ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.4.1.2.3.1.1.6. Tỳ Bà Thi Phật
(Kinh) Hựu ư quá khứ, hữu Phật xuất thế, hiệu Tỳ Bà Thi.
(經)又於過去,有佛出世,號毘婆尸。
(Kinh: Lại trong quá khứ, có Phật xuất thế, hiệu là Tỳ Bà Thi).
Tỳ Bà Thi còn gọi là Duy Vệ (維衛)[1], cõi này dịch là Thắng Quán (勝觀). Luận Câu Xá nói: “Trọn ba vô số kiếp, theo thứ tự ngược, sẽ gặp Thắng Quán”. Đấy là do Phật Thích Ca đã gieo nhân tướng hảo đầu tiên nơi Thắng Quán Phật. Nhưng nếu coi vị Phật này là một trong ba vị Phật cuối cùng của Trang Nghiêm Kiếp thì Câu Lưu Tôn Phật là vị Phật đầu tiên trong Hiền Kiếp, càng chẳng ngờ chi nữa! Cần nên biết: Ứng theo luận định trong phần trên, chẳng thể nói [danh hiệu Tỳ Bà Thi Phật ở đây] là nói đến vị Phật gần (tức Tỳ Bà Thi Phật trong Hiền Kiếp). Do [những vị Phật có cùng danh hiệu là] Tỳ Bà Thi Phật rất nhiều, sao có thể nói [đoan quyết danh hiệu Tỳ Bà Thi ở đây] chuyên chỉ vị Phật Thắng Quán mà Phật Thích Ca đã gặp gỡ, gieo nhân thành tựu tướng hảo cho được?
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh, vĩnh bất đọa ác đạo, thường sanh nhân, thiên, thọ thắng diệu lạc.
(經)若有男子女人,聞是佛名,永不墮惡道,常生人天,受勝妙樂。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân nghe danh hiệu đức Phật này, vĩnh viễn chẳng đọa vào đường ác, thường sanh làm trời, người, hưởng sự vui thù thắng nhiệm mầu).
Trong phần Hiển Ích, [kinh văn dạy] “văn thị Phật danh, tức bất đọa tam ác đạo” (nghe danh hiệu đức Phật này, liền chẳng đọa trong ba ác đạo), chuyện này chẳng dễ dàng! Theo luận, trong A-tăng-kỳ đầu tiên, Thích Ca Thế Tôn từ đấy trở đi thường lìa thân nữ nhân và bốn đường ác. Theo sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm, trong A-tăng-kỳ thứ ba, Ngài mới bắt đầu lìa năm chướng[2], mới chẳng bị đọa. “Thường sanh làm trời, người”: Theo Giới Sớ[3], trong A-tăng-kỳ đầu tiên, Ngài đắc năm thứ công đức: Một là sanh trong trời, người; hai là sanh trong gia đình cao quý, ba là làm thân nam, bốn là các căn trọn đủ, năm là biết túc mạng. Sách Pháp Hoa Văn Cú nói: “Chẳng sanh vào ba đường ác là Vị Bất Thoái. Chẳng sanh vào biên địa, các căn đầy đủ, chẳng thọ thân nữ, tức là Hạnh Bất Thoái. Thường biết Túc Mạng, tức là Niệm Bất Thoái”. Vì thế biết chẳng đọa vào ác đạo, thường sanh làm trời, người, đúng là chẳng dễ dàng! Nay căn cơ viên đốn nhạy bén nhất, cho nên vừa mới nghe danh hiệu Phật, liền hiểu tự tánh, cho nên có thể nhanh chóng đạt được.
“Nhân thiên thắng diệu lạc” (sự vui sướng thù thắng nhiệm mầu trong đường trời, người) đã được nói cặn kẽ trong kinh Thế Ký của Trường A Hàm. Tuy sanh làm trời, người, chỉ coi Pháp Hỷ và Thiền Duyệt là vui. Như trong Đại Trang Nghiêm Luận, đức Phật đã nói kệ như sau: “Vô bệnh đệ nhất lợi, tri túc đệ nhất phú, thiện hữu đệ nhất thân, Niết Bàn đệ nhất lạc” (Không bệnh: Lợi bậc nhất. Biết đủ: Giàu bậc nhất. Bạn lành: Thân thiết nhất. Niết Bàn: Vui bậc nhất). Đấy chính là hưởng mà chẳng hưởng, không hưởng chính là hưởng.
3.2.4.1.2.3.1.1.7. Bảo Thắng Như Lai
(Kinh) Hựu ư quá khứ vô lượng vô số Hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, hiệu Bảo Thắng Như Lai.
(經)又於過去無量無數恆河沙劫,有佛出世,號寶勝如來。
(Kinh: Lại trong vô lượng vô số Hằng hà sa kiếp trong quá khứ, có Phật xuất thế, hiệu là Bảo Thắng Như Lai).
Danh hiệu của Ngài trong tiếng Phạn là Ra Đát Nẵng Tỳ Bà (Ratna-shikhaye). Ra Đát Nẵng dịch là Bảo; Tỳ Bà dịch là Thắng. Chất báu thù thắng ắt là vật gì vậy? Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Như hải trung hữu tứ châu, nhất thiết chúng bảo giai tùng chi sanh. Nhược vô thử tứ châu, nhất thiết bảo vật tiệm tựu diệt tận. Chư tiểu long thần bất năng đắc kiến, duy Sa Kiệt La long vương, mật trí thâm bảo tạng trung. Thử thâm bảo tạng hữu tứ chủng danh. Nhất danh Chúng Bảo Tích Tụ, nhị danh Vô Tận Bảo Tạng, tam danh Viễn Xí Nhiên, tứ danh Nhất Thiết Trang Nghiêm Tụ. Thử tuy bảo trung chi thắng, nhiên thị thế bảo, thứ đệ dĩ đối Thường, Lạc, Ngã, Tịnh xuất thế chi bảo. Thử chi tứ đức, duy Phật dữ Phật nãi năng chứng đắc, như Sa Kiệt La long vương mật trí bảo tạng thị dã. Dư nhân vị chứng, như tiểu long thần bất năng đắc kiến thị dã. Thử tứ đức xuất sanh vô tý, như nhất thiết chúng bảo giai tùng chi sanh thị dã” (Như trong biển có bốn viên châu, hết thảy các thứ báu đều sanh từ chúng. Nếu không có bốn viên châu ấy, hết thảy các vật báu sẽ dần dần diệt mất, các tiểu long thần sẽ chẳng thể thấy, chỉ trừ long vương Sa Kiệt La (Sāgara-nāgarāja). Chúng được cất kín trong kho báu. Kho báu sâu kín ấy có bốn thứ tên: Một là Chúng Bảo Tích Tụ, hai là Vô Tận Bảo Tạng, ba là Viễn Xí Nhiên, bốn là Nhất Thiết Trang Nghiêm Tụ. Những viên châu ấy tuy thù thắng nhất trong các thứ báu, nhưng chúng là vật báu thế gian, theo thứ tự dùng để đối ứng với của báu xuất thế Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Bốn đức ấy chỉ có Phật và Phật mới chứng đắc, như long vương Sa Kiệt La giấu kín trong kho báu. Những người khác chưa chứng, giống như các tiểu long thần, chẳng thể trông thấy. Bốn đức ấy xuất sanh [các công đức] chẳng tỳ vết, như hết thảy các thứ báu đều sanh từ những viên châu ấy). Vì thế, sách Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa viết: “Như trân bảo trong cõi đời được phàm tình quý trọng”. Vậy thì của báu như lý rốt ráo đáng quý, đáng là của báu được phàm tình quý trọng, cho nên Phật hiệu là Bảo Thắng.
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh, tất cánh bất đọa ác đạo, thường tại thiên thượng, thọ thắng diệu lạc.
(經)若有男子女人,聞是佛名,畢竟不墮惡道,常在天上,受勝妙樂。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân nghe danh hiệu đức Phật ấy, rốt ráo chẳng đọa vào ác đạo, thường ở trên cõi trời, hưởng sự vui thù thắng, nhiệm mầu).
Đại ý của phần Hiển Ích giống như trong phần trên. Trong phẩm Lưu Thủy của kinh Kim Quang Minh [có chép]: Mười ngàn con cá được nghe danh hiệu Phật Bảo Thắng, đều sanh hết lên trời Đao Lợi, huống hồ nam nữ nghe tên Ngài mà không được hưởng diệu lạc thù thắng ư?
3.2.4.1.2.3.1.1.8. Bảo Tướng Phật
(Kinh) Hựu ư quá khứ, hữu Phật xuất thế, hiệu Bảo Tướng Như Lai.
(經)又於過去,有佛出世,號寶相如來。
(Kinh: Lại nữa, trong quá khứ, có Phật xuất thế, hiệu là Bảo Tướng Như Lai).
Phật có danh hiệu là Bảo Tướng (Ratnaketu), cũng là dùng chất báu về mặt hình tướng để sánh ví của báu nơi tánh. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Hựu đại hải trung, hữu tứ xí nhiên quang minh đại bảo. Nhất danh Nhật Tạng, nhị danh Ly Nhuận, tam danh Hỏa Châu, tứ danh Cứu Cánh Vô Dư. Nhược đại hải vô thử tứ bảo, tứ thiên hạ, Kim Cang, Vi sơn, nãi chí Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, giai tất phiêu một” (Trong biển cả lại có bốn thứ báu lớn tỏa quang minh chói lọi, một là Nhật Tạng, hai là Ly Nhuận, ba là Hỏa Châu, bốn là Cứu Cánh Vô Dư. Nếu biển cả không có bốn báu ấy, tứ thiên hạ, núi Kim Cang, núi Thiết Vi, cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thảy đều chìm ngập). Đại Luận gọi chúng là Tiêu Thủy Châu. Nhật Tạng biểu thị Đại Viên Kính Trí. Ly Nhuận biểu thị Diệu Quan Sát Trí. Hỏa Châu biểu thị Bình Đẳng Tánh Trí. Cứu Cánh Vô Dư biểu thị Thành Sở Tác Trí. Nếu biển pháp của Như Lai không có bốn trí ấy lợi lạc chúng sanh, tam giới lục đạo thảy đều chìm đắm. Vì thế, đại sư nói: “Chẳng đi, chẳng đến, Thật Tướng pháp tánh, Thật Tướng tôn quý”. Do vậy, gọi là Bảo Tánh.
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh, sanh cung kính tâm, thị nhân bất cửu, đắc A La Hán quả.
(經)若有男子女人,聞是佛名,生恭敬心,是人不久,得阿羅漢果。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân nghe danh hiệu đức Phật ấy, sanh lòng cung kính, người ấy chẳng lâu sau sẽ đắc quả A La Hán).
Trong phần Hiển Ích, kinh văn nói “văn Phật danh dĩ, sanh cung kính tâm” (nghe danh hiệu đức Phật rồi bèn sanh tâm cung kính), tức là thân chẳng chiêm lễ, miệng chẳng tán thán đã rõ rệt rồi! Nhưng những người nam, kẻ nữ ấy, không lâu sau sẽ đắc quả A La Hán, công đức sâu lắm! Nếu luận định theo Tam Tạng thì như kinh dạy:
– “Quang minh của Nhật Tạng có thể biến nước biển thành chất lạc”: Nay nói đến Thế Đệ Nhất, mười lăm tâm kiến đạo, mười sáu tâm nhập Tu Đà Hoàn quả, chuyển hiền thành thánh, đúng là như biến nước thành lạc.
– “Quang minh của Ly Nhuận có thể biến chất lạc trong biển thành tô”: Nay nói sau khi kiến đạo, khởi sự tu đạo, đoạn hết sáu phẩm đầu của chín phẩm Tư Hoặc trong Dục Giới, nhập Tư Đà Hàm, đúng là như biến lạc thành tô.
– “Quang minh của Hỏa Châu có thể đốt cháy chất tô trong biển”: Do Tam Quả đoạn hết ba phẩm sau của Tư Hoặc trong Dục Giới, vĩnh viễn chẳng thọ sanh trong Dục Giới nữa, đúng là giống như đốt cháy chất tô trong biển.
– “Quang minh của Cứu Cánh Vô Dư có thể đốt cháy chất tô trong biển vĩnh viễn hết sạch chẳng còn thừa sót”: Do Tứ Quả thì năm phần cao thấp đều đoạn sạch, chẳng còn Tư Hoặc nào thừa sót, vĩnh viễn chẳng thọ sanh trong đời sau, đúng là giống như đốt sạch vĩnh viễn chất tô trong biển, chẳng còn thừa sót.
Nay xét theo Tạng Giáo đối ứng với các địa vị trong Viên Giáo thì từ Sơ Tín cho tới Thất Tín, tùy ý đoạn hết Kiến Tư trong tam giới, bằng với đệ tứ quả A La Hán trong Tạng Giáo. Do đó, sách Diệu Pháp Liên Hoa Huyền Nghĩa nói: “Đồng trụ và tứ trụ, ở chỗ này bằng nhau. Nếu chỉ chế phục vô minh thì Tam Tạng còn kém”, chính là nói về chuyện này. Nay vốn coi Viên Giáo là chánh, cho nên trước hết xét theo Tam Tạng Tiểu Quả, vì muốn khơi gợi cho A La Hán trong Tạng Giáo thành tựu quả A La Hán nơi quả vị Phật trong Viên Giáo vậy.
3.2.4.1.2.3.1.1.9. Ca Sa Tràng Phật
(Kinh) Hựu ư quá khứ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, hữu Phật xuất thế, hiệu Ca Sa Tràng Như Lai.
(經)又於過去無量阿僧祗劫,有佛出世,號袈裟幢如來。
(Kinh: Lại trong quá khứ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, có Phật xuất thế, hiệu là Ca Sa Tràng (Kaṣāyadhvaja) Như Lai).
Đây là dựa theo sự trang nghiêm để nêu ra tướng trạng, nhằm phô rõ Phật đức hồng danh. Tâm Địa Quán viết: “Ca-sa chính là tướng tràng báu của Như Lai, vì khi đắp ca-sa, sanh ý tưởng như tràng báu, có thể diệt các tội, sanh các phước đức. Ví như ruộng tốt, vì có thể khéo tăng trưởng Bồ Tát đạo. Ví như giáp trụ, các mũi tên độc phiền não chẳng thể làm hại được”. Do Như Lai khi tu nhân đã tu vạn hạnh, nên thành tựu quả đức trang nghiêm.
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh giả, siêu nhất bách đại kiếp sanh tử chi tội.
(經)若有男子女人,聞是佛名者,超一百大劫生死之罪。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân nghe danh hiệu đức Phật này, sẽ thoát khỏi tội trong một trăm đại kiếp sanh tử).
Vì thế, nam nữ nghe danh hiệu của Ngài, sẽ nhanh chóng thoát khỏi tội trong một trăm đại kiếp sanh tử.
3.2.4.1.2.3.1.1.10. Đại Thông Sơn Vương Phật
(Kinh) Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Đại Thông Sơn Vương Như Lai.
(經)又於過去有佛出世,號大通山王如來。
(Kinh: Trong quá khứ, lại có Phật xuất thế, hiệu là Đại Thông Sơn Vương Như Lai).
Sơn Vương tức là núi Tu Di, bảy rặng kim sơn vây quanh, cao chót vót giữa biển; vì thế, đặc biệt gọi là Vương. “Đại”: Núi cao tám vạn bốn ngàn do-tuần. “Thông” (通): Quang minh chiếu sáng ngời bốn phía. Điều này ví như Báo Thân Phật. Kinh Tiểu Bát Nhã chép: “Thí như hữu nhân, thân như Tu Di sơn vương, thị thân vi đại phủ? Tu Bồ Đề ngôn: – Thậm đại” (“Ví như có người thân như núi chúa Tu Di, thân ấy có lớn hay chăng?” Tu Bồ Đề thưa: “Rất lớn”). Đại sư nói: “Đấy chính là chẳng phải quả mà là quả, do nhân to nên quả to. Đắc pháp Ngũ Ấm, thành tựu Pháp Thân. Vì thế nói ‘to như núi Tu Di’ để sánh ví tánh sắc. Do sắc to nên Bát Nhã to. Như núi to nên thần cũng to. Tập quả đã viên mãn, báo quả cũng trọn vẹn. Vì thế nói là thân to”. Như vậy thì Đại Thông là cái nhân Bát Nhã, Sơn Vương là cái quả Báo Thân, Tứ Trí rốt ráo trang nghiêm.
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh giả, thị nhân đắc ngộ Hằng hà sa Phật, quảng vị thuyết pháp, tất thành Bồ Đề.
(經)若有男子女人,聞是佛名者,是人得遇恆河沙佛,廣為說法,必成菩提。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân, nghe danh hiệu đức Phật ấy, người đó sẽ được gặp chư Phật nhiều như cát sông Hằng, vì người ấy rộng nói pháp, ắt thành Bồ Đề).
Trong phần Hiển Ích, [kinh văn có nói] phàm những ai nghe danh hiệu của đức Phật này, sẽ được gặp chư Phật nhiều như cát sông Hằng vì người đó nói pháp. Do nghe Đại Thông Bát Nhã, cho nên cảm chư Phật vì người ấy nói Bát Nhã, khiến cho toàn tánh khởi tu. Đã nghe quả thể (bản thể của cái quả) nơi Sơn Vương, bèn cảm chư Phật thọ ký, khiến cho từ nhân mà đạt đến quả. Nghe danh hiệu một vị Phật, bèn thấu hiểu tánh và tu như một. Nhân quả thành tựu, Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, quả báo cũng chẳng thể nghĩ bàn.
3.2.4.1.2.3.1.2. Tổng chỉ chư Phật (nói chung về chư Phật)
(Kinh) Hựu ư quá khứ, hữu Tịnh Nguyệt Phật, Sơn Vương Phật, Trí Thắng Phật.
(經)又於過去,有淨月佛,山王佛,智勝佛。
(Kinh: Trong quá khứ lại có Tịnh Nguyệt Phật, Sơn Vương Phật, Trí Thắng Phật).
Tịnh Nguyệt (淨月): Chân Pháp Thân của Phật ví như hư không, ứng vật (ứng theo sự cơ cảm của chúng sanh) mà hiện hình, như bóng trăng trong nước. Trăng ví như thân Phật, Pháp Thân như hư không. Tâm quang sáng sạch, từ Chân mà ứng hiện, hiện bóng trong nước. Điều này minh thị “tam thân nhất thể”.
Sơn Vương trong tiếng Phạn là Thế Lễ Nại Ra Nhạ (Śailanrāja), cõi này dịch là Sơn Vương. Trong kinh Đại Phương Đẳng Đà La Ni, Hoa Tụ Bồ Tát tán thán đức Phật: “Thế Tôn thân sắc như kim sơn, do như nhật quang chiếu thế gian. Năng bạt nhất thiết chư khổ não, ngã kim khể thủ đại pháp vương” (Thế Tôn thân sắc như núi vàng, như ánh mặt trời soi thế gian, dẹp trừ hết thảy các khổ não, con nay kính lễ đại pháp vương) có ý nghĩa tương đồng.
Trí Thắng, tức là Nhất Thiết Chủng Trí. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã dạy: “Tát Bà Nhã (Tần ngôn nhất thiết trí tướng), thị Thanh Văn, Bích Chi Phật trí. Đạo Chủng Trí thị Bồ Tát trí. Nhất Thiết Chủng Trí thị chư Phật trí” (Tát Bà Nhã, Hán dịch là Nhất Thiết Trí Tướng, là trí của Thanh Văn và Bích Chi Phật. Đạo Chủng Trí là trí của Bồ Tát. Nhất Thiết Chủng Trí là trí của chư Phật). Do hết thảy chủng loại, tướng mạo đều biết, nên gọi là thù thắng trong các trí.
(Kinh) Tịnh Danh Vương Phật, Trí Thành Tựu Phật, Vô Thượng Phật.
(經)淨名王佛,智成就佛,無上佛。
(Kinh: Tịnh Danh Vương Phật, Trí Thành Tựu Phật, Vô Thượng Phật).
Tịnh Danh Vương: Ngũ trụ và nhị tử đều hết sạch, vì hết sạch tự tại, nên có danh xưng thù thắng này. Theo kinh Tập Nhất Thiết Phước Đức Tam Muội, ở phương Đông cách nơi đây ba mươi hai cõi Phật, có quốc độ tên là Phổ Vô Cấu, Phật hiệu là Tịnh Danh Vương. Trong A-tăng-kỳ kiếp lâu xa, đức Phật Thích Ca là một tiên nhân tên Tối Thắng, do nghe đức Phật ấy giảng Tập Nhất Thiết Phước Đức tam-muội mà về sau sanh vào nước ấy, nay được thành Phật.
Trí Thành Tựu: Do dùng hai trí Quyền và Thật để thành tựu.
Vô Thượng là danh hiệu tôn quý cùng cực. Hễ có gì cần phải đoạn trừ thì gọi là Hữu Thượng Sĩ. Đã chẳng có gì phải đoạn thì gọi là Vô Thượng. Như Phật Thuyết Vô Thượng Xứ Kinh đã dạy: “Nhược chúng sanh ư Phật vô thượng xứ, khởi tín hướng tâm giả, ư thiên nhân trung, đắc vô thượng quả” (Nếu chúng sanh đối với chỗ vô thượng của Phật mà khởi tâm tin tưởng, hướng về, sẽ ở trong trời, người mà đắc quả vô thượng).
(Kinh) Diệu Thanh Phật, Mãn Nguyệt Phật, Nguyệt Diện Phật.
(經)妙聲佛,滿月佛,月面佛。
(Kinh: Diệu Thanh Phật, Mãn Nguyệt Phật, Nguyệt Diện Phật).
Diệu Thanh: Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Sơn cốc, khoáng dã, kỳ trung đa hữu Ca-lăng-tần-già xuất diệu âm thanh. Như thị mỹ âm, nhược thiên, nhân, Khẩn Na La đẳng, vô năng cập giả, duy trừ Như Lai âm thanh, cố viết Diệu Thanh” (Trong hang núi, đồng hoang, có nhiều chim Ca-lăng-tần-già hót tiếng vi diệu. Âm thanh đẹp đẽ như thế, dù là trời, người, hay Khẩn Na La v.v… đều chẳng thể sánh bằng, chỉ trừ âm thanh của Như Lai, nên nói là Diệu Thanh).
Hai vị Phật Mãn Nguyệt và Nguyệt Diện ý nghĩa đại để tương đồng. Như kinh dạy: “Như thập ngũ nhật nguyệt, viên mãn cụ túc, chúng tinh trung vương, tối thượng, tối thắng, Phật diện thanh tịnh viên mãn, diệc như nguyệt nhĩ” (Như trăng ngày Rằm, trọn đủ viên mãn, là vua trong các ngôi sao, tối thượng, tối thắng. Mặt Phật thanh tịnh viên mãn cũng giống như mặt trăng).
(Kinh) Hữu như thị đẳng, bất khả thuyết Phật.
(經)有如是等,不可說佛。
(Kinh: Có bất khả thuyết Phật như thế đó).
Có bất khả thuyết Phật như thế đó, chẳng thể nói trọn hết kiếp số và lợi ích do nghe danh hiệu của các Ngài, vì thế bèn tổng kết, biết là ngài Địa Tạng từ thuở phát tâm đến nay, đã gặp gỡ các vị như Phật Thích Ca, đều được mỗi vị phó chúc độ thoát, cũng như ngày nay trên thiên cung, chẳng thể nghĩ bàn được! Phần Xưng Danh đã xong.
3.2.4.1.2.3.2. Kết ích (tổng kết lợi ích)
3.2.4.1.2.3.2.1. Sanh thời xưng danh ích (lợi ích khi xưng danh trong khi còn sống)
3.2.4.1.2.3.2.1.1. Ước nhất đa huống ích (xét theo một danh hiệu để luận lợi ích do nghe nhiều danh hiệu)
(Kinh) Thế Tôn! Hiện tại, vị lai nhất thiết chúng sanh, nhược thiên, nhược nhân, nhược nam, nhược nữ, đản niệm đắc nhất Phật danh hiệu, công đức vô lượng, hà huống đa danh?
(經)世尊!現在未來一切眾生,若天若人,若男若女,但念得一佛名號,功德無量,何況多名?
(Kinh: Bạch Thế Tôn! Hết thảy chúng sanh trong hiện tại và vị lai, dù trời hay người, dù nam hay nữ, chỉ niệm danh hiệu của một vị Phật thì công đức đã là vô lượng, huống hồ nhiều danh hiệu?)
Đạo và tục tương phản, danh và thật trái nghịch. Nắm được ý thú này, khéo thấu hiểu lý thâm u. Vì sao vậy? Như thế tục, đối với cha, ông, chẳng được nhắc đến tên gọi. Nhưng trong pháp môn Phật danh, xưng dương [danh hiệu Phật] bèn được phước vô lượng. Ấy là vì chư Phật Như Lai đại từ thương xót muôn loài, giáng hạ cõi tục, lấy việc tế độ làm đầu. Kẻ có tâm mong mỏi, ngưỡng mộ [chư Phật], chẳng có ai không được lợi ích. Hoặc dùng miệng xưng niệm, hoặc dùng tâm niệm, hoặc dùng thân lễ, ba nghiệp tôn kính, tam độc thanh lương, dần dần dẹp trừ hữu căn, thoát khỏi sự ràng buộc của ba cõi. Do có đức to lớn ấy, người xưng danh hiệu Phật sẽ được phước. Những kẻ thuận theo thói tục lại trái nghịch những điều trên đây. Kinh Thập Luân dạy: “Nhược niệm nhất Phật, tắc kiến nhất Phật. Nhược niệm đa Phật, tắc kiến đa Phật. Nhược niệm tiểu thân Phật, tắc kiến tiểu thân Phật. Nhược niệm đại thân Phật, tắc kiến đại thân Phật. Nhược niệm vô lượng thân Phật, tắc kiến vô lượng thân Phật đẳng” (Nếu niệm một vị Phật, sẽ thấy một vị Phật. Nếu niệm nhiều vị Phật, sẽ thấy nhiều vị Phật. Nếu niệm Phật thân nhỏ, sẽ thấy Phật thân nhỏ. Nếu niệm Phật thân lớn, sẽ thấy Phật thân lớn. Nếu niệm vô lượng thân Phật, sẽ thấy vô lượng thân Phật v.v…) Vì thế, dùng một vị Phật để từ so sánh mà biết nhiều vị Phật.
3.2.4.1.2.3.2.1.2. Ước sanh tử đắc lợi (xét theo lợi ích khi sanh tử)
(Kinh) Thị chúng sanh đẳng, sanh thời, tử thời, tự đắc đại lợi, chung bất đọa ác đạo.
(經)是眾生等,生時死時,自得大利,終不墮惡道。
(Kinh: Các chúng sanh ấy lúc sanh, lúc tử, tự đạt được lợi ích to lớn, trọn chẳng đọa vào ác đạo).
Pháp sư Viên Trừng[4] nói: “Lục đạo phàm phu, tam thừa hiền thánh, tánh giác bảo quang ai nấy đều viên mãn, vốn chẳng gọi là chư Phật, mà cũng chẳng gọi là chúng sanh. Chỉ vì cái tâm này chẳng giữ lấy tự tánh, thuận theo cái duyên mê ngộ, tạo nghiệp, thọ khổ, nên gọi là chúng sanh. Tu đạo chứng chân, bèn gọi là chư Phật”. Đức Phật thương xót chúng sanh, do vọng tưởng, chấp trước mà chẳng chứng đắc; nhưng vẫn là xứng pháp giới tánh, [do vậy, đức Phật] nói ra pháp môn Niệm Phật. Nếu có được pháp môn ấy, sẽ có một ngày bằng với chư Phật. Nếu chẳng được môn ấy, uổng công tu bao kiếp dài lâu! Vì thế, chúng sanh khi sanh, lúc tử, nếu thật sự có thể niệm Phật, hoặc một vị Phật, hoặc nhiều vị Phật, ai nấy đều tự đạt được các lợi ích to lớn, trọn chẳng đọa vào ác đạo. Nhưng đấy là các vị Phật mà Đại Sĩ đã đích thân gặp gỡ, đích thân thừa sự, cúng dường, nên đạt được lợi ích. Tuy vậy, các kinh luận chỉ tán dương Tây Phương A Di Đà Phật, [vì Ngài có] nguyện lực đặc biệt thiên trọng tiếp dẫn Sa Bà. Do đó, trong hạnh nguyện của đức Phổ Hiền, chỉ tột bậc xưng tán Di Đà. Nếu ai ngay trong lúc sanh tử, thật sự có thể chân thành xưng niệm [A Di Đà Phật], cảm ứng càng nhiều hơn. Đó gọi là “chẳng giở chân mà về Tịnh Độ an trụ. Chẳng phải suy lường mà chứng Di Đà”, há còn phải nói năng, suy nghĩ gì nữa? Ngộ hay mê chỉ tại tự tâm, siêu thăng hay chìm đắm há do pháp nào khác? Hãy tin chắc, tận lực hành trì, sẽ tự thấy kết quả của công sức.
3.2.4.1.2.3.2.2. Lâm chung xưng danh ích (lợi ích do xưng danh lúc lâm chung)
3.2.4.1.2.3.2.2.1. Thị xưng danh diệt tội (chỉ ra: Do xưng danh mà diệt tội)
(Kinh) Nhược hữu lâm mạng chung nhân, gia trung quyến thuộc, nãi chí nhất nhân, vị thị bệnh nhân, cao thanh niệm nhất Phật danh, thị mạng chung nhân, trừ Ngũ Vô Gián tội, dư nghiệp báo đẳng, tất đắc tiêu diệt.
(經)若有臨命終人,家中眷屬,乃至一人,為是病人,高聲念一佛名,是命終人,除五無間罪,餘業報等,悉得銷滅。
(Kinh: Nếu có kẻ sắp mạng chung, quyến thuộc trong nhà, dẫu chỉ một người, vì bệnh nhân ấy, lớn tiếng niệm danh hiệu một vị Phật, người mạng chung ấy, trừ diệt tội Ngũ Vô Gián, các nghiệp báo khác đều được tiêu diệt).
“Nãi chí nhất niệm nhất Phật danh” (thậm chí niệm danh hiệu một vị Phật): Từ nhiều người, nhiều Phật, cho đến cực ít. Kinh Đại Bi dạy: “Nhất xưng Nam-mô Phật danh giả, dĩ thị thiện căn, nhập Niết Bàn giới, bất khả tận dã” (Xưng Nam-mô Phật một tiếng, do thiện căn ấy cho tới khi nhập Niết Bàn giới, [thiện căn ấy] chẳng thể cùng tận); còn ngờ tội ngũ Vô Gián chẳng tiêu diệt chi nữa! Tội nghịch cực trọng đã tiêu, các nghiệp báo thấp hơn khác há chẳng đều diệt ư? (Trong chánh kinh, “trừ” có nghĩa là “trừ khử”, chẳng phải là “loại trừ”, chẳng tiêu). Xưa kia, Đại Trí luật sư phát nguyện thường sanh Sa Bà, làm đại đạo sư. Lại thấy pháp sư Huệ Thị nói: “Cõi Cực Lạc tuy tịnh, chẳng phải là chỗ ta mong mỏi”. Do vậy, Sư coi thường pháp môn Tịnh Độ chẳng quy hướng. Thấy người tu Tịnh nghiệp, lại còn sanh lòng khinh rẻ, báng bổ. Về sau, Sư bị bệnh nặng, thần thức mê muội, mờ mịt, nhanh chóng cảm nhận trước kia mình đã sai trái, tự trách sâu xa. Sư lại đọc Thập Nghi Luận của tổ Thiên Thai, thấy Sơ Tâm Bồ Tát chưa đắc Vô Sanh Nhẫn, cần phải thường chẳng lìa Phật.
Hơn nữa, Đại Trí Độ Luận nói: “Phàm phu trọn đủ triền phược, có tâm đại bi, nguyện sanh trong đời ác để cứu chúng sanh đang đau khổ, chẳng có lẽ ấy! Ví như trẻ thơ, chẳng được lìa mẹ. Lại như [chim non] lông vũ yếu ớt, chỉ nên chuyền cành”. Từ đấy, Sư vứt sạch sở học trước kia, chuyên theo đuổi giáo môn Tịnh Độ, suốt mười mấy năm, chưa từng tạm bỏ.
Lại như Pháp Chiếu đại sư đời Đường, vào Trúc Lâm Tự ở Ngũ Đài, thấy ngài Văn Thù ở phía Tây, ngài Phổ Hiền ở phía Đông, vì đại chúng thuyết pháp. Pháp Chiếu làm lễ, hỏi rằng: “Phàm phu đời Mạt trí thức nông cạn, kém cỏi, Phật tánh tâm địa chẳng nhờ đâu mà hiển hiện được! Chẳng rõ tu pháp môn gì là trọng yếu nhất?” Ngài Văn Thù dạy: “Trong các môn tu hành, không gì bằng niệm Phật! Ta do niệm Phật mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí”.
Sư lại hỏi: “Nên niệm như thế nào?” Ngài Văn Thù bảo: “Phía Tây thế giới này có A Di Đà Phật, nguyện lực khó nghĩ tưởng. Ông hãy nên hệ niệm, đừng để gián đoạn, mạng chung quyết định vãng sanh”. Nói xong, xoa đầu ngài Pháp Chiếu, bảo lui ra. Pháp sư Huệ Nhật cầu hắc Quán Âm[5], cảm hiện tướng quang minh, những điều Bồ Tát dạy dỗ, đại lược tương đồng. Vì thế, nhất quyết chớ nên không tin tưởng pháp môn Niệm Phật!
3.2.4.1.2.3.2.2.2. Thích diệt Vô Gián nghi (giải trừ mối nghi về niệm Phật có thể diệt tội Vô Gián)
(Kinh) Thị Ngũ Vô Gián tội, tuy chí cực trọng, động kinh ức kiếp liễu bất đắc xuất, thừa tư lâm mạng chung thời, tha nhân vị kỳ xưng niệm Phật danh, ư thị tội trung diệc tiệm tiêu diệt.
(經)是五無間罪,雖至極重,動經億劫了不得出,承斯臨命終時,他人為其稱念佛名,於是罪中亦漸銷滅。
(Kinh: Tội Ngũ Vô Gián tuy nặng nề nhất, trải qua ức kiếp trọn chẳng thoát ra, nhờ vào lúc sắp mạng chung, người khác vì kẻ ấy xưng niệm danh hiệu Phật, do đó, tội cũng dần dần tiêu diệt).
Nghi rằng: Nghiệp Vô Gián nặng nề, sao lại do một người xưng một danh hiệu Phật liền có thể tiêu diệt ư? Như kinh Tăng Nhất A Hàm dạy: “Chúng sanh tam nghiệp tạo ác, lâm chung ức niệm Như Lai công đức giả, tất ly ác đạo thú, đắc sanh thiên thượng. Chánh sử cực ác chi nhân, dĩ niệm Phật cố, diệc đắc sanh thiên” (Chúng sanh ba nghiệp tạo ác, lâm chung nghĩ nhớ công đức của Như Lai, ắt lìa khỏi đường ác, được sanh lên trời. Dẫu là kẻ cực ác, do niệm Phật, cũng được sanh lên trời). Vì thế biết: Tội nghiệp Vô Gián tuy nặng, trải nhiều kiếp khó thoát, nhưng nhờ vào sức niệm Phật khi lâm chung mà điên đảo, mê hoặc chẳng dấy lên, pháp tánh hiện tiền. Vì thế, có thể diệt tội. Do đó, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Thiết văn Như Lai danh, cập dữ sở thuyết pháp, bất sanh tín giải, diệc năng thành chủng” (Nếu nghe danh hiệu của Như Lai và được Ngài thuyết pháp, dẫu chẳng sanh tin hiểu, cũng có thể trở thành đạo chủng). Huống chi nay được quyến thuộc tín tâm vì người ấy xưng Phật danh, há lẽ nào chẳng diệt trừ ư? Ví như dùng gân sư tử làm dây đàn, vừa tấu lên, hết thảy các sợi dây đàn khác đều đứt. Cũng như các thứ sữa bò, dê, lừa, ngựa cùng đựng trong một bát, nếu lấy một giọt sữa sư tử nhỏ vào, các thứ sữa ấy đều hóa thành nước. Nay đã hành Bồ Đề tâm, vì người ấy niệm Phật, tiêu diệt trọng tội, còn nghi chi nữa!
3.2.4.1.2.3.2.2.3. Huống tự xưng phước tội (huống hồ tự xưng sẽ diệt tội, được phước)
(Kinh) Hà huống chúng sanh tự xưng, tự niệm, hoạch phước vô lượng, diệt vô lượng tội.
(經)何況眾生,自稱自念,獲福無量,滅無量罪。
(Kinh: Huống hồ chúng sanh tự xưng, tự niệm, đạt phước vô lượng, diệt vô lượng tội).
Đây là tổng kết bằng cách so sánh “huống hồ”, nhằm khuyên mọi người tự niệm là thù thắng nhất. Do người khác niệm thay cho mà còn có thể diệt tội như thế, huống hồ chính mình tự niệm ư? Vì thế, Đại Luận, quyển thứ hai mươi bốn chép: “Hỏi: Khi lâm chung, cái tâm ngắn ngủi trong lúc ấy vì sao có thể hơn hẳn hạnh lực suốt đời? Đáp: Tâm ấy tuy ít, nhưng sức mạnh mẽ, nhạy bén. Như lửa hoặc chất độc tuy ít, mà có thể thành đại sự. Cái tâm lúc sắp chết quyết định mạnh mẽ, cho nên hơn hẳn hạnh lực cả trăm năm. Đó là hậu tâm, là đại tâm, do bỏ thân và các căn là chuyện cấp bách, cho nên khi niệm Phật, tội đều trở thành phước. Như Kỳ Bà nhặt lấy cỏ, không gì chẳng đều là thuốc, đều có thể trị lành bệnh. Thích Ma Nam[6] hễ cầm lấy hết thảy cát, sỏi, chúng đều biến thành chất báu, khắp tâm, đầy mắt, không gì chẳng phải là Phật cảnh. Thấy tội phước chính là Thật Tướng”. Đã thuần là Thật Tướng, tìm tội phước còn chẳng thể được, còn bàn hữu lượng hay vô lượng chi nữa? Nay do thuận theo thế tục, cho nên nói là tự xưng, tự niệm, đạt được phước, diệt tội vượt xa trường hợp trước nhiều lần!
***
[1] Duy Vệ chỉ là cách phiên âm khác của danh xưng Vipaśyin.
[2] Ngũ Chướng: Phiền Não Chướng, Nghiệp Chướng, Sanh Chướng (chỗ sanh về bị quyết định bởi nghiệp chướng của chính mình), Pháp Chướng (chướng ngại nghe pháp, học pháp, tu trì), và Sở Tri Chướng.
[3] Giới Sớ là tên gọi tắt của bộ Thiên Thai Bồ Tát Giới Kinh Nghĩa Sớ, tức tác phẩm chú giải Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh, do tổ Trí Giả giảng, ngài Quán Đảnh ghi thành sách. Tác phẩm này về sau lại được chú giải lần nữa như Bồ Tát Giới Nghĩa Sớ San Bổ của ngài Minh Khoáng, Bồ Tát Giới Nghĩa Sớ Sao của ngài Đạo Hy, Bồ Tát Giới Nghĩa Sớ Ký của ngài Uẩn Tế, Bồ Tát Giới Kinh Nghĩa Sớ Phát Ẩn của tổ Liên Trì, Bồ Tát Giới Nghĩa Sớ Kiến Văn của ngài Đạo Quang v.v…
[4] Ngài Trạm Nhiên Viên Trừng (1561-1626) là một vị cao tăng đời Minh, quê ở Cối Kê thuộc Thiệu Hưng Phủ, tỉnh Chiết Giang, họ ngoài đời là Hạ, pháp tự Trạm Nhiên, biệt hiệu là Tán Thủy Đạo Nhân. Ngài mắt to, mũi to, môi hớt, lộ răng, tướng mạo kỳ dị, nhưng thiên tư thông minh mẫn tiệp, biện tài thù thắng. Ngài đắc giới với tổ Liên Trì, ngộ đạo lúc ba mươi tuổi. Ngài y chỉ pháp sư Ngọc Phong, cầu học văn tự. Một hôm, Sư vào phương trượng, xin ngài Ngọc Phong dạy kinh. Ngài Ngọc Phong hỏi: “Chữ Đinh không biết, chẳng tu khổ hạnh, cầu kinh gì đây?” Viên Trừng thưa: “Cầu đạo tham ngộ là đại sự, sao lại khư khư văn tự?” Ngài Ngọc Phong lấy làm lạ, bèn lấy kinh Pháp Hoa trao cho, dặn dò: “Đây là cốt tủy của chư Phật, trân trọng đọc kỹ, sẽ có sở đắc”. Về sau, do nghe ngài Ẩn Phong hỏi: “Chỉ xem người niệm Phật là ai?” Sư bỗng ngộ đạo. Ngài để lại các tác phẩm Lăng Nghiêm Ức Thuyết, Pháp Hoa Ý Ngữ, Kim Cang Tam Muội Kinh Chú, Niết Bàn Hội Sớ, Khái Cổ Lục, Tông Mông Hoặc Vấn…
[5] Hắc Quán Âm là một pho tượng ở xứ Kiện Đà La tại Ấn Độ. Pháp sư Huệ Nhật quê ở Đông Lai (tỉnh Sơn Đông), xuất gia dưới thời Đường Trung Tông. Do hâm mộ pháp sư Nghĩa Tịnh sang Thiên Trúc cầu đạo, Sư cũng phát nguyện sang Ấn Độ tham bái, cầu học. Sư ngồi thuyền vượt Nam Hải, mất ba năm mới đến được Ấn Độ. Sư chiêm bái các thánh tích và tìm kiếm nguyên bản bằng tiếng Phạn của các bộ kinh Đại Thừa. Ngài tham phỏng các bậc tôn túc tại Thiên Trúc thời đó, đều được khuyên nên học pháp môn Tịnh Độ, cầu sanh thế giới Cực Lạc. Nghe nói ở Đông Bắc vương thành Kiện Đà La tại Bắc Ấn có một quả núi to, trên núi có thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cực linh ứng. Ngài bèn tìm đến đó, trèo lên núi, khấu đầu suốt bảy ngày, cầu Bồ Tát chỉ điểm. Đến tối ngày thứ bảy, Quán Thế Âm Bồ Tát từ hư không hiện ra, ngồi trên hoa sen bảy báu, đưa tay phải xoa đầu Huệ Nhật dạy: “Nếu con muốn hoằng truyền Phật pháp, tự lợi, lợi tha, hãy nên chuyên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, chí thành phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Sau khi thấy Phật và Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát, sẽ được vô thượng lợi ích. Hãy nên biết công đức của pháp môn Tịnh Độ thù thắng vượt xa các pháp môn khác”.
[6] Thích Ma Nam chính là ngài Ma Ha Nam (Mahānāma-koliya), dịch nghĩa là Đại Hiệu, hay Đại Danh. Ngài là một trong năm vị đệ tử đầu tiên của đức Phật. Cha Ngài là chú của đức Phật.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ