BỘ HÀM CHÚ VỀ GIỚI BỔN LUẬT TỨ PHẦN
Tỳ Kheo Thích Thiện Phước – Việt dịch

 

Phụ lục

HOẰNG DƯƠNG LUẬT HỌC DĨ GIỚI VI SƯ

Giới luật được xem như chiếc bè đưa hành giả vượt qua dòng sông sanh tử luân hồi, là bức tường rào vững chắc bảo vệ hình ảnh giải thoát của người Tăng sĩ đang đi trên con đường giác ngộ. Hồi tưởng lại những ý niệm cao đẹp thuở ban đầu khi phát tâm xuất gia Phật đạo, và cũng như những phút giây sắp đăng đàn tiến cụ thì giờ đây cảm giác ấy đã sống lại trong tôi khi được học lớp Hoằng luật Viên Giác này.

Chùa tuy không to lắm nhưng rất duyên dáng và lớp luật cũng được tổ chức khiêm tốn tại đây. Để rồi biết bao trái tim khát vọng quay về tham học, hầu chuyên sâu về tạng Tỳ ni – Vinaya của Phật Giáo.

Ngay cả buổi đầu tiên thi trắc nghiệm, tôi có cảm giác mơn man rất khó quên, dường như có cái gì thật mới mẽ sắp được khơi dậy từ trong sâu thẳm của cõi lòng. Để rồi các thầy, các cô quanh tôi ai nấy đều toát ra vẻ hân hoan, như sắp được mở bày những gút mắt về những gì cần phải làm và đừng nên làm của một Tỳ kheo thanh tịnh như pháp.

Học ở đây tuy không được cấp bằng nhưng ai nấy đều học với tâm nguyện tự giác, phương pháp giảng dạy chủ yếu giúp cho mỗi Tăng ni nắm về những kiến thức cơ bản của luật học, được thể hiện qua ba môn: Chỉ trì – HT Thích Minh Thông, Tác trì – TT Thích Tâm Hạnh, Hành trì – TT Thích Lệ Trang. Đấy là nền tảng căn bản trên phương diện sinh hoạt thường nhật của một Tỳ kheo thanh tịnh như pháp. Ngoài ra lớp nhờ sự ngoại hộ của HT Thích Thiện Minh (Chùa Kỳ Quang 2), ĐĐ Thích Quảng Chơn, ĐĐ Thích Đồng Văn mà các Tăng ni được an tâm học tập trong những tháng ngày đến lớp.

Những thập niên trước đây Hoà Thượng Huệ Hưng đã từng thao thức: “Làm sao mở được một lớp chuyên dạy Luật cho các Tăng ni”. Và ngày nay ở trụ xứ này đã thực hiện được hoài bảo đó.

Trong buổi khai giảng Hoà thượng Từ Quang nói: “Tôi thật xúc động khi thấy quí thầy quan tâm đến Luật học. Vì đây chính là nền tảng của sự giải thoát, là bổn vụ của người tu”.

Thế rồi tiếng kẻng giảng đường bắt đầu vang lên hoà cùng tiếng chuông chùa ngân nga trong hai buổi sớm chiều, tiếng phong linh leng keng nhẹ nhàng, mấy tiếng chim kêu lích chích ngoài vòm cây xanh thẳm, xen lẫn với những pháp âm giải thoát, nghe như một bản nhạc thiền, lôi cuốn mỗi hành giả phải say sưa nơi niềm pháp lạc.

Trong buổi học Hoà Thượng Minh Thông nói: “Tôi tuy dạy luật nhiều nơi nhưng tôi đã gởi trọn tấm lòng và lớp nầy. Vì đây là điều mà tôi ôm ấp từ bấy lâu, nay cơ duyên đã thành tựu thật là đáng mừng. Thế hệ chúng tôi rồi sẽ qua đi và không thể tránh khỏi cảnh vô thường già bệnh. Vậy vận mệnh Phật Pháp chỉ còn biết gởi gấm và trông mong ở các huynh đệ”.

Xã hội ngày nay hoàn toàn khác hẳn với xã hội thời đức Phật, nhưng chúng ta phải biết giá trị hiện thực của giới luật, trân trong giử gìn như hơi thở, như những nhịp đập con tim, đang nuôi sống pháp thân huệ mạng, giúp cho hành giả có được từng bước đi vững chảy trên con đường nhiếp thiện và nhiêu ích.

Luật Thiện Kiến chép: “Nơi nào có năm vị Tỳ kheo thanh tịnh ở chung, nếu có một vị rành về tác pháp Yết ma thì chánh pháp sẽ trụ thế lâu dài”.

Lại nói: “Người nào không biết tác bạch Yết ma thì trọn đời không được lìa y chỉ”.

Như vậy đối với một Tỳ kheo điều gì nên làm thì cần phải làm không được tự tiện từ bỏ (Tác trì). Bởi lẽ nếu không có pháp Yết ma thì Tỳ kheo sẽ không được đắc giới như pháp, bản thể Tăng không thành tựu, và đây là dấu hiệu suy vong của chánh pháp.

Ngoài ra Tỳ kheo còn phải thông thạo những qui định về các học xứ (Chỉ trì). Vì đó là những vị thuốc hay để trị lành căn bệnh vô minh là khuôn phép mầu nhiệm để chứng đắc được năm phần pháp thân. Đấy chính là nền tảng để tác thành bậc thầy mô phạm ở chốn nhơn thiên.

Bên cạnh đó hạnh giải tương ưng là điều tối quan trọng, vì oai nghi tế hạnh là thân giáo được toát lên từ phong thái tuyệt vời của một hành giả khi có chánh niệm hiện tiền, luôn luôn chủ động từ nội tâm đến ngoại cảnh, để thật sự có được niềm an lạc trong nếp sống thiền gia (Hành trì). Bởi lẽ Tăng là bậc trưởng tử của Như Lai, là đối tượng thập mục sở thị (mọi người đều để ý đến). Thế nên không gì hơn là phải chơn tu thật học, trong chốn đông người ta không lim dim; ở nơi vắng vẻ ta không phóng túng (Toạ mật thất như thông cù), được vậy thì ta là người đã âm thầm mang chánh pháp của đức Phật vào đời rồi.

Như vậy, đã là một bậc chúng trung tôn khi xuất xử, lúc hành tàng bốn oai nghi đều phải khế với tinh thần luật nghi của Phật giáo.

Gần 400 Tăng ni đến từ mọi miền đất nước có những thầy cô tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn tham học cùng với hàng Tăng ni trẻ. Hình ảnh đáng cảm động hơn là trong mỗi buổi học hai thầy trò (Ni) dìu nhau đi học – dĩ nhiên họ đã quá độ tuổi tùng tâm, thật là một tấm gương sáng cho đàn hậu học noi theo.

Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu (phàm là người xuất gia, phải cất bước lên phương trời cao rộng, tâm hình khác tục, nối thạnh dòng Phật, làm rúng động và nhiếp phục quân ma, hầu để báo bốn ơn cứu giúp ba cõi). Tuy nhiên muốn thực hiện được điều này chúng ta phải nuôi dưỡng tâm Bồ đề cho vững chảy, vì nó chính là nguồn năng lượng được phôi thai từ thuở sơ tâm nhập đạo.

Trộm nghĩ, thời gian dù có qua mau, cảnh vật dù có chóng tàn, con người rồi sẽ già nua đổi khác. Sau này, Tăng ni mỗi người mỗi ngã như những cánh chim bay đi thật xa, nhưng có một thứ vẫn còn tồn động trong ký ức, trong từng nhịp đập con tim, trong từng hơi thở ra vào, luôn thức tỉnh chúng tôi sống trong tinh thần giới luật của Phật, đó là những lời dạy của quí thầy.

Tháp Đẳng Quan ngã bóng trong buổi tàn đông, những chú chim non ríu rít vờn bay trên máy ngói màu ngọc bích, vài chiếc lá vàng rơi, mấy chùm hoa sứ sực nức mùi hương, như hương giới đức đượm thấm vào mỗi Tăng ni để làm hành trang hướng về phương trời giải thoát giác ngộ của mình…



BỘ HÀM CHÚ VỀ GIỚI BỔN LUẬT TỨ PHẦN