TỔNG QUAN VỀ CON ĐƯỜNG ĐẾN GIÁC NGỘ
Nguyên bản: Overview of the Path to Enlightenment
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
TIẾN TRÌNH TỪ TỪ
Một hành giả tiến tới Quả Phật như thế nào qua việc trau đồi thiền quán những con đường của động cơ và tuệ trí? Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật trình bày những trình độ của con đường trong một tuyên bố ngắn gọn và thậm thâm, “Tadyata gate gate paragate parasamgate bodhi svaha,” có nghĩa là, “Thật sự là như vậy, tiến tới, tiến tới, tiến vượt tới, tiến vượt tới triệt để, thành tựu Giác Ngộ.” Chúng ta hãy thẩm tra điều này một cách sâu sát hơn, bắt đầu với chữ đầu tiên, “gate” (“tiến tới” hay “đi”). Ai đang đi? Có phải “cái tôi” hay tự ngã được biểu thị trong sự lệ thuộc trên sự tương tục của tâm. Từ điều gì ta đang tiến tới? Chúng ta đang rời khỏi vòng luân hồi, trạng thái ở dưới ảnh hưởng của những hành vi nhiễm ô và các cảm xúc phiền não ẩn tàng. Ta đang tiến tới điều gì? Chúng ta đang tiến tới Quả Phật được phú cho Thân Thể Chân Thật, vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau và những nguồn gốc của đau khổ (cảm xúc phiền não), cũng như những xu hướng được thiết lập bởi những cảm xúc phiền não. Trên những nguyên nhân và điều kiện nào mà chúng ta lệ thuộc khi chúng ta tiến tới? Chúng ta đang tiến tới trong sự lệ thuộc trên con đường vốn là một sự phối hợp của từ bi và tuệ trí.
Đức Phật đang nói với những thực tập sinh đi trên một bờ biển khác. Từ quan điểm của thực tập sinh, vòng luân hồi thì ở gần bên, trong tầm tay. Ở bờ xa, một nơi xa kia, là niết bàn – thể trạng đã vượt khỏi khổ đau.
NĂM CON ĐƯỜNG
Khi Đức Phật nói, “Tadyata gate gate paragate parasamgate bodhi svaha,” (“Thật sự là như vậy, tiến tới, tiến tới, tiến vượt tới, tiến vượt tới triệt để, thành tựu Giác Ngộ.”), Ngài đang nói với những hành giả tiến tới trên năm con đường:
Gate – con đường tích lũy (tư lương đạo);
Gate – con đường chuẩn bị (gia hạnh đạo).
Paragate – con đường thấy đạo (kiến đạo).
Parasamgate – con đường hành thiền (tu tập đạo).
Bodhi – con đường không còn học nữa (Giác Ngộ đạo – vô học đạo – cứu kính đạo).
Chúng ta hãy xác định bản chất tiến triển qua năm con đường này:
– Con đường khởi đầu là gì, con đường tích lũy? Đó là thời điểm khi chúng ta chính yếu thực hành theo động cơ khác để tích lũy dồi dào phước đức lớn. Cũng thế, mặc dù chúng ta đang thực hành một sự phối hợp động cơ và tuệ trí, thì sự thực chứng tánh không của ta chưa đạt đến trình độ của sự hổ trợ hổ tương của chỉ và quán được gọi là “một thể trạng sinh khởi từ thiền”. Trên con đường này chúng ta đạt được thiền định đầy năng lực, và đang hành động đến một thể trạng sinh khởi từ thiền thực chứng tánh không.
– Tại một thời điểm mà chúng ta đạt được một thể trạng của tuệ trí sinh khởi từ thiền thực chứng tánh không, chúng ta đi qua con đường chuẩn bị. Bằng việc ngày càng quen thuộc với thể trạng này, cùng với việc trau dồi động cơ từ bi, chúng ta dần dần nhận thức sự xuất hiện tánh không càng rõ ràng hơn đối với bốn trình độ của con đường chuẩn bị (hơi nóng, đỉnh cao, nhẫn nhịn, những phẩm chất thế tục cao nhất)[1].
– Cuối cùng tánh không được nhận ra một cách trực tiếp, ngay cả không có một chút nhiễm ô từ hiện tướng nhị nguyên, vốn đã biến mất. Đây là sự bắt đầu của con đường thấy đạo – con đường khởi đầu trực tiếp thực chứng chân lý quan tâm đến bản chất sâu xa của các hiện tượng. Tại điểm này trong Đại thừa, thập địa Bồ tát (được gọi là đất vì trên chúng những phẩm chất tâm linh được sanh ra) bắt đầu. Trên con đường thấy đạo và con đường hành thiền, hai loại chướng ngại, tri thức tập nhiễm[2] và bẩm sinh[3], được vượt thắng một cách tương ứng. Những trạng thái tri thức tập nhiễm của tâm hình thành qua sự chấp chặc vào những hệ thống sai lầm. Thí dụ, có những hành giả của một số trường phái Phật giáo tin tưởng rằng các hiện tượng tồn tại một cách quy ước theo cách của đặc tính của chính chúng, căn cứ trên “lý luận’ vô căn cứ rằng nếu các hiện tượng không được thiết lập trong cách này, thì chúng không thể biểu hiện chức năng. Đây là một loại nhận thức sai lầm, bị làm nhiễm ô bởi những hệ thống giáo lý bệnh hoạn, được gọi là nông cạn, hay tri thức tập nhiễm. Ngay cả nếu chúng ta không có được những xu hướng mới qua tư duy nhận thức sai lầm trong kiếp sống này, thì mọi người có trong sự tương tục tinh thần của họ những xu hướng được thiết lập bởi sự chấp chặc vào những quan điểm sai lầm trong những kiếp trước.
Ngược lại, những trạng thái bẩm sinh sai lầm của tâm đã tồn tại trong tất cả chúng sanh – từ côn trùng cho đến con người – từ thời vô thỉ, và vận hành tương hợp với chính họ mà không lệ thuộc vào những kinh điển và lý luận sai lầm.
– Tri thức tập nhiễm, hay nông cạn, những chướng ngại được loại trừ qua con đường thấy đạo, trái lại những chướng ngại bẩm sinh thì vượt thắng khó khăn hơn (vì chúng ta đã bị điều kiện hóa với những trạng thái sai lầm này của tâm từ thời vô thỉ). Chúng phải bị loại trừ bằng việc hành thiền liên tục trên ý nghĩa của tánh không. Vì việc hành thiền như vậy xảy ra lập đi lập lại trải qua một thời gian dài, giai đoạn này của con đường được gọi là con đường hành thiền. Thực tế, chúng ta đã hành thiền về tánh không trước đây rồi, nhưng con đường hành thiền liên hệ đến một con đường của việcthực hành mở rộng cho thông thạo.
Trên trình độ này, chúng ta trải qua chín địa Bồ tát còn lại. Từ trong mười địa, bảy địa đầu được gọi là bất tịnh, và ba địa cuối là thanh tịnh. Đây là bởi vì trên bảy địa đầu chúng ta vẫn còn ở trong tiến trình của việc loại trừ những chướng ngại phiền não và vì vậy bảy địa này chưa thanh tịnh. Qua phần thứ nhất của địa thứ tám chúng ta đang tiêu trừ những cảm xúc phiền não. Sự quân bình của địa thứ tám, chín, mười cho phép chúng ta vượt thắng những chướng ngại đến toàn tri toàn giác.
– Bây giờ, qua việc sử dụng thiền tập trung như kim cương thành tựu vào đoạn cuối của mười địa Bồ tát – cực điểm vẫn còn chướng ngại chưa được chiến thắng – nhưng chúng ta có thể làm xói mòn những chướng ngại rất vi tế đến toàn tri toàn giác. Chính thời khắc kế tiếp của tâm chúng ta trở thành một thức toàn tri toàn giác, một cách đồng thời bản chất sâu thẩm của tâm trở thành Thân Thể Tự Nhiên của một Đức Phật. Đây là con đường thứ năm, con đường sau cùng, con đường không còn học nữa. Từ gió rất vi tế, năng lượng – vốn là một thực thể với gió đó – những sắc tướng thanh tịnh và không thanh tịnh tự động xuất hiện ra để hổ trợ chúng sanh; những thứ này được gọi là những Thân Sắc Tướng của một Đức Phật. Đây là Quả Phật, một thể trạng của việc hiện hữu một cội nguồn giúp đở và hạnh phúc cho toàn thể chúng sanh.
Để tôi dành một vài phút ở đây để nói đến nhiều nhận thức sai lầm về vấn đề việc nữ nhân có thể thành tựu Quả Phật hay không. Trong kinh điển Đại thừa, không có một biểu thị nào rằng một nữ nhân không thể đạt được Quả Phật. Tuy nhiên, kinh luận nói rằng, trong những sự thực tập tích lũy phước đức trải qua ba a tăng kỳ kiếp, thì chúng ta sẽ đi đến một thời điểm khi nghiệp mà chúng ta đang làm việc với ý chí trưởng thành như những dấu hiệu vật lý và hảo tướng của một Đức Phật; vào lúc ấy, theo kinh điển Đại thừa, nó giúp để có một sự hổ trợ vật lý mạnh mẽ, cho nên chúng ta tự nhiên đi đến có một thân thể của nam giới. Những kinh luận này cũng nói rằng trong kiếp cuối cùng trước khi thành tựu Quả Phật, chúng ta cần có một thân thể đại trượng phu. Tuy nhiên, Tantra Yoga Tối Thượng, là thứ mà chúng tôi xem như hệ thống sau cùng, nói rằng không chỉ một nữ nhân có thể thành tựu Quả Phật mà vị ấy có thể làm như thế ngay trong kiếp sống này.
NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA QUẢ PHẬT
Trong tất cả mọi trường phái tu tập của Đạo Phật, sự thực hành là căn cứ trên xu hướng xa rời cõi luân hồi. Ngoài ra, trong Đại thừa chúng ta được động viên bằng xu hướng quan tâm khác để trở thành Giác Ngộ. Trong Mật tông, qua những kỷ năng vốn để nâng cao việc phát triển của thiền tập trung, vốn là sự phối hợp của định và tuệ, thì chúng ta có thể đạt được thể trạng của Quả Phật mà trong đó tất cả mọi chướng ngại – những chướng ngại phiền não ngăn trở việc thoát khỏi vòng luân hồi[4] và những chướng ngại đến toàn tri toàn giác[5] ngăn trở Quả Phật – đã được tiêu trừ.
Phẩm chất của một Đức Phật được diễn ta như những “thân thể” khác nhau vốn có thể được phân chia thành hai loại tổng quát:
– Thân Thể Chân Thật, cho việc hoàn thành cát tường của chính bản thân.
– Các Thân Thể Sắc Tướng, cho việc hoàn thành cát tường của các chúng sanh khác.
Các Thân Thể Sắc Tướng, lần lượt, có thể được phân chia bằng việc chúng xuất hiện như thế nào đối với chúng sanh trong những trình độ khác nhau của thanh tịnh và bất tịnh. Những hành giả tiến bộ cao độ có thể thâm nhập Thọ Dụng Thân[6]. Những trình độ khác của các hành giả trải nghiệm các Ứng thân[7]. Thân Thể Chân Thật cũng có thể phân chia thành hai loại, Thân Tự Tánh và Thân Tuệ Trí. Thân Tự Tánh có thể phân chia thêm nữa thành một thể trạng của sự tịnh hóa tự nhiên và một thể trạng của sự tịnh hóa bất định (hay làm thành) các phiền não. Thân Thể Chân Thật Tuệ Trí có thể phân chia xa hơn tùy vào nhiều quan điểm khác nhau. Hiện Quán Trang Nghiêm Luận cho Sự Thực Chứng Minh Bạch[8] của Di Lặc ghi rõ hai mươi (20) bộ tuệ trí vô nhiễm vốn có thể được phân chia thành một trăm sáu mươi bộ (160).
SỰ THỰC HÀNH LÂU DÀI
Đây là một sự giải thích tóm tắt cho nền tảng – hai chân lý, quy ước và cứu kính; những con đường xây dựng trên nền tảng ấy – động cơ và tuệ trí; những quả vị trên con đường – những Thân Thể Sắc Tướng và Thân Thể Chân Thật của một Đức Phật. Thật lợi ích để có cái nhìn tổng quát về cấu trúc của sự thực hành, nhưng chúng ta cần nhớ rằng sự thực chứng được phát sinh qua nhiều nguyên nhân và điều kiện – sự thấu hiểu đúng đắn, sự tích lũy phước đức, và sự vượt thắng các chướng ngại. Nếu ta trước tiên chưa tích lũy phước đức, và tịnh hóa những hành vi bất thiện, thì thật khó để đạt được sự thực chứng chỉ qua việc cố gắng hành thiền. Do vậy, thật quan trọng để làm việc thông qua mỗi một hành vi sơ bộ.
Liên hệ trong những sự thực hành sơ bộ tiên quyết không chỉ là một vấn đề của việc bổ sung nào đó hay ngay cả là việc hoàn thành ẩn tu ba năm hay pha mặt trăng[9] (như một số có thể tưởng tượng từ sự kiện rằng nhiều sự tu tập kéo dài như thế), hay bất cứ một thời gian nào khác. Thay vì thế, chúng ta phải tích tập phước đức và tịnh hóa các chướng ngại cho đến khi những sự thực chứng nào đó được phát sinh. Chúng ta có thể dành trọn cả cuộc đời để làm như thế, với mục tiêu cải thiện những kiếp sống tương lai. Đôi khi, do bởi một sự khiếm khuyết hiểu biết, cho nên những người thực hiện những thời gian ẩn tu dài kết thúc với niềm kiêu hảnh lớn chỉ với sự kiện rằng họ đã hoàn thành khóa tu. Sự gia tăng trong tự hào sinh ra một sự gia tăng trong sân hận, ghen tỵ, và ganh đua. Điều giống như vậy có thể xảy ra với tri thức đơn thuần trong sách vở về giáo lý. Thật không dễ dàng; những cảm xúc phiền não là xảo quyệt.
Việc hành trì không phải là điều gì đó mà chúng ta thực hiện trong vài tuần hay vài năm. Nó xảy ra trải qua nhiều kiếp sống, trong hàng vô lượng kiếp và vô lượng kiếp. Như chúng ta đã thấy, một số kinh luận nói việc Giác Ngộ được thành tựu sau khi tích lũy vô số phước đức và tuệ trí trong ba a tăng kỳ kiếp. Nếu chúng ta xem tuyên bố này là thích đáng, thì nó có thể động viên ta tiếp nhận một thái độ nhẫn nhục, kiên trì qua những hoàn cảnh khó khăn. Nếu học hỏi điều này làm ta phiền muộn, thì có thể là do việc chúng ta mong muốn thành tựu Quả Phật một cách nhanh chóng vì quá quan tâm đến người khác của chúng ta. Đó cũng có thể là một dấu hiệu của lòng can đảm không đủ. Giác Ngộ không thể đạt được mà không phải hành động nghiêm mật. Tin tưởng theo cách khác có nghĩa là chúng ta đang chứa chấp một hình thức vị kỷ nào đó.
*
Đây là toàn bộ tiến trình của con đường tu tập. Mặc dù người ta có thể không giàu có vốn có thể giữ trong một chiếc bóp, nhưng họ có thể có sự giàu có này giữ trong tâm. Những tuyên bố hảo ý của các tôn giáo khác nhau thì không đủ; chúng ta phải khai triển thực hiện chúng trong đời sống hàng ngày trong xã hội. Sau đó chúng ta mới có thể biết giá trị thật sự những giáo lý của chúng. Thí dụ, nếu một Phật tử hành thiền trong chùa viện nhưng bên ngoài chùa viện thì họ không sống với những lý tưởng quán chiếu ấy, như vậy là không tốt. Chúng ta phải thực hành trong đời sống hàng ngày.
Giá trị thật sự của việc thực hành được thấy khi chúng ta đối diện một thời điểm khó khăn. Khi chúng ta vui sướng và mọi thứ diễn ra suông sẻ, thế thì sự thực hành dường như không khẩn thiết, nhưng khi chúng ta đối diện những vấn nạn không thể tránh chẳng hạn như bệnh tật, tuổi già, chết chóc, hay những hoàn cảnh chán chường khác, thì thật cần thiết để kiểm soát sự sân hận của ta, kiểm soát những cảm giác của chúng ta, và để sử dụng tâm tư tốt đẹp của con người chúng ta để quyết định phải đối diện với vấn nạn đó như thế nào với sự nhẫn nhục và điềm tĩnh.
Nếu chúng ta thực hành cách này, hy vọng trước nhất của chúng ta là chúng ta có thể chiến thắng vấn nạn, nếu không, tối thiểu vấn nạn không thể quấy rầy sự an bình tinh thần chúng ta. Như vậy là tốt, có phải không? Chúng ta đang đối diện với hoàn cảnh và duy trì được sự bình an của tâm hồn – không cần uống thuốc an thần hay cố gắng để đẩy tư tưởng của chúng ta khỏi nó. Đó là tại sao chúng ta vô cùng thích thú trong những ngày cuối tuần và các kỳ nghĩ dưỡng! Năm ngày trong tuần chúng ta vô cùng bận rộn, làm việc cật lực để kiếm tiền, rồi thì vào cuối tuần chúng ta đi đến một nơi nào xa xôi với số tiền ấy và có một thời gian dễ thương! Điều này có nghĩa là chúng ta cố gắng để đưa tâm thức chúng ta khỏi vấn nạn của chúng ta. Nhưng vấn nạn vẫn ở đấy.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có một thái độ tinh thần tốt, thì không cần tiêu khiển. Khi chúng ta có thể đối diện với hoàn cảnh và phân tích vấn nạn, thế thì, giống như một cục nước đá trong nước, nó sẽ dần dần tan đi. Nếu chúng ta thực hành một cách chân thành, thì chúng ta sẽ trải nghiệm giá trị thật sự của nó.
Theo lời của chính Đức Phật, giáo huấn của Ngài sẽ tồn tại ở thế gian này trong năm nghìn năm. Vào lúc kết thúc năm nghìn năm ấy, nó cuối cùng sẽ bị hủy diệt bởi một người nào đó là chính sự tái sanh của Đức Phật, vì khi ngày ấy đến giáo lý của Ngài sẽ không còn giá trị nữa. Tuy nhiên, có cả tỉ hệ thống thế giới như chúng ta, với hàng tỉ giáo lý vô tận như vậy. Một số trong chúng, giáo lý sẽ được làm mới lại; một số sẽ tàn tạ. Giáo lý tiếp tục duy trì ở một nơi nào đó vào mọi thời gian. Chư Phật không bao giờ biến mất, và giáo lý sẽ không bao giờ tan biến.
*
TOÁT YẾU THỰC HÀNH HÀNG NGÀY
Đây là một nơi những tóm tắt cho sự thực hành tập họp lại khắp cả quyển sách. Hãy tập trung trên những thứ phù hợp với trình độ của bạn vào điểm này. Hay, chúng ta có thể thay đổi trong chúng trong phạm vi một tuần. Hãy cải thiện một cách nhẫn nại qua thời gian, những sự thực hành sẽ trở thành ngày càng quen thuộc hơn và đời sống của chúng ta sẽ trở thành đầy đủ ý nghĩa hơn.
Đạo đức của sự giải thoát cá nhân
– Hãy thẩm tra động cơ của chúng ta thường xuyên như có thể. Thậm chí trước khi rời khỏi giường vào buổi sáng, hãy thiết lập một quan điểm bất bạo động, không lạm dụng, không ngược đãi cho một ngày của chúng ta. Vào ban đêm thẩm tra lại những gì chúng ta đã làm trong ngày.
– Hãy chú ý có bao nhiêu đau khổ trong chính cuộc sống của ta:
– Có những đau khổ thể xác và tinh thần nào tư nhiên chúng ta muốn tránh, chẳng hạn như bệnh tật, tuổi già, và sự chết.
– Có những kinh nghiệm tạm thời nào, như ăn uống thực phẩm ngon, dường như có thể vừa lòng trong chúng và tự chính chúng, nhưng, nếu tiếp tục ăn uống có thể hóa thành bệnh – đây là đau khổ vì thay đổi. Khi hoàn cảnh biến từ sung sướng thành đau khổ, hãy quán chiếu trên sự kiện rằng bản chất sâu thẩm của niềm vui ban đầu đang tự hiển lộ. Việc dính mắc vào những niềm vui nông cạn như vậy sẽ chỉ mang đến khổ đau hơn.
– Hãy quán chiếu vấn đề chúng ta bị vướng trong một tiến trình của điều kiện, vốn, đúng hơn là ở dưới sự kiểm soát của chúng ta, chính là ở dưới sự ảnh hưởng của nghiệp và những cảm xúc phiền não.
– Hãy phát triển một cách từ từ một quan điểm thực tiển của thân thể qua việc thẩm tra những thành phần của nó – da, máu, thịt, xương, và v.v…
– Hãy phân tích đời sống của chúng ta một cách cặn kẻ. Cuối cùng chúng ta sẽ thấy khó khăn để lạm dụng nó bằng việc trở thành như máy móc hay chỉ bằng việc tìm ra tiền như kẻ đại diện cho hạnh phúc.
– Hãy chấp nhận một thái độ tích cực khi đối mặt với khó khăn. Hãy tưởng tượng rằng bằng việc chịu đựng một hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta cũng làm tiêu mòn những hậu quả tệ hại từ những nghiệp chướng khác mà khác đi chúng ta có thể trải nghiệm trong tương lai. Như một sự luyện tập tinh thần, hãy tự đảm nhận gánh nặng đau khổ của những kẻ khác giống như thế.
– Hãy đánh giá những hệ quả có thể tiêu cực và tích cực về những cảm giác chẳng hạn như tham muốn, sân hận, ganh tỵ, và thù oán. Khi nó trở thành rõ ràng rằng hậu quả của chúng là tai hại, thì chúng ta đi đến kết luận rằng không có các kết quả tích cực của sân hận, … Hãy phân tích nhiều hơn nữa, và dần dần sự tự tin của chúng ta sẽ được làm mạnh lên; sự phản chiếu được lập lại về những bất lợi của sân hận sẽ làm chúng ta nhận ra rằng nó vô nghĩa, và đáng thương. Quyết định này sẽ làm cho sự sân hận của chúng ta từ từ hao mòn.
– Đã nhận ra phạm vi của đau khổ, hãy nghiên cứu nguyên nhân của nó, và xác định cội nguồn của đau khổ là si mê về bản chất chân thật của con người và mọi vật, và rằng tham muốn, thù hận, và v.v… căn cứ trên sự si mê này. Hãy nhận ra rằng đau khổ có thể loại trừ được, có thể triệt tiêu được trong không gian của thực tại. Hãy quán chiếu rằng sự chấm dứt chân thật (diệt đế) đạt được qua sự thực hành đạo đức, thiền định, và tuệ trí – những con đường chân thật (đạo đế).
– Hãy chú ý rằng những sự dính mắc của chúng ta về thực phẩm, áo quần, và nơi cư trú, và hãy thích ứng với những thực tập của tu sĩ về toại nguyện cho đời sống của một cư sĩ. Hãy hài lòng với thực phẩm, áo quần, và chỗ cư trú tương xứng. Hãy sử dụng những thời gian rỗi rảnh cho thiền tập vì thế chúng ta có thể vượt thắng nhiều vấn nạn khác nữa.
– Hãy phát triển một nguyện ước mạnh mẽ để tránh làm tổn hại người khác, cho dù là bằng hành động hay lời nói, bất chấp chúng ta bị hổ thẹn, bị xúc phạm, bị mắng chưởi, hay bị đánh.
Đạo Đức Quan Tâm Đến Người Khác
Tiến hành quán tưởng năm bước cho việc phát triển từ bi:
– Hãy duy trì điềm tĩnh và có lý trí.
– Trước mặt ta bên phải, hãy tưởng tượng một phiên bản khác của chính ta, tự cao và vị kỷ.
– Trước mặt ta bên trái, hãy tưởng tượng một nhóm người nghèo khó, đau khổ, những người không thân thuộc với ta, cũng không phải là bạn bè hay kẻ thù.
– Hãy quán chiếu hai phía này từ quan điểm thuận lợi và điềm tĩnh. Bây giờ hãy nghĩ, “Cả hai đều muốn hạnh phúc. Cả hai đều muốn thoát khỏi khổ đau. Cả hai đều có quyền để hoàn thành những mục tiêu này.”
– Hãy xem xét điều này: Giống như thường lệ chúng ta sẳn sàng để thực hiện những điều hài lòng tạm thời cho một điều tốt đẹp lâu dài, cho nên lợi lạc của nhiều người đau khổ bên trái ta thì quan trọng hơn nhiều so với một người vị kỷ đơn lẻ bên phải ta. Hãy chú ý tâm thức ta tự nhiên quay về phía số lượng lớn hơn những con người.
Hãy thực hiện nghi thức cho sự ngưỡng mộ Giác Ngộ. Trước tiên thi hành bảy bước chuẩn bị sơ bộ:
– Tôn kính: Hãy tưởng tượng Đức Phật Thích Ca được vây quanh bởi vô số Bồ tát, đầy trên bầu trời trước mặt ta.
– Hãy cúng dường tất cả những thứ tuyệt vời – cho dù chúng ta có sở chúng hay không – kể cả thân thể, tài sản, và đạo đức của chính ta, đến chư Phật và chư Bồ tát.
– Hãy bày tỏ vô số hành vi lỗi lầm cua thân thể, lời nói, và tâm ý mà ta đã gây ra với một mục tiêu làm tổn hại người khác. Hãy sám hối vì đã làm những thứ ấy, và có ý muốn kiêng tránh khỏi chúng trong tương lai.
– Hãy ngưỡng mộ từ trong chiều sâu của trái tim đạo đức của chính ta và của những người khác. Tỏ lòng hoan hỉ trong những việc làm tốt lành mà ta đã thực hiện trong kiếp này và những kiếp trước, hãy nghĩ, “Tôi thật sự đã làm điều gì đó tốt đẹp.” Hãy hoan hỉ trong đạo đức của những kẻ khác, kể cả của chư Phật và chư Bồ tát.
– Hãy thỉnh cầu chư Phật những bậc đã Giác Ngộ tròn vẹn nhưng chưa dấn thân trong việc giảng dạy giáo lý tâm linh, làm như thế nhân danh của tất cả chúng sanh đau khổ.
– Hãy cầu xin chư Phật không nhập niết bàn.
– Hãy hồi hướng sáu sự thực hành này để thành tựu Giác Ngộ vô thượng.
Sau đó bắt đầu thực hiện phần trung tâm của nghi thức ngưỡng mộ Giác Ngộ:
– Với một quyết định mạnh mẽ để đạt được Quả Phật nhằm để phục vụ những chúng sanh khác, hãy tưởng tượng một Đức Phật trước mặt ta, hay vị thầy tâm linh của ta như đại diện cho Đức Phật.
– Hãy trì tụng ba lần giống như ta đang lập lại sau vị ấy:
Cho đến khi tôi đạt được Giác Ngộ, tôi tìm quy y trong Đức Phật, giáo lý, và cộng đồng tâm linh cao thượng.
Qua sự tích lũy của phước đức của bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và tuệ trí, nguyện cho tôi thành tựu Quả Phật để phụng sự tất cả chúng sanh.
Để duy trì và tăng cường lòng vị tha sâu xa này trong kiếp sống này hãy thực hiện những điều sau:
– Hãy nhắc lại luôn luôn những lợi lạc của việc phát triển một mục tiêu để trở thành Giác Ngộ vì lợi ích của những kẻ khác.
– Phân chia một ngày thành ba thời và đêm thành ba thời, và trong mỗi thời dành một ít thời gian hay thức dậy từ giấc ngủ và thực tập năm bước quán tưởng đã nói trước đây. Cũng đầy đủ để quán tưởng năm bước ba lần trong một buổi tu tập vào sáng sớm khoảng mười lăm phút, và ba lần trong buổi tối khoảng mười lăm phút.
– Tránh sự quên lãng tinh thần lợi ích của ngay cả một chúng sanh.
– Tối đa như có thể, hãy dấn thân trong những hành vi đạo đức với một thái độ thiện lương, và phát triển một sự hiểu biết sơ bộ về bản chất của thực tại, hay duy trì một nguyện ước để làm như thế và hành động với nó.
Để duy trì và tăng cường lòng vị tha thậm thâm này trong những kiếp sống tương lai:
– Hoàn toàn không nói dối với bất cứ ai, ngoại trừ ta có thể giúp đở người khác một cách lớn lao qua việc nói dối.
– Hãy trực tiếp hay gián tiếp giúp đở người khác để tiến tời Giác Ngộ.
– Hãy đối xử với tất cả mọi người với sự tôn trọng.
– Không bao giờ lừa dối với bất cứ người nào, và luôn luôn trung thực.
Trong thâm tâm, hãy nghĩ đi nghĩ lại, “Nguyện cho tôi trở thành có thể giúp đở tất cả chúng sanh.”
Thiền Tập Trung
– Hãy chọn một đối tượng của thiền tập và tập trung tâm ý ta vào nó, và cố gắng đạt được và duy trì sự ổn định, trong sáng, và cường độ. Tránh sự giải đải và trạo cử.
– Thay phiên, xác định thể trạng nền tảng của tâm không bị tì vết bởi tư tưởng, giống như trong trạng thái của chính nó – chỉ thuần sáng suốt, bản chất hiểu biết của tâm. Với chánh niệm và nội quán duy trì trong thể trạng ấy. Nếu một tư tưởng sinh khởi, chỉ hãy nhìn vào chính bản chất của tư tưởng ấy; điều này làm nó bị mất sức mạnh và tan biến tương ứng với nó.
Tuệ Trí
Như một thực hành của việc xác định các đối tượng và chúng sanh xuất hiện một cách sai lầm trong nhận thức như thế nào, hãy cố gắng theo sau:
– Hãy quán sát một vật chẳng hạn như một chiếc đồng hồ đeo tay xuất hiện trong cửa hàng như thế nào khi ta lần đầu thấy nó, sau đó hiện tướng của nó thay đổi thế nào và trở thành cụ thể hơn thế nào khi sự thích thú của ta lớn mạnh, và cuối cùng nó xuất hiện thế nào khi ta đã mua nó và xem nó như của ta.
– Hãy chú ý trong những thời điểm khác nhau vấn đề tự ta xuất hiện trong tâm ta như thế nào giống như nó tồn tại trong và tự ta, không lệ thuộc vào tâm thức và thân thể.
– Sau đó, thường xuyên quán chiếu vấn đề các hiện tượng sinh khởi trong sự lệ thuộc với những nguyên nhân và điều kiện như thế nào, và quán sát vấn đề điều này mâu thuẩn với cách mà con người và sự vật xuất hiện và tồn tại trong chính bản chất của chúng như thế nào, để tồn tại một cách cố hữu. Nếu ta xoay về hướng chủ nghĩa hư vô, hãy quán chiếu hơn về sự lệ thuộc duyên khởi. Nếu, bằng việc tập trung trên các nguyên nhân và điều kiện, ta có xu hướng tái củng cố sự tồn tại cố hữu của các hiện tượng, thì hãy đặt hơn sự nhấn mạnh về vấn đề sự lệ thuộc mâu thuẩn với hiện tướng quá cụ thể này như thế nào. Chúng ta chắc chắn sẽ được kéo ra khỏi việc bám víu vào một bên; con đường trung đạo cần thời gian để thấy.
Cũng thế:
– Hãy xác định bản chất sáng suốt và hiểu biết của tâm, không bị che mờ bởi các tư tưởng và không có bất cứ khái niệm nào che phủ.
– Hãy thẩm tra bản chất sâu thẩm của tâm lập đi lập lại để khơi mở việc vắng bóng sự tồn tại cố hữu của nó, tánh không của nó. Hãy quán chiếu trên sự lệ thuộc của tâm thức vào các nguyên nhân, điều kiện, và những thành phần của nó. Đối với tâm, bất cứ chiều dài nào của thời gian đối với tâm – cho dù là một phút hay một sát na ngắn ngủi nhất – lệ thuộc vào những thành phần trước đó và sau đó của thời khắc đó.
– Hãy cố gắng để nhận ra khả năng tương thích của tâm với tánh không của nó của sự tồn tại cố hữu; hãy thấy sự hổ trợ hổ tương của hai thứ này với nhau như thế nào.
Mật Tông
Vì sự thực hành Mật tông chính yếu là để chuyển hóa vấn đề ta thấy tự ta, những người khác, và môi trường như thế nào, cho nên nó có thể rất lợi ích để quán tưởng chính ta như có một động cơ từ bi, thân thể tinh khiết, và những hành vi làm lợi ích cho những người khác.
*
Mặc dù kiến thức của tôi là giới hạn và kinh nghiệm của tôi là rất nghèo nàn, nhưng tôi đã cố gắng tối đa để giúp các bạn thấu hiểu toàn bộ chiều rộng giáo huấn của Đức Phật. Xin hãy triển khai thực hiện bất cứ điều gì trong những trang này xuất hiện cho có lợi ích. Nếu bạn theo những tôn giáo khác, xin hãy đón nhận bất cứ điều gì có thể hổ trợ bạn. Nếu bạn không nghĩ nó có lợi ích gì, thì hãy cứ quên đi.
Ẩn Tâm Lộ, Thursday, May 9, 2019
****
[1] Noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất.
[2] Tri thức tập nhiễm: Tân huân chủng tử
[3] Tri thức bẩm sinh: Bản hữu chủng tử – câu sanh chủng tử
[4] Phiền não chướng
[5] Sở tri chướng
[6] Báo thân
[7] Hóa thân
[8] Maitreya’s Ornament for Clear Realization
[9] Three phases of the moon