Kim Luân Vương sở thọ chi lạc, tỷ ư thiên lạc, thập lục phần trung bất cập nhất” (Tam Thập Tam Thiên (trời Đao Lợi) hưởng sự vui sướng ngũ dục, ví như đem sự vui sướng mà Kim Luân Vương được hưởng so với niềm vui trên cõi trời thì chẳng bằng một phần mười sáu).
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.2.2.2. Thập kiếp vi Đại Phạm Vương (mười kiếp làm Đại Phạm Vương)
(Kinh) Nhược năng dĩ thử bố thí phước lợi, hồi hướng pháp giới.
(經)若能以此布施福利,迴向法界。
(Kinh: Nếu có thể đem phước lợi bố thí ấy hồi hướng pháp giới).
Hễ tu hành, ắt phải hồi hướng, như tiếng vọng từ [tù và làm bằng] sừng [trâu, bò] sẽ lớn, chén nước đổ vào biển sẽ chẳng cạn khô, vật nhỏ dâng lên vua sẽ được báo đáp nhiều. Vì thế, cần phải hồi hướng. Có ba ý:
– Một là hồi Sự hướng Lý; bởi lẽ, Lý trọn đủ thì mới có Sự dụng (khởi tác dụng nơi Sự). Nay hồi cái tâm này hướng đến Thật Tế.
– Hai là hồi Tự hướng Tha. Xưa kia đối với “Lý trọn khắp” bèn mê muội, chỉ dùng điều thiện để trang nghiêm bản thân. Nay thuận theo bổn tánh, hồi hướng chúng sanh.
– Ba là hồi Nhân hướng Quả. Điều thiện mảy may nơi ba nghiệp đều thành duyên nhân và liễu nhân. Nhân ắt hiển quả, đồng quy Tam Đức rốt ráo.
Từ ngữ Đạt Ma Đà Đô (Dharmdhātu) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Pháp Giới. Nay xoay chuyển những gì ta đã tu hướng về pháp giới, như kinh dạy: “Thiết duy ngã sở tu, thí đẳng chư thiện căn, giai y pháp giới lưu. Thị chư Phật sở hành” (Chỉ đem thiện căn của những gì ta đã tu như Thí, Giới v.v… đều lưu nhập pháp giới, thì là sở hành của chư Phật). Theo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa, đó chính là mười pháp giới, Thể của chúng là Tam Đế. Do con số Mười đều y theo pháp giới, ngoài pháp giới chẳng còn có pháp nào nữa. Gọi gộp chung Năng và Sở lại, cho nên nói là “mười pháp giới”. Hồi Sự hướng Lý tức là Chân Đế Không giới, vì mười pháp giới đều là Không. Hồi Tự hướng Tha, tức là Tục Đế Giả giới, vì mười pháp giới đều là Giả. Hồi Nhân hướng Quả, tức là Trung Đế Trung giới, vì mười pháp giới đều là Trung. Do vậy biết “mười” đều chính là pháp giới, gồm thâu hết thảy các pháp. Ngài Thanh Lương nói “pháp giới chính là bản thể nơi thân tâm của hết thảy chúng sanh”. Không tức là Giả và Trung, chẳng phải là một, hai, ba, thống nhiếp vạn hữu, chính là nhất tâm. Vì thế, cần phải hồi hướng pháp giới.
(Kinh) Thị đại quốc vương đẳng ư thập kiếp trung, thường vi Đại Phạm thiên vương.
(經)是大國王等於十劫中,常為大梵天王。
(Kinh: Những người như vị đại quốc vương ấy trong mười kiếp thường làm Đại Phạm thiên vương).
Tiếp đó là nói tới quả báo cảm vời. “Đại quốc vương đẳng” (những người như vị đại quốc vương v.v…) là nói đến người thí. Do khéo tu bố thí, chẳng tham chấp chuyện ấy. Vì thế, chuyện bố thí tuy giống nhau, nhưng quả báo do bố thí khác nhau, vì hồi hướng và không hồi hướng [khác biệt]. “Mười kiếp làm Đại Phạm thiên vương”: Theo A Tỳ Đàm Luận, trời Sơ Phạm thọ nửa kiếp, Phạm Phước Lâu Thiên thọ một kiếp. Đại Phạm thọ một kiếp rưỡi. Theo Pháp Uyển Châu Lâm, trong Dục Giới thọ một kiếp, tức là tiểu kiếp. Thọ kiếp của ba tầng trời thuộc Sơ Thiền là trung kiếp. Thọ kiếp từ Nhị Thiền trở lên là một đại kiếp. Theo đó, mười kiếp [trong đoạn kinh văn] này là trung kiếp, lần lượt hưởng phước trong Phạm Thiên của Sắc Giới Thiên. Đại Luận nói: “Tâm thanh tịnh bậc nhất, cho nên sanh trong Đại Phạm Thiên”. Trung A Hàm nói bốn thứ phạm phước (phước báo nơi các tầng trời có chữ Phạm Chúng, Phạm Phụ, Đại Phạm v.v…) Nếu có ai tin tưởng, có thể dựng thâu-bà (Stūpa, tháp)[4], sẽ là loại phước thứ nhất sanh trong Phạm Thiên. Nếu có ai tu bổ chùa cũ, sẽ là loại phước thứ hai sanh trong Phạm Thiên. Nếu ai có thể hòa hợp thánh chúng, sẽ là loại phước thứ ba sanh trong Phạm Thiên. Nếu đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên, chư thiên hoặc người đời khuyến thỉnh, sẽ là loại phước thứ tư sanh trong Phạm Thiên. Tỳ-kheo bạch rằng: “Phước trong Phạm Thiên rốt cuộc là bao nhiêu?” Đức Phật dạy: “Tất cả công đức của chúng sanh trong cõi Diêm Phù, tính lần lượt như thế, từ phước của Tứ Thiên Hạ (nhân gian) cho đến Tha Hóa Tự Tại Thiên đều chẳng bằng phước của một vị Phạm Thiên”. Do vậy, biết là bố thí hồi hướng khác xa những loại bố thí trước đó. Nếu có thể tam luân (người bố thí, người nhận bố thí, và vật được bố thí) vốn vắng lặng, tứ tướng[5] vốn là Không, vô trụ sanh tâm, sanh tâm vô trụ, sẽ tương ứng với Bát Nhã, có thể trọn đủ Đàn Ba La Mật. Vì thế nói: “Không gì chẳng từ pháp giới này lưu xuất, không gì chẳng trở về pháp giới này”, ắt thành Phật chẳng ngờ chi nữa!
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.3. Thí tu bổ kinh tượng phước (phước do bố thí để tu bổ kinh tượng)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.3.1. Minh tu nhân (nói về tu nhân)
3.2.4.2.2.2.3.1.1.1.3.1.1. Tự tu bổ kinh tượng (tự tu sửa kinh tượng)
(Kinh) Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế, hữu chư quốc vương, chí Bà-la-môn đẳng, ngộ tiên Phật tháp miếu, hoặc chí kinh tượng, hủy hoại, phá lạc, nãi năng phát tâm tu bổ.
(經)復次地藏!若未來世,有諸國王,至婆羅門等,遇先佛塔廟,或至經像,毀壞破落,乃能發心修補。
(Kinh: Lại này Địa Tạng! Nếu đời vị lai có các quốc vương, cho đến hàng Bà-la-môn v.v… gặp tháp miếu thờ Phật từ trước, cho đến kinh tượng bị hủy hoại, hư nát, rơi rớt, bèn có thể phát tâm tu bổ).
Tốt Đổ Ba (Stūpa) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Miếu. Miếu (廟) có nghĩa là Mạo (貌), ý nói “phảng phất tướng mạo của Phật, Bồ Tát v.v…” Xét ra, tháp miếu có ba ý:
– Một là biểu thị sự thù thắng trong loài người.
– Hai là khiến cho người khác sanh lòng tin.
– Ba là để báo ân.
Vì thế, bảo tháp ẩn chứa quang minh, tinh xá tô vẽ hình tượng, tạo dựng thuyền bè trong biển khổ, là cội chánh cho tín căn, khiến người ta nhìn vào sẽ phát tâm, những kiến chấp liền quên bẵng. Tăng phước, sanh thiện, chỉ có tháp miếu là hơn hết. Nay [tháp, miếu] bị hủy hoại, hư sụp, do năm tháng lâu xa, pháp giáo suy vi. Chùa, tượng tuy lập, phước do tôn kính hiếm thấy. Nếu không sửa sang, lâu ngày sẽ bị sụp đổ. Vì thế, cần phải phát tâm, dốc hết lòng thành tu bổ. Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi dạy: “Tạo tân bất như tu cố, tác phước bất như tỵ họa. Nhiên dục tu tạo, lý tu như pháp. Tạo tác tuy thiểu, đắc phước vô lượng. Nhược bất y pháp, túng đa vô ích” (Tạo mới chẳng bằng sửa cũ. Làm phước chẳng bằng tránh họa. Nhưng muốn tu bổ hay tạo dựng, theo lý cần phải đúng pháp. Tạo tác tuy ít, được phước vô lượng. Nếu chẳng theo đúng pháp, dẫu làm nhiều, vô ích).
Kinh Bách Duyên chép một vị trưởng giả giàu to, sanh con đoan chánh, đẹp đẽ đặc biệt, được người lẫn trời đều yêu kính. [Đứa con ấy] dần dần khôn lớn, thấy Phật, đắc A La Hán. [Đức Phật dạy]: “Thử nhân quá khứ Tỳ Bà Thi Phật xá-lợi tháp tiểu hủy. Hữu đồng tử nhập tháp, kiến thử phá xứ, hòa nhan duyệt sắc, tập hoán chúng nhân, cộng đồ trị tháp, phát nguyện nhi khứ. Duyên thị công đức, cửu thập nhất kiếp bất đọa tam đồ, thiên thượng, nhân trung thọ phước vô cực. Kim trị ư ngã, xuất gia, đắc đạo” (Đấy là do trong đời quá khứ, tháp thờ xá-lợi của Tỳ Bà Thi Phật bị hư hoại đôi chút. Có một bé trai vào tháp, trông thấy chỗ hư nát ấy, vẻ mặt vui vẻ, kêu gọi mọi người cùng tô trát, sửa sang tháp, phát nguyện rồi rời đi. Do công đức ấy, chín mươi mốt kiếp chẳng đọa vào tam đồ, thọ phước vô cực trên cõi trời và nhân gian. Nay gặp gỡ ta, xuất gia, đắc đạo).
Theo Tăng Kỳ Luật, đức Phật du hành đến nước Câu Tát La (Kosala), khi ấy, một Bà-la-môn đang cày, thấy đức Thế Tôn đi qua, bèn cầm roi trâu chống xuống đất, lễ Phật. Đức Phật trông thấy liền cười, tỳ-kheo bạch Phật: “Vì sao Ngài cười?” Đức Phật nói: “Thị nhân kim lễ nhị Phật, lễ ngã, trượng hạ hữu Ca Diếp Phật tháp” (Người này nay lễ hai đức Phật, khi lễ ta, dưới cái roi ấy có tháp của Phật Ca Diếp). Các vị tỳ-kheo mong được trông thấy. Đức Phật bảo Bà-la-môn moi đất lên, đưa cho Ngài. Đức Phật liền hiện ra tháp bảy báu, cao một do-diên (yojana, do-tuần). Bà-la-môn trông thấy, liền bạch đức Phật: “Con họ Ca Diếp, là tháp Ca Diếp của con”. Ở ngay nơi ấy, đức Phật lập tháp Ca Diếp. Các tỳ-kheo bạch Phật: “Chúng con có được phép vun đất hay không?” Đức Phật bảo: “Hãy vun!” Ngài liền nói kệ rằng: “Chân kim bách thiên đảm, trì dụng hành bố thí, bất như nhất đoàn nê, kính tâm trị Phật tháp” (Trăm ngàn gánh vàng ròng, đem dùng để bố thí, chẳng bằng một viên bùn, tâm kính sửa tháp Phật). Khi ấy, đức Thế Tôn do tôn kính quá khứ Phật, liền tự làm lễ. Các tỳ-kheo cũng lễ. Đức Phật dạy: “Nhân đẳng bách thiên kim, trì dụng hành bố thí, bất như nhất thiện tâm, cung kính lễ Phật tháp” (Người lấy trăm ngàn vàng, đem dùng để bố thí, chẳng bằng một thiện tâm, cung kính lễ tháp Phật). Kinh Hoa Thủ chép: “Nhược kiến tháp miếu hủy hoại, đương gia tu trị. Nhược nê, nhược khối, nãi chí nhất chuyên, chung bất thoái chuyển Vô Thượng Bồ Đề” (Nếu thấy tháp, miếu hủy hoại, hãy nên tu sửa. Dù bùn, hay đất, cho đến một viên gạch, trọn chẳng thoái chuyển Vô Thượng Bồ Đề). Vì thế biết công đức tu bổ tháp Phật và kinh tượng chẳng thể nghĩ bàn!
***
[1] “Năm nhà” là vua chúa, đạo tặc, nước, lửa và con cái hư hỏng. Các tài vật, gia sản dễ dàng bị vua chúa, đạo tặc cướp đoạt, bị tàn phá, hủy hoại bởi tai nạn nước hay lửa, hoặc bị phá tán bởi con cái hư hỏng.
[2] Bình Nguyên Truyện có tên gọi đầy đủ là Bình Nguyên Quân Ngu Khanh Liệt Truyện. Đây là một thiên sách trong quyển bảy mươi sáu của bộ Sử Ký Tư Mã Thiên. Bình Nguyên Quân tên thật là Triệu Thắng, là công tử nước Triệu, được tôn xưng là người hiền đức nhất trong các công tử thời Chiến Quốc. Ông nuôi đến mấy ngàn tân khách trong nhà. Ông từng làm tướng quốc cho các vua Triệu Huệ Văn Vương, Triệu Hiếu Thành Vương, và là một trong Chiến Quốc Tứ Công Tử. Bốn vị công tử này là những người có đức độ, tài năng, có những đóng góp đáng kể về chính trị và quân sự để ổn định đất nước của họ. Tứ Công Tử là Mạnh Thường Quân (Điền Văn) nước Tề, Bình Nguyên Quân (Triệu Thắng) nước Triệu, Tín Lăng Quân (Ngụy Vô Kỵ) nước Ngụy, và Xuân Thân Quân (Hoàng Yết) nước Sở.
[3] Vị này chỉ có tên là Nan Đà, dịch nghĩa là Diễm Hỷ. Do thời ấy, trong các vị đệ tử đức Phật, có nhiều vị cùng có tên là Nan Đà, nên gọi theo tên vợ Ngài là Tôn Đà La, thành ra Tôn Đà La Nan Đà để dễ phân biệt. Vị này là con thứ hai của vua Tịnh Phạn, là em cùng cha khác mẹ của đức Phật. Thân Ngài cao một trượng năm thước bốn tấc (đức Phật cao một trượng sáu thước), hình dung đoan chánh, có ba mươi tướng, chỉ thiếu tướng bạch hào và trái tai rủ xuống vai. Sau khi Phật thành đạo, đã độ vị này xuất gia, đắc quả A La Hán.
[4] Tùy theo cách phiên âm theo từng thời đại mà chữ này có các âm đọc như Thâu Ba, Thâu Bà, Tháp Bà, Đâu Bà, Phù Đồ, Tốt Đổ Ba, Tố Đổ Ba, Số Đẩu Bà, Số Thâu Bà, Tô Thâu Bà, Tư Thâu Bả v.v…
[5] Tứ tướng: Tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ